Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Diễm Châu : nhịp cầu qua những vùng thi ca thế giới

 Với tôi, Diễm Châu thật xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc. Ở đời thường, tôi chỉ gặp ông đúng hai lần và nói chuyện cũng không nhiều, chỉ là những câu rất là đại khái sơ giao. Chúng tôi là những người xa lạ với nhau. Tôi chỉ biết tên ông là Phạm văn Rao, là giáo sư dạy Anh ngữ tại các đại học như Kỹ Sư Ðiện Phú Thọ, Dược Khoa, và là tổng thư ký của tạp chí Trình Bày. Nhưng ở thi ca, tôi lại gặp thấy Diễm Châu thân quen khi đọc những tập thơ viết về hoặc dịch của hàng trăm nhà thơ nổi danh trên thế giới của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau. Có những cuốn, là những sách gối đầu giường của tôi. Ðó, không biết có phải là những bàn tay gạt ra những chốt đóng để mở toang những cánh cửa và làm tầm mắt thưởng ngoạn rộng khắp hơn cũng như tâm tư phóng khoáng thoát khỏi sự tù túng hơn. Với tôi, đôi khi thơ là đọc và suy ngẫm. Cái cảm tưởng đi săn tìm cảm giác hay tìm những ý tưởng tiền chế cho thơ khi đọc những bài thơ được phổ biến rộng khắp toàn cầu làm cho tôi dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của thi ca nhưng cũng đôi lúc làm tôi đi lạc vào những mê ảo hình tượng của thẩm mỹ quan bất ngờ có được.

     Tại sao tôi lại quen thuộc với Diễm Châu như thế? Có thể, vì những trang sách làm gần gũi hơn những xa lạ của hai đời sống ở hai đầu lục địa. Nguyên là có một ngày ông từ Pháp qua thăm Hoa Kỳ và có hẹn gặp ăn sáng với nhà thơ Nguyên Sa ở tiệm phở Bolsa. Ông Nguyên Sa rủ tôi ra quán và gặp ông. Biết tôi có võ vẽ dăm bài thơ, ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Bữa ăn hầu như chỉ có hai người nói và tôi thì yên lặng nghe. Gần lúc ra về, ông mới nói, “Tôi vừa đọc tập thơ của anh tối qua do Nguyên Sa đưa. Cho tôi địa chỉ liên lạc cho vui...” Sau đó, tôi là người được ông gửi tặng những tập sách mà ông viết hoặc dịch rồi tự in ấn lấy rồi phổ biến hạn chế trong vòng những người yêu văn chương. Phần đông là thơ do chính ông dịch, nhưng cũng có thơ dịch của Nguyễn Ðăng Thường, của Hoàng Ngọc Biên,...

     Thú thực, có lúc những quyển sách ấy là những người thầy của tôi. Có những tên tác giả ngoại quốc, tôi chỉ nghe đến và đọc lần đầu nên khá xa lạ. Nhưng sau đó, khi tìm tòi trong thư viện hoặc search trên Internet, tôi đã biết được khá nhiều chi tiết về tác giả ấy. Từ đó, tôi hiểu được thân thế của tác giả, môi trường sống và sáng tác, cũng như phong cách tác giả và nội dung tác phẩm.

     Qua những cuốn sách, tôi thấy như mơ hồ nợ ông một món nợ văn chương. Nợ những cuốn sách được gửi tặng thì đã đành nhưng món nợ tinh thần lại to lớn hơn như đã nợ bao nhiêu tác giả từ xưa tới nay đã cống hiến tim óc cho đời. Dường như ông gửi cho tôi tới chừng ba chục cuốn và khi tôi đổi địa chỉ thì không còn nhận được nữa. Có người nói ông đã in ra cả trăm cuốn và như vậy tôi mới chỉ đọc được một phần ba trong tổng số những cuốn sách ông đã thực hiện. Từ sự kiện ấy, tôi thấy được sự làm việc cũng như sự yêu mến và đam mê thi ca của ông tới bực nào. Khi nhận được sách tôi thỉnh thoảng cũng có khi viết thơ cám ơn và kèm theo những suy nghĩ của mình về những cuốn sách ấy. Có bức thư lan man dông dài và ông cũng trả lời lan man dông dài không kém.

