Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Thánh Phanxicô thành Assise (1)

Thành kính dâng Song Thân, Đã vui sống Khó Nghèo, Để nuôi nấng giáo dục, Mười chị em chúng tôi, Trong đời sống đạo đức.

Lời nói đầu.

      Chúa đã ban cho giáo hội nhiều vị thánh có tên Phanxicô, đó là :

    1. Thánh Phanxicô Assisiô (1182-1226) thường gọi là Thánh Phanxicô Khó Khăn hay là Thánh Phanxicô Năm Dấu.

      2. Thánh Phanxicô đệ Paule (1414-1507)

      3. Thánh Phanxicô Xaviê, dòng tên (1506-1552) truyền giáo ở Ấn Độ và Nhật Bản.

      4. Thánh Phanxicô Borgia, dòng tên ( 1510-1572).

      5. Thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622) Giám mục Genève, Thụy Sĩ.

      6. Thánh Phanxicô Régis (?)

      Theo lịch sử của Hội Thánh, trong thời kỳ Trung Cổ, từ cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, Giáo Hội đã trải qua một thời đại được gọi là Vàng Son, nhờ thế lưởng quyền, Tòa Thánh Roma lảnh đạo cả thần quyền lẫn thế quyền. Cũng trong thời đại Kim Hoàng ấy, Chúa đã ban cho Giáo Hội hai vị thánh tổ lập dòng thánh Đôminicô và thánh Phanxicô Assisiô.

      Thánh Đôminicô lập dòng thuyết giáo (Ordre des prêcheurs) chuyên lo học Thánh Kinh và Thần Học, để chống với các phái đạo rối. Thánh Phanxicô Assisiô lập dòng Anh Em Khó Nghèo Hèn mọn, sống đúng theo nghĩa Phúc Âm, chuyên thuyết giảng lẽ sám hối đền tội, Yêu Chúa và yêu tha nhân. Hai vị đại thánh nầy là hai trụ đồng kiên cố vững chắc chống đỡ Giáo Hội đã hòng nghiêng ngữa.

      Nhịp cầu giới thiệu cùng qúy độc giả hạnh tích thánh Phanxicô Khó Khăn. Đời của ngài được chia ra hai thời kỳ :

      a. Từ thơ ấu đến tuổi hai mươi lăm thì sống với sông thân, sống trên nhung lụa, cũng trên lưng ngựa ngược xuôi buôn bán, xa hoa rất mực, phong lưu nhất trong vùng, đài các sang trọng, cùng bạn bè rong chơi khắp 36 phố phường, cũng thích kiếm cung, cũng mộng công danh.

      b. Khi được Chúa đoái thương kêu gọi, thì ăn năn sám hối, hảm mình phạt xác, lập Hội Dòng khó nghèo hèn mọn, chuyên nguyện ngắm, chuyên đi đó đây giảng lẽ đền tội, sống nhờ vào của đi ăn mày hoặc lao động chân tay, rộng lượng bố thí cho kẻ nghèo khó, tận tâm giúp đỡ bệnh nhân, đặc biệt săn sóc những kẻ mắc phải bệnh phung.

      Cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisiô qủa là ly kỳ, nhiều giai thoại huyền ẩn, nhiều ơn lạ phi thường, nhiều tích sự hấp dẩn, xem mọi tạo vật là anh chị em với mình. Hạnh tích của thánh nhân chẳng khác một trường thiên tiểu thuyết lãng mạn, càng đọc càng thích, muốn đọc một hơi từ đầu đến cuối.

      Toàn bộ hạnh tích chia thành năm phần gồm tất cả hai mươi hai chương. Vì phạm vi của Nhịp Cầu, hai tháng một số, đương nhiên là phải đăng vào nhiều số báo. Nhịp Cầu xin được đề nghị với qúy vị, khi đọc xong số báo rồi, qúy vị nên để dành cất lại, để về sau, đến cuối truyện, qúy vị sẽ có đầy đủ hạnh tích thánh Phanxicô Khó Khăn.

      Năm 1988, nhân dịp hành hương Rôma, sau khi dự lễ phong thánh 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19-06-1988 tại Công Trường Thánh Phêrô, trên lộ trình trở về Pháp, nhiều vị đã đến Assisiô kính viếng Đại Thánh Đường Assisiô, nơi an nghỉ của vị Thánh Khó Hèn.

 

Chương I : Khung cảnh ra đời.

     Ngày nay, khách du lịch đi xem những giá trị kiến trúc của các nền văn minh cổ, cũng như những người mộ đạo hành hương kính viếng các nhà thờ, lúc đặt chân lên đất nước Ý, thường không in bóng giữa nền trời xanh thẳm, một ngôi thánh đường đồ sộ nguy nga. Ngôi thánh đường nầy kiến trúc theo nghệ thuật của thế kỷ XIII, là một trong bảy ngôi Đại Thánh Đường của thế giới công giáo xây lên để kỷ niệm vị thánh nghèo của Thánh Asisiô. Nếu đi sâu vào mãi trong châu thành, qua những con đường lát đá quanh co, dốc và hẹp, khách có cảm giác như lạc vào thế giới huyền diệu đã từng là nơi dung dưỡng ôm ấp và nưng niu một con người đã tự nguyện sống nghèo hèn và khiêm hạ, mặc manh áo màu nâu là màu của đất, bóng dáng con người ấy còn phảng phất đâu đây, con người ấy là Phanxicô.

     Lúc Phanxicô mở mắt chào đời. Xã hội Ý đang sống trong tình trạng đặc biệt của thời Trung Cổ (Moyen Âge). Các nhà thần học và triết gia chưa họp thành học phái. Người công giáo chưa biết xây dựng những ngôi nhà thờ cẩm thạch thanh thoát nhẹ nhàng vươn lên trời cao. Như vậy, triết học, kiến trúc, văn chương của Ý chưa vào mùa.

     Những giá trị mới chưa thành hình. Những giá trị cũ đã bắt đầu suy tàn. Chế độ phong kiến chuyển dần sang chế độ công xã. Đế quốc sắp bị cắt xén thành nhiều tiểu quốc. Cuộc đời đạo hạnh có phần nới rộng.

Chính Trị.

     Về chính trị, ngoài Âu Châu và Bắc Phi, người Tây Phương chỉ biết có miền Cận đông là nơi họ đến buôn bán, là nơi đạo binh Thánh Giá đến giao tranh với người Hồi Giáo. Đế quốc La Mã Nhật nhĩ mãn đang cai trị các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bahême, một phần lớn nước Pháp và toàn cỏi nước Ý trừ Giáo Hoàng cương thổ. Trên nước Ý thường xảy ra nhiều cuộc nổi loạn phản đế quốc. Để giữ vững chủ quyền, Hoàng đế phải nhờ đến bàn tay qúy tộc. Giai cấp nầy nhận đất đai làm thái ấp rồi nhân danh Hoàng đế mà trị dân. Cả một chế độ phong kiến nầy vẫn không chống giữ nổi tình trạng sụp đổ của ngai vàng. Tình trạng ngày càng nguy vì những cuộc xưng bá xưng vương của các chư hầu liên miên từ Đức qua Ý.

Xã Hội.

     Chế độ phong kiến chia người dân làm hai giai cấp : Giai cấp phẩn hàm và đảm dân đen. Giai cấp phẩm hàm gồm những người qúi tộc, vương giả và hiệp sĩ chuyên viên cai trị và đối phó với các loạn lạc cướp bốc. Họ sinh ra là có chức công hầu bá tử, có thái ấp. Họ phải thề xã thân vì Hoàng đế. Nhờ những quân phiệt nầy mà dân đen cũng được che chỡ một phần nào song đối lại họ phải sưu thuế, tạp dịch, có lúc còn phải trả bằng chính cái tự do cá nhân họ nữa.

Dân đen gồm hai hạng : tự do và nô lệ. Nô lệ bị trói chân vào giai cấp qúy tộc. Đối với chủ họ chỉ là món hàng có thể mang ra chợ bán như bán súc vật vậy. Dân tự do thì cày ruộng, làm thợ hoặc đi buôn bán; có quyền sở hữu và quyền xê dịch song vẫn phải lệ thuộc sưu cao thuế nặng cho qúy tộc.

     Thời kỳ nầy là thời kỳ viễn chinh Thánh Giá. Các nước công giáo Âu Châu liên kết đem quân đánh Hồi Giáo để chiếm lại Thánh Địa, quê hương của Chúa Giêsu. Đi viễn chinh, người Châu Âu biết được những con đường mới, những thương cảng mới, những dân tộc mới, rồi nhờ giao dịch buôn bán mà một số đông bổng trở thành triệu phú, nhờ có tài sản, họ được giải phóng khỏi sưu thuế tạp dịch và họ trở nên có quyền ăn nói. Dần dần các vương giả đạo đời thấy rằng đã đến lúc phải nhượng cho lớp người nầy ít nhiều đặc quyền về kinh tế và hành chánh và từ bấy giờ lớp người nầy trở thành giai cấp có phẩm hàm; theo cái đà ấy chế độ công xã (commune) ra đời.

     Công xã gồm các ngành lao động sản xuất, kinh doanh thương nghiệp và giao dịch. Công xã thường gây nhiều cuộc chiến tranh hao tổn xương máu. Giết hại lẫn nhau khắp nước. Châu thành Assisiô, quê hương thánh Phanxicô không thoát khỏi tình trạng ấy.

Tôn Giáo.

     Đề cập đến tình trạng, Công giáo thời nầy, nhiều sử gia viết về tiểu sử của Phanxicô đã cho rằng bi quan. Tuy nhiên, công giáo vẫn là đạo duy nhất trong toàn đế quốc và trong khắp thế giới tiến bộ Âu Châu. Với chương trình cải tiến rộng rải, của Đức Giáo Hoàng Grégoriô VII. Giáo hội đã bước lên đi thẳng vào trường kỷ luật và thánh thiện. Các vị lảnh đạo như Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III là những vị giàu đức độ tông đồ, lảo luyện chính trị và tinh thông luật học. Nhưng để có kết qủa ấy, Giáo Hội phải tranh đấu kịch liệt và giai dẳng trên mấy thế kỷ. Tuy nhiên, một phần nào, thần quyền, còn bị vua quan lợi dụng và Giáo hội cũng chưa làm thỏa mản được nhu cầu mới của nhiều tầng lớp giáo dân. Tệ hơn nữa là các tà thuyết rối đạo lại nảy mầm trong dân chúng và đang theo đà tâm lý mà bành trướng nhanh chóng như vi trùng ôn dịch.

