Tọa lạc giữa Paris, trên đảo La Cité, trong cung điện nhà vua, nép mình bên cạnh Tòa thượng thẩm, từ ngoài đường chỉ thấy vươn lên cao vút chóp tháp, Nhà thờ Thánh La Sainte Chapelle được xem như một bảo vật. Thật ra đây không phải hoàn toàn là một nhà thờ mà là một nơi lưu giữ thánh tích được vua Louis IX, tức là Saint Louis, cho xây để chứa Vòng Gai tượng trưng cho Nỗi khổ hình của chúa Giêsu, một mảnh của Thập Giá Thật theo một truyện thánh thịnh hành từ thế kỷ IV.
Đây là một kiến trúc tứ phía hầu hết bằng kính, ngay nhiều bức cửa sổ tầng nhất cũng không có tường, góp phần với kiến trúc mạnh dạn vươn lên bộc lộ vẻ duyên dáng của ngôi nhà. Tuy xây dựng mau chóng, không quá ba năm, công trình không có chút khuyết điểm, ngay cả trang trí cũng được thực hiện rất tươm tất. Nhiều ngành nghề sơn, chạm nhất là kỹ thuật làm kính ghép màu được sử dụng tối đa cho nên ngày nay, tuy sang đi sửa lại, nhà thờ vẫn luôn là một kiệt tác nhờ những bức kính khổng lồ.
Nhà thờ được một đoàn linh mục phụ trách chăm lo cho đến 1787 thì bị đóng cửa và qua 1790 mất tất cả đồ đạt. Từ năm 1787, ngôi nhà đã trở thành kho lưu trữ cho tòa án , suýt bị phá hủy khi tòa án mở rộng. Nhờ áp lực dư luận quần chúng, nhà thờ được cứu vớt năm 1836 và một năm sau bắt đầu được trùng tu.
Thuộc phong cách gôtic tỏa tia, Nhà thờ Thánh trùng tu toàn vẹn được xếp vào các công trình lịch sử năm 1862 và được Trung tâm những công trình quốc gia quản lý. Năm 2011, La Sainte Chapelle đã đón tiếp 900.000 khách, trong nước Pháp chỉ đứng sau Mont Saint-Michel và Khải hoàn môn giữa quảng trường Etoile ở Paris.
Trong thời kỳ Viễn chinh chữ thập, cuộc cướp phá Constantinople năm 1204 có lẽ là sự kiện ít huy hoàng nhất mà lại là phi lý nhất, vì những tín đồ Ki tô giành giật nhau trong đức tin và đánh lạc hướng ý nghĩa cuộc viễn chinh. Hành động như những kẻ thô lỗ, dã man, những hiệp sĩ tây phương và những quân chữ thập đội Viễn chinh thứ Tư phát xuất từ Venezia cướp phá không chỉ những điện đài mà còn cả những nhà thờ. Chiến lợi phẩm đem ra bán ngoài chợ, mạnh ai nấy được, không có chuyện chia sẻ.
Vòng gai và Thập Giá Thật ở điện Boucoléon rơi vào tay bá tước Baudouin VI de Hainaut trước khi thuộc quyền sở hữu của con là bá tước Baudouin II de Courtenay. Cần tiền, vị vua cuối cùng của Constantinople nầy đem cầm những bảo vật tại một nhà buôn Venizia, Nicolo Quirino.
Sau một thời gian thương lượng, nhất là để kiểm tra tính xác thực các thánh tích, vua Saint Louis chịu mua lại với giá rất đắt 135.000 đồng bảng tournois (tiền thay thế đồng bảng parisis sử dụng từ thế kỷ XIII và trước đồng franc thiết lập năm 1795), lớn hơn một nửa tiền thu nhập quốc gia hằng năm.
