Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Du lịch Nam Dương

Tháng tám năm ngoái, tôi đi nghỉ hè ở vùng Đông Nam Á, nhưng tôi không ghé về Lào. Chắc các bạn sẽ hỏi tại sao, nhưng trả lời câu hỏi đó dài dòng lắm, nên thôi, để khi nào mình gặp nhau tôi sẽ bày tỏ cùng các bạn. Chỉ đi có 3 tuần mà ghé nào là Nam Dương, Singapore, Thái Lan, Hương Cảng và Đài Loan, nên chỗ nào cũng chỉ nếm qua loa một tý rồi lại đi tiếp. Tuy thế, tôi vẫn có đủ thì giờ để thưởng thức phong cảnh thơ mộng, đền đài cổ xưa, và nhất là làm quen và chuyện trò với người bản xứ để tìm hiểu đất nước của họ. 
        Nếu có bạn đồng hành thì vui biết mấy, nhưng chẳng có ma nào muốn đi với tôi, nên đành phải đi một mình với chiếc ballot đựng sáu bô quần áo và vài quyển sách. 
        Khởi hành từ San Francisco. Mua vé rẻ tiền nên mãi 27 tiếng đồng hồ sau mới đáp xuống Jakarta, thủ đô Nam Dương. Đó là chưa kể mười mấy tiếng khác biệt về giờ giấc. Chưa ngủ được giấc nào nhưng lâu mới có dịp đi chơi nên quên cả mệt mỏi. Sau khi lo thủ tục giấy tờ thì mới biết chiếc ballot đã bị thất lạc vì American Airline chuyển hàng qua Garuda Airline hơi trễ. Lại phải điền thêm một cái đơn nữa. Điền xong, họ bảo cứ lâu lâu gọi về kho trữ hành lý thất lạc để xem ballot đã đến hay chưa. Cái ballot theo mình khắp đó đây từ năm 1983, bao nhiêu kỷ niệm, bây giờ lại mất. Buồn dười dượi, thất tha thất thểu đi ra phòng du lịch để thuê phòng và đổi tiền. Trước quầy có cả chục tài xế taxi đứng đón khách, gặp tôi họ hớn hở chào mời: “taxi Tuân, taxi Tuân”. Lạ nhỉ, sao họ biết tên mình. Chẳng biết một câu Nam Dương nên đành phải hỏi họ bằng tiếng Anh “How do you know my name ?”. Chẳng biết tiếng Anh nên họ chỉ cười xòa. Hỏi cô thư ký ở quầy du lịch mới biết “tuan” tiếng Nam Dương có nghĩa là “ông, Mister, Monsieur”. Như vậy Mister Tuan là Tuan Tuan. Đúng là xứ thần tiên. 
        “Nhà em nghèo”, bởi thế tôi thuê phòng ở một khu phố nghèo nhưng nổi tiếng trong giới sinh viên đi giang hồ. Nhà trọ nhà riêng cái nhô ra cái thụt vào chen lấn nhau trên con đường Jalan Jaksa chật hẹp như một ngõ hẻm. 
        Trời nóng và ẩm, chiếc áo chemise mặc để lăn lộn trên máy bay ướt đẫm nên việc đầu tiên là phải tắm rửa. Hơn nữa bây giờ không có quần áo để thay nên cần phải giữ vệ sinh để khỏi hôi hám. Sau đó gọi kho hành lý để kiếm ballot. Ở đầu giây bên kia chẳng ai biết nói một câu tiếng Anh. Ở hotel lẹp xẹp này, năm đô la một ngày cũng chẳng ai thạo tiếng Anh để mình tả oán. Thế là rồi đời chiếc ballot chứa đầy kỷ niệm. 