     Kể ra thời ấy đã có nhiều tu viện, nhiều nhà thương, nhiều Thánh Đường đua nhau mọc lên; giáo hữu đua nhau hành hương viếng các nơi thánh và gia nhập Đạo binh Thánh Giá (Croisade). Các hiệp sĩ hăm hở xã thân bênh vực qủa phụ và cô nhi. Tuy nhiên, lập bệnh viện, xây tu viện, hay xây nhà thờ thì chỉ là một cách lập công đền tội của những tay gian ác vừa quay về chính lộ. Giữa lúc ấy, còn có bao nhiêu người khác thấy chưa cần thống hối, trái lại vẫn sa đà, hà hiếp và bốc lột dân đen, gây hỗn loạn bất công trong xã hội và giữa lòng giáo dân.

     Tình trạng chính trị xã hội và tôn giáo nói trên, đặt những người công giáo chính chuyên và có ý thức thời đó trước hai câu hỏi :

- Phải làm thế nào để cho đời sống mới phù hợp với tôn chỉ Phúc Âm?

- Phải làm thế nào để công giáo hóa những hoạt động của nền văn minh mới?

Trước sự đòi hỏi lớn lao lịch sử nầy thì Phanxicô đã đến.

Ombria.

     Phanxicô ra đời tại thành phố Assisiô, tỉnh Ombria, miền Trung nước Ý. Miền nầy có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Xét về chính trị cũng như sức sống. Ombria là trung tâm và là qủa tim của nước Ý, cảnh vật nó đẹp đẽ đến nổi có kẽ gọi nơi đây là vườn địa đàng nhờ : có nước cao, có rừng rậm, có thung lũng mơ mộng, có thác ào ào đổ nước, không khí thanh khiết và cảnh thiên nhiên qủa là hùng vĩ mà hiền hòa.

     Người Ombria đẹp, chất phác, dể gây thiện cảm, hồn nhiên và mãnh liệt, trong có vẻ nhẹ nhàng duyên dáng. Hàng mấy thế kỷ, họ cũng thông minh đạo đức, làm cho họ góp công tu dưỡng để có một tinh thần truyền thống ăn sâu giữa dân chúng cho đến ngày nay. Qua một thời đại, Ombria đã đào tạo cho Giáo Hội những con người trung thành dũng cảm làm hết nhiệm vụ công giáo như thánh Bênêđitô, thánh Phanxicô. Người dân Ombria bao giờ cũng trung kiên và trọng danh dự.

Assisiô.

     Assisiô nơi chôn nhau cắt rốn của Phanxicô, nổi tiếng là một miền có bầu trời không gợn mây, có mặt trời rực rỡ, có bầu không khí trong vắt, có những dòng nước mát lành. Assisiô là một ngọn đồi nhỏ và xinh. Trên đỉnh đồi có một pháo đài kiên cố gọi là Rocca Magna, xa trông như chiếc mũ triều thiên đặt trên đồi. Rải rác đó đây là những ngôi nhà thờ mang kỷ niệm Phanxicô mãi mãi trang điểm châu thành như Đại Thánh Đường Assisiô đang giữ hài cốt thánh nhân, nhà thờ Chiesa Nova đứng trên nền nhà thân phụ Phanxicô, nhà thờ thánh Rufinô là nơi Phanxicô lảnh phép thánh tẩy, nhà thờ thánh Georgiô là nơi Phanxicô học khai tâm vở lòng, nhà thờ thánh Nicôlaô là nơi thầy trò bói nghĩa ở trong Phúc Âm, xa hơn chút nữa là nhà thờ thánh Damianô do chính tay phanxicô đã xây lại, sau cùng ngoài kia, giữa cánh đồng rộng là Đại Thánh Đường Đức Bà thiên thần, nơi Phanxicô từ trần.

Assisiô còn ghi tên nhiều vị thánh tử đạo đã mở máu đào, hy sinh gieo mầm đạo đức công giáo và từ những thời đại anh hùng ấy về sau tinh thần sùng đạo vẫn ăn sâu giữa mọi tầng lớp giáo dân. Quê hương thánh Phanxicô bao giờ cũng gieo một ấn tượng sâu xa độc đáo và thâm tâm người du khách, nhất là du khách công giáo thành tâm.

Gia Đình.

     Giữa châu thành đổi mới, ngôi nhà xưa của thân phụ Phanxicô vẩn còn để ít nhiều di tích, ngôi nhà gồm năm sáu căn và trong những căn phòng ấy. Phanxicô đã ở cho đến tuổi hai mươi năm.

     Phanxicô là con đầu lòng. Kế sau là Angelo và một người em thứ ba nữa. Tổ phụ ngài là người tỉnh Toscane đến Assisiô lập nhiệp. Ông Phêrô Bernadônê, thân sinh ngài, là một trong những đại thương gia chuyên buôn bán hàng gấm vóc tơ lụa và các loại da thuộc giàu có nhất vùng. Thời ấy các nhà buôn nầy rất có thân thế, kỷ nghệ trong nước nằm ở trong tay họ, họ chuyên giao dịch với các nước ngoài, ngựa họ phi mãi tới các thị trấn miền Bắc để trao đổi hàng hóa.

     Gia đình Phanxicô phát đạt vào lúc Assisiô cũng như các đô thị lớn nước Ý đang ký kết những hiệp thương và tương trợ với các nước miền Địa Trung Hải. Qúy tộc cũng chưa hẳn đã lâm giai đoạn xuống dốc. Tiểu tư bản nhờ buôn bán mà trở thành triệu phú. Hai giai cấp nầy đua nhau ăn sang mặc đẹp, hội hè đình đám liên miên, hàng hoa tơ lụa nhờ vậy mà bán rất chạy. Cũng nhờ hoàn cảnh và địa vị ấy mà sau nầy, do nhiều chuyến du dịch buôn bán mà ông Phêrô Bernađônê cưới được bà Pica, một cô gái thượng lưu, quê ở Provence, miền Nam nước Pháp. Quê ngoại của Phanxicô cũng là đất văn vật, phong phú thi ca, cảnh trời ở đây cũng rất thơ mộng. Bà Pica là người mẹ hiền, qúy trọng con đến nổi nuông chiều nhiều khi qúa đáng. Bà dạy con học tiếng quê hương và chính bà đã mở đường cho con sau nầy thích ngâm nga những khúc anh hùng ca và những câu hát tình tứ của miền Nam nước Pháp.

     Phanxicô mở mắt chào đời năm 1182 không rỏ ngày và tháng nhằm lúc ông thân sinh đang mãi mê lo buôn bán ngược xuôi, bà Paci mang bầu thai đã bảy tháng rồi, nhưng buôn bán thương mại, gặp chuyến đi là phải đi để còn hốt tiền về chứ.

     Không thể chờ ý kiến phu quân, bà đưa con đến nhà thờ thánh Rufinô lãnh phép rửa tội và đặt tên con là Gioan Baotixita. Được tin sinh con trai đầu lòng, ông Bernadonê vội trở về nhà và việc đầu tiên là đặt cho con một cái tên vừa ý ông, cho nên từ nay cậu cả Gioan Bernadonê phải được gọi đúng là Phanxicô. Sở dỉ ông chọn cho con cái tên lạ tai ấy là vì ông chuyên buôn bán với người Pháp, ông khắn khít với nước Pháp, ông khoái tiếng Pháp là ngôn ngữ ngoại giao thời ấy, ông thích những gì liên quan đến Pháp - người dân Pháp gọi là Français đọc trẹ ra là Françoué nghe thành françois, phiên âm ra tiếng Ý là Francesco rồi từ Francesco phiên âm ra việt ngữ là Phanxicô vậy. Phần bà Pica, một trang thục nữ, cũng là nề nếp hiền hòa, nghe chồng đặt lại tên cho con như vậy, chả lẻ mang con đi rửa tội lại, vì chỉ rửa tội một lần mà thôi, nên cũng kiểu phu xướng phụ tùy, bà cũng chỉ còn amen vậy.

     Chung quanh chuyện Phanxicô ra đời, người ta còn truyền hai giai thoại. Một giai thoại kể rằng : Mãn kỳ thai nghén, bà Pica khó sinh. Bổng có một người khách lạ, ăn mặc theo lối thập phương tới nhà bảo bà cứ xuống chuồng bò là sinh được vì con bà không muốn ra đời trên gấm nhung và không muốn sống trên tơ lụa.

     Giai thoại thứ hai kể rằng : Lúc rửa tội xong, họ hàng bồng Phanxicô về nhà, bổng có một người khách lạ đến xin bồng em bé một lát. Họ hàng do dự mãi nhưng rồi cũng phải chìu khách. Khách ngắm nghía em bé một lúc, rồi vẽ thánh giá lên vai em và bải thân nhân rằng : « Ông bà nên săn sóc việc giáo dục em nhỏ nầy cho thật chu đáo nhất là chăm riêng về đức dục vì sứ mệnh ngày mai của em rất là vỉ đại. Em sẻ là một trong số các đầy tớ hoàn toàn nhất của Thiên Chúa ở trần gian ».

 

Chương II : Tuổi Hoa Nhung Lụa.

     Về thời thơ ấu và nền giáo dục đầu tiên của Phanxicô, các nhà chép truyện chỉ ghi rằng Phanxicô được gởi đến trường học thuộc nhà thờ thánh Georgiô. Chắc Phanxicô chỉ học những điều thường thức cần thiết vừa đủ dùng trong việc giao dịch buôn bán sau nầy như đọc và viết tạm được tiếng Ý kèm theo một ít la-ngữ. Về giáo lý thì vừa đủ giúp sống một đời, nếu không thánh thiện lắm thì cũng không phải là tội lỗi lắm. Như vậy thì Phanxicô không phải là một người hay chữ.

     Về gia đình giáo dục, hầu hết thiếu niên khá giả được cha mẹ theo thói nuôi con trong ăn chơi và ủy mị, nếu thế thì đức dục của Phanxicô cũng chẳng được chu đáo lắm vì là được nuôi dưỡng giữa phù hoa của trần thế.

