Chợ quê ngày tết - những hoài niệm bùi ngùi
TTO - Với những người lớn lên và đi ra từ những làng quê nghèo như tôi, chợ quê vẫn là một nơi mà mỗi tết khi trở về tôi luôn tìm tới như một địa chỉ "hành hương" về miền ký ức tuổi thơ nhiều hờn tủi.
Lá dong, cây giang non dùng để làm dây buộc bánh tét, bánh chưng... làm cái tết đến thật cận kề. Ảnh: B.D
Chợ quê tôi nằm ở sát con đường qua xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Một vùng nghèo xơ xác, bao quanh là núi và cây cối thường là lựa gió để đơm hoa kết trái chứ ít khi thuận được theo tự nhiên để có những mùa vàng xanh tốt.
Đôi khi tôi lớn lên, đi làm, có cuộc sống ổn định và cũng nghĩ mình trưởng thành đến hôm nay cũng như cái cây, ngọn cỏ lớn lên một cách đầy khó nhọc ở quê.
Bao nhiêu năm đi học, theo mẹ ra chợ, rồi những ngày cận tết không có quần áo mới, tôi trực tiếp đạp xe đi tìm mua củ cải, bắp sú các vườn rồi đem ra dọn ngay một góc chợ đợi người đi qua mua để tìm đồng lãi về sắm tết.
Ký ức chợ quê trong tôi vừa có gì đó hờn tủi, vừa cơ hàn mà mỗi lúc nghĩ về đôi khi tôi phải rơi nước mắt. Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, mẹ tôi phải dậy sớm đi hái chè rồi mang ra chợ bán, lấy tiền mua đồ ăn, đóng tiền học cho tôi.
Nhưng mấy bó chè đó cũng chẳng giúp gia đình khá lên được, đôi khi vào những mùa tết tôi lại lo chẳng có áo để đi chơi tết, lo gánh rau của mẹ chẳng đủ cho cả nhà một cái tết no đủ, chẳng đủ để mua cho mỗi đứa em tôi một cái áo.
Những trái cau, nải chuối, trái bưởi... sẽ giúp những người mẹ quê có thêm không khí tết. Ảnh: B.D
"Cắt chìa khoá... công nghệ cao" ở chợ quê. Ảnh: B.D
Lớp 7, rồi lớp 8 tôi hay đạp xe đi khắp làng mua những đụn bắp sú, những bó chè xanh từ vườn rồi bỏ vào hai cái sọt tre buộc sau xe. Tôi ngồi ở giữa chợ, mong một ánh mắt người qua họ lia thấy hàng rau của mình mà ghé tới mua. Một bó chè xanh đôi khi chỉ lãi được 100 đồng - 200 đồng nhưng tôi sung sướng ghê lắm.
Lúc đó đang còn là học sinh, nhà tôi nghèo nên sẵn tâm lý tủi hờn. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác nếu muốn có đồ áo mới để mặc tết. Chợ thì đông mà người quen cũng chẳng ít, tôi ngồi bán và xấu hổ khi thấy bố mẹ của bạn bè cùng lớp của tôi đến chợ. Tôi né mặt đi khi thấy chính các thầy cô giáo của mình đi qua hàng rau, chè xanh của tôi.
Rồi tôi lớn lên, ra khỏi làng quê và ổn định cuộc sống ở thành phố. Mỗi lần về tết, sau khi ở nhà bố mẹ thì nơi đầu tiên như dẫn dắt trái tim, cả lí trí của tôi là con chợ nhỏ nằm kế bên đường.
Tôi lớn đi nhiều nhưng đi giữa chợ quê, thấy những khuôn mặt lam lũ, đợi khách ghé mua hàng của những gương mặt cũ, những người bà con trong xóm làng tôi lại thấy một trời ký ức hiện về.
Tôi thấy tôi của ngày xưa, một cậu bé nghèo phải đạp xe trong cái lạnh căm căm, cõng những bó chè xanh, những đụn bắp cải để ra chợ bán mong chờ người qua để kiếm một vài ngàn đồng mua sắm quần áo tết.
Chợ quê của tôi không chỉ là nơi tôi đã lớn lên mà đó còn là một trời những thương nhớ, những kỷ niệm đầy những hờn tủi mà tôi đã đi qua và cho tới giờ mỗi lần khi trở về tết tôi luôn tìm về.
Những mớ rau, trái cà chua, quả ớt hái được từ vườn được đem ra chợ bán để kiếm tiền sắm tết - Ảnh: B.D
Những quả bưởi đã có một hành trình nhọc nhằn, khó khăn để có thể tồn tại, cho quả mọng chín trên vùng quê khô cằn - Ảnh: B.D
Gương mặt thân quen: bà "Cúc Lương" - người mẹ quê cũng là hàng xóm đi chợ từ ngày tôi còn bé, giờ bà vẫn bán. Ra chợ, tôi luôn rưng rưng khi gặp lại những gương mặt thân thuộc như thế - Ảnh: B.D
Hình ảnh dễ làm những đứa như tôi gợi nhớ về một tuổi thơ theo mẹ ra chợ - Ảnh: B.D
Chợ quê - chợ của ký ức tôi - Ảnh: B.D
Theo bà ra chợ tết - Ảnh: B.D
Mỗi mớ chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng bán được cũng làm người ra chợ vui ghê lắm - Ảnh: B.D
Chè xanh dùng để nấu "nước chát" - một mặt hàng mà không thể không mua khi ra chợ tết - Ảnh: B.D
Những người mẹ quê vùng cao - Ảnh: B.D
THÁI BÁ DŨNG