Thứ Tư, 29 Tháng Chín, 2021

(6) Ngàn năm lịch sử hay những giai đoạn lớn của Ít-ra-en.

V. Ngàn năm lịch sử hay những giai đoạn lớn của Ít-ra-en.

Ngàn năm tức là mười thế kỷ, xét về thời gian coi như dài, nhưng xét về sự nghiệp kỳ công lại vắn.

1. Vương quốc Đa-vít – Sa-lô-môn (1000 - 933).

Khoảng năm 1000, vua Đa-vít chiếm được thành Giê-ru-sa-lem làm kinh đô cho một vương quốc bao gồm các chi tộc cả miền nam lẫn miền bắc. Sa-lô-môn, thái tử, lo việc tổ chức, và như thế có đất, có vua, có Đền thờ để Thiên Chúa ngự giữa dân mình.

Đây cũng là khởi điểm cho nền văn học. Người ta bắt đầu viết lại những kỷ niệm xa xưa : Việc Xuất hành hay cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, trở nên kinh nghiệm cơ bản để khám phá Thiên Chúa là Đấng giải thoát, là Đấng cứu tinh; người ta biên chép chuyện các Tổ Phụ A-bra-ham, I-sa-ac... để chứng thực rằng Thiên Chúa đã giữ lời hứa, và lời hứa ấy nay được thể hiện với Đa-vít. Người ta còn đi lên tới thời sáng thế vũ trụ: Thiên Chúa không chỉ muốn cho một dân tộc được tự do mà muốn cho toàn thể nhân loại.

2. Hai vương quốc : Giu-đa và Ít-ra-en (933-587).

Năm 933, vua Sa-lô-môn băng hà, vương quốc bỗng nổ tung làm hai : miền nam là vương quốc Giu-đa, với thủ đô Giê-ru-sa-lem; miền bắc là vương quốc Ít-ra-en, lấy Sa-ma-rie làm thủ đô. Nhà Giu-đa trung thành với triều đại Đa-vít, vua giữ vai trò thống nhất đất nước và là khâm sai Thiên Chúa : Thiên Chúa ngự giữa dân mình trong Đền thờ. Các truyền tụng bắt đầu dưới thời Đa-vít - Sa-lô-môn sẽ đúc kết thành lịch sử thánh của vương quốc Giu-đa. Hai ngôn sứ I-sa-ia và Mi-kha giảng dạy thời đó.

Nhà Ít-ra-en ly khai với triều đại Đa-vít. Vua không có quan hệ về đạo, chính ngôn sứ chịu trách nhiệm tập họp dân và bảo đảm lòng tin của họ khỏi nhiễm lấy đạo Ba-al. Các truyền tụng khởi sự từ triều Đa-vít - Sa-lô-môn hoàn thành lịch sử thánh của miền bắc. Ba ngôn sứ Ê-li-a, A-mốt và Hô-sê phục vụ ở đây.

Tổng hợp các luật lệ cấu tạo ở miền bắc, lấy lại cho miền nam, kết thành Nhị Luật. Năm 721, Ít-ra-en bị quân As-sy-rie tiêu diệt. Năm 587, Giu-đa bị phát lưu sang Ba-by-lone.

3. Lưu đày Ba-by-lone (587-538).

Sau thảm bại tại thành Giê-ru-sa-lem một số người bị phát lưu sang Ba-by-lone, nhưng đa số dân chúng vẫn còn được ở lại xứ. Người ngoại bang không đến chiếm cư như tại miền Bắc sau biến cố 722. Nhưng giờ đây họ không có người điều khiển và hoàn cảnh sống thật điêu đứng. Một số khác trốn sang Ai cập. Giới nhân sĩ, có đến hàng chục ngàn người, bị lưu đày sang Ba-by-lone và chính họ sẽ giữ vai trò quan trọng cho tương lai Ít-ra-en. Số phận họ dĩ nhiên không được đếm xỉa đến như lời ca của Thánh vịnh 137,1-5 :

Bên bờ sông Ba-by-lone, ta ngồi nức nở mà nhớ về Si-on;

trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.

Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên :

 "Hát đi, hát thử đi xem, Si-on nhạc thánh điệu quen một bài !".

Bài ca kính Gia-vê làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người ?

Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại !

Tuy nhiên, dần dần những người bị lưu đày được quyền tụ họp và tự do tổ chức. Họ được cày cấy và buôn bán. Họ giữ được tinh thần đoàn kết và tìm về gắn bó với truyền thống cha ông. Họ hội nhau tế tự như xưa kia làm tại đền thờ Giê-ru-sa-lem với những lời nguyện và nghe giải thích các bài đọc của sách Luật.

