IV. Một dân tộc có não trạng Trung Đông.
Dọc suốt lịch sử mình, Ít-ra-en tiếp xúc với các nước láng giềng, quen thạo những kiệt tác văn chương của họ. Ở đây thử phân tích một số não trạng những nền văn minh đó.
1. Não trạng Ai-cập được đào luyện bởi xứ sở.
Người Ai-cập sống trên vùng đất đầy ánh sáng; nếu như họ cảm thấy sợ hãi khi mặt trời khuất bóng ban tối, kinh nghiệm cho biết mặt trời sẽ mọc lên mỗi ban mai sau khi đánh bại thần tối tăm. Mặt trời được gọi thần trên các thần, sinh ra mọi thần khác cũng như loài người. Chúng ta biết được có một bài ca cho Thần Mặt Trời do vua Pha-ra-on A-khê-na-tôn viết khoảng năm 1350, và chắc tác giả Thánh vịnh 104 cũng đã gợi hứng từ bài ca này.
Ai cập có sông Nil với giòng thủy triều lên xuống rất đều, đem lại phì nhiêu cho đất nước và phồn thịnh cho dân tộc. Do đó, người Ai cập tính tình rất cởi mở và lạc quan. Các thần của người Ai-cập thường tốt và chăm sóc trên loài người. Chết không phải hết nhưng bắt đầu cuộc sống mới chờ đợi người tín đồ, cho dù cuộc sống này ít có điều riêng tư.
2. Não trạng Lưỡng- Hà chung chung khác người Ai-cập vì họ rất bi quan.
Người dân vùng này sống trong một thung lũng với những thiên tại lụt lội không biết trước được. Đôi khi gây nên những trận "hồng thủy" mà người ta còn tìm thấy dấu vết trong những cuộc khai quật khảo cổ. Ngoài ra, họ còn thường bị đám du mục đến từ sa mạc A-ra-bie, hoặc từ cao nguyên xứ I-ran tuôn dồn ồ ạt xâm chiếm.
Các thần người Lưỡng- Hà tính tình bất thường, luôn đối chọi nhau. Con người thoáng hiện như kẻ phải chết sợ sệt đi tìm tránh né những nổi giận của họ. Các thần cho họ cái chết để phân chia như trong thần thoại Gil-ga-mesh, và họ nhào nặn con người trong dối trá. Vương quốc sau khi chết thật buồn thảm : bóng kẻ qua đời quy tụ lại chốn đó cho một số mệnh không vui tươi.
Sau đây là ba chuyện thần thoại đến từ miền Lưỡng Hà.
Anh hùng ca Atra- Hasis (kẻ rất thông minh) tìm thấy ở Ba-by-lone, được viết năm 1600 trước công nguyên. Bài thơ dài 1645 câu đưa ra hình ảnh các thần mệt mỏi vì những việc nặng nhọc phải làm. Họ mới quyết định dựng nên loài người để làm thay mình. Họ lấy đất sét trộn với máu một thần bị giết nặn lên hình người. Nhưng khi loài người sinh sản ra quá nhiều, gây ồn ào; các thần mệt mõi nên đã giành nhiều tai họa đến cho loài người và cuối cùng là trận hồng thủy. Nhưng thần E-a thương tình báo cho một người đóng một chiếc thuyền, đưa gia đình và mỗi cặp súc vật vào trong đó...
Thi ca E-nou-ma E-lish (Khi ở trên cao...) cũng rất cổ kính, có lẽ vào khoảng năm 1100 trước công nguyên. Khởi đầu mọi sự có hai nguyên lý hữu tính. Thần nước ngọt, Ap-sou và thần nước mặn Ti-â-mat. Từ họ sinh ra tất cả các thần. Vì các thần này làm cản trở Ti-â-mat nên thần muốn giết họ, nhưng thần Mar-duk thắng Ti-â-mat, xẻ đôi Ti-â-mat như xẻ vỏ hến và làm nên vòm trời. Rồi Mar-duk dựng nên loài người từ máu của một thần nổi loạn...
