Thứ Sáu, 14 Tháng Sáu, 2024

Truyện ngắn – SAYONARA

Truyện ngắn – SAYONARA - 1

(Hình minh họa: Jeff Hardi/Unsplash)

LỜI GIỚI THIỆU

Có những cuộc tình ngắn ngủi, gặp nhau trong chốc lát, người ta đã tưởng rằng chỉ là một dạng tình cảm thoáng qua, không có gì để phải vấn vương, nó sẽ dễ dàng đi vào quên lãng khi xa nhau. Nhưng vì một ngẫu nhiên, một kỳ ngộ nào đó, chợt gặp lại người xưa trong một hoàn cảnh bất hạnh, khổ đau. Trong cuộc tái ngộ buồn bã đó, người ta thấy sự hiện diện của mình với những câu an ủi, những lời nói cảm thông… chỉ là những hành động dư thừa, càng khoét sâu vào nỗi buồn của người xưa, kẻ bất hạnh. Những lời an ủi, chia buồn, chẳng còn ý nghĩa gì ngoài một điều là gây thêm đau xót cho cố nhân của mình mà thôi.

Chính lúc đó, người ta muốn trốn chạy, muốn xóa đi tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ của mối tình thoáng qua ngày xưa trong ký ức của mình. Nhưng sự trốn chạy, tìm quên đó chỉ là ảo tưởng, thật ra lại là những ray rứt mà người ta thương nhớ muôn đời!… 

***

Mùa hè năm đó, tôi lên Nagoya, một thành phố kỹ nghệ miền trung Nhật Bản để dự khóa tu nghiệp bốn tuần lễ. Mỗi ngày, ngoài thời gian đến lớp học từ sáng đến chiều rồi trở về khách sạn vào buổi tối. Chẳng có gì hơn để cho qua buổi tối rảnh rỗi, tôi thường chúi đầu vào việc đọc sách báo, nghe nhạc. Cái thú đi chơi đêm với bè bạn, la cà vào những khu vực ăn chơi nơi trung tâm thành phố của thời gian mới đến Nhật đã được tôi tẩy bỏ, quên lãng từ lâu.  

Chiều Thứ Bảy, sau bữa cơm tối. Ngồi một mình trên chiếc ghế bành ở góc phía trái căn đại sảnh của một khách sạn khá sang trọng tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Để mắt bâng quơ nhìn vẻ sầm uất, ăn chơi  ở phía ngoài, xuyên qua khung kính rộng lớn của khách sạn, cảm giác cô đơn chợt đến với tôi, khi nhớ đến những ngày còn vui vẻ với bè bạn gần bốn năm về trước, lúc mới đến Nhật bản tu nghiệp. Nhưng từ ngày chiến tranh ở quê nhà chấm dứt,mọi việc đã đổi khác, tất cả những dự tính tương lai được coi như dở dang. Việc học hành của tôi cũng đã hoàn tất từ lâu nhưng tình thế đổi khác, ngày về nước được coi như quên lãng. Hiện tại cuộc sống của tôi chỉ còn là những chương trình vá víu, tạm thời, ngay cả việc làm của tôi hiện nay cũng chẳng có gì gọi là chắc chắn cả.

Trong khi tôi đang im lặng, trầm mình vào những nỗi buồn, lo lắng về tương lai của mình. Bản nhạc “Feeling” của Albert thật êm ả, hơi buồn trong tiếng đàn violin thình lình phát ra ở phía sau lưng. Âm thanh kéo tôi về với một kỷ niệm mà chính bản nhạc này đã là dấu tích của một cuộc tình dang dở trong đời tôi. Ngày đó, một người con gái đã dạo dương cầm cho tôi nghe bản nhạc này rất nhiều lần. Chúng tôi quen nhau rồi yêu nhau, đã tưởng rằng mối tình của hai chúng tôi sẽ được trọn vẹn như mong muốn, nhưng rồi vì một lỗi lầm của chính tôi đã làm nó lỡ làng, tan vỡ! 

Tôi nhắm mắt, thả lỏng tâm hồn, cảm xúc của mình cho nó lâng lâng theo âm thanh từ chiếc đàn violin của cô gái đang say sưa trình tấu ở phía sau, góc căn đại sảnh. Dáng dấp hơi ốm, mái tóc buông dài chấm vai, lòa xòa che khuất một phần khuôn mặt dễ thương, không son phấn, chiếc cằm xinh xắn tựa trên tấm sừng màu nâu đen trên bầu đàn, hai cánh tay để trần, trắng muốt di chuyển chiếc cung kéo dịu dàng lên xuống. Đôi mắt cô gái khép nhè nhẹ say sưa với âm thanh, hình như cô ta cũng đang hòa mình vào từng đoản khúc của bản nhạc.

Cô gái mặc chiếc jupe màu xanh nhạt với chiếc áo vest khoác bên ngoài màu sắc đơn giản gọn gàng, không diêm dúa. Cái đơn giản đó, đã cho tôi đoán cô gái chỉ là cô sinh viên của phân khoa âm nhạc nào đó, hay quá lắm cũng chỉ là một nhạc sĩ mới ra trường mà thôi. Sau bản Feeling là vài bản khác của Nhật bản và Tây phương khác được cô gái trình diễn xen kẽ vào nhau.

Gần chỗ tôi ngồi, cũng có vài người khách, họ nói chuyện nhẹ giọng hơn, hình như họ cũng dành sự im lặng cho âm thanh của tiếng đàn, nó bao phủ lấy khoảng không gian khá rộng lớn của căn đại sảnh. Cho đến một lúc, tiếng đàn chợt im lặng. Tôi đưa mắt nhìn cô gái thu dọn dụng cụ với cảm giác tiếc rẻ vì nghĩ rằng thời gian làm việc của cô ta đã xong. Nhưng sự tiếc rẻ của tôi được chấm dứt ngay khi thấy cô gái để lên trên mặt chiếc dương cầm một tấm bìa có vài chữ:“Nghỉ giữa giờ 15 phút“ rồi cô ta xách chiếc hộp đàn đi vào phía cửa sau khách sạn.

Tôi chợt nảy ra một ao ước, được sống lại với dư âm của mối tình đã đi qua với một hình bóng vẫn còn nồng ấm trong lòng tôi. Tôi muốn nhờ cô gái dạo cho tôi nghe vài bản nhạc kỷ niệm của mối tình dang dở vừa qua đó. Lấy một mảnh giấy, nắn nót tôi viết vào đó bốn bản nhạc xưa cũ, kỷ niệm của mình, rồi im lặng tôi để ngay cạnh tấm bìa của cô gái trên mặt chiếc đàn dương cầm.

Sau giờ nghỉ giải lao, cô gái trở lại đại sảnh. Mắt cô ta mở lớn, ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm giấy của tôi, ngước mắt nhìn vào đám khách ngồi rải rác trên mấy bộ salon để tìm kiếm chủ nhân lời yêu cầu mà cô ta vừa nhận được. Ánh mắt đến chỗ tôi, cô ta dừng lại, khi nhìn thấy tôi mỉm cười, gật đầu nhẹ thay cho lời yêu cầu và cám ơn. Im lặng tí chút, cô ta đưa tấm giấy lên đọc kỹ hơn, với một tí suy nghĩ trước khi nhìn tôi mỉm cười cùng với cái gật đầu chấp nhận.

Sau đó cứ vài bản nhạc Nhật Bản hay Tây phương cô ta lại chen vào giữa một bản nhạc yêu cầu của tôi. Mỗi khi kéo xong bản nhạc yêu cầu, cô ta lại đưa mắt kín đáo nhìn tôi như thăm dò ý kiến. Tôi cũng nhìn lại, khẽ gật nhẹ đầu tỏ ý tán thưởng và cám ơn. Cho đến khi cả bốn bản nhạc yêu cầu đã được trình bày xong. Âm thanh của kỷ niệm từ những bản nhạc đó lại kéo tôi vào mơ màng, trở về cùng với những ảo ảnh của những ngày tháng hoan lạc của cuộc tình dang dở  buồn bã của tôi vừa qua. 

-Thưa ông, chắc tài năng của tôi không đủ làm ông vừa lòng. Xin ông tha lỗi!

Tiếng nói của cô gái đã làm tôi giật mình, kéo tôi ra khỏi sự thờ thẫn, đang chôn mình vào mơ màng của ký ức. Tôi luống cuống, hơi ngượng ngập, cảm thấy mình bất lịch sự vì đã quá mê mẩn, chôn mình trong âm vang của quá khứ đến nỗi không biết được cô ta đã chấm dứt đánh đàn từ lâu. Nhìn lên trên chiếc dương cầm cũng không còn tấm giấy nghỉ giải lao nữa. Tôi biết cô ta đã chấm dứt việc làm, đến gặp tôi để từ giã ra về. Tôi vội vàng đứng dậy cúi đầu đáp lễ và nói với cô ta:

-Thật là bất nhã, tôi đã nghe những bản nhạc mà tôi yêu cầu cô trình bày với tất cả si mê. Si mê đến nỗi tôi bị dìm mình vào những âm thanh kỷ niệm của mình mà quên đi thực tại. Thành thật xin lỗi cô, cô đàn hay lắm.

-Ông khen tôi quá lời rồi. Những bản nhạc ông yêu cầu, tôi chỉ biết sơ sài, tập dượt rất ít, thì làm sao mà hay được?

Cùng với lời nói, miệng cô ta mỉm cười nhẹ như chế giễu sự nịnh đầm khéo léo nhưng lộ liễu của tôi.Tôi cười nhẹ, với giọng nói có phần khẩn khoản để chứng tỏ mình thật thà:

-Cô không thấy sao? Tôi đã mê mẩn vì tiếng đàn của cô, đến nỗi cô chấm dứt lúc nào mà tôi cũng không biết. Chẳng lẽ tôi giả dối cô hay sao?

Dừng lại một lúc rồi tôi buồn rầu nói tiếp:-Những bản nhạc mà tôi yêu cầu cô, là những âm vang thương nhớ về một dĩ vãng khá buồn của tôi đó. Nó đã mang theo biết bao nhiêu nỗi ân hận của tôi về một cuộc tình dang dở vì những lỗi lầm do chính tôi gây ra.