Một nửa thế kỷ, dân sống lưu đày mất mọi sự : Mất đất mất vua, có mất lòng tin của mình vào Thiên Chúa không ? Ngôn sứ Ê-dê-ki-en và một môn đệ của ngôn sứ I-sa-ia làm sống lại niềm hy vọng : các tư tế giúp họ đọc lại các truyền thống tổ tiên để tìm ra ý nghĩa mọi khổ đau. Đây là gốc tích cuốn lịch sử thánh của tư tế.

4. Thời đô hộ Ba Tư (538-533).

Gần nữa thế kỷ sau khi dân Ít-ra-en bị lưu đày, một vị vua trẻ người Ba Tư tên Cy-rus lên ngôi. Dần dà Cy-rus thôn tính tất cả các nước chung quanh và cuối cùng ông đương đầu với đế quốc Ba-by-lone. Từ trước đến nay quân As-sy-rie và quân Ba-by-lone đối xử rất thậm tệ đối với những nước thua trận như cướp bóc và lưu đày. Ngược lại, Cy-rus tỏ ra đối đãi nhân đạo hơn. Ông không gây hãi sợ cho dân chúng vì thế khi Cy-rus tiến chiếm Ba-by-lon, ông được đón tiếp như một người được các thần sai đến. Năm 538, ông ban sắc chỉ cho phép người lưu đày được trở về trên quê hương xứ sở họ.

Nhiều đoàn người Do thái bị lưu đày tìm đường trở về quê cha đất tổ. Họ gặp nhiều khó khăn về tài chính. Hơn thế nữa dân chúng địa phương không muốn nhường đất và địa vị cho những người trở về. Họ chống đối việc tái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thật ra, giữa những người trở về và người ở lại đã chia rẻ. Người bị lưu đày cho rằng đám người ở lại đã có ngoại bang trà trộn nên không đồng ý cho hợp tác; vì thế người ở lại đã tìm mọi cách ngăn cản công việc tái dựng trên. Năm 520 họ bắt đầu khởi sự xây dựng và đền thờ được khánh thành năm 515 và được gọi đền thờ thứ hai khiêm tốn hơn đền thờ do Sa-lô-môn xây dựng.

Trong 5 thế kỷ trước đây, dân đã nhiều lần lấy lại được lịch sử mình, mỗi lần tìm ra trong đó ý nghĩa và hy vọng. Ba cuốn lịch sử thánh đã soạn trước, cộng với cuốn Nhị Luật, được tư tế kinh sư Ét-ra tổng hợp lục thành một cuốn duy nhất : sách Luật Torah (Ngũ Kinh ngày nay).

Mặt khác, suy tư của các Hiền Nhân được ghi chép từ thời Sa-lô-môn và trước nữa, dung hợp lại thành những tác phẩm như sách Gióp, Châm Ngôn và sách Tô-bi-a...

Ngoài ra, dù được trở về tụ tập trên quê hương, nhưng dân chúng không mấy được tự do. Những người Ba Tư giải phóng trở nên những người chủ mới, và tồn tại được hai thế kỷ, cho đến năm 334 khi vua A-le-xan-dre Cả khuất phục họ. Đây bắt đầu thời kỳ Hy Lạp từ năm 332 đến khi Đức Giê-su sinh ra.

5. Thời đô hộ của Hy-lạp và Rô-ma (333 - 4 trước công nguyên).

Năm 333 A-le-xan-dre đại đế chinh phục Trung Đông và truyền bá văn minh Hy-lạp, cũng như tiếng Hy-lạp. năm 167, vua kế vị A-le-xan-dre là An-ti-o-chus muốn cưỡng bách người Do thái bỏ đạo hay phải chết. Đây là thời tử đạo và thời các anh hùng nhà Ma-ca-bê.

Năm 164, dân chúng được tự do. Suy tư của các tác giả các sách Khải huyền bành trướng mạnh : Mọi người mong đợi ngày tận thế, ngày Thiên Chúa sẽ can thiệp. Năm 63, đế quốc Rô-ma đặt chân trên đất Trung Đông. Vua Hê-rô-đê trị vì từ năm 40 đến năm thứ 4 trước công nguyên. Trong thời này, tại Pa-les-tine xuất hiện 3 nhóm tôn giáo lớn : Sa-đốc, Pha-ri-sêu và Ét-xê-nô.

(còn tiếp)

 

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art