Anh hùng ca Gil-ga-mesh chắc là tác phẩm thời danh nhất của đất cổ Lưỡng Hà. Tác phẩm khai sinh tại Su-mer và được khai triển suốt cả ngản năm tại As-sy-rie và Ba-by-lonie. Tại Pa-les-tine, người Hit-ti-tes sao chép lại. Bản văn hiện có bao gồm tất cả 12 bài ca. Gil-ga-mesh là anh hùng vùng Su-mer. Các thần rất bực bội vì Gil-ga-mesh kiêu căng. Để chống lại Gil-ga-mesh, các thần dựng nên một đối thủ của Gil-ga-mesh là En-ki-du. Quái thai En-ki-du sống giữa loài thú. En-ki-du lấy hình mỹ nhân đến làm quen với Gil-ga-mesh, và họ trở thành bạn hữu và cả hai hoàn thành rất nhiều thành tích. Nhưng ngày kia En-ki-du lăn ra chết, Gil-ga-mesh khám phá sự độc ác của cái chết, nên đi tìm sự bất tử. Gil-ga-mesh được trao cho bí mật cây trường sinh. Khi Gil-ga-mesh chiếm được thì lại bị con rắn cắn trộm cây đó. Gil-ga-mesh đành phải chấp nhận cái chết...
3. Não trạng người Ca-na-an được thế giới biết đến nhiều hơn từ khi khám phá ra thư viện U-ga-rit là thành Ras Sham-ra hiện nay của nước Sy-rie vào năm 1929.
Nhờ đó người ta biết văn minh U-ga-rit đã đạt tới cao đỉnh vào năm 1500 trước công nguyên, là thời đại các Tổ Phụ. Thần của người Ca-na-an gọi là EL (một trong các danh hiệu chỉ Thiên Chúa trong Thánh Kinh với số nhiều là E-LO-HIM, chỉ uy quyền của Thiên Chúa). Tôn giáo Ca-na-an tôn kính sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hóa : BA-AL là thần bão táp và mưa gió, đôi khi gọi là thần "ngự giá đằng vân" (như hình ảnh Thiên Chúa trong Thánh vịnh 68,5); và A-NAT là chị em của BA-AL sau gọi là AS-TAR-TE, là thần chiến tranh, thần Ái tình và thần Sinh sản.
Ít-ra-en, nhất là vương quốc Sa-ma-rie bị tôn giáo này thu hút; vì vậy thấy còn giữ những nghi thức tính dục trao hiến cho nữ thần trần truồng ở những nơi cao, và làm những nghi thức này xin cho đất màu mỡ và súc vật sung túc.
4. Não trạng Thánh Kinh.
Nét căn bản cho thấy não trạng Thánh Kinh khác hẳn với các não trạng nói trên.
She-ma Is-ra-el, A-do-nai hé-dad ! Ít-ra-en, nghe đây, Thiên Chúa là Chúa duy nhất ! là cốt lỏi lòng tin dân Ít-ra-en do sách Đệ Nhị Luật 6,4 xác định. Họ ý thức Thiên Chúa đang chất vấn và họ đáp lại trong tình yêu mến. Nếu phác vẽ ra, ta có thể vẽ tư tưởng thần thoại bằng một mũi tên đi từ con người và trở về con người : Con người phóng sang bên kia một thần, rồi dùng nghi lễ cố gắng lấy lòng được thần đó để phù hộ cho mình.
Trong Thánh Kinh, mũi tên đi ngược lại. Chính Thiên Chúa chất vấn con người và con người đáp lại. Nghi lễ là câu trả đáp đó. Nghi lễ có thể như nhau, nhưng đã đổi chiều. Chẳng hạn, một em bé đến đưa cho má một bông hoa có ý xin má cho đi xem xi-nê, rồi cũng em đó dâng hoa cho má nhân ngày lễ các bà mẹ : hành động thứ nhì mang dấu chỉ nhưng không diễn tả trả đáp tình thương của bà mẹ. Đó là một tập tục tỏ lòng biết ơn, một thái độ căn bản của hiến lễ tạ ơn (Eucharistie).
5. Thần thoại.
Nhiều lần ta gặp danh từ "thần thoại". Từ này mang nghĩa gì ? Thần thoại là câu chuyện tưởng tượng lấy thần thánh làm vai chính, sinh sống và hành động trong một bồng lai tiên cảnh. Thế nhưng nội dung lại phản chiếu những khát vọng của người trần trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Những vấn đề lớn được nêu ra như : Vũ trụ bởi đâu mà có ? Tại sao con người hiện hữu ? Tại sao có đau khổ và chết chóc ? Tại sao có phái tính ? Mối tương quan giữa con người và thần thánh ? ...