Cô gái hình như bị luống cuống với lời nói khá buồn và bộc lộ quá lộ liễu của tôi. Nụ cười chế giễu trên môi cô ta biến mất, thay bằng nét mặt nghiêm nghị thông cảm. Lúc này tôi mới nhìn rõ, thật gần khuôn mặt trái xoan xinh xắn của cô ta. Có một điều tôi cảm thấy hơi lạ, dù cô ta mỉm cười, nụ cười hiền dịu nhưng hình như tôi vẫn thấy trong nét mặt, trong ánh mắt của cô ta ẩn dấu một cái gì có vẻ buồn buồn kín đáo, khó hiểu.Trước khi từ giã tôi ra về, cô ta ngập ngừng tí chút rôi nói với tôi:

-Ngày mai cũng vào giờ này tôi lại đến đây làm việc. Nếu ông thích, tôi sẵn sàng dạo cho ông nghe những bản nhạc nào mà ông muốn. Ông có thể viết tên những bản nhạc đó vào một một tờ giấy, ngày mai ông đưa cho tôi, tôi sẽ cố gắng làm ông vừa lòng. Tuy nhiên tôi mong ông thông cảm, nếu tôi dạo không được hay như cố nhân của ông, là vì thiếu thời gian tập luyện và cũng vì sở khiếu khác nhau của mỗi người ông ạ.

Ngày hôm sau, sau bữa cơm tối rồi một lúc đi dạo, lang thang trong phố để đuổi đi những mệt nhọc của một ngày mệt nhọc. Tôi trở về khách sạn, ngồi vào chỗ hôm qua, không lâu thì cô gái đánh đàn violin cũng từ ngoài cửa đi vào. Cô ta đến gặp và nói vài câu với người quản lý khách sạn rồi đi đến chỗ tôi ngồi. Chúng tôi chào nhau sơ sài, nhưng vẫn trong khuôn phép những câu xã giao, rất lịch sự, đầy khách sáo cố hữu của ngôn ngữ Nhật Bản. Cô ta hỏi tôi:

-Sao? Ông đã viết những bản nhạc mà ông muốn tôi dạo violin cho ông hôm nay chưa? Tôi hy vọng không nhầm lẫn khi dự đoán những bản nhạc mà ông thích, nhờ vào bốn bản nhạc mà ông yêu cầu hôm qua…

Ngừng lại một lúc, mở chiếc cặp xách tay cho tôi thấy một vài cuốn sách nhạc đã có sẵn trong đó. Rồi cô ta nói tiếp với tôi:

-Tôi có mang theo đây khá nhiều những bản nhạc cùng loại với bốn bản nhạc của ông hôm qua. Ít ra, nó cũng giúp tôi dễ dàng trình bày, tránh được những đoạn mà tôi chưa thông suốt lắm.

Tôi nhìn cô ta khá nhiều cảm động, nói vài lời cảm ơn sự ân cần, thân thiện mà cô ta đã dành cho mình, rồi trao cho cô ta danh sách một số bản nhạc mà tôi vừa viết vào tấm giấy sau bữa cơm chiều. Cô ta im lặng nhận tờ danh sách, mở ra nhìn qua với vẻ đờ đẫn suy tư. Nhìn dáng điệu cô ta, tôi lại chợt thấy nỗi buồn kín đáo hiện ra trong ánh mắt của cô ta hình như nó vừa được khuấy động lên và hiện rất rõ ràng ra ngoài.

Vẫn như ngày hôm qua. Cô ta kéo vài bản nhạc Tây phương hay Nhật bản rồi lại chêm vào một bản nhạc của tôi yêu cầu. Sau mỗi bản nhạc, cô ta vẫn đưa mắt nhìn tôi ra ý dò hỏi. Tôi cũng nhìn lại cô ta và cũng gật đầu tỏ vẻ cảm ơn, đầy thoả mãn.   

Đến giờ nghỉ giải lao, thay vì đi vào phía sau khách sạn như hôm qua. Cô ta đến chỗ tôi, mỉm cười thân thiện rồi ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện với tôi. Cô ta hỏi tôi:

-Hôm nay có lẽ ông nhận thấy, những bài nhạc mà ông yêu cầu, tôi trình bày trôi chảy hơn những bài ngày hôm qua chứ ? Lý do là tôi đã đoán đúng sở thích và cảm xúc của ông rồi. 

Dừng lại tí chút như chờ đợi phản ứng của tôi đối với sự khám phá của cô ta về tôi, rồi cô ta nói tiếp :

-Ông thích những bản nhạc hơi buồn, lãng mạn, nói đến kỷ niệm.

-Cô đoán rất đúng. Những bản nhạc mà tôi yêu cầu cô, không những tôi thích vì ý nghĩa hơi buồn. Mà âm thanh của nó còn gợi tôi nhớ đến một cuộc tình dang dở của tôi với một người con gái. Cô ta đã đàn dương cầm cho tôi nghe rất nhiều lần trong thời gian chúng tôi yêu nhau. Nhưng bây giờ âm thanh đó chỉ còn là dấu tích của kỷ niệm và tiếc nuối một mối tình đã qua mà thôi…

Ngập ngừng một tí, như để đè nén cảm xúc buồn đau của mình khi nhớ lại kỷ niệm, tôi nói tiếp :

-Cuộc tình đó bị gãy đổ do lỗi lầm của chính tôi, chúng tôi đã xa nhau và không thể hàn gắn được nữa. Tôi hoàn toàn mù tịt về đàn violin nhưng khi nghe cô trình bày những bản nhạc, thật sự tôi đã bị cuốn hút, mê mẩn vào tiếng đàn của cô. Đó có phải là những cảm xúc chủ quan trong sự thưởng lãm của tôi hay không tôi cũng không biết rõ. Nhưng tôi nghĩ rằng cô đàn rất hay và đã làm cho tôi mê mẩn.

Cô gái mỉm cười, vui vẻ tiếp nhận lời khen của tôi sau đó nói với tôi vài câu khiêm nhượng. Nhưng cũng như mọi lần, tôi vẫn thấy trong nụ cười, trên khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của cô ta có cái gì như gượng gạo, giao tế…nó như che dấu cái gì đó buồn bã kín đáo tiềm ẩn ở bên trong.

Rồi trong 15 phút nghỉ giải lao đó, chúng tôi nói chuyện với nhau khá nhiều. Natsuki đang là sinh viên năm thứ ba phân khoa âm nhạc của đại học Nagoya. Ngoài những giờ dậy kèm âm nhạc cho một vài người ở tư gia, Natsuki cùng với số bạn cùng phân khoa thành lập một nhóm (club) âm nhạc. Họ chia nhau, làm việc ăn tiền giờ (arubaito) vào buổi tối và cuối tuần cho các khách sạn sang trọng hay cho các phòng trà ở trong tỉnh. Họ thường nhận công việc rồi chia cho từng cá nhân làm , nhưng  có khi vài người hay cả nhóm tạo thành một ban nhạc để giúp vui trong các vũ trường hay các buổi dạ tiệc …

Sau giờ nghỉ giải lao, công việc của Natsuki lại được tiếp nối cho đến khoảng gần 10 giờ tối, việc làm được coi là chấm dứt. Lúc Natsuki đang sửa soạn ra về, tôi đi đến phía Natsuki nói vài lời cảm ơn, với chút ngại ngần tôi nói:

-Nếu cô không còn bận rộn và cảm thấy thích thú, tôi rất sung sướng được mời cô một ly cà phê?

Natsuki đưa tay lên nhìn đồng hồ, với vẻ lưỡng lự rồi đưa mắt nhìn về hướng khu vực snack bar ở góc bên kia trong căn đại sảnh của khách sạn. Thái độ không lấy làm vừa ý lắm, Natsuki hỏi tôi:

-Ở đây ?…

Như hiểu được ý của Natsuki, tôi mau mắn trả lời:

-Chúng mình ra phố, tìm một cafeteria nào đó ngồi nghe nhạc, nói chuyện… Có lẽ thú vị hơn Natsuki ạ.

Nhưng thay vì vào một quán cà phê ngay khi ra khỏi khách sạn như dự định, chúng tôi lại đi bộ với nhau dọc theo những con đường phố chính, sầm uất của trung tâm không xa khách sạn nơi tôi cư ngụ. Vài phút đầu tiên, Natsuki đi bên tôi, hình như có tí e thẹn mỗi khi gặp những nơi đông người chen lấn, chúng tôi phải ép sát vào nhau trong rừng người của một thành phố lớn về đêm. Nhưng dần dần, sau những đụng chạm, gần gũi vô tình đó, vòng tay của tôi và Natsuki đã đan vào nhau từ lúc nào mà chúng tôi không biết.

Cho đến khi bước chân đã mỏi mệt, những con đường đầy rẫy những quán ăn uống, những cơ sở ăn chơi hình như đã được đi qua giáp vòng, chúng tôi mới dẫn nhau vào một quán cà phê. Ngồi bên nhau, thủ thỉ nói chuyện với nhau như một cặp tình nhân đã quen biết từ lâu.

Natsuki hỏi tôi khá nhiều về đời sống và tất cả những đưa đẩy đã mang tôi đến tỉnh Miyazaki, một tỉnh cực nam Nhật Bản mà Natsuki cũng chưa một lần thăm viếng. Có một điều là trong lúc nói chuyện tâm sự với tôi, Natsuki gần như không bao giờ cười vui. Trong dáng điệu và ngay cả trong lời nói của Natsuki tôi vẫn tìm thấy âm thanh kín đáo, dù rất nhẹ của một cái gì có vẻ không vui mà tôi không biết nguyên do. Ở cái tuổi 23 của một cô thiếu nữ đang tuổi yêu đương, đã cho tôi ước đoán là Natsuki đang bị buồn đau vì lý do tình cảm, yêu đương nào đó. Với ước đoán như vậy gần như đã thoả mãn trí tò mò của mình,tôi chẳng còn ý nghĩ tìm tòi hay hỏi han gì nữa, vì nghĩ rằng đó là một điều khiếm nhã, khó chịu nhất khi vừa gặp một người bạn mới quen.

