Truyện dịch GÃ GIANG HỒ Le Grand Meaulnes (Alain Fournier)

Chủ Nhật, 22 Tháng Ba, 2020

ĐOẠN KẾT - GÃ GIANG HỒ Le Grand Meaulnes - Alain Fournier

 ĐOẠN KẾT

Thời gian càng trôi, tôi càng mất hết hy vọng gặp lại bạn tôi. Những ngày buồn nản trải dài trong ngôi trường ở thôn quê. Những ngày trống rỗng trôi qua trong căn nhà quạnh vắng. Frantz không tới hẹn như tôi đã định trước và bà mợ Moinel của tôi chẳng biết từ lâu nay Valentine đang trôi giạt phương nào.

Nguồn vui độc nhất ở Les Sablonnières là cô gái nhỏ đã được cứu sống. Tới cuối tháng Chín, sắp đầy một tuổi, con bé coi bộ mạnh khoẻ và xinh đẹp hẳn lên. Tay vịn vào thành ghế, cháu một mình vừa đẩy, vừa cố gắng bước đi mà không sợ ngã. Cháu làm cho căn nhà bỏ hoang nổi lên những tiếng ầm ĩ, có những dư âm vọng lên rất lâu. Mỗi khi được tôi bồng trên tay, không bao giờ con bé chịu cho tôi hôn. Cái lối dẫy dụa của nó vừa dữ tợn vừa dễ thương, đồng lúc xòe bàn tay đẩy mặt tôi ra và cười to tiếng. Sự vui vẻ và cái lối hung hăng trẻ con của cháu đã giúp đuổi xua được sự buồn rầu đè nặng lên cả nhà từ ngày nó ra đời. Thỉnh thoảng tôi lại tự nhủ: “Mặc dầu với cá tính khó khăn, nó vẫn có thể là con của tôi.”

Nhưng một lần nữa Trời lại định đoạt mọi sự khác hẳn.

Một buổi sáng Chủ nhật vào cuối tháng Chín, dậy rất sớm, trước cả người đàn bà nông dân trông nom đứa nhỏ, tôi định ra bờ sông Cher câu cá với hai người ở Saint-Benoist và Jasmin Delouche. Thường, vẫn có vài người quanh vùng cùng tôi tổ chức những vụ săn bắn lén như vậy: đi bắt cá ban đêm, hay đi đơm cá, là những lối bị cấm chỉ… Suốt mùa hè, gặp ngày nghỉ, chúng tôi ra đi từ sáng tinh sương và mãi tới trưa mới trở về. Đó là nghề kiếm ăn của hầu hết những người ấy. Về phần tôi, là món giải trí độc nhất, một kiểu phiêu lưu đặc biệt nhắc nhở cho tôi những vụ đi cắm trại ngày xưa. Lâu dần tôi thấy thú những lần như vậy, đi dọc hàng giờ theo bờ sông hay lội xuống đám lau sậy ở đầm lầy.

Sáng hôm đó, từ năm giờ rưỡi tôi đã ra đứng dưới mái hiên một nhà kho nhỏ sát bức tường ngăn cách ngôi vườn kiểu Anh của ấp Les Sablonnières với vườn rau của nông trại, đưa tay gỡ những tấm lưới mà thứ năm tuần trước đi câu về, tôi đã gom bừa thành một đống.

Trời chưa sáng hẳn, buổi rạng đông của một ngày tháng Chín đẹp đang bắt đầu dựng dậy; chỗ mái hiên tôi ngồi gỡ lưới còn chìm trong bóng tối.

Đang lặng lẽ mải miết với công việc hiện tại, chợt nghe thấy tiếng cánh cổng sắt mở ra và tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi, tôi tự nhủ: “Ồ, mọi người tới sớm hơn mình tưởng. Còn mình vẫn chưa sửa soạn xong.”

Nhưng người đi vào trong sân là một kẻ lạ tôi không quen mặt. Cố nhìn thì thấy đó là một anh chàng cao lớn có râu, ăn bận như một tay thợ săn. Lẽ ra đến kiếm tôi ở chỗ mà những người kia đã biết rằng bao giờ tôi cũng đợi ở đó vào giờ hẹn, người kia lại đi thẳng tới chỗ cửa ra vào. Tôi nghĩ: “Chắc hẳn một người bạn nào mà họ mời nhưng không cho mình biết, người này được cử đi trước để dò đường.”

