Thứ Bảy, 17 Tháng Tám, 2024

Hòn Vọng Phu và bản trường ca của nhạc sĩ Lê Thương

Hòn Vọng Phu và bản trường ca của nhạc sĩ Lê Thương - 1
(Hình: Wikipedia.org-Unsplash)


Di cư vào Nam được vài tháng, gia đình tôi phải lên Đà lạt làm rẫy cho chủ nhân được khoảng gần một năm, sau đó vào năm 1955 chúng tôi mới được trở lại Sài Gòn định cư. Lúc đó tôi đã lên 9 tuổi, mới thực sự biết đến trường học, bạn bè, thầy cô giáo. Trong thời gian du mục vì thời thế chiến tranh, ông nội tôi đã dậy tôi đã biết đọc, biết viết, làm được 4 phép tính nhờ vậy mà tôi  được vào thẳng lớp tư (lớp 2) tại trường tiểu học Chí Hoà trên đường Lê văn Duyệt (CMT 8 ngày nay).

Tôi còn nhớ rất rõ, cô Mỹ Linh là cô giáo đầu tiên của đời tôi. Có lẽ lúc đó cô khoảng trên dưới 30 tuổi, dáng dấp rất sang trọng, xinh đẹp. Hàng ngày, thói quen của cô mà tất cả học trò chúng tôi ai ai cũng biết, trước khi rời lớp học lên văn phòng uống trà giải lao giữa buổi học với các thầy cô khác cũng như lúc trống tan trường, cô luôn luôn soi gương, chải tóc, thoa son, đánh phấn, xem lại dung nhan… trước khi rời lớp học.

Việc dạy học của cô, không có gì khác so với các thầy cô khác, với những bài học vệ sinh, lịch sử, địa lý, công dân giáo dục, chính tả, làm luận…  Nhưng có một sự việc khác, không trong chương trình học, có lẽ đó là phương pháp dạy học của riêng cô, đã làm cho hầu hết học trò chúng tôi rất thích thú. Cô thường kể hay đọc truyện cho chúng tôi nghe vào những lúc rảnh rỗi trong giờ học. Những truyện dành cho trẻ con có tính cách giải trí hay giáo dục của ngoại quốc như: Thằng người gỗ, dế mèn phiêu lưu ký, cây đèn thần… Hay những truyện cổ tích trong văn hoá nhân gian, trong lịch sử cổ xưa của Việt nam như truyện Thạch Sanh Lý Thông, Mỹ Châu Trọng Thuỷ, Thánh Gióng, Sự tích trầu cau, Hòn vọng phu…

 

Tất cả học trò chúng tôi, ai ai cũng hoan hỷ, chờ đợi lúc cô kể hay đọc truyện. Thông thường cô kể hay đọc truyện như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, khi lớp học rảnh rỗi, vì vậy một câu chuyện có thể kéo dài nhiều lần.   Sau này khi lớn khôn, ra đời tôi cũng bước vào nghề giáo, mới biết đó là một nghệ thuật giáo dục của riêng cô, làm cho học sinh chúng tôi vui vẻ, không nhàm chán khi học hành.

Đến nay dù thời gian đã trôi rất xa vào dĩ vãng, gần 70 năm qua rồi, chắc cô giáo Linh, người dạy học cho tôi đầu tiên chắc đã trở về với cát bụi từ lâu. Còn tôi, thằng bé học trò nhà nghèo, khá luộm thuộm của cô ngày xưa, cũng xấp xỉ tuổi 80, dù đã lăn lộn chết, sống với gió bão phong trần, nhưng vẫn còn nhớ đến cô Linh. Cô giáo xinh đẹp, sang trọng, và những câu chuyện mà cô đã đọc hay kể cho chúng tôi nghe ngày xa xưa đó. Những câu chuyện đó, không chỉ mang tính cách giải trí mà còn chứa đựng những bài học liên quan đến đạo đức, tình người.

