PHẦN I
Chương 1 : Người Khách Trọ.
Anh đến nhà tôi vào một buổi chiều Chủ nhật tháng 11 năm 189… Tôi vẫn tiếp tục gọi là “nhà tôi” dù rằng ngôi nhà không còn thuộc về chúng tôi nữa. Gia đình tôi đã rời khỏi làng từ mười lăm năm nay và không hề trở lại đó lần nào.
Chúng tôi cư ngụ trong những sở đất của Trường Cao Đẳng Tiểu Học ở Sainte Agathe. Cha tôi (mà tôi vẫn quen gọi là Monsieur Seurel như những học sinh khác) điều khiển cùng lúc vừa lớp Cao Đẳng cho học sinh chuẩn bị lấy bằng Sư Phạm, vừa lớp Tiểu Học. Mẹ tôi thì trông coi lớp Mẫu giáo.
Một dãy nhà màu đỏ ở tận cuối làng có năm cánh cửa lồng kính bên dưới giàn nho còn non. Cái sân rộng mênh mông với những cái lều và chỗ giặt quần áo hướng về phía trước làng bằng cánh cửa lớn. Về hướng Bắc, một cửa bằng lưới sắt trông ra con đường Nhà Ga cách đó ba ki-lô- mét. Về hướng Nam và phía sau ngôi nhà là những đồng cỏ và khu vườn tiếp giáp với ngoại ô. Tất cả khung cảnh trên đã là bình diện sơ sài của cái nơi lưu trú, trong đó tôi đã trải qua thời gian dày vò nhất nhưng cũng thân yêu nhất; nơi xuất phát những cuộc phiêu lưu của chúng tôi và rồi trở lại tự tàn phá chính chúng, giống như các đợt sóng vỗ mạnh trên những tảng đá quạnh hiu.
Một quyết định về sự dời đổi của viên giám học hay viên thanh tra đã ngẫu nhiên dẫn dắt chúng tôi đến đó. Vì thế, vào cuối mùa nghỉ hè, đã có một bác nông dân đánh chiếc xe ngựa đến để chất hết các vật dụng trong nhà tôi lên xe rồi đưa mẹ tôi và tôi tới đàng trước một căn nhà có cánh cửa nhỏ bằng sắt đã rỉ sét. Những đứa trẻ ranh hái trộm trái lê trong vườn khi ấy lặng lẽ chạy trốn qua những lỗ hỗng rào giậu.
Mẹ tôi, mà tôi vẫn gọi là Millie và là người có phương pháp dọn dẹp nhà cửa hay nhất tôi chưa từng thấy, ngay bấy giờ đi vào trong từng phòng của căn nhà đầy rơm rạ bụi bặm. Tức thì bà nhận ra với sự đau lòng giống như những lần “dời đổi” khác rằng những đồ đạc của chúng tôi không bao giờ có thể sắp xếp được như ý muốn trong một ngôi nhà có lối xây cất tồi như thế. Bà bèn đi ra tỏ bày với tôi nỗi phiền bực của mình. Vừa nói, bà vừa dùng chiếc khăn tay lau nhẹ lên khuôn mặt lấm lem vì chuyến đi của tôi; xong, bước hẳn vào bên trong đếm kỹ từng lỗ thủng trên tường phải cần được bít kín. Đội trên đầu một chiếc nón rơm rộng vành có giải cột, tôi ngồi lại trên lớp đá sỏi của cái sân xa lạ mà chờ đợi bà; tò mò đảo mắt nhìn kỹ mọi chi tiết chung quanh cái giếng nước và bên dưới căn nhà chứa đồ.
* * *
Cứ như thế, ngày hôm nay, ít ra tôi cũng hình dung được về cái buổi đến bữa ấy của chúng tôi. Và cứ mỗi lần muốn tìm lại kỷ niệm xa xăm của buổi chiều thứ nhất đứng đợi trong cái sân ở Sainte Agathe là tôi lại cũng có thể hồi tưởng được những lần đợi chờ khác: Với hai bàn tay tựa lên thành cửa lớn, tôi rình xem trong một chút âu lo rằng có ai đó đang đi tới trên con đường lớn… Cũng như, nếu nhớ đến cái đêm đầu tiên phải đi vào căn gác thượng nằm ở giữa vựa lúa nơi tầng lầu một thì tôi lại hồi tưởng được tất cả những đêm khác đã không phải chỉ ở riêng một mình trên ấy. Một cái bóng lớn chập chờn nhưng thân mật, in dài, đảo qua đảo lại trên các bức vách. Tất cả mọi cảnh trí êm đềm lặng lẽ -trường học, cánh đồng của cha Martin với ba cây bồ đào, khu vườn mà mỗi ngày vào lúc bốn giờ chiều thường bị xâm chiếm bởi các người phụ nữ-- đã bị biến hóa mãi mãi một cách sôi động trong ký ức tôi do từ sự hiện diện của con người có khả năng làm đảo lộn tất cả thời niên thiếu của chúng tôi. Cũng thế, sự đào tẩu của người ấy không bao giờ còn để cho chúng tôi yên được nữa.
Lúc anh Meaulnes đến thì gia đình tôi đã ở trong làng này được mười năm. Khi ấy tôi vừa mười lăm tuổi. Đó là một buổi sáng Chủ nhật lạnh trời tháng Mười Một, ngày đầu thu làm cho ta nghĩ tới mùa đông. Suốt cả buổi hôm ấy, Millie đợi chờ một chuyến xe từ Nhà Ga sẽ mang tới cho bà chiếc nón đội trong thời tiết xấu thế này. Buổi sáng, bà bỏ buổi lễ Misa, và cho đến phần thuyết giảng, ngồi trong ban hợp xướng với các trẻ nhỏ khác, tôi mãi chăm chú lo âu hướng về phía những cái chuông để được nhìn thấy mẹ tôi đi vào với một cái mũ mới… Tới buổi chiều, tôi phải đi dự lễ Vãn Khóa một mình.
“Dầu thế nào”, bà nói như để an ủi tôi trong khi dùng mười ngón tay để chải bộ áo quần trẻ con của tôi, “nếu như cái mũ đến, hẳn là mẹ phải dành cả một ngày Chủ nhật để sửa chữa nó.”
Thường thì mỗi Chủ nhật mùa đông đều trôi qua như thế. Ngay từ sáng sớm, cha tôi đã đi câu cá trên một con thuyền nhỏ ở một cái hồ phủ đầy sa mù. Còn mẹ tôi thì rút vào căn phòng lờ mờ ánh sáng cho đến chiều tối để sửa soạn những món đồ trang sức khiêm nhường của bà. Bà tự nhốt mình như thế bởi vì sợ rằng có người nào đó trong số bạn quen, cũng nghèo nhưng kiêu hãnh như bà, sẽ bất thình lình đến thăm. Còn tôi, khi đã dứt buổi lễ Vãn Khóa, nơi phòng ăn lạnh lẽo, tôi vừa ngồi đọc sách vừa chờ đợi mẹ sẽ mở cửa để chỉ cho xem những gì bà đã làm.
Buổi Chủ nhật hôm ấy, một vài hoạt động trước nhà thờ đã cầm chân tôi lại ở ngoài sau khi xong lễ Vãn Khóa. Một lễ rửa tội làm hội tụ lũ trẻ ranh bên dưới cánh cửa ngăn. Nơi quảng trường, nhiều người đàn ông trong thị trấn trùm những chiếc áo khoác ngắn của lính cứu hỏa, đứng thành từng nhóm vừa giậm hai chân cho khỏi lạnh vừa lắng nghe người đội trưởng, ông Boujardon, lý luận một cách lộn xộn. Hồi chuông đang ồn ào của buổi lễ rửa tội bỗng dưng ngưng bặt, tựa như người kéo chuông buông vội tay vì biết là nhầm ngày và không đúng chỗ. Ông Boujardon và những đồng bạn đeo súng lên vai, kéo theo các cái ống bơm, bước đi chậm chạp. Tôi đứng nhìn theo, thấy họ biến mất nơi khúc đường quẹo đầu tiên, theo sau là bốn gã ranh im lặng nghiến gót giày nặng nề xuống trên những cành cây nhỏ trên con đường phủ đầy sương giá, nhưng tôi không dám đi theo họ.
Trong làng chỉ còn một nơi náo nhiệt nhất là quán café Daniel; từ đó tôi nghe vẳng ra tiếng tranh cãi trầm bổng của các tay nghiện rượu. Rồi chạy biến theo bức tường thấp của cái sân lớn tách riêng ngôi nhà và thị xã, với một chút lo lắng về sự trễ nãi của mình, tôi đi tới trước cánh cổng sắt nhỏ.
Cánh cửa mở toang; lập tức tôi nhận thấy đã xẩy ra một điều gì đó thật lạ lùng. Quả nhiên, ngay cửa phòng ăn gần bên năm cánh cửa lồng kính ngó ra sân, một người đàn bà tóc xám đang nghiêng đầu cúi nhìn qua những tấm màn. Vóc dáng bà nhỏ nhắn, đầu đội chiếc mũ bằng nhung đã lỗi thời, khuôn mặt gầy mỏng bị tàn phá bởi những nét lo âu phiền muộn. Tôi không biết mối lo nào trong cái nhìn của bà đã làm tôi ngừng lại ngay bước đầu tiên trước cánh cửa sắt. Bà nhỏ giọng: “Trời ơi, nó chạy đâu rồi? Nó vừa mới ở đây với tôi mà! Nó đã đi quanh ngôi nhà và có lẽ đã trốn mất rồi?”
Chen vào giữa mỗi câu nói, bà lại gõ trên tấm kính vuông ba tiếng nhỏ vừa đủ để người khác có thể nghe được. Không ai ra mở cửa cho người khách. Millie chắc hẳn đã nhận được cái mũ từ Nhà Ga và hoàn toàn không nghe gì cả từ sâu trong căn phòng màu đỏ - trước cái giường vung vãi những giải cột đã cũ, những cái lông chim trĩ được ủi phẳng phiu, may vào rồi lại tháo ra-- để làm lại cái mũ tầm thường của mình.
Thật vậy, khi tôi đi vào phòng ăn thì bà khách lạ lập tức theo sau. Mẹ tôi xuất hiện với hai tay đầy những chỉ màu thau, những giải cột và những chiếc lông chim nghiêng ngả. Bà cười với tôi, đôi mắt xanh mệt mỏi vì làm việc cho đến khi mặt trời lặn, rồi kêu to: “Con nhìn xem này! Mẹ chờ con lên…”
Nhưng thoáng thấy người đàn bà kia ngồi trên ghế bành trong tận cùng căn phòng, bà ngừng lại, vẻ chưng hửng. Thật nhanh, bà cởi cái mũ ra và suốt trong trạng huống kế tiếp, ôm nó sát ngực, lộn ngược lại trông giống như một cái tổ chim nằm trong cánh tay phải đang co lại.
Người đàn bà với chiếc mũ trùm đầu, chiếc dù và cái sắc tay bằng da kẹp giữa hai đầu gối, vừa giải thích vừa lắc nhẹ đầu, xong tặc lưỡi, giống như các người bạn đến thăm mẹ tôi vẫn hay làm. Trông bà bình thản trở lại và tự nói về con trai với cái vẻ ưu ái bí mật khiến chúng tôi phải bị bối rối.
Họ đến đây hai người bằng xe hơi từ La-Ferté d’ Angillon, cách Sainte-Agathe mười bốn ki-lô- mét. Góa chồng -và rất giàu, theo như chúng tôi biết về bà- bà mất cậu con trai thứ nhì trong số hai người con. Antoine, một buổi chiều từ trường học về, đã bị chết chìm trong khi đang tắm với anh nơi một cái hồ nguy hiểm. Vì vậy, bà quyết định gửi đứa con lớn đến nội trú ở nhà chúng tôi để anh có thể theo học lớp Cao Đẳng.
Liền sau đó, bà ngỏ lời ca ngợi về anh chàng nội trú đang được dẫn đến kia. Tôi không còn nhận ra nữa về người đàn bà mà tôi đã thấy đứng cúi mình trước cánh cửa một phút trước với cái vẻ van nài tiều tụy rất đáng thương của một con gà mái khi mất đi đứa con dại trong cái ổ của nó.
Tất cả những gì bà kể về cậu con trai với cái vẻ tôn trọng quả thật là kỳ dị: anh ta thích làm cho bà vui lòng; thỉnh thoảng đi chân không ra bờ sông xa hằng cây số để mang về những cái trứng chim cuốc, chim vịt trời giấu trong những bụi kim tước. Lại cũng biết cả cách giăng bẫy thú, một đêm nọ, anh ta phát hiện trong rừng một ổ chim trĩ đang bị vướng vào trong một cái dò bẫy chim.
Tôi, đứa không hề dám trở về nhà khi trên áo bị xước rách một chút, bèn nhìn mẹ tôi một cách kinh ngạc.
Thế nhưng Millie đã không còn lắng nghe nữa. Bà ra dấu bảo người đàn bà kia im lặng, rồi cẩn thận đặt cái mũ “tổ chim” xuống bàn, lặng lẽ đứng lên như để rình bắt ai đó…
Thật vậy, bên dưới chỗ chúng tôi đang ngồi là một cái nhà nhỏ cất những pháo bông và đồ dùng hóa trang trong kỳ lễ Mười Bốn Tháng Bảy vừa qua. Có một bước chân lạ, điệu quả quyết đang đi đi lại lại nơi ấy làm lay động cả trần nhà. Bước chân dẫm về phía vựa lúa rồi cuối cùng mất hút nơi những căn phòng trống nối tiếp nhau mà người ta thường dùng để phơi sấy những lá bồ đề hay những quả bom chín.
“Mới vừa đây, tôi có nghe tiếng chân trong những căn phòng ở tầng dưới”, Millie nhỏ giọng, “và mẹ nghĩ là con, Francois đã trở về.”
Không ai trả lời. Cả ba chúng tôi cùng đứng dậy, tim đập mạnh, trong lúc cánh cửa vựa lúa dẫn lên cầu thang của căn bếp được mở ra. Có ai đó đang đi xuống từng bước một, băng qua nhà bếp rồi dừng lại nơi chỗ tối nhất của phòng ăn.
“Phải con không đấy, Augustin?” người đàn bà hỏi.
Đó là một gã trai khoảng mười bảy tuổi. Thoạt đầu trong bóng đêm đang bao trùm, tôi chỉ nhìn thấy cái mũ phớt kiểu nông dân lật ngược ra sau gáy và cái áo khoác ngắn màu đen được bó chặt với một sợi giây lưng giống như những học trò thường mang. Tôi cũng nhận biết rằng anh đang cười nhẹ.
Anh chợt nhìn thấy tôi và rồi trước khi có người yêu cầu anh giải thích bất cứ điều gì, anh đã hỏi tôi:
“Cậu có muốn đi ra sân chơi không?”
Tôi do dự một giây. Và bởi vì không thấy Millie tỏ ra ngăn cản, tôi chụp cái cặp và bước theo anh. Chúng tôi đi ra bằng cửa bếp, tới cái sân chơi đã bị bóng tối bao trùm. Trong làn ánh sáng rơi rớt của buổi chiều tàn, tôi vừa bước vừa liếc nhìn khuôn mặt xương xương với cái mũi thẳng trên cái miệng đầy lông măng của anh.
“Này! Tôi tìm thấy cái này trong phòng chứa đồ nhà cậu. Cậu không bao giờ đến đó lục lọi sao?”
Trên tay anh là một cái bánh xe bằng gỗ đen đúa, một khúc giây pháo thăng thiên rách xơ, những thứ được dùng làm pháo bông hình mặt trời hay mặt trăng trong ngày lễ Mười Bốn Tháng Bảy.
“Còn hai quả chưa nổ, chúng mình sẽ đốt những pháo bông này”.
Anh nói bằng giọng bình thản của một người trông mong tìm thấy được những thú vị hơn về sau, xong ném cái mũ của mình lên mặt đất. Tôi thấy tóc anh húi trụi giống như một nông dân. Anh chỉ cho tôi xem hai dây pháo thăng thiên với cái ngòi bằng giấy mà đầu lửa đã cháy xém nám đen trước khi được vứt bỏ. Dựng cái bánh xe vào trong cát, (đây là một ngạc nhiên lớn cho tôi bởi vì điều ấy với tôi rõ ràng bị cấm) anh lôi từ trong túi một hộp diêm quẹt. Xong, cúi xuống với sự cẩn trọng, châm lửa vào đầu ngòi, anh nắm tay tôi, hăng hái kéo chạy đàng sau anh.
Một lát, mẹ tôi đi ra ngưỡng cửa với mẹ anh Meaulnes sau khi đã bàn bạc xong xuôi giá cả nội trú. Bà nhìn thấy từ trong sân vọt lên hai chùm pháo hình ngôi sao màu đỏ và trắng cùng với tiếng ồn của cái còi. Chỉ một giây, trong làn ánh sáng huyền hoặc, bà lại thấy hình ảnh tôi dựng đứng trong bàn tay nắm giữ của chàng thiếu niên cao lớn xa lạ và thản nhiên mới vừa đến kia. Lần đó, bà không dám nói gì cả.
Vào buổi tối, nơi bàn cơm gia đình, chúng tôi có thêm một người khách ngồi yên lặng ăn, đầu cúi thấp và không hề quan tâm đến ba ánh nhìn đang chăm chú hướng về anh.
Chương 2
Sau Bốn Giờ Chiều.
Cho đến lúc ấy, tôi ít khi được chạy nhảy trên đường phố với các trẻ khác trong làng. Một chứng bệnh nơi hông đã làm tôi đau đớn khiến tôi trở nên nhút nhát và khổ sở. Tôi cứ dõi theo những học trò lanh lợi trên hè phố bao quanh ngôi nhà bằng những bước nhẩy khốn khổ trên một chân của mình. Vả lại ít khi tôi được ra ngoài. Và nhớ rằng, Millie, người rất kiêu hãnh về tôi, từng hơn một lần dắt tôi về nhà với những cái nhéo tai mạnh mẽ bởi vì bà đã bắt gặp tôi đang nhảy cò cò với lũ trẻ trong làng.
Sự xuất hiện của anh Meaulnes phù hợp với sự khỏi bệnh của tôi vào năm 189… đã đánh dấu cho sự bắt đầu một cuộc đời mới.
Trước lúc anh đến, khi lớp học đã tan vào lúc bốn giờ chiều, một đêm dài cô đơn lại đến với tôi. Cha tôi theo lệ thường, chuyển lớp than còn sót lại trong lò sưởi của lớp học sang lò sưởi nơi phòng ăn; rồi lần lượt, những học sinh chậm trễ rời bỏ ngôi trường lạnh lẽo có những làn khói cuộn lăn chung quanh. Cũng còn vài cuộc chơi, vài cuộc rượt đuổi trong sân. Nhưng khi đêm xuống, hai học sinh giữ phần quét dọn lớp đội mũ trùm đầu và mặc áo tơi vào, và với cái cặp sách kẹp trong tay, họ nhanh chóng ra về, để mặc cánh cửa trường mở toang.
Phần tôi, hễ bao giờ còn chút ánh sáng mờ nhạt của ban ngày thì tôi còn lưu lại nơi trường học, giấu mình trong phòng văn khố đầy những xác ruồi chết cùng những tờ yết thị phất phơ trong gió, ngồi đọc sách trên cái xích đu trẻ con đã cũ gần bên cánh cửa sổ mở ra vườn. Cuối cùng, lúc trời tối hẳn, những con chó trong căn trại nhà hàng xóm bắt đầu sủa vang và cái bếp nhỏ vuông vức của chúng tôi sáng ánh đèn thì tôi trở về nhà. Mẹ tôi khởi sự dọn cơm. Tôi trèo ba bậc thang lên vựa lúa, ngồi lặng yên, đầu dựa vào thanh gỗ lạnh của thang gác mà nhìn mẹ nhóm lửa trong căn bếp hẹp lung linh ánh đèn cầy.
Vậy mà đã có người đến cướp mất của tôi tất cả những niềm vui trẻ thơ êm đềm ấy. Con người đã thổi đi ngọn nến chiếu sáng cho tôi thấy khuôn mặt dịu dàng nghiêng nghiêng của mẹ tôi trong những bữa cơm chiều. Con người đã làm tắt mất ngọn đèn mà ở chung quanh ấy, đêm đêm vẫn bày ra một gia đình hạnh phúc khi cha tôi khởi sự móc những cánh cửa xếp bằng gỗ vào trong các khung cửa lớn có lồng kính. Người ấy chính là anh, Augustin Meaulnes, kẻ mau chóng được các học sinh khác trong trường gọi là “anh cả Meaulnes”.
Từ khi anh đến trọ nhà tôi, có nghĩa là những ngày đầu tháng Chạp, ngôi trường bỗng dưng không còn quạnh quẽ nữa mỗi buổi chiều sau bốn giờ. Mặc cho cái lạnh lùa vào qua cánh cửa bằng lò xo, mặc cho tiếng la hét của các học sinh tới phiên quét dọn và những sô nước của họ, sau giờ học, luôn luôn trong lớp vẫn có khoảng độ hai chục học trò lớn từ tận nhà quê cho đến ngoài thị xã, vây chung quanh anh Meaulnes. Sau đó là những cuộc tranh luận dài, những cuộc cãi cọ không bao giờ dứt; và tôi đã lòn vào giữa bọn họ với sự tò mò pha lẫn thú vị.
Anh Meaulnes không nói gì; nhưng chốc chốc lại có một đứa trong bọn ba hoa tiến lên giữa đám, viện dẫn kẻ này kẻ nọ làm chứng cho lời mình nói, để kể lại cho anh nghe về một câu chuyện trộm cắp rau cải nào đó, rồi lần lượt các người khác cũng làm như vậy. Cả bọn há miệng ngồi nghe, thỉnh thoảng lại cười khe khẽ.
