Thứ Hai, 18 Tháng Hai, 2019

Chuyện xưa nội kể

Chuyện xưa nội kể - 1
(Hình minh họa: Getty Images)


LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: ngoclan@nguoi-viet.com

 

“Bữa nào con lớn, nội dẫn con về quê mình, thăm làng xóm, thăm lại căn nhà xưa của ông bà nội!

Quê mình đẹp lắm, có cây trái quanh năm, có ruộng đồng cò bay thẳng cánh, nhưng nội nhớ nhất là làng mình có cái ao lớn ngập đầy bông súng. Bông có màu đỏ, tím hoặc vàng thiệt ngộ! Nội thích hái bông súng về chưng, còn cọng súng trộn đủ loại rau ăn với mắm kho, ngon hết biết. Ông nội con thích nhứt là món mắm kho nội nấu.

Nội nhớ lúc chưa về nhà ông nội, có bữa hẹn hò với ổng mà ổng bận chuyện không đến, để nội ngồi bên bờ ao chờ miết. Trời mưa to nội cũng không dám bỏ về, sợ ổng ra không thấy nội rồi ổng giận. Dầm mưa lâu nên nội bị bịnh một trận xém chết, cũng tại ổng.

Thành ra ổng nói ổng mắc nợ với nội nên ổng phải lấy nội trả nợ, hì hì… Ổng xạo sự thì có, chớ hổng phải tại hồi đó nội cũng thuộc hạng đẹp nhứt vùng sao? Ổng hứa sẽ ở với nội và trả cho nội cả cuộc đời. Vậy mà ổng không giữ lời hứa, ổng bỏ nội mà đi trước…

“Nội nhớ… nội nhớ…”

Nội thường hay kể chuyện cho Như nghe, những câu chuyện xưa của nội. Như ngồi cạnh nội, vừa nghe vừa học bài hay xem ti-vi, vì những chuyện của nội Như đã nghe đi nghe lại cả trăm lần rồi.

Có bữa ba mẹ Như đi làm về, thấy nội vẫn còn đang cà kê cái điệp khúc: “Nội nhớ, nội nhớ…” thì ba lại chọc nội, “Ba mất lâu lắm rồi mà sao má nhớ dai vậy hổng biết.” Còn mẹ Như thì cười khúc khích, “ Có ba cái chuyện đời xưa mà nội con kể hoài không biết chán ha Như!”

Nhưng rồi, cho đến một ngày nội không còn nhớ nữa!

Đó là từ khi nội mắc chứng bệnh lãng quên của người già. Đôi khi đang nói chuyện, nội im lặng, ngơ ngẩn hồi lâu vì không tìm ra chữ để nói, rồi sau đó, nội quên luôn là mình đang định nói gì. Buổi sáng thức dậy, nội cầm bàn chải đánh răng trong tay nhìn săm soi mãi rồi buột miệng hỏi, “Cái này để làm gì vậy con?”

Ba mẹ đưa nội đi bác sĩ khám. Sau nhiều lần làm đủ các thứ xét nghiệm, bác sĩ kết luận là nội bị bệnh “Alzheimer,” còn gọi là bệnh lẫn hay bệnh lãng quên. Ông còn nói bệnh này không có thuốc chữa và sẽ chỉ nặng thêm mà thôi. Ông khuyên ba mẹ nên kiếm một nơi chăm sóc người bị bệnh lẫn để nội vào ở, nhưng ba mẹ nhất quyết không chịu.

Ba mẹ và Như thương nội lắm. Ông nội mất sớm, một tay bà nội buôn bán tần tảo nuôi ba Như rồi dẫn ba đi vượt biên khi ba mới lên mười tuổi.

Qua đến Mỹ là năm 1982, lúc đó nội chưa đầy bốn mươi tuổi. Nội cặm cụi đi làm ở “shop” may lo cho ba ăn học. Nội còn nhiều cơ hội đi bước nữa, nhưng nội luôn từ chối tất cả những người đến với nội vì sợ những người đàn ông sau này không thương ba, hay sợ ba giận nội rồi ba bỏ nhà đi “bụi” như đã có lần ba doạ nội. Ba từng nói nếu nội lấy chồng khác, ba sẽ bỏ đi ngay!

