Thứ Hai, 14 Tháng Giêng, 2019

Normandie, những mộ phần bên nhau

Normandie, những mộ phần bên nhau - 1
Nghĩa trang Quân đội Đồng minh Ranville: Các ngôi mộ của người lính Đức ở khu vực phía xa bên trái. Ảnh HĐT, 12.2018


Tôi vào tiệm tạp hóa Tàu ở Luân Đôn mua một thẻ nhang ngắn rồi xuống Portsmouth, bắt phà qua Normandy.

Chiếc phà mang tên Normandie của Pháp rời bờ biển Anh lúc gần nửa đêm. Mùa hạ năm nào. Vào giờ này những người lính nhảy dù Anh sắp nhảy xuống chiếm và giữ chiếc cầu Pegasus cách bờ biển Normandy chừng 7 cây số, như trong phim The Longest Day (Ngày Dài Nhất). Giờ này, những người lính nhảy dù Mỹ đã trên phi cơ nam tiến. Tôi muốn đến Normandy vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa lên.

Bây giờ là mùa đông. Khi phà tiến gần vào bờ cho đến khi cặp bến Ouistreham nằm phía cực đông của bờ biển Normandy, trời còn rất tối. Sao Mai sáng long lanh, các ngọn đèn rải thưa quanh bến tàu, ánh sáng vàng đứng bóng, không hắt hiu. Yên tĩnh. Trong bóng đêm lành lặn, không thấy dấu tích gì, như trong phim, và sau này, phim Saving Private Ryan.

Sáng dậy, mới rõ ra lịch sử nơi này là chân thực. Tôi đi bộ dọc bờ biển từ hướng đông, bắt đầu từ chỗ giáp mép biển của con kênh đào từ Caen (cách biển chừng 16 cây số). Cứ khoảng 100 thước, một tấm biển tưởng niệm, hình ảnh thế hệ các người lính hôm nay thuộc binh chủng đã đổ bộ, và tên tuổi của một người lính tử trận ngày 6.6.1944. Khúc bờ biển này ở mạn cực đông bờ Normandy, mật hiệu Sword Beach được giao cho quân đội Anh tấn công trong ngày D-Day với chiều dài 8 cây số. Trong đại quân ấy có những người lính commando của Pháp. Một đài tưởng niệm bằng thép hình ngọn lửa, La Flamme, và 10 bia đá thấp ghi tên các người lính mũ xanh của Pháp tử trận ngày đổ bộ. Bên kia đường có một cụm di tích và tưởng niệm khác. Viện bảo tàng Musée N4 Commando (đơn vị biệt kích của Anh có những người lính Pháp đầu tiên đặt chân lên bờ biển); tấm bia đánh dấu những nấm mộ đầu tiên của người lính Anh trên mặt trận Sword Beach ghi ngày 6.6.1945 – một năm sau ngày D-Day; tượng Thống chế Anh Montgomery nhỏ bằng người thật đứng trên bệ đá thấp có chua tên “MONTY” viết hoa, xuống hàng, “Commander In Chief Allied Land Forces Normandy 1944” (Tổng tư lệnh lực lượng đổ bộ đồng minh Normandy 1944)”, và con đường mang tên Avenue du N4 Commando. Một phần dấu tích khác của trận đánh được đưa vào Le Grand Bunker – Musée du Mur de L’Atlantique (Bảo tàng Boongke trên Bức Tường Đại Tây Dương) ngay bờ biển. Người Pháp dùng cái lô-cốt năm tầng (tính luôn tầng hầm) của Đức Quốc Xã làm bảo tàng, các hình ảnh và vũ khí, chiếc tàu há mồm, các khẩu súng và chiếc lưỡi lê rỉ sét, các chiếc nón sắt còn dấu đạn, đồ dùng cá nhân của người lính. Tất cả được giữ đúng từng chi tiết.