     Tuy vậy. Phanxicô vẫn có nhiều xu hướng tốt làm nên móng cho việc xây dựng nay mai vì Phanxicô thừa hưởng của mẹ một tâm hồn nhân hậu với một khí phách hiên ngang của người hiệp khách đương thời vì bà Pica vốn thuộc một dòng qúy tộc miền nam nước Pháp.

     Còn thân phụ Phanxicô thì sao? Người phú thương ấy đã để lại cho con một trí tuệ sắt bén, minh mẩn, thêm vào đó là một cái tài tháo vát thích nghi là những đức tính của kẻ xuôi ngược giữa chợ đời. Ông là một tay trưởng giả điển hình của thời đại : ham lợi, hiếu danh, còn việc tu thân tích đức đối với ông chỉ là phụ thuộc, phải làm ra tiền trước nhất; tuy thế, trong lúc chuyên tìm danh và lợi, ông cũng không đến nổi bán rẻ lương tâm, ông lo giốc cả tài năng vào việc khuếch trương gia sản để mong một ngày kia, với đồng tiền ông sẽ trèo lên thang danh vọng.

     Muốn cho Phanxicô nối nghiệp nhà, ông Bernadonê đã sớm cho cậu cả dự phần vào công việc buôn bán. Bởi vậy, Phanxicô đã sớm lăn lộn với chợ đời để làm quen với thói người đời. Phanxicô đón nhận tất cả những thị hiếu của một giai đoạn đang biến chuyễn từ phong kiến sang công xã, từ đế quốc sang tiểu quốc địa phương, từ đời sống khắc khổ giản dị sang đời sống xa hoa phù phiếm. Cũng như phần đông con nhà khá giả thời ấy, Phanxicô là một chàng công tử phong lưu rất mực, ăn diện bảnh bao, rộng tay xài tiền song chưa đến nổi sa đà trụy lạc, nhưng cũng khá phủ phiếm xa hoa.

     Có lẽ Phanxicô cũng đã biết yêu, yêu tha thiết, yêu say đắm, nhưng yêu theo kiểu những tay anh hùng mã thượng mà chàng vẩn ngưởng mộ cái tinh thần nghĩa hiệp suốt đời tận tụy hy sinh vì người đẹp tượng trưng cho cái gì qúy giá mà mong manh mà những cánh tay rắn rỏi vạm vở mạnh mẻ phải bảo vệ với lòng tôn kính mến chuộng. Phanxicô thuộc vào hạng người hào hoa tao nhả, không bao giờ mở miệng nói lời thô tục, gặp ai trắng trợn nói ra những truyện gió trăng ong bướm thì Phanxicô giả điếc làm ngơ như không nghe thấy.

     Tao nhả và lịch thiệp, người khách thương Phanxicô của chúng ta, tuy tuổi trẻ mà tài cao, dư thừa khôn ngoan lanh lẹ trong việc làm ăn, tuy rộng tay xài tiền, cậu Bernadonê, cũng giúp thân phụ một cách đắc lực. Nay niềm nở đón mời khách hàng tấp nập ra vào, mai ngồi trên lưng ngựa trẩy hàng ở các chợ xa xuôi thuộc miền Champagne hay Provence nước Pháp.

     Đặc biệt tài hoa, Phanxicô lại có một tâm hồn quảng đại, không bao giờ biết từ chối ai việc gì. Cũng nhận lời yến tiệc với bạn bè song bố thí cho người nghèo là đức tính trội hẳn, của chàng phong lưu công tử ấy, cậu đã quyết tâm không bao giờ từ chối người nào ngữa tay xin bố thí vì lòng mến Chúa.

     Có một lần, vì qúa bận rộn khách hàng, Phanxicô đã dang tay xua đuổi một người hành khất, nhưng rồi thấy lương tâm bứt rứt và không một chút do dự, cậu xin lổi khách hàng, chạy theo tìm cho được kẻ hành khất để tạ lổi rồi nhét vào tay kẻ hành khất một nắm đồng tiền vàng sáng ngời, làm cho tên hành khất ngạc nhiên và cảm ơn rối rít.

Mộng Công Danh.

     Nói đến tương lai của con mình, ông Bernadonê đã có một chương trình vạch sẳn. Con trai của ông nhất định làm nên danh phận. Bạc tiền đã sẳn, ông chỉ còn mong rằng cậu con cả của ông với tài hoa lịch thiệp hơn người sẽ có ngày đưa giòng họ ông lên bậc thang qúy tộc. Cái cốt cách đài các của cậu đã từng làm cho nhiều người lầm tưởng rằng cậu xuất thân ở một gia đình vương giả, nhiều người khác cũng khác nhau rằng Phanxicô sẽ có một tương lai rực rở.

Về tương lai của Phanxicô, cũng có truyền thuyết như sau : Có một chàng nọ ở Assisiô hình như cũng được ơn nói tiên tri. Mỗi lần gặp Phanxicô - bất cứ ở đâu - anh chàng ta vội cởi áo trải đường để cho Phanxicô bước lên. Hành động của anh chàng nầy thường làm cho Phanxicô bẻn lẻn khó chịu; ngoài ra, có ai chế nhạo anh chàng kỳ cục ấy thì anh ta một mực trả lời : Suy tôn cậu Phanxicô là tôi báo trước cho bà con cô bác biết sự nghiệp hiển hách của cậu ấy. Rồi đây, thiên hạ sẽ suy tôn cậu.

Rồi đây Phanxicô sẽ thế nào?

- Một giáo sỉ ư?

- Một hiệp sĩ ư?

- Một thi nhân ư?

     Ta thử tìm hiểu tâm tư người khách buôn trẻ tuổi ấy còn ôm ấp những hoài bảo gì. Trước hết cậu ta có một sức sống dồi dào mãnh liệt đang vươn lên và cũng đang theo một thứ tình cảm phong phú thanh tao hướng về cái «đẹp» hơn là hướng về «hành lạc», say sưa bằng hữu tâm giao hơn là đắm đuối tình yêu lứa đôi. Tất cả nơi cậu Phanxicô đang vươn lên một độ yêu đời và ham mê hoạt động theo kiểu mẩu của những trang hiệp sĩ anh hùng.

     Lẽ dỉ nhiên, nghề buôn bán với những tính toán, sắp đặt tỉ mỉ đều không hợp với con người phóng khoán ấy. Văn chương có thể quyến rũ một phần nào tâm hồn nghệ sĩ nhưng lại không đáp trọn nhu cầu múa máy đang thúc đẩy tay chân.

     Trong lúc chờ đợi tìm một hướng đi thích hợp và nhất định cho đời mình thì cuộc đời vô định rày đây mai đó của những anh chàng hát dạo là hấp dẫn nhất đối với Phanxicô; đám hát dạo nầy từ Pháp sang, đi khắp nơi, bán vui cho các cuộc đình đám tại các lầu đài phong kiến. Đề tài hầu hết là những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của những trang hiệp khách anh hùng theo đuổi một cuộc tình duyên lý tưởng với những bậc giai nhân kín cổng cao tường.

     Ở trường học ca hát nầy, Phanxicô đã học được rất nhiều bài. Một tâm hồn như thế, làm sao mà có thể đóng khung lại trong việc đo lụa, đo nhung, đo gấm nhiểu được và xếp bạc vào tủ hằng ngày được. Cho nên, trong lúc chờ đợi một ngày mai vùng vẩy như cá nước rồng mây, cậu Phanxicô rộng tay phung phí, tiệc tùng đải bạn và bố thí cho kẻ nghèo. Trong hàng ngủ thanh niên thành Assisiô, phần nhiều là qúy tộc phú thương, Phanxicô vẩn chiếm giải nhất. Đã bao lần chàng đứng đầu tổ chức những cuộc liên quan náo nhiệt và sau những yến tiệc linh đình, đoàn trai ngông cuồng kéo nhau nghênh ngang khắp phố phường, đám dựa duyên liếc tình lên lan can lầu đài quyền qúy với những ca khúc tình tứ đong đưa. Những cuộc vui chơi của lớp trẻ nhiều khi cũng qúa độ và tất nhiên những tiếng dị nghị không khỏi đến tai gia đình. Tuy cưng con và cũng hảnh diện có một đứa con tài hoa nhưng đôi lần ông bà Bernadônê cũng răn con : « Nhà ta đâu có phải là vương hầu bá tữ gì mà tiền bạc con đem phung phí, đãi đằng cho một lủ chơi ngông như thế! » Lời trách nầy cũng chỉ là chiếu lệ, còn trong thâm tâm ông bà vẩn nghĩ là : trẻ ai lại không chơi, thói phóng túng sẽ qua đi rồi đâu cũng lại sẽ vào đấy. Riêng bà Pica, lại càng qủa quyết hơn. Có ai ám chỉ đến đời sống buông tuồng của đứa con cưng thì bà bàu chữa ngay : Vâng, nhưng rồi các ngài sẽ thấy thằng con của tôi có ngày làm đẹp lòng Chúa.

     Mẹ nào mà chẳng bên con, nhưng dám công khai tuyên bố như thế chắc hẳn cặp mắt tinh vi của bà Pica đã thoáng nhận thấy một cái gì. Và bà đã không lầm - Cái bề ngoài buông tuồng ấy đang che đậy cả một bầu nhiệt huyết của một con người giàu trực giác, kèm theo một ý chí vững bền của những kẻ quyết thể hiện ước vọng của lòng mình. Thái độ hào hoa chỉ là phản ảnh một tâm hồn khoáng đạt và tính ngông cuồng chỉ là bước đầu của một người sẽ vượt lên khỏi những ước lệ thông thường để đạt đến cái tinh thần chủ yếu của mọi sự. Cho nên, cùng với cha xuôi ngược đó đây hay cùng với bạn vui đùa, Phanxicô vẩn ở trên tất cả. Chàng vẩn không thấy lòng mản nguyện, chàng vẩn khao khác một khung trời cao rộng hơn. Khung trời cao rộng ấy chưa rỏ hẳn là đâu, nhưng có lẽ Phanxicô đã thoáng thấy ở một đời tung hoành với thanh gương yên ngựa mà chàng đã mơ ước khi để lòng theo nhạc điệu của những khúc anh hùng ca trên miệng bọn người hát dạo.

