Thứ Bảy, 02 Tháng Chín, 2023

Thói hung hăng của người Việt

Hung hăng là thể hiện một loạt các thái độ, hành vi sẵn sàng gây hấn, sử dụng lời nói hoặc hành động bạo lực chống lại người khác hoặc các vật thể xung quanh để gây ra tổn hại cho người hay vật với mục đích nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình.

Va quẹt xe nhẹ, chưa kịp dựng xe lên, chưa biết phải trái ra sao, người hung hăng đã lớn tiếng: “Mày chạy xe thế à. Mày đền cho ông nếu không ông đập chết mẹ.”

Người ta thể hiện thái độ hung hăng dưới nhiều dạng: thể chất, tinh thần, lời nói, cảm xúc để áp đảo tinh thần người khác hòng giành lấy phần lợi về mình trước tiên. Lợi ở đây là vật chất, vị thế, hoặc nhiều khi chỉ vì thỏa mãn cảm giác thắng được người. Hung hăng không có nghĩa chỉ là đánh đập, hung hăng bằng lời nói, cảm xúc cũng gây ra chấn thương tinh thần cho người khác không kém hành động.

“Mày có im mồm ngay không? Mẹ mày nói mà mày còn cãi à? Mày mà hả họng khóc tiếng nữa thì tao bóp cổ chết mày.”

Người ta chia hung hăng ra làm hai dạng: bộc phát và có tính toán.

Bạn đang chạy xe đúng luật trên đường, một chiếc xe máy từ sau vượt phải, lạng ra cắt ngay đầu xe bạn và vọt đi, bạn giật mình tức giận thét lên chửi rủa kẻ chạy xe bất chấp tính mạng người khác, đó là hung hăng bộc phát. Hung hăng bộc phát xuất hiện khi ta tức giận và không kềm chế được cảm xúc.

Hung hăng có tính toán là lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm đạt mục đích, như: cướp xe, giật điện thoại, dùng bạo lực cưỡng chế đất đai của dân,… việc làm tổn thương người khác chỉ là một cách để đạt được mục đích nên người hung hăng có tính toán không màng đến việc sẽ gây tổn thương bao nhiêu người với mức độ ra sao.

Việc thể hiện sự hung hăng cũng có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông thường thể hiện sự hung hăng thông qua bạo lực thể chất: đánh nhau, đánh vợ, đánh con… Đàn bà ít có xu hướng bạo lực thể chất hơn, nhưng họ thường thể hiện sự hung hăng thông qua bạo lực lời nói, tinh thần, cảm xúc bằng những chỉ trích, nhiếc móc, sỉ nhục, xúc phạm phẩm giá người khác.

Môi trường sống, trong đó cách một người được nuôi dạy có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn lên tính cách con người. Một người được nuôi dạy trong gia đình có ba mẹ hung hăng thể chất và tinh thần thì đứa trẻ tin rằng hung hăng có thể giải quyết mọi việc. Nó sẽ sử dụng bạo lực khi có cơ hội và sẵn sàng dùng lời nói hung hăng gây tổn thương người khác.

Tính hung hăng của người Việt còn được “hun đúc”. Trong rất nhiều trường hợp, ta thấy bạo lực được dùng như công cụ tối thượng, đôi khi có đối thoại xảy ra nhưng thực chất chỉ để che đậy bản chất. Với một hệ thống giáo dục từ trên xuống đều dựa trên nền tảng bạo lực trong câu chuyện cổ tích, trong các mẩu chuyện cách mạng, trong các giai thoại văn học, cả trong toán học… thì thử hỏi làm sao người Việt có thể tránh bị tiêm nhiễm?

Ở nhà, ba đánh, mẹ chì chiết sỉ nhục và ba mẹ chửi bới móc mỉa sỉ nhục nhau; đến trường bị nhồi vào đầu những thái độ thù nghịch, hận thù, bạo lực qua trang sách; thì một đứa trẻ sẽ không thể phát triển một cách bình thường. Nó sẽ là một đứa hung hăng khi lớn. Việc kiềm chế tính hung hăng sẽ khó hơn nhiều người được nuôi dạy bình thường.

Người Việt có đời sống tinh thần ngày càng bức bối. Những mâu thuẫn nội tại không được giải quyết, bị ứ đọng trong tâm trí, chỉ chực chờ cơ hội là nhảy xổ ra trở thành thái độ hung hăng để giải tỏa ẩn ức.