Tuy nhiên, với bản tính dễ dàng thổ lộ tâm tư của mình, tôi cũng chẳng giấu giếm bất cứ một điều gì khi Natsuki muốn biết về tôi. Từ cuộc sống lỡ làng danh vọng vì thời thế đến những chuyện tình cảm dở dang, buồn đau vừa qua tôi cũng kể hết cho Natsuki nghe không một tí ngại ngần. Natsuki nghe tôi tâm sự với rất nhiều chú ý, đôi khi Natsuki hỏi rất kỹ lưỡng về những dữ kiện mà tôi chỉ nói thoáng qua, vì nghĩ  rằng nó chỉ là vài tiểu tiết không quan trọng lắm.

Chẳng hạn khi tôi kể về thủa ấu thơ nghèo túng, thiếu thốn của tôi, nhưng chính lại là khoảng thời gian tôi cảm thấy sung sướng nhất bởi vì ở lứa tuổi đó tôi không có nhiều ước mơ. Tôi chấp nhận dễ dàng những gì mà tôi có một cách rất tự nhiên và thỏa mãn. Natsuki có vẻ rất chú ý và thích thú vào hai chữ ”an phận” mà tôi đã dùng để giải thích nguyên do của sự sung sướng thời ấu thơ của tôi.

Natsuki nhìn thái độ buồn chán, buông xuôi của tôi khi tôi nói đến những khó khăn hiện tại còn tương lai thì mù mờ chẳng biết nó sẽ ra sao… Tatsuki thở dài nhè nhẹ, với giọng buồn rầu rồi nói với tôi:

-Hình như mỗi người chúng ta đều có một nỗi buồn lo, thất vọng trong cuộc sống Việt nhỉ?

Cũng với vẻ không vui, đầy chán nản, tôi trả lời:

-Không hẳn đúng như thế, Natsuki ạ. Chẳng hạn, nếu nơi đây là quê hương của tôi, chắc chắn tôi sẽ không gặp những khó khăn mà đôi lúc làm cho tôi có cảm tưởng mình không tìm ra một con đường thoát. Ngay cả lĩnh vực tình cảm, tôi cũng bị những rắc rối chỉ vì tương lai của mình chẳng có gì để bấu víu.

Natsuki mở to đôi mắt nhìn tôi như có ý nhạo báng, không tin, Natsuki trả lời:

-Anh có chắc không? Có những nỗi khổ tâm mà người ta không tìm được một giải pháp nào hơn là im lặng chịu đựng để chờ đợi một tai ương đang đến. Người ta quá buồn, quá đau đớn không muốn nói ra và cũng không thể nói ra mà thôi. Nói ra để làm gì khi chẳng một ai có thể giúp mình được, còn những câu an ủi chỉ làm cho mình đau khổ thêm mà thôi. Im lặng để chịu đựng và “an phận” như anh vừa nói là một liều thuốc chống đau nhức tạm thời tốt nhất, nhưng nó không thể chữa trị được, anh ạ.

Nói xong câu nói khá dài đó, hình như  Natsuki như bị rơi vào sự choáng váng. Nàng lắc đầu nhẹ, đưa bàn tay lên vuốt vài lọn tóc lòa xòa trên trán một cách bâng quơ. Natsuki hiện ra trong lúc này là một bóng dáng buồn khổ. Nỗi buồn kín đáo vùi sâu trong ánh mắt, nét mặt của nàng đã được phơi bày quá rõ ràng trước mắt tôi, Natsuki bây giờ mất đi hoàn toàn dáng dấp bình lặng, che dấu nỗi buồn thầm kín mà tôi chỉ nhìn thấy nó ẩn hiện ra ngoài một cách mù mờ trong vài giờ trước đây. Tôi tự nhiên thấy thương hại Natsuki, cố nói vài câu an ủi bâng quơ… Nhưng Natsuki cố tình lái câu chuyện của chúng tôi sang hướng khác.

Truyện ngắn – SAYONARA - 2Thành phố Nagoya, Nhật Bản. (Hình: Ashirani Murata/Unsplash)

Rồi sau đó với khoảng ba tuần lễ cuối cùng của khoá tu nghiệp, chúng tôi gặp nhau gần như hàng ngày. Mỗi buổi chiều Natsuki đợi chờ tôi ở cửa hãng hay sân nhà ga, chúng tôi đi ăn cơm tối với nhau, rồi tôi theo nàng đến những khách sạn, những phòng trà khiêu vũ để xem Natsuki làm việc. Buổi tối, chúng tôi cùng về nhà trọ của Natsuki hay khách sạn của tôi. 

Đôi lần, Natsuki dẫn tôi đến một giảng đường của phân khoa, có sân khấu nơi tập dượt âm nhạc của nhóm âm nhạc, Natsuki giới thiệu tôi với các bạn bè trong nhóm. Tôi ngồi xem nhóm tập dượt hay giúp đỡ họ một vài những việc lặt nhặt, như xếp đặt bàn ghế, bắt điện để cho nhóm mở dance party vào mỗi cuối tuần lấy tiền bán vé chi dụng cho sinh hoạt của nhóm.

Cũng nhờ Natsuki tôi đã đi thăm những bảo tàng viện nổi tiếng của Nhật bản ở Nagoya, như viện bảo tàng về nghệ thuật thời Tokugawa (Tokugawa Art Museum, 1603-1868). Viện bảo tàng thời Minh Trị Thiên hoàng (Museum Meiji Mura, 1868-1912), lâu đài Atsuta…

Trong suốt ba tuần lễ gần nhau đó, tình cảm giữa tôi và Natsuki lớn dần. Mặc dầu có tí vội vàng với thời gian quen biết, nhưng vẫn không khí, thương mến nhau của một cặp tình nhân đúng nghĩa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tình yêu hoàn toàn là những chiều chuộng ngọt bùi, chưa có bóng dáng gì của hờn dỗi, trái ý nhau. Tất cả mới chỉ đơn thuần như một điệu nhạc tình yêu hoan lạc, êm ái. Tuy nhiên sự ngại ngần, giữ kẽ nhau trong dáng điệu, câu nói và ngay cả những lời tâm sự, kể lể sâu kín về nhau vẫn còn hiện diện ít nhiều giữa tôi và Natsuki.

Thật vậy, gần đến ngày tôi phải rời xa Natsuki và nhóm bạn âm nhạc để trở lại Miyazaki, tôi vẫn còn lạ lùng, thắc mắc tại sao Natsuki vẫn dấu tôi nỗi buồn mà tôi chắc chắn đang có trong tim của nàng. Trong mấy ngày đầu tiên khi mới quen nhau, tôi đoán rằng nỗi buồn đó liên quan đến vấn đề tình cảm trai gái, nhưng đến hôm nay, chỉ còn mấy ngày nữa tôi phải rời xa tôi chắc chắn sự phỏng đoán của mình không còn đứng vững nữa. Tôi đã hiểu Natsuki nhiều hơn, một con người nghệ sĩ, bản chất phóng khoáng trong sự giao tiếp như nàng không thể nào vướng bận với vấn đề tình yêu thái quá được. Tuy nhiên tôi vẫn hoàn toàn mù tịt vì Natsuki dấu quá kín.

Ngày cuối cùng khóa tu nghiệp đã đến, với vài thủ tục đơn giản để nhận tờ giấy chứng nhận mãn khóa. Tiếp theo là bữa cơm trưa, chụp vài tấm ảnh lưu niệm với các học viên và ban giảng huấn cho cuộc lễ  bế mạc khóa tu nghiệp 4 tuần lễ quá mau. Sáng ngày mai, với chuyến máy bay tôi phải trở về lại Miyazaki để làm việc, tôi sẽ phải rời xa Nagoya và cả Natsuki, người tình vội vã thoáng qua trong đời tôi.

Sau buổi lễ mãn khóa tu nghiệp, khi vừa ra khỏi cổng hãng, tôi gặp Natsuki ngồi đợi tôi ở trạm xe bus như những buổi chiều thường lệ. Cũng lạ thật, trong suốt mấy ngày vừa qua, chúng tôi vẫn gặp nhau, vẫn nói chuyện với nhau rất nhiều trong các tiệm ăn, trong quán cà phê, ngay cả lúc hai đứa bên nhau trong căn gác trọ của Natsuki hoặc trong khách sạn của tôi, nhưng chúng tôi không bao giờ đề cập đến tương lai của mối tình giữa tôi và nàng sau khi tôi mãn khoá tu nghiệp. Hình như chúng tôi đã nhìn thấy rõ viễn tượng xa nhau, sự liên hệ của chúng tôi chỉ là tạm bợ, thoáng qua ngay từ lúc mới quen. Cuộc chia ly hình như đã được chấp nhận một cách đương nhiên, không đổi khác được.

Sau cái nắm tay siết nhẹ, mừng rỡ gặp lại nhau, Natsuki khoác lấy cánh tay tôi, ngước mắt lên nhìn tôi nàng nói:

-Thế là khoá học của anh đã chấm dứt rồi. Nhóm của em, đã bày một bữa tiệc để mừng anh mãn khóa để tiễn đưa anh trở về Miyazaki vào ngày mai. Họ đang chờ chúng mình ở giảng đường của nhóm đó.

Mặc dù cảm giác buồn bã vì ngày chia tay trong suốt mấy ngày vừa qua luôn luôn tiềm tàng, ray rứt tâm tư tôi, nhưng lời nói của Natsuki đã như một mũi kim chọc vào tâm hồn, làm tôi đau đớn, kéo tôi trở về với thực tế. Chúng tôi gần phải xa nhau rồi, chỉ còn buổi chiều tối hôm nay nữa mà thôi, ngày mai tôi sẽ phải rời xa rồi! Tôi lịm người buồn bã, kẹp nhẹ cánh tay của Natsuki, im lặng bước theo, cảm giác tiếc rẻ tràn lan trong lòng tôi. Natsuki cũng vậy, nàng  cũng im lặng, bàn tay cũng xiết mạnh lấy cánh tay tôi, như muốn tỏ sự đồng tình, thông cảm với tôi trong nỗi buồn đau mà nó đang cấu xé trong lòng cả hai chúng tôi.