Ngồi vắt vẻo trên cái bục giảng của lớp, trông anh như đang nghĩ ngợi; những lúc khác anh lại cười, nhưng thật nhẹ, giống như thể đang để dành những tiếng cười ồ cho những câu chuyện thú vị nhất mà chỉ tự mình anh hiểu thôi.
Rồi đêm xuống. Khi vùng ánh sáng yếu ớt không còn xuyên qua những tấm kính vuông rọi xuống đám người trẻ tuổi nữa thì anh Meaulnes vụt đứng lên, bước ra khỏi vòng tròn bao quanh và la lớn:
“Nào, chúng ta đi về!”
Tất cả bước theo anh, và người ta nghe tiếng la đùa của họ vang lên cho đến khi đêm tối hoàn toàn buông xuống trên làng xóm.
* * *
Giờ đây, tất nhiên tôi nhập bọn với họ. Cùng anh Meaulnes, tôi đi tới tận cửa chuồng bò ở ngoại ô vào giờ vắt sữa. Chúng tôi cũng đi đến các xưởng thợ, vào sâu trong chỗ tối, rồi giữa những tiếng răng rắc của cái máy dệt, người thợ đã nói: “Ồ! Các chú học trò!”
Thường thường vào giờ ăn, chúng tôi đến nhà ông Désoues rất gần trường học, người thợ đóng xe lại cũng bịt cả móng ngựa nữa. Cửa hàng ông là một quán trọ đã cũ với hai cánh cửa lớn đong đưa, luôn luôn mở toang. Từ trên đường cái đã nghe thấy tiếng cọt kẹt của cái bể thổi lò rèn và thỉnh thoảng do từ ngọn lửa lờ mờ của cái lò than hừng đỏ trong chỗ ồn ào tăm tối tăm, người ta nhận ra vài nông dân ngừng xe tại đây tán gẫu một lát, hay là những học trò như chúng tôi, dựa lưng vào một bên cửa, im lặng nhìn vào trong.
Thế rồi mọi sự bắt đầu độ tám ngày trước kỳ lễ Giáng Sinh.
Chương 3
“Tôi Thường Lui Tới Cửa Hàng Người Thợ Đan Tre”
Trời mưa suốt từ sáng đến chiều. Ngày dài chán chết đi được. Trong những giờ nghỉ, không ai ra khỏi lớp; cha tôi, Monsieur Seurel, la lên từng mỗi phút trong lớp học:
“Đừng giậm guốc rầm rầm như vậy, các con!”
Sau lần ra chơi cuối cùng trong ngày, hay như chúng tôi vẫn gọi là “mười lăm phút cuối cùng”,
Monsieur Seurel bước ngang bước dọc một cách trầm tư, rồi bất thần dừng lại, gõ mạnh cây thước lên bàn để làm ngừng những tiếng la lộn xộn vẳng từ cuối lớp. Trong sự yên lặng trịnh trọng, ông hỏi:
“Ngày mai ai sẽ là người đánh xe ra ga với Francois để rước ông bà Charpentier?”
Đó là ông bà nội tôi: Ông nội Charpentier là một viên kiểm lâm già đã hồi hưu, luôn luôn choàng cái áo khoác ngoài bằng laine xám của người Ả Rập với cái mũ trùm đầu bằng lông thỏ mà ông gọi là mũ lưỡi trai. Đám chúng tôi ai cũng biết rõ về ông. Vào buổi sáng, để rửa ráy, ông đã kéo nguyên cả một sô nước rồi úp mặt vào trong đó theo cái cách của những người lính già, chà xát lan man chòm râu cằm của ông. Một vòng tròn trẻ con, tay chắp sau lưng, quan sát ông với sự tò mò đầy kính trọng. Bởi vì ít nhất đã có hơn một lần Millie dẫn bà Charpentier vào lớp học trò nhỏ nhất nên bọn họ ai cũng biết cả bà, một phụ nữ nhà quê bé nhỏ lúc nào cũng trùm đầu bằng cái mũ đan bằng chỉ.
Mỗi năm, cứ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, chúng tôi lại đi đón họ đến bằng chuyến xe lửa lúc 4 giờ 2 phút chiều. Băng qua các toa hàng để bước về phía chúng tôi, trong các túi hành trang được phong kin lại của ông bà Charpentier có nhét đầy những trái ấu, những lương thực cho ngày lễ Giáng Sinh. Rồi kể từ lúc ông bà bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà trong bộ quần áo ấm, mỉm cười pha tí cuống quýt thì chúng tôi đóng tất cả cửa lại. Thế là bắt đầu một tuần lễ tràn đầy thú vị.
Phải có người cùng với tôi đánh xe ra Ga đón ông bà, một người đủ chững chạc để không làm chúng tôi ngã nhào xuống mương, lại cũng phải hiền lành nữa bởi vì ông nội Charpentier hay chửi thề và bà nội thì có hơi tí ba hoa.
Với câu hỏi của Monsieur Seurel, đã có hàng chục giọng gào lên cùng một lúc: “Anh cả Meaulnes! Anh cả Meaulnes!”
Nhưng Monsieur Seurel lại làm ra vẻ như không nghe gì cả. Cho nên họ lại la tiếp: “Fromentin!”
Có đứa lại gào: “Jasmin Delouche!”
Anh chàng nhỏ nhất trong số các anh em họ nhà Roy, người đã cỡi lên mình một con hươu có đốm mà phóng từng ba bước một ở ngoài cánh đồng, tự la lên: “Tôi! Tôi!” bằng cái giọng oang oang.
Dutremblay và Moucheboeuf thì đứng lên giơ tay một cách thẹn thùng.
Riêng tôi lại ao ước anh Meaulnes được chỉ định. Với anh, chuyến du hành nhỏ bé bằng xe lừa ấy sẽ trở nên một biến cố quan trọng cho tôi. Anh Meaulnes cũng ao ước như vậy nhưng giả bộ làm thinh một cách kiêu hãnh. Tất cả học trò lớn, luôn cả anh Meaulnes, đều ngồi hẳn lên bàn, hai chân gác trên băng ghế. Cứ như thế, trong chốc lát, chúng tôi được tạm nghỉ để cười đùa hoan hỉ. Còn anh chàng Coffin thì vén áo khoác lên quấn quanh thắt lưng, rồi ôm cây cột trụ bằng sắt chống đỡ cái xà của lớp học, bắt đầu leo lên trong cái vẻ hứng thú.
Thế nhưng Monsieur Seurel đã làm mọi người cụt hứng khi la lên: “Nào! Moucheboeuf sẽ phải đi.”
Vậy là tất cả tự trở về chỗ ngồi của mình trong im lặng.
Vào lúc bốn giờ chiều, trong cái sân lạnh lẽo bị trời mưa soi mòn thành từng rãnh nhỏ, còn mỗi tôi và anh Meaulnes ở lại đó. Cả hai không nói lời nào mà chỉ chăm chú nhìn thị xã quang đãng khô khan không một cơn gió lay động. Chẳng bao lâu, anh chàng Coffin bé nhỏ đầu đội mũ, trên tay cầm một mẩu bánh mì, từ nhà hắn đi ra, men sát tường và tự trình diện bằng cách huýt gió nơi ngưỡng cửa nhà ông thợ đóng móng ngựa. Anh Meaulnes mở cửa gọi hắn. Một lúc sau cả ba chúng tôi đã an tọa sâu trong cửa hàng ấm áp, ánh sáng ối đỏ, có cơn gió lạnh thình lình tạt qua. Coffin và tôi ngồi gần bên lò rèn, bàn chân vấy bùn giẫm lên lớp vỏ bào màu trắng; còn anh Meaulnes thì lặng yên đứng dựa vào cánh cửa đang đong đưa, hai tay đút sâu trong túi. Trên đường cái, thỉnh thoảng có một người đàn bà trong thị xã từ tiệm bán thịt trở về ngang qua hàng đóng móng ngựa, đầu cúi xuống để tránh gió; và chúng tôi lại ngước mũi lên để nhìn xem đó là ai.
Không ai nói gì. Người thợ bịt móng ngựa và nhân viên của ông -một người thổi bể lò và cả đập sắt nữa-in phóng lên tường những cái bóng thô bạo… Tôi nhớ lại, đêm ấy cũng giống như những đêm khác trong thời niên thiếu của mình. Trong tôi như có sự trộn lẫn giữa niềm vui và nỗi lo lắng: sợ rằng bạn tôi sẽ cất đi của tôi niềm hân hoan đáng tội nghiệp là được đánh xe ra Nhà Ga, đồng thời cũng đợi chờ một vài kế hoạch đặc biệt nào đó mà anh Meaulnes không dám thú nhận với tôi, sẽ làm đảo lộn mọi sự…
Thỉnh thoảng, công việc đều đặn và bình thản ở cửa hàng đóng móng ngựa lại được tạm ngưng một lát. Người thợ để cái búa rơi một cú mạnh và rõ ràng xuống trên cái đe. Ông nhìn chăm chú một miếng sắt đã làm xong trong lúc kéo tấm phủ chân bằng da tới gần. Rồi ngửng đầu lên, ông nói với chúng tôi như chỉ cốt để xả hơi một chút: “Mạnh khoẻ chứ các cậu?”
Còn người thợ kia, một tay đặt bông lung trên sợi giây xích của cái bể thổi, một tay chống nạnh lên hông trái, nhìn chúng tôi mà cười.
Rồi công việc ầm ĩ đến điếc cả tai lại tiếp tục.
Trong một lúc tạm nghỉ của họ, từ nơi cánh cửa đong đưa, ai cũng nhìn thấy Millie đi qua trong gió, hai vai bó lại dưới chiếc khăn ren, tay cầm những gói nhỏ. Người thợ đóng móng hỏi:
“Có phải là ông Charpentier sắp đến không?”
“Ngày mai”, tôi trả lời, “với bà nội tôi. Tôi phải đánh xe đi đón họ đến bằng chuyến xe lửa lúc bốn giờ hai phút chiều.”
“Có phải bằng chiếc xe của nhà Fromentin không?” Tôi đáp nhanh:
“Không, bằng xe của cha Martin.”
Thế là cả hai người cười ồ lên. Người thợ đập đe từ tốn ra dấu xin được nói vài lời:
“Với con ngựa cái nhà Fromentin, người ta có thể đi đón họ ở tận Vierzon, lại còn cả một giờ để nghỉ ngơi tại đó. Nơi ấy cách đây mười lăm kí-lô mét. Và rồi trở về trước khi con lừa của cha
Martin được buộc vào xe.”
Người thợ kia kêu lên:
“Coi! Một con ngựa cái thì phải như thế chứ!”
“Và tôi tin rằng Fromentin sẽ dễ dàng cho mượn nó.”
Cuộc đối thoại chấm dứt ở đó. Lần nữa, nơi cửa hàng đầy những tia lửa và tiếng động, chúng tôi mạnh ai người ấy nghĩ ngợi.
Thế nhưng vào cái giờ phải từ biệt, tôi giơ tay ra hiệu với anh Meaulnes thì thoạt đầu anh ra vẻ không nhìn thấy tôi. Tựa lưng vào cánh cửa, vai nghiêng nghiêng, anh như chìm đắm tâm tư theo những gì người ta vừa nói. Cứ như thế, nhìn anh mất hút trong nỗi nghĩ ngợi, ánh mắt xuyên thấu không gian đầy sương phủ, nơi có những con người bình dị đang làm việc, tôi bất thần nghĩ đến hình ảnh của nhân vật Robinson Crusoe, một thanh niên người Anh, trước cuộc khởi hành lớn đã nói: “Tôi thường lui tới cửa hàng người thợ đan tre.”
Từ đó, câu này cứ làm tôi suy nghĩ mãi.
Chương 4
Cuộc Đào Thoát.
Một giờ trưa ngày hôm sau, lớp Cao Đẳng trông rất sáng sủa trong cảnh trí đông giá, chẳng khác nào một chiếc thuyền nhỏ trôi giữa lòng đại dương. Dầu vậy, không giống như trên các chiếc thuyền câu mà người ta thường ngửi ra mùi nước mắm lẫn mùi dầu nhớt, ở đây chỉ có mùi cá mòi khô cháy trên chảo và mùi áo lông cừu khét lẹt của những cậu nhỏ đang trở lại đứng rất gần bên cái lò.
Bởi vì đã sắp cuối năm nên những cuốn tập làm bài thi được phân phát ra. Trong lúc Monsieur Seurel viết lên bảng các bài toán đố thì một sự ồn ào vừa phải được thiết lập, trộn lẫn giữa những cuộc trò chuyện thấp giọng và bị chận ngang bởi các tiếng kêu nhỏ với câu nói mà những chữ đầu môi đã làm cho người bên cạnh phải sợ hãi: “Thưa thầy, anh này đã…”
Monsieur Seurel vừa chép những bài toán đố vừa suy nghĩ đến một việc khác. Thỉnh thoảng, ông quay lại nhìn cả lớp với cái vẻ nghiêm khắc pha lẫn lơ là; tức thì tình trạng lộn xộn bỗng ngưng lại hoàn toàn trong một giây để ngay sau đó được tiếp nối, khởi đầu thì nghe rất nhỏ giống như những tiếng kêu vù vù.
Giữa sự náo nhiệt ấy, chỉ mỗi tôi là người duy nhất câm lặng. Ngồi ở đầu một cái bàn nơi khu vực của đám học trò nhỏ nhất, gần cửa sổ có lồng kính, tôi nhón người lên một chút để trông ra khu vườn có con lạch chảy xuôi và cánh đồng ở xa xa.
Thỉnh thoảng nhổm dậy trên hai gót chân, tôi lo lắng nhìn về phía ngôi trại Belle Étoile. Từ đầu lớp, tôi đã nhận ra anh Meaulnes không trở về chỗ ngồi của mình sau giờ chơi buổi trưa nữa. Người ngồi bên cạnh anh chắc cũng biết điều ấy nhưng chưa nói gì bởi đang bận trí vì bài thi. Dẫu vậy, từ khi anh ta quyết định nói thì cái tin ấy lan nhanh khắp lớp học, và theo như thường lệ, có kẻ nào đó không quên cao giọng la to những chữ đầu câu:
“Thưa thầy, anh Meaulnes…”
Tôi biết là anh Meaulnes đã bỏ đi. Đúng hơn, tôi ngờ rằng anh đã đào thoát. Sau buổi nghỉ ăn trưa, hẳn anh phải nhảy qua bức tường thấp và băng xuyên cánh đồng có dòng suối bắc ngang từ
Vieille Planche tới Belle Étoile. Anh sẽ phải hỏi mượn con ngựa cái để đi đón ông bà Charpentier.
Hẳn lúc này anh đang buộc ngựa vào xe?
Belle Étoile ở hướng đàng kia, ngược với con suối. Nằm trên sườn núi ngay đầu dốc, nó là một ngôi trại lớn, vào mùa hè thường bị bao kín bởi những cây du, cây sồi và những hàng rào tre. Tọa lạc trên con đường nhỏ nối liền giữa lối ra Nhà Ga với lối dẫn về thị xã, ngôi nhà lớn xây cất dưới thời phong kiến có những bức tường cao bao quanh mà cứ vào mỗi tháng Sáu trong năm, chân tường và những cột trụ chống đỡ lại dầm sâu trong đám lá mục. Ban đêm từ trường học, người ta chỉ nghe được tiếng bánh xe quay tròn và tiếng la của loài bò cái. Nhưng hôm nay, trong cửa kính nhìn ra, tôi thoáng thấy bức tường cao màu xám nhạt đứng giữa những gốc cây trụi lá, cánh cửa ra vào, và rồi nơi các đoạn hàng rào là một giải đường trắng xóa đầy sương chạy song song với con suối dẫn ra lối về Nhà Ga.
Chưa có gì di động trong khung cảnh mùa đông sáng lạn ấy. Chưa có gì thay đổi.
Nơi đây, trong lớp học, Monsieur Seurel đã chép xong bài toán đố thứ hai. Thường thì ông vẫn cho ba bài, nhưng hôm nay, ngẫu nhiên làm sao, ông chỉ cho có hai. Tôi nghĩ, có lẽ ông sẽ đi ngược lại ghế ngồi riêng và sẽ nhận ra sự vắng mặt của anh Meaulnes. Cũng có thể ông sẽ cử hai học sinh đi vào làng để tìm cho ra anh Meaulnes trước khi con ngựa cái được buộc vào chiếc càng.
Sau khi chép xong bài toán đố thứ hai, Monsieur Seurel mệt mỏi buông thỏng cánh tay xuống một lát. Đoạn, đến lúc nhẹ nhõm nhất của tôi, ông xuống hàng, bắt đầu vừa đọc vừa viết: “Bây giờ, điều này chỉ còn là một trò chơi trẻ con…”
Hai vạch nhỏ màu đen vượt qua bức tường của Belle Étoile rồi trở thành hai cái gọng xe và biến mất. Lúc này thì tôi chắc rằng những người ở đó sửa soạn xong xuôi mọi thứ cho sự khởi hành của anh Meaulnes. Kia rồi, đầu và ngực con ngựa cái băng qua giữa hai cột trụ xong ngừng lại, trong khi-không ngờ gì nữa-người ta gắn một băng ghế vào sau xe, dành cho những vị khách mà anh Meaulnes sẽ đón về. Cả chiếc xe từ từ ra cửa và mất hút một lúc đàng sau hàng rào; xong lại thấy nó chậm chạp vượt qua lần nữa nơi đầu dốc con đường trắng xóa, giữa hai đoạn hàng rào cuối cùng. Tôi nhận ra cái hình thể màu đen đang nắm giây cương ấy chính là anh bạn của tôi, một khuỷu tay chống ơ thờ lên thành xe theo kiểu các nông dân vẫn làm.
Một thoáng kế tiếp, mọi thứ biến mất đàng sau hàng rào. Có hai người đàn ông đứng nơi cửa chính của Belle Étoile nhìn theo chiếc xe, lúc này đang bàn bạc với nhau trong cái vẻ càng lúc càngsôi nổi. Cuối cùng, một trong hai người đặt tay lên miệng làm ống loa mà gọi anh Meaulnes, rồi lại chạy vài bước trên đường về phía anh.
Thế nhưng trên chiếc xe đang từ từ tiến về hướng Nhà Ga, nơi đường mòn hẳn không còn ai nhìn thấy được, anh Meaulnes thình lình thay đổi tư thế. Một chân đặt đàng trước giống như kiểu một người điều khiển chiếc xe ngựa thành La Mã, hai tay lúc lắc giây cương, anh phóng con vật chạy mau hết sức và một lúc sau, biến mất nơi phía ngược lại với con dốc. Người đàn ông đã gọi anh vẫn tiếp tục chạy trên đường, còn người kia thì phóng mau qua cánh đồng và xem chừng như đang hướng về phía chúng tôi.
Vài phút sau, khi Monsieur Seurel rời bảng đen, cọ xát hay bàn tay vào nhau để rủ bụi phấn thì ngay lúc ấy, có ba giọng cùng vang lên khắp lớp học:
“Thưa thầy, anh Meaulnes đã bỏ đi.”
Đồng thời người đàn ông mặc áo xanh nhạt thình lình mở toang cánh cửa rồi đứng ở giữa thềm giơ mũ ra và hỏi:
“Xin lỗi ông, có phải ông đã cho phép cậu học trò ấy đến hỏi mượn chiếc xe để đi Vierzon đón ông bà cụ nhà? Chúng tôi ngờ rằng cậu ta đến…” “Không phải vậy đâu”, Monsieur Seurel trả lời.
Tức thì, một tình trạng vô cùng hỗn độn lan tràn khắp cả lớp. Ba người ngồi đầu bàn gần cửa ra vào vẫn thường được giao cho việc tìm kiếm những viên đá để ném đuổi các con dê cái hay những con heo vào gặm cỏ trong sân, thì nhảy ra cửa. Tiếng giậm chân mạnh mẽ từ những đôi guốc bịt sắt của họ lên trên những tấm đá lát ở bên ngoài cửa lớp đã tiếp nối với tiếng ồn ào bị đè nén của những bước chân nhảy xuống nghiến trên lớp đá sỏi trong sân trường và trượt quanh đến chỗ ngoặt của cánh cửa sắt mở ra phía con đường cái. Tất cả những người còn lại đứng dồn nơi các cánh cửa sổ ngó ra vườn. Có người leo hẳn lên bàn học để nhìn cho dễ.
Tuy nhiên, đã quá muộn. Anh Meaulnes đã đi thoát.
“Con cũng vẫn phải đi ra Ga với Moucheboeuf,” Mon- sieur Serel bảo tôi. “Meaulnes không biết đường đi Vierzon. Hắn sẽ lạc ở ngã tư và không thể tiến hành nhanh trong ba giờ.”
Đứng nơi ngưỡng cửa lớp Mẫu Giáo, Millie nhướng cổ lên hỏi:
“Có gì vậy?”
Và trên con đường của thị xã, người ta bắt đầu tụ tập. Đó luôn luôn là những nông dân điềm tĩnh nhưng bướng bỉnh với cái mũ cầm nơi tay, giống như những con người đang đứng đòi hỏi quyền lợi của họ.
Chương 5
Chiếc Xe Ngựa Trở Về
Từ khi đón ông bà ở nhà ga về cho đến sau đó trong bữa ăn, ngồi trước lò sưởi, lúc ông bà bắt đầu kể tỉ mỉ từng chi tiết tất cả những gì đã xẩy ra từ mùa nghỉ lễ năm trước, tôi chợt nhận ra rằng mình chẳng hề biết ông bà vừa nói gì.
Cánh cửa của sân chơi rất gần với cửa phòng ăn, kêu cọt kẹt mỗi lần hé mở. Thường, mới vừa chợp tối lúc cả nhà còn thức, tôi hay kín đáo đợi chờ tiếng cọt kẹt ấy, tiếp theo sau là tiếng guốc vỗ đôm đốp hay tiếng chùi cọ nơi ngạch cửa, thỉnh thoảng lại có một giọng nói nhỏ như thể ai đó đang thì thầm với nhau trước khi bước vào, và rồi tiếng gõ cửa vang lên. Đó thường là một bác hàng xóm, những giáo viên hay một người nào cuối cùng đến tiêu khiển một đêm dài với chúng tôi.