Thay vì trình bày và nghiên cứu những vấn đề đó trong những sách vở thông thái và khó hiểu, như người ta thường làm ngày hôm nay, các thần thoại làm như sách "hoạt họa". Chúng ta lấy ví dụ cụ thể ngày nay như các cuộc thi hoa hậu. Vào một thời đại không còn bao nhiêu vương quốc nữa, người ta lại bầu lên một hoàng hậu bao quanh bởi những á hậu; thật vậy, cuộc sống chúng ta thường trải ra trong buồn tẻ với những phiền não hằng ngày. Hoa hậu được đội vương miện và nhận đầy quà cáp... Tất cả làm cho cuộc thi triển này ở vào một thế giới khác, một thế giới mộng tưởng, hoang đường. Thế nhưng điều đó diển đạt ước muốn tự nhiên của người đàn bà là đẹp, giàu có và thành công, còn ước muốn người đàn ông là được nhìn ngắm người đẹp. Nhưng nó cũng có cái bù vào : chúng ta có thể bị cái thần thoại này tha hóa và không còn tự do và là mình nữa. Chúng ta thấy các thiếu nữ bắt chước kiểu tóc của cô Hoa hậu hoặc rán sức đạt tới chiều cao, vòng ngực... của Hoa hậu mà mình dư biết chưa chắc hợp với thân thể của ta. Một số tiểu thuyết bằng hình đưa ra hình ảnh cô thư ký lấy được ông Tổng gíam đốc cũng giữ vai trò tương tự. Những sách hình này làm các cô thư ký mơ ước, sống trong mộng, và trong giới hạn nào đó xao lãng công việc và chỉ nghĩ cách quyến rũ con trai vị giám đốc...
Một cách rất giản dị, chúng ta có thể nói các huyền thoại lấy câu hỏi lớn con người mang trong họ và dự phóng ra dưới hình thức câu chuyện trong một thế giới không thật, trong một thế giới các thần lúc chưa có loài người. Chuyện các thần tức là chuyện của chúng ta được chuyển đổi và trở thành mẫu mực con người cần sao chép.
Con người tự hỏi ý nghĩa sức hấp dẫn giữa những người khác phái hoặc làm cách nào đạt được khả năng sinh đẻ. Họ tưởng tượng một thế giới ngoài thời gian, nơi đó có những thần nam nữ yêu nhau, ăn ở với nhau và sinh con đẻ cái. Nếu như họ sinh sản nhiều thì đất đai và súc vật cũng sẽ như thế, vì các thần chỉ là sự chuyển đạt không thực về sự hiện hữu của chúng ta. Cho nên bắt buộc các thần phải sinh sản nhiều, với những tập tục mang mục đích buộc họ phải ăn ở với nhau. Linh dâm ở Ba-by-lone hay tại những nơi ở Ca-na-an không phải như hội tế thần rượu nhưng là một nghi lễ tôn giáo xin cho đất màu mỡ.
Những chuyện thần thoại xưa và nay vì thế đều có tính cách nghiêm chỉnh vì diễn đạt những suy tư đầu tiên của loài người. Chúng ta hiểu Thánh Kinh lấy lại ngôn ngữ này diễn đạt suy tư riêng. Nhưng Thánh Kinh biến đổi chúng sâu xa. Ví dụ từ một cuốn chuyện hình, Thánh Kinh đã biến thành một tiểu thuyết về tâm lý.
Chúng ta lấy một tiểu thuyết tâm lý. Trong câu chuyện có cặp vợ chồng với nỗi vui buồn... Thoạt tiên giống như một cuốn sách hình, nhưng thật ra nó hoàn toàn trái ngược. Cuốn tiểu thuyết không làm chúng ta viễn vông trong mộng, nhưng đưa ta vào cuộc sống thường nhật vì cuốn sách được kết bằng ngàn điều quan sát đến từ tác giả cho những cặp vợ chồng khác nhau. Cuốn sách bắt chúng ta phải suy nghĩ về cuộc sống mình phải nắm lấy.
Cảm hứng theo những chuyện thần thoại, đặc biệt trong các trình thuật về cuộc sáng tạo. Thánh Kinh suy nghĩ lại những chuyện đó dưới ánh sáng niềm tin của mình vào một Thiên Chúa duy nhất, can thiệp vào lịch sử và muốn loài người được tự do.