Tôi không biết những người bạn học cùng lớp với tôi ngày xưa, hiện nay họ ra sao, còn sống hay đã chết? Họ làm gì, trôi dạt ở đâu, trong thời dâu bể, nhá nhem vừa qua của đất nước? Họ có còn nhớ đến những câu chuyện mà cô đã đọc hay kể cho họ và tôi nghe ngày xưa không?  Với tôi, tôi vẫn còn nhớ, gần như tất cả. Tôi nhớ cả dáng dấp sang trọng, nụ cười hiền hoà, ánh mắt vui tươi khi cô nhìn thấy cả lớp im lặng thả hồn theo lời kể. Nhớ giọng đọc chậm rãi lên xuống của cô theo diễn biến buồn vui trong câu chuyện.

Hôm nay, Thuỵ Sĩ đầu mùa đông. Cái lạnh lẽo chưa gay gắt lắm, nhưng cũng đủ cho người ta bị phiền phức với những buổi tuyết rơi. Có một tí chút cảm giác cô đơn, ngồi trong căn phòng ấm cúng đưa mắt qua khung cửa sổ nhìn theo những lọn tuyết lã chã rơi, bay bay theo gió, tự nhiên trí nhớ kéo tôi về với một câu chuyện trong kho văn chương dân gian của Việt Nam mà cô giáo Linh đã kể cho cả lớp chúng tôi nghe ngày xưa. Truyện Hòn Vọng Phu, một chuyện tình yêu rất đẹp nhưng nhuốm màu bi đát. Rồi cũng trong cái không gian vắng lặng đầu đông đó, ngẫu nhiên tôi vặn máy PC nghe lại bản trường ca “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương do Hoàng Oanh, Thanh Lan và Duy Quang trình bày. Mở đầu bản trường ca,

Hoàng Oanh dùng giọng ngâm thơ độc đáo của mình, dẫn người nghe bước vào câu truyện với bốn câu thơ trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, diễn tả người chinh phụ giã biệt vợ con mà bước vào gió bão chiến chinh:

 

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch, định ngày xuất chinh

Cũng trong cái tâm trạng hoài nhớ về ngày xưa, dìm mình vào cảm xúc đó. Tôi chợt có một thích thú, muốn dùng cái lắt léo của chữ nghĩa trong văn chương để mô tả về câu chuyện “Hòn Vọng Phu” và cả bản trường ca “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương. Với tôi bản trường ca đó là một tuyệt phẩm trong lĩnh vực trường ca của Việt Nam. Với cái lãng mạn, ướt át của tình yêu trong câu truyện, cũng như trong bản trường ca đó, tôi chợt nghĩ, một ông già xấp xỉ tuổi 80, tâm hồn đã có phần cằn cỗi, già nua mà cố nhấn cảm giác mình vào câu chuyện có thực sự chính xác không? Nhưng tôi lại nghĩ, ít hay nhiều, khi có dịp mà kéo cảm xúc, suy tư của mình về với những ướt át như lúc còn trẻ… Đó không phải là một điều thích thú cho tôi lắm ru? Còn tha nhân có đồng điệu mà cười vui hay nhăn mặt, cau mi mà chê trách thì cũng có hề chi? Để tâm bực bội làm gì cho mệt mỏi tuổi già nua? Đúng như Tản Đà viết, ân tình nhân thế chỉ đáng giá có 4 xu tiền, thì có gì đâu mà phải lo lắng chuyện tầm phào!

Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi

Viết bức thư này gửi đến ai

Non nước thề nguyền xưa đã lỗi

Ân tình nay có bốn xu thôi!

Câu chuyện Hòn Vọng Phu

Đây là một câu chuyện trong kho văn hoá nhân gian xưa cũ của Việt Nam, tôn vinh lòng chung thuỷ của người phụ nữ, nét son trong văn hoá đông phương. Nhưng ở một góc khác của câu truyện vẫn có một điều không đẹp đó là sự loạn luân, dù sự xấu xa này chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn của nhân vật trong truyện. Có lẽ  không muốn câu truyện có vết nhơ này mà nhiều nhà thơ văn, kịch nghệ, nhạc sĩ, phim ảnh khi mang câu truyện tình cảm này vào tác phẩm, họ thường thay đổi một phần nội dung nguyên thuỷ, làm cho câu chuyện toàn vẹn, trong sáng hơn.

Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến câu chuyện tình yêu này trong cái khuôn mẫu nguyên thuỷ, chính thực của câu truyện hơn là thay đổi nó. Lý do rất dễ hiểu là câu truyện dù có tí chút bùn nhơ nhưng ở một góc rất sâu kín nào đó, câu chuyện vẫn tôn vinh sự sắt son, chung thuỷ của người vợ mong chờ chồng mà hoá thành đá thiên thu!

Chuyện kể rằng: Ngày xưa ở một làng quê thuộc trấn Kinh Bắc (bao gồm tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh của Hà Nội ngày nay) có một cặp vợ chồng nghèo, có 2 đứa con khoảng 10 tuổi, con trai tên Tô Văn, em gái tên Tô Thị. Không may cha mất sớm, người mẹ phải làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi con. Một hôm người mẹ ra đồng làm việc chưa kịp về nhà lo cơm nước cho con, Tô Văn nhặt hòn đá ném con gà nhưng không may lại trúng đầu em gái. Thấy em gái ngã xuống đất, bị ngất đi trong vũng máu, Tô Văn tưởng rằng mình đã giết em gái nên sợ hãi bỏ nhà trốn đi. Nhưng may mắn Tô Thị được người hàng xóm cứu sống. Người mẹ khi về nhà không thấy Tô Văn nên biết con mình trốn đi vì nghĩ em gái đã chết vì sự vô ý của mình. Bà tìm kiếm, chờ đợi Tô Văn ngày này qua tháng khác cũng không thấy con trai trở về, rồi vì quá thương nhớ, lo buồn cho nên chẳng bao lâu người mẹ sinh bệnh mà chết.

Sau khi mẹ chết, Tô Thị được người hàng xóm nhận làm con nuôi. Rồi Tô Thị và gia đình người hàng xóm dọn nhà lên Lạng Sơn sinh sống. Thời gian trôi mau, Tô Thị 20 tuổi, nhờ chăm chỉ làm lụng, lại dành dụm được ít vốn nên Tô Thị xin phép cha mẹ nuôi ra mở một cửa hàng bán nem tại phố Kỳ Lừa. Chẳng bao lâu cửa hàng nem nổi tiếng là ngon, cô chủ Tô Thị lại xinh tươi,  duyên dáng, khéo miệng đã làm cho nhiều khách nam nhi để ý, lân là làm quen. Trong đó có một thanh niên ngoài 20 tuổi, đẹp trai thường mang thuốc Bắc (loại thuốc từ thực vật) từ Cao Bằng về bán cho những tiệm thuốc tại Lạng Sơn. Tô Thị và người thanh niên bán thuốc quen biết, thương yêu nhau rồi thành vợ chồng, họ sống rất hạnh phúc được hơn một năm thì có một đứa con trai đầu lòng đẹp đẽ như cha. Thấm thoát đứa con trai đã được một tuổi. Một hôm giúp vợ gội đầu, người chồng chợt nhìn thấy một cái sẹo khá to trên đầu của vợ, thắc mắc người chồng hỏi vợ về cái sẹo đó.

Tô Thị kể rành mạch cho chồng nghe về vết thẹo, do người anh Tô Văn vô tình gây ra cho mình, lúc còn bé khi còn sống với mẹ tại trấn Kinh Bắc. Người chồng thẫn thờ khi nghe vợ kể, biết vợ của mình chính là cô em gái ruột ngày xưa. Tô Văn tưởng rằng em gái đã chết nên sợ hãi mà trốn nhà, lang thang đến huyện Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng, sát biên giới với Trung Quốc. Rồi Tô Văn được một khách buôn thuốc Bắc, họ Lý gốc người Trung Quốc tại đó nhận làm con nuôi. Tô Văn mang họ Lý của cha nuôi và được chỉ dẫn cho việc buôn bán thuốc. Chính nhờ vậy mà Tô Văn vẫn đi đi, về về Lạng Sơn suốt gần 10 năm, rồi định mệnh đắng cay đưa đẩy, Tô Thị trở thành người vợ yêu quý hiện nay của Tô Văn.