Đêm nay, tôi không còn chút hy vọng gì nữa bên ngoài bởi vì tất cả những người mà tôi ưa thích thì đã tụ họp lại trong nhà chúng tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngừng rình nghe bất cứ tiếng động nào trong đêm và đợi chờ ai đó sẽ mở cánh cửa ra.
Ông nội già ngồi im với cái vẻ rậm rạp của một người chăn cừu xứ Gascogne, hai chân nặng nề đặt phía trước, cây gậy kẹp giữa đùi, vai bên phải khòm xuống mỗi lần ông nghiêng người gõ cái tẩu thuốc trên đầu mũi giày của ông. Với đôi mắt ướt và hiền, ông tán thành tất cả những gì bà nội nói về chuyến đi, về những con gà mái, các người hàng xóm và các nông dân chưa trả tiền thuê ruộng cho ông. Nhưng, tôi đã không còn để tâm đến những gì ông bà nói nữa. Trong óc chỉ hình dung cái bánh xe quay tròn rồi thình lình ngừng lại trước cổng sắt. Anh Meaulnes sẽ nhảy xuống khỏi xe và đi vào nhà giống như chẳng hề có gì xảy ra. Hoặc có thể thoạt đầu anh đưa con ngựa về Belle Étoile trước, rồi không bao lâu, tôi sẽ nghe tiếng bước chân anh vang trên đường cái và cánh cửa sắt được mở toang…
Vậy mà không có gì xảy ra cả! Ông nội nhìn thẳng trước mặt, hai hàng mi nhấp nháy day tới day lui hồi lâu trên đôi mắt giống như đang buồn ngủ. Bà nội thì cứ lập đi lập lại mãi với sự khó khăn câu nói cuối cùng mà chẳng còn chịu nghe ai. Sau cùng bà hỏi: “Có phải thằng bé đó đang làm cho các con lo lắng hay không?”
Thật vậy, ở nhà ga, tôi đã đặt mãi với bà một câu hỏi vô ích. Bà không nhìn thấy một ai giống như anh Meaulnes ngừng lại ở Vierzon cả. Anh bạn tôi chắc phải chậm trễ trên đường. Sự toan tính của anh đã hỏng. Khi trở về, trong lúc bà nội trò chuyện với Moucheboeuf thì tôi cứ mãi suy nghĩ về nỗi thất vọng của mình. Suốt trên con đường đầy sương trắng xóa, những con chim nhỏ xoay quanh chân con lừa đang đi từng bước ngắn. Thỉnh thoảng, trong sự yên tĩnh ghê gớm của một buổi chiều đông giá đã nổi lên tiếng gọi xa xôi của người chăn chiên hay của một gã nào đang réo kêu đồng bọn từ cụm rừng tùng này sang cụm rừng thông khác. Và mỗi lần như thế, tiếng ngân dài từ các ngọn đồi hiu quạnh đã làm cho tôi rùng mình, giống như tiếng gọi của anh Meaulnes đang mời rủ tôi cùng đi với anh về một cõi nào xa xôi...
Trong lúc tôi mãi ôn lại tất cả mọi sự trong óc thì đến giờ đi ngủ. Ông nội đã vào trong căn phòng khách màu đỏ, ẩm và lạnh, được đóng cửa từ mùa đông năm ngoái. Để sửa soạn phòng cho ông, người ta đã gỡ ra những cái áo gối dựa đầu bằng đăng ten của một chiếc ghế phô tơi, dở những tấm khăn phủ lên và xếp những đồ vật mỏng mảnh sang một góc. Ông nội đặt cây gậy lên một cái ghế, chuồi đôi giày kềnh càng xuống dưới gầm phô tơi rồi thổi tắt cây nến. Chúng tôi đứng dậy chào nhau, chuẩn bị chia tay đi ngủ.
Vừa khi ấy, tiếng động của chiếc xe bò làm mọi người nín lặng. Người ta nghe hai chiếc xe chậm chạp nối tiếp nhau từng bước rất nhỏ và cuối cùng ngừng hẳn lại bên dưới cánh cửa sổ đã đóng của phòng ăn nhìn ra đường. Cha tôi cầm cây đèn lên, không đợi chờ gì cả, mở cánh cửa đã được khóa kín. Đẩy cái cổng sắt, ông tới trước bờ thềm, giơ cao cây đèn khỏi đầu để nhìn xem đó là ai.
Quả là có hai chiếc xe ngừng nơi cổng sắt, hai con ngựa trước và sau được buộc lại với nhau. Một người đàn ông nhảy xuống đất, dáng ngần ngại.
“Đây có phải là tòa thị sảnh không?”, ông ta vừa tiến đến gần vừa hỏi. “Ông có thể chỉ cho tôi nhà ông M.F. Fromentin, người tá điền ở Belle Étoile? Nơi quãng gần Saint Loup des Bois, tôi tìm
thấy chiếc xe của ông ấy với con ngựa cái mà chẳng có ai điều khiển. Với cái đèn bão, tôi đọc được tên và địa chỉ nơi tấm lắc đồng. Vì vậy, trên đường về, tôi dắt theo con ngựa để tránh gây tai nạn; tuy nhiên điều ấy làm vất vả chậm trễ cho tôi.”
Chúng tôi đứng đó, kinh ngạc. Cha tôi đến gần. Ông soi đèn vào chiếc xe.
“Không có tí dấu vết của người khách nào cả”, người đàn ông nói tiếp. “Con ngựa thì đã quá mệt và đi khập khiễng một chút.”
Tôi tiến lên phía trước, và giống như mọi người, nhìn con vật đã bị lạc và đang được người ta dắt về, như thể một món đồ trôi giạt ngoài biển khơi được tìm thấy lại. Cuộc trôi giạt thứ nhất và cuối cùng-có lẽ thế-trong cuộc phiêu lưu của anh Meaulnes.
“Nếu như nhà ông Fromentin quá xa” người đàn ông nói, “tôi sẽ để chiếc xe ngựa lại đây. Tôi đã bị mất quá nhiều thì giờ và hẳn là gia đình tôi đang lo lắng lắm.”
Cha tôi bằng lòng. Dù thế nào, đêm ấy chúng tôi có thể đánh chiếc xe đến Belle Étoile mà không cần nói gì cả. Sau đó, người ta quyết định sẽ phải kể cho mọi người hay, cũng như viết thư báo cho mẹ anh Meaulnes biết mọi sự…
Thế rồi, người đàn ông vừa quất roi vào mông ngựa vừa từ chối ly rượu vang chúng tôi đưa mời ông. Trong khi mọi người lặng yên đi vào nhà và cha tôi đưa chiếc xe ngựa xuống trại, thì tận sâu trong căn phòng đã được thắp nến trở lại, ông nội tôi hỏi: “Thế nào? Thằng bé ấy có trở về không?”
Hai người đàn bà trao đổi với nhau một ánh nhìn, trả lời sau một giây: “Có chứ. Anh ta đang ở nhà mẹ anh. Nào! Ngủ đi, đừng lo ngại gì cả.” “Tốt lắm, đó là điều mà tôi đã nghĩ”, ông nội nói. Rồi như đã thỏa mãn, ông tắt ngọn nến và quay trở về giường.
Đó cũng là cách giải thích mà chúng tôi trình bày với mọi người trong làng. Về phần người mẹ kẻ đào tẩu, phải quyết định chờ trước khi viết thư cho bà. Trong ba ngày kéo dài kế tiếp, chúng tôi giữ kín sự lo âu cho riêng mình. Vào khoảng mười một giờ khuya đêm ấy, tôi nhìn thấy cha tôi từ trại ngựa trở về, hàm râu ướt đẫm sương đêm. Rồi ông bàn cãi với Millie bằng một giọng rất trầm, giận dữ và lo ngại.
Chương 6
Có Tiếng Gõ Trên Cánh Cửa Vuông.
Thứ Tư là một trong những ngày lạnh nhất suốt mùa đông năm ấy. Từ lúc tinh sương, trong sân trường đã thấy những học trò đến sớm, chạy vòng quanh cái giếng để tự làm nóng thân thể. Họ chờ khi cái lò sưởi trong lớp học được đốt lên sẽ xông vào sưởi ấm ngay. Đàng sau cổng chính, một số đông đứng đợi các gã học trò từ phía cánh đồng đi đến với đôi mắt còn quáng lên vì phải băng qua các quang cảnh đầy sương, nhìn vào những cái hồ đóng băng và các cụm rừng nhỏ có những con thỏ đang chạy trốn. Trong các chiếc áo khoác ngoài của họ còn có mùi cỏ khô và mùi chuồng bò, làm cho không khí lớp học trở nên nặng nề mỗi khi họ chen nhau quanh cái lò sưởi đang hừng lửa.
Buổi sáng hôm ấy, một người trong bọn mang theo một cái giỏ trong có con sóc lạnh cóng đã tìm thấy trên đường đến lớp. Tôi nhớ lại rằng, anh ta cố gắng móc những móng nhọn của con vật dài ngoằng đã duỗi cứng vào trên cái trụ giữa sân chơi.
Thế rồi buổi học nặng nề chậm chạp của mùa đông bắt đầu.
Bất ngờ có tiếng động nơi cánh cửa vuông. Chúng tôi ai nấy ngửng đầu nhìn lên. Đối diện cổng chính, anh Meaulnes đang đứng phủi những hạt sương bám trên áo choàng trước khi bước vào, đầu ngẩng cao và trông như đang bị choáng mắt.
Hai gã học trò ngồi ở cái ghế gần lối đi nhất vội vàng chạy ra mở cửa. Một cuộc chuyện trò nho nhỏ xảy ra ngay ngoài cổng mà chúng tôi không ai nghe rõ. Cuối cùng, kẻ đào tẩu tự quyết định bước vào.
Từ cái sân tĩnh mịch, một làn gió mát lạnh lùa sâu trong lớp. Những cọng rơm vướng trên áo quần anh Meaulnes, cái dáng vẻ lãng du mệt mỏi, đói khát nhưng đáng kinh dị bao phủ con người anh... tất cả những thứ ấy làm cho chúng tôi như đang trải qua một trạng thái tình cảm lạ lùng, tò mò và thú vị.
Monsieur Seurel bước hai bước khỏi cái bàn nhỏ nơi ông đang đứng đọc chính tả, và anh Meaulnes đi về hướng ông với vẻ khiêu khích. Tôi nhớ lại rằng trong khoảnh khắc đó, anh bạn cao lớn của tôi trông đẹp đến chừng nào mặc dù anh thật suy nhược và đôi mắt rõ ràng đục ngầu vì những đêm lăn lóc bên ngoài.
Anh tiến đến tận bàn thầy giáo, nói bằng giọng quả quyết của một người đến báo cáo tin tức: “Thưa thầy, con đã vào lớp.”
“Thầy thấy rồi”, Monsieur Seurel vừa trả lời vừa tò mò quan sát anh, “con hãy ngồi vào chỗ của mình đi.”
Chàng thiếu niên quay trở lại hướng chúng tôi, đôi vai hơi trễ xuống, đôi môi nở nụ cười khinh thị giống như những học trò lớn vô kỷ luật thường làm trong lúc bị phạt. Rồi một tay thình lình chụp lấy mép bàn, anh ném mình xuống ghế.
“Con sẽ phải cầm quyển sách mà thầy sẽ chỉ định cho con” thầy giáo nói, (tất cả chúng tôi đều quay lại ngó anh) “trong lúc các bạn con sẽ kết thúc bài chính tả của họ.” Lớp học trở lại như cũ. Thỉnh thoảng, anh Meaulnes nhìn về hướng chúng tôi, rồi lại nhìn qua cửa sổ phía khu vườn trắng xốp vắng vẻ và những đồng cỏ quạnh hiu chốc chốc lại có một con quạ xà xuống. Trong lớp, cái lò sưởi hừng đỏ tỏa hơi nóng nặng nề hơn. Bạn tôi cúi đầu trong hai tay, chống cùi chỏ mà đọc; có hai lần, tôi thấy mí mắt anh khép lại và tôi tin là anh sẽ ngủ gục.
Cuối cùng anh giơ một cánh tay lên và nói :
“Thưa thầy, con muốn đi ngủ. Đã ba đêm rồi con không ngủ.”
“Được”, Monsieur Seurel trả lời, cốt sao tránh khỏi một sự rắc rối khó chịu.
Tất cả mọi cái đầu đều ngẩng cao, các cây viết giơ lên trời, chúng tôi tiếc nuối nhìn anh đi ra khỏi lớp với cái áo khoác ngoài nhầu nát và đôi giày bết bùn dơ.
Buổi học sáng trôi đi mới chậm chạp làm sao! Lúc gần trưa, ở phía trên rầm thượng, chúng tôi nghe tiếng người lữ khách chuẩn bị đi xuống. Vào bữa ăn, tôi thấy anh ngồi trước lò sưởi, gần bên ông bà nội vẻ đang chưng hửng. Trong lúc đồng hồ điểm 12 tiếng thì những trò lớn và những trò rải rác trong cái sân đầy tuyết chuồn mau như những cái bóng để đến tụ họp trước cửa phòng ăn.
Về buổi trưa ấy, tôi chỉ còn nhớ được một sự yên lặng và ngượng ngập lớn mà thôi. Tất cả đều băng giá: tấm vải dầu không có khăn bàn phủ, rượu vang lạnh trong chai, lớp gạch vuông màu đỏ mà chúng tôi đang giẫm chân trên đó. Để tránh gây khích động, người ta đã quyết định không hỏi han gì đến kẻ đào tẩu. Anh Meaulnes cũng nhân sự đình trệ ấy không nói một lời nào.
Cuối cùng, bữa ăn trưa chấm dứt, chúng tôi cứ từng cặp nhảy vọt ra sân. Những đôi guốc cào xới lớp tuyết trắng. Sân trường đen bẩn (theo lớp băng đang tan chảy từ mái nóc) với đầy những trò chơi cùng tiếng cười la lanh lảnh. Anh Meaulnes và tôi chạy dọc dài theo tòa nhà; tức thì có hai, ba học trò nhỏ bỏ rơi nhóm bạn mà chạy ào theo, vừa chạy vừa gào to lên làm bùn lầy bắn ra dưới đất, tay đút trong túi, khăn choàng cổ xổ bung. Xông thẳng vào trong lớp của học trò lớn, có tôi theo sát một bên, anh Meaulnes đóng cánh cửa bằng kính, vừa đúng lúc chống đỡ được sự đột kích của những người chạy theo sau đuôi. Có tiếng vang rõ ràng và dữ dội từ những tấm kính cửa đang lay động; những đôi guốc vỗ đôm đốp nơi ngạch; một cú đẩy làm oằn cây sắt chống đỡ hai cánh. Tuy nhiên anh Meaulnes đã vặn xoáy cái chìa nhỏ vào trong ổ khóa và liều mình chịu đau vì cái khoen bị gẫy cọ xát vào tay anh.
Sự đeo đuổi như vậy thật rất phiền nhiễu. Nếu vào mùa hè, những kẻ bị bỏ lại bên ngoài thường chạy hết tốc lực vòng quanh khu vườn rồi tìm cách leo lên một cửa sổ trước khi người ta kịp đóng nó lại. Nhưng bây giờ đang là tháng Chạp và mọi cánh cửa đều đã được khóa kín. Một lúc sau, đám người đuổi theo ấn mình vào thành cửa, la gào chửi mắng chúng tôi, rồi từng người một quay lưng bỏ đi, đầu cúi xuống, giơ tay sửa lại khăn choàng cổ cho ngay ngắn.
Trong lớp học thoảng mùi trái ấu và mùi nước bã nho chỉ có hai học sinh quét dọn đang xếp lại những cái bàn. Tôi đến gần lò sưởi để tìm hơi ấm một cách lười biếng, đợi giờ vào học; còn anh Meaulnes thì lại lục lọi gì đó nơi bàn giấy của thầy giáo và nơi mấy cái giá sách. Không bao lâu, anh tìm thấy một tấm bảng đồ nhỏ. Đứng thẳng người nơi bệ đài, anh trải nó ra nghiên cứu, khuỷu tay chống lên bàn, hai tay ôm lấy đầu.
Tôi bước lại gần, đặt tay lên vai anh và chúng tôi cùng theo dõi lộ trình anh đã đi qua. Đột nhiên, cánh cửa thông với lớp học trò nhỏ bị mở toang dưới một sức đẩy mạnh. Jamin Delouche, theo sau là một gã trong làng và ba gã khác ở vùng ngoại ô kế cận, hiện ra với những tiếng kêu chiến thắng. Rõ ràng là có một cánh cửa sổ trong lớp học trò nhỏ đã không được đóng kỹ và những gã này đã đẩy nó ra rồi đi vào bằng ngã ấy.
Jamin Delouche, dầu thân hình còn bé nhỏ nhưng lại là một trong những học trò lớn tuổi nhất của lớp Cao Đẳng. Hắn hay ganh tị với anh Meaulnes dù rằng vẫn tỏ ra thân thiện cùng anh. Trước khi anh Meaulnes vào học, Jasmin là kẻ hay huênh hoang nhất lớp. Hắn có một dung mạo xanh xao vừa đủ vô duyên, tóc tai rối bù. Là con trai độc nhất của góa phụ Delou- che, chủ một quán trọ, hắn tự làm ra vẻ như một người đàn ông và hay lập lại với vẻ khoe khoang những cái gì hắn đã nghe được từ những người đến chơi bi-da hoặc đến uống rượu bổ ở quán trọ nhà hắn.
Trước sự xông vào đột ngột của hắn, anh Meaulnes ngẩng đầu, đôi mày cau hẳn lại, điên cuồng la lên với những gã học trò đang chen nhau nhảy xuống nơi lò sưởi:
“Người ta không thể yên được một phút nào ở đây sao?”
“Nếu mày không bằng lòng thì hãy đi tìm chỗ nào mà mày thích đi”, Jasmin Delouche trả lời mà không nhìn lên, thể như đang tựa vào sự giúp đỡ của đám đông đồng lõa với hắn.
Tôi nghĩ, trong trạng thái mệt mỏi ấy, cơn giận của anh Meaulnes sẽ bốc cao lên để không ai có thể ghìm lại được.
“Này”, anh nói trong lúc đứng dựng lên và gấp cuốn sách lại, mặt tái đi một chút, “cút ra khỏi cửa ngay!”
Một người trong bọn Jasmin cười ngạo, la to:
“Ô! Bởi vì đã ba ngày trốn đi nên mày tưởng rằng mày là chúa tể chắc?” Và tên kia nói tiếp như để lôi kéo cả bọn ùa vào cuộc đấu khẩu:
“Mày dư biết là không thể làm cho chúng tao ra khỏi nơi đây.”
Anh Meaulnes nhẩy bổ nhào tới trước mặt gã. Thoạt đầu chỉ là một cuộc xô đẩy, những cái tay áo bị rách và sút chỉ; cho đến khi một mình Martin-gã nhà quê trong phe Jasmin-nhảy vào giữa vòng chiến, lỗ mũi hỉnh hỉnh, đầu lắc lắc giống như một con cừu đực, la to : “Mày để nó cho tao” thì từ một cú đẩy mạnh, anh Meaulnes ném hắn ra giữa lớp, đôi tay hắn chới với mở rộng. Thình lình, một tay anh chụp lấy cổ Delouche, tay kia mở cánh cửa, toan tống hắn ra ngoài. Jasmin níu lấy những cạnh bàn, kéo lê hai chân, đôi giày đế sắt của hắn nghiến trên những tấm đá lát.
Trong lúc đó, Martin đã lấy lại được thăng bằng, từng bước một tiến lại, đầu nghểnh về phía trước, dáng bộ điên cuồng giận dữ. Anh Meaulnes vội buông Delouche để vật nhau với gã ngu kia và có lẽ anh sắp sửa rơi vào một trạng huống nguy hiểm thì bỗng cánh cửa tòa nhà hé mở một tí.
Monsieur Seurel xuất hiện, đầu quay về phía nhà bếp, kết thúc cuộc đối thoại với ai đó trước khi bước vào lớp.
Lập tức, cuộc đánh nhau ngừng hẳn. Những người khác thì tụ lại quanh lò sưởi, đầu cúi xuống, tránh né đến kỳ cùng một sự chia phe. Anh Meaulnes ngồi vào chỗ của mình, nơi chỏ tay áo bị xổ chỉ và được vuốt lại cho thẳng. Riêng Jasmin mặt đỏ bừng; người ta nghe hắn la suốt trong vài giây trước khi tiếng thước kẽ vang lên mở đầu buổi học:
“Bây giờ không thể dung thứ hơn nữa. Nó là thằng lưu manh. Có lẽ nó tự nghĩ rằng không ai biết nó đã đi đâu.”
“Đồ ngu! Chính tao cũng không biết nữa là!”, anh Meaulnes trả lời giữa sự lặng im nghiêm trọng. Rồi nhún vai, tay ôm đầu, anh khởi sự với bài học của anh.
Chương 7
Cái Áo Dạ Hội
Như đã trình bày, căn phòng của tôi và anh Meaulnes là một căn gác thượng, hay đúng hơn, nó vừa là rầm thượng lại vừa là một căn phòng. Những phòng khác tiếp giáp với tòa nhà lớn đều có nhiều cửa sổ, còn căn của chúng tôi không biết tại sao lại có thể sáng sủa do chỉ một cánh cửa kính trổ xuống từ mái nhà. Cái cửa chính chạm với sàn nhà thì không thể đóng chặt được. Mỗi buổi tối, khi leo lên gác, hai bàn tay che cây đèn có thể bị tắt bất ngờ vì những luồng gió từ căn nhà lớn thổi lên, chúng tôi thử đóng cánh cửa ấy nhưng luôn luôn đành phải chịu thua. Rồi suốt cả đêm dài, cả hai đều cảm nhận sự yên lặng từ ba cái vựa lúa xâm nhập vào phòng, chung quanh chúng tôi.
