NEBO, Jordan (NV) – Cách đây hơn 3,400 năm một nhà tiên tri gốc Do Thái, sau khi được Thiên Chúa mặc khải, ông đã trở về lại Ai Cập để dẫn dắt đoàn lưu dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ, vượt biên đi tìm miền đất hứa. Tương truyền đỉnh núi Nebo ở Jordan chính là nơi nhà tiên tri đó đã từng đứng dõi mắt tìm ra miền đất hứa cho đoàn người lưu dân.
Nhà tiên tri nói trên chính là Moses, người được nói đến nhiều trong Kinh Cựu Ước. Từ Jerusalem, vượt qua biên giới giữa Israel và Jordan, du khách đến với thành phố Madaba, nơi có những câu chuyện thần thoại về nhà tiên tri Moses. Câu chuyện về chuyến rời bỏ Ai Cập đi tìm miền đất hứa của người dân Do Thái (Exodus), và câu chuyện về đỉnh núi Nebo nơi dừng chân cuối cùng của tiên tri Moses.
Núi Nebo không cao lắm, chỉ khoảng 800 mét. Và từ thành phố Madaba đi xe lên chỉ mất 10 phút. Địa hình núi Nebo kể cũng rất lạ, các phía Bắc, Đông, Nam của núi được các thung lũng bao bọc. Trên đỉnh núi Nebo chỉ có hai đỉnh điểm lịch sử quan trọng: một là đỉnh phía Tây Slyagha nơi có Memorial Church of Moses, hai là đỉnh phía Đông Nam nơi được chứng nhận là có di tích Town of Nebo, nơi đây người ta đã tìm thấy được các dấu tích của các ngôi nhà thờ cổ.
Hướng Tây Nebo là thung lũng Jordan River Valley, và phía bên kia sông là thành phố Jechiro (đất hứa ngày xưa). Nếu bạn có dịp đi từ phía Nam ngược lên hướng Bắc của đất nước Jordan, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đang đi từ vùng cát nóng hoang vu đến một vùng đất xanh tươi phì nhiêu tươi tốt cho ruộng đồng cây trái. Vùng đất này chính là thành phố Jechiro, thành phố được cho là cổ nhất trên thế giới và nằm thấp dưới hơn mặt biển đến hơn 250 mét. Những dòng suối ngầm đã tạo sự xanh tươi trù phú cho vùng đất ngay giữa lòng sa mạc. Những hàng cây chà là và olive xanh tươi thẳng tắp khiến du khách thấy ngay được sự phì nhiêu của thành phố.
Jechiro cũng chính là thành phố được tương truyền rằng Chúa Giêsu đã từng đi qua đây và chữa lành bệnh mắt cho những người ăn xin, cũng như câu chuyện Chúa Giêsu đã cảm hóa được Zacchaeus một người thu thuế và làm ăn không lương thiện tại đây.
Ngày xưa, thời của Moses, đỉnh núi Nebo có tên là đỉnh Pisgah. Ông đã đi từ vùng đất thấp Moab, lên tận đỉnh Pisgah để phóng tầm mắt tìm ra vùng đất hứa nơi có Jordan River valley, Dead Sea, và đồng ruộng phì nhiêu của Jericho.
Vùng đất màu mỡ như thế thì làm sao nhà tiên tri Moses không chọn nơi đó làm vùng “đất hứa” cho lưu dân Do Thái. Thiên Chúa đã chỉ cho tiên tri Moses một vùng đất thật tuyệt vời cho đoàn lưu dân. Nhưng tiếc thay Thiên Chúa lại không hứa cho cá nhân Moses được đến đó. Ông chỉ nhìn thấy vùng đất hứa, nhưng ông đã không đi đến được điểm đích cuối cùng vì lúc ấy ông đã 120 (?) tuổi.
Một đôi chút sơ lược về nhà tiên tri Moses. Ông là một đứa bé mang dòng máu Do Thái, mẹ ông không nỡ giết đứa con trai của mình vì lệnh của Vua Ai Cập thời đó. Bà đã thả cho đứa bé trôi sông. Đứa bé may mắn được một vị công chúa Ai Cập cứu sống, đưa về nuôi nấng và trở thành một người trong hoàng gia Ai Cập. Lớn lên ông là người có tài về quân binh. Nhưng ông lỡ tay giết một người lính Ai Cập vì bênh vực một người nô lệ Do Thái, nên ông bị truy lùng. Ông chạy trốn khỏi Ai Cập, lưu lạc đến bán đảo Sinai ngày nay. Ở đây ông nghe được lời gọi của Thiên Chúa, mặc khải cho ông, và lệnh cho ông trở về Ai Cập tìm cách dẫn dắt đoàn lưu dân của ông đi tìm đất hứa.
Moses đã cùng với đoàn lưu dân Do Thái băng qua biển Hồng Hải, đi qua bán đảo Sinai vào vùng sa mạc hoang vu, và lưu lạc trong đó suốt 40 năm trời trước khi ông và đoàn lưu dân đến vùng thung lũng gần Bethpeor, mà ngày nay được gọi là Springs of Moses sát bên ngọn núi Nebo.
Nếu bạn đã có dịp xem cuốn phim “Exodus,” tôi cho rằng cuộc hành trình đi tìm đất hứa trong cuốn phim là một đoạn phim hay nhất trong trong phim “Mười Điều Răn.” Hình ảnh tiên tri Moses đứng trên đỉnh núi Sinai, râu tóc ông tung bay lồng lộng trong gió. Ông cầm chặt “Mười Điều Răn” trên tay mặc cho sấm sét ầm ầm nổ tung trên bầu trời. Đây là một hình ảnh khó quên trong trí óc người xem.
