Đền Thánh Phaolô ngoại thành
Vương cung thánh đường lớn Saint-Paul-hors-les-Murs (Thánh Phaolô ngoài thành), như tên gọi của nó, được xây dựng bên ngoài thành lũy Aurélien, dọc theo con đường via Ostiense, vào thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ được cho là của Tông đồ Phaolô. Được tái thiết nhiều lần cho đến thế kỷ XIX, nó giờ đây có kiến trúc tân cổ điển đồ sộ với phong cách hơi phương Đông cùng hai cây cọ đôi bên bức tượng Tông đồ.
PHAOLÔ TẠI ROMA
Phaolô, Tông đồ của "người dân ngoại", được gọi như vậy vì ông đã góp phần truyền bá Kitô giáo đến những người không phải Do Thái ở Tiểu Á, Hy Lạp và Roma, sinh ở Tarse thuộc Cilicia, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, vào đầu thế kỷ thứ nhất, và mất ở Roma từ năm 64 đến 68. Ông là người Do Thái thuộc chi phái Benjamin, như ông nêu rõ trong thư gửi tín hữu Philipphê (xem Pl 3,5), có tên Saolô, nhưng lại là công dân La Mã từ khi sinh ra. Cilicia là một tỉnh của La Mã, vì thế ông có tên La Mã là Paulus, có nghĩa là "nhỏ bé", "yếu đuối", đặc điểm mà ông dùng trong các thư để tự nhắc đến (xem 2 Cor 12,10). Là người có học thức và sùng đạo, ông nổi tiếng vì sự cuồng nhiệt bắt bớ các môn đệ của Chúa Giêsu cho đến khoảng năm 31-36, khi trên đường đến Damascus, ông nghe Chúa Giêsu hỏi: "Ngươi bách hại Ta làm gì?" (Cv 9,4). Cuộc đời ông thay đổi hoàn toàn như minh chứng trong bức tranh của Caravaggio, được lưu giữ tại nhà thờ Santa Maria del Popolo ở Rôma. Sau khi nhận phép rửa, Phaolô thực hiện nhiều chuyến truyền giáo. Phêrô là người đầu tiên mở cửa cho người dân ngoại bằng cách đến với họ. Đã có căng thẳng, nhưng những vấn đề này đã được thảo luận giữa họ tại công đồng Giêrusalem. Phaolô không hành động một mình.
Khi ở Giêrusalem năm 58, ông bị bắt vì đưa một người ngoại giáo vào Đền thờ và bị xét xử; nhưng với tư cách công dân La Mã, ông kháng cáo lên tòa án La Mã. Ông đến đó vào khoảng năm 60, bị quản thúc tại gia, nhưng dường như ông lại đi Ephesus vào năm 65, nơi ông bị bắt và trở lại Roma để bị kết án chém đầu trên via Ostiense.
Phaolô là một nhân vật thiêng liêng, với lời rao giảng chủ yếu dành cho người không phải Do Thái, nhằm mục đích cứu rỗi phổ quát trong Đức Kitô, như được chứng minh trong thư gửi tín hữu Galacia (xem Ga 3, 28).
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ THÁNH TÍCH
Sau khi bị xử tử trên via Ostiense, hài cốt Phaolô được một phụ nữ tên Lucina lấy để chôn trong lăng mộ gia đình, nơi nhanh chóng trở thành địa điểm thờ phượng của các Kitô hữu đầu tiên. Một nhà nguyện được xây dựng ở đó, sau đó, sau sắc lệnh Milan năm 313, hoàng đế Constantine đã cho xây một vương cung thánh đường trên khu nghĩa địa này, đặt người Phaolô trong một quan tài đá dưới bàn thờ chính. Lịch sử thánh tích của Phaolô rất phong phú. Các cuộc khai quật gần đây quan tài đá, có dòng chữ "Paulo apostolo mart", đã xác nhận sự hiện diện của vải quý và xương người từ thế kỷ I-II. Còn các truyện dân gian của những Kitô hữu đầu tiên kể rằng vào năm 258, trong thời kỳ bức hại dưới triều hoàng đế Valeriana, thánh tích của Phêrô và Phaolô đã được tạm thời đặt trong hầm mộ Thánh Sebastian. Cuối cùng, ngày 2 tháng 3 năm 1370, Giáo hoàng Urban V đã sai đem thánh tích đầu của Phêrô và Phaolô vào ciborium của vương cung thánh đường Saint-Jean-de-Latran, kết hợp hai nhân vật lớn của Kitô giáo sơ khai.
KIẾN TRÚC ĐỒ SỘ
Từ vương cung thánh đường thời Kitô giáo sơ khai, còn lại là thềm, apse và gian giữa khổng lồ được trang trí lại hoàn toàn. Mosaïc Vòm khải hoàn môn từ thế kỷ V được làm lại vào thế kỷ IX sẽ lại được thay thế trong suốt lịch sử. Các cuộc phá hoại liên tiếp của người Lombard năm 739, người Saracen khi cướp phá Rôma năm 846, các vụ hỏa hoạn, động đất và lũ lụt từ thế kỷ X đến XVIII cho đến vụ hỏa hoạn cuối cùng năm 1823, đã xóa nhòa quá khứ. Từ nguồn gốc, vẫn tồn tại cộng đoàn Biển Đức, được thành lập bởi Giáo hoàng Grêgôriô I vào thế kỷ VI-VII và được giao trách nhiệm bảo vệ và tôn vinh thánh tích của vị thánh.
Vì vậy, công trình kiến trúc chào đón chúng ta, được xây dựng lại vào thế kỷ XIX, có vẻ đồ sộ và phổ quát với khu tứ hành lang đầu vào, các đường nét hình học tinh tế bên ngoài, những cây cọ với ngọn hướng về phương Đông thế giới và tượng thánh Phaolô dẫn dắt bước chân chúng ta.
Nathalie Nabert, giáo dân và là mẹ, nhà thơ, trưởng khoa danh dự khoa văn tại Viện Công giáo Paris, giáo sư văn học trung cổ, sáng lập CRESC, "Trung tâm nghiên cứu tâm linh Carthusian", và bộ sưu tập "Tâm linh Carthusian" tại nhà xuất bản Beauchesne.