Cũng buổi tối mùa đông hôm ấy, tôi và anh Meaulnes lại gặp nhau. Trong khi chỉ một nháy mắt tôi đã tuột hết các áo quần bên ngoài và ném chúng thành một đống trên chiếc ghế nơi đầu giường thì bạn tôi, không nói một lời, bắt đầu chậm rãi cởi y phục. Trên cái giường sắt có màn che màu trắng điểm hình những cành nho, tôi ngồi theo dõi từng cử động của anh. Khi thì anh ngồi xuống trên chiếc gường thấp và không có màn của mình, lúc lại đứng lên, thân để trần, bước dọc bước ngang quanh phòng. Cây nến đặt trên cái bàn nhỏ được bện bằng lá liễu mềm do người Bô- hê-miêng làm ra đã phóng lên tường cái bóng giang hồ to lớn của anh.
Trái ngược hẳn với tôi, anh xếp bộ áo học trò của mình trong cái cách khổ não và lễnh lãng, nhưng rất cẩn thận. Tôi lại thấy anh thảy chiếc giây nịt nặng nề lên một chiếc ghế; còn cái áo khoác ngoài vô cùng dơ bẩn nhầu nát thì được máng lên lưng ghế. Rồi cởi cái áo tơi màu xanh đang bận bên dưới áo khoác ngoài, xong, nghiêng mình xoay lưng về phía tôi, anh trải nó ra nơi phía chân giường. Những khi anh đứng thẳng lên và quay mặt lại thì tôi thấy, thay vì cái áo gi-lê có nút bằng đồng cùng một kiểu với áo tơi, anh lại mặc một cái áo nịt lạ lùng bằng tơ, rất rộng cổ, bên dưới được khít khao gài lại bằng một hàng nút xà cừ lóng lánh.
Đó là một loại áo biến chế đẹp đẽ mà các chàng trai thường phải mặc để khiêu vũ với các bà (như bà nội chúng ta) trong những buổi dạ hội vào thời 1830.
Tôi nhớ lại, trong khoảnh khắc đó, anh chàng học trò cao lớn có vẻ nông dân ấy, đầu để trần (bởi vì anh đã cẩn thận đặt cái mũ cát két lên trên những quần áo khác) nét mặt trông thật trẻ, hùng dũng và cũng thật đanh thép làm sao! Anh vừa bước ngang bước dọc trng phòng, vừa bắt đầu mở nút tấm áo gi-lê bí mật của một bộ y phục không phải thuộc về anh. Trông anh rất lạ lùng với cái áo chemise trần, cái quần quá ngắn, đôi giày vấy bùn mà trong tay lại cầm cái gi lê của một Hầu Tước!
Vừa khi sắp đắm mình vào cơn mộng thì đột nhiên anh bừng tỉnh, quay đầu chăm chú nhìn tôi bằng ánh mắt bồn chồn. Tôi chợt nhếch môi cười một chút; anh cũng mỉm đáp trả, khuôn mặt sáng lên.
“Ô! Hãy nói cho tôi biết cái gì đã xảy ra”, tôi đánh bạo hỏi, giọng trầm xuống. “Anh đi đâu vậy?”
Ngay lập tức, cái cười của anh tắt nhanh, bàn tay nặng nề cào đi cào lại trên mái tóc hớt ngắn, rồi bất ngờ giống như những người không thể cưỡng lại ý muốn của họ, anh bèn mặc trở lại bên ngoài cái áo có viền đăng ten đẹp đẽ một cái áo va-rơ ngắn, gài chặt nút, rồi khoác lên người chiếc áo rộng nhầu nát, anh do dự một lát, nhìn nghiêng về phía tôi…
Cuối cùng, anh ngồi xuống mép giường, cởi đôi giày, quăng mạnh nó trên sàn nhà, rồi y phục đầy đủ giống như một người lính đang sẵn sàng ứng chiến, anh nằm dài trên giường, thổi tắt cây nến.
Vào lúc nửa đêm, tôi tỉnh giấc bất ngờ. Anh Meaulnes đang đứng giữa phòng, đầu đội mũ cát két và như đang tìm một vật gì đó nơi móc áo, trên vai choàng một cái áo tơi không có tay. Căn phòng thật tối, luôn cả thứ ánh sáng thỉnh thoảng được dội lên từ lớp tuyết trắng cũng không có nốt.
Một cơn gió lạnh thổi qua khu vườn tĩnh mịch và luồn trên mái ngói. Tôi nhổm dậy một chút, kêu lên nho nhỏ:
“Meaulnes! Anh lại đi nữa à?”
Anh không trả lời. Hoàn toàn thất kinh, tôi nói:
“Vậy thì tốt! Tôi đi với anh! Anh phải đem tôi theo!”
Anh đến gần, nắm cánh tay tôi, ấn ngồi xuống mép giường rồi nói:
“Tôi không thể đem cậu theo, Francois ạ. Nếu tôi biết rõ lộ trình, hẳn tôi sẽ đem cậu đi với tôi. Nhưng trước hết phải dò cho ra chốn ấy ở đâu trên bản đồ đã. Tôi chưa tìm ra nơi đó.
“Được rồi. Cả anh cũng không thể bỏ đi chứ?”
“Đúng vậy. Vô ích lắm…” anh phác một cử chỉ thật chán nản.
“Nào, hãy ngủ nữa đi! Tôi hứa với cậu là sẽ không bỏ đi mà không có cậu.”
Anh lại tiếp tục bước ngang bước dọc trong phòng. Tôi không dám nói gì nữa. Anh cứ bước đi rồi ngừng lại, lại bước nhanh hơn, giống như một người đi tìm hay ôn lại trong đầu những kỷ niệm, đối chiếu, so sánh, trù định… rồi bất thần tưởng là tìm ra được thì một sự việc mới làm lạc giòng tư tưởng, hắn lại bắt đầu tìm kiếm nữa.
Đó không phải chỉ một đêm tôi bị đánh thức bởi tiếng động từ những bước chân để nhìn thấy anh trong trạng huống như thế. Còn nhiều đêm khác nữa, vào khoảng một giờ khuya, thấy anh đang lê chân quanh phòng và trên những căn gác xếp, giống như những thủy thủ không thể đánh mất thói quen canh gác trên tàu mà tận sâu trong đặc tính của người xứ Bretagne, họ thức giậy mặc quần áo đúng giờ một cách rất quy tắc để lưu ý đến đất liền vào ban đêm.
Trong tháng Một và thượng tuần tháng Hai, tôi đã phải choàng tỉnh bời hai hay ba lần như thế.
Anh Meaulnes đang đứng trong phòng, tất cả đã được chuẩn bị, cái áo tơi không có tay được khoác lên vai để sẵn sàng ra đi. Vậy mà cứ mỗi lần sắp sửa khởi hành tìm đến vùng đất bí mật anh từng đã tới thì anh ngừng lại, vẻ do dự. Trong lúc đẩy cái then gài cửa ở cầu thang rồi đi lần theo cửa nhà bếp mở rất dễ dàng mà không làm cho ai phải thức giấc cả thì anh lùi lại lần nữa. Rồi nhiều giờ trôi qua trong khoảng nửa đêm về sáng, nơi các vựa lúa bỏ hoang, anh bước từng bước dài một cách nóng nảy, đắm mình trong nghĩ ngợi.
Cuối cùng, vào một đêm giữa tháng Hai, chính anh nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi để đánh thức tôi dậy. Hôm ấy là một ngày vô cùng khích động. Anh Meaulnes bỏ lơ tất cả các trò chơi với lớp bạn cũ; trong giờ nghỉ cuối cùng, anh ngồi lại nơi ghế, hoàn toàn bận rộn với việc phác họa một địa đồ bí mật rồi lần dò theo từng ngón tay và kỹ lưỡng đo đạc nó trên tấm bản đồ của tỉnh Cher. Một sự di động qua lại không ngừng diễn ra giữa sân chơi và trong phòng học. Tiếng guốc làm ồn ào huyên náo. Bọn học trò rượt bắt nhau từ bàn này qua bàn nọ, nhảy lên các băng ghế và phóng cả lên bục giảng của thầy. Bọn họ biết là không làm sao đến gần anh Meaulnes được trong khi anh mãi chú tâm như thế, nhưng giống như một trò đùa dai dẳng, hai ba gã trong làng đi từng bước rón rén đến gần và chăm chú nhìn qua vai anh. Thế rồi, một tên đánh bạo ra sức đẩy một tên khác ngã vật lên mình anh. Lập tức anh Meaulnes gấp tấm bản đồ lại giấu đi, túm lấy gã cuối cùng, trong khi các gã kia bỏ chạy thoát.
Đó là tên Giraudat hay gây gỗ có giọng nói rền rĩ. Hắn thử đá một cú, nào ngờ lại bị anh
Meaulnes đá ra ngoài. Hắn bèn điên tiết gào lên:
“Đồ hèn nhát! Tao không lạ gì khi tất cả đều chống lại mày, tất cả đều muốn đánh nhau với mày.”
Và một loạt những lời chửi rủa từ hắn được tung ra mà tôi đoan xác rằng không hiểu rõ được hắn muốn nói gì. Chỉ tôi là người la lớn hết sức để đáp lại hắn bởi vì tôi quyết định ngã về phía anh Meaulnes.
Giữa hai chúng tôi lúc này như có một sự liên kết chặt chẽ. Lời anh hứa sẽ đem tôi theo -thay vì nói như mọi người rằng tôi là tên què, ‘không thể bước vững trên hai chân’-đã mãi mãi trói
buộc tôi vào với anh để không ngừng nghĩ đến chuyến đi bí mật của anh. Tôi tin rằng anh đã gặp một người con gái nào đó. Chắc chắn nàng xinh đẹp hơn tất cả mọi cô gái trong vùng, hơn cả Jenny mà chúng tôi vẫn thoáng thấy xuyên qua lỗ khóa của tu viện; hơn Madeleine, con gái ông bán bánh mì, mái tóc vàng hoe, da mặt hồng hào; hơn luôn Jeanne, con gái bà nhà giàu rất được kính trọng nhưng hơi điên điên và luôn kín cổng cao tường. Đó hẳn phải là một cô gái trẻ mà anh tưởng nhớ đêm ngày, giống như nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết. Thế rồi lần thứ nhất tôi quyết định đàm luận với anh một cách can đảm khi anh đánh thức tôi dậy.
Buổi chiều của lần đánh nhau hôm ấy, sau bốn giờ, trong lúc tôi và anh Meaulnes phải đem cất những dụng cụ làm vườn nào là cuốc nhọn, nào là xẻng đục dùng để đào những lỗ hỗng, thì chúng tôi nghe tiếng la vang trên đường cái. Đó là một đám những thiếu niên và các trẻ ranh làm thành đội ngũ cứ từng bốn người một, chạy nhanh và đều giống như một đoàn thể được tổ chức chặt chẽ, dẫn đầu bởi Delouche, Daniel, Giraudat và một gã khác mà chúng tôi không biết mặt. Bọn họ thoáng thấy chúng tôi và réo gọi mắng nhiếc chúng tôi một cách tàn tệ. Cứ như thế, bọn này sửa soạn một trò chơi đánh nhau nào đó chúng tôi không được biết và cũng không được mời tham dự.
Anh Meaulnes chẳng nói lời nào, cất cái mai cái cuốc đang vác trên vai vào dưới lều.
Tuy nhiên, vào giữa đêm hôm ấy, tôi giật mình tỉnh giấc khi cảm nhận bàn tay anh đặt trên cánh tay tôi.
“Nào! Dậy đi! Chúng ta lên đường.”
“Bây giờ anh đã biết rõ lộ trình rồi chứ?”
“Tôi chỉ biết phần nào thôi. Sẽ phải tìm phần còn lại”, anh trả lời, hai hàm răng khít chặt.
“Anh hãy nghe tôi, Meaulnes ạ”, tôi vừa nói vừa ngồi dậy. “Chúng ta chỉ có một việc cần làm là phải bỏ cả một ngày tìm cho ra phần đường mà chúng ta không biết qua tấm địa đồ của anh.”
“Nhưng phần đường ấy thì rất xa nơi đây.”
“Được, mùa hè năm nay, khi ngày bắt đầu dài ra, chúng ta sẽ đến đó bằng xe ngựa.” Có một sự yên lặng kéo dài như muốn nói là anh bằng lòng.
“Rồi chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực tìm cho ra cô gái mà anh đã yêu.” Cuối cùng tôi nói thêm:
“Hãy nói cho tôi biết cô ấy là ai, nói với tôi về cô ấy đi!”
Anh ngồi xuống nơi chân giường tôi. Trong bóng tối, tôi nhìn thấy cái đầu nghiêng nghiêng, đôi cánh tay tréo vòng và hai đầu gối của anh. Rồi anh thở mạnh, giống như người lâu ngày ôm ấp một tâm sự bí mật và cuối cùng giãi bày được nỗi bí mật ấy ra…
Chương 8
Cuộc Phiêu Lưu
Đêm hôm ấy, anh Meaulnes chưa kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra với anh ở dọc đường. Và ngay đến khi anh quyết tâm ký thác mọi sự với tôi vào những ngày khổ ải mà tôi sẽ kể lại sau, trong một thời gian rất dài, những việc đó vẫn còn là điều bí mật lớn trong thời tuổi nhỏ chúng tôi. Nhưng bây giờ tất cả đều đã hết, tất cả chỉ còn là những tro bụi của bao nhiêu cái xấu, bao nhiêu cái tốt, thì tôi có thể kể lại cuộc phiêu lưu kỳ diệu của anh.
* * *
Trên đường đi Vierzon, vào khoảng một giờ rưỡi chiều, trời thật giá lạnh, anh Meaulnes thả cho ngựa chạy mau vì biết cũng đã gần chiều rồi. Ban đầu anh chỉ nghĩ đến cái thú làm cho tất cả bọn chúng tôi ngạc nhiên khi bốn giờ chiều anh đón ông bà Charpentier về bằng xe ngựa. Thật vậy, lúc ấy anh không hề có một ý định nào khác.
Lần lần, gió lạnh thấm vào người, anh bèn quấn hai chân vào tấm mền mà ban đầu anh đã từ chối không nhận, nhưng những người ở trại Belle Étoile cứ nhất định bắt để lên xe.
Lúc hai giờ, anh đi ngang khu phố ở làng La Motte. Anh chưa bao giờ đi qua một làng nhỏ nào vào giờ trẻ con đi học, nên lấy làm thích thú thấy làng đó vắng vẻ, tựa như đang ngủ. Thỉnh thoảng, từng quãng xa mới có một tấm rèm được vén lên để lộ ra khuôn mặt tò mò của một bà nhà quê.
Ra khỏi làng La Motte, ngay sau khu trường học, anh ngần ngừ giữa hai ngã đường và mang máng nhớ rằng phải rẽ về phía trái mới đúng đường đi Vierzon. Không có ai ở đó để cho anh hỏi đường. Anh bèn thả cho ngựa chạy nước kiệu trên con đường bắt đầu hẹp nhỏ và lồi lõm đá, rồi đi ven theo một khu rừng thông trong một lúc lâu. Sau cùng gặp một người phu lục lộ, anh đưa hai tay lên che miệng làm loa, hỏi người đó xem có phải đây là đường đi Vierzon không? Con ngựa níu mạnh giây cương, tiếp tục chạy nên người kia không nghe rõ câu anh muốn hỏi; ông ta chỉ la lên mấy tiếng và đưa tay ra dấu mập mờ, vì thế Meaulnes cứ để mặc cho ngựa chạy.
Lần nữa, anh tới một cánh đồng mênh mông, giá lạnh, phẳng lì, thỉnh thoảng có con chim khách vì sợ tiếng xe nên bay ra xa, đậu trên một ngọn cây du trụi lá. Người lữ hành đã phải lấy tấm mền lớn quấn lên tới cổ giống như một chiếc áo choàng. Hai chân duỗi dài, lưng tựa vào thành xe, anh ngủ quên đi một lúc…
… Cho đến khi khí lạnh thấm qua tấm mền, anh Meaulnes mới tỉnh dậy, thấy phong cảnh đã thay đổi hẳn. Không còn những chân trời xa với vòm mây trắng cao rộng mắt nhìn không thấu nữa; thay vào đó là những khu đồng hẹp đầy cỏ xanh, chung quanh có những hàng giậu cao. Hai bên đường, nước chảy dưới lớp băng nơi những khe rãnh. Xem chừng sắp sửa tới một con sông. Và giữa những hàng giậu cao, con đường chỉ là một lối đi nhỏ, lồi lõm.
Từ ban nãy, con ngựa đã không còn đi nước kiệu. Anh Meaulnes quất một roi lên lưng nó, định bắt chạy nhanh như trước, nhưng nó cứ tiếp tục bước từng bước hết sức chậm chạp. Anh học trò cao lớn chống hai tay vào thành xe, ngó xuống, thấy con ngựa bước thậm thọt hẳn trên một chân sau. Lập tức, anh lo lắng nhảy xuống đất, nhủ thầm:
“Đi như thế này không thể nào tới Vierzon cho kịp được.”
Chính anh cũng không dám tự ngỏ với mình ý nghĩ đáng lo ngại rằng không chừng anh đã đi lạc mà không phải là đang trên đường đến Vierzon.
Anh xem xét rất kỹ chân con vật nhưng không khám phá ra một vết thương nào. Con vật vẻ rất sợ sệt, mỗi khi anh sắp đụng tới chân nó là nó vội đưa chân lên cao và lấy chiếc móng nhọn vụng về cào xuống đất. Sau cùng anh mới hiểu rằng bên dưới cái móng con vật có một hòn sỏi đang bị mắc kẹt. Vốn là một chàng nông dân thành thạo trong việc trông nom súc vật, anh ngồi xổm xuống, cố gắng dùng tay trái nắm lấy chân con ngựa kẹp vào giữa hai đầu gối mình. Nhưng vì bị vướng cái xe nên hai lần con vật thoát chạy vài mét, cái bục lên xuống đập vào đầu anh và cái bánh xe làm đầu gối anh bị thương. Anh cứ tiếp tục cho đến khi chế ngự được con vật đang sợ sệt, nhưng viên sỏi bị kẹt chặt đến nỗi anh phải dùng đến con dao kiểu nông dân lấy từ trong túi ra mới cậy được viên sỏi.
Sau khi mọi việc hoàn tất, ngẩng nhìn lên, mắt hoa và đầu choáng váng, anh mới hốt hoảng mà nhận ra rằng trời đã tối.
Bất kỳ ai khác ngoài anh Meaulnes trong hoàn cảnh như thế tất đã tập tức quay lại con đường cũ. Đó là cách duy nhất để khỏi bị lạc thêm nữa. Còn anh nghĩ rằng hiện đã xa làng La Motte lắm. Vả chăng trong khi anh thiếp ngủ thì con ngựa có thể đã đi vào một con đường tắt. Sau hết, con đường này rồi cũng phải đưa tới một làng xóm nào đó… Cũng nên thêm vào những lý do ấy là việc, trong lúc con vật nóng nảy kéo chằng giây cương thì anh Meaulnes, khi bước lên chiếc bàn đạp, bỗng cảm thấy tràn ngập trong lòng sự ham thích tìm đến một cái gì, đi tới một chỗ nào, mặc cho bao nhiêu trở ngại.
Anh bèn quất một roi cho con ngựa cái tràn lên rồi phóng nước đại. Bóng tối càng thêm dầy đặc. Con đường lồi lõm chỉ còn vừa đủ cho cái xe đi lọt. Thỉnh thoảng một cành cây khô bên bờ giậu chui vào bánh xe làm phát ra một tiếng gãy dòn tan…
Lúc trời đã hoàn toàn tối, nghĩ đến căn phòng ăn ở Sainte Agathe có gia đình tôi đang tụ họp, anh Meaulnes chợt thấy se se trong tim. Anh đâm nổi giận; rồi sự kiêu ngạo và nỗi sung sướng sâu đậm được thoát đi như vậy-tuy không dự tính-đã tràn ngập lòng anh.
Chương 9
Một Dịp Dừng Chân
Bỗng dưng con ngựa chậm bước như thể bốn chân đang bị vướng vào bóng tối; anh Meaulnes thấy cái đầu của nó hai lần đưa lên và cúi xuống rồi ngừng lại, cái mũi chúi mãi như đang ngửi vật gì. Quanh đấy nghe có tiếng nước róc rách. Một dòng suối chắn ngang đường. Về mùa hạ nước cạn lội qua được. Nhưng vào mùa này nước chảy xiết đến độ băng không đóng nổi, nếu đi tới chút nữa có thể xảy ra tai nạn.
Anh kéo nhẹ dây cương để lùi vài bước, rồi ngần ngừ không biết tính sao, đứng thẳng người trên xe. Bấy giờ anh mới nhận ra ở phía sau hàng cây có một luồng ánh sáng. Từ con đường nhỏ vào tới đó cách chừng hai ba khu đồng cỏ.
Anh bước xuống xe, kéo lui ngựa và nói như phủ dụ nó:
“Thôi lên đường, cô nàng! Bây giờ không còn xa nữa. Sắp tới nơi rồi.”
Đẩy cánh cửa rào hé mở vào một khu đồng cỏ, anh kéo cỗ xe theo, hai chân bước lún xuống bãi cỏ ướt. Chiếc xe lắc lư nhè nhẹ. Ghé sát đầu con vật, anh cảm nhận sức nóng và hơi thở mạnh của nó. Anh dẫn ngựa tới tận khu đồng cỏ, lấy tấm mền phủ trên lưng ngựa, rồi rẽ những cành cây ở hàng giậu cuối, lại nhận ra luồng ánh sáng phát từ một ngôi nhà chơ vơ.
