Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Viếng tòa thánh Vatican

Viếng tòa thánh Vatican

Tòa thánh Vatican ở Rome, Ý Ðại Lợi là trung tâm của giáo hội Thiên Chúa Giáo là tôn giáo tin và thờ Chúa Trời, lấy tình thương, bác ái làm phương châm. Giáo hội có nhiều dòng tu (mission) để giảng đạo và làm công tác bác ái, từ thiện như giúp người khốn khổ, nghèo đói, bệnh tật, mồ côi và tòa thánh Vatican là nơi điều hành các công tác này. Thật ra tòa thánh không rộng lớn, các kiến trúc to lớn đều là nhà thờ, bảo tàng, di tích lịch sử, điều hành giáo hội chỉ có tòa nhà Administrative Center nằm bên trong khuôn viên tòa thánh nhưng giáo hội tiến hành được nhờ các giáo phận khắp nơi ở các nước.

Buổi sáng ngày 9 Tháng Năm 2008, một ngày Xuân thật đẹp trời, sau khi cùng đoàn du lịch vào viếng thánh đường Thánh Phêrô, chúng tôi có 2 tiếng đồng hồ tự do để đi ăn trưa, mua sắm đồ kỷ niệm ở những khu phố xung quanh công trường Thánh Phêrô. Chương trình được tiếp tục đi xem những di tích cổ ở La Mã như Giác Ðấu Trường Colosseum, khu di tích cổ Forum, suối phun Trevi Fountains v.v... Sau đó chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi, trọn buổi chiều và tối được tự do đi mua sắm hay ngao du khám phá thêm về thành phố La Mã. Khoảng 3 giờ chiều 3 người chúng tôi đi bộ trở lại Công Trường Thánh Phêrô để đi xem hầm mộ Catacombs là nơi chôn các Ðức Giáo Hoàng.

Lịch sử thành lập Vatican

Quốc Gia Vatican City là một nước nhỏ được bao quanh bằng bức tường thành nằm về phía Tây sông Tiber trong thành phố Rome thủ đô nước Ý Ðại Lợi. Diện tích Vatican là 44 hectares (110 acres) và dân số chỉ có khoảng 800 người là nước độc lập nhỏ nhất trên thế giới về dân số lẫn diện tích đất đai. Vatican là trung tâm của Thiên Chúa Giáo nguyên thủy ngày xưa là Quốc Gia của Giáo Hoàng (Papal States) từ 756 đến 1870 có lãnh thổ ở miền Trung Ý Ðại Lợi bao gồm luôn thành phố Rome. Sau Cách Mạng Pháp 1789 thành công, bãi bỏ chế độ quân chủ, các vương quốc lân bang lo sợ làn sóng dân chủ lan sang, năm 1796 liên quân Anh Nga Áo tập trung tấn công nước Pháp, Nã Phá Luân (Napoléon) được bổ nhiệm làm tư lệnh đạo quân thứ 4 sang đánh nước Ý để ngăn chận quân Áo. Năm 1800 Nã Phá Luân đánh quân Áo tan tác tại trận Marengo và chiếm luôn nước Ý, ông lên làm vua nước Pháp và luôn cả nước Ý, thống nhất một số vùng như Venice, Tuscany sáp nhập vào nước Ý. Năm 1816 Nã Phá Luân bại trận và bị đày ra ngoài đảo St. Helena. Nước Ý thống nhất và độc lập, thủ đô đặt tạm ở Florence nhưng Rome vẫn là vùng đất riêng của nước Thiên Chúa Giáo. Năm 1861 Rome tuyên bố là thủ đô Ý và dưới sự bảo vệ của Pháp. Phong trào thống nhất nước Ý ngày càng được dân chúng cổ võ, năm 1870 nhân cơ hội quân Pháp bận đánh với Prussian (thuộc nước Ðức) quân Ý tiến chiếm Rome và sáp nhập Rome vào nước Ý kể từ ngày đó. Sau 68 năm Vatican là vùng đất thuộc Vương Quốc Ý, năm 1929 với hiệp ước Lateran ký với Mussolini, Vatican được độc lập với lãnh thổ riêng như ngày nay.