     Đời hiệp sĩ hấp dẩn Phanxicô, chẳng phải đó là ngưỡng cửa mở đường lên thang danh vọng, nhưng vì đó cũng là cuộc đời đầy gian nan thử thách, đem lại cho tâm hồn phóng khoáng những thú vui cao thượng ly kỳ. Nên nền trời lý tưởng của Phanxicô đang chiếu sáng ngôi sao danh dự của một cuộc đời công danh hiển hách.

Người Tù Binh.

     Muốn lập công danh thì chỉ có một nẻo đường là theo chân một vị công hầu nào đó trong những cuộc tranh hùng đang diễn ra khắp nơi. Cả Âu Châu đang lâm vào một tình trạng rối ren của thời kỳ các công xã nổi dậy đòi quyền tự trị, chống lại qúy tộc và đế quốc. Nhân dân thành Assisiô cũng đã bao phen quật khởi và sau hai lần thất bại thì cuộc đảo chánh năm 1179 đã thành công. Ách thống trị phong kiến bị lật đổ và công xã tự trị được thành lập. Bọn qúy tộc bị trục xuất khỏi Assisiô, phải chạy sang Pérousia tỵ nạn. Để trả thù Assisiô, bọn qúy tộc nầy lợi dụng mối hiềm khích cố hữu giữa hai thành rồi xui giục Pérousia tuyên chiến với Assisiô vào năm 1201. Cuộc giao tranh nầy kéo dài mãi hơn một chục năm trời. Trong cuộc tranh nhau tại cầu thánh Gioan, vào năm 1202, Phanxicô đã anh dũng chiến đấu trong hàng kỵ mã, và vị anh hùng trẻ tuổi, sau khi thua trận, đã bị bắt đem về Pérousia làm tù binh.

     Trong trại giam, Phanxicô được xếp vào hạng tù binh qúy tộc. Những ngày bị giam cầm cực khổ và buồn tẻ kéo dài. Trong lúc các bạn đồng cảnh than thân trách phận thì Phanxicô vẩn giữ khí phách hiên ngang, không lúc nào chàng thôi vui cười ca hát.

     Thấy Phanxicô hồn nhiên như thế, các bạn chàng càng bực bội, hỏi : « Anh điên rồi sao? Tình trạng nầy mà cũng cười đùa vui vẽ được? » Phanxicô nghiểm nhiên đáp : « Các bạn bảo tôi buồn sao được? Tôi đang nghĩ đến ngày mai, ngày mà tôi sẽ được thiên hạ suy tôn như một vỉ nhân anh hùng ». Nói xong, chàng lại càng hát càng cười. Nguồn vui tự chàng trai trẻ ấy dần dần truyền sang cả trại gian, có một anh chàng khó tính nhất trong tù không ai chịu nổi, cũng bị chinh phục bởi thái độ hòa nhã vui vẻ của cậu Phanxicô.

     Chắc chắn, trong một giây phút được ơn trên mặc khải cho nên cậu Bernadonê buộc miệng nói ra. Vẩn biết rằng cuộc đời của Phanxicô đến đây chưa có gì là thánh thiện song, một ngày kia, Phanxicô sẽ là một vị thánh độc đáo.

     Tháng 11-1203, Pérousia và Assisiô ký tạm ước đình chiến, Phanxicô và các bạn được trả tự do. Quần áo tả tơi, mặt mày xơ xát, nhưng lòng vui sướng cởi mở, đoàn tù binh trở lại quê hương.

 

Chương III : Đi Tìm Lý Tưởng. Hướng Về Tương Lai.

     Về Assisiô, Phanxicô trở lại cuộc đời cũ, nhưng không bao lâu chàng ngã bệnh, có lẽ đó là hậu qủa hơn một năm trời tù ngục. Cơn bệnh đã giữ chàng liệt giường đến hàng tuần và qua những ngày thụ bệnh, tâm tư của chàng thanh niên ấy đã bắt đầu đổi hướng.

     Vừa tạm gọi là bình phục, chàng lần bước ra dạo cánh đồng, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nhưng chàng đã thất vọng, cảnh vật xưa kia đã đem lại cho chàng vui tươi thì nay trở thành vô vị lạ thường. Có lẽ lần nầy là lần đầu tiên, con người vui vẻ trẻ trung kia mới cảm thấy cái rồ dại của những ai để lòng lân la những vật mà một sớm một chiều đã mất hết sức quyến rũ. Chàng bở ngỡ hoang mang lui gót trở về, lòng mang nặng một nổi buồn man mác, vô căn cứ. Nhưng đó chỉ là ấn tượng thoán qua, có lẽ chỉ là một phút xao xuyến vì cơ thể mới thoát khỏi một cơn bệnh nặng. Rồi, khi sức khoẻ đã hoàn toàn trở lại, mộng công danh sự nghiệp cũng trở lại theo.

     Một cơ hội thuận tiện đã đến với Phanxicô. Hầu tước Gentili, một nhà qúi tộc thành Assisiô đang chuẩn bị nhung trang, hành quân lên miền Pouilla, nơi chiến tranh đang kịch liệt giữa hai phe qúi tộc, về việc tôn lập người giám hộ cho vị ấu chúa, con của hoàng đế Henri IV vừa mới băng hà. Một bên là quân Cần Vương cùng với Hoàng Hậu nhất định suy tôn Đức Giáo Hoàng Innocentiô III làm giám hộ, một bên là quân của giai cấp qúi tộc nước Đức chỉ muốn suy tôn Markward, một vỏ tướng người Đức. Phe thứ hai nầy chỉ sợ ảnh hưởng của giáo triều La Mã qúa mạnh.

     Cuộc chiến tranh bùng nổ từ năm 1198. Ban đầu quân của ấu chúa Fêdêricô II và quân của giáo triều La Mã ở vào thế yếu. Nhưng từ năm 1202 chiến cuộc đổi chiều, khi một vỏ tướng xứ Normandie tên là Gauthier de Brienne đứng vào hàng ngũ quân Cần Vương. Nhân dân miền nam nước Pháp và toàn cỏi nước Ý rầm rộ kéo đến xin tòng quân để ủng hộ vị Hoàng đế đã được giáo triều La Mã bảo trợ. Phanxicô lần nầy nhất định theo chân hầu tước Gentili, gia nhập quân đội của giáo triều. Chàng chắc chắn sẽ lập được chiến công hiển hách, sẽ được tuyên dương cùng tấn phong vào hàng hiệp sĩ chính thức trước mặt ba quân ngay ở ngoài chiến trường.

     Chàng vội vàng chuẩn bị quân trang, lòng nao nức một niềm tin vô hạn. Với thói quen phung phí bạc tiền của chàng, với lòng háo danh của thân phụ, ai cũng đoán được bộ võ phục của cậu Bernadonê sang trọng đến ngần nào, trong lúc ấy có nhiều hiệp sĩ chính thức đành phải đứng ngoài hàng ngũ vì không đủ phương tiện sắm sửa nhung trang. Phanxicô đã gặp một hiệp sĩ ở trong tình trạng ấy. Động lòng trắc ẩn và nghĩ mình chỉ là một phú thương mà dám trang phục lộng lẩy oai vệ hơn những con nhà tưởng môn chính thức. Nghĩ vậy, Phanxicô đã không ngần ngại biếu người hiệp sĩ ấy nguyên cả bộ vỏ phục của mình vừa mới sắm.

     Cử chỉ ấy đã đem lại cho Phanxicô một phần thưởng. Đêm sau, trong khi ngũ, một giấc mộng kỳ lạ đã đến với chàng. Chàng thấy nhà cha mẹ biến thành một lâu đài chứa đầy quân trang vũ khí. Những cuộn hàng nhung lụa đã biến đi nhường chỗ cho những bộ yên cương lộng lẫy, những tấm thuẩn chói vàng, và đao kiếm sáng quắc. ễ một gian phòng bên trong lâu đài ấy, một hôn thê đẹp đẽ dịu dàng duyên dáng đang chờ đợi tân lang.

     Ngạc nhiên, Phanxicô đang tìm hiểu, thì một tiếng vọng huyền bí cho chàng biết rằng bao nhiêu vũ khí chưng bày đó là để trang bị cho quân đội của chàng, còn người đẹp là để dành riêng cho chàng xe duyên kết tóc.

     Tỉnh giấc, lòng Phanxicô bổng rộn rả tưng bừng. Mộng đẹp hẳn là báo trước con đường công danh sự nghiệp rộng mở từ đây. Nhưng không hiểu sao, sau giây phút tưng bừng chứa chan hy vọng ấy, lòng người chiến sĩ lại thấy ngấm ngầm một nổi buồn sâu xa thấm thía. Rồi, tần ngần và lưỡng lự, chàng phải cố gắng lắm mới có thể quyết chí lên đường. Cùng với người mã phu, chàng hiệp khách vượt qua đỉnh núi Soubasiô, theo nẻo Folignô, tiến về Spolêta và định sẽ theo con đường Flaminô, qua giáo đồ LaMã, tiến xuống mặt trận nam Ý. Nhưng rồi người chiến sĩ không bao giờ được theo chân tướng Gauthier để tung hoành ngoài chiến địa.

     Một sứ mạng khác đang đón chờ người hiệp khách. Một chủ tướng khác đang chờ đợi và sẽ gọi chàng. Đêm hôm ấy, trong quán trọ ở Spolêta, tiếng vọng huyền bí hỏi Phanxicô trong một giấc mộng thứ hai :

- Phanxicô con đi đâu thế?

- Thưa con đi dự chiến ở miền Pouilla.

- Thế à! Nhưng con hảy trả lời ta. Con chờ mong ơn huệ ở ai hơn? ở một người làm chủ tất cả hay ở một kẻ chỉ vào hàng tôi tớ?

- Thưa, lẽ cố nhiên là ở người làm chủ tất cả.

- Vậy sao con lại đành theo chân kẻ làm tôi tớ chứ không theo chân người làm chủ mà trăm nghìn tôi tớ khác phải suy phục?

- Lạy Chúa, con phải làm gì, xin Chúa truyền lệnh!

- Phải làm gì ư? Thì con hảy trở về quê hương rồi sẽ rỏ. Cứ trở về đi, con sẽ hiểu ý nghĩa buổi ứng mộng đêm nay.