Khi chúng tôi đến căn giảng đường của nhóm âm nhạc, mọi người mừng rỡ, chào đón chúng tôi. Có lẽ họ tưởng rằng tôi đã sung sướng vì đã hoàn tất khóa học, cuộc tình của tôi và Natsuki vẫn tiếp tục ở một dạng thức nào đó dù tôi có phải rời xa Nagoya vào ngày mai. Họ cụng ly chúc mừng, họ khoác vai hát hò… Nhưng họ chẳng bao giờ tưởng tượng được rằng những nụ cười, câu đối đáp của hai chúng tôi với họ chỉ giả tạo. Một sự đóng kịch không lấy gì làm khéo léo lắm, nhưng với những người vô can như họ thì làm sao có thể nhìn thấy được cái góc sâu kín, buồn bã của hai đứa chúng tôi. Thỉnh thoảng với vài câu nói đùa giỡn của một người nào đó trong nhóm, liên quan đến cuộc tình của tôi và Natsuki đã làm mọi người phá lên cười đầy vẻ thích thú. Những lúc đó nhãn quan đau xót của hai chúng tôi lại gặp nhau. Cũng chính lúc đó chúng tôi mới nhìn thấy rõ ràng sự gượng gạo trong những nụ cười của nhau.

Cuộc ăn nhậu kéo dài đến khoảng gần 10 giờ tối. Chúng tôi từ giã đám bạn, lấy lý do phải về sớm, cần sắp xếp cho ngày mai rời xa Nagoya. Trong suốt khoảng thời gian đi bên nhau, trên đường về căn nhà trọ, chúng tôi gần như không nói với nhau một lời nào đúng nghĩa của buổi tối cuối cùng bên nhau. Natsuki ôm sát cánh tay tôi, đầu dựa vào thân mình tôi, sự im lặng hình như đã thấm sâu vào cảm giác, nó truyền dẫn vào âm thanh của hơi thở và tiếng bước chân đều đặn, buồn bã mà chúng tôi nghe rất rõ khi đi bên  nhau.

Bước vào căn phòng trọ của Natsuki, nhìn thấy vài vật dụng còn sót lại, vương vất trên chiếc bàn kotatsu (loại bàn thấp chân, có gắn một bóng đèn ở dưới mặt bàn để sưởi ấm trong mùa đông) của mấy tuần lễ vừa qua. Cảm giác buồn tẻ phủ trùm lên chúng tôi khi nghĩ đến buổi tối hôm nay là lần bên nhau cuối cùng. Tôi dìu Tatsuki ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn kotatsu (loại ghế hình chữ L, không có chân, mặt ghế đặt sát xuống sàn ngồi). Natsuki im lặng ngả đầu vào ngực tôi, tôi đưa tay vuốt nhẹ mái tóc vướng lòa xòa trên khuôn mặt trái xoan trắng mịn của nàng. Natsuki mở mắt nhìn tôi chăm chú, khá lâu rồi nàng buông nhẹ một tiếng thở dài, trước khi  chậm rãi, buồn bã nói nhỏ bên tai tôi:

-Sáng ngày mai, chúng mình phải xa nhau rồi, Việt nhỉ?

Tôi vẫn im lặng, Natsuki  dụi đầu vào ngực tôi, nói tiếp:

-Chắc anh buồn lắm phải không?

Tôi vòng tay âu yếm ôm sát Natsuki vào lòng mình, buồn bã tôi trả lời nhẹ:

-Anh sẽ gửi thư, điện thoại thường với em, nếu có dịp anh sẽ lại lên Nagoya gặp lại em.

Natsuki ngồi thẳng dậy, vượt ra khỏi vòng tay ôm của tôi, ra vẻ quyết liệt Natsuki trả lời:

-Đừng liên lạc với em nữa, em sẽ không viết thư và cũng không nhận điện thoại của anh đâu. Cuộc tình ngắn ngủi của chúng ta phải được chấm dứt anh ạ. Em biết rõ anh không muốn, em cũng không muốn như vậy, nhưng chúng ta phải chấm dứt mà thôi. Có những điều khó khăn mà em không thể nói rõ với anh được, mong anh hiểu cho em.

Tôi nâng mặt Natsuki lên, nhìn thật kỹ vào đôi mắt buồn cố hữu lạ lùng của nàng. Đã đến lúc tôi không thể chịu đựng được thái độ giấu giếm kỳ lạ của nàng nữa. Tôi nói:

-Natsuki, chẳng có gì có thể ngăn cản được sự liên lạc của chúng ta, trừ một điều duy nhất là chính em không muốn mà thôi. Anh biết chắc chắn, em đang giấu giếm anh một điều gì đó, nguyên nhân sâu kín của nỗi buồn mà em đã không muốn cho anh biết ,dù đã nhiều lần anh dò hỏi.

Im lặng một chút, để cho Natsuki hiểu rõ cảm xúc bực bội của tôi vì sự giấu giếm của nàng. Tôi nói tiếp: 

-Sáng ngày mai, anh phải xa em, anh muốn giữ sự liên lạc với em, em lại chối từ, rồi em lại nói, thật lòng em không muốn thế! Em không thấy đó là câu nói vô lý, làm anh thắc mắc, bực bội sao Natsuki? Anh trở về Miyazaki với lời giải thích nào cho chính lòng anh vì sự im lặng vô lý của em? Anh mong em đừng làm cái chuyện lạ kỳ đó nữa Natsuki ạ. Theo anh chẳng có gì phải giấu giếm nhau khi chúng ta lấy sự chân thật đối đãi với nhau.

Tôi  nói một tràng dài như đổ tất cả được những ấm ức của mình ra. Đưa tay nâng khuôn mặt của Natsuki lên, tôi nhìn Natsuki trong vẻ buồn bã với tí chút giận dỗi, ra vẻ chờ đợi câu trả lời của nàng.

Natsuki vẫn im lặng, đôi mắt nhắm lại… Từ khóe mắt hai dòng lệ ứa ra, lớn dần chảy dài xuống gò má. Tôi bàng hoàng với khá nhiều ân hận vì nghĩ rằng lời nói của mình đã quá mức, đưa nàng vào sự đau xót mà Natsuki đã khổ tâm muốn giấu giếm tôi, vội vàng tôi nói:

-Thôi, anh xin lỗi em. Anh sẽ không thắc mắc, tò mò về cái lý do đó nữa. Anh hiểu, em đã gặp điều gì rất khó khăn không thể tỏ bày với anh được.

Nói xong, tôi ghì sát đầu Natsuki vào ngực mình, tỏ vẻ ăn năn vì những lời nói quá đáng của mình. Natsuki im lặng, nhận đón hành động âu yếm của tôi cho đến khi tôi nói nhẹ vòng tay. Natsuki ngẩng đầu lên, đôi mắt nhòa lệ, buồn rầu nàng nói với tôi:

-Em đã cố giấu anh một tai nạn đang đến với em, em không muốn anh biết một phũ phàng, đau xót của em trước khi chúng ta xa nhau. Em nghĩ rằng, thà để anh có một kỷ niệm đẹp, tiếc nuối trong ký ức về em, người đàn bà đã một lần đến với anh, vẫn còn hơn là nói thật về mình để cho anh phải tưởng tượng về một bóng dáng tật nguyền, đáng thương của em. Nhưng trong hoàn cảnh này em không thể làm theo ý định của em được nữa rồi. Em sẽ nói với anh lý do tại sao em luôn luôn mang theo mình một nỗi buồn đau và không muốn chúng mình liên lạc với nhau nữa khi anh rời xa em vào ngày mai.

Im lặng một lúc, như để lấy lại sự trầm tĩnh, Natsuki nhìn trực diện tôi, với giọng nói gần như khóc Natsuki nói tiếp:

-Anh hãy nhìn kỹ vào đôi mắt của em, anh có tìm thấy điều gì khác lạ không Việt?

-Không phải chờ em yêu cầu, anh đã nhìn nó rất nhiều lần rồi. Ngày đầu tiên gặp em, khi em nhận và đọc tờ giấy có ghi 4 bản nhạc yêu cầu của anh để trên chiếc đàn piano. Rồi nhiều lần sau đó, lúc ngồi trong quán nước, lúc chúng ta gần nhau… chẳng có gì khác lạ, ngoài một điều duy nhất mà anh thấy rất rõ trong mắt em tiềm ẩn ánh nhìn buồn bã, ngay cả lúc em tươi cười. Anh lạ lùng, anh thắc mắc nhưng anh hoàn toàn không đoán biết rõ nguyên nhân. Chỉ có thế mà thôi, ngoài ra chẳng có gì gọi là không bình thường cả.

-Anh có biết mỗi tối trước khi đi ngủ, em làm gì không?

-Em lấy ra khỏi mắt hai tấm contact lenses. Nó cũng có gì để gọi là lạ lùng đâu? Biết bao nhiêu người trên thế giới vì không thích đeo kính họ đã dùng contact lenses, đâu có phải chỉ có em là đặc biệt, khác người đâu?

Natsuki lắc nhẹ đầu cùng với tiếng thở dài buồn bã, nàng trả lời:

-Nhưng trường hợp của em khác, khác hoàn toàn Việt ạ. Với người khác là một sự chữa chạy, một sự  điều chỉnh mống mắt. Còn với em nó còn là sự thoái biến, sự hủy hoại để rồi vài năm nữa em sẽ là người mù loà. Một tai nạn đau đớn không thể tránh thoát được vì nó là một căn bệnh di truyền mà em không may mắn gặp phải. Đó không phải là một nỗi đau khổ cho em sao anh?!

Nói đến đó, Natsuki gục đầu vào vai tôi, Natsuki khóc thật sự, khóc thành tiếng nho nhỏ trong khi tôi bị rơi vào trạng thái bàng hoàng. Tôi không thể tưởng tượng ra được sự bi đát, đau lòng đó cho một cô gái tài năng đang ở cái tuổi 23. Đau đớn hơn nữa là cô ta phải chấp nhận và chứng kiến những diễn tiến đau khổ đến dần dần với đời mình.