Normandie, những mộ phần bên nhau - 2
Pointe du Hoc và bãi Omaha phía phải. Ảnh HĐT, 12.2018


Bãi Sword phẳng và rộng, màu cát vàng đậm thoai thoải bên biển xanh biếc. Mười giờ sáng, tuyết còn phủ một lớp mỏng trên con đường lát gỗ ven bờ. Lâu lâu mới thấy người dắt chó đi bộ, ngoài ra, dường như không một bóng người. Không một bóng người. Trong từng thước đất đi qua đều có người lính nằm xuống. Suốt chiều dài 60 dặm (gần 100 cây số), bờ biển Normandy được chia làm năm khu vực đổ bộ. Ngày nay, chắc nơi nào cũng chỉ còn nhiều đài và bia tưởng niệm như bãi Sword này. Tôi đã tưởng như thế. Khi đến bãi Omaha, khúc biển phía tây của bờ Normandy mới thấy không chỉ là đài tưởng niệm, mà còn nhiều dấu tích trận chiến. Bãi Omaha dài 5.9 cây số thuộc một trong hai khu vực đổ bộ của những người lính Mỹ. Từ đất liền nhìn ra, mỏm đá Pointe du Hoc nhô ra làm ranh giới giữa bãi Omaha và Utah – cũng là phần biển do người lính Mỹ đảm nhiệm. Hai vách đá cả hai phía Pointe du Hoc dốc thẳng đứng, từ trên nhìn xuống bờ cát thấy ngợp. Trong phim Ngày Dài Nhất có cảnh những người lính Mỹ từ dưới bờ bắn dây móc vào hàng rào kẽm gai để leo lên dưới hỏa lực của Đức. Khu vực Pointe du Hoc rộng mênh mang, biển thấp sâu bên dưới, vách đá dựng đứng cả hai phía đông và tây. Trên con đường ngoài lộ lớn đi vào bãi chiến trường này, những tấm biển nhỏ đều có chữ đậm SACRIFICE (Hy Sinh) với vài dòng dưới 100 chữ tưởng niệm một người lính Mỹ đã hy sinh tại đây, có người 18 tuổi. Toàn cảnh Pointe du Hoc bây giờ, ngoài con đường đá đi bộ, đều cỏ mọc xanh xao im ắng. Cỏ xanh cỏ dại lau lách vàng lan xuống những hố đạn lớn, nhỏ, cạn, sâu, tựa như mình ném một cái tổ ong cho vỡ toang văng tứ tán trên mặt đất, trên đó những lô cốt phòng ngự của Đức chìm hay nổi lưng chừng, hoặc dấu sâu trong một triền núi chỉ chừa một họng súng ló ra ngoài, những khối bể tông ngã ngửa còn in dấu đạn. Từ điểm cao nhất, trở ra đường cái theo hướng đông trên đại lộ Omaha chừng năm cây số, nếu đi quá nhanh sẽ không thấy bên đường nhìn ra biển có một tấm bia đá nhỏ cao chừng một thước đánh dấu nghĩa trang quân đội Mỹ đầu tiên trên bãi Omaha.

Normandie, những mộ phần bên nhau - 3
Biểu tượng Les Braves trên bãi Omaha. Ảnh HĐT, 12.2018