Hai vị tu sĩ dòng Dominicain Jacques và André Longumeau lãnh nhiệm vụ hộ tống những thánh tích về Pháp năm 1239, đến Villeneuve l’Archevêque (vùng Champagne) ngày 10/8, hôm sau ghé ngang Sens. Vua Saint Louis, người em Robert I d’Artois, Giám mục thành Puy, bà mẹ Blanche de Castille và đức Tổng giám mục thành Sens Guillaume Cornut thân hành đến đón rước về Paris bằng đường thủy. Ngày 18/8, Vòng gai đến Paris trong một biển người và toàn thể giới tăng lữ kinh đô. Hôm sau, một buổi lễ long trọng được tổ chức nhân đặt thánh tích vào nhà thờ Saint-Nicolas trong cung điện.
Năm 1241, vua đạt được thêm một mảnh của Thập Giá Thật và bảy thánh tích khác thuộc Nỗi khổ hình của chúa Giêsu như Máu Thánh, mẫu Đá Mộ phần Thánh, sau đó ngọn Giáo Thánh và mảnh Bọt biển Thánh.
Chỗ xây nhà thờ được chọn lựa ở giữa cung điện nhà vua không phải ngẫu nhiên, mà chính để tỏ liên quan mật thiết giữa những thánh tích và hoàng triều. Điều tương tự có thể thấy qua những vua Bizance với nhà thờ điện Boucoléon, những vua Germanie với nhà thờ ở điện Aachen. Nhà thờ còn chọn lựa gần tòa án còn có ý nghĩa pháp lý vì mọi thủ tục giữa nhà vua và chư hầu đều phải ký kết sau tuyên thệ trên các thánh tích.
Nói chung nhà thờ có bốn nghĩa vụ: nhà thờ cung đình, báo quản thánh tích, trụ sở đoàn linh mục, nơi thờ cúng của những nhân viên cung đình. Nhưng nhà thờ không có thang trực tiếp lên tầng trên là nơi trình bày thánh tích, không có hành lang quanh điện để khách hành hương lại viếng có chỗ nối nhau xem. Nhà thờ cũng không có một diễn đàn tribune cho nhà vua hay các tăng lữ. Ðấy có lẽ là ý chí của vua Saint Louis không phải xây dựng phòng trưng bày các thánh tích mà là một nơi thanh tịnh để mặc niệm, cầu nguyện. Vì vậy ở gian thứ tư phía nam có một cái hốc oratoire xây trong tường dành cho nhà vua.
Nhà thờ không có ghế ngăn stalle dành cho các giáo sĩ, họ phải ngồi trên các ghế dài bằng đá dọc tường. Một công trình jubé (hành lang phân cách điện chœur và gian giữa nef trong vài nhà thờ xưa) sau nầy mới được dựng thêm giữa hai gian thứ hai và thứ ba. Để tiện việc đi lại, một hành lang mang tên Merciers vòng quanh phía tây sân điện Mai, nối liền nhà thờ với tư thất của nhà vua. Tên sân Mai là theo tục truyền một ngày tháng năm, một cây sồi được bứng từ rừng Vincennes đem trồng trong sân điện. Cây sồi tượng trưng cho sự hòa hợp Trời và Đất, công lý của Chúa và của loài người, công lý của nhà vua, cho nên tương truyền những quyết định của pháp viện được công bố và thi hành trong sân nầy.
Nhà thờ Thánh được bắt đầu xây vào mùa thu 1241, khi các thánh tích vừa rước về, và xong vào mùa xuân 1244. Hai năm sau, một đoàn năm linh mục được sáng lập để bảo quản các thánh tích, bảo dưỡng những bức kính ghép màu, hệ thống đèn đuốc và làm lễ trong nhà thờ.
Ngày 26/4/1248, đức Khâm sai Giáo hoàng Eudes de Châteauroux làm phép dâng nhà thờ cho Thập Giá. Cùng ngày ấy, đức Tổng Giám mục giáo phận Bourges Philippe Berruyer làm lễ cung hiến nhà thờ cho Đức mẹ Ðồng trinh.