     Bừng tỉnh dậy, Phanxicô không tài nào nhắm mắt được nữa. Suốt đêm ấy chàng suy nghĩ miêng man, và rồi hôm sau, khi trời vừng sáng, chàng bỏ hẳn ý định tham dự chiến tranh, rồi cùng mã phu quay ngựa trở về Assisiô. Hăng hái ra đi để rồi nữa đường trở lại, lẽ ra là một cái nhục. Thế nào cũng có người mỉa mai : «Thế mà cũng huênh hoang gươm với giáo». Nhưng mọi người đều ngạc nhiên trước thái độ dững dưng, của Phanxicô, hình như chàng chẳng chú ý đến lời dị nghị lại còn hảnh diện vì đã nữa đường quay lại.

- ồ, dự chiến! Đi hay về, nào có gì quan trọng! Tôi không vì thế mà sau nầy không trở nên một vị vương hầu

     Đó là câu Phanxicô trả lời những kẻ nhắc nhỡ đến cuộc dự chiến hụt của chàng. Đó có thể là một câu nói gàn để chữa thẹn, nhưng cũng có thể là một quyết định đang thành hình trong tâm trí con người kỳ khôi ấy. Mà không phải chỉ là một câu nói gàn, vì Phanxicô đã thay đổi hẳn. Các bạn cũng đều nhận thấy như thế.

     Trong các cuộc liên hoan, vì nể bạn, Phanxicô cũng đành đến dự, nhưng rỏ ràng tâm trí chàng đang để tận đâu đâu. Một ý định gì đang ám ảnh chàng hay là có bóng dáng người đẹp nào đang hiển hiện trước mắt chàng hay trong tâm tư tiềm thức của chàng.

     Ngày đêm, Phanxicô như không còn va chạm gì vào thế giới bên ngoài nữa. Chàng như chìm vào một cơn tỉnh niệm thăm sâu. Chàng chỉ muốn ẩn dật trong khuất tịch của núi đồi để lẫn tránh một cái gì và cũng như tìm kiếm một cái gì. Các bạn cũ đã cảm thấy rằng con người hào hoa phong nhã ấy đã khác hẳn xưa rồi. Một cái gì đã đến trong đời chàng, hay là một thiên quốc sắc nào đã chiếm được qủa tim chàng rồi! Tiếng sét ái tình đã xẹt qua tim chàng rồi! Huyền bí và sâu xa! Nào ai biết được! Phanxicô chỉ riêng giữ bên lòng nổi niềm tâm sự của mình.

-Bỏ mộng công danh rồi trở về với dáng điệu của kẻ đã bị thu hồn, thì chắc chắn chàng đã vướng phải nợ ái tình rồi! Tội nghiệp cho cây si!

     Đó là những lời ước đoán của các bạn chàng. Thái độ khó hiểu của Phanxicô lại càng kích thích tánh tò mò của lũ bạn trẻ. Chắc hẳn là họ đã ngờ vực Phanxicô ích kỷ muốn đọc quyền chiếm một đóa hoa nào đó mà không báo tin mừng cho anh em biết. Hể vắng bóng chàng là họ chia nhau tìm kiếm cho kỳ được để lôi kéo chàng vào cuộc vui mà lẽ dĩ nhiên. Phanxicô sẽ là người xuất túi trả tiền. Nhưng rồi đây cuộc đời vui chơi của chàng phong lưu công tử ấy sẽ đến ngày chấm dứt. Chiều hôm ấy, sau khi tìm được Phanxicô, các bạn ồ ạt lôi kéo chàng, suy tôn làm « Vua Bạn Trẻ » và mười người như một đều đồng thanh sách nhiễu : « Thiết yến đi! Hoàng Tử! »Lịch thiệp và giàu tình bè bạn, Phanxicô đã đãi tiệc, một buổi tiệc linh đình hơn bao giờ hết. Một lần cuối cùng, Phanxicô đã sống cho hết cả nghi vệ và tài năng của ông Hoàng tuổi trẻ. Tiệc tan, bọn trẻ say sưa kéo nhau rông khắp cả các nẻo đường Assisiô. Tiếng cười đùa, tiếng hát kéo dài mãi trong đêm khuya. Riêng Phanxicô, chàng say một cơn say khác hẳn.

     Dáng điệu đàng hoàng, tay cầm phủ việt tượng trưng chức vị ông Hoàng của tuổi trẻ mà các bạn trao cho, Phanxicô cố đi cuối đoàn, không hát, không ngâm thơ, để hồn lâng lâng trong một cơn suy niệm hay trong một ý thầm thì nguyện cầu.

     Dịu dàng như nghĩa mẹ, ơn Chúa xuống giữa lòng con người đã bấy lâu tìm kiếm đợi chờ.

Trong phút chốc, chàng thấy rỏ tất cả cái hư vô của các thứ quyến rũ phàm trần và đồng thời nhận được những sự thực siêu hình xưa nay còn xa lạ. Tâm hồn chàng chìm sâu trong suối tình thương êm dịu chan hòa Phanxicô dừng lại, mắt thôi nhìn, tai thôi nghe,và toàn thân thôi cử động. Các bạn đã cách một khoảng xa, không thấy Phanxicô đâu, cùng nhau quay trở lại tìm. Đến gần, họ bổng ngập ngừng. Người đứng trước mặt họ đâu còn nữa là kẻ mà họ suy tôn là « Vua Bọn Trẻ ». Một thế giới đã ngăn cách họ với người bạn của những ngày vui ồ ạt. Nhưng chẳng lẽ họ làm thinh, vài cậu cũng ngượng đùa : « Hoàng tử của chúng tôi oai vệ qúá! Sao ngài lại dừng bước một mình ở đây? Bao giờ thì cử hành hôn lể đó? Chẳng biết nàng công chúa thần tiên diễm lệ đến ngần nào mà khiến Hoàng tử của chúng tôi ngẩn ngơ đến thế? »

Phanxicô mỉm cười, khó hiểu, trả lời : « Các bạn nói đúng! Tôi đa miên man nghĩ đến ngày hôn lễ. Bạn đời của tôi là một giai nhân sắc tài đức hạnh vẹn toàn, các bạn chưa ai từng gặp một người như thế? ». Người đẹp của tấm lòng trai ấy là ai? Chính Phanxicô cũng chưa biết rỏ. Chàng chỉ tiên cảm và đang dày công tìm kiếm, đang vững dạ chờ mong, mãi sau nầy chàng mới rỏ dung nhan người mà chàng mơ ước.

     Và cuộc vui trên đây là bước cuối cùng của đoạn đời « vui vẻ trẻ trung ». Từ đó, Phanxicô không cùng chúng bạn tổ chức những ngày hoan lạc như xưa nữa. Chàng chỉ biết trung thành với người đẹp của lòng mình.

     Một tâm hồn đã biến đổi, một cuộc đời đã chuyển hướng vì đã đón nghe một tiếng gọi xa xăm. Đó là việc làm của ơn Chúa. Người ngoài cuộc chỉ biết thế thôi, chứ không mong gì phân tích diển tả được tác động của ơn Chúa trong linh hồn ấy. Từ đây, Phanxicô theo ơn Chúa gọi, tiến mãi không ngừng, vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ người thường. Hành động của chàng bị xem là điên cuồng rồ dại đối với những kẻ khôn ngoan cái khôn ngoan trần thế ».

     Tuy nhiên, trong cuộc đời mới, Phanxicô đã mang theo tất cả những bản sắc riêng của tâm hồn. Hào hoa phong nhã, khí phách hiên ngang, cốt cách hiệp sĩ, phong thái thi nhân, Phanxicô vận dụng tất cả những vốn liếng tự nhiên ấy để phụng sự lý tưởng mới của chàng.

Lắng Nghe Tiếng Chúa.

     Cắt đức dĩ vảng, Phanxicô còn phải tìm lối đi giữa trăm vạn nẽo đường mở rộng. Chàng không khỏi hoan mang nhưng vẫn đặt lòng vững tin vào Chúa. Để nghe tiếng Chúa rỏ hơn, chàng xa dần những hoạt động buôn bán của nghiệp nhà và bắt đầu cuộc đời tâm niệm nguyện cầu. Xa hẳn những bạn bè hành lạc. Phanxicô chỉ thổ lộ tâm tư với một người bạn thân. Người bạn ấy cùng Phanxicô chung một chí hướng và cùng chàng đàm đạo trong những cuộc dạo mát quanh vùng. Đôi bạn tâm giao thường dẫn nhau đến một hang đá gần châu thành. Lúc đến hang, thường khi chỉ có một mình Phanxicô vào, để riêng mình ra trước mặt Thiên Chúa. Đây là nói con người vừa trở lại đã sống những giây phút khắc khoải của tâm hồn đang bị xâu xé giữa trăm ngàn ý tưởng và xu hướng đối lập. Để tìm lại thế quân bình cho tâm hồn, Phanxicô tha thiết cầu xin ơn trên soi đàng chỉ lối. Nhìn lại quảng đời qúa khứ, chàng khóc lóc những tội lỗi mà giờ đây chàng ghê tởm và không khỏi run sợ một ngày kia rất có thể lại ngã về lối cũ.

