Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Diễm Châu : Thơ không có quyền bán

  Dịch giả Diễm Châu định cư tại tỉnh Strasbourg. Ông dịch rất nhiều thơ văn, truyện, kịch của thế giới ra tiếng Việt. Ông đã tặng cho Thư Viện Công đoàn Đức Mẹ La Vang một số bản dịch đó. Ông qua đời năm 2007 tại Strasbourg.

        Ông sinh tại thành phố Hải Phòng. Thư ký tòa soạn tạp chí Trình bày ở Sàigòn trước 1975. Đã viết và cho in Hạnh Hoa, Sáng muôn thu và Thơ Diễm Châu... 
        
        Hơn 40 năm qua, Diễm Châu bền bỉ dịch hàng ngàn tác phẩm của nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới ra tiếng Việt. Khó có thể liệt kê hết các  tác giả mà ông đã giới thiệu: Jacques Prevert, Jaroslav Seifert, Vladimir Holan, Blaise Cendrars, Ernesto Cardenal, Rolf Jacobsen, Dan Pagis, Georg Johannesen, Adonis, Alberto Caeiro... Nhân dịp ông từ Pháp về thăm đất nước sau 22 năm xa cách, chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Diễm Châu.
        * Xin được tò mò một chút: vì đâu ông có tình yêu thơ bền bỉ đến vậy?
        - Đơn giản thôi: tôi cũng làm thơ, nên phải biết người khác làm thơ ra sao và về vấn đề gì. Những lúc buồn, tôi đọc, có hứng thì dịch. Tác phẩm nào mình thích thì dịch thử, rồi in lại bằng tiếng Việt, khi đọc lại thú vị, dễ nhớ hơn. Chứ còn nguyên bản thì nhiều thứ tiếng làm sao mình nhớ hết được.
        * Nghe nói ông đã dịch đến 200 tập thơ?
        - Có người hỏi tôi đã dịch bao nhiêu bài thơ, tôi không dám nói lếu láo trước những câu hỏi nghiêm trang như vậy. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng số thơ tôi dịch đã đăng trên Internet có lẽ tới hơn 2.000 bài.
        * Như vậy ông có thể sống bằng nghề dịch?
        - Không, tôi là người dịch không chuyên. Ở nước ngoài nếu dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh, Pháp, tìm được mối thì có thể kiếm ăn được. Còn tôi chỉ dịch thơ ngoại ra tiếng Việt thì không bán được cho ai, kể cả cho những người Việt ở nước ngoài. Hơn nữa mình chọn thơ dịch không hợp gu các vị đó. Tôi nghĩ cái gì bạn bè tôi ở trong nước cần mà mình dịch được thì tôi dịch. Tôi tự làm từ A đến Z, mỗi lần in 50 – 70 cuốn, người ta quan tâm gửi thư mua thì tôi chỉ biếu thôi. Tôi chủ trương thơ không có quyền bán.
        * Thế ông có bị  rầy rà về vấn đề bản quyền (BQ) không?
        - Tôi biết VN mới gia nhập công ước Berne, nên vấn đề BQ đặt ra khá nặng. Nó khiến dịch giả của ta chùn tay, phải nghĩ 2 - 3 lần trước khi dịch tác phẩm mình yêu thích. Rất nhiều nhà thơ trên thế giới là bạn của tôi, biết tôi không bán thơ, nên họ không quan tâm đến vấn đề BQ. Nhưng cũng có nhiều cú đau đớn lắm.
        * Ông từng bị nộp phạt hay bị dọa truy tố?
        - Không đến nỗi thế. Có lần tôi dịch một nhà thơ lớn của Na Uy. Biết chuyện, một nhà thơ trẻ ở NXB Na Uy - nơi nắm giữ bản quyền của nhà thơ kia đe dọa tôi ngay lập tức bằng cách: “Nếu ông dịch cho mấy tập thơ của tôi, thì xí xoá tội dịch nhà thơ lớn kia”. Tôi từ chối và nói: “Tôi chỉ dịch những người tôi thích, còn anh muốn làm gì thì cứ làm”. Nhưng sau bạn bè của tôi tìm cách xuất bản cho anh ta một tập thơ bằng tiếng Pháp. Anh ta cũng nguôi ngoai. Những nhà thơ trẻ thường ham tiền bạc, ham danh tiếng và cứ đòi người khác phải đọc thơ mình. Còn Paul Celan lại nói: Thơ là sự giãi bày chứ không phải là áp đặt.
        * Nhưng chắc ông cũng  có không ít kỷ niệm vui khi tiếp xúc với nhiều nhà thơ lớn của thế giới?
        - Đôi khi chỉ thư từ qua lại đã là vinh hạnh. Khi dịch Wislawa Szymborska (nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel văn học 1996), tôi có nói với các dịch giả Ba Lan: “Bà Szymborska này cũng lạ thật, có mỗi một bài thơ của bà mà các ông có tới 50 bản dịch!”. Sau đó thông qua Lãnh sự quán Ba Lan ở Pháp Szymborska gửi tặng tôi một bông hồng tươi, rất to, rất đẹp. Thế nhưng có khi được bạn bè lăng xê thì mình lại buồn?
        * Buồn ư? 
        - Vâng, khi tôi dịch tập Người chăn giữ đàn thú của Fernando Pessoa, một anh bạn nhà báo viết bài lớn để quảng bá. Thành thực tôi hơi buồn, vì báo chí vẫn tìm cách biến việc làm đơn giản, kiên trì của mình thành chuyện hồi hộp, thời sự. Tôi dịch thơ Bồ Đào Nha là cách tri ân công lao các cha cố của họ trước đây đã lập nên hệ thống chữ ABC cho mình.
        * Ông thường xuyên đọc thơ Việt chứ?
        - Tôi nghĩ, nước nào cũng có nhà thơ, nhà văn viết hay. Nhưng hình như tự chúng ta rẻ rúng, rồi gièm pha lẫn nhau, rút cuộc ra nước ngoài chẳng còn gì nữa. Ngay cả ở Pháp tuyển thơ VN dịch ra cũng dừng lại ở thời tiền chiến, ví dụ như Hàn Mạc Tử. Còn thơ đương đại, có một vài bản dịch lẻ tẻ, đôi khi vì quen biết nhau mà dịch, nên không phản ánh chính xác bộ mặt văn chương của ta.
        * Xin cảm ơn ông.

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art