Vua Saint Louis là một nhà xây dựng tương đối giàu có nên chỉ trong vài năm thu nhập được đủ chi phí là 40.000 đồng bảng tournois. Nhà vua thân hành đi xem công trường nhiều lần và làm việc chặt chẽ với những đốc công, thợ cả, góp phần vào quá trình thực hiện các bộ phận nhà thờ. Người ta không biết chắc kiến trúc sư là ai nhưng tương truyền phong cách của Pierre de Montreuil (nhà thờ Đức mẹ Ðồng trinh tu viện Saint-Germain-des-Prés, cánh ngang Nhà thờ Ðức Bà Paris) rất tương tự, tuy vài tên khác cũng được đưa ra: Thomas de Cormont (Nhà thờ Amiens), Robert de Luzarches (Nhà thờ Đức mẹ Ðồng trinh ở Amiens).
Vua Saint Louis rất chú trọng về mặt đạo lý, tín điều. Tượng trưng sự hủy bỏ không gian là những bức kính thế tường, tượng trưng tính hài hòa là màu sắc linh động, tượng trưng niềm lạc quan của nhà thờ là chóp tháp cao vút. Trên những cột gian phòng Mười hai Tông đồ qua những lời thuyết giáo là nền tảng của Giáo hội. Những bức kính màu là tập sử ký của cả một cộng đồng tự gọi là dân tộc chọn lựa của Chúa, bắt đầu với những Tông đồ.
Nói chung Nhà thờ Thánh là một phối hợp những nghệ thuật thế kỷ XIII: kỹ thuật kính màu, sơn màu, kim hoàn, trang trí, chạm trổ, kiến trúc,…để thành công cụ thể hóa điều mộng tưởng xây dựng một ngôi nhà vách tường rạng rỡ, hình ảnh đất Jérusalem thiên đường, thế giới lý tưởng, nơi những người ân sủng sống đời đời kiếp kiếp với đức Chúa Trởi.
Hộp đựng thánh tích là một loại tủ sắt kim hoàn rộng 2,70m có hai cánh cửa ngoài và hai cánh cửa trong bằng lưới mắt cáo. Nhà vua mang luôn trong mình 10 cái chìa khóa, chỉ giao cho ai khác sau khi ký giấy ủy nhiệm. Bên trong, ngoài Vòng gai, Máu Thánh còn có một mẫu gỗ lớn, những mẫu sắt giáo nhỏ, một cái áo tơi màu tía, một mẫu bọt biển, một mẫu đá Mộ thánh, một mẫu vải liệm Giêsu, vài mảnh vải Chúa đã dùng để rửa chân tín đồ, vài sợi tóc của Đức mẹ Ðồng trinh,… Còn có nhiều thánh tích khác ít quan trọng hơn được bảo quản trong hai tủ lớn bên cạnh.
Trang trí hộp đựng thánh tích là một tác phẩm: phía tây là cảnh đóng đinh Giêsu vào thánh giá, phía bắc cuộc đánh roi Giêsu và phía nam cảnh phục sinh của Giêsu. Khó bảo vệ một thánh tích có giá trị vô biên vì lần lượt các vị vua trích từng mảnh để cung hiến hoặc các cộng đồng tu sĩ, hoặc các đức giám mục ở Pháp hay ở nước ngoài. Chính ngay Saint Louis đã thiết lập thói quen ấy khi dâng tặng một vài mảnh cho đức Giám mục Tolède. Rút cuộc thánh tích tản mát khắp nơi, chẳng hạn như Thập Giá san sẻ ở tám nhà thờ các tỉnh.
Nếu những nơi được biếu tặng là những cơ sở tôn giáo thì là chuyện đáng kính nhưng khi Hoàng hậu Marie-Thẻrèse d’Autriche năm 1672 lấy một mảnh Thập Giá đem biếu con là Louis-François de France thì có nhiều lời bất bình. Tệ hơn là trong những năm 1534, 1555 nhiều mảnh Thập Giá Thật bị mất cắp và không tìm ra lại được. Vì số người có quyền mở hộp có hạn nên chỉ hai người bị nghi ngờ là vua Henri III và bà mẹ Catherine de Médicis. Vua Henri III còn lấy ra năm hòn ngọc đỏ trong Vòng Gai ước giá 250.000 êcu đem qua cầm bên Ý. Năm 1567 vua Charles IX thì rút nhiều vật trang trí giao cho sở đúc tiền sử dụng. Trong thời kỳ Cách Mạng, nếu những hộp đụng thánh tích bị nấu chảy để thu hồi kim loại quý, Vòng Gai được trao cho đức Hồng y Jean-Baptiste de Belloy năm 1802, hiện được bảo quản ở ngân khố nhà thờ Đức Bà Paris. Những thánh tích khác được giữ trong nhiều viện bảo tàng khác nhau.