Tương truyền Moses mất trên đỉnh Nebo, ông được an nghỉ trong vùng thung lũng Moab đối diện với Beth-Peor. Nhưng mộ ông thực sự ở đâu thì cho đến bây giờ cũng không ai biết được. Có người tin rằng ông đã được Thiên Chúa đưa ông trở về với ngài.
Joshua, người kế vị Moses đã tiếp tục con đường của ông, đưa đoàn lưu dân Do Thái qua sông Jordan định cư, và hoàn thành ước nguyện của Moses.
Ngày nay, từ chân núi Nebo đi lên đỉnh, con đường lộ đã được trải nhựa và các hàng cây cũng được trồng thêm dọc theo hai bên đường, mục đích làm không gian nơi đây bớt đi những cơn nóng vào mùa Hạ. Tảng đá lớn “Memorial of Moses” được dựng lên trước cổng vào như để nhắc nhở khách du ngoạn hay hành hương đã gần vào đỉnh núi.
Cạnh đấy là một tảng đá như một cuốn Thánh Kinh vĩ đại được dựng lên để kỷ niệm năm 2000, năm Đức Giáo Hoàng John Paul II đến hành hương nơi đây. Một ngôi giáo đường lớn Byzantine vừa được xây dựng lại xong, được đặt tên “Moses Memorial Church.”
Gần đỉnh núi Nebo, một cây Thánh Giá (Serpentine Cross) có tượng một con rắn bằng đồng quấn quanh Thánh Giá do một nghệ nhân người Ý thiết kế. Serpentine Cross là biểu tượng cho câu chuyện tương truyền về Moses đã cho làm tượng rắn quấn quanh Thánh Giá để cứu sống những người bị rắn độc cắn trên đường đi tìm đất hứa. Mỗi khi ai bị rắn cắn thì họ chỉ cần nhìn vào Serpentine Cross thì họ sẽ được cứu sống. Từ đó, “tượng rắn đồng quấn quanh cây sào” được chọn trở thành một biểu tượng cho ngành Dược Khoa của phương Tây.
Nhưng quả thực những tảng đá, ngôi nhà thờ, và các biểu tượng đã không lôi cuốn tâm tư tôi bằng điểm đỉnh núi. Chỉ cần hình dung ra đây chính là nơi chính Moses đã đứng hướng mắt nhìn để tìm miền đất hứa cho người lưu dân Do Thái khoảng 3,400 năm trước, điều này cũng đã đủ cho tôi cảm nhận được có một điều gì rất lạ len lỏi vào trong tâm tư mình.
Tuy nhiên, tôi biết có một người không phải là một người Do Thái cũng đã đến nơi đây, Ngài cũng đã có dịp đứng ngay nơi mà người ta tin rằng Moses đã đứng. Chắc hẳn ngài cũng dõi mắt tìm về những vùng “đất hứa” như Moses đã tìm. Ngài cũng đi tìm một vùng đất hứa, nhưng là một vùng đất-hứa-hiền-hòa-bình-an cho cả nhân loại, chẳng riêng cho một ai hay cho một dân tộc nào. Người đó chính là Đức Giáo Hoàng John Paul II, người đã đến viếng thăm đỉnh Nebo vào năm 2000, năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Ngài cũng đã tự tay trồng một cây Olive biểu tượng cho hòa bình ngay bên nhà nguyện Byzantine. Chín năm sau (2009), Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã đến viếng thăm đỉnh Nebo. Chắc hẳn ngài cũng dõi mắt nhìn tìm về một vùng đất-hứa-hiền-hòa-bình-an cho cả nhân loại như Thánh John Paul II.
Núi Nebo không xanh mướt như ngọn núi Linh Thứu linh thiêng của Phật Giáo bên Ấn Độ. Nebo cũng không có không gian xanh đẹp, thoáng rộng núi hồ như ngọn núi Bát Phúc (Mt Beatitudes) ở Sea of Galilee. Con người không thể so sánh các ngọn núi linh thiêng với nhau vì mỗi nơi có những cấu trúc hình dáng khác nhau, nhưng ý nghĩa linh thiêng của các núi không xa rời nhau. Đứng trên đỉnh núi Linh Thứu bên Ấn Độ để cảm nhận về một con người giác ngộ đứng giảng kinh Hoa Nghiêm cho chúng sanh tìm về con đường giải thoát. Đứng trên Mount of Beatitudes để cảm nhận về “Bài Giảng Trên Núi” của Chúa Giêsu giúp cho nhân loại tìm thấy con đường bình an dưới thế. Đỉnh Nebo cho tôi cảm nhận một sự hy sinh của một nhà tiên tri tận tụy.
Nebo, Linh Thứu, và Bát Phúc cho tâm tư tôi cảm nhận về những ngọn núi này thật gần gũi lạ thường. Lạ thay! Linh Thứu, Nebo, hay Bát Phúc chỉ là những ngọn núi thấp nhưng lại cho tâm tư loài người bay vút lên chín tầng mây nhìn rõ về đời sống tâm linh của những sự sống muôn loài trên quả địa cầu nhỏ bé này.
(Trần Nguyên Thắng)