Nghe vợ kể về vết thẹo, Tô Văn xót đau nhìn em gái, vẫn vui vẻ hồn nhiên nói cười, hoàn toàn không biết gì về những đổi thay kinh hoàng trên mặt của chồng. Nhìn vẻ vô tư, hạnh phúc của em gái, Tô Văn quyết định giấu kín việc loạn luân của mình và em gái, rồi sẽ tìm cách nào đó im lặng rời xa, mà không làm cho em gái phải khổ đau. Đúng thời điểm đó, biên cương phía Bắc không yên, triều đình có chương trình tuyển mộ lính thú, Tô Văn im lặng không cho vợ biết mà tự ý đi đầu quân, coi đó như một lý do rất hợp lý để rời xa vợ con, thoát khỏi sự oái oăm của định mệnh. Trước khi giã từ vợ con lên đường, Tô Văn nói với vợ:

-Khoảng 3 năm sau, khi hoàn tất việc quân binh, tôi sẽ trở về với nàng và con. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà 6 năm không thấy tôi trở về thì nàng cũng đợi chờ tôi nữa, coi như tôi đã chết. Nàng nên tìm một người đàn ông nào đó mà nương nhờ, xin đừng vì tôi mà lỡ làng tuổi xuân xanh.

 

Tô Thị khóc lóc buồn đau cản ngăn chồng, nhưng với quyết tâm của chồng nên cũng đành bế con gạt nước mắt tiễn chồng ra đi. Từ đó Tô Thị không bao giờ nhận được tin tức gì của chồng, vì lo lắng cho chồng nên hàng ngày Tô Thị vẫn bế con lên chùa Tam Thanh cầu xin cho chồng bình yên nơi chiến địa. Việc buôn bán cũng vì vậy mà bê trễ, chỉ đủ nuôi sống cho 2 mẹ con mà mong đợi ngày chồng về với gia đình. Sắc đẹp của Tô Thị vẫn không có chút suy chuyển, vẫn làm nghiêng ngả nhiều nam nhân trong vùng. Dù biết Tô Thị đã có chồng con nhưng nhiều người tìm cách mối mai mong kết nghĩa vợ chồng, nhưng Tô Thị vẫn lấy cớ  này, cớ nọ để từ chối.

Thấm thoát đã 3 năm như ước hẹn, tin tức ngày trở về của chồng vẫn biệt tăm. Nhiều người phao tin là người chồng đã chết trong chiến tranh, nhưng Tô Thị không tin vẫn quyết liệt chung thuỷ, nuôi con chờ đợi ngày trở về của chồng.

Trong số những nam nhân theo đuổi Tô Thị, có một tên cường hào, ác bá rất thế lực trong vùng, ai ai cũng kiêng dè sự tàn độc, vô phép của hắn mà không dám làm gì sai ý của hắn. Hắn cũng tỏ ý muốn lấy Tô Thị về làm vợ kế, nhưng nhiều lần Tô Thị lấy cớ con còn nhỏ dại và lời hứa 6 năm với chồng để lần lựa chối từ. Nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, thời gian hứa hẹn 6 năm đã gần kề, tên ác bá biết nàng không muốn nên đã có ý dùng vũ lực ép nàng phải theo hắn.

Không còn có cách nào khác hơn, Tô Thị càng siêng năng bế con lên chùa Tân Thanh khấn cầu, mong trời phật phù hộ cho chồng trở về trước thời hạn để không phải làm vợ kế tên cường hào. Nhưng rồi thời hạn 6 năm càng lúc càng gần. Chồng vẫn biệt tăm, như mọi lần, Tô Thị bế con lên chùa Tam Thanh cầu khấn, rồi leo tiếp lên một núi đá cao ở gần chùa nhìn về hướng bắc, nơi chồng đã ra đi. Tô Thị cầu nguyện cho chồng từ nơi xa xôi nghe thấy lời khấn cầu của mình mà trở về để thoát được kiếp nạn. Không biết có phải lời cầu khấn của Tô Thị đã động đến thần linh núi rừng mà lúc đó mây đen, sấm sét, mưa bão kéo đến như rung chuyển  đất trời. Tô Thị vẫn bình thản đội mưa, hứng gió bão, bế con, nhìn về hướng chồng đã ra đi mà khấn nguyện.