Rồi ba học ra trường, có việc làm, lấy vợ, sanh con. Nội vẫn ở chung với ba mẹ Như, phụ chăm sóc cho Như để ba mẹ đi làm. Gia đình Như luôn hạnh phúc, vui vầy cho đến khi nội ngoài bảy mươi tuổi và bắt đầu phát bệnh.

Càng ngày, bệnh tình của nội càng nặng và cũng không ít lần đã gây ra những xung đột trong gia đình. Rõ ràng mẹ Như mới dọn cơm cho nội ăn, nhưng có khách đến thăm, hỏi nội ăn cơm chưa thì nội lại thở dài, “Cả ngày rồi, con tui chưa cho tui ăn gì hết! Tui đói lắm!” Người khách không hiểu chuyện lại đi nói với người khác là mẹ Như không chăm sóc cho nội đàng hoàng, khiến mẹ Như cũng chịu nhiều điều oan ức!

Cũng vì nội không nhớ là nội đã ăn rồi hay chưa nên nội hay đem giấu thức ăn dưới gối, trong tủ áo hay trong hộc tủ đầu giường ngủ trong phòng. Mấy ngày sau, thấy kiến bu, ruồi nhặng vo ve thì mọi người mới tá hoả đi tìm để dọn. Nhưng dọn dẹp sạch sẽ thì nội lại ngồi khóc nức nở, “Tui đói mà tụi nó không cho tui ăn. Dẹp sạch đồ ăn của tui rồi!”

Điều này cũng chưa bằng nội để tiền riêng của nội lung tung rồi la lên là bị mất, nhất định nói là mẹ Như đã ăn cắp tiền của nội để gửi về nuôi gia đình ngoại còn ở Việt Nam.

Mẹ buồn, khóc tức tưởi. Ba an ủi mẹ, “Em hơi đâu mà chấp với người bệnh!”

Mẹ thở dài, “Em biết, nhưng không hiểu sao em vẫn thấy tức! Bệnh tình má ngày càng nặng như vầy có ngày em cũng điên trước má anh ơi!”

Dù vậy, người nội thương nhất trong nhà vẫn là Như. Như cũng dành hết thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình cho nội. Cách nhà Như khoảng hai con đường có một công viên khá rộng. Thỉnh thoảng, Như dẫn nội đi bộ trong công viên để nội tập thể dục, rồi đòi nội kể chuyện cho Như nghe, dù những câu chuyện có lẽ Như đã thuộc nằm lòng. Nhưng dần dà, mỗi câu chuyện nội kể ngày càng ngắn đi, hoặc mới kể được vài câu thì nội lại im bặt không nói nữa. Mỗi lần vậy nội lại nhìn Như cười ngượng ngập, “Nội xin lỗi con nghe, sao dạo này nội không còn nhớ gì hết. Trong đầu nội như có một đám mây mù!”

Trong công viên có một cái hồ nhỏ, có những con vịt trời không biết từ đâu bay đến, chiều nào cũng lội chơi trong hồ. Mỗi lần đến hồ, nội đòi dừng lại ngồi nghỉ. Nội thích ngồi ngắm mấy con vịt nhởn nhơ lội qua lội lại rồi nội trầm trồ, “Thương quá con há, mấy con vịt này lúc nào cũng ở thành bầy với nhau, làm gì cũng có nhau hết. Ước gì cả nhà mình lúc nào cũng vậy!”

Đúng là nội nghĩ lẩn thẩn rồi, nhà mình đang ở với nhau vui vẻ y như bầy vịt đó mà, cần gì phải ước!