      Nhưng bổng một hôm, sau một giờ cầu nguyện, Phanxicô ra khỏi hang, vẽ mặt hoàn toàn bình tỉnh. Cơn bảo nội tâm đã lắng dịu. Ánh sáng của Chúa đã đánh tan bóng tối. Một niềm vui tràn lan và bộc lộ ra ngoài. Không cầm được nổi lòng nhưng cũng khó bề bày tỏ được những gì còn chất chứa trong tâm cang, có ai gạn hỏi thái độ mới của chàng thì Phanxicô chỉ biết trả lời : «Vâng, tôi bỏ chiến trường Pouilla trở về làng để lập ngay chiến công ở quê hương xứ sở. Hoặc, tôi sắp làm lễ thành hôn và người hôn thê của tôi là một tuyệt thế giai nhân người phàm trần không ai sánh kịp». Một thay đổi rỏ rệt trong sinh hoạt hàng ngày là Phanxicô chỉ còn đi lại với các bạn nghèo đang ốm đau, đói khát, sống nheo nhốc đầu đình xó chợ ngay giữa châu thành. Xưa nay, Phanxicô vẫn thương yêu hạng người xấu số ấy. Nhưng lòng trắc ẩn từ trên ban xuống, từ nay đã biến thành một thứ tình yêu đặc biệt, như tình thương thân của những người đồng cảnh ngộ. Sự giúp đỡ bạn nghèo mà chàng nhất quyết không bao giờ hẹp lượng. Không phải là một thứ bố thí của kẻ cao sang song là một thái độ san sẽ của một mối tình huynh đệ trong một tâm hồn đã bắt nguồn với tình yêu xả kỷ. Của cải vật chất trao tay chỉ tượng trưng cho sự cung hiến chính bản thân mình. Cho tất cả, cho mọi nơi, cho mọi lúc đã thành một nhu cầu của tâm hồn. Vì vậy, chẳng những bạc tiền mà đến cả mọi vật dụng trong tay cũng như y phục đang mặc trên người, Phanxicô đều không ngần ngại biếu cho những ai thiếu thốn. Những ngày thân phụ vắng nhà, Phanxicô cố tình sắp lên bàn ăn thật nhiều thức ăn để dành phần cho các kẻ nghèo thường đến các nhà vào buổi tàn bữa, xin những thức ăn còn lại. Bà Pica biết rỏ ý con nên không nói gì. Có lẻ người mẹ đã vui mừng về cữ chỉ bác ái của con, dấu chỉ một đời mới đang lên. Càng ngày thế giới nghèo càng thu hút Phanxicô, để cuối cùng chàng chỉ nghĩ biết đến người nghèo, giúp đỡ người nghèo và sống giữa người nghèo.

      Phanxicô với nghèo là tình cá nước. Chỉ đứng ngoài cuộc đời nghèo mà rộng tay bố thí cho người nghèo, Phanxicô vẩn chưa thấy thỏa tình. Chàng muốn trở nên một người nghèo để sống cuộc đời nghèo. Ý định ấy, Phanxicô muốn thực hiện một lần thử xem, và chàng đã thực hiện trong một dịp hành hương tại La Mã. Hôm ấy, trước mồ thánh Phêrô, Phanxicô quan sát đoàn người hành hương dâng cúng vào hòm tiền. Thấy số tiền công đức chẳng là bao, chàng nói to : «Vị thủ lảnh tông đồ phải được suy tôn với tất cả tấm lòng quảng đại. Sau những người giàu sang kia lại hẹp hòi đến thế?». Nói rồi, Phanxicô, với một cử chỉ phóng khoáng, mở rộng túi vàng, ném từng nạm vào hòm sắt. Những đồng tiền vàng rơi xuống nền cẩm thạch vang dội một góc Thánh Đường. Phanxicô bình thản bước ra, xem cử chỉ của mình chỉ là một việc hết sức tự nhiên. Ra khỏi vương cung thánh đường, Phanxicô đi lẫn vào đám đông hành khất trước sân thánh đường. Chàng xin đổi bộ áo sang trọng với bộ đồ rách nát của một bạn hành khất, rồi sắp hàng với đám dân bị gậy, chàng ngữa tay ăn mày, chia với họ bửa cơm bố thí. Lần đầu tiên, được mang chính trên bản thân mình phù hiệu của Nàng Tiên Nghèo mơ ước bấy lâu nay, lòng rạt rào vui sướng. Nếu không còn một chút e ngại sợ phạm đến gia phong, thì Phanxicô đã ở hẳn đây. Nhưng rồi đây, bước cuối cùng, chàng cũng sẽ anh dũng bước qua.

Cuộc Gặp Gỡ Hy Hữu.

      Về lại Assisiô, Phanxicô càng sống ẩn dật hơn nữa để tiện bề cầu nguyện tha thiết và lâu dài hơn. Chàng phong lưu công tử đang qua một thời chuyển hướng lẽ tất nhiên là không tránh được những trở ngại cực lòng. Đường tiến đức không phải là rộng rải thênh thang, mà thối củ nết xưa đâu có thể một sớm một chiều mà trừ diệt được. Con người xác thịt biết đã đến ngày mình phải khuất phục lại càng lồng lộn hơn xưa. Trong cuộc chiến đấu với bản thân, gay go và âm thầm ấy, nhiều khi Phanxicô đã có ý định buông xuôi, thảo lui, thì ra chàng cũng mỏng dòn yếu đuối như ai.

     Một hôm, tiếng mầu nhiệm lại phán bảo :"Phanxicô, nếu con muốn gặp ta, hảy khinh dể của cải trên thế gian, từ bỏ bản thân con để yêu chuộng những sự đắng cay hơn là những điều dịu ngọt. Chỉ có cách biến đổi hẳn cái bản thân con đi như vậy mới có cơ thấu hiểu được lời ta». Phanxicô cuối đầu lỉnh lời dạy và hứa một niềm trung thành tuyệt đối.

      Nhưng trong việc hoán cải một người như Phanxicô, Chúa đã dự tính những nét dao sắt bén và thần diệu.

      Thời ấy, khắp Âu Châu, phung hủi là một thứ bệnh ghê tởm, thường lê gót trên mọi nẽo đường để kiếm ăn. Người mắc phải bệnh ấy, mặt mày sần sụi, chân tay không còn nguyên vẹn, các đốt ngón tay rụng dần, máu mũ chảy đầy, tanh hôi không ai chịu được, họ bị ra khỏi lề xã hội, mỗi lần đi đâu, họ phải có cái lục lạc, họ khua lên để mọi người biết mà tránh xa ra «nhường chỗ cho họ đi».

      Lẽ tất nhiên, trước đây, một con người như Phanxicô, bao giờ cũng chưng diện bảnh bao, chỉ quen tiếp xúc với lớp người giàu có sang trọng, thì làm sao mà đến với những bệnh nhân ghê tởm ấy được, có giàu lòng bác ái thì cũng chỉ gián tiếp nhờ người trung gian cấp phát của bố thí mà thôi.

      Nhưng một hôm, cho ngựa đi lỏng bước ở một nẻo đường quanh, con người phong lưu xưa bổng gặp một người phung đối diện. Phản ứng tự nhiên là gò cương toan quay ngựa lại. Nhưng Phanxicô trấn tỉnh ngay, chàng vội xuống yên, mở rộng hai tay, ôm lấy người bạn tật nguyền, đưa miệng hôn những vết thương hôi hám. Bổng nhiên, một nổi vui mừng khoái lạc xâm chiếm cả tâm hồn chàng. Chàng lại lên ngựa, cứ đường của mình cho ngựa thong dong lơ lững nhưng, nhưng khi quay ngựa lại để nhìn kẻ xấu số tật nguyền thì không thấy một ai, cho ngựa rảo quanh cũng chẳng thấy gì nữa cả, bấy giờ qủa tim hồi hộp, Phanxicô cất tiếng hát, rồi cho ngựa phi nhanh về một trại phung gần thành. Đến nơi, chàng vào hẳn trong «trại của mọi khổ đau trần gian» nầy, mời tất cả các bạn phung ở đấy lại, rồi tha thiết xin họ tha thứ cho mình cái lỗi đã đem lòng coi khinh họ bấy lâu nay. Chàng lưu lại giữa các bệnh nhân, thân mật chuyện trò với họ, an ủi họ, đôi mắt chàng cố ý tìm cho ra người phung hủi chàng đã gặp dọc đường lúc nảy song chẳng thấy lạ thật! Dùng dằng không nở dứt, trước lúc ra về, chàng biếu mỗi người một món tiền. Và như để hứa hẹn một ngày mai trở lại chung sống với họ, lúc cáo biệt, Phanxicô đã hôn lên mặt các bệnh nhân.

 

Chương IV : Được nghĩa Phúc Âm. Tình Chúa và tình Cha con.

     Cách châu thành Assisiô độ một dặm, trên đường đi Spellô, giữa một đồi cây cằn cổi ngả nghiêng, thấp thoáng một ngôi nhà nguyện cổ, kính thánh Đamianô tử đạo, ngôi nhà nguyện nầy xây từ thuở xa xưa nào, nay đã nghiêng ngữa điêu tàn, chỉ có một mình linh mục nghèo trông nom việc phụng thờ, sống thanh đạm qua ngày với của dâng chúng và bổng lể.

     Một buổi chiều xuân năm 1206, Phanxicô một mình lủi thủi ghé vào chầu Mình Thánh Chúa. Chàng qùy gối, ngước mắt nhìn lên.Trên bàn thờ, có treo một bước tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, khuôn mặt dịu dàng hiền hậu. Chàng đang để lòng cảm thương Đấng đã chịu tử nạn vì chàng, bổng hình Chúa khẽ động, làn môi mấp máy, rồi một tiếng tha thiết phán ra : «Phanxicô, con hảy lo xây lại nhà Cha đang nghiêng ngã».

     Lời mầu nhiệm phán ra từ bức tượng có một tác động phi thường. Lòng chàng bổng thổn thức cảm thương Chúa. Từ đó, người ta thường gặp Phanxicô khóc than trên các nẻo đường hoang vắng, và cũng từ đó, đơn sơ và thành kính, Phanxicô nghĩ ngay đến việc sữa sang ngay lại ngôi nhà nguyện. Chàng tìm đến dâng cho vị linh mục một món tiền để mua dầu và săm chiếc đèn dầu để có một ánh lửa thờ trước tượng Chúa chịu đóng đinh.

     Mấy hôm sau, Phanxicô bắt tay ngay vào việc sữa nhà của Chúa. Chàng vội vàng lên ngựa, mang theo những cuộn gấm vóc đắt giá nhất trong gian hàng của thân phụ rồi thẳng cương phi về một phố chợ ở Fôlignô. Bán xong hàng, chàng bán ngay cả con ngựa rồi mang cả túi bạc, một mạch về nhà nguyện thánh Đamianô. Gặp vị linh mục chàng kính cẩn vái chào, đem dâng tất cả số tiền và thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Chàng không quên xin phép ở lại cùng vị linh mục để cùng gớp công xây dựng lại ngôi nhà nguyện và trông nom việc thờ phượng. Vị linh mục già không khỏi bở ngở vì ngài đâu có lạ lùng gì cậu cả Bernadônê, một tay ăn chơi khét tiếng nhất thành Assisiô, hắn đã hết trò nay lại đến quấy cả hàng giáo sĩ để mua vui đùa cợt. Ngài liền từ chối. Sau cùng thấy chàng thanh niên năn nỉ mãi và có vẽ thành thật nên ngài vui lòng nhận cho chàng ở, còn món tiền thì ngài nhất quết không nhận vì là của thân phụ chàng. Hơi bất mản, Phanxicô đem túi bạc nhét vào khe cửa sổ nhà nguyện. Thế là chàng công tử phong lưu xưa, nay đã thành người giúp việc cho vị linh mục nghèo, trông nom nhà nguyện thánh Đamianô.