Anh cũng còn phải băng qua ba khu đồng cỏ, nhảy ngang một dòng suối khá nguy hiểm đến suýt chút nữa đã phóng cả hai chân xuống nước. Sau cùng, phóng từ một mô đất cao xuống, anh tới cái sân một ngôi nhà nông dân. Một con lợn đang ủn ỉn bên chậu cám. Nghe tiếng chân bước trên nền đất lạnh, một con chó sủa vang lên.
Cánh cửa nhà mở rộng, luồng ánh sáng ban nãy anh Meaulnes trông thấy là do từ những cây củi cháy trong lò. Không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng lò sưởi đó. Một người đàn bà có tuổi ở trong nhà bước về phía cửa, khuôn mặt không tỏ lộ chút nào sợ hãi. Chiếc đồng hồ quả lắc vừa lúc đó đánh bảy giờ rưỡi.
Gã học trò cao lớn nói:
“Xin lỗi bà, khổ quá, hình như cháu mới lỡ giẫm chân lên bồn hoa cúc của bà?” Tay cầm cái chén, người đàn bà dừng lại ngó anh. Và đáp:
“Đúng thế, ngoài sân tối đen, nếu không biết lối đi thì giẫm nát hết.”
Im lặng trong giây lát, khi đó anh Meaulnes vẫn đứng sững, ngó lên bốn bức tường dán đầy những trang báo có hình vẽ giống như ở một quán trọ, và cái bàn bên trên có để một chiếc mũ đàn ông. Anh ngồi xuống hỏi:
“Ông chủ đi vắng, thưa bà?”
Vẻ càng thêm tin cậy, người đàn bà đáp: “Cũng sắp về, đi lấy thêm ít củi.”
Chàng thanh niên kéo ghế đến gần lò sưởi:
“Cháu cũng không cần đợi ông nhà về. Bọn cháu mấy người đi săn đêm. Cháu muốn hỏi xin bà có bánh mì thì để lại cho cháu một ít.”
Anh biết rằng nếu đến nhà một nông dân, nhất là nơi một nông trại bơ vơ thì phải biết nói năng khéo léo và nhất là đừng bao giờ để lộ cho họ biết rằng mình không phải người trong vùng. Người đàn bà hỏi:
“Cần bánh mì ư? Tôi không thể để lại cho cháu được. Ông hàng bánh đáng lẽ thứ ba nào cũng đi qua, vừa sáng nay lại không thấy tới.”
Anh Meaulnes hy vọng mình đang ở gần một làng mạc nào, nghe vậy hoảng sợ. Anh hỏi: “Ông hàng bánh ở đâu thế, hở bà?”
Người đàn bà ngạc nhiên:
“Ô kìa. Ông hàng bánh ở Vieux-Nancay ấy mà?” Anh lo ngại hỏi tiếp:
“Từ đây tới Vieux-Nancay đích xác là bao xa?”
“Tôi không thể nói đích xác được, nhưng theo đường lộ thì chừng ba dặm rưỡi.”
Rồi bà kể cho anh nghe rằng bà có cô con gái làm công ở đó, mỗi chủ nhật đầu tháng bà lại đi bộ tới Vieux-Nancay thăm con, ông chủ bà chủ ở đó…
Nhưng anh Meaulnes, vẻ hoàn toàn bối rối, ngắt lời bà:
“Vieux-Nangcay có phải là làng gần đây nhất không?”
“Không, làng Les Landes gần hơn, chừng năm cây số. Nhưng ở đó chẳng có hàng quán gì, không cả bánh mì nữa. Mỗi năm vào ngày lễ thánh Martin là có hội nhỏ một lần.”
Anh Meaulnes chưa hề nghe nói tới làng Les Landes. Nhận thấy mình đã đi lạc quá xa, anh đâm gần như thấy vui vui. Nhưng người đàn bà, lúc đó đang bận rửa bát trong chậu, quay đầu lại, trở nên tò mò, nhìn thẳng anh, chậm rãi hỏi:
“Cậu không phải là người trong vùng này sao?”
Ngay khi ấy, một nông dân đã có tuổi hiện ra trước cửa, liệng mớ củi trên tay xuống sàn gạch. Người đàn bà giải thích cho ông biết điều yêu cầu của chàng trai nói ằng giọng rất lớn như thể ông đang bị điếc. Vẻ dễ dãi, ông đáp:
“Ồ, thế thì có gì khó? Nhưng cậu lại gần đây mà sưởi cho ấm đi!”
Lát sau, hai người ngồi gần mớ củi đang cháy: ông già bẻ củi chất thêm vào lò, anh Meaulnes uống một chén sữa với bánh mì bà chủ nhà dọn ra cho anh. Chàng lữ khách, khoan khoái được ngồi trong căn nhà xuềnh xoàng sau khi trải qua bao nhiêu lo lắng, đã tưởng cuộc phiêu lưu kỳ cục của mình chấm dứt nơi đây, vội dự tính sau đó sẽ đem các bạn trở lại thăm gia đình tốt bụng này.
Anh đâu biết rằng đó chỉ là một dịp ngừng chân, và chốc nữa đây anh lại phải lên đường.
Lát sau anh nhờ hai ông bà chỉ đường trở về La Motte. Lần này phải nói thật, anh kể chuyện cái xe anh bị lạc đám thợ săn, bây giờ không biết đường về.
Nghe vậy, hai ông bà già hết sức cầm giữ anh nán lại ngủ qua đêm, đợi sáng mai hãy lên đường. Meaulnes đành phải nhận lời và đi kiếm con ngựa dẫn về chuồng. Ông chủ nhà dặn: “Cậu coi chừng hai bên đường mòn có nhiều hố đấy.”
Anh Meaulnes đâu dám thú nhận rằng anh không đến đây bằng lối đường mòn. Anh toan nhờ ông già đưa đi nhưng lưỡng lự một giây trên bực cửa, do dự đến nỗi thấy gần như muốn lảo đảo. Sau cùng, anh lao mình ra ngoài sân tối đen.
Chương 10
Cái chuồng cừu
Để nhận ra phương hướng, anh trèo lên mô đất ban nãy đã nhảy xuống sân. Chậm chạp, khó khăn cũng như lúc đến, anh men theo bờ cỏ và dòng suối, băng qua những hàng cây liễu để kiếm chiếc xe. Chiếc xe không còn nơi đó nữa. Đứng lặng người, đầu rối tung, anh cố lắng nghe những tiếng động trong đêm; từng giây một tưởng như nhận ra tiếng rung rinh của cái lục lạc đeo vòng nơi cổ ngựa ở ngay gần đó. Nhưng tuyệt nhiên không có gì hết. Anh đi quanh khu đồng cỏ một lượt, cánh cổng nửa như rộng mở nửa như bị đè rạp xuống, có vẻ như bánh xe lăn qua bên trên, ý chừng con ngựa cái đã một mình theo con đường đó mà thoát đi.
Anh quay ngược lại, vừa đi mấy bước thì chân vướng phải tấm mền, có lẽ đã rơi tuột từ trên lưng ngựa. Anh kết luận rằng con ngựa phải thoát về hướng đó. Thế là anh liền chạy theo.
Anh chạy, trong đầu không một ý tưởng nào khác ngoài cái ý chí cương quyết và liều lĩnh đuổi bắt cho kỳ được chiếc xe. Máu bốc lên óc, anh bị lôi cuốn bởi sự ham muốn hoảng hốt giống như khi người ta sợ hãi một điều gì.
Thỉnh thoảng, chân anh vướng vào một vết xe lõm. Tới những khúc rẽ, trong bóng tối đen nghịt, anh đâm thẳng vào hàng giậu mà ngay khi đó, vì quá mệt, không kìm lại kịp, đưa hai tay ra trước khi nhào vào những bụi gai, nghĩ rằng thà bị thương ở tay hơn là ở đầu. Đôi khi anh dừng bước, nghe ngóng, rồi lại vụt chạy. Có lúc tưởng nghe tiếng xe nhưng đó chỉ là một chiếc xe bò đang chậm chạp lăn bánh ở tận xa, trên đường phố, phía bên trái.
Tới khi đầu gối đụng phải cái bàn đạp làm cho đau nhức quá, anh đành ngừng lại, chân cẳng cứng đơ. Khi đó anh mới nghĩ, nếu con ngựa không phi nước đại thì anh hẳn đã đuổi kịp nó từ lâu rồi. Anh cũng tự nhủ, một cái xe không thể mất như vậy được, thế nào cũng có người bắt gặp. Sau cùng, anh thấy mỏi mệt, rã rời, nên tức giận quay trở lại đường cũ, hai chân như lê không nổi.
Đi mãi, anh tưởng như đã quay về đúng cái nơi vừa rời khỏi, lát sau mới trông thấy ánh đèn căn nhà của cặp vợ chồng nông dân anh định tìm kiếm. Qua hàng giậu, có một con đường mòn sâu thẳm. Anh tự nhủ: “Đúng là con đường mòn mà ông già vừa nói.”
Anh bước vào con đường đó, sung sướng khi không phải trèo qua những hàng giậu hay những mô đất. Đi một quãng, con đường rẽ sang phía trái, trong khi ánh đèn lách qua phía phải. Tới một ngã tư, anh Meaulnes vội vàng mong cho chóng về căn nhà xuềnh xoàng kia nên chẳng ngần ngại bước vào con đường xem ra đưa thẳng tới đó. Nhưng đi được chừng mười bước thì ánh đèn biến mất, có lẽ như đang bị một hàng giậu che khuất, hoặc hai vợ chồng người nông dân đợi mãi không được nên đã đóng cửa. Hăng hái, anh học trò băng qua cánh đồng, đi thẳng tới chỗ ban nãy có ánh đèn. Nhưng leo qua một hàng giậu, anh lại rơi vào một con đường mòn khác…
Cứ như vậy, lần lần, hướng đi của anh Meaulnes bị hỗn loạn, mối liên lạc giữa anh và những người anh vừa dời khỏi, bị cắt đứt. Thất vọng, lại gần như kiệt sức, anh quyết định là cứ đi theo con đường mòn đó cho tới cùng.
Sau chừng một trăm bước, anh tới một cánh đồng rộng màu xám, thấp thoáng có những bóng đen, dáng chừng là những gốc cây tùng và một ngôi nhà gạch tối om ở một khu đất trũng. Đến gần thì thấy đó chỉ là một bãi rộng để thả bò ngựa hay cừu, nay đã bỏ hoang. Cánh cửa mở ra cọt kẹt. Khi gió thổi bay đám mây che phủ lưng trời, ánh trăng lọt qua khe vách.
Không tiến sâu hơn nữa, anh nằm dài lên lớp rơm ướt, hai khuỷu tay chống trên mặt đất. Sau khi tháo dây lưng ra, anh ủ mình trong chiếc áo khoác, hai đầu gối đưa lên tới bụng. Nghĩ tới tấm mền phủ cho ngựa đã bỏ lại ở dọc đường, anh cảm thấy vừa khổ sở vừa tức bực quá với chính mình đến như muốn bật khóc. Vì thế, phải cố gắng nghĩ ra chuyện khác. Trong cơn lạnh thấu xương, anh nhớ lại một giấc mơ –một ảo tưởng đúng hơn—mà anh gặp hồi còn nhỏ nhưng chưa hề kể lại với ai: “Một sáng đáng lẽ tỉnh dậy trong căn phòng riêng, nơi có treo lòng thòng những quần lót và áo ngoài của anh, Meaulnes lại thấy mình ở trong căn phòng dài màu lục, có những tấm rèm trông giống như những vòm cây lá. Bên cửa sổ gần đó, một thiếu nữ ngồi may, quay lưng lại, dáng chừng như đang chờ anh thức giấc… Anh không đủ sức để ra khỏi giường và bước đi trong căn nhà thần tiên đó.”
Thiếp ngủ trở lại… anh tự nhủ, lần sau thì anh quyết trở dậy. Lần sau không chừng là sáng mai…
Chương 11
Nơi Trang Trại Bí Mật
Từ sáng sớm, anh Meaulnes đã ra đi. Nhưng cái đầu gối sưng khiến anh đau đớn đến nỗi chốc chốc phải ngừng lại ngồi xuống nghỉ. Nơi đó hiển nhiên là khu vực hẻo lánh nhất miền Sologne. Cả buổi sáng anh chỉ trông thấy có mỗi một cô gái chăn chiên, xa mãi tận chân chân trời, đang dẫn bầy cừu trở về. Anh cố hết sức gọi cô ta và cố gắng chạy đến gần nhưng cô không nghe và biến đâu mất.
Anh tiếp tục đi mãi về hướng đó, chậm chạp một cách thất vọng. Không thấy một mái nhà, không gặp bất cứ ai, không cả đến một tiếng kêu của con chim mỏ nhác trong đám lau sậy dưới đầm. Bên trên khung cảnh hoàn toàn hoang vắng đó, mặt trời tháng Chạp trong trẻo và lạnh lẽo chiếu sáng chan hòa.
Vào khoảng ba giờ chiều, bất chợt nhìn thấy bên trên khu rừng thông có một ngọn tháp màu xám, anh tự nhủ: “Hẳn đây là một trang viện cổ bỏ hoang hay một cái chuồng đã hết nuôi chim?”
Một cách thong thả, anh tiếp tục đi tới. Nơi ven rừng, giữa hai cột cây trắng, có một lối đi. Anh Meaulnes tiến lên, nhưng vừa được mấy bước thì bỗng đứng sững lại, kinh ngạc và xao xuyến một cách kỳ lạ. Anh lại mỏi mệt lê chân, gió lạnh làm khô cứng đôi môi, thỉnh thoảng khiến như bị nghẹt thở; đồng thời một sự thỏa mãn lạ lùng làm cho anh nao nức. Đó là sự êm tĩnh hoàn toàn như có men say, một niềm tin vững chắc rằng mục đích của anh đã đạt và bây giờ chỉ còn đợi chờ niềm hạnh phúc đưa tới. Xưa kia, vào bữa trước các ngày hội mùa hè, khi người ta bắt đầu trồng những cây thông hai bên phố trong làng và cửa sổ phòng anh bị cành cây che khuất, anh cũng có cùng cảm xúc như vậy, nỗi xúc động đến gần như khiến anh muốn ngất đi.
Anh nghĩ: “Sung sướng biết bao vì ta sắp tới cái chuồng chim bỏ hoang đầy những cú vọ và gió lộng…”
Rồi, tự giận mình, anh ngừng lại, tự hỏi có nên quay trở lại và đi tới một xóm làng nào không?
Trong một lúc suy nghĩ, đầu cúi xuống, anh bỗng nhận thấy lối đi được quét sạch thành những vòng tròn đều đặn, như người ta thường làm ở nhà quê vào những ngày hội. Lúc đó anh đang đứng trên một con đường giống như con phố chính ở La Ferté-d’Angillon vào buổi sáng ngày lễ Thăng Thiên. Giả như tới đầu đường mà anh có gặp một đám đông bận quần áo đẹp đang làm tung lên những lớp bụi vào dịp tháng Sáu, anh cũng sẽ không lấy làm lạ. Anh tự hỏi: “Ở nơi hoang vắng thế này cũng có hội sao?”
Đi mãi tới khúc rẽ đầu tiên, nghe có tiếng người đang tiến lại gần, anh vội lủi sang một bên, chen vào giữa bụi thông rậm lá, ngồi xổm, nín thở nghe ngóng. Đó là tiếng trẻ con. Một đoàn con nít đi ngay gần bên anh. Một đứa trong bọn, dường như là một cô bé, nói bằng giọng ngoan ngoãn và thành thạo khiến anh Meaulnes không thể không mỉm cười tuy chẳng hiểu rõ ý nghĩa câu nói đó:
“Tôi chỉ lo một điều –lời cô bé—là vấn đề ngựa. Chẳng hạn như không ai cấm Daniel cỡi con ngựa vàng cao lớn.” Một giọng con trai có vẻ chế nhạo, đáp:“Không ai cấm tôi hết! Chúng mình chẳng được toàn quyền là gì? Nếu thích, chúng mình cũng có thể chơi những trò chơi làm cho mình đau nữa là…”
Những tiếng nói xa dần khi lại có một đoàn trẻ em khác tiến tới. Một cô bé nói:
“Nếu băng tan, sáng mai chúng mình sẽ đi chơi thuyền.” Một cô khác hỏi lại:
“Nhưng chúng mình có được phép làm thế không?”
“Mày cũng biết rằng chúng mình tùy ý tổ chức ngày hội mà.”
“Ngay cả nếu ngay đêm nay Frantz cùng với cô vợ sắp cưới trở về đây ư?” “Ồ, anh ấy cũng sẽ chiều ý chúng mình.”
Anh Meaulnes tự nhủ: “Chắc là một đám cưới? Nhưng nơi đây, dường như trẻ con mới là người quyết định mọi sự. Trang trại gì mà kỳ lạ vậy?”
Anh toan bước ra khỏi nơi ẩn trốn để hỏi lũ trẻ xem anh có thể kiếm nơi nào ăn uống được, nên đứng lên, nhưng đoàn trẻ con cuối cùng đã đi xa. Đó là những cô gái bận áo bó sát vào người, dài tới đầu gối. Mỗi cô đội một cái mũ có giải cột rất xinh. Cô nào cũng có một lông chim trắng vắt vẻo sau gáy. Một cô quay người lại, đầu cúi xuống một chút, đang lắng nghe cô bạn kia đưa ngón tay lên giải thích một vụ gì ra vẻ hăng hái lắm. Anh Meaulnes nhìn lại chiếc áo nông dân bị rách cùng chiếc dây lưng kỳ cục của chàng học trò ở Sainte-Agathe và tự nhủ: “Mình sẽ làm cho bọn chúng sợ mất!”
E rằng nếu trở ra lối đi ban nãy, anh sẽ đụng đầu với lũ trẻ, nên tiếp tục tiến tới chỗ “cái chuồng cừu” bằng cách băng qua rặng thông mà chẳng cần bận tâm đến việc ăn nói ra sao với vợ chồng người nông dân khi tới đó.
Ra khỏi rừng, anh bị một bức tường thấp phủ đầy rêu chắn ngang. Phía bên kia, giữa bức tường và các ngôi nhà phụ thuộc trang viện, có một cái sân dài và hẹp với đầy xe cộ, chẳng khác nào cái sân của một hàng quán vào những ngày có phiên chợ. Đủ các thứ xe và đủ các kiểu: có những chiếc xinh xinh bốn chỗ, hai cái gọng chổng lên trời; có những xe thổ mộ; những xe kiểu bourbonnais xưa cũ với các đường chạm nổi, luôn cả những xe có mui rất cổ, kính cửa được đựng cao.
Anh Meaulnes núp sau rặng thông trong tâm trạng chỉ sợ có người trông thấy. Đang ngắm vẻ luộm thuộm của nơi đó thì anh chợt trông thấy một khung cửa sổ hé mở trong dẫy nhà phụ, ngay bên trên hàng ghế của một chiếc xe thổ mộ kiểu cao lênh khênh. Hai thanh sắt đáng lẽ phải chắn ngang khung cửa đó, giống như người ta vẫn nhận thấy ở chỗ chuồng ngựa phía sau các trang viện luôn luôn đóng kín, thì đàng này vì đã lâu năm nên những thanh sắt nơi đó bị long sút cả ra.
Anh học trò tự nhủ: “Ta sẽ leo vào ngủ trên đống rạ, rồi tảng sáng sẽ bỏ đi, không làm hoảng sợ cho những cô bé kia.”
Khó nhọc lắm với cái đầu gối bị sưng anh mới trèo qua được bên kia bức tường. Rồi luồn lách giữa những cỗ xe, từ ghế ngồi của một xe thổ mộ, anh leo lên nóc chiếc xe có mui, tới vừa tầm khung cửa sổ và đẩy cánh cửa ra một cách dễ dàng.
Tới lúc đó, anh mới thấy không phải là đang bước vào một kho rơm mà là một căn phòng rộng trần thấp, có vẻ như một phòng ngủ. Trong bóng tối mờ mờ mùa đông, anh nhận biết ra trên mặt bàn, mặt lò sưởi và cả trên những ghế bành có chất đầy những lọ lớn, những bảo vật và các võ khí kiểu cổ.
Tận cùng căn phòng có màn che kín, phía sau là chỗ tường xây thụt vào để kê giường ngủ. Anh Meaulnes khép cánh cửa sổ lại vì vừa sợ bị lạnh, vừa ngại có ai ở ngoài trông thấy. Khi bước tới kéo tấm màn cuối phòng, anh khám phá thấy một cái gường thấp, đầy những sách cổ có mạ vàng, mấy cây đàn đã đứt giây và những ngọn nến vứt chồng lên nhau. Anh bèn lùa tất cả những thứ ấy vào bên trong rồi nằm xuống giường suy nghĩ đôi chút về cuộc phiêu lưu kỳ lạ mà anh đang lao mình vào.
Nơi trang viện hoàn toàn lặng lẽ, thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng gió tháng Chạp thổi rít lên. Anh Meaulnes nằm đó, tự hỏi, biết đâu rằng cho dù với những sự gặp gỡ kỳ lạ, cho dù tiếng nói của lũ trẻ ngoài lối đi bên rừng, hoặc cho dù những xe cộ chồng chất, thì đây chỉ là một ngôi nhà cổ hoang phế trong cõi cô quạnh mùa đông giá buốt, đúng như lúc đầu anh đã nghĩ.
Theo chiều gió, văng vẳng có tiếng âm nhạc, chẳng khác nào một kỷ niệm nhiều chiêu dụ và lưu luyến đang được gợi. Anh nhớ lại thời kỳ mẹ anh còn trẻ, mỗi buổi chiều vẫn ngồi trước cây dương cầm ở phòng khách, còn anh thì lẳng lặng đứng sau cánh cửa mở ra vườn, lắng nghe cho mãi đến khuya… Anh nghĩ: “Dường như có ai đang chơi đàn đâu đây?”
Nhưng rồi để mặc câu hỏi không có lời giải đáp, mệt lả người, chẳng bao lâu anh ngủ thiếp đi…
Chương 12
Căn Phòng Của Wellington.