Người Việt cũng thể hiện thái độ hung hăng chỉ để chứng tỏ bản thân, y như trẻ con 13-14 tuổi. Trẻ 13-14 rồi sẽ trưởng thành, nhưng những người thể hiện thái độ hung hăng để chứng tỏ thì không bao giờ trưởng thành, họ mãi tuổi 13.

“Mày biết tao là ai không? Mày liệu hồn tao nhe mạy.”

“Ăn nói láo toét, tao mà mày dám đụng thì mày tới số rồi.”

Người ta nghiên cứu và chỉ ra rằng những người thường nói những lời hung hăng như trên là những người thường có chỉ số IQ thấp.

Người hung hăng tin rằng khi họ sử dụng thái độ hung hăng, bạo lực thì họ sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu. Do đó, nếu họ nhận thấy thái độ hung hăng với đối tượng nào có khả năng bẻ gãy không cho họ đạt mục tiêu thì… họ sẽ tự động chuyển thái độ.

Một đứa hung hăng chửi bới dọa đánh người khi va quẹt xe là bởi nó muốn người kia phải đền tiền, phải xin lỗi hoặc năn nỉ nó. Nhưng nếu người kia phản ứng lại bằng thái độ hung hăng hơn, lấn át hơn nhiều lần, tự động phản ứng tâm lý sẽ diễn ra làm cho nó trở nên chột dạ và chuyển thái độ sang “Em xin, em có lỗi, em xin!” Nếu nó không thấy bị lấn át quá nhiều, nó sẽ phản ứng tương xứng: đập nhau, chừng có bên thắng thế thì tính tiếp.

Các bạn có thể dễ dàng đọc được những tin tức người ta đánh nhau, chém nhau vì những chuyện rất nhỏ nhặt, ấy là bởi tính hung hăng không được kiểm soát. Các bạn cũng dễ dàng đọc thấy tin họ đánh nhau, đánh dân, họ sử dụng bạo lực với dân biểu tình… Ấy là do họ vừa có tính hung hăng trong người, vừa được bao che cho tính hung hăng đó, vừa ngạo mạn thể hiện vị thế kẻ có quyền lực. Bạo lực của họ là có mục đích.

Ở thời này, khi thế giới ngày càng xích lại gần nhau, trao nhau những giá trị nhân bản, yêu thương, chia sẻ, vị tha, bao dung, thấu hiểu, giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại thông minh… mà ta vẫn giữ tâm thế của kẻ hung hăng thì ta trở thành kẻ côn đồ trong mắt người văn minh. Câu chuyện thể chế là câu chuyện nói mãi rồi và sẽ đến lúc chúng ta thay đổi được điều đó. Trước mắt, để chính chúng ta trở thành người thông minh, biết đối thoại, biết kềm chế cảm xúc thì chúng ta phải tự sửa mình. Bởi khi cố ý hay vô tình thể hiện thái độ hung hăng với người xung quanh thì người xung quanh sẽ cảm thấy sự thù nghịch, đối thoại sẽ khó có thể thành công.

Tôi cũng là một người hung hăng bộc phát. Cho đến giờ, việc kềm chế vẫn là một điều khó khăn. Thay dổi tính cách là điều không hề dễ dàng chút nào, nhưng vẫn phải kềm chế bởi ta muốn hoàn thiện hơn mỗi ngày. Ta không muốn để sự hung hăng của chính mình hoặc của người khác gây ra tổn hại cho ta và anh chị em, làm ảnh hưởng đến việc chung. Để làm được điều lớn lao hơn cho cộng đồng, bắt buộc phải sửa mình trước đã.

Thói ghen ghét, đố kỵ của người Việt

Sự ghen ghét, đố kỵ hình thành khi một người cảm thấy mình thua kém người khác và tức giận vì điều đó. Sự ghen ghét, đố kỵ thường không chỉ dừng lại trong suy nghĩ của con người, nó luôn bộc lộ ra ngoài thông qua hành động lời nói để giải tỏa ẩn ức mặc cảm tự ti. Điều này làm cho con người càng trở nên thấp kém hơn chứ không mang lại suy nghĩ tích cực cần vươn lên để hoàn thiện bản thân.

Người ta ví người Việt như những con cua bị nhốt trong giỏ không đậy nắp nhưng không con nào thoát được vì mỗi khi có con nào vươn lên liền bị các con khác kéo xuống. Sự ghen ghét, đố kỵ làm cho chúng ta hại người hại mình và cùng chết mà không biết. Nó gây tổn thương, chia rẽ và không thể có được sự đoàn kết.

