Thứ Hai, 06 Tháng Giêng, 2020

Những biến cố khoa học nổi bật trong năm 2019

Những biến cố khoa học nổi bật trong năm 2019 - 1
Tấm hình đầu tiên của hố đen. (Hình: eso.org)


Khoa học và kỹ thuật luôn luôn có những thay đổi, có khi tốt cũng nhiều khi không được tốt lắm.

Để tiện cho quý bạn theo dõi những gì đã xảy ra trong năm 2019 tôi xin trình bày những biến cố đáng kể nhất trong năm qua.

 

Hố đen

Vào Tháng Tư, 2019, các nhà khoa học đã loan tin là lần đầu tiên chụp hình được một hố đen (black hole) ở trung tâm thiên hà Messier 87 cách trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng,

Hố đen là vật thể trong vũ trụ có một khối lượng khổng lồ nhưng nén lại trong một vùng rất là nhỏ. Bạn thử tưởng tượng tất cả khối lượng gấp mười lần mặt trời được ép vào một vùng nhỏ như Sài Gòn. Vì quá dày đặc nên hố đen có một lực hấp dẫn rất là mạnh. Mạnh đến nỗi ánh sáng cũng bị hút vào và không thoát ra được.

Thuyết tương đối rộng (general theory of relativity) của nhà bác học Albert Einstein tiên đoán là có hố đen. Nhưng hố đen có những tính chất rất lạ nên ngay cả ông Einstein cũng nghi ngờ sự hiện hữu của hố đen.

Hệ thống dùng để tạo ra hình ảnh hố đen gồm có tám kính viễn vọng radio đặt tại tám địa điểm khác nhau trên thế giới. Những kính viễn vọng này làm thành một kính viễn vọng ảo khổng lồ. Những dữ liệu thu thập được từ tám kính viễn vọng được kết hợp lại và tạo ra một hình ảnh của hố đen.

Sự bùng phát bệnh sởi

Bệnh sởi (measles) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ con thường dễ bị bệnh sởi, nếu không chữa chạy kịp có thể bị tử vong. Bệnh sởi có tính truyền nhiễm rất cao nên có thể bộc phát thành bệnh dịch. Cách phòng ngừa bệnh sởi là chích ngừa, nhưng vì lý do tôn giáo hay nghèo nhiều trẻ em trên thế giới đã không được chích ngừa bệnh sởi.

Theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization) thì từ 1 Tháng Giêng tới 31 Tháng Bảy, 2019, có 364,808 ca bệnh sởi ở trên thế giới, tăng lên gấp ba lần so với năm 2018. Nhất là vùng Phi Châu, bệnh sởi đã bộc phát thành bệnh dịch, số trường hợp đã tăng tới 900%.

Những biến cố khoa học nổi bật trong năm 2019 - 2
Tảng đá vũ trụ 2014 MU69. (Hình: NASA)


Thiên thạch MU69

Vào ngày 1 Tháng Giêng, 2019, phi thuyền New Horizon của cơ quan NASA bay ngang qua một tảng đá trong không gian. Đây là một vật thể xa nhất trong Thái Dương Hệ được tiếp cận bởi một phi thuyền.

Tảng đá này có tên là 2014 MU69 và có biệt hiệu là Ultima Thule, sau đổi là Arrokoth. Có cả trăm ngàn vật thể giống như MU69, những vật thể lạnh giá này có thể có những manh mối cho ta biết sự cấu tạo của những hành tinh như trái đất từ 4.6 tỷ năm về trước.

Loài giống Denisovan

Denisovan là một loài dã nhân đã bị diệt chủng nhưng có liên quan tới loài người. Năm 2008 các nhà cổ nhân chủng học (paleoanthropologist) đã tìm thấy ở trong một hang động phía Nam Siberia một cái răng và một xương ngón út đã bị hóa đá. Những cổ vật này không giống những loài như Neanderthal hay Homo sapiens và được đặt tên là Denisovan.

Năm nay các nhà khoa học đã rút ra được DNA từ ngón út đó và khám phá ra rằng Denisovan khá gần với Neanderthal và có thể đã lai giống với Neanderthal và Homo sapiens khoảng mấy chục ngàn năm về trước. Dấu tích của Denisovan còn được thấy ở bộ gien (genome) của một số dân vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên cần có nhiều khảo cứu về Denisovan mới có thể khẳng định nguồn gốc và sự tiến triển của loài Denisovan.