Thức giấc vào lúc nửa đêm, trời lạnh giá buốt, anh trở mình trằn trọc trên giường làm cái áo choàng đen cuộn lại nhăn nheo. Một tia sáng yếu ớt màu lam ngọc rơi chan hòa trên hai tấm màn.
Ngồi trên giường, anh khẽ nhô đầu nhìn ra ngoài. Dường như có ai đó đã mở cánh cửa sổ rồi buộc vào bên trong khung cửa hai cái đèn lồng kiểu Venise màu xanh lục. Tuy nhiên, vừa mới phóng mắt nhìn thì anh đã nghe trên cầu thang có tiếng bước ngập ngừng và một cuộc đối thoại thầm thì. Anh bèn chui trở lại vào giường; đôi giày đế sắt chạm phải một vật bằng đồng mà ban nãy anh đã đẩy nó sát vào bức tường. Sau một lúc vô cùng lo lắng, hơi thở anh mới đều hòa trở lại. Có bước chân đến gần và hai cái bóng lướt qua trong phòng.
“Đừng làm ồn!”, một người nói.
“À”, người kia trả lời, “giờ này thì hắn cũng thức giậy rồi.” “Anh có sắp đặt mọi thứ trong phòng cho hắn chưa?”
“Dĩ nhiên là có, giống y như mọi phòng khác.”
Gió thổi mạnh làm cánh cửa sổ mở hé ra. Người thứ nhất nói:
“Kìa, anh quên không đóng nó lại. Gió đã làm tắt mất một ngọn đèn lồng rồi. Phải thắp lên mới được.”
“Chậc!”, người kia trả lời, đột nhiên với cái giọng lười biếng và chán nản hẳn, “những cái đèn sáng trưng ở phía bên kia cánh đồng hiu quạnh nói lên được điều gì vậy? Không ma nào thèm đến ngắm chúng đâu!”
“Không có ai cả sao? Vẫn còn nhiều người đến dự buổi hội đêm nay mà! Này, ở dưới kia kìa, trên đường cái, trong những chiếc xe, họ sẽ rất sung sướng khi nhìn thấy ánh đèn của chúng ta.”
Anh Meaulnes nghe tiếng một que diêm được bật lên. Rồi giọng của người vừa nói –hình như là chủ-- được lập lại và kéo dài ra theo cái cách người phu đào huyệt trong truyện của Shakespeare: “Anh hãy đặt những chiếc đèn lồng màu xanh vào trong phòng của Wellington Anh cũng nên đặt những chiếc đèn màu đỏ vào trong ấy Anh không biết nhiều hơn tôi về nơi đó đâu…” Một lúc im lặng trôi qua.
…Wellington? Có phải là một người Mỹ? Được lắm! Và màu xanh có phải là màu của nước Mỹ? Anh, người kịch sĩ đã từng du lịch nhiều nơi, anh hẳn phải biết điều đó.”
“Ôi chao!”, người ‘kịch sĩ’ trả lời, “du lịch à? Phải rồi! Tôi đã từng du lịch nhiều nơi nhưng chẳng thấy gì cả. Cậu muốn tôi thấy gì trong một chiếc xe bò chứ?”
Anh Meaulnes cẩn thận nhìn xuyên qua giữa hai tấm màn. Con người đã ra lệnh mọi điều là một chàng trai cao lớn, đầu để trần, trên người khoác cái áo choàng rất rộng. Nắm trong tay cây sào dài có gắn những cái đèn xếp đủ màu, chàng ngồi vắt chân, vẻ bình thản nhìn người kia làm việc.
Về phần gã “kịch sĩ” thì lại là một thân xác vô cùng thảm não không thể tưởng tượng nổi. Cao, ốm, đang rét run, đôi mắt lé màu lam, hàm râu rủ xuống trên cái miệng móm sụn hết cả răng làm cho người ta nghĩ đến khuôn mặt của một người hết đuối đầm đìa cả nước được vớt lên đặt nằm trên một tấm đá lát. Hắn chỉ mặc chemise trần, hai hàm răng đánh lập cập vào nhau. Qua cử chỉ và lời nói, hắn tự biểu lộ rõ cả một nỗi khinh bỉ hoàn toàn về chính con người của mình.
Sau một lúc ngẫm nghĩ trông vừa sầu thảm lại vừa đáng tức cười, hắn đến gần chàng thanh niên cao lớn, hai cánh tay giang rộng mà giãi bày:
“Cậu có muốn nghe tôi nói một lời không? Tôi không thể nào hiểu tại sao người ta lại đi kiếm những con người đáng chán chết như chúng mình để lo cho một ngày hội như hôm nay chứ! Thật đó, chàng tuổi trẻ của tôi…”
Nhưng, tỏ ra không chút lưu ý đến những lời tâm tình tha thiết ấy, chàng thanh niên cao lớn tiếp tục quan sát việc làm của gã kia, hai chân tréo lại, miệng hơi hé mở, thản nhiên khịt mũi. Rồi quay lưng lại, cây sào được vác lên vai, chàng nói:
“Thôi! Đã đến giờ rồi, đóng bộ vào mà đi dự tiệc!”
Gã bô-hê-miêng theo sau chàng thanh niên, nhưng khi đi ngang qua trước giường ngủ anh Meaulnes, gã dừng lại:
“Thưa Ông-Đang-Nằm-Ngủ”, gã nói bằng giọng bông lơn trong lúc giả bộ nghiêng mình cung kính, “mời ông trở dậy và ăn vận thành một Nam Tước, tuy rằng ông cũng chỉ là một kẻ nghèo xơ xác như tôi mà thôi. Rồi mời ông dự buổi hội hóa trang vì đó là ý muốn của các cô cậu nhỏ.”
Vừa nghiêng mình chào lần cuối, hắn vừa nói thêm bằng cái giọng của những kẻ làm trò rong trong các phiên chợ:
“Người bạn đầu bếp Maloyau của chúng tôi sẽ trình bày nhân vật Arlequin, còn kẻ hèn này sẽ đóng vai nhân vật Pierrot cao lớn.”
Chương 13
Buổi Hội Kỳ Lạ
Ngay sau khi chàng thanh niên cao lớn và gã kịch sĩ đi mất thì chàng học trò rời khỏi chỗ núp. Hai bàn chân anh lạnh ngắt, các khớp xương cứng đơ, nhưng nhờ đã nghỉ ngơi nên đầu gối xem ra cũng lành lại.
“Phải xuống ăn trưa mới được”, anh thầm nghĩ, “không thể bỏ qua điều ấy. Mình cứ việc tự nhiên đến dự buổi hội hóa trang. Hơn nữa, mình không phải là người tự tiện xâm nhập vào đây, chắc chắn là ông Maloyau và bạn ông ấy đang chờ mình ở đó.”
Đi ra khỏi khoảng tối đang bao trùm hoàn toàn lên cái góc nhỏ nơi đặt cái giường, anh có thể trông thấy đủ trong phòng nhờ ánh sáng những ngọn đèn lồng màu xanh.
Gã bô-hê-miêng quả thực đã có “sửa soạn” căn phòng. Nơi những cái móc thấy có treo những chiếc áo khoác dầy. Trên một cái bàn nặng nề bằng đá hoa đã vỡ đặt trong nhà tắm, người ta bày sẵn những vật dụng để cho chàng tuổi trẻ đã trải qua đêm trước trong một chuồng cừu bỏ hoang biến dạng thành nhà quí tộc sang trọng. Những bao diêm được để gần giá đèn lớn đặt trên lò sưởi. Nhưng người ta đã quên đánh bóng sàn nhà nên anh Meaulnes nhận thấy đôi gót giày anh toàn là cát và vôi. Một lần nữa, anh lại có cảm tưởng như đang ở trong ngôi nhà bỏ hoang từ lâu.
Lúc đi đến gần lò sưởi, anh đã toan vấp phải một chồng giấy bồi lớn và những hộp nhỏ; anh bèn vói tay bật diêm châm vào ngọn nến, rồi giở những nắp hộp lên, nghiêng người nhìn vào trong.
Đó là những bộ áo quần kiểu rất xưa của lớp người trẻ, những áo choàng cổ cao bằng nhung, những cánh áo gi-lê mỏng rất rộng ngực, những cà-vạt dài thoòng màu trắng và các đôi giày được đánh bóng theo kiểu từ đầu thế kỷ.
Anh không dám chạm tay vào bất cứ món gì, nhưng sau khi lau chùi những vết bẩn trên người, anh khẽ rùng mình khoác lên bên ngoài bộ áo học trò một trong những cái áo choàng lớn, lật chiếc cổ có nếp xếp lên, thay đôi giày đế sắt của mình bằng một đôi giày đánh bóng, rồi sửa soạn xuống thang gác, đầu vẫn để trần.
Xuống đến bậc thang thấp bằng gỗ trong góc cái sân tối tăm, anh chẳng gặp ai cả. Cơn gió đêm lạnh lẽo thổi vào mặt và làm cho một vạt áo choàng bật tung lên.
Anh bước vài bước. Nhờ vào khoảng ánh sáng lờ mờ của bầu trời nên tức thì nhận định được rõ vị thế nơi này, anh thấy mình đang ở trong một cái sân được xây theo hình thức những căn nhà phụ. Tất cả trông cũ kỹ và đổ nát. Những khe trống bên dưới thang lầu mở toác ra bởi vì từ lâu người ta đã gỡ hết các cánh cửa và không thay vào đó các tấm kính vuông khác nên trên mặt tường như thể đã có những lỗ hỗng đen ngòm in lên đó.
Tuy vậy, toàn thể ngôi nhà bao trùm không khí bí mật của một ngày hội. Một luồng ánh sáng đầy màu sắc từ những ngọn đèn lồng phía cánh đồng chập chờn ẩn hiện khắp các căn phòng ở tầng dưới. Mặt đất được quét dọn sạch sẽ và lớp cỏ mọc hoang được nhổ đi. Sau hết, chú ý kỹ, anh Meaulnes tin là mình đã nghe từ ở bên dưới, gần ngôi nhà gạch hỗn độn đầy những làn gió làm lay động cành cây trước các lỗ cửa sổ màu hồng, xanh nhạt và xanh lá cây, có những âm thanh tựa như hát, hay như tiếng nói trẻ con, hoặc tiếng các cô gái nhỏ.
Anh đứng đó, bó mình trong áo choàng giống như người thợ săn nghiêng người lắng tai; thì bỗng thấy một cậu trai nhỏ dáng vẻ trông thật kỳ dị đi ra khỏi căn nhà kế cận mà người ta tin phải thật là vắng vẻ. Cậu đội chiếc mũ có chỏm hình vòng cung lấp lánh sáng trong đêm như thể được làm bằng bạc, một bộ lễ phục với cổ áo cao tận trong tóc, chiếc gi-lê rất hở ngực và cái quần dài quá mắt cá chân. Con người phong lưu ấy chỉ độ 15 tuổi, bước đi trên những đầu ngón một cách nhanh nhẹn kỳ lạ, giống như cả thân hình được nhấc lên bởi những sợi giây thun của cái quần. Cậu chào anh Meaulnes nơi lối đi nhỏ một cách thâm trầm và máy móc mà không ngừng lại; rồi biến mất trong khoảng tối gần tòa nhà chính, trang trại, tòa lâu đài hay một tịnh xá gì đó có cái tháp nhỏ đã đưa dắt chàng học trò đến đấy từ buổi xế trưa.
Sau một lúc do dự, anh Meaulnes tò mò bước theo chân cậu nhỏ kia. Họ đi qua cái sân lớn trông giống như ngôi vườn, băng giữa những bụi cây um tùm, vòng quanh ao nuôi cá có hàng rào bao bọc và một cái giếng, cuối cùng đến ngay trước căn nhà chính.
Một cánh cửa nặng nề bằng gỗ hình vòng cung đang mở hé mở, phía trên được khắc chạm mỹ thuật giống như cửa một ngôi nhà thờì. Cậu công tử kia chạy nhanh vào trong ấy. Anh Meaulnes theo sau, rồi từ những bước đầu tiên trong hành lang, anh thấy mình lọt vào giữa những tiếng cười, tiếng hát, tiếng gọi và tiếng đuổi bắt nhau… mà chẳng thấy bóng dáng ai.
Một lối nhỏ dẫn dài tới tận mút hành lang. Trong lúc do dự không biết nên đi sâu về phía trong hay là nên mở rộng một cánh cửa mà anh nghe có tiếng nói đàng sau đó… thì anh bỗng thấy hai cô gái nhỏ đang rượt đuổi nhau ở đàng xa. Anh liền đi rón rén trên đôi giày ban để đến gần và bắt cho kịp họ. Có tiếng cửa mở; hai khuôn mặt độ 15 tuổi đang hồng lên vì khí lạnh chiều hôm và cũng vì chạy dưới những chiếc xe ngựa lớn có giây cương, đột nhiên ló ra rồi tức thì biến mất trong luồng sáng bất ngờ.
Một giây sau, họ tự quay lại trong trò chơi tiếp tục, cái váy nhẹ rộng thùng thình tốc phồng lên làm lộ thoáng ra những đường viền đăng ten từ chiếc quần dài của họ. Sau khi nhón chân xoay một vòng, họ nhảy vọt vào một căn phòng nhỏ và đóng cửa lại.
Đứng đó chốc lát trong hành lang tối om, đôi mắt bị quáng lên, anh lo sợ bị bắt gặp. Dáng cách ngập ngừng và vụng về làm cho anh trông giống y như một kẻ trộm. Anh quay người quả quyết bước thì lần nữa lại nghe trong hành lang sâu tối có tiếng chân và giọng nói trẻ em. Đó là hai đứa bé trai vừa đi vừa trò chuyện.
“Có phải người ta sắp dọn ăn trưa không?”, anh Meaul- nes làm gan hỏi họ. “Hãy đi với chúng tôi”, đứa lớn nhất trả lời, “người ta sẽ chỉ cho anh.”
Với sự tin cậy và nhu cầu cần có bạn của trẻ con trong cái đêm trước các ngày hội lớn, chúng nắm bàn tay anh dắt đi. Có lẽ đó là hai đứa bé nhà quê. Người ta đã cho chúng mặc những bộ đồ đẹp nhất: chiếc quần cộc cắt ngắn lên đến bắp đùi để lòi ra đôi giày xanh da trời may theo kiểu xưa từ thế kỷ 17, chiếc mũ cát két cùng màu và chiếc nơ đeo cổ màu trắng.
“Mày có biết cô ta không?”, một đứa hỏi đứa còn lại.
“Tao à?”, đứa nhỏ hơn có cái đầu tròn và đôi mắt khờ khạo nói, “mẹ tao nói với tao là cô ấy có một chiếc áo đen và chiếc khăn choàng cổ, với lại cô ấy xinh đẹp nhưng hơi ngốc.”
“Ai vậy?”, anh Meaulnes chen vào.
“Ồ, thì là người vợ sắp cưới mà anh Frantz đã đi tìm về ấy mà.”
Rồi trước khi chàng tuổi trẻ có thể nói được điều gì, cả ba đã đến trước cánh cửa căn phòng lớn có cái lò sưởi đang rực sáng. Những tấm ván dài dùng làm bàn ăn được kê trên những giá gỗ, trải khăn màu trắng. Có đủ loại người đang dùng bữa trưa theo nghi thức hôn lễ.
Chương 14
Buổi Hội Kỳ Lạ
Đó là bữa tiệc trong căn phòng lớn có trần thấp, giống như mọi bữa người ta thường mời trước ngày đám cưới ở thôn quê để đãi họ hàng quyến thuộc đến từ xa.
Hai đứa bé buông tay chàng học trò, xông vào một căn phòng gần đó có vọng ra những giọng trẻ con và tiếng muỗng nĩa va chạm nhau trên các dĩa thức ăn.
Anh Meaulnes vẻ gan lì, không chút bối rối, nhảy qua một băng ghế và tìm chỗ ngồi gần hai bà nhà quê. Anh nhanh nhẹn ăn trong sự ngon miệng vô cùng; chỉ một lúc mới ngửng lên nhìn các người cùng bàn và lắng tai nghe câu chuyện của họ.
Dầu thế, người ta trò chuyện rất ít. Những người này xem ra mới vừa quen biết nhau. Có người hẳn đã từ sâu trong đồng quê mà đến, những người khác cũng từ các làng mạc xa xôi. Rải rác theo dãy bàn là những cụ già râu dài, lại cũng có cụ mặt mày nhẵn nhụi, có lẽ đều là cựu thủy thủ. Gần đó có nhiều ông lão cũng giống như họ: khuôn mặt rám nắng, đôi mắt lanh lợi dưới hai hàng lông mày rậm, cái cà-vạt hẹp bản y như những sợi giây buộc giày. Thật cũng dễ dàng nhận biết rằng các người này chưa bao giờ vượt biển hay đi xa khỏi đầu làng nơi họ đang ở; và nếu họ có đi lảo đảo và ngã lăn cả ngàn vòng dưới những trận mưa rào hoặc trong những cơn gió lộng thì đó chỉ là vì họ đã quen đi lại gian khổ-nhưng không nguy hiểm-để đào xới các luống cày đến tận đầu mút cánh đồng nhà họ rồi quay lại tiếp tục đào trên một vạt ruộng nào đó thôi. Đàn bà thì có ít người đến dự, những bà nhà quê với khuôn mặt tròn, nhăn nheo như quả táo, khuất bên dưới những cái mũ trùm đầu được ủi thẳng nếp cẩn thận.
Với tất cả những người cùng bàn, anh Meaulnes đều nghe dễ dàng thân cận. Về sau, nhớ lại cảm tưởng ấy, anh tự phân tích rằng: Khi một kẻ đã phạm lỗi nặng không thể tha thứ thì thỉnh thoảng trong hoàn cảnh cay đắng của mình, hắn vẫn thường mơ rằng “Trên thế gian này rồi sẽ có người tha thứ cho ta.” Và hắn hay nghĩ đến những người già, những bậc trưởng thượng đầy lòng khoan dung với lời khuyên bảo rằng hãy cứ nên tiếp tục những gì đã làm rồi dần dà những điều làm ấy sẽ ngày một tốt đẹp hơn thôi.
Giữa số những con người thật thà mà anh đã gặp hôm ấy, chắc chắn các người ngồi cùng bàn đã được anh chọn lựa. Về phần người khác thì chỉ là các thanh niên và trẻ con không đáng kể.
Trong lúc ấy, ngồi gần anh, có hai bà già đang trò chuyện với nhau.
“Tất cả đều đã được sắp xếp tốt đẹp”, người lớn tuổi hơn nói bằng giọng oang oang kỳ dị mà bà đã cố làm cho dịu lại nhưng vô ích, “thì cho dù có sớm lắm, cặp vợ chồng chưa cưới cũng không thể về tới nơi trước ba giờ chiều ngày mai.”
“Chị im đi! Chị làm tôi nổi giận bây giờ”, bà kia đáp với giọng rất bình thản. Bà này đội cái mũ đan bằng len trùm kín cả trán.
“Chúng ta hãy tính xem nào”, người thứ nhất lập lại không chút bối rối, “một giờ rưỡi trên xe lửa từ Bourge tới Vierzon và bảy dặm bằng đường xe hơi từ Vierzon về tới đây…”
Cuộc bàn cãi tiếp tục, anh Meaulnes không bỏ sót câu nào. Nhờ vào đó mà anh thấy cảnh huống sáng sủa hơn một chút: Frantz de Galais là con trai chủ nhân tòa lâu đài này-người đã từng là học sinh hay lính thủy, hoặc có thể là một sĩ quan hải quân tình nguyện mà người ta không mấy rõ…-đã đến Bourge để đón một thiếu nữ về cưới làm vợ. Chàng hẳn phải là một người rất trẻ và rất ngông cuồng, bởi vì với sự chọn lựa kỳ lạ kia cũng như tất cả mọi sắp xếp điều động trong tòa lãnh địa cũng đều chỉ là do sở thích riêng chàng. Chàng muốn rằng ngôi nhà mà vị hôn thê bước vào phải giống như một cung điện vào ngày hội. Và để chúc mừng cho sự hiện hữu của cô gái trẻ, chính chàng đã đứng ra mời những đứa nhỏ và những người già hiền lành chân thật kia đến dự tiệc cưới.
Cô dâu chú rể là đầu đề chính mà hai người đàn bà đã xác định trong câu chuyện bàn cãi của họ, còn tất cả mọi điều khác, họ đều bỏ mặc trong sự bí ẩn. Họ tiếp tục không ngừng theo câu hỏi rằng bao giờ thì cặp trai gái trẻ tuổi sẽ trở về? Một người cho là sáng mai, người kia lại bảo chiều hôm ấy.
“Còn chị, Adèle tội nghiệp của tôi, lúc nào chị cũng cứng đầu, bốn năm rồi không gặp mà chị vẫn không chút thay đổi,” bà kia trả lời trong một cái nhún vai nhưng giọng nói vẫn rất ôn hòa.
Họ tiếp tục đương đầu với nhau như thế mà chẳng tỏ ra chút khí giận nào dù rất nhỏ. Anh Meaulnes xen vào với hy vọng được nghe thêm nhiều điều khác nữa: “Thế vị hôn thê của Frantz có đẹp như người ta nói không?”
Hai bà sững sờ nhìn anh. Chưa có ai từng gặp cô ấy ngoài một mình Frantz. Chính chàng, một đêm trong lúc từ Toulon trở về đã gặp cô đang rất sầu khổ trong ngôi vườn được gọi là “Những Ngôi Vườn Marais” ở Bourge. Cha của cô, một người thợ dệt, đã đuổi cô ra khỏi nhà. Cô đẹp đến nỗi Frantz quyết định tức thì sẽ cưới cô làm vợ. Đó là một câu chuyện lạ lùng, nhưng người cha, Monsieur de Galais và chị của chàng, Yvonne de Galais, luôn luôn cho phép chàng làm những điều chàng muốn.