Với kiến trúc gôtic tỏa tia, Nhà thờ Thánh là một công trình khá giản dị không vòm cung, không có cánh bên, không có cánh ngang, không có hành lang gác, không có hành lang quanh chánh điện. Một nhà thờ hai tầng, xem ra như nhà thờ dưới và nhà thờ trên xếp chồng nhau. Một cửa chính phía tây mở vào bốn gian và điện, một hậu cung bảy mặt, vòm gân cung. Những cầu thang tháp con ở hai góc tây bắc và tây nam nối liền hai nhà thờ.
Bên ngoài, Nhà thờ Thánh dài 36,0m, rộng 17m, cao 42,5m không kể chóp tháp. Chóp nầy dài 33,25m nên độ cao nhà thờ từ đất là 75,75m. Bên trong dưới vòm nhà thờ dưới chỉ cao 6,6m, nhà thờ trên 20,5m. Diện tích bên trong tương đối nhỏ, cỡ một nhà thờ nhỏ trong làng nhưng bề rộng tương đương với một nhà thờ lớn cỡ Nhà thờ Laon, còn độ cao thì có thể so sánh với những nhà thờ gôtic đâu tiên loại Nhà thờ Noyon.
Nhà thờ dưới có kích thước một cái hầm mộ nhưng trang trí tinh vi không kém nhà thờ trên: tỷ lệ cột nhà, chạm trổ mũ cột, mâm đỉnh cột, thanh chống vòm chính, lỗ cửa gian giữa.
Đáng để ý là màu sắc sực sỡ để làm nổi trội những tường kính bị tháo gỡ năm 1691 và cho thế vào những kính trắng. Năm 1690 một cơn lũ phá hoại nhiều và phải sơn lại. Khi trùng tu, kiến trúc sư Emile Boeswillwald sử dụng các màu xanh, đỏ rực rỡ, sơn vàng để dậy màu các đường chỉ, những mũ cột, đá đỉnh vòm.
Trang trí trên vòm là những hoa huệ biểu hiệu hoàng gia, lâu đài Castille nhắc nhở Blanche de Castille, nhiều hoa lá trên góc tường vòm. Những kính ghép màu ngày nay là tác phẩm của Adolf Steinheil theo kỷ thuật sơn một màu grisaille. Ông cũng là nghệ nhân đã khôi phục những bức chạm đầu người nguyên đặt giữa các dãy trang trí vòm. Rất ít còn tồn tại từ những bức tranh thế kỷ XIII, ngoại trừ một bức Lễ truyền tin (Annonciation) và một bức Đức mẹ Đồng trinh giữa hai thiên thần. Những bức chạm đầu người ở gian giữa hình dung những vị Tông đồ thay cho Thánh giá cung hiến, tranh vẽ lấy từ cuốn sách kinh lễ của vua Saint Louis.
Cao gần gấp đôi bề ngang, nhà thờ trên lịch sự muôn sắc muôn màu tuy sáng sủa nhưng không tràn ngập ánh sáng vì cửa gương thế kỷ XIII là nửa sáng nửa mờ. Hai mặt phải hậu cung hẹp hơn những mặt khác, hai cửa sổ hậu cũng thấp hơn, 13,45m thay vì 15,35m, mánh lới để trông lòng nhà như dài hơn, từ đấy mặt ngoài gian giữa trông cũng như xa hơn. Trang trí có phần phức tạp hơn nhà thờ dưới, phần lớn là nguyên bản. Tượng những vị Tông đồ, tuy cách cách cấu tạo mang dấu năm 1240, bị những nhà cách mạng cho là đem vào sau nên lấy đi, hiện được bảo quản ở viện Bảo tàng Cluny.