Natsuki khóc một lúc lâu, trong khi tôi chẳng biết nói gì hơn là im lặng, vuốt ve, cảm thông nỗi bất hạnh của nàng mà tôi không thể ngờ được. Một lúc sau khi lấy lại được sự bình thản. Natsuki kể cho tôi nghe kỹ lưỡng hơn về căn bệnh di truyền tai ác mà dòng họ nàng phải nhận chịu qua rất nhiều thế hệ.

Nguyên nhân của căn bệnh này là sự thoái biến hoạt động của thần kinh nhãn giới. Triệu chứng bị nhiễm bệnh xuất hiện sớm nhất ở tuổi 18 và muộn nhất ở tuổi 25. Sau tuổi 25 nếu không có dấu hiệu mắc bệnh, thì được coi như bình thường. Khoảng thời gian từ khi mới thấy triệu chứng bị bệnh cho đến khi bị mù hoàn toàn thường kéo dài khoảng 3 năm đến 6 năm. Có nhiều thế hệ trong dòng họ của Natsuki không một ai bị mắc bệnh, nhưng cũng có thế hệ bị rất nhiều người.

Thế hệ ba của Natsuki, người cô ruột và ba của nàng không bị nhưng người chú của nàng có triệu chứng phát bệnh vào lúc 20 tuổi và mù hoàn toàn lúc 24 tuổi. Đến thế hệ của nàng, người anh của nàng 27 tuổi, không có triệu chứng mắc bệnh và đã được coi như thoát nạn, anh ta vừa lập gia đình. Khi Natsuki bước sang tuổi 20 vẫn không có dấu hiệu gì, nàng và gia đình đã hy vọng, tai nạn sẽ qua. Nhưng khi vừa 21 tuổi,  triệu chứng xuất hiện, nhãn quan bị thu ngắn rất rõ ràng, ba mẹ của Natsuki cũng chỉ biết cố tìm cách chữa trị bằng châm cứu, chạy điện với hy vọng kéo dài được thời gian suy thoái của thần kinh nhãn quan mà thôi.

Natsuki cũng tâm sự với tôi về một cuộc tình đằm thắm của nàng cũng đã bị đổ vỡ vì sự lãnh đạm của người yêu, cùng với sự chống đối của gia đình anh ta sau khi biết căn bệnh di truyền của nàng khởi phát. Sau đó vài tháng, Natsuki lại có một mối tình khác, nhưng cũng lại gặp những khó khăn của gia đình người yêu, tương tự  như mối tình đầu tiên, mặc dầu người tình thứ hai này nhìn rõ và chấp nhận thảm trạng tương lai của nàng. Nhưng Natsuki đã tìm đến một giải pháp tự ý rời xa người yêu để không làm cho người yêu phải khổ sở vì sự bất hòa trong gia đình. Natsuki tự hứa, cố gắng thoát khỏi những vướng víu tình cảm để khỏi bị đau khổ bằng cách tìm vui trong âm nhạc.

Natsuki buồn rầu, nói tiếp:

-Lần gặp anh ở khách sạn, khi anh mời em đi uống cà phê, em đã lưỡng lự, định từ chối, nhưng sau đó, em nghĩ rằng anh chỉ ở Nagoya một thời gian ngắn, vài ba tuần lễ, lại là người ngoại quốc nữa, sẽ chẳng khó khăn gì để chấm dứt một cuộc quen biết sơ sài. Nhưng đến ngày hôm nay, em mới biết rằng em đã lầm lẫn Việt ạ. Có những cuộc tình rất cần thời gian để gắn bó, thân yêu, nhưng không phải là một định lệ, bởi vì có những lần yêu mà thời gian không thể chi phối sự lớn mạnh của nó được!…

Natsuki buông tiếng thở dài nói tiếp:

-Nhưng dù thế nào, chúng mình cũng phải xa và quên nhau vào ngày mai vì hai chúng ta đều có một hoàn cảnh khó khăn. Em đang đợi chờ một định mệnh đau buồn đến với mình nay mai. Anh đang vướng mắc vào những mù mờ trong cuộc sống và cũng chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Người ta không thể liên kết hai điều bất hạnh với hy vọng có được một may mắn anh Việt ạ. Chính vì vậy, ngày mai khi anh trở về Miyazaki cũng là ngày chúng ta xa nhau và quên nhau, không có gì để vướng bận lo lắng cho nhau nữa. Sự kéo dài liên lạc của chúng mình không phải là giải pháp tốt, chỉ mang đến những rắc rối, buồn đau cho nhau mà thôi. Em sẽ cố quên anh, sẽ gò mình vào với âm nhạc, thú vui duy nhất để đợi chờ tai nạn đang đến với em.

Im lặng nhìn khuôn mặt đau khổ dàn dụa nước mắt của Natsuki, tôi hiểu rằng, không một lời an ủi nào trong lúc này có giá trị hơn là im lặng để cảm thông và chấp nhận lối giải quyết quá buồn đau nhưng rất thực tế của nàng. Từ ngày chiến tranh ở quê nhà chấm dứt, tôi đã gặp biết bao nhiêu khó khăn, đôi lúc tôi có cảm tưởng mình phải buông xuôi sự phấn đấu vì nghĩ rằng nó không có lối thoát. Hiện nay, tương lai của tôi vẫn là một con đường hầm mà tôi chưa tìm thấy một tia sáng ở đầu bên kia… Thì làm sao tôi có can đảm nghĩ đến sự cưu mang cho Natsuki được ?Đó là một thực tế mà tôi phải nhìn rõ và chấp nhận.

***

Sáng hôm sau, Natsuki đi cùng với tôi ra phi trường. Sau khi làm xong tất cả thủ tục cho chuyến bay, hai đứa chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc ghế salon trong khu vực chờ đợi của phi trường. Bên ngoài khung kính to lớn của phi trường, những chiếc máy bay nằm im như ngơi nghỉ, chờ đợi những toán nhân công đang bận rộn sắp xếp hàng lý lên tấm thân vĩ đại của nó. Từ đằng xa xa, ánh mặt trời chiếu rọi xuống phi đạo tráng nhựa, tạo ra những ảo giác nhấp nháy làm cho nhãn quan hai chúng tôi khó chịu. Gần ngay khung kính có vài chậu hoa đủ màu sắc chen lấn với những chiếc lá xanh mơn mởn. Có vài người khách, vài đứa bé mặc những bộ quần áo tươi sáng, sang trọng bận rộn đi đi, lại lại ngắm nhìn các món đồ trong khung kính của các gian hàng bán đồ lưu niệm…

Natsuki dựa đầu vào vai tôi, để mắt nhìn bâng quơ những hoạt cảnh của phi trường. Với âm thanh buồn bã, nàng nói nhẹ bên tai tôi:

-Có lẽ 2 năm, 3 năm hay 5 năm sau, màu sắc thắm tươi của cây cỏ, hoa lá, cả những tà áo nhiều màu của những đứa bé dễ thương và của những người phụ nữ sang trọng kia… tất cả sẽ biến mất, trong nhãn giới của em, nó sẽ được thay thế bằng màu đen của kẻ mù loà, thế giới của em lúc đó chỉ có một mầu đen duy nhất mà thôi. Trong thế giới đơn thuần đó em sẽ đóng khung vào sự trầm lặng, buồn bã, đơn điệu  của nhân gian, Đẹp hay xấu, to hay nhỏ và cả đến những cảm xúc buồn vui, hờn giận, hoan lạc hay bất hạnh… Với em tất cả những cái đó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Em sẽ phô diễn nó bằng xúc giác và âm thanh, chính vì vậy em đã dìm mình vào thú vui âm nhạc, thú vui của những người sáng tạo âm thanh. Em hy vọng trong âm thanh em sẽ tìm được vài niềm an ủi, dấu kín được phần nào nỗi đau khổ to lớn của kẻ mù loà.

Tôi chẳng biết làm gì hơn là nói với Natsuki vài lời hy vọng:

-Anh biết nói với em gì đây trước giây phút anh phải từ giã em, ngoài một điều, anh ước mong có một kỳ duyên nào đó, sẽ mang may mắn đến cho em, để em không phải nhận chịu nỗi khổ đau mà em tưởng rằng không có một hy vọng nào thoát ra được.

-Cám ơn anh. Hy vọng nào có thể phủ lấp được nỗi đau đớn của một người phải nhìn thấy tật ách di truyền đã nối tiếp qua bao nhiêu thế hệ mà ngày nay nó đang mang bóng tối dần dần đến với chính cá nhân mình không anh?

Nói xong Natsuki lại gục đầu vào ngực tôi, nàng khóc! Tôi chẳng biết làm gì hơn là im lặng cùng với bối rối, buồn đau. Tôi hiểu rằng bất cứ một lời an ủi nào của tôi vào lúc này không những vô nghĩa lý, dư thừa, mà còn đào sâu cảm giác đau buồn của nàng nữa. Một lúc sau, có lẽ đã lấy lại được sự bình thản. Natsuki ngồi dậy, vuốt lại vài lọn tóc lòa xòa, thấm nước mắt, nàng nói:

-Có lẽ đã đến giờ anh phải lên máy bay rồi, thôi xa nhau anh nhé. Chẳng biết có một ngẫu nhiên nào chúng mình lại gặp nhau Việt nhỉ? Ngày đó có lẽ với anh, em sẽ có rất nhiều thay đổi, nhưng với em, một người mù loà thì anh không bao giờ đổi thay, anh vẫn vậy, mãi mãi như anh bây giờ trong nhãn quan và trí nhớ của em.

Tôi ôm ghì lấy Natsuki, hôn nhẹ trên khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của nàng trước khi uể oải đứng dậy đi đến quầy kiểm soát, ngăn cách giữa người ra đi và kẻ đưa tiễn. Sau khi buông tay cho tôi đi qua cửa kiểm soát, Natsuki buồn bã nhìn theo tôi, Natsuki vẫy nhẹ cánh tay rồi cúi đầu quay mặt bước nhanh ra hướng cổng phi trường không một lần ngoái nhìn lại.