        Trưa đó ra phố mới biết thành phố Jakarta đồ sộ thế mà chẳng duyên dáng như Vientiane nhỏ bé. Thứ nhất là không có vỉa hè rộng như vỉa hè Setthathirath, phải đi trên nắp cống, thối ơi là thối, và người đi xe đi bộ đông như kiến. Thứ nhì chẳng có cái quái gì để xem. Nhưng vì là thủ đô nên ai cũng đổ xô đến, đến rồi hối hận. Nhưng đã đến thì phải đi đây đi đó cho biết, còn hơn là về cái phòng tối như là hũ nút. Đi xe bus cũng khó khăn lắm vì sách du lịch chỉ liệt kê vài đường, trèo lên xe thì phải chen nhau mà đứng. Tôi lại lùn tịt nên có kiễng chân lên cũng chỉ thấy mái nhà thì biết trạm nào mà xuống. May nhờ những người soát vé hiếu khách, khi lên xe tôi chỉ trên bản đồ cho họ xem khu phố tôi muốn đến, nên khi đến trạm họ ra dấu cho tôi biết. 
        Chán quá, tối hôm đó tìm đến tiệm Paregu là tiệm ăn Việt Nam mà sách du lịch Fodor khen là “the best Vietnamese food in town”. Đến đó để gặp người đồng hương may ra họ sẽ giúp tôi tìm lại cái ballot. Viết địa chỉ vào tấm giấy rồi đưa cho anh lái taxi. Anh ta gật gù và nói “OK Tuan”ra vẻ quen thuộc với cái tiệm ăn này. Thế là mình yên tâm. Buổi tối trời man mát, đèn điện sáng trưng, nên tôi thấy phấn khởi. Chẳng ngờ khoảng mười lăn phút sau xe chạy vào một đường đất đỏ tối tăm nhà cửa lụp xụp san sát hai bên đường, trông như cái xóm gì ở sau rạp Odéon Rama. Chết chưa, trong sách nói tiệm ăn này đòi phải có réservation, mà sao anh lại đưa tôi vào khu xóm nhà lá này ? Ngày đầu của chuyến đi nên còn khối tiền trong ruột tượng. Bỏ mẹ, nó đưa mình vào sào huyệt để cướp của giết người. Hoảng quá nên tôi làm ầm lên “Hotel, hotel, go back, return”. Anh cử thảm nhiên lái xe, nên tôi lại càng sợ. Lần này tôi nắm vai anh ta và lay mạnh, miệng kêu gào “Hotel, hotel”. Một lúc sau như chợt hiểu, anh ta nhắc lại “Hotel, hotel”. Mừng quá tôi trả lời “Ya, ya, hotel, ya”. Đi cả ngày mới học được một tiếng “ya” là “ừ”, là “yes”, là “oui”. Nghe như là “yes” nên cũng dễ nhớ. Mãi một lúc sau xe mới chạy vào một khu phố sầm uất, đỡ lo, nhưng chưa chắc đã thoát nạn. Khi về đến hotel tôi mới hoàn hồn. Bốn mươi lăm phút hãi hùng. Đói quá nên vào nhà bếp của hotel ăn. Tám rưỡi tối họ chỉ còn món “nasi goreng”, bưng ra mới biết là cơm rang với trứng, khô khong khỏng. 
        Vừa ăn vừa nghĩ: Phải rồi lúc trươc ở Lào có ai dùng địa chỉ đâu, mỗi khi đi taxi hay “xamlo”thì phải dùng chùa chiền hay chợ búa làm đích. Ở xứ này chắc cũng thế, chẳng ai dùng địa chỉ, vì kế sinh nhai nên anh chàng taxi cứ lái bừa. May cho anh ta gặp được du khách yếu bóng vía, anh dễ làm tiền. 
        Trên máy bay đã không chợp mắt được một giấc, thế mà tối hôm đó trằn trọc mãi không ngủ được. Khoảng một giờ sáng chẳng biết từ đâu có con chuột cống trèo từ chân tường lên tủ quần áo. Có lẽ lâu rồi, mới có người thuê phòng nên nó cứ nhìn tôi đăm đăm. 
        Chán lắm rồi nhưng không thể rời Jakarta ngay được vì còn cái ballot. 