     Một phần nữa, tôi biết ông qua nhà thơ Nguyên Sa, một người khá thân thiết với ông và cũng hiểu rõ tính tình cũng như thân thế của ông. Khi nhắc đến thời kỳ mà ông Nguyên Sa là một người cộng tác với tạp chí Trình Bày có đề cập đến vai trò của tổng thư ký tòa soạn Diễm Châu. Qua chuyện kể của ông, tôi hình dung được một thời thế lúc ấy và công việc làm báo đầy khó khăn của những người trí thức muốn dấn thân. Có một thời kỳ hầu như mỗi buổi chiều sau giờ dạy học là ông Nguyên Sa đến tòa soạn tạp chí Trình Bày ở đường Lý Thái Tổ để bù khú nên đã chứng kiến những cảnh đôn đáo chạy tiền đi in báo cũng như những lúc sửa bài, sửa bản vỗ cho đến nửa đêm của nhà thơ, nhà báo Diễm Châu. Những năm tháng ấy, thời thế như một lò nung gần nổ, bắt buộc mỗi người cầm bút phải chọn cho mình một thái độ. Diễm Châu là một người viễn mơ nên đã có thái độ của một người lãng mạn chính trị. Làm báo, thực hiện tạp chí Trình Bày là muốn gửi một thông điệp của những người luôn luôn khắc khoải và không thích sự thỏa hiệp. Tư bản, cộng sản, tạo thành những ngã ba, ngã tư cho những mê lộ mà chiến tranh là những mồi lửa làm nổ bùng thời thế. Tôi nhớ nhà thơ Nguyên Sa khi kể với tôi đã chép miệng khi ông nói về thời kỳ ấy, “Viễn mơ? Trí thức ai mà không viễn mơ. Nhưng nhiều khi đã phải trả giá bằng cả cuộc sống cho những viễn mơ ấy!”

     Tháng Bảy năm 1983, khi Diễm Châu rời khỏi Việt Nam cùng gia đình để đi định cư ở Pháp, ông đã viết một bài thơ của một người vừa vỡ òa những “viễn mơ” bắt đầu một cuộc lưu lạc thật sự dù trước đây đã lưu vong tuy đang sống ở quê hương đất nước mình:

 

“chỉ một vài ngày nữa anh sẽ lên máy bay

chiếc máy bay thân thẳng và trắng muốt

sẽ cất cánh đưa anh tới hạnh phúc

Paris trong tầm tay!

Anh sẽ bay mải miết anh sẽ bay

Xa lánh những nhỏ nhen hận thù phân biệt

Những đố kỵ ghét ghen những tủi hờn sợ sệt

Paris trong tầm tay!

Anh sẽ nhìn xuống từ trên máy bay

Sài Gòn trong cơn mưa dầu nắng lửa

Những mái nhà chật chội những cõi lòng tan vữa

Paris trong tầm tay!

Anh sẽ nhắm mắt để tận hưởng một chút say

Cái ghế êm thoải mái cái cảm giác thoát chết

Chiếc nón cối xa dần ảo tưởng cuối cùng đã hết

Paris trong tầm tay!

Rồi anh sẽ chệch choạng bước thêm vài bước

Ðể nôn tháo ra những ý nghĩ chua cay

Và khi trở lại ghế ngồi anh sẽ khóc

Paris trong tầm tay!”

     Tâm sự của người vừa rời bỏ quê hương lẫn lộn giữa buồn và vui. Vui vì sự thoát khỏi một đất nước của “những mái nhà chật chội những cõi lòng tan vữa” và sẽ “xa lánh những nhỏ nhen hận thù phân biệt. Những đố kỵ ghét ghen những tủi hờn sợ sệt.” Buồn, vì những ý nghĩ chua cay của những cơn “viễn mơ” vừa tỉnh giấc. Diễm Châu hình như đã hiểu được mặt trái của một cuộc chiến, có phải?

     Thế là, suốt thời gian dài sinh sống ở Strasbourg về sau này, ông dồn cả thời giờ và tâm lực vào thi ca và văn chương. Ông tình nguyện làm người tạo dựng những cây cầu nối liền những đại lục thi ca. Ít có ai có một công trình to lớn như ông: dịch hàng ngàn bài thơ ngoại ngữ của hàng trăm thi sĩ ra thơ Việt ngữ và in hơn một trăm tuyển tập thơ như vậy. Công việc ấy ông làm trong âm thầm và dù chỉ phổ biến trong vòng hạn hẹp nhưng có rất nhiều ảnh hưởng. Những chân trời văn học được mở ra những con đường, những cánh cửa. Dịch thơ, một công việc hết sức nguy hiểm, nếu không đủ nội lực để thông hiểu và diễn đạt sẽ dễ dàng trở thành một hiện tượng: dịch là phản mà từ xưa tới nay những người thức giả thường lưu ý. Diễm Châu dịch thơ trong cái nâng niu nghệ thuật và cái tâm để hiểu và cảm thông với thi sĩ qua nguyên tác. Trong một bài thơ, ông đã phát biểu về công việc của mình:

“mỗi cái cây là một bản dịch

vẻ đẹp của trái đất

bản dịch ấy mỗi mùa lại nhuốm một vẻ đẹp khác

nơi cùng một cái cây

ước gì mỗi bài thơ của tôi

được như một cái cây của trái đất.