Những ô trán ba vòm cung do họa sĩ Steinheil thực hiện, hình dung ba thời kỳ hy sinh trong kinh Cựu ước, một đấng Giêsu đang ban phúc lành giữa hai nhà tiên tri Isaie và Jérémie, ba cảnh hy sinh trên thập giá: hiến sinh con cừu non chúa Giêsu, vết máu trên nhà nhưng người Hêbrơ (để tránh thần Chết bắt các con đầu lòng) và con rắn Moise trong sa mạc. Trong gian giữa, những cành lá lượn xen lẫn chim chóc, thú bốn chân, nhưng tượng trưng hiệu học. Trong hậu cung, bốn con sông thiên đường tượng trưng ân huệ của chúa và bảy thánh lễ tuôn ra từ hóc đá như bảy ngọn suối.
Giữa hậu cung, khán đài những thánh tích bị tháo gỡ đưa đi nhà thờ Saint Denis hay tu viện Petits- Augustins trong thời kỳ Cách mạng nhưng tảng đá trên hộp thánh tích, một thang gỗ và nhiều mảnh trên dãy trang trí vòm được hai kiến trúc sư Félix Duban và Jean-Baptiste Lassus khó khăn phục hồi vì thiếu nhiều bản gốc. Sáu thiên thần trên bệ góc tường vòm cung là những tác phẩm có giá trị nhưng chưa chắc tương ứng với những mẫu xưa.
Vì thiếu ngân quỹ nên không thể làm lại chấn song bức tường, bàn thờ chính và hòm thánh tích. Cũng như tán che, tượng trưng hoàng gia, không được đem trở lại chức vụ, những bức kính ghép màu trình trong chương trình tượng trưng trang trí, những Tông đồ và những cảnh Đóng đinh Chúa, Đánh roi Giêsu, Phục sinh đấng Kitô,… không được hoàn toàn phục hồi. Thậm chí bàn thờ để làm lễ bồ nhiệm chức quan tòa cũng bị tháo ra đưa vào dưới hầm…
Rốt cuộc, xây Nhà thờ Thánh lưu giữ hộp kính thánh tích Vòng gai, Thập giá Thật,… vua Saint Louis không chỉ tỏ lòng sùng đạo mà còn thi hành một cử chỉ chính trị. Không những ông đã kiếm cách bảo quản cho các thánh tích khỏi bị rải rác khắp nơi mà còn thành công gìn giữ chúng trong vòng tay hoàng gia.
Nhà thờ Thánh có hai tầng, tầng dưới dùng để làm lễ cúng giáo khu, tầng trên dành cho các thánh tích. Sau hai lần bị hỏa hoạn (1630, 1777), một lần bị lụt lội (1690), nhà thờ còn bị phá hoại trong thời kỳ Cách Mạng. Những trang trí bên ngoài bị tan hủy, kể cả chóp tháp, những cửa kính ghép màu phân tán, tầng trên dùng làm kho lưu trữ hồ sơ tòa án,…
Cuộc trùng tu chỉ bắt đầu cuối thế kỷ XIX. Ba kiến trúc sư tiếp tục nhau chỉ đạo: Félix Duban, Jean-Baptiste Lasus, Emile Boeswillwald. Nhà kiến trúc Viollet-le-Duc thỉnh thoảng có lại giúp sức cũng như nhiều nhà Trung đại học. Nhiều đề tài đã phải bàn cãi gay go vì thiếu chứng từ. Ngay chóp tháp bị hư gãy cũng không biết có phải là nguyên bản không. Rốt cuộc hai mẫu 1383 (Duban, Viollet-le-Duc) và 1630 (mẫu đánh gảy thời kỳ Cách Mạng) bị bỏ và trùng tu theo mẫu 1460…
Một vấn đề khác ít được đồng ý với nhau là trang trí bên trong vì không tìm ra được tất cả các mảnh vỡ, lắm khi phải sáng tạo. Trường hợp những kính ghép màu đặt một khó khăn khác: chương trình do François de Guilhermy soạn theo những thánh kinh đạo đức thế kỷ XIII mà thực hiện lại giao cho nhiều nghệ nhân đặc biệt Louis Steinheil và Antoine Luson, còn chạm trổ thì lại thuộc phần xưởng Geofroy Devchaume chuyên môn về Trung Đại. Cơn bão năm 1999 lại còn phá hư nhiều nữa cửa kính tầng trên và hiện một thiết kế kỹ thuật sửa chữa đang tiến hành. Dù sao, La Chapelle toàn bộ luôn đứng vững nhờ một sườn kim loại bên trong bền chắc chống chọi mọi sự kiện bên ngoài.