Sáng hôm sau, khi mưa bão đã qua, trời quang mây tạnh, ánh mặt trời chiếu sáng cả khu rừng núi quanh chùa, người ta thấy Tô Thị và đứa con trên tay đã hóa thành đá, mặt bức tượng đá hướng về phương Bắc. Người dân trong vùng cho rằng sự chung thuỷ, sắt son của Tô Thị đã động đến thần linh mà hóa thành đá. Để tưởng nhớ người dân đã gọi đó là hòn Vọng Phu, xây dựng đền thờ và đặt tên cho bức tượng người mẹ bế con là tượng NÀNG TÔ THỊ trên đỉnh núi Tô Thị.

Việt Nam có bao nhiêu Hòn Vọng Phu

Theo khảo cứu năm 1998 thì toàn cõi Việt Nam tổng cộng có ít nhất 7 hòn Vọng Phu trên các vùng đồi núi của các tỉnh. Ngoài Hòn vọng phu ở Lạng sơn đã đề cập ở trên, còn 6 Hòn Vọng phu khác tại các tỉnh: Quảng Nam, Tuy Hoà , Thanh Hoá, Bình Định, Đắk Lắk và Nghệ An. Mỗi nơi hình dáng hòn Vọng Phu khác nhau và được ít nhiều nhân tạo, thêm bớt đá vào cho gần với hình tượng của Tô Thị bế con chờ chồng.

Theo các chuyên viên địa chất và lịch sử cho biết thì, khởi đầu người dân trong các vùng đó, thấy có khối đá nào đứng trơ vơ ở triền hay đỉnh núi, có tí chút giống như hình người mẹ và đứa con, người ta đẽo gọt hay thêm bớt nhân tạo vào tí chút để tạo ra hình dáng người mẹ bế con chờ chồng cho đúng như câu chuyện.

Tuy nhiên hòn Vọng Phu trên núi Tô Thị tại tỉnh Lạng Sơn được coi là nổi tiếng, có tên là Nàng Tô Thị, thêm vào đó ngoài bức tượng xưa cũ, nổi danh, nó còn liên hệ đến những địa danh nổi tiếng khác như thị trấn Đồng Đăng, phố Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh… là những nơi được nói đến trong câu truyện, đúng với câu ca dao: “ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

 

Theo sử sách cho biết ban đầu tượng nàng Tô Thị là một tảng đá thiên nhiên có hình dáng giống như người mẹ đang bế một đứa con, nhưng vì gió bão và thời gian nên tượng đá bị đổ vào năm 1991 rồi được người ta hồi phục lại mà có hình dáng như ngày nay. Năm 1992 hòn Vọng Phu, núi Tô Thị được bộ Văn hoá và Du lịch xếp vào di tích quốc gia.

Nhạc sĩ Lê Thương và bản trường ca Hòn Vọng Phu

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có ít nhất một vài lần nghe bản trường ca “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương – bản trường ca nổi danh nhất, thành công nhất và cũng là bản trường ca đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam.

Tác phẩm này đã được tác giả sáng tác trong sự kết hợp âm điệu và kỹ thuật của hai nền âm nhạc Đông phương và Tây phương, làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương lên một vị trí “độc nhất duy tôn” trong lĩnh vực sáng tác trường ca của Việt Nam.

