Thứ Tư, 12 Tháng Hai, 2025

'Hoàng tử Bé' Saint-Exupéry vẫn bay cao trong vòm trời

'Hoàng tử Bé' Saint-Exupéry vẫn bay cao trong vòm trời

"Saint-Exupéry đã đi mất từ lâu, nhưng tiếng ngân dài trong suốt vẫn xuyên vào trong giấc chiêm bao thương nhớ của những người ở lại".

Saint-Exupéry từng thực hiện chuyến bay từ Paris tới Sài Gòn khi làm phóng viên cho báo Paris-Soir - Ảnh tư liệu

Bùi Giáng viết câu trên trong lời tựa "Cõi người ta" khi nhà văn Antoine de Saint-Exupéry tạ thế hơn hai mươi năm. Nay đã 76 năm chia tay tinh cầu, Saint-Exupéry vẫn tiếp tục "xuyên vào giấc chiêm bao thương nhớ" của nhiều thế hệ độc giả.

Năm 2020, tròn 120 năm ngày Saint-Exupéry bước vào "cõi người ta", sống và viết. Sống và viết như một cánh chim phiêu lãng tự do trong văn chương và thời đại của mình.

1. Saint-Exupéry là một trong những đứa con đầu tiên của thế kỷ XX. Sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900, với tên đầy đủ là Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, trong một gia đình quý tộc.

Đời sống nhung lụa không vuốt tròn bản tính phiêu lưu của ông. Bị bầu trời quyến rũ, ông xin gia nhập không quân nhưng do gia đình cản ngăn nên phải lui về làm công việc bàn giấy.

Công việc cũng chẳng mấy khả quan, Saint-Exupéry trở lại với khao khát từ nhỏ, sống lại cái cảm giác năm 12 tuổi, trên chuyến bay đầu tiên của mình. Trở thành một phi công dường như là giấc mơ lớn nhất trong đời Saint-Exupéry, nhiều khi ta có cảm giác nó còn lớn hơn cả các khao khát văn chương.

Năm 1926, khi trở lại nghề phi công, tháng 11 cùng năm, ông cho đăng một trong những tác phẩm đầu tay và không lạ gì khi truyện ngắn đó lại có tên L'Aviateur - Phi công. Trong những ngày tháng ngao du này, Sài Gòn từng là điểm dừng chân của ông năm 1934.

Một thời kỳ rực rỡ trong cuộc đời ông bắt đầu, với những tiểu thuyết và những chuyến bay đầy mơ mộng. Mơ mộng như tác phẩm xuất sắc nhất của ông: Le Petit Prince - Hoàng tử bé.

Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, với tất cả những vinh quang cuốn sách nhận được, thật khó nói gì mới thêm về tác phẩm quá đỗi quen thuộc này. Năm 1943, khi tác phẩm ra đời, Saint-Exupéry không biết đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của ông.

2. Được viết vào khoảng thời gian Đệ nhị Thế chiến đang đến hồi quyết liệt. Nước Pháp bại trận, buộc Saint-Exupéry phải chuyển đến New York.

Đơn vị tan rã, không thông thạo tiếng, chỉ định lưu lại chốn này trong vài tuần (sau thành hai năm), nhà văn khao khát được thực hiện các nhiệm vụ bay nhưng đã bị bỏ ra bên ngoài cuộc chiến. Ông gọi thời kỳ này là giai đoạn "mình đang xem cuộc chiến từ ghế nhà hát".

Và Saint-Exupéry đã viết Hoàng tử bé trong những ngày mơ về bầu trời, những chuyến bay, những ngôi sao trăn trở trên màn đêm sa mạc. Cho nên có thể giải thích tại sao tác phẩm lại thi vị, thơ mộng đến thế.

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh ở Canada và Mỹ. Mãi sau khi ông qua đời tác phẩm mới được xuất bản ở quê hương Pháp không còn bóng dáng chiến tranh.

Trước lúc rời Mỹ, Saint-Exupéry đã đến thăm bạn, nhà báo Silvia Hamilton Reinhardt, trao cho cô bản thảo Hoàng tử bé và nói: "Tôi ước mình có thứ gì lộng lẫy tặng cô làm kỷ niệm, nhưng đây là tất cả những gì tôi có".

Trọn vẹn con người Saint-Exupéry ở đó. Đến giờ người ta vẫn băn khoăn mãi nên xếp Hoàng tử bé vào "khung cửa hẹp" nào, là truyện thiếu nhi hay cổ tích dành cho người lớn?

3. "Chú té xuống dịu dàng như một cái cây". Saint-Exupéry đã miêu tả về cái chết của Hoàng tử bé như thế.

Như một điềm báo trước. Ít lâu sau ông cũng "té" khỏi bầu trời, biến mất vào biển cả, trong một ngày tháng 7 năm 1944. Nhà văn kiêm phi công đã bay cao trong vòm trời để rồi nằm xuống trong lòng đại dương sâu thẳm, không bạn bè, không có ai.

