QUẬN CAM, California (NV) – Chỉ mới cách đây chừng hai thập niên, người Mỹ mỗi khi đi chơi xa phải dùng những cuốn bản đồ dầy cui để dò tìm đường đi. Nhờ hệ thống định vị GPS được đưa vào áp dụng cho mục đích dân sự, người lái xe nay có thể thoải mái đi khắp nơi mà không sợ bị lạc đường, chỉ với một thiết bị GPS nhỏ gọn đặt trên xe. Có thể nói GPS là một tiện ích vào bậc nhất đối với người lái xe trong đầu thế kỷ 21.
Theo trang mạng consumerreports.org, ngày nay GPS trở thành một thiết bị không thể thiếu cho người lái xe. GPS cài sẵn là trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe. GPS cũng vẫn có ở dạng một thiết bị độc lập. Nhưng phổ biến nhất vẫn là ứng dụng GPS trên những chiếc điện thoại di động. Mỗi loại đều có những ưu nhược điểm riêng.
Có nhiều loại GPS để người lái lựa chọn. (Hình: NICOLAS MAETERLINCK/BELGA MAG/AFP via Getty Images)
Theo một chuyên viên về xe hơi của Consumer Reports, GPS tích hợp trong xe đời mới có các tính năng ưu việt mà ứng dụng trên điện thoại hoặc thiết bị GPS độc lập không có. Tuy nhiên, ứng dụng GPS trên điện thoại và thiết bị GPS độc lập vẫn có ưu điểm riêng, đặc biệt với người lái đang đi những mẫu xe cũ. Hãy cùng điểm qua ba loại GPS này.
1- GPS cài sẵn trong xe. Nó được tích hợp vào màn hình thông tin giải trí của xe. Nó thường là tùy chọn ở những phiên bản xe cao cấp, hoặc là tiêu chuẩn ở một số mẫu xe hạng sang.
Ưu điểm: GPS tích hợp hiển thị trên màn hình điều khiển, nên dễ nhìn và không khiến người lái mất tập trung. Chúng sử dụng hệ thống camera của xe và một số công nghệ khác để cung cấp việc dẫn đường tiên tiến, thuận lợi. Thí dụ như chiếu hướng dẫn đường lên kính chắn gió phía trước. GPS tích hợp trong hầu hết các mẫu xe điện cũng giám sát việc sạc bình điện, giúp người lái tìm nơi để sạc thuận lợi.
Nhược điểm: Chuyên viên của Consumer Reports nhận thấy hệ thống định vị trong một số xe có các bước sử dụng khá phức tạp; và lệnh thoại có thể gây nhầm lẫn và khó chịu khi sử dụng. GPS tuỳ chọn sẽ làm giá xe tăng thêm; một số GPS cao cấp có thể làm xe tăng giá lên hàng nghìn đô la!
2- GPS độc lập. Trước khi có GPS trên điện thoại, những thiết bị GPS như Garmin, TomTom là phổ biến nhất. Chúng được gắn vào bảng điều khiển hoặc kính chắn gió, đưa ra hướng dẫn chỉ đường trên một màn hình tương đối lớn. Những loại GPS này thích hợp cho những người đi xe cũ; hoặc không có màn hình thông tin giải trí; hoặc những người không muốn sử dụng điện thoại làm GPS.
Ưu điểm: Ngoài việc dẫn đường, GPS độc lập đời mới có thể hoạt động như một màn hình thông tin giải trí. Chúng kết nối với điện thoại để cung cấp thông tin cập nhật về tình hình giao thông; và có thể gọi điện thoại không dùng tay thông qua micrô và loa tích hợp. Một số GPS còn có camera lùi xe, giúp đỡ cho những người lái xe đời cũ không có tính năng này.
Nhược điểm: Giá dao động từ khoảng $100 đến hơn $300. Giống như các hệ thống GPS tích hợp trong xe, việc cập nhật bản đồ cũng có thể bị tính phí.
3- Ứng dụng GPS trên điện thoại. Phổ biến nhất hiện nay là Google Maps, Apple Maps, Waze… Chúng khiến những chiếc điện thoại hiện nay là một thứ thiết bị không thể thiếu khi lái xe!
Ưu điểm: Chúng miễn phí. Do kết nối với mạng internet, chúng có thông tin cập nhật về tình trạng đóng đường hoặc kẹt xe. Waze tiến thêm một bước nữa, cung cấp thông tin về vị trí ổ gà, mối nguy hiểm trên đường, công trình xây dựng và cả camera bắt xe chạy quá tốc độ. Với những xe được trang bị Android Auto hoặc Apple CarPlay, GPS trên điện thoại có thể được hiển thị trên màn hình thông tin giải trí.
Nhược điểm: Việc sử dụng những ứng dụng khác trên điện thoại có thể gây mất tập trung, và có thể che mất một phần màn hình GPS. Nếu xe không có Android Auto và Apple CarPlay, người lái cần mua bộ giá đỡ điện thoại, tương tự như GPS độc lập.
https://www.nguoi-viet.com/