Đúng như vậy cho đến ngày nay, dù đã có một số nhạc sĩ tài năng khác cũng đã đóng góp vào lĩnh vực viết trường ca và đã cho ra  những tác phẩm có những thành công nhất định, như trường ca Hội Trùng Dương (1954 ) của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Riêng với nhạc sĩ Phạm Duy, một phù thuỷ trong âm nhạc của Việt Nam, ông đã là một ngôi sao sáng chói với rất nhiều sáng tác dưới nhiều thể dạng khác nhau. Từ tình yêu trai gái lãng mạn, đến những lời hát đối , điệu hò mộc mạc dân ca, những tác phẩm tôn vinh vẻ hào hùng, cao ngạo của người thanh niên thời chiến, đến cả những bài “Tục Ca” đã làm cho  người nghe phải ngỡ ngàng, khó tin với những ngôn từ tục tĩu, không một ca sĩ nào dám trình diễn mà không có phần ngại ngần. Đúng như vậy, nhạc sĩ Phạm Duy một kỳ tài về âm nhạc của Việt Nam cũng đã  cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam những bài trường ca bất hủ như  bản trường ca  “Con Đường Cái Quan” (1954 – 1960),  bản trường ca “Mẹ Việt Nam” (1963 -1964)… Đó là những bản trường ca rất thành công và truyền đời, nhưng nếu đứng bên cạnh tác phẩm trường ca “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương, có lẽ chúng vẫn có phần lu mờ ít nhiều mà đành phải nhận phần kém thua!

Trước khi bước vào nội dung của 3 đoản khúc trong bản trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương, chúng ta phải công nhận một sắc thái rất đặc biệt đó là âm điệu, ý nghĩa và ca từ  của tác phẩm nó có cái gì đó tương tự như trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn do bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm. Điều này cũng đúng như chính tác giả đã cho biết, ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm thi phẩm “Chinh Phụ Ngâm,” kể cả nguyên bản chữ Hán trước khi bắt tay vào sáng tác. Để có cái nhìn chính xác hơn về tác phẩm của Lê Thương , có lẽ chúng ta nên đi vào ý nghĩa từng đản khúc của bài trường ca.

1.Đoản khúc thứ nhất: Đoàn người ra đi.

Nhạc sĩ Lê Thương gần như hoàn toàn dựa vào “Đoạn Lên Đường” trong thi tập Chinh Phụ Ngâm, nó ồn ào dũng mãnh với những tiếng trống thúc quân, tiếng ngựa hí vang trời lúc người vợ tiễn chồng ra đi:

Quan với quân lên đường

Đoàn ngựa xe cuối cùng

***

Quan với quân lên đường

Hàng cờ theo trống dồn

***

Qua Thiên san, kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn

***

Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,

Chiêng trống khua trăm hồi

***

Những câu hát  trong bản trường ca đó, có lẽ nó chẳng khác gì những câu ca hùng tráng của người chồng ra đi trong Chinh Phu Ngâm:

 

***

Chí làm trai, dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét voi cầu Vị, ào ào gió thu.

***

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng

Hàng cờ bay trông bóng phất phơ

Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Nhưng thực tế,  trong câu truyện Hòn Vọng Phu, ngày ra đi của người chồng hoàn toàn tĩnh lặng, không ồn ào bởi vì cuộc rời xa vợ con của người chồng là một sự trốn chạy một một định mệnh, một sự thật đau lòng với người vợ cũng là em gái ruột thịt của mình!

2.Đoản khúc thứ hai: Ai xuôi vạn lý

Có lẽ đây là đoản khúc trong bản trường ca, nhạc sĩ Lê Thương đã sáng tác gần nhất với nguyên thuỷ của câu chuyện. Trong đoản khúc “Ai xuôi vạn lý” này, ông mô tả người vợ nhớ thương chồng, hàng ngày, dù trời mưa bão vẫn bế đứa con lên núi, dõi nhìn về phương bắc, hướng mà người chồng đã ra đi mà không chú ý đến thời gian vẫn lẳng lặng trôi qua:

Người vọng phu trong lúc gió mưa

Bế con đã hoài công để đứng chờ

Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về

***

Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ

Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già

Mà chờ người đi mất tự ngàn xưa

Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?