***

Trở lại Miyazaki, tôi viết cho Natsuki một tờ hagaki (post carte) báo tin sự bình an, cám ơn những cảm tình mà nàng đã dành cho tôi trong thời gian vừa qua. Rồi dịp sinh nhật của nàng vào Tháng Chín, cũng như dịp đầu năm mới, tôi gửi thư và thiệp tết cho nàng, nhưng vẫn chẳng có hồi âm!  Đôi lần tôi có ý định gọi điện thoại, nhưng lại lưỡng lự, buồn bã bỏ qua. Tôi tự hỏi để làm gì khi chẳng mang đến một giải quyết nào tốt đẹp hơn là chấp nhận sự im lặng hợp lý nhất của nàng.

Sau đó khoảng hơn một năm sau, nhờ có người em gái ở Mỹ bảo lãnh, tôi rời Nhật Bản sang Mỹ định cư. Rồi cũng trong năm đầu tiên ở Mỹ tôi quen biết và kết hôn với một cô gái Nhật đang sống ở Mỹ, cô ta người tỉnh Miyazaki, nơi mà tôi đã học và sống ở Nhật trước khi đến Mỹ.

Những năm tháng tiếp theo, với những lo lắng của việc sinh sống, phấn đấu cho sự an định tương lai của chính mình và gia đình. Tôi đã quên đi cuộc tình ngắn ngủi đó, coi như một thoáng qua, một ký ức đau buồn trong đời mình. Tôi đã quên Natsuki cô sinh viên bất hạnh, một thời tôi đã yêu, đã cho tôi rất nhiều ray rứt bi thương khi xa nhau.

Cứ vài năm gia đình tôi lại về Nhật một lần trong những dịp nghỉ hè hay nghỉ tết của con cái. Miyazaki là nơi quê vợ tôi, một tỉnh nhỏ miền Nam Nhật Bản không có đường bay quốc tế. Mỗi lần về thăm, chúng tôi phải mua vé máy bay trung chuyển đến các tỉnh lớn khác như Osaka, Tokyo, Nagoya hay Fukuoka…Rồi từ đó mới lấy máy bay quốc nội hay tầu điện trở về quê của vợ tôi.

Một dịp vào mùa hè, gia đình tôi trên đường về thăm Nhật Bản, máy bay mang chúng tôi xuống phi trường Nagoya. Nhìn lại phong cảnh cũ làm tôi chợt nhớ đến mối tình ngắn ngủi, buồn bã của tôi và Natsuki gần 23 năm về trước.Tôi muốn lưu lại Nagoya vài ngày, đi tìm lại những dấu vết của lần yêu thương, hy vọng rất nhỏ được gặp lại Natsuki để tâm sự, để nhìn những đổi thay của nàng sau khoảng thời gian quá dài, không một lần hội ngộ. Tôi đã ở lại Nagoya trong khi vợ con tôi lấy máy bay về quê ngoại trước.

Tôi đi lại một mình trên vài con đường ở trung tâm thành phố, nơi mà ngày xưa tôi đã cùng đi dạo với Natsuki. Tạt vào một quán cà phê mà ngày đó chúng tôi thường ngồi bên nhau thủ thỉ vào những buổi chiều nắng ấm. Tôi cũng lấy xe bus đến thăm căn nhà trọ của Natsuki ngày xưa, với hy vọng thật mong manh, mộng ảo là Natsuki vẫn còn sống ở đó. Nhưng căn nhà đã biến mất, thay bằng một building thương mại to lớn gồm những cơ sở buôn bán và văn phòng.

Buổi chiều tôi đến thăm phân khoa âm nhạc của đại học Nagoya, ngoài cổng phân khoa vẫn dán đầy bích chương màu sắc chói mắt của những đoàn thể sinh viên làm chính trị. Vẫn những đám đông sinh viên tụ tập từng nhóm nói chuyện, đùa giỡn nhau. Bước vào khu vực đại học, những dãy nhà nhiều tầng của phân khoa xếp xen kẽ giữa những hàng cây cổ thụ… Tất cả đều giống như xưa, ngày mà tôi quen biết Natsuki. Nếu có khác một tí, có lẽ là trên những chiếc ghế dài dưới tàng cây trồng dọc những con đường trải nhựa trong khuôn viên đại học, có vài cặp tình nhân bạo dạn hơn xưa rất nhiều. Họ vuốt ve, ôm hôn nhau không một tí ngại ngần, ngượng nghịu.

Có lẽ quá khứ không hoàn toàn biến mất trong trí nhớ của tôi nên vô tình tôi đi vào căn giảng đường của phân khoa âm nhạc ngày xưa, nơi tôi đã đến đây với Natsuki vài lần, ngồi xem Natsuki tập dượt với bạn bè trong nhóm. Tất cả chẳng có gì thay đổi, trên sân khấu vẫn chiếc đại dương cầm (grand piano) cũ kỹ đứng trơ vơ ở một góc cùng với dàn trống và vài chiếc kệ để sách âm nhạc. Bên cạnh sân khấu là hai chiếc loa màu đen to lớn cũ kỹ. Trên trần nhà dãy đèn xoay nhiều màu dùng cho các buổi tổ chức khiêu vũ vẫn giống như trước . Còn phía dưới sân khấu những chiếc ghế xếp không có hàng lối ngổn ngang trên nền nhà… Không có một ai ở trong phòng, có lẽ vì không phải là giờ diễn tập của nhóm.

Tôi im lặng đến ngồi ở một chiếc ghế gần cuối giảng đường, trong không gian im lặng, buồn tẻ đó, tôi để mắt vu vơ nhìn lên sân khấu. Kỷ niệm của 23 năm về trước mù mờ hiện ra trong ký ức tôi, tôi còn nhớ rõ, ngày đó Natsuki là một thành viên trong nhóm, nàng đứng giữa nhóm với chiếc đàn violin, bên cạnh Natsuki  là cô Matsumi bạn gái thân nhất của Natsuki, cô ta sử dụng đàn viola. Đằng sau Natsuki một cô gái khác chơi piano, những nam sinh viên chơi trống, guitar, trompet, sáo, họ đứng  xen kẽ vào chỗ ba cô sinh viên… Mau quá, thế mà đã 23 năm rồi, thời gian qua thật mau. Tôi tự hỏi Natsuki bây giờ nàng ở đâu và đời sống của nàng ra sao? Đôi mắt cua Natsuki có thật sự đi vào tối đen như nàng nói hay không ! ? 

Trong khi tôi đang trầm mình vào dòng sông của ký ức, tiếng mở cửa giảng đường đã làm tôi giật mình bừng tỉnh. Một cô sinh viên bình thản đi vào, cô ta nói vài câu chào hỏi thông thường khi nhìn thấy tôi rồi đi lên sân khấu. Cô ta thu dọn sơ sài vài chiếc ghế xếp ngổn ngang trên sàn nhà rồi cũng chẳng thèm để ý đến tôi, cô ta đến ngồi vào chiếc ghế của chiếc đại dương cầm, thử vài hợp âm trước khi chú tâm vào tập dượt. Tôi cũng chẳng để ý đến cô ta và cũng chẳng thèm theo dõi những bản nhạc mà cô ta đang  tập luyện bởi vì nó hoàn toàn xa lạ với tôi . Tôi vẫn im lặng tiếp tục cho trí nhớ mình trở về với kỷ niệm của 23 năm trước, nó đang hiện rõ, di chuyển dần dần trong trí nhớ của tôi.

Cho đến một lúc khá lâu, hình như đã thoả mãn hay mệt mỏi với tập dượt, cô sinh viên mới ngước mắt nhìn về phía tôi. Có lẽ vì bộ quần áo complet hay vì những nếp nhăn tuổi tác và mái tóc hoa râm của tôi là những dấu tích hoàn toàn khác lạ với hình ảnh một người sinh viên. Cô ta ngước mắt nhìn tôi kỹ lưỡng hơn, với tí chút ngạc nhiên cô ta nói:

-Xin lỗi ông, tôi đã làm phiền sự im lặng của ông.

Tôi nhìn cô ta mỉm cười, hơi thích thú với lời xin lỗi lễ phép và vô lý của cô ta. Tôi trả lời:

-Tại sao cô phải xin lỗi tôi? Đây không phải là nơi cô tập dượt âm nhạc hay sao? Tôi mới là người đang làm phiền cô chứ?

Nghe tôi nói, với giọng phát âm khác lạ, cô ta mở to đôi mắt ngạc nhiên vì biết rằng tôi là người ngoại quốc. Ngập ngừng tí chút rồi cô ta hỏi tôi:

-Chú là sinh viên ngoại quốc hả? Cháu xin lỗi chú vì không biết.

-Không, cô lầm rồi. Tôi chỉ là một du khách, trở lại đây để nhớ đến một người con gái Nhật mà tôi đã gặp cô ta 23 năm về trước. Ngày đó cô ta cũng là sinh viên phân khoa âm nhạc như cô. Cô ta thường dẫn tôi đến đây, ngồi xem cô ta và nhóm bạn trong nhóm tập dượt.

Cô sinh viên cau mày với tiếng ”á” tỏ vẻ ngạc nhiên:

-Hai mươi ba năm về trước? Trời ơi, lúc đó cháu chưa sinh ra chú!

Nói xong cô ta đứng dậy, vội vàng chạy xuống chỗ tôi ngồi, dáng điệu nhí nhảnh, tò mò, ngồi ngay vào chiếc ghế đối diện với tôi. Miệng cô ta nở nụ cười rất nhí nhảnh, dễ thương cùng với vài câu khẩn khoản yêu cầu tôi kể cho cô ta nghe câu truyện tình mà cô ta rất muốn biết.

Chẳng ngại ngần, tôi kể sơ sài cho cô ta nghe về cuộc gặp gỡ giữa tôi và Natsuki. Tuy nhiên tôi không nói đến tình trạng đôi mắt của Natsuki. Cô sinh viên chăm chú nghe tôi kể chuyện cho đến khi tôi chấm dứt, cô ta hỏi tôi :

-Tên cô bạn của chú là gì?