Với sự cẩn trọng, anh Meaulnes sắp sửa đặt những câu hỏi khác thì ngay lúc ấy nơi cửa ra vào có một cặp trai gái xinh xắn xuất hiện: đứa bé gái khoảng 16 tuổi, mặc áo ngắn bằng nhung và cái váy có viền đăng ten, cùng với cậu con trai mặc áo cổ cao và chiếc quần bằng thun mềm mại. Họ đi ngang qua nhà ăn, khởi đầu cuộc khiêu vũ từng hai bước một, những người khác nối đuôi họ.
Bỗng có một nhóm khác vừa chạy băng qua vừa hò hét inh ỏi, theo sau là một gã cao lớn giả trang thành một chàng hề, mặt mày trắng nhợt, hai tay áo quá dài, đội trên đầu cái mũ nhiều màu và toét miệng cười nhô ra cả hàm răng sún. Hắn phóng vụng về từng bước dài giống như thể cứ một bước thì lại phải nhảy một cái, làm cho hai tay áo dài ngoằng lung lay qua lại. Các cô gái nhỏ tỏ ra sợ hãi một chút, còn những cậu trai lại cầm tay hắn một cách thân thiết. Dường như hắn làm cho lũ trẻ vui thú nên bọn họ chạy theo hắn với những tiếng la chói lói. Ngang qua chỗ anh Meaulnes, hắn nhìn anh bằng đôi mắt lờ đờ. Lập tức, chàng học trò nhận biết ra con người mày râu nhẵn nhụi kia chính là gã bô-hê-miêng đồng hành của ông Maloyau, người mà vừa mới đây đã treo lên móc những cái đèn lồng.
Bữa ăn chấm dứt. Từng người một đứng lên. Trong hành lang, những trò chơi vòng tròn và những điệu nhảy xứ Provence đã được thiết lập. Đâu đó vang lên tiếng nhạc khiêu vũ nhịp ba.
Anh Meaulnes giấu nửa mặt trong chiếc cổ áo choàng xếp nếp, tự thấy mình biến thành một người xa lạ nào đó. Tuy vậy, cả anh cũng nghe vui thú nên tự động chạy theo sau chàng hề kia như những đứa trẻ, xuyên qua các dãy hành lang của tòa lãnh địa, giống như âm thanh trong bản kịch
đang diễn ra trên sân khấu một tòa nhà hát đã vang vọng khắp nơi trong hậu trường.
Cứ như thế, anh tự xen lẫn vào giữa một đám đông vui nhộn ăn mặc kỳ dị cho đến tận khuya. Thỉnh thoảng lại mở một cánh cửa dẫn vào trong căn phòng thắp ngọn đèn lồng ma quái có những đứa trẻ đang vỗ tay ầm ĩ. Lúc khác, trong một góc phòng khách nơi mọi người đang nhảy múa, anh lại bắt chuyện với ai đó ăn mặc bảnh bao và vội vàng thăm hỏi về y phục người ta phải mặc vào ngày hôm sau…
Dần dà, suốt trong cuộc vui đang được thụ hưởng, chỉ một điều làm anh lo ngại là cứ mỗi lúc cái áo choàng mở hé thì anh lại lo sợ người khác thấy được cái áo khoác ngoài học trò mặc bên trong. Vì vậy, có một lúc anh lẩn tránh vào giữa đám người hiền hòa nhất, cũng là nơi tối nhất trong toàn thể tòa lãnh địa. Tại đây, anh không nghe gì cả ngoài một giọng đàn dương cầm từ đâu đó phát ra một cách ngập ngừng.
Anh bước vào trong một căn tĩnh lặng dùng làm phòng ăn có ngọn đèn treo đang tỏa sáng. Nơi đây cũng có tổ chức hội vui, nhưng là hội của thiếu nhi. Có những em bé ngồi trên những cái ghế tròn thấp, lật từng trang quyển sách hình đang mở ra nơi đầu gối; lại có đứa ngồi xổm trên mặt đất trước chiếc ghế, nghiêm trang bày hàng buôn bán; số ngồi gần lò sưởi thì không nói gì cũng không làm gì cả, chỉ lắng tai nghe ngóng những tiếng ồn ào huyên náo phát ra từ trong khoảng không gian bao la ở xa xa bên ngoài.
Một cánh cửa phòng ăn mở rộng. Người ta nghe trong căn phòng tiếp giáp có tiếng đàn dương cầm. Anh Meaulnes ngước cao đầu, tò mò nhìn vào. Đó là loại phòng khách nhỏ, trong có một người đàn bà hay cô gái trẻ không rõ, trên vai khoác cái áo choàng rộng màu hạt dẻ, ngồi quay lưng lại mà chơi những điệu khiêu vũ vòng tròn và những đoản khúc một cách rất dịu dàng. Khắp mọi nơi trên chiếc divan có sáu, bảy cô cậu nhỏ ngồi ngay ngắn giống như trong một bức tranh, ngoan ngoãn lắng nghe những âm thanh trong buổi chiều muộn, như thể chúng vốn vẫn ngoan như vậy. Chỉ thỉnh thoảng mới có một đứa trong bọn chống cằm lên cổ tay, nhổm dậy trượt dài người xuống mặt đất và chuồn qua phòng ăn, chiếm lấy chỗ của một đứa nhỏ nào đó không còn muốn xem tranh ảnh và đã bỏ đi.
Sau suốt buổi hội vô cùng thú vị nhưng cũng thật náo nhiệt và kỳ dị mà chính anh cũng đã điên đảo chạy đuổi theo sau chàng hề cao lớn kia, giờ anh lại được đắm chìm trong một thứ hạnh phúc êm đềm chưa từng biết. Trong lúc cô gái trẻ vẫn tiếp tục chơi đàn thì anh nhẹ nhàng không để gây tiếng động, trở lại ngồi vào trong phòng ăn và mở ra một trong những quyển sách màu đỏ để rải rác trên bàn rồi bắt đầu đọc một cách lơ đãng.
Chẳng bao lâu, một trong những đứa trẻ đang chơi trên sàn nhà bò đến gần, chồm hai cánh tay leo lên đùi anh để cùng nhìn vào quyển sách; một đứa khác cũng làm y như thế ở đùi bên kia.
Vậy là điều này vẽ nên hình ảnh anh từng mơ thấy trong giấc ngủ ngày trước. Anh bèn tưởng tượng xa xôi rằng anh đang ở trong nhà riêng của mình lúc đã lập gia đình vào một buổi tối đẹp trời, và người con gái yêu kiều xa lạ đang chơi đàn gần anh kia chính là vợ anh!
Chương 15
Cuộc Gặp Gỡ
Sáng hôm sau, anh Meaulnes là một trong số những người tề chỉnh sớm nhất. Như lời đã khuyên, anh bận một bộ trang phục kiểu cổ giản dị màu đen, áo chẽn bó sát người, ống tay phồng nơi vai, áo gi-lê khép chéo vạt, đầu đội mũ cao, quần ống rộng che kín cả giầy.
Khi anh xuống nhà thì trong sân hãy còn vắng vẻ. Bước đi mấy bước, anh cảm thấy mùa xuân như vừa mới trở lại. Hôm đó khí hậu ấm áp nhất trong cả vụ rét. Mặt trời chiếu sáng như đang ở vào đầu tháng Tư. Băng tuyết tan, lớp cỏ bóng lộn như đẫm sương ướt. Trên cành cây, nhiều con chim nhỏ cất tiếng hót. Thỉnh thoảng có một luồng gió ẩm lướt qua má chàng thiếu niên.
Giống như những vị khách thức giấc trước chủ nhà, anh Meaulnes bước ra vườn với ý nghĩ rằng bất kỳ lúc nào cũng sẽ có tiếng chào thân mật, vui vẻ, từ phía sau vọng tới: “Kìa Augustin đã dậy rồi ư?”
Nhưng anh cứ một mình dạo chơi rất lâu quanh sân và quanh vườn. Xa xa, tại khu nhà lớn, không thấy động đậy gì ở các cửa sổ cũng như tại tòa tháp. Tuy nhiên hai cánh cửa lớn hình tròn đã được mở rộng. Và ở một khung cửa sổ tầng trên, ánh mặt trời chiếu rọi như trong một buổi sáng mùa hè.
Lần đầu tiên, giữa ban ngày, anh Meaulnes nhìn thấy rõ khung cảnh bên trong khu trang viện. Một bức tường đổ nát đứng chắn ngang giữa khu vườn bỏ hoang và cái sân mới rải cát được cào nhẵn. Đầu khu nhà phụ nơi anh ngủ là những chuồng ngựa xây cất lộn xộn nhưng vui mắt; nơi những góc nhà có những cây nhỏ mọc chen cùng những gốc nho dại. Rừng thông chạy lan tới sát trang viện mà nếu đứng từ phía cánh đồng bằng phẳng bên ngoài nhìn vào sẽ thấy trang viện bị che khuất hết; riêng về phía đông có những sườn đồi màu xanh, lô nhô những mỏm đá và rất nhiều gốc thông.
Anh Meaulnes đứng tựa bên tấm rào lỏng lẻo bao quanh ao thả cá trong vườn. Ven bờ còn vương một lớp băng mỏng nhăn nheo như lớp bọt. Nhìn thấy bóng mình trong bộ trang phục học trò thời xa cũ, phản chiếu trên mặt nước giống như đang nghiêng người xuống từ vòm trời, anh ngỡ như nhìn thấy một anh Meaulnes nào khác. Đó không phải là anh học trò vừa bỏ trốn đi trên chiếc xe ngựa kiểu thôn quê mà là hình tượng một con người đáng yêu và lãng mạn thường được vẽ trong những cuốn sách đẹp dùng làm phần thưởng cho học trò…
Thấy đã đói bụng, anh bèn rảo bước về phía ngôi nhà chính. Nơi phòng rộng đêm qua anh dự tiệc, một phụ nữ nhà quê đang đặt bàn. Liền sau khi anh ngồi xuống trước một chiếc tách bày thành hàng trên đó, người đàn bà rót cà phê cho anh và nói:
“Thưa, ông là người đầu tiên đấy ạ.”
Hết sức e ngại bị bất ngờ nhận ra là một kẻ lạ nên anh không muốn gợi chuyện với người phụ nữ nhà quê, mà chỉ hỏi mấy giờ có thuyền đưa khách dạo chơi buổi sáng như đã được thông báo. Người đàn bà đáp:
“Thưa ông, không thể trước nửa giờ nữa, đã có ai xuống đâu?”
Tiếp tục lang thang chung quanh ngôi nhà dài có hai chái không đều nhau giống như một giáo đường, anh Meaulnes tìm xem thuyền đậu ở đâu. Khi vòng tới căn chái hướng nam, anh bỗng trông thấy một cảnh toàn những lau sậy chạy suốt tới chân trời. Nước trong đầm ôm sát chân tường, phía ngoài các cửa lớn có những bao lơn bằng gỗ nhô ra bên lớp sóng vỗ.
Một cách rảnh rỗi, anh thơ thẩn rất lâu trên bãi cát giống như con đường ven sông dùng để kéo thuyền, tò mò ngắm những khung kính lớn bám đầy bụi, bên trong là các phòng đổ nát hay bỏ hoang, hoặc những nhà chứa đầy các chiếc xe một bánh, các dụng cụ làm vườn bằng sắt rỉ và những chậu hoa đã vỡ. Bỗng từ đầu nhà phía trước mặt, anh nghe có tiếng chân bước đi trên cát.
Đó là hai phụ nữ, một bà thật già, lưng còng, cùng một cô gái tóc vàng, người mảnh và cao. Bộ áo cô ta mặc, mới nhìn thì anh thấy khác biệt so với mọi bộ y phục trá hình anh đã chứng kiến đêm trước.
Hai người ngừng lại một lát để ngắm cảnh, trong khi anh Meaulnes tự nhủ với sự ngạc nhiên (mà sau đó anh tự thấy mình thô lỗ quá):
“Thật đúng là một cô gái kỳ dị! Chắc hẳn là một tài tử nào, nhân ngày hội đã được đón về.” Khi hai người đi ngang qua mặt anh, anh đứng lặng ngó cô gái. (Về sau, cứ thường mỗi lần thiếp ngủ sau khi hết sức nhớ lại khuôn mặt xinh đẹp đã lu mờ, anh thấy hiện ra trong giấc mơ một hàng dài những cô gái giống như cô ta. Người thì đội chiếc mũ giống cô; người thì giống ở cái vẻ cúi xuống; người khác lại có đúng tia mắt vô cùng trong sáng đó; người nữa lại có thân hình mảnh mai; và người sau lại có đôi mắt cũng xanh như mắt cô; nhưng không một người nào thật là cô gái ấy cả.)
Dưới mái tóc rậm màu vàng, anh còn kịp trông thấy khuôn mặt với những đường nét có vẻ ngắn ngủi nhưng thanh tú của nàng. Khi nàng đã đi qua rồi, anh lại thấy bộ trang phục nàng mặc thật đúng là một thứ trang phục nhã nhặn và giản dị nhất.
Do dự, anh không biết có nên theo chân cô gái không thì cô kín đáo quay lại phía anh và nói với người bên cạnh:
“Hình như thuyền sắp tới rồi nhỉ?”
Thế là anh Meaulnes rảo bước sau nàng. Bà già lưng còng, run rẩy, không ngớt nói chuyện và cười đùa vui vẻ. Cô gái nhẹ nhàng đáp lời. Cho đến khi hai người tới bến, nàng vẫn giữ khóe nhìn ngây thơ mà trang nghiêm như thầm hỏi: “Anh là ai? Anh tới đây làm gì? Tôi không được quen biết anh. Nhưng tôi có cảm tưởng như đã quen anh rồi.”
Khách cũng đã rải rác đứng đợi bên các gốc cây. Ba chiếc du thuyền cập bến sẵn sàng đón họ. Khi người phụ nữ --ý hẳn là chủ tòa lâu đài-- và cô gái đi ngang, lần lượt các thanh niên cúi chào rất cung kính và tất cả các thiếu nữ đều nghiêng mình trước họ. Thật là một buổi sáng kỳ diệu! Một
cuộc du ngoạn thú vị! Trời vẫn lạnh mặc dù có ánh nắng mùa đông, các bà đều quấn quanh cổ tấm khăn quàng hình con trăn bằng lông đang thịnh hành hồi đó…
Bà già ở lại trên bờ. Tình cờ không hiểu sao anh Meaulnes lại xuống chung một thuyền với cô con gái bà chủ tòa lâu đài. Tựa mình vào mạn tàu, một tay cầm chiếc mũ bị gió thổi mạnh, anh có đủ thì giờ ngắm kỹ cô gái đang ngồi núp trong một khu kín gió. Nàng cũng nhìn anh. Tươi cười đối đáp các bạn xong, nàng lại nhẹ nhàng đưa đôi mắt xanh hướng về phía anh, răng cắn vào môi một chút.
Trên bờ gần đó êm tịnh lạ lùng. Chiếc thuyền lướt đi chỉ nghe tiếng máy và tiếng nước vỗ nhẹ, như thể đang giữa mùa hè. Có lẽ thuyền sẽ ghé vào một nơi vườn tược tươi đẹp của một khu nhà mát ở thôn quê và cô gái sẽ mang cây dù trắng đi dạo; cho tới chiều vẫn nghe tiếng chim cu than thở... Nhưng một cơn gió lạnh chợt thổi tới đã nhắc cho các du khách trong buổi hội kỳ diệu này nhớ ra rằng họ đang ở vào tháng Chạp mùa đông.
Thuyền ghé trước một khu rừng thông. Trên bến, các du khách đứng sát vào nhau vì phải đợi một lát cho người tài công mở khóa cửa lên bờ… (Sau này anh Meaulnes vẫn còn mang cảm giác thật hồi hộp mỗi khi nhớ lại phút giây mà trên bờ đầm, anh được ghé thật gần khuôn mặt bấy giờ đã tan biến mất của cô gái! Anh đã ngắm nhìn bằng tất cả sự chăm chỉ của hai mắt cái bán diện thanh khiết kia, đến độ thấy gần như đẫm lệ. Anh còn nhớ đã trông thấy, khác nào một điều bí mật tế nhị mà nàng đã trao gửi cho anh, đôi chút phấn dính trên má nàng…)
Trên bờ, mọi sự đều được sắp đặt như trong một giấc mơ. Trong khi từng đám trẻ con cười đùa tản mác trong rừng, anh Meaulnes bước vào một đường mòn, theo sau chân cô gái đang đi trước anh chừng mươi bước. Tới gần cô mà chưa kịp suy nghĩ gì, anh nói rất giản dị:
“Cô đẹp quá!”
Nàng không đáp lời anh, rảo bước rẽ sang một con đường ngang. Nhiều du khách khác chạy chơi quanh những lối đi rộng, ai nấy tự do, mặc sức thả bước. Chàng thanh niên thầm trách mình vì sự vụng về, thô lỗ ngu xuẩn ban nãy. Thơ thẩn bước đi, tin chắc rằng sẽ không tìm lại được con
người duyên dáng đó nữa thì chợt anh trông thấy nàng đi ngược lại, bắt buộc phải qua mặt anh trên một lối nhỏ, hai tay đang khép vạt chiếc áo khoác rộng. Chân nàng mang đôi giày đen để hở rất nhiều; hai cổ chân mảnh mai đến khiến phát sợ, chừng như sắp gẫy.
Lần này chàng trai cúi chào và nói nhỏ: “Xin cô tha lỗi cho tôi!”
Nàng trang nghiêm đáp:
“Tha lỗi cho anh? Nhưng tôi còn phải chạy theo bọn trẻ vì hôm nay họ là chủ. Thôi xin từ biệt anh.”
Augustin van nài nàng ngừng lại một lát, giọng nói anh vụng về và bối rối xao xuyến đến nỗi nàng phải chậm bước lại để nghe. Sau nàng nói:
“Tôi cũng không biết anh là ai nữa.”
Nàng phát âm từng tiếng đều đều, chậm từng chữ, nhưng tới chữ cuối cùng thì giọng nói trở nên dịu hơn; sau đó trở lại bộ mặt bình thản, miệng chúm lại một chút, cặp mắt xanh nhìn thẳng ra xa. Anh Meaulnes đáp:
“Chính tôi cũng không biết cô là ai nữa?”
Bấy giờ hai người đi vào một khúc đường không có bóng rợp, từ xa đã trông thấy các du khách tíu tít quanh một căn nhà trơ trọi giữa đồng. Cô gái nói:
“Đây là nhà của Frantz. Tôi phải từ biệt anh…”
Nàng do dự, mỉm cười nhìn anh và nói:
“Tên tôi ư?... Tên tôi là Yvonne de Galais…” Rồi cô gái chạy mất.
“Nhà của Frantz” khi đó không có người ở. Nhưng anh Meaulnes thấy các du khách chen chúc bên trong lên cả tới tầng gác xép. Anh cũng chẳng có bụng dạ nào ngắm kỹ nơi đang đứng: mọi người vội vàng ăn một bữa toàn là những món nguội đem theo ở dưới thuyền, lối ăn này không hợp thời chút nào, nhưng hẳn đó là ý muốn của bọn trẻ; ăn xong thì trở về.
Anh Meaulnes tiến lại gần cô de Galais khi trông thấy nàng bước ra. Anh định trả lời câu nói của nàng khi nãy::
“Cái tên tôi sắp nói với cô còn đẹp hơn nhiều.” Nàng vẫn trang nghiêm như trước:
“Sao ạ? Tên gì cơ?”
Nhưng ngại rằng vừa lỡ nói ra một lời ngu xuẩn nên anh không đáp. Sau anh tiếp: “Tên tôi là Augustin Meaulnes. Tôi đi học.”
Nàng nói:
“Ồ! Anh đang đi học!”
Câu chuyện được tiếp tục trong một lát. Họ nói rất chậm, tràn đầy hạnh phúc, tràn đầy tình bạn. Thái độ cô gái thay đổi dần: không xa xôi, trang nghiêm như trước, nhưng bây giờ xem ra như trong lòng có điều e ngại, như thể nàng sợ nghe những lời anh sắp bày tỏ và lấy làm bối rối ngay từ lúc anh chưa mở miệng. Đứng bên anh, dáng nàng run rẩy mỏng manh, như một con chim én tạm đậu xuống đất nhưng đã hồi hộp muốn bay đi.
Đáp lại những dự định mà anh trình bày, nàng liên hồi đáp: “Vô ích! Vô ích!”
Nhưng khi anh bạo dạn xin phép một ngày kia được trở lại thăm trang viện tốt đẹp này thì nàng chỉ đơn giản nói: “Tôi chờ anh.”
Tới gần bến thuyền, nàng chợt ngừng lại, vẻ mơ màng:
“Chúng ta như hai đứa trẻ; chúng ta đã điên rồ trong một lúc. Lần này không nên xuống cùng một thuyền nữa. Thôi từ biệt, xin anh đừng đi theo tôi nhé.”
Trong một lát, anh Meaulnes đứng sững, nhìn theo nàng. Sau cùng rồi anh cũng bước. Lúc đó, ở phía xa xa, khi sắp lẩn vào trong đám đông du khách, cô gái ngừng lại quay về phía anh. Lần đầu tiên nàng nhìn anh rất lâu. Phải chăng nàng có ý ngăn anh không được đi theo nàng? Hay nàng còn có câu gì muốn nói với anh?
Khi mọi người về tới trang viện thì cuộc đua ngựa được bắt đầu trên một bãi cỏ rộng, ở sườn đồi, ngay phía sau trại. Đó là phần cuối cùng của ngày hội. Theo dự tính, cặp vợ chồng chưa cưới phải về kịp để dự cuộc đua và Frantz sẽ đứng ra điều khiển mọi sự.
