Khu vực Bắc Mỹ Châu nổi tiếng có năm hồ nước ngọt lớn, thường được người Việt biết qua cái tên “ngũ đại hồ” gồm có Lakes Superior, Michigan, Huron, Erie, và Ontario.
Trong số đó Lake Ontario là hồ có diện tích nhỏ nhất trong năm hồ, nhưng về dung lượng nước thì lại được xếp vào hạng thứ tư trong nhóm. Hồ nằm về phía Đông của lục địa Bắc Mỹ và tuôn chảy ra biển Atlantic qua con sông Saint Lawrence. Ngoài ra, hồ Ontario cũng là đường biên giới phân chia giữa tiểu bang New York của Mỹ và tỉnh Ontario của Canada.
Điểm đặc biệt hồ Ontario cũng là thượng nguồn của đầu sông St. Lawrence, một con sông có độ dài gần 1,200 cây số chảy từ hồ Ontario tuôn đổ ra biển Atlantic Ocean. Cũng giống như hồ Ontario, con sông St. Lawrence cũng chính là đường phân chia biên giới của Mỹ và Canada.
Không biết tự bao giờ hồ Ontario và con sông St. Lawrence đã cùng nhau nối kết lại thành một hình thù giống như là “cái phễu.”
Phễu là hồ Ontario với đầu phễu là nơi mà hồ Lake Erie nối liền với hồ Ontario qua con sông Niagara. Sự “gãy đôi” của con sông này đã tạo ra một ngọn thác lừng danh của vùng Bắc Mỹ, đó chính là thác Niagara.
Cuống phễu chính là vùng Thousand Islands mà ngày nay trở thành một thắng cảnh du lịch nổi tiếng vùng Bắc Mỹ. Còn đuôi phễu chính là con sông St. Lawrence chạy dài qua Montreal-Quebec đến suốt tận biển Đại Tây Dương.
Những luồng nước ngọt của “ngũ đại hồ” đều chảy nối lại với nhau và đổ dồn vào dòng sông St. Lawrence. Nhờ thế, con sông này trở thành một con đường giao thông huyết mạch hết sức quan trọng để các con thuyền lớn vận chuyển hàng hóa từ ngoài biển đến tận các tiểu bang xa xôi trong nội địa Mỹ và Canada.
Năm 1938, một cây cầu dài gần 1.5 cây số được hai nước Mỹ-Canada đồng ý xây dựng bắc ngang qua Thousand Islands để nối liền biên giới hai nước giúp cho sự giao thông hai nước thuận tiện hơn. Cầu được đặt tên là Thousand Islands International Bridge. Điểm đặc biệt nhất của cây cầu là đứng ở đây người ta có thể thưởng ngoạn phong cảnh toàn thể Thousand Islands mà không hề bị ngăn cách vì hai chữ biên giới.
Thousand Islands hay nôm na gọi là “Ngàn Đảo” được xem như khởi đầu từ thành phố Kingston, thành phố một thời đã từng là thủ đô của tỉnh Ontario dưới thời thuộc địa của đế quốc Anh.
Theo các tài liệu thì Thousand Islands gồm có 1,864 đảo lớn nhỏ, nằm chi chít san sát bên nhau trên con sông St. Lawrence. Các chuỗi đảo này kéo dài từ thành phố Kingston dọc theo con sông có đến 80 cây số.
Tuy nhiên, không phải đảo nào trên sông cũng đều được gọi là đảo vì có một số các điều kiện. Để được gọi là đảo thì một hòn đảo phải có đủ các điều kiện như sau: luôn luôn đảo đá phải nhô trên mặt nước quanh năm, phải có diện tích lớn hơn 1 square foot, ít nhất phải có bất cứ hai loại cây nào đó còn tươi tốt hiện diện trên đảo.
Như đã nói, trên Thousand Islands có hơn 1,800 đảo và là biên giới giữa Mỹ và Canada nên cũng có ít nhiều điều lạ lùng mà ít nơi nào trên thế giới có được. Thí dụ như hòn đảo nhỏ Zavikon Island gồm hai đảo lớn nhỏ nhưng điểm đặc biệt là đảo lớn thuộc về Mỹ, còn đảo nhỏ lại thuộc về Canada. Người chủ của hai đảo này chắc có quốc tịch Italy nên ông đã cho xây một cây cầu nối liền hai Mỹ-Canada, ngay ở giữa cầu ông cho treo ba lá cờ Mỹ-Italy-Canada như cố ý cho du khách biết đến “cây cầu quốc tế ngắn nhất thế giới” hiện diện ở nơi đây.
Nếu “cây cầu quốc tế ngắn nhất thế giới” chưa kịp cho du khách hết kinh ngạc thì người ta lại có dịp ghé qua thưởng ngoạn đảo Heart Island (đảo tình yêu), trên đó du khách được thưởng ngoạn một ngôi lâu đài tình yêu tráng lệ Boldt Castle xây dựng rất đẹp nhưng chưa hoàn thành vì câu chuyện tình lạ lùng, đẹp và bi thương của nó! Không đến nơi đây thì quả thật là một thiếu sót lớn cho chuyến du ngoạn vùng “Ngàn Đảo.”