Lòng chung thuỷ, sắt son của người vợ đã làm động lòng thương cảm của núi non, chim, cảnh… mà khuyên nàng hãy trở về, đừng ngóng trông chồng nữa mà phí phạm tuổi xuân:

Thôi đừng đứng đợi làm chi,

Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ

Những người mang mệnh biệt ly

Nhưng người vợ vẫn không nản chí, vẫn bế con chờ chồng, nuôi dưỡng đứa con mong nó lớn khôn mà nối chí anh hùng của cha:

Đời mong đợi thằng con

Ngày nào nó xuống núi non

Xuất chinh với cả mối thù

Nối lại giống nòi chinh phu

Tuyệt vời thay! Kiên nghị đáng tôn vinh thay! Người vợ luôn giữ lòng son sắt chờ chồng dù đã bao năm không một lá thư hồi âm nhưng vẫn tự hứa với lòng, vẫn đợi chờ nuôi dưỡng con thơ để rồi lòng chung thuỷ đã làm lay động trời xanh mà hoá thành đá để thành hòn vọng phu:

Ta cố đợi nghìn năm, rồi nghìn năm nữa khác sẽ qua

Đến khi núi nở sông mòn, mới mong tới hòn vọng phu

Hoàn cảnh mà nhạc sĩ mô tả trong đoản khúc thứ 2 của tác phẩm có phần nào giống với người vợ chờ chồng, nuôi con dại, săn sóc mẹ chồng của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm:

Mẹ già phơi phới mái sương

Con thơ măng sữa, vả đương phù trì

 ***

Nay một thân nuôi già, dạy trẻ

Nỗi quan hoài mang mể biết bao

Nhớ chàng trải mấy sương sao

Xuân từng đổi mới, đông nào có dư.

3.Đoản khúc thứ ba: Người chinh phu trở về

Đây là đoản khúc cuối cùng trong tác phẩm trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương, diễn biến của đoản khúc này mô tả cảnh người chồng trở về, hoàn toàn không có trong câu truyện. Theo truyện kể thì người chồng quyết định im lặng rời xa vợ con, không muốn vợ mình phải đau khổ khi biết sự thật mà định mệnh oái oăm đã mang sự loạn luân giữa mình và em gái ruột. Người chồng đã lấy cớ theo lệnh tuyển quân của triều đình mà ra đi, mãi mãi không bao giờ trở lại.

Nhưng trong đoản khúc thứ ba, với chủ đề  “Người Chinh Phu trở về” nhạc sĩ Lê Thương thay đổi, cho người chồng trở về trong khí thế oai hùng của một vị tướng quân trên lưng ngựa mịt mù cát bay:

 

 Đường chiều mịt mù, cát bay tỏa bước ngựa phi

 Đường trường nếp tàn y, hùng cường vẫn còn bay trong gió

Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ

Với hành lương độ đường

Chiếc hùng gươm danh tướng

Dưới tà uy đếm nhịp đi, vó ngựa phi

Dấn bước tang bồng giữ nơi núi rừng.

Trong khí thế hào hùng khi trở về nhìn lại phong cảnh bên đường lúc ra đi, người chinh phu làm sao mà không xao xuyến trong lòng khi những dấu tích kỷ niệm ngày ra đi xa xưa vẫn còn lưu lại trên phím đá, tàng cây… lúc mình từ giã vợ con ra đi mà dồn chân bước mau mong được gặp lại vợ con:

Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng mau dồn chân

Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu

Từ bóng cây ngôi mộ bên đường

 Từ mái tranh bên đình trong làng

Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống

Bao nỗi thương vang dậy trong lòng

Rồi cũng trong niềm vui ngày về, mong gặp lại thằng con, trao cho nó thanh gươm di truyền với ước vọng nó lại nối chí mình ra đi gây dựng cơ đồ cho đúng nghĩa giống nòi chinh phu:

Chờ nhìn con, chờ người đón, bao nét xưa ước mong sẽ còn

 Núi đá thu reo, ước mơ bao nghìn xưa

Thấy đứa con xanh ngắt nỗi hùng còn trong đó

Cầm chiếc gươm chinh phụ di truyền

Chàng bế con, trao lại gươm bền

Rồi chỉ vào sơn hà, biến cố

Trao nó đi gây lại cơ đồ.