Tuy nhiên cuộc đua phải khởi sự vắng mặt Frantz. Các cậu trai trang phục áo quần kỵ mã, còn các cô gái bận kiểu nữ kỵ binh. Con trai thì dẫn những con ngựa non còn hăng máu được trang điểm bằng những vải lụa, còn con gái thì cỡi những chú ngựa già dễ bảo. Giữa những tiếng cười, tiếng la của trẻ con, những lời thách đố và những tiếng chuông ngân dài, quang cảnh buổi hội giống như trong một trường đua ngựa nhỏ xíu trên thảm cỏ màu xanh lục.
Anh Meaulnes nhận ra cậu nhỏ Daniel và mấy cô gái đội mũ có lông chim hôm trước đã trò chuyện với nhau ở lối đi trong rừng…
Cuộc đua không hề khiến anh lưu ý, mà anh chỉ hồi hộp mong thấy trong đám đông chiếc mũ duyên dáng có điểm những bông hồng cùng chiếc áo choàng màu hạt dẻ. Nhưng cô de Galais không có mặt. Anh còn đang tìm kiếm thì một hồi chuông cùng những tiếng la vui vẻ báo hiệu cuộc đua chấm dứt. Một cô gái chiếm giải nhất. Cô bé hân hoan cỡi con ngựa già lông trắng đi qua, cái giải mũ phất phơ trước gió.
Rồi mọi thứ trở lại im lặng. Cuộc đua đã hết mà Frantz vẫn chưa về. Mọi người đang do dự trong chốc lát; bàn bạc với nhau một cách ngượng nghịu. Sau cùng, từng bọn một, ai về phòng nấy, lo lắng đợi chờ sự trở về của đôi tân hôn.
Chương 16
Frantz de Galais
Cuộc đua ngựa kết thúc sớm khoảng bốn giờ rưỡi chiều. Trời hãy còn sáng khi anh Meaulnes trở về phòng, trong đầu tràn đầy những biến cố kỳ lạ xảy ra trong ngày. Không có việc gì để làm, anh bèn ngồi trước bàn, đợi bữa ăn tối và buổi dạ hội sẽ tiếp nối sau đó.
Cơn gió lớn như đêm đầu tiên lại bắt đầu thổi, nghe y hệt tiếng dòng nước xoáy hay tiếng thác đổ ào ào. Tấm chắn trước cửa lò sưởi thỉnh thoảng lại đập mạnh.
Lần đầu tiên anh Meaulnes cảm thấy trong lòng có nỗi khắc khoải nhè nhẹ xâm chiếm, như điều vẫn xảy ra cho con người vào những lúc sắp tàn của những ngày quá đẹp. Sau một hồi, anh nghĩ đến việc đốt lò sưởi, nhưng cố gắng mãi vẫn không nhắc lên nổi tấm chắn trước mặt lò đã han rỉ. Anh bèn quay ra xếp các món đồ trong phòng, treo những chiếc áo đẹp lên móc, xếp dọc theo tường các cái ghế bỏ lung tung, như thể chính anh đang muốn lưu lại nơi đây một thời gian dài.
Nhưng nhớ ra cần phải sẵn sàng để có thể ra đi bất cứ lúc nào, anh xếp chiếc áo khoác ngoài cùng các quần áo học trò khác kỹ lưỡng trên lưng ghế, như cái cách vẫn làm với một bộ đồ để bận khi đi xa. Dưới gầm ghế, anh chuồi đôi giày có đóng đế sắt hãy còn bùn lầy lem lấm. Rồi trở lại bình tĩnh hơn, anh ngồi xuống ngắm nghía khắp căn phòng vừa mới được sắp xếp lại cho tề chỉnh. Thỉnh thoảng, một giọt mưa rơi, vẽ một vệt dài trên mặt tấm kính cửa trông xuống cỗ sân đậu đầy xe và nhìn ra cánh rừng thông.
Từ khi thu dọn xong căn phòng, anh chàng cao lớn cảm thấy hoàn toàn thư thái. Anh đứng đó, bí mật, xa lạ, giữa một khung cảnh không quen biết, trong một nơi chốn tự anh lựa chọn. Những gì đã nhận được thì vượt quá xa mọi hy vọng của anh. Bây giờ còn sung sướng nào hơn là hồi tưởng lại khuôn mặt cô gái khi quay lui nhìn anh trong gió lộng…
Trong cơn mơ màng say đắm, trời đã tối đen mà anh quên không thắp nến. Một luồng gió làm lay động cánh cửa phòng treo áo có khung cửa sổ cũng trông xuống chỗ sân nhiều xe đậu. Anh Meaulnes định bước đến đóng nó lại thì bỗng thấy thấp thoáng trong ấy một luồng ánh sáng như ánh sáng của ngọn nến thắp trên bàn. Có ai vừa hiện hữu, hẳn là do lối cửa sổ, và đang nhẹ nhàng bách bộ chung quanh. Cố nhìn cho kỹ, anh Meaulnes nhận ra một thanh niên còn rất trẻ. Đầu trần, chiếc áo khoác đường xa quàng trên vai, chàng ta đi đi lại lại mãi như muốn điên lên vì một nỗi đau không thể bộc lộ. Gió từ khung cửa để mở thổi bay chiếc áo khoác ngoài, mỗi lần chàng đến gần ngọn nến, hàng khuy mạ vàng trên tấm áo chiếu sáng ngời, trông rất đẹp.
Chàng huýt sáo nhè nhẹ một điệu nhạc của thủy binh, như kiểu các thủy thủ vẫn hát cùng bọn con gái trong các quán rượu ở bến tàu cho thêm vui. Một lát, giữa cuộc bách bộ nóng nảy, chàng bỗng ngừng lại, cúi xuống bàn, kiếm trong chiếc hộp một tập giấy…
Qua ánh nến, anh Meaulnes nhìn thấy phần bán diện của một khuôn mặt rất thanh tú, sống mũi cao, không có râu nhưng tóc rẽ lệch và rất rậm. Chàng trai thôi không huýt sáo nữa, da mặt tái xanh, đôi môi hé mở, xem chừng kiệt lực như vừa bị đấm một cú mạnh vào giữa ngực.
Anh Meaulnes lưỡng lự không biết nên kín đáo rút lui hay tiến lại lấy tình bạn đặt tay lên vai chàng tuổi trẻ mà gợi chuyện. Nhưng vừa khi ấy, chàng ngẩng đầu lên, nhìn thấy anh. Chàng nhìn anh một lát, rồi tiến tới gần, cố lấy giọng rắn rỏi nói:
“Thưa ông, tôi không quen ông. Nhưng tôi rất sung sướng được gặp ông. Nay nhân có ông ở đây, tôi phải giãi bày tất cả với ông mới được. Đây!...”
Chàng tuổi trẻ xem ra luống cuống lắm. Sau khi thốt ra chữ cuối cùng, chàng liền nắm lấy ve áo anh Meaulnes như để tập trung ý nghĩ. Rồi quay mặt ra phía cửa sổ như muốn suy nghĩ trước những điều sẽ nói, chàng chớp nhanh đôi mắt. Anh Meaulnes hiểu rằng chàng đang hết sức muốn khóc.
Bất thần nuốt xuống cổ họng bao nhiêu đau đớn của tuổi trẻ, đôi mắt vẫn nhìn thẳng ra ngoài cửa sổ, chàng trai lên tiếng bằng một giọng nhợt nhạt:
“Đây, thế này: hết rồi! Buổi hội đã chấm dứt. Ông có thể xuống cho mọi người hay như vậy. Tôi trở về chỉ một mình. Ý trung nhân của tôi không tới đây. Vì nghi ngại, vì sợ hãi, vì thiếu tin tưởng. Vả lại, thưa ông, tôi sẽ giải thích cho ông hiểu…”
Nhưng chàng không thể tiếp tục; cả gương mặt nhăn nhúm, chẳng giải thích gì hết.
Chợt chàng quay gót, chạy vào bóng tối lục lọi trong những ngăn kéo đầy áo quần sách vở và nói:
“Tôi sửa soạn để ra đi nữa. Đừng ai làm phiền tôi hết.”
Chàng xếp trên bàn nhiều món hàng, một hộp đồ dùng rửa mặt, một khẩu súng ngắn…
Anh Meaulnes bối rối quá, bước lùi ra cửa, không dám nói lời nào với chàng trai, cũng chẳng bắt tay chào nữa.
Dưới nhà ai nấy dường như đã đoán ra được điều gì. Hầu hết các cô gái đều đã thay quần áo khác. Trong nhà chính, bữa ăn tối bắt đầu, nhưng vội vàng lộn xộn, giống như trong những bữa ăn khi người ta sắp sửa khởi hành.
Mọi người chạy đi chạy lại không ngớt từ nhà bếp và phòng ăn tới những căn buồng phía trên và khu chuồng ngựa. Những người đã ăn xong thì hợp thành từng nhóm và đang giã từ nhau.
Anh Meaulnes hỏi một chàng nông dân đang ăn vội vàng cho xong bữa, đầu đội mũ dạ, tấm khăn ăn cài trên áo gi lê: “Có chuyện gì thế?” Chàng kia đáp:
“Chúng tôi ra về. Quyết định đột ngột. Lúc năm giờ chỉ còn toàn là khách. Chúng tôi đã đợi tới mức cuối cùng. Cặp vợ chồng chưa cưới không thể về kịp. Có người ngỏ ý: ‘Hay chúng ta ra về?’. Thế là tất cả đều sửa soạn lìa bỏ nơi đây.”
Anh Meaulnes im lặng. Bây giờ dẫu ra đi, anh thấy cũng không có chi trở ngại. Anh đã chẳng tiến đến tới cùng cuộc phiêu lưu hay sao? Lần này anh đã chẳng nhận được hết những gì anh ao ước? Anh không còn kịp để hồi tưởng lại câu chuyện đẹp trao đổi ban sáng. Bây giờ phải lên đường. Nhưng rồi đây anh sẽ trở lại –lần ấy sẽ không phải là mạo nhận nữa.
Anh nông dân kia cũng trạc tuổi anh Meaulnes, nói tiếp:
“Nếu anh cùng về với bọn tôi thì hãy mau thay quần áo. Chúng tôi đợi anh.”
Anh Meaulnes vội chạy đi, bỏ mặc bữa ăn đang dở, cũng quên không nói cho các vị khách biết điều anh đã được biết. Đồng cỏ, khu vườn và mảng sân trước tối om. Đêm hôm đó không còn đèn xếp ở các cửa sổ nữa. Nhưng dù sao bữa ăn này cũng giống như những bữa ăn sau đám cưới, các khách hạng xoàng hẳn đã uống say, cùng cất tiếng hát. Càng ra xa, anh càng nghe thấy những điệu hát quán rượu văng vẳng tới tai, tiếng hát từ khu vườn mà hai bữa nay đã chứa đựng bao nhiêu lạ lùng, bao nhiêu duyên dáng. Và bây giờ là lúc bắt đầu của bối rối, tàn phai..
Anh đi ngang ao thả cá, nơi mà mới sáng nay anh vừa ngắm bóng mình. Mọi sự xem ra đã thay đổi hết-cùng với bài hát kia, được mọi người đồng thanh hát lại, anh nghe thấy thấp thoáng từng đoạn:
“Em từ đâu trở lại, hỡi cô bé quá tự do? Mũ em rách Đầu tóc em rối bù…”
Hoặc bài này nữa:
“Giầy của tôi màu đỏ
Thôi từ biệt bạn tình
Giầy của tôi màu đỏ
Thôi từ biệt, không ngày trở lại!”
Khi tới chân cầu thang nơi căn phòng ở tạm, có người nào đó từ trên đi xuống đụng phải anh trong bóng tối và nói với anh: “Xin từ biệt ông!”, rồi thu mình trong chiếc áo khoác như thể đang lạnh lắm, và biến mất.
Người đó là Frantz de Galais.
Ngọn nến Frantz còn để trong phòng vẫn cháy sáng. Không vật gì bị xáo trộn. Chỉ những hàng dưới đây, viết trên một tờ giấy mỏng, để nơi dễ trông thấy:
“Ý trung nhân của tôi đã biến mất, có nhờ người cho tôi hay rằng cô ta không thể làm vợ tôi; rằng cô ta chỉ là một cô thợ may chứ không phải một nàng công chúa. Tôi không biết sẽ ra sao đây? Tôi bỏ đi. Tôi không còn thiết sống nữa. Xin chị Yvonne tha lỗi cho tôi nếu tôi không tới chào từ biệt chị, nhưng chị cũng không có cách nào giúp tôi…”
Cây nến cháy tới hết, lập lòe ngọn, lan ra trong một giây rồi tắt ngấm. Anh Meaulnes trở về phòng mình, đóng cửa lại. Mặc dầu bóng tối, anh cũng nhận biết được các đồ vật mà trước đây mấy giờ, lúc ban ngày, đang khi tràn đầy hạnh phúc, anh đã thu dọn lại. Từng món một, rất trung thành, từ đôi giầy to tướng cho tới chiếc dây lưng thô kệch có khóa bằng đồng. Anh cởi áo ra rồi lại mặc vào rất nhanh, nhưng khi bỏ xuống ghế những món quần áo mượn, anh đã lơ đãng bận lầm vào người chiếc áo gi-lê.
Cái sân dưới khung cửa sổ đã bắt đầu ồn ào náo nhiệt. Người lôi kéo, kẻ la gọi, xô đẩy nhau, ai cũng muốn lấy xe của mình ra khỏi đám lộn xộn đầy những xe đậu chen chúc. Thỉnh thoảng có người trèo lên một chiếc xe bò, hay leo lên mui một chiếc xe chở hàng, dùng đèn xe chiếu quanh. Ánh đèn chiếu sáng khung cửa sổ: trong khoảnh khắc, chung quanh căn phòng đã trở nên quen thuộc và mọi món đồ đều như có cảm tình với anh, bỗng trở nên sống lại, rung động… Với tâm trạng như vậy sau khi đã đóng kỹ cánh cửa ra vào, anh Meaulnes dời khỏi cái nơi kỳ bí mà có lẽ không bao giờ anh còn trở lại.
Chương 17
Cuộc Hội Kỳ Lạ
Trong đêm tối, đã có một hàng dài những xe chạy chầm chậm ra phía cổng ở ven rừng. Đi đầu là một người bận một tấm da dê, một tay xách chiếc đèn, một tay dắt sợi dây cương của con ngựa ở cỗ xe đầu.
Anh Meaulnes vội vã kiếm xem có ai chịu cho quá giang không. Trong thâm tâm, anh vẫn lo sợ nhỡ như bị ở lại khu trang viện này một mình thì vụ mạo nhận của anh sẽ đổ bể ra.
Khi anh đi tới trước khu nhà chính, các người đánh xe đang sắp đặt lại số người trên các xe cuối cùng. Người ta bảo các hành khách đứng dậy để kéo lại gần hay đẩy ra xa những ghế ngồi; các cô gái quấn mình trong những tấm khăn to, rất ngượng ngùng khi phải đứng lên, tấm mền rớt xuống chân; có những bộ mặt e ngại cúi xuống trước ánh đèn xe. Từ một trong những cỗ xe đó, anh Meaulnes nhận ra anh chàng nông dân ban nãy đã mời anh cùng đi. Anh nói to với anh ta:
“Tôi lên có được không?”
Người kia không nhận ra anh nữa, hỏi: “Anh đi đâu?”
“Về Sainte-Agathe.”
“Nếu vậy phải xin một chỗ trên xe nhà Maritain.”
Thế là cậu học trò lại phải đi kiếm trong số những du khách còn chậm lại xem ai là ông
Maritain không quen biết đó. Người ta chỉ cho anh một trong những người còn la cà uống rượu và hát ở trong bếp. Họ nói:
“Ông ấy là tay ăn chơi. Có lẽ còn ở đó cho tới ba giờ sáng.”
Trong khoảnh khắc, anh Meaulnes nghĩ tới cô con gái mỏng manh, vừa lên cơn sốt vừa buồn rầu mà lại còn phải nghe mãi cho tới nửa đêm trong trang viện của mình giọng hát vang của những chú nông dân say rượu. Không biết cửa sổ phòng nàng ở đâu trong căn nhà bí mật này?
Tuy nhiên chàng học trò không có lý do gì để nán lại thêm nữa. Phải ra đi ngay. Một khi trở về Sainte-Agathe, mọi sự sáng tỏ, anh sẽ hết là cậu học trò bỏ trốn; ở đó, anh lại có thể nghĩ tới cô con gái chủ nhân tòa lâu đài.
Từng chiếc một, các cỗ xe chạy đi; bánh nghiến cát trên những lối rộng. Trong bóng tối, người ta trông thấy chúng quanh vòng lại rồi biến mất, trên có đầy những phụ nữ quấn kín mình trong những quần áo ấm, những trẻ nhỏ trùm chăn đã bắt đầu ngủ say. Một xe chở hàng lớn, rồi lại một xe thổ mộ có các bà ngồi chen chúc sát vai nhau chạy qua khi anh Meaulnes đang sững sờ đứng trước bực cửa. Sau cùng chỉ còn lại một chiếc xe cổ có mái của một nông dân bận áo khoác. Nghe anh giải thích, ông ta nói:
“Cậu có thể lên được, chúng tôi cũng đi về lối đó.”
Khó nhọc lắm anh Meaulnes mới mở được cánh cửa xe cũ kỹ, kính rung rung, còn bản lề thì kêu cót két. Trên chiếc ghế nơi góc, có hai đứa nhỏ đang ngủ, một trai một gái. Nghe động và bởi gió lạnh, chúng tỉnh dậy, giơ tay ra, mơ màng ngó, rồi rét run lên, chúng lại chui vào góc xe ngủ tiếp.
Chiếc xe lăn bánh. Anh Meaulnes nhẹ nhàng đóng cửa rồi cẩn thận ngồi xuống ở góc bên kia. Anh hăm hở cố gắng nhìn qua làn kính cái nơi mà anh sắp dời bỏ và con đường đã đi tới đó. Mặc dù đêm tối, anh cũng đoán được chiếc xe đang chạy trong sân, ra vườn, ngang chỗ chân cầu thang đưa lên phòng anh ngủ, rồi ra cổng, vượt khỏi khu trang viện để tiến về phía rừng. Qua tấm kính cửa, anh thấy thấp thoáng những cây thông lướt nhanh. Anh hồi hộp nghĩ: “Không chừng ở dọc đường ta sẽ gặp Frantz de Galais.”
Đột nhiên, tới một quãng hẹp, chiếc xe lách ngang để khỏi phải đụng vào một vật chướng ngại nào đó. Trong đêm tối, nhờ hình thù to lớn mà người ta có thể đoán chừng nó là một chiếc nhà lăn đậu giữa đường, có lẽ nằm đó từ đã mấy ngày qua trong buổi lễ hội.
Vượt chướng ngại đó, ngựa bắt đầu chạy nước kiệu. Dẫu thấy mệt vì phải ngó qua khung kính nhưng anh Meaulnes cũng cố gắng một cách vô ích nhìn sâu vào đêm tối của cánh rừng. Bỗng có một tia chớp, tiếp theo là một tiếng nổ vang lên. Ngựa phát phóng nhanh khiến anh không hiểu là người đánh xe đang cố ghì ngựa lại hay đang thúc cho chúng chạy mau hơn. Anh muốn mở cửa xe, nhưng quả nắm lại ở phía ngoài. Anh lại cố gắng hạ kính xuống mà không được nên bèn lay cánh cửa. Hai đứa trẻ bị thức giấc, hoảng sợ nép vào nhau, im thin thít.
Trong khi đang lay cánh cửa, mặt dán vào khung kính, anh Meaulnes chợt trông thấy nơi khúc quanh có một bóng trắng đang chạy. Đó là anh chàng Pierrot gặp trong đám hội, anh chàng bô-hê-miêng bận quần áo trá hình, dáng vẻ ngơ ngác, kinh hoảng, trong tay ôm một xác người ghì vào ngực. Rồi tất cả đều tan biến.
Trên chiếc xe đang chạy nhanh giữa đêm tối, hai đứa trẻ đã ngủ say. Anh Meaulnes chẳng có ai để chuyện trò về những biến cố bí mật trong hai ngày vừa qua. Sau khi ôn lại rất lâu trong óc những gì đã trông thấy, mệt mỏi quá, tâm tư lại dao động, chàng thanh niên cũng ngủ thiếp đi như một đứa trẻ có chuyện buồn…
Trời chưa sáng hẳn khi chiếc xe bỗng ngừng lại. Anh Meaulnes bị đánh thức dậy bởi tiếng gõ vào kính cửa. Người đánh xe mệt nhọc lắm mới mở được nó, và qua tiếng gió ban đêm làm cho cậu học trò lạnh thấu tới xương, ông ta la lên:
“Phải xuống ở đây. Trời sắp sáng. Chúng tôi sắp rẽ lối khác. Cậu đã về gần tới Sainte-Agathe rồi.”
Anh Meaulnes vâng lời nhổm dậy, mơ màng kiếm chiếc mũ lưỡi trai bị rơi xuống chỗ chân hai đứa bé đang ngủ, trong góc tối, xong khom người chui ra khỏi xe. Người đàn ông trở lại chỗ ngồi của mình và nói:
“Thôi chào cậu. Chỉ còn chừng sáu cây số nữa thôi. Đây kia, cột cây số ở ngay bờ đường.”
Vẫn chưa tỉnh hẳn, thân hình cúi về đàng trước, anh Meaulnes bước từng bước nặng, hai tay vòng trước ngực như tuồng muốn ngủ nữa. Người đánh xe la lên:
“Ồ, không được! Không ngủ đây được đâu! Trời lạnh lắm! Đứng dậy đi đi…”
Chạng vạng như người say rượu, chàng học trò thọc tay vào túi, đôi vai thõng xuống, chậm chạp tiến về hướng Sainte-Agathe. Trong khi đó, chiếc xe có mui, tàn tích cuối cùng của buổi hội kỳ lạ, đang dời khỏi con đường đá, chạy ra xa, lặng lẽ gập ghềnh trên cỏ; cái mũ của người đánh xe được nhìn thấy lập lờ bên trên những hàng dậu.