Mỗi bài thơ là một bản dịch

Vẻ đẹp của con người

Bản dịch ấy mỗi ngày lại mang thêm một màu sắc

Nơi cùng một bài thơ

Ước gì mỗi giờ còn lại của đời tôi

Ðược như một bài thơ của người.”

     Ðọc những bài thơ Diễm Châu, tôi cảm nhận được những giới hạn của những bài thơ trí tuệ. Những câu thơ ấy, có sự sâu lắng của một tâm hồn luôn khắc khoải nhưng cũng có những chớp mắt của sự bắt gặp xúc cảm. Thơ có sự giũa mài của suy tư, nên không còn là những chất quặng mỏ tinh tuyền với nét đẹp của tự nhiên. Chính vì thế nên chuyên chở được những ưu tư của thời thế và kiếp người. Thơ Diễm Châu đặt ra những câu hỏi, gợi ra những liên tưởng và trong hành trình tiếp cận ấy, man mác những bầy tỏ để chia sẻ cùng người. Khắc khoải quằn quại, tâm tư ấy có phải là của chung một thời đại, khi mà lời rao giảng yêu nước chỉ là chiếc bánh vẽ vĩ đại của những kẻ lừa bịp hoang tưởng. Nhưng, thơ vẫn là những con người của ngày tháng ngọt ngào, của một cuộc sống vẫn ồn ào dưới phố:

“Nếu em hỏi tôi thơ là gì, tôi sẽ nắm tay em thật chặt và nói: chúng mình hãy đi uống bia, nghe những người Bolivia đánh đàn và thổi sáo.

Nếu em gặng hỏi tôi thơ là gì tôi sẽ chỉ cho em những đám mây trên ngọn tháp và nói ở cánh đồng trên ấy có bầy ngựa trắng

Nếu em vẫn không hài lòng với câu trả lời của tôi và tiếp tục hỏi thơ là gì tôi sẽ cắn vào môi chảy máu và nói: bông hồng của tim anh!

Miếng bánh em ăn và ly rượu trên bàn

Là thơ của bông lúa và chùm nho

Thơ của lá phong ửng chín là dòng nhựa miên man nâng cơn say lên cùng nắng và gió.

Và thơ của em là mái tóc thơm mùi dưa hồng là đôi cánh tay tượng ngà nho nhỏ và chuỗi tiếng cười đuổi theo nhau như những hạt trân châu.

Em đã thấy thơ của những người Bolivia chưa?

tiếng đàn của họ vàng như một cốc bia.”

     Thơ mở ra những khoảng trời. Khi cuộc đời còn đầy những bóng ma của quá khứ, khi lịch sử bị nhìn ngắm méo mó dưới cặp mắt biện chứng. Thơ vút cao lên những khoảng trời và nếu có quay lui về thì cũng vẫn là con đường kỷ niệm xa xưa:

“khi những nhà chép sử bỏ đi

anh vẫn có mặt

anh nhìn những bóng ma tất tả

và nhủ thầm sự thật

không phải là chén cơm

không phải là khẩu hiệu

anh mở toang trái tim mình

một con cánh cam xanh biếc bay lên

miên man với những cành phượng vĩ

và trở về với cơn mưa nghiêng

trên con phố dài kỷ niệm

ẩn dưới những nan hoa tháng ngày thấp thoáng

anh là nụ hôn đi tìm chiếc lông chim”

     Làm thơ hay dịch thơ, với Diễm Châu chỉ là một. Làm thơ là tiếp cận với thế giới riêng mình, còn dịch thơ là tiếp cận với những thế giới khác, của những thời đại khác, dân tộc khác. Dù ở trong trường hợp nào, vẫn là những cuộc viễn hành vào một nơi chốn là đích đến lúc nào cũng thật xa xôi nhưng lại tạo cảm giác gần cận lắm tưởng chỉ một với tay là chạm tới.

     Có thời kỳ, Diễm Châu đã viết. Những bài thơ của khắc khoải, của những suy nghĩ nửa chừng không rõ rệt bên này bên kia. Thơ nhìn chiến tranh như nhìn một quái vật:

“mùa Xuân trở về với ba mươi chín lằn roi

với mão gai làm triều thiên cho người khốn khổ

với áo đỏ bết máu với cây sậy quyền uy

mùa Xuân trở về với bảy mươi bảy lần sấp ngã

với những tảng đá loang máu người vô tội

với con đường bụi bặm dốc cao

với con đường trống trơn lỗ chỗ những hố bom

rừng lớp lớp bày ra cảnh đìu hiu cách lạ

những thân cây làm thập giá giữa trời

mùa Xuân trở về với bầy thú săn đuổi con người

với tiếng reo hò của loài kên kên đói khát

năm mươi vì sao giữa một nền trời gạch mặt quay cuồng

năm mươi cánh tay bạch tuộc

chụp bắt

giằng xé

hỏa thiêu...”