Ở điểm giữa khúc bờ biển Omaha có đài tưởng niệm Les Braves bằng inox cao chín thước. Đài dựng ngay trên bãi cát. Con mắt phàm phu của tôi thoạt nhìn tưởng một cụm lưỡi dao to bảng và “thiền trượng” hướng ra biển chém gió. Nhờ tấm bảng gắn trên bờ giải thích mới biết khối hình tượng kia gồm ba cụm chứ không phải một, không phải “dao” mà “cánh”: Les Ailes de l’Espoir (cụm bên trái, “Đôi cánh Hy vọng”); ở giữa Debout, la Liberté (Đứng dậy, Tự do), bên phải Les Ailes de la Fraternité (Đôi cánh Đồng đội). Những đợt sóng biển sâu tràn tới chân đài tưởng niệm. Xích lên bờ vài thước một đài tưởng niệm bằng đá khác. Đi thêm 400 thước đến viện bảo tàng Omaha Beach. Loanh quanh vài cây số cũng không thăm hết bảo tàng, đài tưởng niệm, dấu tích Bức tường Đại Tây Dương, các nghĩa trang, kể cả Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ nổi tiếng (phần mở đầu và kết thúc phim Saving Private Ryan) ở làng Colleville-sur-Mer nhìn xuống bãi Omaha, nơi yên nghỉ của 9.387 người lính Mỹ. Một bức tường bán cung trước đài tưởng niệm khắc tên (không có tuổi) 1.557 người lính Mỹ không tìm thấy xác, hoặc không xác định được lý lịch khi xác họ được tìm thấy. Một người bạn Pháp cho biết sau này người ta đã xác định được hài cốt của người lính có tên Anderson John E trên bức tường, và đã đưa người lính trở về Mỹ. Khi tôi đến được một chập thì có lễ hạ cờ Mỹ vào lúc 3 giờ chiều. Hai lá cờ rủ được kéo xuống trong tiếng kèn điệu “Taps” buồn bã quen thuộc. Nghĩa trang này đẹp quá, những thập tự trắng nghiêm nghị và trong sáng bên bờ đại dương. Vài chục cây số phía nam có tượng đài của danh tướng Patton, rải rác dọc theo và sâu vào nội địa mươi cây số còn nhiều nghĩa trang khác. Trên tấm bản đồ người bạn cho xem, tôi đếm được 18 viện bảo tàng chiến tranh nằm gần bờ biển, từ bãi Utah phía tây cho đến bãi Sword phía đông – chiều dài bờ biển quân đội đồng minh đổ bộ trong ngày D, nhưng cũng trong chiều dài ấy, và sâu vào nội địa chừng 30 cây số, có 30 nghĩa trang quân đội. Bản đồ nghĩa trang đánh dấu một nghĩa trang người lính Ba Lan, một Canada, phần lớn là nghĩa trang người lính Anh và đồng minh, và ba nghĩa trang người lính Đức, trong đó La Cambe chôn cất 21.222 người lính Đức chỉ cách bãi Omaha 10 cây số. Trong thực tế, không phải chỉ có ba nghĩa trang chôn cất người lính Đức.

Normandie, những mộ phần bên nhau - 4

Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ Omaha. Ảnh HĐT/12.2018

Normandie, những mộ phần bên nhau - 5
Người lính Anderson John E (hàng thứ 3) trên bức tường thất tung đã về đất Mỹ. Ảnh HĐT, 12.2018


Tôi đến chiếc cầu Pegasus cách bãi Sword chừng bảy cây số. Chiếc cầu được giữ nguyên dạng như hình ảnh trong phim Ngày Dài Nhất: Chỉ trong vòng 15 phút, các người lính nhảy dù của Anh đã chiếm được. Từ quán cà phê, cũng địa điểm quán cà phê năm 1944, tôi cố men từng bước xuống bờ kênh dưới chân cầu vì đường quá trơn trợt, lớp tuyết mỏng ngoan cố chưa chịu tan dưới trời mưa dai dẳng. Từ nơi này đi bộ hai cây số đến nghĩa trang đồng minh ở làng Ranville, ngôi làng đầu tiên trên đất Pháp được giải phóng sau khi người lính Dù chiếm giữ cầu Pegasus. Trên bản đồ là nghĩa trang của Anh, nhưng ở góc bên trái từ cổng vào có 330 bia mộ người lính Đức, chia cùng mảnh đất nghĩa trang với 2.235 người lính nhảy dù thuộc quân đội Anh, Úc, New Zealand, Bỉ, Pháp, Ba Lan. Trong nghĩa trang này còn có một ngôi mộ đặc biệt chôn người lính nhảy dù 19 tuổi, chung mộ với chú quân khuyển đã cùng anh nhảy xuống nơi này trong Ngày D.

Mỗi ngôi mộ người lính Đức đều có bia như các ngôi mộ của người lính đồng minh, tên tuổi, ngày sinh và ngày chết, chỉ khác là huy hiệu binh chủng được thay bằng dấu Thập tự Sắt. Dưới bầu trời xám đục, đài thánh giá trắng có hình cây kiếm mũi hướng xuống đất nổi bật ngay giữa nghĩa trang. Những linh hồn nơi đây không còn chiến tranh nữa. Kiếm đã cắm hay cất. Không có một chữ “hòa giải” nào trong nghĩa trang chung này. Nhưng các bia mộ của người lính Đức và người lính đồng minh nằm bên nhau. Người sống không thù hận nên người chết yên lành.

Normandie Giáng sinh 2018

Hồ Đắc Túc

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art