Nhưng rồi, sự thật vẫn là sự thật, làm sao mà giấu được ?! Người chinh phu cũng phải nhìn thấy vợ con đã hoá đá vì đợi chờ mình quá lâu:

Thời gian đã thắm thiết bao suy tàn

Người xưa đâu còn hình đá bơ vơ

Đứng đợi chồng đã đi không hứa về

Lòng son lụn chí trước cơn mưa về

Đã xuôi tan tành đời đá nên mưa gió đổ quạnh hiu xuống ai mới về!

Sự thật trong câu truyện đã không như thế! Nhạc sĩ Lê Thương có lẽ vì quá thương cảm nỗi cô đơn bế con chờ chồng mà hoá thành đá của nàng Tô Thị nên ông đã mang cái kết cấu lãng mạn, đa tình của người vợ  trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm mà cho vào tác phẩm của mình. Mục đích của ông là làm cho bóng bẩy câu truyện cổ tích văn hoá nhân gian nhiều bi thương đó có phần đẹp đẽ hơn. Ông đã dùng nốt nhạc, lời hát , âm thanh và cả kỹ thuật sáng tạo của một người nhạc sĩ tài danh để cho người chồng trở về trong tiếng trống vang ca. Nhưng có lẽ ông cũng không thể bước ra khỏi cái khung sự thật của truyện (dù chỉ là câu truyện cổ tích nhân gian) nên ông vẫn phải giữ lại cảnh người vợ bế con đã hoá đá, vì mỏi mòn chờ chồng, người vợ và đứa con không còn trong nhân gian nữa.

Đúng như vậy, dù có mê say, thích thú với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đến mức độ nào đi nữa thì nhạc sĩ Lê Thương cũng không thể nào bước ra khỏi cái khung sự thật là “Người vợ bế đứa con đã hoá thành đá thiên thu” vì mòn mỏi đợi chờ chồng được. Ông cũng không thể bước qua một giới hạn mà thay vào đó hình ảnh của người chinh phụ trong chinh phụ ngâm, của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm mố tà cảnh người chinh phụ đã biếng nhác trang điểm, lười việc vá khâu vì nhớ thương chồng:

Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa

Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói

Sớm lại chiều, dòi dõi nương song

Nương song, vốn ngẩn ngơ lòng

Vắng chàng điểm phấn trang hồng cho ai?

Nhưng khi biết tin người chồng, kẻ chinh phu hết nhiệm vụ quân binh, buông bỏ súng gươm, giã biệt chiến trường trở về với vợ con. Người chinh phu vui mừng mà trở lại với phấn son làm đẹp dung nhan đợi chờ giúp chồng cởi bỏ áo giáp, dâng cho chồng ly rượu bồ đào, mà hoan mừng vui ca ngày tái ngộ:

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp

 Xin vì chàng dũ lớp phong sương

Vì chàng tay chúc chén vàng

Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.

Đúng như vậy, nhạc sĩ Lê Thương không thể bước qua cái giới hạn của câu truyện, nhưng ông cũng đã không ngần ngại dành cả một đoạn khúc rất dài (đoản khúc thứ 3, người chồng trở về) diễn tả hình bóng người chồng với khí thế oai hùng trong tiếng ngựa phi, nóng lòng mong nhanh chóng trở về được gặp lại người vợ  trung trinh, son sắt và đứa con.

Nhưng rồi thì sự thật người vợ hoá đá (của câu chuyện) cũng đã được nhạc sĩ tôn trọng, giữ nguyên để cho nhân gian thương cảm lòng trung trinh, son sắt của người vợ tên NÀNG TÔ THỊ.

—-

Tài liệu tham khảo:

-Trường ca Hòn Vọng Phu, Lê Thương

-Hòn Vọng Phu, Wikipedia

-Hòn Vọng Phu bị sét đánh sạt lở, VN Express

-Huyền thoại Hòn Vọng Phu, Phụ nữ Việt Nam

-Sự tích Hòn Vọng Phu, eVa.vn

-Nhạc sĩ Lê Thương kể về hoàn cảnh sáng tác trường ca Hòn Vọng Phu, Nhạc xưa Blog.

 

Bài viết khác