Một buổi sáng trường học Như được nghỉ. Ba mẹ vẫn đi làm như thường nhưng Như còn nằm trùm chăn ngủ trong phòng. Trời lạnh, chăn ấm, Như đang ngủ say thì nghe tiếng còi của xe cứu hoả hụ inh ỏi. Như dụi mắt dậy, bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì, định mở miệng kêu nội nhưng một mùi khói nồng nặc làm cho Như sặc sụa không kêu thành tiếng. Ngay lúc đó, một người lính cứu hoả cao lớn chạy vào phòng. Nhìn thấy Như, ông nhào đến quấn cái chăn ướt vào người Như rồi bế thốc Như ra khỏi phòng, chạy ra khỏi nhà và đặt Như ngồi bên vệ đường. Lúc định thần lại, Như mới thấy bên cạnh Như là bà nội, cũng được quấn trong một cái chăn và cũng đang run cầm cập, không biết vì lạnh hay vì sợ.

Sau đó, nhờ các chú lính cứu hoả giải thích, Như mới hiểu: Hàng xóm bên cạnh thấy khói bốc lên từ căn bếp nhà Như nên họ đã gọi xe cứu hoả đến, nhanh chóng dập tắt đám cháy mới nhen nhúm, cứu được nội và Như ra ngoài.

Ba mẹ Như, sau khi được cảnh sát báo tin đã vội rời hãng chạy về nhà. Nhìn một phần nhà bếp bị cháy xém loang lổ, mặt ba mẹ tái xanh không còn giọt máu. Ba mẹ ôm chầm Như và nội. Mẹ chỉ khóc mà không nói được tiếng nào vì quá sợ. Ba thì luôn miệng, “It’s OK! It’s OK! Mọi người không sao là mừng rồi! Tạ ơn Trời Phật!”

Theo lời cảnh sát và những người lính cứu hoả thuật lại, khi họ vào nhà, đã tìm thấy trên bếp một cái chảo lớn cùng những thứ bên trong đã cháy khét lẹt, bên cạnh có một bình dầu nằm lăn lóc. Có lẽ bà nội dậy sớm, bật bếp ga, đổ dầu vào chảo tính chiên xào gì đó, nhưng rồi lại quên và bỏ vô phòng ngủ tiếp. Thành ra lửa cháy chảo, bén dầu và cháy lan qua những vật bên cạnh. Cũng may, nhà hàng xóm đã kịp gọi sở cứu hoả. Nếu chậm một chút, khói làm cho nội và Như chìm quên trong giấc ngủ và ngọn lửa vô tình nổi lớn, hay có thêm chút gió… chắc chắn cả hai đã không còn!

Ba mẹ Như lấy mấy tuần phép nghỉ ở nhà dọn dẹp tu sửa nhà cửa và chăm sóc cho nội. Nhưng những tiếng còi hụ của xe cứu hoả đã làm khủng hoảng tinh thần nội đến nỗi chỉ cần một tiếng động to cũng khiến nội run rẩy. Nội luôn miệng lẩm bẩm, “nội xin lỗi con, nội xin lỗi con!” rồi ôm Như mà khóc.

Đến nước này, việc đưa nội vào nơi chăm sóc người già và lẫn là điều không thể tránh khỏi. Việc nội ở nhà một mình sẽ không những gây nguy hiểm cho nội mà còn cho Như, cho những người khác chung quanh. Nhưng ba hoặc mẹ cũng không thể bỏ việc làm để ở nhà chăm sóc cho nội vì gia đình Như cũng cần phải sống, phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm, tiền ăn… Như cũng sẽ phải cần tiền đi học đại học trong vòng hai năm nữa…

Không hiểu sao, khi bàn bạc với nhau để tìm một nơi gửi nội vào ở , dù ba mẹ đã cố gắng nói khẽ khàng để nội đừng nghe thấy nhưng nội cũng lờ mờ hiểu rằng mọi người đang suy tính đến chuyện sẽ đưa nội ra khỏi nhà.

Một buổi sáng, tự nhiên nội có vẻ rất tỉnh táo và hỏi ba, “Sao hổm rày không thấy vợ chồng con đi làm?”