Những biến cố khoa học nổi bật trong năm 2019 - 3
Nóng kỷ lục ở Ấn Độ và Pakistan. (Hình: earthobservatory.nasa.gov)


Năm nóng kỷ lục

Năm 2019 là một năm nóng nhất từ trước tới giờ. Trong mùa Hè 2019 gần 400 kỷ lục nóng được ghi nhận tại 29 nước. Âu Châu bị hai đợt nóng liên tiếp trong Tháng Sáu và Tháng Bảy. Ấn Độ và Pakistan cũng bị một đợt nóng vào đầu Tháng Sáu, nhiều vùng nóng tới 45 độ C (113 độ F). Chỗ nóng nhất là vùng Churu, phía bắc Ấn Độ, đã lên tới 51 độ C (123 độ F). Vì bị nóng nên những tảng băng ở hai cực tan nhanh hơn mức bình thường và làm mặt nước biển bị dâng cao.

Vào tuần cuối năm 2019, Úc bị nạn cháy rừng lớn nhất từ trước tới nay, đã có hơn 15 người bị thiệt mạng và cả triệu mẫu bị cháy. Nóng kỷ lục, hạn hán kéo dài và gió lớn là những yếu tố gây nên nạn cháy rừng này.

Đây chính là sự làm nóng toàn cầu mà các nhà khoa học đã nói tới trong nhiều năm nay và đã có nhiều đề nghị để làm chậm lại sự hâm nóng. Năm 2015 gần 200 quốc gia đã tham gia vào Hiệp Định Khí Hậu Paris nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể nào và khí hậu trên thế giới vẫn còn tiếp tục ấm lên.

Một ngày 66 triệu năm về trước

Mọi người đều biết là khoảng 66 triệu năm về trước một tảng đá khổng lồ từ ngoài vũ trụ rơi vào trái đất gần Vịnh Mễ Tây Cơ đã làm tuyệt chủng loài khủng long. Năm 2019 nhà cổ sinh vật học Robert DePalma tuyên bố đã tìm thấy những thân cây và cá hóa thạch ở tiểu bang North Dakota. Những vật hóa đá này cho biết những gì xảy ra ngay lúc thiên thạch rơi xuống trái đất.

Tháng Mười, 2019, nhóm của nhà cổ sinh vật học Tyler Lyson cũng tìm thấy những vật hóa đá ở tiểu bang Colorado. Những vật hóa đá này cho biết đời sống trên trái đất từ biến cố thiên thạch rơi xuống Vịnh Mễ Tây Cơ cho tới khoảng một triệu năm về sau.

Những biến cố khoa học nổi bật trong năm 2019 - 4
Điện toán lượng tử. (Hình: ischool.sjsu.edu)


Máy tính lượng tử

Máy tính hiện nay dùng bít để thi hành những mệnh lệnh. Bít chỉ gồm hai số: “0” và “1” tương ứng với hai trạng thái “đóng” và “mở” của cổng lô gic (logic gate) hay hai trạng thái có điện và không có điện trong một mạch điện. Trong khi đó máy tính lượng tử (quantum computer) cố khai thác những tính chất đặc thù của cơ học lượng tử (quantum mechanics) để tính toán. Thay vì dùng bít như máy tính thường máy tính lượng tử dùng bít lượng tử (quantrum bit), viết tắt là qubit.

Ngày 23 Tháng Mười, 2019, công ty Google tuyên bố trong một bài khảo cứu đăng trên tờ báo về khoa học Nature là Google đã đạt được một mốc lịch sử gọi là “Tối cao lượng tử (quantum supremacy).” Đây là một mục tiêu cao nhất của công nghệ máy tính, vì máy tính lượng tử có thể thi hành những phép tính với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Các nhà khoa học ở Google tuyên bố là máy tính lượng tử của họ đã thực hiện hoàn tất một tác vụ đặc biệt trong vòng 200 giây, trong khi đó một máy tính tối tân nhất hiện nay phải mất tới 10,000 năm mới hoàn thành tác vụ đó.

Tuy nhiên công ty IBM đã đặt nghi vấn về máy tính lượng tử của Google. Được biết IBM, Intel, Microsoft và một số công ty Trung Quốc cũng đang ráo riết nghiên cứu về máy tính lượng tử. Năm 2020 chắc sẽ có những bước tiến mới trong công nghệ này. 

(Hà Dương Cự)

Bài viết khác