     Riêng ông Bernadônê, từ ngày Phanxicô không dự chiến nữa, trở về, ông đã nhận thấy con trai của ông thay đổi hẳn : Đối với nghiệp nhà thì lãnh đạm thờ ơ, mà hể ông vắng mặt vài hôm thì tiếng đồn đủ thứ, nào là cậu sống với lũ hành khất, nào là cậu lẫn lộn với bọn phong cùi, ông bắt đầu lo ngại, cho tương lai của con mình.

     Chiều hôm ấy, đợi con đi chợ mãi không thấy về, ông cụ linh cảm như có một việc gì quan trọng đã xảy ra. Ông rảo tìm khắp các ngã thành phố và các vùng lân cận, cũng chẳng thấy con ở đâu, mãi vài hôm sau, dày công dò la tìm hỏi, ông mới biết đứa con ngông dại đã đến xin ở làm người giúp việc cho vị linh mục già phụ trách nhà nguyện thánh Đamianô.

      Qủa như điều ông đã đoán. Có thế nào con của ông mới bỏ nghiệp nhà đang độ thịnh vượng để làm cái nghề ấy. Nhất định ông phải dành lại đứa con mà ông còn đặt nhiều hy vọng ngày mai. Nếu cứ để con như vậy thì còn gì là thể thống?

     Tức giận đến cùng độ, ông hợp tất cả thân bằng quyến thuộc thành một lực lượng, rầm rộ kéo đến nhà nguyện thánh Đamianô. Nếp nhà nguyện điêu tàn và ngôi nhà chật chội của vị linh mục già bị lục soát khắp nơi, nhưng chẳng ai thấy bóng dáng chàng thanh niên đã thoát ly gia đình đâu cả. Sau một hồi hò la nguyền rủa vô ích, tất cả đều hằm hực kéo nhau ra về. Thì ra, thoáng thấy bóng người kéo đến, Phanxicô đoán biết công chuyện sắp xảy ra, chàng đã nhanh chân trốn vào một hầm sâu.

     Từ đó, sợ người nhà đến bất ngờ. Phanxicô ở mãi trong hầm sâu ấy suốt một tháng trời. Mỗi ngày có người mang đến cho một ít thức ăn qua bữa. Lẫn trốn tức tưởi như thế, chàng lấy làm tủi nhục lắm. Có một tâm tư thì bạn bè cũng như thân thích không ai chịu hiểu cho. Chuyển một hướng đời thì phải dấu diếm rụt rè. Đến nay, thi hành lệnh Chúa thì phải trốn xuống hầm như một người tù vượt ngục. Suốt một tháng trời chịu cực khổ, tâm hồn chàng lại phải qua bao nhiêu là thử thách. Chàng tha thiết xin ơn nâng đỡ và soi sáng! Trước mặt Chúa, chàng đã chân nhận một cách thâm sâu sự hư vô bất lực của bản thân chàng. Nhưng Chúa chẳng bỏ người có lòng chân thành và chiếu rạng ơn soi sáng. Rồi cuối cùng Chúa đã thắng.

Gạt bỏ tất cả lo âu sợ hải, Phanxicô quyết định ra khỏi hầm để tiếp tục công việc đang bỏ dở. Chàng cương quyết chạm trán với mọi thử thách. Một tháng qua trốn tránh đã là qúa hèn nhát đối với một thanh niên đã tự nguyện hiến thân làm người chiến sĩ của Thiên Chúa.

     Ra khỏi hầm, bước chân lảo đảo, thân thể gầy gò, Phanxicô cương quyết tiến về Assisiô. Một tháng chui rút dưới hầm kín, khổ cực đã ghi nhiều nét đậm trên gương mặt xanh xao và trong quần mắt sâu tím của cậu cả Bernadônê.

     Lúc vừa bước chân đến quảng đường dẩn vào châu thành, mọi người kéo đến xúm quanh chàng :

- Nó đây rồi!

- Con cả của ông Bernadônê đấy! Rỏ là con nhà vô phúc!

- A! thằng điên! Bà con ra mà xem thằng điên!

     Nhất là các trẻ con càng tệ! Chúng vừa reo hò vừa chế diểu. Chúng lấy đất ném từng loạt vào con người như ngây dạy đang cuối đầu bước thẳng, không thèm để ý đến những việc xảy ra chung quanh. Rồi đám đông cũng theo Phanxicô tiến về phía nhà ông Bernadônê. Đứng trên lầu cao ông đã nghe rỏ tiếng reo hò. Ông vội vả chạy xuống. Vừa nhận ra được chính con của mình, người cha bổng như điên như dại nhảy xổ vào, nắm lấy Phanxicô, đánh đập một hồi rồi nắm đầu tóc kéo thẳng về nhà, trói chặt, giam vào một căn phòng nhỏ hẹp. Ngày lại ngày, khi dọa nạt, khi dổ dành, cụ Bernadônê vận dụng hết các phương thế để lôi cuốn đứa con trở về lối cũ, tiếp tục nghiệp nhà, gây dựng cơ sở và thanh danh. Nhưng vô hiệu. Lý luận, tình cảm, hình phạt, tất cả đều bất lực trước chí cương quyết của Phanxicô.

     Trong lúc ấy, bà Pica chỉ biết âm thầm khóc lóc và thành khẩn nguyện cầu, xin Chúa cứu thoát đứa con yêu qúy của mình khỏi cơn bức hại của một người cha độc đoán, chỉ muốn đứa con sống theo quan niệm phú thương của mình.

     Thế là cơ hội giải phóng Phanxicô đã đến. Số là công việc thương mại không thể đình trể được. Sau khi nhắc lại cho cả nhà nghiêm lệnh không được thả Phanxicô, ông Bernadônê đi chợ phiên (foire) phương xa, phải vắng nhà một thời gian. Thừa cơ, bà Pica đã can đảm trái lời chồng, mở cửa phòng giam, trả tự do cho Phanxicô. Sau nhiều giờ van lơn bày tỏ nổi lòng, bà mẹ hiền đã hiểu rỏ chí hướng của con. Bà Pica không lợi dụng tình mẩu tử để làm trở ngại bước tiến của con trên đường lý tưởng, và có lẻ bà còn an ủi khuyến khích con mình nữa.

     Đến đây, sứ mệnh làm mẹ một thánh nhân đã trọn, bà Pica lui vào bóng tối để cầu nguyện cho con, bà vững tin vào bàn tay quan phòng nhiệm mầu và toàn năng của Thiên Chúa. Ngài sẽ cho những dự đoán của bà về đứa con yêu được thực hiện vẹn toàn đầy đủ.

     Sau phiến chợ, ông Bernadônê lại trở về nhà. Việc đầu tiên là xem thử Phanxicô còn trong phòng giam hay không. Phòng giam còn đó song Phanxicô không còn đấy nữa. Bao nhiêu tức giận đều đổ lên đầu người vợ nhẩn nhục âm thầm. Không một chút chậm trể, ông phóng thẳng đến nhà nguyện thánh Đamianô, vì ông biết chắc đứa con bất hiếu kia đã lại đến ở đấy. Vừa nghe tiếng kêu la quát tháo của thân phụ. Phanxicô bình tỉnh ra chào lễ phép. Không nao núng trước cơn giận dữ của cha, Phanxicô điềm nhiên thưa :

- «Thưa cha, hình phạt từ đây không làm sờn lòng con được nữa. Con sẳn sàng chịu đựng tất cả vì lòng yêu mến Chúa Kitô».

     Trước thái độ cương quyết của Phanxicô, ông Bernadônê biết rằng không làm gì được nữa, ông đành nuốt giận trở về, sau khi đã đòi lại được số tiền bán ngựa và bán hàng cho hả giận.

     Nhục nhã và tức giận, tay cầm túi bạc, bụi bặm bám đầy, ông Bernadônê trở về nhà. Dọc đường, ông còn nghĩ đến một nước cờ tối hậu mong sẽ đưa Phanxicô vào thế bí, buộc chàng phải quay đầu trở lại. Ông nhất định đầu đơn kiện thằng con bất hiếu, xin truất quyền thừa tự và trục xuất ra khỏi địa phương, nếu nó không trở về phục tùng cha mẹ. Hội Đồng công xã chấp đơn, đòi Phanxicô ra hầu toà. Phanxicô không đi. Chàng nói : «Tôi là người của Thiên Chúa, chỉ có Đức Giám Mục, đấng đại diện Thiên Chúa, là có thẩm quyền xét xử tôi». Hội Đồng công xã cũng cho lời nói ấy là có lý.

Không chịu buông tha, ông Bernadônê lại đệ đơn kiện lên tòa Giám Mục, Đức Giám Mục đương thời là Đức Cha Guidô. Ngài cho đòi hai bên nguyên bị ra đối chứng trước toà án địa phận.

- «Vâng, tôi xin ra hầu tòa trước Đức Giám Mục, vì ngài vừa là Cha vừa là chủ các linh hốn».      Đúng ngày phiên tòa, chàng cùng với thân phụ đối chất tại trường Thánh Nữ Maria ngay trước Tòa Giám Mục. Phiên tòa hôm ấy rất là náo nhiệt. Mọi người đều nô nức đến xem và hồi hộp chờ kết qủa. Câu chuyện xích mích giữa hai cha con nhà Bernadônê đã làm dư luận thành Assisiô xôn xao lâu rồi. Sau khi nghe lời buộc tội của ông Bernadônê. Đức Giám Mục Guidô, ngoảnh lại phía Phanxicô đang đứng trầm ngâm như chìm sâu vào một thế giới siêu nhiên, không quan tâm gì đến cảnh vật chung quanh. Với giọng nghiêm trang ngài phán :

- «Cha con bất mãn con. Ông kiện con về tội trái mệnh lệnh cha mẹ, làm nhục thanh danh và vi phạm tài sản gia đình. Vậy nếu con muốn dâng mình làm tôi Chúa thì con hảy hoàn lại cho cha con tất cả những gì là của cha con. Con không có quyền sử dụng những tài sản ấy, dầu là để làm việc công đức, sửa sang lại nhà Chúa. Con hảy can trường dủng cảm, đặt một lòng trông cậy vào Chúa. Ngài sẽ trợ giúp con và ban cho con những điều cần thiết để con hoàn thành sứ mệnh Ngài giao cho con. Con sẽ không thiếu một vật gì».