Vatican là một nước quân chủ được cai trị bởi Giáo Hoàng do Hội Ðồng Hồng Y (College of Cardinals) bầu lên có nhiệm kỳ trọn đời nhưng được đề cử để bầu phải dưới 80 tuổi. Giáo Hoàng trên nguyên tắc đứng đầu chế độ quân chủ chuyên chế Vatican, có quyền vừa lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp. Ðó là chế độ quân chủ chuyên chế duy nhất ở Âu Châu. Giáo hoàng cư ngụ ở tòa nhà nhiều tầng cạnh Công Trường Thánh Phêrô có tên là Papal Apartments, nơi đó ông làm việc hàng ngày và tiếp các phái đoàn ngoại giao. Giáo hoàng hiện nay là Benedict thứ 16 gốc người tỉnh Bavaria nước Ðức là giáo hoàng thứ 265 kể từ ngày thành lập giáo hội vào đầu thế kỷ thứ nhất và giáo hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô tử đạo ngay tại đất Vatican ngày nay. Phụ tá cho giáo hoàng để điều hành công việc hiện nay là Hồng Y Ý Ðại Lợi Giovanni Lajolo được Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm vào ngày 11 Tháng Chín 2006 trong chức vụ chủ tịch của hội đồng Pontifical Commission for Vatican City State có nhiệm kỳ 5 năm. Vatican dùng chữ La Tinh trong các văn bản chính thức nhưng cũng được dịch ra các ngôn ngữ thông dụng khác, có phát hành hộ chiếu (passport), có bưu điện riêng với tem thư riêng (thường dành cho những người sưu tập tem thư), có nhà ga xe điện riêng để nối vào đường sắt của nước Ý. Không có phi trường cũng như hãng hàng không riêng, giáo hoàng công du nước ngoài phải thuê phi cơ của các hãng Âu Châu khác. Ðường bộ trong thành phố Vatican chỉ dài có vài kí lô mét. Số tội phạm so với dân số thì rất cao (vì chỉ có 800 dân), đa số là tội móc túi, ăn cắp vặt diễn ra ở Công Trường Thánh Phêrô mà nạn nhân là du khách hoặc tín đồ hành hương. Nước Vatican thuê lính người Thụy sĩ để bảo vệ trật tự an ninh, truyền thống này có từ đời Giáo Hoàng Julius 2 vào năm 1506 thuê lính Thụy Sĩ làm vệ sĩ cho ngài. Cho đến ngày nay đội quân Pontifical Swiss Guard có 134 người (cuối năm 2005) vẫn mặc đồng phục như thời thế kỷ 16 với quần áo sọc màu lục, vàng, đỏ rất bắt mắt. An ninh ở Công Trường Thánh Phêrô do lính Thụy Sĩ phối hợp với cảnh sát Ý trách nhiệm, bình thường lính Thụy Sĩ chỉ làm nhiệm vụ chỉ dẫn du khách, giữ gìn trật tự ở những nơi đông người sắp hàng. Vatican có đài truyền hình, đài phát thanh riêng trong đó có chương trình tiếng Việt Nam.

Những kiến trúc bên trong Vatican

Quốc gia Vatican được bao bọc bằng một vòng bức tường cao được xây bằng đá vào thời Giáo Hoàng Leo IV (847-855). Cửa Vatican mở ra với thế giới bên ngoài là đại thánh đường Thánh Phêrô nhìn ra hướng Ðông với công trường Thánh Phêrô ở phía trước. Cạnh thánh đường Phêrô về phía Bắc là nhà nguyện Sistine Chapel nơi hội đồng Hồng Y họp kín bầu Giáo Hoàng. Cũng về phía Bắc cạnh nhà nguyện Sistine là nhà bảo tàng Vatican rất rộng lớn chứa nhiều tác phẩm của Michelangelo. Cạnh đó là ngôi nhà chung cư của Ðức Giáo Hoàng nơi ngài thường xuất hiện trên cửa sổ để chào đón ban phép lành cho các tín đồ vào trưa các ngày Chủ Nhật. Phía sau thánh đường Thánh Phêrô diện tích phần lớn là vườn hoa nơi các giáo hoàng tĩnh tâm. Vườn hoa do Giáo Hoàng Nicholas 3 (1277-1280) thành lập khi dọn từ Lateran Palace về cư ngụ trong Vatican. Rải rác trong khu vườn là Tòa Nhà Quản Trị (Administrative Center) điều hành giáo hội, nhà ga xe lửa, đài phát thanh, sân trực thăng và một hội trường lớn nằm về phía Nam thánh đường Phêrô. Nhà bưu điện, tiệm sách, phòng chỉ dẫn và một nhà hàng ăn nằm ở vòng cung phía Nam công trường Thánh Phêrô. Bên dưới hầm nhà thờ Thánh Phêrô là Catacombs, hầm mộ nơi an táng các giáo hoàng qua đời.