        Sáng hôm sau đi điểm tâm tình cờ thấy một hãng du lịch nằm bên kia đường ngay trước hotel tôi ở trọ. Thành phố này chán quá, phải tìm ra vùng lân cận. Nghĩ thế nên tôi ghé vào văn phòng hãng du lịch. Gọi là văn phòng thì hơi quá, vì đấy chỉ là phòng khách của nhà ông chủ hãng. Sau khi lựa một vùng quê tôi muốn đến thăm và định đoạt giá cả, tôi ngồi chờ xe đén đón. Khách hàng hôm đóchỉ có mình tôi nên tôi có dịp nói chuyện với ông chủ hãng. Ông ta không thạo tiếng Anh nên chẳng mấy chốc chuyện trò trở nên thân mật. Thế là tôi được đi bày tỏ việc mất hành lý. Ông ta tỏ vẻ sốt sắng muốn giúp đỡ tôi nên tôi đưa cho ông số điện thoại và ông gọi ngay. Có lẽ chỉ ở những nước văn minh thì điện thoại mới có công hiệu, ở những xứ nghèo chẳng làm được gì qua điện thoại. Tuy thế, khi tôi lên xe ông ta vẫn hứa là sẽ gọi kho hành lý vài lần nữa để tìm chiếc ballot giùm tôi. 
        Chẳng mấy khi gặp người tốt bụng như thế. Cái ballot trăm bạc chỉ có giá trị tình cảm với tôi, mà sao lại phiền hà của một người dưng giàu lòng vị tha. Tấm lòng vàng của họ quí giá biết bao, tiếc gì một cái ballot. Không ballot thì không phải xách nặng, không quần áo thì mua quần áo. Nghĩ đến đây tôi thấy lòng nhẹ nhàng, bình thản như một người không còn vương vấn trần gian, và nhất là thành phố Jakarta khả ố này. Thế là tôi quyết định rời Jakarta ngày hôm sau để giữ đúng lộ trình. 
        Sáng sớm hôm sau tôi lên xe lửa để đi Jogjakarta. 
        Nam Dương có 13677 đảo, nhưng chỉ một nửa số đảo có người ở. Dân số hơn 166 triệu người mà đảo Java đã tụ tập hơn 60%. Đi xe lửa từ Jakarta đến Jogjakarta mất chín tiếng, suốt dọc đường gần như không có chỗ nào có đất trống. Làng mạc ruộng nương san sát nối tiếp nhau. Đất cát phì nhiêu nên chỗ nào cũng có thể trồng trọt được. Đẹp nhất là cảnh ruộng lúa trên sườn đồi. Những ruộng lúa xanh tươi uốn éo theo sườn đồi tầng tầng lớp lớp như những bậc thang. “Tấc đất tấc vàng”, người nông phu Nam Dương phải đào xới vất mới có được một khoảng đất bằng để trồng lúa. Vun xới năm này qua năm nọ, đồi này qua đồi kia, đồng ruộng của họ trông như một nữ trang chạm trổ khéo léo. 
        Jogjakarta không xô bồ như ở Jakarta. Tỉnh nhỏ với nhiều đại học. 20% dân số là sinh viên và nghệ sỹ nên chiều chiều tôi hay ra công trường trước nhà giây thép để hóng gió và chuyện trò với đám thanh niên tụ họp ở đó. Họ thích nói tiếng Anh nên rất dễ làm quen. Cũng nhờ thế mà tôi học được lõm bõm vài câu Nam Dương, sau đó lại mua được quyển từ điển Anh – Nam Dương Nam Dương – Anh nho nhỏ bỏ lọt túi quần nên học được khá nhiều chữ. 
        Tiếng nam Dương rất dễ học. Thứ tự chữ trong một câu cũng như tiếng Việt. Chữ viết cũng dùng mẫu tự Latin. Không có những luật văn phạm lằng nhằng. Chỉ định số nhiều chỉ cần nhắc lại hai lần, chẳng hạn như “buku” là quyển sách, thế thì “buku buku” là nhiều quyển sách. Họ dùng danh từ ngoại quốc rất nhiều nhưng đổi âm cho phù hợp với giọng nói của họ, chẳng hạn như cái đèn là “lampu”, cảnh sát là “polisi”. 