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Thành Xô thu 2016
Mừng mùa Giáng Sinh 2016
Ảnh chụp những năm 2010-2012
Vua Louis IX tức Saint Louis Vua Louis IX là con vua Louis VIII (1187-1226) và hoàng hậu Blanche de Castille. Ông sinh ngày 25 tháng tư 1214. Người anh cả chết năm 1218, đang còn là vị thành niên khi vua cha băng hà, ông được mẹ thừa nhận thành niên để chống bất bình của những vị nam tước không đồng ý thấy bà làm nhiếp chính. Ông cưới cô Marguerite de Provence năm 1234, cũng là năm ông bắt đầu tự cầm quyền lấy. Vợ ông đẻ cho ông 11 đứa con. Vua Louis IX phải đương đầu với nhiều cuộc xung đột, nhất là sau vụ vận động chống những người Albigeois (1208-1229) tức là Giáo hội Công giáo chống tà thuyết. Năm 1244, sau một trận đau nặng, ông quyết định tham dự cuộc viễn chinh chữ thập, hầu như độc nhất trong số các vị đế vương. Khởi hành từ Aigues-mortes năm 1248, ông đổ bộ ở Ai Cập, thành công đánh chiếm Damiette rồi bị cầm chân ở đây. Quân đội mất tinh thần, vua đau yếu rồi bị bắt ngày 6 tháng tư 1249. Trả xong tiền chuộc cho mình và quân binh, vua Louis IX chần chừ không chịu rời Đông phương ngay trước khi về lại Pháp. Ông ký nhiều hiệp định hòa bình với vài nước láng giềng và thanh toán nhiều vấn đề với những nam tước. Qua ảnh hưởng của một vài nhà luật học, ông muốn thực hiện nhiều cải cách luân lý, hành chánh và tiền tệ. Rất mộ đạo, vua Louis IX chống những người cho vay nặng lãi, những người theo tà thuyết, những phong tục xấu xa. Không bao dung đối với những kẻ báng bổ, ông tổ chức cứu trợ và trợ lực hội những kẻ ăn xin, chăm lo cuộc chữa bệnh phong. Ông cũng thực hiện nhiều buổi sám hối. Sau cuộc phản công của vua Ai Cập Baibars, vua Louis IX lại muốn nhập cuộc Viễn chinh chữ thập năm 1267. Lần nầy ông được hưởng ứng nhiều hơn lần trước. Ông lên đường năm 1270, nhắm hướng Tunidi. Ông băng hà ở đấy ngày 25/8/1270. Nhiều việc thần diệu xảy ra quanh di hài khi ông hồi hương về Pháp. Thủ tục phong thánh ông bắt đầu từ 1272 đến 1297 mới kết thúc. |
Tài liệu
-Annette Weber, Francoise Monfrin (traducteur), Les grandes et les petites statues d’apôtres de la Sainte-Chapelle de Paris. Hypothèses de datation et d’interprétation, Bulletin Monumental Année (1997) 155 2 pp. 81-101
– Xavier Dectot, La Sainte-Chapelle du Palais de la Cité à Paris, Musée de Cluny Réunion des musées nationaux-Grand Palais, 2011 ; mise à jour : mai 2016 musee-moyenage.fr/ressources
-Cécile Dufour,La Sainte-Chapelle : un édifice parisien, Narthex Art Sacre, Patrimoine, Creation, publié le 28 mai 2012 getyourguide.com
– Stéphanie Bertoncelli, Les apôtres de la Sainte Chapelle, artsdumoyenage.overblog.com 30.03.2014
– 26 avril 1248, Consécration de la Sainte-Chapelle, publié ou mis à jour : 23.10.2015 herodote.net