     Lúc ấy, ở Hoa Kỳ đang có một phong trào phản chiến thời thượng. Cũng như, trên thế giới cũng có những tiếng kêu phẫn nộ, những chống đối gay gắt lại hai thế lực Tư Bản và Cộng Sản đang thống trị toàn cầu của thế giới thứ ba. Chiến tranh, là cơn ác mộng loài người, là cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do hay là cuộc kháng chiến thần thánh? Có nhiều người “viễn mơ”, có người bị “móc nối”, có người bị “mua chuộc” Thơ, nhiều khi là tấm gương phản ánh. Của một thời kỳ định mệnh chọn lựa con người mà con người chẳng thể phản kháng lại. Chính trong cái thế giới hỗn mang của chiến tranh ấy, người thi sĩ bị dằn vặt biết là bao nhiêu và sự chọn lựa cũng thật là thiên nan vạn nan. Thời thế như con lốc, cuốn đi. Nếu có một lúc, thi ca là nơi trở về, trú ngụ cho những giấc mơ đang ấp ủ nhưng linh cảm thấy một sự tan vỡ...

     Diễm Châu có những giấc mơ đẹp, có bài thơ 5 chữ dễ thương, một chút tình cảm ấm áp, một chút “viễn mơ”:

“Chúng ta ngồi bên nhau

chụm từng thanh củi nhỏ

kỷ niệm ngày xưa đó

khói lam bay ngang đầu

ngày vàng và đêm đen

niềm vui xen nỗi nhớ

mây trôi qua ưu phiền

lửa hồng soi rực rỡ

thiêu trong vàng của gió

những đêm dài u mê

bừng lên như hơi thở

rừng căng từng thớ gỗ

tiếng đàn trầm trong khe

uy nghi và lặng lẽ

đôi mi nào chớp khẽ

nhè nhẹ bước em về

ngày của ngày đã tới

run run những ngón hồng

trên vừng trán phương Ðông

mặt trời hiền đã gọi

quay lưng lại bóng tối

những người con nhân loại

những cánh tay dựng ngày

lưỡi rìu là tiếng nói

chim cánh trắng bay cao

lòng trời xanh vô hạn

giọt mồ hôi lấm tấm

đọng lại trên bông đào.”

     Thời gian sau, khi đã hết những cơn mơ, thi sĩ nhìn đời bằng con mắt khác. Cái khắc khoải của bước chân tìm kiếm bây giờ trở thành gót giày kéo lê buông xuôi. Cái “Tâm sự của một người có tuổi”:

“chết bây giờ là phải

sống mãi trong lòng dân tộc

hay trên chiếc chiếu hoa ngoài đình

cũng chỉ là cành đa mọc thêm rễ

cho mấy chú bình vôi

chết bây giờ là phải

sống mau sống mạnh sống vững chắc

cũng chỉ là học đua thói côn đồ tư bản

của những anh hành nghề lơ xe

chết bây giờ là phải

sống với căn bệnh ung thư thời đại

cũng chỉ là kéo dài thêm cái chết của những bóng ma của bóng ma

sao bằng gấp lại cây quạt

sao bằng tự nhổ rễ

để nhường chỗ cho những xa lộ mênh mông tám tám thước

sao bằng yên nghỉ trong lòng biết ơn sâu xa và rộng khắp của giun dế

chết bây giờ còn là điều may

bởi tiêu chuẩn ván với hòm

một mai sẽ thay đổi”

     Có những lúc, thi sĩ đã nghĩ đến chuyến ra đi. Nhưng, vẫn chưa phải là chấm dứt là tận cùng, bởi chuyến đi ấy, có thể là một khởi đầu cho một cuộc viễn du mới:

“không thể viết

lời vĩnh biệt

bởi lời chót hết

cũng là một khởi đầu bất tuyệt”

     Diễm Châu đã ra đi. Hành trình từ quê hương xa mịt mù của thành phố Hải Phòng mà có lúc ông đã tìm về đến Sài Gòn rồi Strasbourg mà ông gọi là Lộ Trấn, đã chưa tận tuyệt. Vẫn còn chữ nghĩa ở lại với đời. Vẫn còn những bài thơ đang dịch. Vẫn còn những ngôn ngữ tinh khôi chờ viết. Dù là người gậm nhấm nỗi buồn của một người lưu lạc hay là người yêu tha thiết quê hương, ông vẫn là người chọn lựa một cách thế sống của một nghệ sĩ, nhiều lãng mạn mơ mộng. Dịch thơ hay làm thơ, cũng chỉ làm một nối kết giữa người và người, như một cây cầu nối liền nhiều biên giới...

Nguyễn Mạnh Trinh


Bài viết khác