-Yoshiyuki, Yoshiyuki Natsuki.

Nghe tôi trả lời, ra vẻ ngạc nhiên cô ta nhắc lại:

-Yoshiyuki Natsuki ?

Cô sinh viên cau mày, nhắc lại tên của Natsuki nhiều lần ra vẻ không tin. Một lúc sau cô ta nhìn tôi với vẻ ngại ngần như có điều gì khó nói. Tôi có linh cảm cô ta đã biết Natsuki, chẳng dấu được sự mừng rỡ, ngạc nhiên, tôi hỏi cô ta dồn dập:

-Đúng rồi, Yoshiyuki Natsuki, cô biết cô ta hả? Hiện nay cô ta ra sao và ở đâu ?

 Cô sinh viên hơi nhắm đôi mắt, lấy đôi bàn tay quơ nhẹ trước mặt… ra dấu như người mù loà. Cô ta trả lời tôi:

-Nếu đúng thì chắc là Yoshiyuki sensei (giáo sư) rồi. Bà rất nổi tiếng ở Nagoya, đã rất nhiều lần trình tấu Violin trên đài NHK (đài Truyền hình toàn quốc, của chính phủ Nhật bản). Hiện nay bà ta đang là giáo sư thỉnh giảng về Violin cho phân khoa âm nhạc của đại học Nagoya và nhiều trường âm nhạc công và tư trong tỉnh.

Tôi không ngạc nhiên nhiều khi nghe cô sinh viên nói đến sự thành công và nổi danh của Natsuki. Nhưng tôi lịm người, nhói đau khi biết Natsuki đã thật sự bị mù lòa. Tôi buồn rầu hỏi cô sinh viên rất kỹ về Natsuki.

Natsuki vẫn còn độc thân, ngoài việc dạy học, thỉnh thoảng đi trình diễn violin trong các nhạc viện trong toàn quốc. Khi nào có mặt ở Nagoya, Natsuki thường đến giúp vui cho một phòng trà khiêu vũ sang trọng của một club trên trung tâm thành phố. Hội viên phần lớn là những người đứng tuổi, giàu có ở ngay trung tâm thành phố. Người ngoài hội có thể tham dự nhưng phải trả tiền vào cửa khá mắc, chính vì vậy nơi đây không thích hợp cho giới trẻ tuổi với những loại nhạc ồn ào, khích động.

***

Khoảng gần 8 giờ tối hôm đó, tôi đến phòng trà khiêu vũ do cô sinh viên chỉ dẫn. Phòng chiếm trọn một tầng lầu của một building ngay trung tâm thành phố. Ngay chỗ ra vào phía bên phải trong gian đại sảnh là một quầy snack bar khá đông khách, họ ngồi ngất ngưởng trên những chiếc ghế đẩu cao chân. Giữa phòng là sàn khiêu vũ khá rộng rãi có vài cặp đang say sưa với điệu valse êm dịu được chơi bởi một ban nhạc ở một góc phòng. Quanh sàn khiêu vũ, những chiếc bàn nhỏ, mỗi bàn có một chiếc đèn bằng pin để khách hàng thay đổi màu khi muốn gọi người phục vụ.

Dù khá đông khách, nhưng vẫn còn nhiều chỗ trống nhờ căn đại sảnh rất rộng. Tôi tìm một chỗ ngồi nơi góc khá xa với sàn khiêu vũ, nhưng lại sát cạnh chỗ ngồi nghỉ giải lao dành cho ca sĩ, nhạc sĩ.

Nhìn thoáng qua lứa tuổi, cách ăn mặc lịch sự của khách giải trí cũng như loại nhạc được chơi bởi ban nhạc, cho tôi biết được trình độ và cách thưởng lãm của khách hàng. Nơi đây chắc chắn không có cảnh ồn ào, khích động với những ánh đèn mầu nhức óc, inh tai của loại âm nhạc điên cuồng ở các phòng disco của giới trẻ tuổi.

Ngồi chờ khá lâu, qua rất nhiều thay đổi nhạc sĩ và ca sĩ, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Natsuki. Cảm giác lỡ làng, tiếc nuối vì không đúng dịp để gặp được nàng chợt đến với tôi, tôi định ngồi nhâm nhi vài món ăn Satsumi (món ăn đệm dùng cho những người uống rượu), nghe vài ca sĩ trình bày độ vài tiếng đồng hồ cho bõ món tiền khá mắc vào cửa, rồi trở về khách sạn, sửa soạn sáng mai lấy tầu điện trở về Miyazaki với vợ con. Coi như một lần tìm kiếm mà không gặp cố nhân. 

Trong lúc tôi đang tưởng mình thất vọng, trên sân khấu, khi một cô ca sĩ vừa hát xong, người giới thiệu viên cầm micro báo tin Yoshiyuki vừa từ Tokyo về hôm qua, nàng cũng  vừa đến đây để sinh hoạt với club. Những tràng pháo tay từ phía khách vang lên, mọi người  hướng mắt nhìn về phía chiếc cửa nhỏ bên cạnh Snack bar. Natsuki đang được dìu bởi một cô tiếp viên trong club. Tay nàng xách chiếc hộp violin chậm rãi đi ra.

Tôi ngỡ ngàng nhìn bóng dáng của Natsuki, dáng điệu trẻ trung, yểu điệu ngày xưa không còn nữa. Natsuki hiện ra với mái tóc hoa râm, mặc dầu đã được uốn ép khéo léo nhưng hình như cũng không hoà hợp lắm với bộ trang phục cao sang của người thiếu phụ đứng tuổi. Nét đẹp dễ thương luôn luôn ẩn chứa nỗi buồn kín đáo của cô sinh viên xa xưa, lúc còn tinh trường đôi mắt cũng đã biến mất hoàn toàn. Bây giờ cả con người Natsuki hình như có cái gì cứng nhắc, bước đi không tự nhiên của một bức tượng không hồn, thiếu cảm giác.

Truyện ngắn – SAYONARA - 3(Hình minh họa: Xingchen Yang/Unsplash)

Nhìn bước chân của Natsuki di động như dò dẫm, nương tựa vào cô gái đi bên cạnh, làm cho tôi lịm người, nhói buốt con tim. Tôi muốn khóc, muốn hét lên thật to để than trách cho số phận, cho sự đau đớn thiệt thòi của Natsuki. Nàng đây sao? Bao nhiêu năm rồi Natsuki phải sống dưới trạng thái đau buồn khổ ải như thế sao?

Cô gái dẫn Natsuki chậm chạp đến góc phòng dành của ban nhạc trình diễn, cố ý làm cánh tay và thân thể Natsuki đụng chạm vào chiếc cần micro. Natsuki xoay người đứng vào phía sau chiếc micro, nói vài lời cám ơn những tràng pháo tay liên hồi chờ đón, ái mộ nàng từ phía những người khách trong đại sảnh. Rồi Natsuki quay về phía sau nói vài nhỏ câu với người điều khiển ban nhạc.

Bản nhạc Nhật đầu tiên Natsuki trình diễn, hoàn toàn xa lạ với tôi. Nhưng thật buồn, âm thanh réo rắt, chậm rãi, thỉnh thoảng xen vào những đoản khúc ngắn ngủi trầm ấm, kéo dài, làm cho người nghe có cảm giác như than van, thương tiếc cho một mất mát, thất vọng nào đó. Tiếp theo là vài bản cổ điển quen thuộc của Chopin, Beethoven cùng với những bản nhạc Nhật Bản, Tây phương khá xưa mà tôi đã biết như bản ”Hito ame kureba”, ”Du solei plein les yeux”, ”Tombe la neige”, ”You don’t know my heart,”…

Vài người khách mang những bó hoa tặng Natsuki mỗi khi nàng chấm dứt một vài bản nhạc. Có người vuốt ve cánh tay Natsuki tỏ vẻ mến yêu, thương xót, họ nói nhỏ với nàng vài câu khích lệ, cảm phục. Natsuki nhận những bó hoa, nói vài lời cảm ơn nhưng không mang một cảm giác vui mừng, cảm động nào cả, rồi nàng đưa lại phía sau cho cô gái dìu đỡ, cô ta đứng đó mỗi khi nàng được tặng hoa.

Tôi lịm người im lặng nhìn Natsuki, chiếc cằm xinh xắn tựa lên tấm sừng mỏng dính sát vào bầu đàn, nét mặt lãnh đạm, cứng nhắc không còn mang theo cảm giác của một người mê si với âm thanh như ngày xưa nữa. Đôi mắt không thần khí hơi nhắm nhè nhẹ cùng với mái tóc chớm hoa râm, buông lõa xõa xuống vai, đu đưa theo di động của thân mình, nhịp lên xuống của chiếc cung kéo. Natsuki bây giờ trong nhãn quan của tôi là biểu tượng của một khối buồn đau đã kết tụ lại bởi mấy mươi năm đau khổ vừa qua.

Tôi có cảm tưởng ngày xưa nỗi buồn của Natsuki chỉ tìm được một vài khoảng trống, để hiện diện trong ánh mắt còn tinh trường, trên khuôn mặt xinh xắn, thon nhỏ trắng muốt của nàng. Nhưng bây giờ, sau mấy mươi năm mù loà, đau khổ, buồn tủi đã kết tạo lại dày đặc thành khối trên khắp khuôn mặt, trong đôi mắt vô tri giác của nàng rồi.