Cái chết của ông một thời gian dài là điều bí ẩn, đặt ra nhiều nghi vấn. Cho đến khi một phi công Đức hối tiếc xác nhận rằng đã bắn rơi máy bay của nhà văn. Saint-Exupéry đã chọn lựa, như Hoàng tử bé đã chọn lựa sống chân thật với từng phút hiện sinh của mình.

Đáng lẽ ông có thể ở lại Mỹ thay vì tham chiến, nhưng nếu thế, ông phản bội chính ông cũng như thứ văn chương khước từ những diễn ngôn lừa mị để đi đến cái chân xác của kiếp người, mà vẫn giữ vẹn cho mình một niềm u ẩn.

Hoàng tử bé là một trong những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, được dịch ra hơn 300 thứ tiếng. Riêng Việt Nam có 8 bản dịch. Tiếng Anh có 7 bản dịch, gần đây là bản dịch mới của Michael Morpurgo, năm 2018. Một số tác phẩm khác của ông đã ra mắt độc giả Việt Nam: Chuyến thư miền Nam, Bay đêm, Cõi người ta, Thư gửi một con tin...

Hoàng tử bé được dịch nhiều nhất sau kinh Thánh

Theo Tổ chức Fondation Antoine de Saint-Exupéry, kiệt tác Hoàng tử bé (Le petit prince) của nhà văn Pháp vừa trở thành quyển sách được dịch nhiều nhất trên thế giới sau kinh Thánh nhờ bản dịch sang tiếng Hassanya vào đầu tháng 4-2017. Hassanya là một phương ngữ Ả Rập được sử dụng tại Mauritania, tây Sahara, nam Morocco, sa mạc Algeria, Senegal, bắc Mali, bắc Niger và đặc biệt tại thành phố Tarfaya (Morocco). Đây là nơi Saint-Exupéry (1900-1944) viết tiểu thuyết đầu tay Courrier Sud (Thư miền nam). Bầu trời xanh với ánh nắng rực rỡ và bãi cát vàng mênh mông của hoang mạc Tarfaya cũng là nguồn cảm hứng cho những minh họa của Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé. Là ngoại ngữ thứ 300 chuyển tải tác phẩm Hoàng tử bé, tiếng Hassanya góp phần giúp Saint-Exupéry thực hiện ý tưởng mà ông ấp ủ: “Nghề đẹp nhất của con người là kết nối mọi người”.

 C.KHANH (Theo Le Figaro)

Giải mã "hoàng tử bé"

Ngày 31-7-1944, chiếc máy bay mang số hiệu F-5B-LO kiểu Lockheed Lightning P38 của Antoine cất cánh từ phi trường Borgo trên đảo Corse với nhiệm vụ thu thập thông tin về quân đội Đức ở thung lũng sông Rhône.

Văn hào Antoine de Saint - Exupéry

Màn hình rađa đã theo dõi chuyến bay đến khi nó vượt qua bờ biển nước Pháp lúc 9g30. Theo kế hoạch, chuyến bay của Antoine de Saint - Exupéry sẽ trở về lúc 12g30. Nhưng chiếc máy bay đã không bao giờ quay về nữa. Vào 3g30 hôm đó, người ta đã thông báo ông mất tích. Tháng 4-1945, tang lễ chính thức được cử hành mặc dù không thấy thi thể, lúc đó nhà văn mới 43 tuổi.

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao máy bay rơi? Có phải quân Đức đã bắn? Máy bay bị hỏng hóc? Nó đã rơi ở đâu? Hay đây là một vụ tự sát ngoạn mục được tính toán trước? Tất cả đều không có lời giải đáp.

Sau chiến tranh, qua nhiều tìm kiếm, xác của nhiều máy bay đồng minh, kể cả mấy chục chiếc máy bay loại mà Antoine điều khiển hôm mất tích, đã được tìm thấy dọc bờ biển nước Pháp thuộc khu vực mà người ta nghi là chiếc máy bay của ông đã rơi. Tuy nhiên, không có chiếc nào được xác nhận là của Antoine. Sau đó, chính gia đình và bạn bè ông đã khuyên ngăn không nên tìm kiếm nữa. Điều này có vẻ trái với lẽ thường tình. Lý do? Cái chết bí ẩn của ông đã khiến ông trở thành hoàng tử trong tác phẩm Hoàng tử bé nổi tiếng - một nhân vật truyền kỳ vốn được xem như người hùng của nước Pháp.

Tìm ra chiếc máy bay sẽ tìm ra được tai nạn, nhất là giả thuyết cho rằng nhà văn tài ba này đã tự sát bằng cách đâm máy bay xuống biển vì tuyệt vọng. Nếu được chứng minh là thật thì nó sẽ giết chết huyền thoại Antoine. Lúc đó, mọi người, kể cả Chính phủ Pháp, dường như cũng đều muốn duy trì huyền thoại này để nước Pháp phần nào xóa tan đi nỗi nhục thất trận và bị Đức chiếm đóng.