Thấy nhà hàng xóm ăn nên làm ra, ta không vui mừng thay cho họ, không học hỏi sự siêng năng cần mẫn giỏi giang hay kinh nghiệm của họ, ta ghen ghét đố kỵ và nhìn họ bằng con mắt ác cảm và tưởng tượng ra đủ thứ xấu xa trong đầu để nhủ họ cũng thường thôi, sao mà giỏi hơn ta được, chẳng qua là vì xấu xa bất chính nên mới giàu. Và rồi ta bịa đặt, nói xấu, vu khống, thậm chí quăng rác sang cổng nhà hoặc cho chó ỉa một bãi trước cổng nhà nó cho đỡ ghét.

Thấy đứa trong công ty làm việc giỏi được sếp yêu quý, cất nhắc, lương thưởng cao, ta không coi đó là động lực thúc đẩy bản thân học hành thêm để tiến bộ, ta luôn tìm cách gây hại cho nó phải bị kỷ luật thậm chí mất việc thì mới hả dạ.

Ai làm được một việc gì đó có ích nho nhỏ, được nhiều người khen ngợi, lập tức sẽ có một số lượng người không nhỏ khác cảm thấy không vui và ghen ghét, đố kỵ. Họ sẽ tìm cách chê bai, dè bỉu, thậm chí phá hoại để người khác thấy rằng người kia cũng thường thôi, thậm chí kém hơn họ, có gì đáng mà khen.

Hoạt động trong một nhóm mà ý kiến được nhiều người nghe hơn những người lập nhóm, làm nhiều việc tích cực được ngợi khen thì chẳng sớm cũng muộn liền bị đá văng ra khỏi nhóm.

Dạo gần đây, thỉnh thoảng, ta lại đọc thấy những tin người này người kia bị ai đó bỏ thuốc vào ao cá nuôi, phá hoại cây cối mùa màng. Sự ghen ghét đố kỵ tạo ra thù hằn ngấm ngầm và bùng phát công khai khi con người không còn kiểm soát được nó.

Con người trong xã hội mất niềm tin vào nhau, luôn nghi ngờ và đề phòng, cảnh giác, không còn dám nói thật sống thật với nhau vì sợ bị ghen ghét đố kỵ, do đó cũng không dám giúp nhau bởi lo âu người ta sẽ giỏi hơn mình, mình sẽ lép vế hơn.

Trong một xã hội có nhiều người ghen ghét đố kỵ thì xã hội đó sẽ rất chậm tiến trong mọi lĩnh vực vì không có sự khuyến khích phát triển. Người tài thường bị vùi dập. Sự chia rẽ nghi ngờ và giả dối triệt tiêu mọi yếu tố cần thiết để gây dựng tình yêu thương gắn kết trong cộng đồng.

Cộng đồng người Việt định cư hoặc đi làm thuê ở nước ngoài cũng gặp tình trạng “ghen ăn tức ở” gây ra sự mất đoàn kết và tranh giành xâu xé lẫn nhau khá khốc liệt, hoàn toàn không có tính đoàn kết để xây dựng, bảo bọc và giúp nhau. Có những chuyện rất buồn đã xảy ra. Khi trao đổi, tôi biết rất nhiều người muốn dân tộc mình có sự gắn kết đoàn kết như nhiều dân tộc khác. Tôi thèm muốn điều đó. Nhưng, cuối cùng, chúng ta vẫn là những cá thể mong manh yếu đuối dễ bẻ gãy vì đã tự chặt đứt sức mạnh của đám đông bằng sự ghen ghét, đố kỵ.

Hôm trước, một người anh lớn tuổi cười cười nói vui, “Em biết vì sao con voi nó chết không? Vì cái ngà. Nó có cái ngà quý nên nó bị giết để lấy ngà. Con người có của thì đừng phô phang vì người ta ghét, có tài năng thì cũng giấu bớt đi kẻo thiên hạ đố kỵ mà gây hại.” Mình giật mình, thanh minh, “Em có đồng bạc nào đâu mà phô. Nhưng đúng là em thường hay viết về kiến thức thường thức để chia sẻ với cộng đồng vì em muốn người chưa biết sẽ biết được như mình, giỏi hơn mình. Việc đó có gì đâu mà đố kỵ, anh ha?!” Ổng cười. Cái cười của người sống đủ lâu, trải nghiệm đủ nhiều ấy làm cho mình hiểu rằng cái suy nghĩ mình không bị ghen ghét đố kỵ là một suy nghĩ rất hồn nhiên, ngây thơ.