Trong khi tôi đang tê tái vì thương xót người bạn gái bất hạnh xa xưa, Natsuki khởi đầu kéo một bản nhạc khác. Chỉ vài âm thanh khởi đầu bản nhạc đã làm tôi giật mình. Tôi nhớ thật rõ, một buổi tối cuối tuần, vài ngày trước hôm tôi phải từ giã nàng trở về Miyazaki. Natsuki cho tôi biết, nàng vừa viết xong một bản nhạc để kỷ niệm ngày gặp gỡ của chúng tôi. Nàng đọc lời nhạc, nàng kéo violin cho tôi nghe… Dù đó là bản nhạc đề cập đến cái đẹp của kỷ niệm nhưng thật buồn. Buồn vì âm thanh réo rắt của tiếng violin, buồn vì dáng điệu, vì ánh mắt vu vơ tưởng như muốn khóc của nàng lúc trình diễn…

Hôm nay, với ngẫu nhiên kỳ lạ, với cách cảm, thần giao khó giải thích… Natsuki lại đánh bản nhạc của 23 năm về trước, lúc đôi mắt còn tinh trường, lúc chúng tôi còn là một cặp tình nhân. Tôi đã tưởng rằng với bất hạnh và khổ não của nàng, cũng như với thời gian và gió bão của đời tôi trong mấy mươi năm vừa qua, bản nhạc đó đã đi vào lãng quên. Nhưng giờ đây, âm thanh từ dĩ vãng thật xa trong qúa khứ, âm thanh kỷ niệm của cuộc tình 23 năm về trước lại trở về, lại được réo rắt với tiếng đàn violin của nàng, người tình lỡ dở, tàn phế đáng thương!

Tôi nhìn, tôi nghe, tôi thờ thẫn trong những âm thanh buồn đau kỷ niệm đó. Nhưng ở trạng thái tột cùng thương cảm đó, trí khôn của tôi chợt vùng dậy, cho tôi biết tôi phải ra đi, phải chạy trốn khỏi nơi này tức khắc. Gặp lại cho nàng biết sự hiện diện của tôi, kể lể cho nhau nghe về những đổi thay tạm gọi là tốt đẹp của đời mình trong 23 năm thật dài im lặng vừa qua… Tất cả là một hành động ngu muội, tàn ác và ích kỷ. Nó sẽ là những nhát đâm vào vết thương chưa lành của nàng mà thôi.

Cuộc đời của Natsuki, chẳng còn gì để thắc mắc tìm tòi nữa. Mấy chục năm vừa qua nàng đã sống trong thế giới tối đen, đã lấy âm thanh làm lẽ sống, lấy tần số âm vang làm vật thể mô tả thế gian. Rồi với chính những cố gắng, say mê để tìm quên, để chôn vùi ngày tháng và buồn tẻ đã mang cho nàng một vài thành công. Nhưng chắc chắn chẳng có một thành công to lớn nào có thể bù đắp được nỗi buồn đau quá to lớn, mà nàng đã và đang phải chịu đựng.

Gặp lại để làm chi? Có làm thay đổi được gì đâu ngoài một điều là đưa cho nàng sự tiếc nuối, buồn đau khi nhớ về dĩ vãng. Với ý nghĩ như vậy. Tôi cầm lấy chiếc đèn trên bàn thay đổi từ màu đỏ sang màu xanh để gọi người phục vụ trong nhà hàng. Tôi nói với anh ta, mang cho tôi một bó hoa đẹp nhất trong thùng hoa, mà nhà hàng dành bán cho khách mua tặng cho những người nghệ sĩ.

Bản nhạc vừa  chấm dứt, tôi theo vài người khác cũng lên tặng hoa cho Natsuki. Vẫn những cái vuốt ve thương cảm, vẫn vài câu nói khen tặng yêu mến của những người khách dành cho Natsuki. Nhưng cũng vẫn nét mặt đau khổ lạnh lùng, im lặng, vô cảm giác, không một nụ cười khi nàng nhận bó hoa, khi quay lại đưa cho cô gái đứng phía sau.

Tôi cố ý là người cuối cùng tặng hoa. Tôi đến đến gần hơn, nhìn rõ đôi mắt không còn sự sống của Natsuki, đôi mắt không còn vương vấn, ẩn kín nét buồn xa xăm như ngày xưa nữa! Nó hoàn toàn vô hồn như đôi mắt bằng sáp màu trắng đục khắc trên một tượng gỗ còn nét mặt thì lạnh lùng, vô cảm  của khổ ải, bi thương.

Tôi đưa bàn tay nắm nhẹ cánh tay của Natsuki, đúng lúc đó nước mắt tôi trào ra, tôi khóc thành tiếng, tôi cũng không thể kìm hãm được những tiếng nấc nghẹn ngào từ miệng hay từ con tim thương ái của tôi. Tôi muốn hét lên cho Natsuki biết tên của mình! Tôi muốn kể lể vội vàng những kỷ niệm của chúng tôi trong ba tuần lễ yêu nhau của 23 năm về trước, để cho nàng biết tôi đang hiện diện bên nàng hôm nay! Tôi muốn ôm nàng trong vòng tay tôi, hôn nàng đắm đuối như ngày xưa. Ngày đó tôi đã từng nhìn thật lâu vào đôi mắt rất buồn ẩn kín của nàng … Nhưng dù có muốn tôi cũng không thể nào làm được, vì tiếng nấc nghẹn ngào cùng với dòng nước mắt tôi đang dàn duạ rơi xuống tay của Natsuki, tay của tôi và cả trên bó hoa mà tôi vừa trao vào tay nàng.

Cô gái đứng sau Natsuki ngỡ ngàng nhìn tôi, cô ta không thể ngờ được tại sao tôi quá xúc động như vậy. Natsuki hình như đã nghe thấy tiếng khóc nhẹ và tiếng nấc đau khổ của tôi, Natsuki cũng đã cảm nhận được vài giọt nước mắt của tôi rơi trên cánh tay và cả trên bó hoa vẫn còn trong tay nàng. Natsuki hơi giật mình, nét mặt hướng về tôi Natsuki lạnh lùng hỏi tôi:

-Tại sao ông khóc?

Không thấy tôi trả lời, nhưng có lẽ vẫn nghe thấy tiếng nấc và vẫn cảm thấy những giọt nước mắt tôi vẫn còn rơi. Natsuki nói tiếp với tôi:

-Có lẽ bản nhạc của tôi vừa trình bày đã làm ông đau buồn quá hay sao? Đã kéo ông về với một dĩ vãng khổ đau nào đó phải không?

Nghe Natsuki nói, nhìn nét mặt chai đá, đau khổ của nàng. Có lẽ nếu không nhờ những tiếng nấc nghẹn trong cổ họng, tôi đã không thể kìm hãm được để cất lên tiếng gọi tên nàng và tên tôi. Một hành động xuẩn ngốc thiếu tính suy nếu được thực hiện. Hình như Natsuki tưởng rằng tôi quá xúc động nên không trả lời được, Natsuki buông tiếng thở dài buồn bã nàng nói rất nhẹ:

-Tôi đã phải nhận chịu 5 năm trời ròng rã, hàng ngày nhìn thấy nhãn quan của mình bị yếu dần cho đến lúc hoàn toàn tối đen. Thế giới của tôi mấy mươi năm nay toàn là màu đen buồn thảm, tôi chỉ sống với âm thanh và bóng tối mà thôi ông ạ. Còn một nỗi khổ đau, bất hạnh nào hơn được sự mù lòa của tôi hả ông?

Nghe câu nói của Natsuki tôi muốn hét lên: ”Natsuki ơi, anh đây, Việt của em đây! Người yêu của em 23 năm về trước đây!” Nhưng lại một lần nữa tôi đã kìm giữ được ý tưởng ngu muội của mình cùng với những giọt nước mắt vẫn trào ra. Trong khi  Natsuki và cả cô gái ngẩn ngơ với thái độ lạ lùng của tôi.

Tôi chợt tỉnh táo, trí khôn và con tim của tôi báo cho tôi biết. Tôi phải rời xa đây tức thì, phải xa càng sớm càng tốt nếu không tôi sẽ không thể cưỡng được sự thố lộ chân tướng của mình. Một hành động xuẩn ngốc, chắc chắn chỉ mang đến thêm khổ đau cho nàng và ân hận cho tôi mà thôi. 

Tôi buông đôi tay của mình khỏi đôi vai của Natsuki, bước lùi lại đằng sau, rồi tôi cố nói vài tiếng từ giã:

-Sayonara, sayonara Yoshiyuki Natsuki!

Nói xong tôi cúi mặt, len lỏi xuyên qua những chiếc bàn đầy khách, bước vội ra khỏi nhà hàng khiêu vũ. Những người khách ngồi chung quanh và cả cô gái nhận hoa đứng sau Natsuki ngơ ngác không hiểu nhìn theo tôi. Natsuki vẫn với dáng đứng bâng quơ, lạnh lùng, vô cảm giác, nàng hướng khuôn mặt theo âm thanh của tiếng bước chân vội vã của tôi và buông tiếng thở dài!

***

Sau khi ra khỏi vũ trường, tôi lấy taxi về khách sạn cho kịp sáng ngày mai với chuyến tàu điện sớm nhất để trở về Miyazaki. Tôi trốn chạy Nagoya, thành phố tôi không có gì phải ghét bỏ, nhưng tôi tự hứa là sẽ không bao giờ đến đây nữa. Thành phố, nơi mà tôi sẽ mãi mãi nghe thấy âm thanh của tiếng đàn violin đau buồn, khổ ải của người con gái mà tôi đã yêu, âm thanh đó sẽ mãi mãi làm tê tái tâm hồn tôi.

Tôi cũng tự nói với mình, từ nay tôi sẽ không bao giờ mua vé máy bay về thăm quê ngoại, mà tôi phải đến Nagoya để chuyển đổi máy bay hay xe điện nữa. Tôi sẽ vĩnh viễn xa Nagoya, xa Natsuki. Tôi không muốn nhớ đến nàng nữa, cả những kỷ niệm đẹp đẽ 3 tuần lễ mà chúng tôi yêu nhau 23 năm về trước!  Tôi  muốn quên, quên tất cả về nàng, người tình xa xưa bất hạnh, khổ đau của tôi. Tôi không muốn ký ức tôi còn giữa lại bất cứ những gì mà tôi còn nhớ về nàng nữa. Đau khổ của nàng chính là nguyên do trốn chạy đau khổ của chính tôi. 

(*) SAYONARA: Tiếng chào giã biệt, từ biệt và cả vĩnh biệt nữa.

Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn – 7 tháng 6, 2024

https://saigonnhonews.com

Truyện khác