Viếng hầm mộ Vatican

Trong vùng Rome có ít nhất là 40 hầm mộ để chôn xác người chết, có những hầm mộ mới vừa được khám phá trong những năm gần đây. Vì đất dưới thành phố Rome là do phún xuất thạch cấu tạo nên rất dễ đào nhưng khi tiếp xúc với không khí đất trở nên cứng không thua gì đá. Hầu hết những người được an táng đều là người Thiên Chúa Giáo vì họ tin rằng xác người đến ngày tận thế sẽ sống lại nên họ không thiêu xác mà thời cổ xưa ở La Mã thường áp dụng và hầm mộ được thông dụng từ thế kỷ thứ 2. Dưới hầm mộ có những đường hầm rộng lớn, thời xưa dân chúng có thể ẩn trốn để tránh giặc và cũng là nơi cử hành những nghi thức tôn giáo trong thời kỳ đạo bị cấm.

Buổi chiều chúng tôi trở lại công trường Thánh Phêrô để viếng hầm mộ dưới nhà thờ gọi là Catacombs hay là Crypt (chữ Crypt có nghĩa là nhà nguyện dưới hầm mộ). Vào viếng khu hầm mộ cũng miễn phí và sắp hàng ở tay phải trước nhà thờ và cũng phải qua khâu xét các túi xách tay nhưng dòng người ngắn hơn là vào thăm nhà thờ. Hầm mộ dưới nhà thờ Thánh Phêrô trong tòa thánh Vatican năm 64 AD người ta đã chôn Thánh Phêrô là giáo hoàng đầu tiên và sau đó đã chôn thêm 91 vị giáo hoàng khác nữa. Ðường vào hầm mộ chỉ một lối đi nhưng hai bên chôn nhiều quan tài và có tất cả hơn 100 ngôi mộ. Khi nghe nói là nhà mồ tôi tưởng rằng không khí âm u mùi tử khí và quang cảnh rợn người nhưng nơi đây trái lại cảnh trí như là dưới nhà ga xe điện ngầm: đèn điện sáng, không khí được điều hòa không ngộp ngạt và các nấm mồ đều bằng đá hoa cương mỹ lệ với nhiều bó hoa tươi rực rỡ và khách vào viếng tấp nập. Có một nơi đèn thắp sáng rực và người ta đứng cầu nguyện rất đông nghẽn cả lối đi. Tò mò đọc tên trên nấm mồ tôi mới biết đó là phần mộ của Ðức Giáo Hoàng John Paul Ðệ Nhị, người Ba Lan đăng quang vào năm 1978 và mất vào ngày 2 Tháng Tư 2005. Ngài biết nhiều thứ tiếng, triều đại của ngài là thời kỳ đạo Thiên Chúa suy thoái ở các nước tiền tiến nhưng phát triển ở các nước Thế Giới Thứ Ba (các nước nghèo) và ngài đã thực hiện hơn 100 chuyến đi thăm các nước. Ngài cũng đã phong thánh rất nhiều người hơn những giáo hoàng tiền nhiệm trong đó có nhiều thánh tử đạo Việt Nam. Ngày 13 Tháng Năm 1981 Ðức Giáo Hoàng John Paul Ðệ Nhị bị mưu sát bằng súng ở công trường Thánh Phêrô, dù bị thương mất nhiều máu nhưng may mắn ngài sống sót và sau Giáng Sinh 1983 ngài đã vào khám thăm anh xạ thủ người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn ngài đang thụ án chung thân. Vụ ám sát do Liên Sô đứng đàng sau vì ngài ủng hộ công đoàn đoàn kết Solidarity ở Ba Lan. Chính phong trào này đã mở màn cuộc Cách Mạng Nhung khiến cả khối Liên Xô sụp đổ sau đó. Vì những linh thiêng sau khi ngài qua đời, Ðức Giáo Hoàng đương nhiệm Benedict 16 đang tiến hành thủ tục phong thánh cho cố Giáo Hoàng John Paul Ðệ Nhị. Hôm nay tôi cũng hân hạnh được tới đây để viếng trước mộ của ngài, cho dù là con chiên ghẻ lạc đàn nhưng chắc ngài cũng thương xót mà phù hộ cho tôi.