        Chỉ nói bập bẹ được vài câu, thế mà đi đâu cũng dễ dàng hơn. Trên chuyến xe đò từ Jogjakarta tới Denpasar ở đảo Bali tôi đã bút đàm với một cô gái không biết tiếng Anh. Cô ta viết câu hỏi xuống giấy, tội lật từ điển phần Nam Dương – Anh tra từng chữ. Khi đã hiểu câu hỏi, tôi lật đến phần Anh – Nam Dương tìm từng chữ ghi xuống giấy để trả lời. Vì không phải tra tự điển nên cô ta trả lời hay hỏi han dài dòng. Tôi tìm chữ “Short” và chìa từ điển cho cô ta đọc nghĩa. Tiếp đó là chữ “keyword”nhưng không có đành phải dùng tạm chữ “keynote”để nhắc nhở cô ta ít lời. Cô ta gật đầu và mỉm cười. Nhưng ngay sau đó cô ta lại viết thêm một câu hỏi mười chữ. Đúng là gái già mồm, xin lỗi các chị. Bốn tiếng đồng hồ mà chỉ trao đổi được mười câu. 
        Đảo Bali nhỏ và nhiều đổi núi nên không có đường xe lửa. Từ Jogjakarta đến Denpasar ở Bali phải đi xe đò mất mười sáu tiếng. Lần này khởi hành vào buổi chiều nên có dịp ngắm cảnh ban đêm. Ở những xứ dân cư thưa thớt, đêm đến chỉ thấy ở đồng quê một mầu đen. Nhưng ở Nam Dương làng mạc san sát nên buổi tối ngồi trên xe đò ngắm cảnh trong nhà người ta cũng rất thú vị. Cũng như ở Lào, những nhà xây sát mặt đường phần đông đều có cửa ra vào to bằng chiều rộng căn nhà mà chẳng che màn. Đêm đến trong nhà thắp đèn nên ở ngoài nhìn vào thấy rõ. Gần như  nhà nào cũng thắp một ngọn đèn néon. Nhìn một bà lão ngồi ở quầy hàng trước cửa nhà quạt muỗi cho đứa cháu đã ngủ say trong lòng bà làm tôi nhớ cảnh ở Lào. Cả quán hàng vỏn vẹn vài thỏi kẹo, dăm ba nải chuối, đã khuya lắm rồi thế mà bà vẫn ngồi coi trông hàng. 
        Tờ mờ sáng ngày hôm sau tôi đến đảo Bali. Đi đâu cũng chỉ thấy người với người, nhưng phong cảnh đẹp tuyệt vời. Ruộng lúa, hàng dừa, bờ biển, đền đài, ngắm mãi mà không chán. 
        Số đông dân cư ở Bali theo Ấn Độ giáo, làng nào cũng có một đền thờ thần Brahna hay Vishnu. Không như đạo Phật, trong đền lhoong có sư sãi trụ trì “vắng như chùa bà Đanh”. Khi có người xin lễ thầy cũng mới lập bàn thờ cúng bái. Đền thờ chỉ là một khoảng đất rộng bao bọc bằng bốn bức tường cao xây bằng gạch đỏ. Cổng đền bằng đá được chạm trổ rất tinh vi những hình hoa hòe và quỷ thần trợn mắt lè lưỡi. Trong đền chỉ có một cái tháp gạch đỏ cao ngất ngưởng, chung quanh có nhiều tháp nhỏ xây bằng gỗ lợp mái rơm. Tuy sơ sài nhưng kiến trúc kỳ lạ nên ta thấy một vẻ đẹp âm u huyền bí. 
        So với nước văn minh thì Nam Dương quả thật là một xứ nghèo, nhưng vẫn giàu hơn Lào. Nhà nghèo cũng lợp ngói, chỉ có bàn thờ tổ tiên trong sân nhà còn theo kiến trúc cổ xưa nên lợp mái rơm. Dường làng trải nhựa nhưng không mất vẻ thơ mộng. Giờ tan trường, học trò lũ lượt đứa nào cũng mặc đồng phục tươm tất. 
        Ngày cuối cùng ở Nam Dương tôi phải bay từ Bali về Jakarta để đón máy bay đi Singapore. Đến kho hành lý, tôi tìm được cái ballot. Mừng quá. 
        Một tuần ở Nam Dương không đủ để thăm viếng nhiều nơi, tuy thế tôi đã ngắm nhiều cảnh đẹp, tiếp xúc với nhiều người tử tế. Người Nam Dương rất hiếu khách, có lẽ vì tò mò. Lúc nào họ cũng tươi cười. Trong các quốc gia tôi ghé qua chuyến đi vừa rồi, chỉ có Nam Dương làm tôi lưu luyến.

Vũ Tam Tuấn

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art