Bạn có thể tìm tham dự một tour cruise trên Thousand Islands để thưởng ngọan không gian “Ngàn Đảo” mà tôi cho là rất lý thú. Thí dụ, tại Rock Port có những chuyến cruise cách nhau mỗi giờ đưa du khách đi du ngoạn một vòng Thousand Islands trong khoảng một giờ đồng hồ, nhưng như thế cũng đã tạm đủ để du khách biết về các thắng cảnh chính của Thousand Islands.
Con sông St. Lawrence dòng nước xanh thẫm màu cây trôi chảy lững lờ. Trên các hòn đảo dọc theo con sông, những hàng cây lá vàng đỏ ực, rực rỡ với ánh nắng ban mai hay dưới ánh nắng ban chiều, soi bóng xuống dòng sông St. Lawrence phẳng lặng. Cảnh sắc này làm cho du khách ngây ngất với cảnh trí thiên nhiên của tạo hóa. Thousand Islands không những cho du khách cảnh đẹp thiên nhiên mà còn cho chúng ta nghe và tận mắt nhìn lại chứng tích của một câu chuyện tình cảm động.
Câu chuyện tình của một nhà triệu phú Mỹ vào đầu thế kỷ 20 còn ghi dấu lại trên một hòn đảo của Thousand Islands mà ngày nay người ta đặt tên cho nó là hòn đảo tình yêu (Heart Island).
George Boldt là một cậu bé người Đức, di dân sang Mỹ với hai bàn tay trắng và khởi đầu làm việc trong một nhà bếp khách sạn. Nhờ vào sự cần cù và thông minh, ông nhanh chóng trở thành chủ nhân nổi tiếng của các khách sạn tại New York và Philadelphia.
Tháng Bảy, 1893, George Boldt đã có dịp đến Thousand Island và ông đã yêu ngay không gian ở nơi đây, Thousand Islands lôi cuốn ông khiến ông đã quay trở lại đây nhiều lần. Năm 1895, ông quyết định mua hòn đảo Heart Island và cho xây một lâu đài theo phong thái kiến trúc bên Đức nơi quê hương của ông thuở ấu thơ (Rhineland Castle) để tặng cho người vợ Louis yêu quý của ông. Ngôi lâu đài này được mệnh danh là lâu đài tình yêu “Heart Castle.”
Ngôi lâu đài được thiết kế với 120 phòng và ông đã chi ra hơn $2.5 triệu (thời đó) để xây cất, nhưng tất cả đã phải ngưng lại chỉ vì một bức điện tín, hơn 300 nhà thiết kế và xây dựng phải bỏ dở các công trình làm việc. Họ thu xếp rời khỏi đảo Heart Island và không bao giờ quay trở lại nơi đây để hoàn tất công trình của họ.
Nội dung của bức điện tín là báo tin bà Louis đã qua đời một cách đột ngột. Uyên ương đã gãy cánh nên tình yêu đành dang dở và lâu đài tình yêu cũng không bao giờ hoàn tất. George Boldt đã không màng đến Boldt Castle nữa từ khi vợ ông chia tay ông đi trước.
Ngôi lâu đài này đã không bao giờ hoàn thành và để trống như thế suốt 73 năm. Ngôi lâu đài làm tôi chợt nhớ ngôi lâu đài thần tiên Neuschwanstein Castle của nhà vua Ludwig II bên Đức, ngôi lâu đài thần tiên cũng bị bỏ dở sau khi nhà vua mất. Nhưng hai lâu đài mang hai ý nghĩa khác nhau. Tôi ngưỡng mộ tình yêu của George Boldt tỷ phú hơn tình yêu của một vị vua.
Mùa Thu nơi đây không phải chỉ đẹp với lâu đài tình yêu của George Boldt ở Thousand Islands mà còn đẹp với toàn không gian vùng Bắc Mỹ như Niagara Falls, Montreal, Quebec, New England. Nhưng riêng không gian Thousand Islands chắc hẳn sẽ là một nơi chốn làm lưu luyến bước chân của người du khách. Mùa Thu Thousand Islands làm tôi chợt nhớ đến đôi lời cuối bài hát “Thu Vàng” của Cung Tiến: “Chiều hôm nay trời nhiều mây vương/Có mùa thu vàng bao nhiêu là hương.”
Nếu bạn hỏi tôi, tháng nào đẹp nhất để du ngọan Thousand Island? Xin trả lời từ Tháng Năm đến Tháng Mười Một. Còn nếu bạn hỏi mùa nào đẹp nhất ở Thousand Islands thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay, mùa Thu.
Mùa Thu thì mỗi năm chỉ đến với Thousand Islands một lần, nhưng tình yêu và nét đẹp thì luôn hiện diện ở Thousand Islands quanh năm 365 ngày. (Trần Nguyên Thắng)