Trong hầm mộ dưới nhà thờ này ngoài 91 giáo hoàng được an táng còn có hoàng đế La Mã Otto 2, nhà soạn nhạc Giovanni Pierluigi Da Palestrina, vua Anh lưu vong James Francis Edward Stuart và hai con, nữ hoàng Thụy Ðiển Christina of Sweden người chấp nhận thoái vị để cải sang đạo Thiên Chúa. Cuối con đường là mộ Thánh Phêrô nằm dưới bàn thờ chính của nhà thờ ở phía trên nhưng mộ không thấy được, muốn viếng phải ghi tên tham dự Tour Scavi. Con đường ra khỏi hầm mộ Catacombs lên mặt đất ở phía trái nhà thờ Thánh Phêrô nơi đây có nhiều vệ binh Thụy Sĩ đứng gác vì du khách cứ đòi vào xem ở lối ra này.

Bưu điện Vatican

Lối ra hầm mộ gần nhà bưu điện Vatican nơi đây bán tem thư cho những người sưu tầm và nhận thư gởi đi khắp thế giới. Nhiều người mua Post-card tại đây rồi dán tem Vatican để gởi cho thân nhân, bạn bè hay chính mình để lấy con dấu bưu điện Vatican làm kỷ niệm. Nơi đây có bục viết để người gởi đứng viết. Bên trên có một màn ảnh TV LCD hiệu Sony chiếu cuốn video thu theo kỹ thuật mới Blue Ray các cảnh trong Vatican hình ảnh rất rõ. Bên cạnh là phòng bán ảnh tượng tôn giáo, ảnh Ðức Giáo Hoàng, thánh giá, xâu chuỗi hạt rất đẹp, người bán hàng hiền lành, vui vẻ dường như là các nữ tu thì phải?

Trên đường trở về khách sạn nằm ở hướng Bắc Vatican thì đã 7 giờ chiều, qua con đường thương mại Via Andrea Doria bán buôn sầm uất. Có những gian hàng On Sale những chiếc quần tây phụ nữ giá 6 Euro và áo giá 3 Euro người Ý lựa mua rất đông. Chúng tôi cũng hơi đói vì tới bữa ăn chiều, con gái tôi mua Pizza, để chứng tỏ bán buôn đàng hoàng, có giá cả rõ ràng, anh chàng bán cân lên từng miếng pizza giá 2 Euro cho mỗi 100 gram. Tôi không ưa chuộng Pizza nên khi ngang qua một nhà hàng có một cặp vợ chồng người Hoa lớn tuổi là du khách từ Canada đang ngồi ăn ở đây. Thấy hai vợ chồng ông này khiến tôi tin tưởng nhà hàng nên vào. Ðây là một nhà hàng bán thức ăn nấu sẵn Fast Food có những anh chàng Ý rất vui tánh chào mời. Tôi mua một dĩa gồm một đùi gà rô-ti, bánh mì nướng và xà lách hải sản có vài con tôm nhỏ. Uống chai nước lọc mà khi tính tiền phải trả tới 29 Euro tương đương với 43.5 USD. Với số tiền này ở Little Saigon miền Nam California cả nhà ăn được một bữa cơm nóng có canh chua, cá kho tộ, gỏi sứa tôm thịt v.v... Người Hồi giáo đi hành hương thánh địa Mecca gian khổ, nhọc nhằn có khi còn tử nạn nhưng họ xem thường và vẫn nô nức đi hàng năm. Ðến thăm Vatican là điều mơ ước của nhiều người trong đó có chúng tôi thì trả thêm một số tiền nhỏ cũng chẳng sao. Nếu những anh chàng Ý không bán đồ ăn thì chẳng biết chúng tôi sẽ đi ăn ở đâu? Họ bán mắc biết đâu là tại chi phí khu vực này quá cao, họ cũng là những người có thiện tâm phục vụ cho khách hành hương. Nhân mùa Giáng Sinh xin cầu chúc đến tất cả quý độc giả:

Vinh danh Chúa cả trời cao

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art