Mặc dù vậy, người ta vẫn tiến hành tìm kiếm xác chiếc máy bay. Mãi đến năm 1998, một ngư dân ở Marseille tình cờ vớt được một chiếc thẻ bài bằng bạc bị mắc vào lưới. Chiếc thẻ có khắc tên Saint - Exupéry, tên vợ ông là Consuelo và Teynal & Hitchcock, New York - tên nhà xuất bản lần đầu tiên xuất bản cuốn Hoàng tử bé năm 1943. Thay vì xem đó là khám phá đầy ý nghĩa trong việc tìm ra lời giải đáp về cái chết của nhà văn, thì nó lại dấy lên một cuộc tranh cãi mới về tính xác thực của nó cùng với những giả thuyết xoay quanh cái chết của nhà văn giữa những người chống đối và những người ủng hộ cuộc tìm kiếm.

Khám phá này đã dẫn đến những tìm kiếm khác tại vùng biển đã tìm thấy tấm thẻ bài do những tay thợ lặn chuyên nghiệp, trong đó có Luc Vanrell. Sự nhiệt tình của người thợ lặn này cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2000, ông đã tìm thấy một chiếc Lightning cùng với chiếc máy bay của Đức quốc xã nằm sâu dưới đáy biển 80m, thuộc phía nam Marseille. Hai năm sau, ông lại tìm thấy một mảnh kim loại có con số 2734L mà sau các thử nghiệm chuyên môn thì đây chính là một phần của động cơ Lockheed Lightning P38. Vui mừng với kết quả này, năm 2003 Vanrell vận động tích cực và được Chính phủ Pháp cho phép tiếp tục tìm kiếm và ông đã tìm kiếm được hơn mười mảnh vỡ của máy bay thuộc loại Lightning P38.

Đầu năm 2004, được sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Pháp, một đội tìm kiếm chuyên nghiệp do Patrick Grandjean đứng đầu đã tiến hành tìm kiếm trên khắp vùng biển dài 1km và rộng 400m. Họ đã tìm thấy và xác định được nhiều mảnh vụn thuộc phần động cơ máy bay của chiếc Lockheed Lightning P38, đúng nơi mà người ngư dân đã tìm thấy chiếc thẻ bài. Các chuyên gia đã xác định chúng đều thuộc về chiếc máy bay mà văn hào Antoine đã lái cách đó hơn 60 năm.

Tất cả những mảnh vụn đã được tách biệt và lau chùi sạch sẽ. Những nghiên cứu tỉ mỉ cho thấy máy bay rơi hoàn toàn thẳng đứng với tốc độ rất nhanh khi rơi xuống nước. Người ta không thấy một dấu vết bị bắn nào và cũng không có bằng chứng cho thấy có hỏng hóc máy móc. “Chúng ta không biết tại sao và sẽ không bao giờ biết được bí mật đó” - đây là kết luận của Patrick Grandjean. Như vậy câu hỏi tại sao máy bay rơi vẫn còn là một bí ẩn.

Tưởng chừng bức màn bí mật vẫn còn bỏ ngỏ thì ngày 16-3-2008, sau hơn 60 năm im hơi lặng tiếng, viên phi công người Đức tên là Luftwaffe, 88 tuổi, đã chính thức lên tiếng khẳng định chính ông là người đã bắn hạ chiếc phi cơ của nhà văn. Theo lời kể của Horst Rippert, vào ngày 31-7-1941, từ trên chiếc phi cơ ở ngoài khơi Địa Trung Hải, ông phát hiện chiếc phi cơ lạ bay phía dưới và ông đã nổ súng. Bị trúng đạn, chiếc phi cơ này đã rơi xuống biển và không có ai nhảy dù ra cả. Vài ngày sau viên phi công Đức mới biết đó là chiếc máy bay của Antoine de Saint - Exupéry, ông đã sửng sốt và coi đó là một thảm họa bởi vì ông rất hâm mộ văn hào này.

Ông cho biết thời niên thiếu ông đã đọc rất nhiều truyện của Antoine, đặc biệt là cuốn Hoàng tử bé. Giờ đây, khi viết cuốn sách mang tên Saint - Exupéry, The final secret (Saint - Exupéry, Bí mật cuối cùng), ông đã thanh minh cho những hành động của mình rằng từ trên máy bay, ông không nhìn rõ phi công đối phương và nếu biết rõ đó là Saint - Exupery thì ông đã không nổ súng. “Chính những tác phẩm của văn hào người Pháp này đã tạo cảm hứng cho nhiều thanh niên như tôi trở thành phi công - Horst Rippert cho biết - Giờ đây xin mọi người hãy dừng tìm kiếm, chính tôi là người đã bắn hạ Exupéry”.

HỮU MẠNH

Truyện khác