Thứ Năm, 29 Tháng Tám, 2024

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang

Trong khi ngày nay không ít người Việt muốn xuất ngoại để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, thì xưa kia lại có một tiến sĩ y khoa người Pháp bỏ qua ánh hào quang thành công ở Paris, chọn cống hiến cả cuộc đời chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông chính là Alexandre Yersin, một vị bác sĩ đáng kính có nhiều duyện nợ với người Việt.

Tiến sĩ y khoa đầy triển vọng

Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Thụy Sĩ trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Cha mất trước khi ông ra đời, mẹ là người nuôi nấng ông trưởng thành.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang - 1
Alexandre Yersin. (Ảnh: Rvalette, Musée d’Orsay, Public Domain)


Năm 1883, Yersin tốt nghiệp trung học và chọn theo ngành y, sau đó sang Đức để tiếp tục theo đuổi ngành học của mình. Năm 1885, Yersin đến Pháp để nghiên cứu y khoa.

Với những thành tựu ban đầu của mình, ông được chú ý và nhận vào làm việc ở viện nghiên cứu của Louis Pasteur tại Trường Sư phạm Paris (École Normale Supérieure) vào năm 1886, tham gia vào việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại.

Năm 25 tuổi, Alexandre Yersin nhận bằng tiến sĩ y khoa với luận án nghiên cứu phát triển bệnh lao bằng thực nghiệm. Ở Paris, Yersin xin nhập quốc tịch Pháp vì bấy giờ chỉ có công dân quốc tịch Pháp mới được phép hành nghề y.

Lúc này Viện Pasteur ở Paris vừa được thành lập vào năm 1889, Yersin được nhận vào làm việc tại đây, ông cộng tác cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu.

Viện Pasteur ở Paris được xem là đỉnh cao của Tây y lúc bấy giờ, làm việc ở nơi danh giá, tương lai rộng mở trước mắt nhà khoa học trẻ.

Thôi thúc muốn đến những vùng đất mới

Tuy nhiên mọi thứ thay đổi khi Yersin đến một làng chài, đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy biển lớn. Từ đó có ý nghĩ thôi thúc ông ra đi thám hiểm đến những vùng đất mới: “Tôi luôn luôn mơ ước khám phá đất lạ, thám hiểm, khi còn trẻ ta luôn tưởng tượng những điều kì lạ sẽ đến, không có gì là không thể làm được”.

Ông viết thư cho mẹ: “Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời”.

Sau này Louis Pasteur viết trong nhật ký của mình rằng: “Sự thôi thúc đi đến các quốc gia xa xôi cuốn hút Yersin, và không có cách nào giữ anh ở lại với chúng ta”.

Không thuyết phục được Yersin ở lại, Louis Pasteur viết thư cho công ty vận tải hàng hải để Yersin làm bác sĩ trên tàu.

Bị cuốn hút bởi vùng đất hoang dã Nha Trang

Năm 1890, Yersin xuống tàu thực hiện chuyến hải trình đến Philippines, rồi làm bác sĩ trên tàu tuyến hàng hải Manila (Philippines) – Sài Gòn. Thời gian này Yersin cũng thường thám hiểm những vùng đất ở Philippines và Nam kỳ.

Những năm sau, Yersin chuyển sang làm bác sĩ trên tuyến hàng hải mới mở là Sài Gòn – Hải Phòng. Cả chuyến đi và về tàu đều dừng lại ở Nha Trang, một vịnh nước yên tĩnh đầy nắng. Yersin bị cuốn hút bởi cây cỏ cùng mảng thực vật nơi đây.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang - 2
Không ảnh Nha Trang chụp trước năm 1900 (Ảnh: Tạp chí ảnh “Khánh Hòa xưa và nay”, Public Domain)


Lúc này Yersin cũng nhận được lời mời đến Úc để hợp tác thành lập Viện Pasteur Úc, nhưng Yersin cũng lại từ chối bởi ông đang khám phá Nha Trang.