Kẻ lạ nhẹ nhàng mở then cửa, nhưng cửa đã bị tôi khóa lại sau khi bước ra. Anh ta cũng mở cả cửa vào nhà bếp, rồi ngập ngừng một lát, quay mặt lại phía tôi, nét lo lắng lộ rõ dưới ánh bình minh vừa ló dạng.

Lúc đó tôi mới nhận ra là anh Meaulnes.

Tôi đứng im hồi lâu, tâm trạng hoảng hốt, thất vọng, và đột nhiên thấy như bị xâm chiếm trọn vẹn bởi nỗi đau khổ mà sự trở về của anh bỗng khơi dậy. Anh biến mất về phía nhà sau, đi một vòng, rồi quay lại, điệu rất băn khoăn do dự.

Lúc đó tôi tiến ra trước mặt anh, và chẳng nói chi hết, tôi vừa khóc vừa ôm hôn anh. Lập tức anh hiểu.

Giọng anh cộc lốc:

“Cô ấy chết rồi phải không?”

Và đứng sững tại đó, lặng lẽ, dữ tợn, không nghe gì nữa. Tôi nhẹ nhàng nắm tay anh, dìu vào trong nhà. Bấy giờ trời đã sáng hẳn. Lập tức, để cho mối xúc động mạnh nhất bung ra cho hết, tôi kéo anh lên cầu thang đưa tới phòng người đã chết. Ngay khi bước vào, anh quỳ xuống bên giường và gục đầu trong hai cánh tay một lúc lâu.

Sau cùng anh đứng lên, mắt ngơ ngác, bước đi lảo đảo như chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa. Vẫn dắt tay anh, tôi mở cánh cửa thông sang phòng con bé. Cháu tự mình đã thức dậy –trong khi chị vú còn ở nhà dưới—và nhanh nhẹn ngồi dậy trong nôi. Tôi chỉ trông thấy cái đầu con bé đang ngơ ngác quay nhìn về phía chúng tôi.

Tôi nói:

“Con gái của anh đó.”

Anh giật mình, ngó tôi. Rồi cúi xuống bế con bé trong tay mà không nhìn rõ mặt nó vì anh

đang khóc.

Xong, để làm loãng bớt cảm xúc mạnh và những dòng nước mắt, vẫn ôm chặt con bé, cho nó ngồi trên cánh tay, anh quay cái đầu ủ rũ lại phía tôi và nói:

“Tôi đã đem hai người kia về… Cậu sẽ tới gặp ở ngay nhà họ.”

 

Thật vậy, buổi sáng, vừa đăm chiêu lại vừa sung sướng, tôi đi về phía nhà của Frantz mà trước kia có lần Yvonne de Galais đã từng đưa tôi tới. Trong cảnh hoang vắng, từ xa, tôi trông thấy có một người ra dáng một cô nội trợ bận áo có cổ phồng, đang đưa chổi quét trước thềm nhà. Mấy chú bé chăn bò mặc quần áo đẹp đi lễ nhà thờ ngang qua cứ ngước nhìn cô bằng ánh nhìn tò mò và thích thú.

Trong khi đó, con bé cháu bắt đầu thấy không thích bị ôm chặt như vậy, và khi Augustin quay về hướng khác để che giấu và kìm hãm những giọt lệ cứ tiếp tục tuôn mà không ngó mặt nó, con bé lấy bàn tay xinh xinh đập mạnh vào cái miệng râu xoàm và ướt lệ của anh.

Lần này, người cha giơ cao đứa con lên, nhìn nó mà cười mếu máo. Thích thú, con bé vỗ tay… Tôi lùi một chút để ngắm cho kỹ hai con người trước mặt. Tuy thất vọng mơ hồ nhưng tôi cũng cảm nghe rất kỳ thú. Và hiểu ra rằng con bé đã tìm được người bạn mà nó vẫn âm thầm mong đợi… Nỗi vui duy nhất mà anh Meaulnes còn lưu lại nơi tôi, tôi cảm biết rõ rệt rằng nay anh trở về

lấy lại.

Và tôi tưởng tượng thấy anh, đêm đêm quấn con bé trong chiếc áo ngự hàn, cùng với nó ra đi tìm những cuộc phiêu lưu mới.

 

 

Trần Thị Bông Giấy (Cali, May 6/ 2011, thứ Sáu. Quãng đời xuống dốc thê thảm!

Tác phẩm được dịch như một lối thoát để tìm quên!...)

 

Truyện khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art