Ba ầm ừ trả lời, “Tụi con ở nhà lo sửa chữa nhà cửa… với lại cũng phải làm một số chuyện.”

“Con đang kiếm chỗ đưa má vô nhà già ở phải không con?” nội ngập ngừng hỏi.

“Đâu có má,” ba bối rối.

“Má nghĩ tụi con phải lo chuyện đó cho má cho lẹ. Kiếm chỗ cho má ở để lúc nào cũng có người coi chừng má! Tốt cho má mà cũng tốt cho tụi con. Má ở nhà một mình… khổ lắm… Mà có khi… còn xém giết chết con Như…” Nội rơm rớm nước mắt, “chuyện đó ám ảnh má hoài… má không còn muốn ở đây nữa!”

Ba cũng thở dài buồn bã: “Tụi con cũng lo lắm má à! Không biết tính sao. Má thiệt nghĩ vậy hả má, má bằng lòng vô nhà già ở hả má?”

“Thiệt chớ gì nữa… Má biết má bị bệnh lẫn. Thời gian nữa, má đâu còn nhớ tụi bay là ai. Đâu còn biết buồn, biết hờn giận gì nữa mà con lo… Vậy mà sướng con à! Sanh, lão, bệnh, tử… ai mà lại không đi đến bước đường đó hả con?”

“Má từ từ để con tính!”

“Từ từ gì nữa con. Phải tính cho lẹ rồi còn trở lại đi làm nữa. Nghỉ miết hãng nó đuổi bây đó! À, còn nữa. Má có một số tiền già dành dụm lâu nay… Má kiếm ra rồi! Má dấu trong cái hộp bánh quy đựng kim chỉ. Vậy mà hồi đó má đổ hô cho con vợ con là ăn cắp tiền của má. Má xin lỗi hai đứa bây. Hai con đừng buồn má!”

Mẹ Như rưng rưng nói, “Má à, con mới là phải xin lỗi má. Má thương con như con gái mà con không hiểu rõ bệnh tình của má, có bữa con còn giận má! Con mới là bậy! Má thương con, tha lỗi cho con nghe má. Má cứ ở đây với tụi con, không đi đâu hết! ”

Nội lắc đầu, “Người già nói bậy là má! Con là đứa con dâu hiếu thảo của má. Con không giận má thì má mừng! Hai con còn phải lo đi làm, lo cho con Như ăn học. Cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình có ăn, có học để còn tự lo cho cuộc đời của nó hả con? Má già cả, lú lẫn rồi, vào nơi chuyên môn cho người ta chăm sóc là đúng.

Còn số tiền của má … má để lại cho con Như vào đại học. Nội không có nhiều, nội thưởng cho cháu của nội chút đỉnh vì nó học giỏi, nó ngoan ngoãn….Nội xin lỗi con, Như ơi!” Nội lại bật khóc, “Nội không muốn hại con đâu… nội xin lỗi con.”

Mỗi lần chìm vào thế giới mịt mờ của nội là nội lại xin lỗi Như không ngớt.

Sau hôm đó, nội có vẻ đỡ hơn trước nên ba mẹ Như cũng chần chừ chưa đưa nội vào nơi chăm sóc cho người bệnh lẫn. Ba mẹ thay phiên nhau xin lấy ngày nghỉ để ở nhà với nội, đưa nội đi lễ hết đền này đến chùa nọ, cố bám víu vào một tia hy vọng mong manh là có một phép lạ nào mang lại trí nhớ cho nội để nội trở lại như xưa.

Nhưng phép lạ đó không đến và sẽ không bao giờ đến!