Bị Nha Trang cuốn hút, năm 1891, Yersin xin nghỉ việc trên tàu và quyết định đến sinh sống ở Nha Trang. Ông dựng một ngôi nhà gỗ và mở một phòng khám ở đây, ông là bác sĩ phương Tây đầu tiên tại vùng đất này.

Yersin vết thư cho Émile Roux mô tả rằng: “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm.”

“Ông Năm” chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo

Yersin khám bệnh, nhưng ông chỉ nhận tiền của những người giàu có, còn dân nghèo thì ông đều khám bệnh miễn phí. Ông mặc chiếc áo đồng phục màu trắng có năm vạch mạ vàng nên dân chúng nơi đây gọi ông là Ông Năm.

Ngôi nhà cổ của ông có 3 tầng, tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát, báo cho làng chài biết tin khí có bão đến để người dân tránh không ra khơi. Khi bão đến ông gọi dân chúng vào trú ngụ trong nhà mình và cung cấp lương thực cho họ.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang - 3
Ngôi nhà của bác sĩ Yersin tại Nha Trang vào khoảng những năm 1900. Ngày nay, nó đã bị phá bỏ, trên nền đất đó hiện nay là Nhà nghỉ 478 của Bộ Công An VIệt Nam. (Ảnh: Grabrielle M. Vassal, Wikipedia, Public Domain)


Ngoài thời gian khám bệnh, Yersin thường đi khắp nơi, vào núi đồi, đắm mình trong thiên nhiên. Gặp ai đau ốm ông đều giúp chữa bệnh cho họ. Đi gần rồi, ông lại dùng ngựa đến những nơi xa hơn, tận cao nguyên Di Linh và Phan Thiết, đi dọc theo Trường Sơn khi ấy còn là vùng đất hoang vu.

Cùng khám phá ra Đà Lạt

Sau những chuyến thám hiểm, Yersin quay về Pháp và gặp lại Louis Pasteur, nghe ông kể chuyện về cuộc sống của mình, Pasteur nhắn nhủ Yersin rằng cần phải làm gì đấy để giúp cho nhân loại.

Tháng 6 năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, nhờ sự giúp đỡ của Pasteur và Bộ trưởng giáo dục Pháp, Yersin thực hiện cuộc thám hiểm khám phá cao nguyên Lâm Viên.

Ngày 21/6/1893, đoàn thám hiểm của Yersin đặt chân lên đỉnh Lang Biang. Yersin mô tả rằng:

“Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900 mét đến 1200 mét khoảng từ 15 km đến 20 km trước khi đến chân núi. Tôi đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và cây cỏ. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm giác như đang đi rên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bù. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần vài trăm mét. Đàn nai vụt chạy ra xa rồi ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi.”

Yersin cùng đoàn thám hiểm của mình đã khám phá ra Đà Lạt, từ đó người Pháp mới biết nơi đây để xây dựng nên thành phố Đà Lạt tuyệt đẹp cho du lịch và nghỉ dưỡng sau này.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang - 4
Trường Trung Học Yersin ở Đà Lạt (1967-1971). (Ảnh: Ken Thompson, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)


Đóng ghóp chống lại dịch hạch

Năm 1894, dịch bệnh bùng phát từ phía nam Trung Quốc lan ra khắp Đông Dương, nặng nhất ở Hồng Kông. Nhà cầm quyền thuộc địa liền cử Yersin đến Hông Kông nghiên cứu bệnh dịch. Bỏ lại đam mê ở sau lưng, Yersin đã cùng Kitasatô tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang - 5
Tượng Yersin tại Bảo tàng Y khoa Hồng Kông. (Ảnh: Scotted400, Wikipedia)


Năm 1895, Yersin trở về Viện Pasteur ở Paris cho đến năm 1897 để điều chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cũng năm 1895, một lần Yersin về Nha Trang lập một phòng thí nghiệm nhỏ để sản xuất huyết thanh (sau này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur).


Trần Hưng

 

Nguồn tham khảo:

Bulletin de la Société vaudoise des sciences naturelles, 1868
Notice sur la vie et les écrits d’Alexandre Yersin
nguồn trithucvn.co

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art