Ngẫm lại, thấy cũng nhiều lần xấc bấc và bị tổn thương vì người ghen ghét đố kỵ hại rồi, có phải không đâu, mình không chết vì việc đó nên nhanh quên thôi. Viết được một bài kha khá là nhờ đọc nhiều, nghiên cứu kỹ và suy ngẫm rất nhiều ở nhiều góc độ cùng sự trải nghiệm đủ nhiều. Nhưng người ghen ghét đâu hiểu điều đó, họ bảo, “Nó làm sao mà viết được bài đó, toàn người khác viết cho.”

Bị cô lập, vùi dập và dựng chuyện nói xấu vu khống đủ các kiểu từ những người mình quen và cả không hề quen biết… mình trải đủ hết, có thiếu gì. Những việc ấy không làm mình buồn nhiều. Nhưng nó làm mình nghĩ ngợi về chuyện lớn hơn: Làm sao để sửa được tính ghen ghét đố kỵ đang xé nát xã hội này?

Mình nghĩ, để có thể sửa được tính ghen ghét, đố kỵ, trước tiên con người cần nhìn nhận rõ bản thân mình. Cần nhận ra bản thân có điều này giỏi nhưng còn yếu kém mặt kia. Mặt giỏi thì ta phát huy và truyền kinh nghiệm cho người khác, mặt kém thì học của người giỏi hơn để hoàn thiện bản thân.

Ngoài việc nhận rõ mạnh yếu của bản thân, ta cũng cần tình yêu thương trong tâm hồn mình để dẹp tan những mầm mống của ghen ghét, đố kỵ. Khi có tình yêu thương nhau trong tâm hồn, ta sẽ vui sướng khi họ thành công chứ không ghen ghét. Sự yêu thương cũng làm ta bao dung, dễ học hỏi, chia sẻ với nhau hơn trong mọi việc.

Trong gia đình, khi nuôi dạy con nhỏ, ta cần sửa tính của mình để con không phải chứng kiến cảnh ta vứt rác sang nhà hàng xóm chỉ vì nhà nó mới mua ô tô. Ta cần yêu thương và cử xử với các con một cách công bằng để chúng không đố kỵ lẫn nhau, triệt tiêu mầm mống ghen ghét đố kỵ của con trẻ ngay khi còn nhỏ. Ta cần khuyến khích chúng chia sẻ và nhận thức rõ về bản thân, không hoắng huýt về những điều không thực chất để thể hiện.

Sửa mình luôn là một quá trình đau đớn, nhưng buộc phải làm nếu muốn tốt đẹp hơn cho bản thân. Mỗi người có thay đổi thì xã hội mới thay đổi. Mình bớt lười thì mình sẽ thay đổi được thôi.

Còm hay của Ngô Đăng Vinh:

Muốn sửa tính ghen ghét đố kỵ thì trước hết phải hiểu được nguyên nhân khiến người ta đố kỵ lẫn nhau. Mình cho rằng nó xuất phát từ việc không được thừa nhận. Ở các nước văn minh, con người có thể giỏi hoặc không giỏi nhưng đều được đối xử công bằng, được ghi nhận từ những điều nhỏ nhất. Nhưng ở Việt Nam thì khác, mà điển hình là câu “con nhà người ta”. Đứa trẻ nào giỏi ở một khía cạnh nào đó thường được tâng bốc quá mức, được lấy ra làm “tấm gương” bắt những đứa khác “học tập làm theo”, dù những đứa khác đó cũng có thể giỏi ở khía cạnh khác.

Ví như đứa trẻ “ngoan ngoãn chăm chỉ” thường dễ bảo, được điểm cao, được nêu gương… trong khi đứa cá tính điểm không cao nhưng vẽ giỏi hoặc chơi thể thao giỏi không được ghi nhận đánh giá đúng mức. Cái cách giáo dục hình thức và chạy theo thành tích của người Việt tạo ra mầm mống cho thói ghen ghét đố kỵ và không dễ để thay đổi điều này. Mình cá là nếu tự nhìn lại bản thân, hầu hết các ông bố bà mẹ Việt đều hành xử như vậy tùy mức độ, mình cũng không ngoại lệ.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art