Cả tuần nay trời mưa gió rất to! Một buổi sáng trong lúc mẹ đang lúi húi nấu thức ăn trong bếp thì nội đã lén mở cửa ra ngoài và đi đâu mất. Khi mẹ phát giác ra nội đã bỏ đi mất, mẹ hốt hoảng gọi cho ba. Ba vội vã về nhà rồi mỗi người một xe chạy khắp nơi đi kiếm nội: các siêu thị, các bến xe buýt… Đến 2 giờ trưa, khi Như đi học về thấy nhà cửa vắng tanh, Như lo lắng gọi điện thoại cho mẹ thì mới biết nội đi mất đã hơn 4 tiếng đồng hồ rồi. Ngẫm nghĩ một chút, chợt một tia sáng loé qua đầu Như. Có lẽ Như biết hiện giờ nội đang ở đâu! Như tròng vội chiếc áo mưa vào người, gọi điện thoại bảo mẹ và ba dù có đang ở đâu hãy chạy ngay đến công viên gần nhà, còn Như thì từ nhà sẽ chạy bộ đến đó. Như đoán, nội đã tìm đến một nơi mà nội luôn thích nhất.

Quả như Như dự đoán, khi Như chạy đến cái hồ trong công viên thì Như đã nhìn thấy nội đang ngồi yên bất động trên bãi cỏ và nhìn chăm chăm vào mặt hồ. Hôm nay trời mưa to qúa, trên hồ đâu có bóng dáng một con vịt nào mà nội cứ ngồi nhìn mãi?

“Nội, nội!” Như lay nội.

Nội quay lại nhìn Như bằng đôi mắt thất thần lạnh lẽo.

“Xin lỗi…” nội lắp bắp.

Như khóc tức tưởi, “Nội đừng xin lỗi con nữa. Cứ xin lỗi hoài à! Con không cần nội xin lỗi! Con biết nội thương con, nội không bao giờ muốn làm hại con. Tại nội bị bệnh… con biết! Bị bệnh đâu có lỗi. Bị bệnh không phải là lỗi của nội!”

“Xin lỗi…” nội lập lại, hình như nội đang cố tìm chữ để nói. “Xin lỗi…”

“Nội đừng xin lỗi nữa!” Như ôm choàng lấy nội, “ Đi về, đi về nhà đi nội!”

“Xin lỗi…” nội nhìn Như, ngơ ngẩn. “Cô là ai?”

Như ngỡ ngàng: “Nội! Con là Như, cháu của nội. Con là Như, nội…”

“Tui không biết cô…”

“Đi về, nội! Mình về nhà đi nội! Mưa lớn quá! Nội ướt lắm rồi! Nội ngồi đây bao lâu rồi hả nội?”

“Không, tui đâu biết cô là ai! Tui ngồi đây chờ ảnh. Tui mà bỏ về ảnh giận tui cho coi.”

Ba mẹ Như cũng vừa hổn hển chạy đến nơi. Cả hai người cùng với Như đều đứng sững sờ nhìn nội. Rồi ba mẹ ôm nội và dìu nội ra xe. Nội lắc đầu quầy quậy, “Tui không đi với mấy người. Tui đâu biết mấy người là ai!” Ánh mắt nội dán chặt vào cái hồ trong công viên… nơi mà trong tiềm thức của nội đã trở nên cái ao làng ngập đầy bông súng, nơi ngày xưa nội đã từng hẹn hò và có một chàng trai đã từng lỗi hẹn với nội…

Có lẽ, nội đang đi ngược về quá khứ để lại trở thành cô gái quê thơ trẻ năm nào!

Ba bế thốc nội trên tay. Sau một hồi vùng vẫy, tấm thân gầy gò của nội từ từ lả đi, mềm oặt trong tay ba. Nội nhắm nghiền mắt, đầu ngoẹo qua một bên, hay tay buông thõng. Ba hốt hoảng để nội lên xe và chở thẳng vào nhà thương.

Sau mấy ngày nóng sốt cao vì bị cảm nặng, nội chìm dần vào giấc ngủ dài và ra đi, nhẹ nhàng, thanh thản. Bác sĩ nói nội mất vì bị biến chứng của bệnh sưng phổi.

Còn ba thì nói với Như rằng ông nội không lỗi hẹn, vào cái hôm trời mưa to đó ông đã về đón nội.

1/2019-Diễm Vy

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art