     Lời xử của vị chánh án như một lời cổ võ. Phanxicô đứng dậy thưa :

- «Thân lạy Đức Cha, con xin tuân theo quyết định của Đức Cha và để cho thật hợp lẻ công bằng, con xin hoàn lại thân phụ con cả bộ quần áo con đang mặc đây, vì cũng là của cha con». Dứt lời, Phanxicô không để ai kịp đối đáp, chàng chạy thẳng vào một căn phòng cạnh đấy. Một phút sau, chàng trở ra, trên tay ôm bộ quần áo, trên mình chỉ còn manh áo nhặm và trên mặt sáng lên một niềm vui giải thoát. Quần chúng đang xôn xao, bổng im bặt. Và giữa bầu không khí ngạt thở ấy, tiếng Phanxicô bổng vang lên :

- «Xin bà con cô bác có mặt tại nơi đây hảy nghe tôi. Từ trước đến nay, tôi vẫn gọi cụ Bernadônê là cha, nhưng từ giây phút nầy về sau, tôi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Tôi xin hoàn tất cả lại cho cụ Bernadônê». Nhẹ nhàng đặt ôm quần áo xuống chân ông Bernadônê, chàng nói tiếp : «Tôi được sinh ra mình thân trụi thì từ đây cũng thân trụi mình trần nầy tôi hiến dâng tất cả lên Thiên Chúa và tôi được thật sự tự do nói lên rằngá»Lạy Cha chúng con ở trên trời».

     Khổ tâm và tủi nhục, người cha vơ lấy mớ quần áo, vội vả lui ra. Quần chúng nhìn tấm thân gầy gò ốm yếu dưới manh áo nhậm mà cảm động, có kẻ đến rưng rưng nước mắt. Riêng Đức Giám Mục, không ngăn nổi xúc động, ngài bước xuống tòa, đến gần Phanxicô, đưa vạt áo choàng che cho tấm thân trần trụi của chàng. Cử chỉ ấy của đấng đại diện Thiên Chúa, tượng trưng cho sự bao bọc che chở Đấng Toàn Năng đối với con người đã thoát ly mọi sự để hoàn toàn phú thác trong tay Chúa, và phần Giáo Hội, từ nay, thừa nhận và làm chủ một đứa con trong số những đứa con lỗi lạc nhất của Giáo Hội. Hôm ấy là ngày 10-04-1206, Phanxicô vừa đúng 25 tuổi.

Lên Đường Hành Khất.

     Với manh áo cũ mà người làm vườn tòa Giám Mục cho, Phanxicô từ nay đoạn tuyệt hẳn với con đường thênh thang nhàn rổi ăn chơi, bước chân vào con đường đền tội. Chàng lấy vôi vẽ lên áo một Thánh Giá. Rời khỏi dinh Giám Mục ra đi, lòng chàng hiệp sĩ Chúa Kitô vui như hoa nở mùa xuân. Chàng cần sống trong cảnh vắng lặng để tìm lại bình tỉnh cho tâm hồn sau một cơn kịch chiến và cũng để tận hưởng niềm vui của ngày được chính thức tấn phong làm Hiệp Sĩ Chúa Kitô. Nhịp theo bước chân đi, chàng ca hát tán tụng tình yêu vô tận. Tiếng hát vang dội một góc rừng. Bổng từ một bụi rặm xông ra ba tên cướp, chộp ngay lấy chàng nhạc sĩ hát rong. Tưởng gặp được món ngon, không ngờ lại vớ phải một chàng điên vỏn vẹn chỉ có manh áo cũ. Bực mình, ba tên cướp gạn hỏi :

- Mầy là ai? Đi đâu mà hát ngêu ngao thế?

- Phanxicô không chút sợ hải trả lời :á

- Tôi là sứ giả của Vua cao cả, phụng mệnh đi rao hát tình thương.

     Mấy tên cướp đua nhau thưởng cho Phanxicô một trận tơi bời và đẩy chàng xuống một rảnh sâu ven rừng rồi bỏ đi. Phanxicô mình mẩy xây xác, rồi, như không có việc gì xảy ra, chàng bò lên khỏi rảnh, lại vừa đi vừa hát. Lời tán tụng Chúa tể càn khôn vang khắp rừng. Qua khỏi rừng, chàng đến gỏ cửa một tu viện dòng Bênêđitô xin làm việc kiếm ăn. Các tu sĩ nhận chàng làm người phụ bếp, nhưng chàng không ở lại đó lâu. Phanxicô rời tu viện, tìm đến một người bạn cũ ở Gubiô. Người bạn nầy biếu chàng một bộ y phục các nhà ẩn tu thường mặc. Sau khi từ giả vị ân nhân đầu tiên nầy, Phanxicô tìm đến trại phung, nơi chàng đã đến thăm. Thật là thỏa mản mong ước từ lâu. Sống giữa những bệnh nhân xấu số ấy, Phanxicô hết lòng thương yêu họ : săn sóc hầu hạ, rửa mụt, thấm máu, giặt dũ quần áo, không có việc dơ bẩn nào mà chàng từ nan, chàng làm với một thái độ cung kính như làm một việc thờ phượng vậy. Người ta thấy chàng phong lưu công tử ngày xưa, nay qùy gối cuối đầu hôn kính những vết thương ghê tởm in lên những tấm thân tàn mà có lẽ trước kia, chỉ nghe nói đến, chàng đã nôn mửa bỏ chạy.

Nhưng Phanxicô không thể ở mãi với anh em xấu số nầy được. Lệnh Chúa truyền còn ghi rỏ trong tâm. Nhà nguyện thánh Đamianô chưa trùng tu xong, cho nên chàng phải từ giả các bạn phung, trở về nhà nguyện thánh Đamianô.

     Vị linh mục nhà nguyện thánh Đamianô đã được người ta kể lại phiên tòa ly kỳ hôm nọ, nên đang chờ mong chàng trai trẻ kỳ khôi ấy, thì hôm nay chàng đã trở lại, xin tiếp tục công việc đang bỏ dở.

     Nhưng làm sao để xây dựng lại nhà nguyện với hai bàn tay trắng? Suy đi tính lại thì chỉ còn phương tiện duy nhất là đi mời gọi sự cộng tác của những người hằng tâm hằng sản, hay nói trắng ra là đi ăn mày từng cửa. Thế rồi, ngày ngày Phanxicô về Assisiô, đứng ở các ngã đường, ca hát những bài ngợi khen Chúa. Thiên hạ thấy vui, rủ nhau đến vây quanh người hát dạo. Khi thấy thính giả đã khá đông, Phanxicô hùng hồn tha thiết, trình bài công việc trùng tu nhà nguyện thánh Đamianô và nhân danh Thiên Chúa kêu mọi người góp phần vào việc công đức.

     Trong quần chúng có kẻ đứng nhìn biểu môi :

- «Rỏ là điên! Con nhà giàu có danh giá lại bỏ nhà đi ăn mày. Thừa của mà bố thí cho nó»

     Trái lại có nhiều kẻ thấy lòng nhiệt thành vô vị lợi của nhà khổ tu trẻ tuổi nên cảm động. Số đá gạch cũng tạm đủ cho chàng thợ nề tập sự nầy tiến hành công việc. Tấm thân trước đây quen lối sống trên nhung lụa bạc tiền, nay phải ngày ngày khuân đá từ Assisiô về nhà nguyện thánh Đamianô, rồi tự tay trộn vôi xây tường, vất vả cực nhọc không kể xiết. Nhưng với một tâm hồn thành thực đền tội, Phanxicô say sưa theo công việc, quên cả dung nhan mỗi ngày một tiều tụy, thân thể ngày một hao mòn.

     Vị linh mục già thấy vậy động lòng thương. Tuy nghèo nhưng ngài vẫn cố gắng kiếm thêm thức ăn để bổ sức cho chàng thanh niên hăng hái ấy. Một hôm, thấy mình được cha sở cưng, Phanxicô tự bảo : «Để thường bao giờ và bất cứ ở đâu ta cũng sẽ được nuôi nấng chăm nom như thế này mãi sao? Đời của một người tự nguyện sống nghèo đâu phải thế?».

     Thế là hôm sau, sau một ngày mệt lã vì khuân đá và xây tường, Phanxicô lủi thủi về thành, gỏ cửa từng nhà một, xin bánh mì thừa xúp cặn. Có kẻ vừa thấy bóng cậu cả nhà Bernadônê đã vội xua tay quát mắng hoặc thả chó cắn đuổi. Có kẻ không nở từ chối cũng bố thí cho ít nhiều. Bữa ăn bố thí đầu tiên là cả một công trình. Ngồi trên vỉa hè thành phố, Phanxicô nhìn vào chiếc bánh mì sứt mẻ lẩn lộn thịt dư bánh thừa, mùi xông lên làm chàng nôn mửa. Tội nghiệp cho con người xưa kia chỉ biết cao lương mĩ vị, nay đang nhắm mắt bịt mủi bỏ vào miệng một miếng rồi cố nuốt, nuốt và nuốt nữa! Và lạ lùng thay! Người ăn lại cảm thấy ngon lành, hơn tất cả sơn hào hải vị đã từng ăn trên các bàn tiệc ngày nào. Chỉ một lát bình đồ ăn đã hết sạch, người hành khất đứng dậy rủ áo ra về, lòng nhẹ nhàng thanh thản và trong bóng hoàng hôn, trên đường trở lại nhà nguyện thánh Đamianô, tiếng ai lanh lảnh, trang trọng và dịu dàng, dâng lên Thiên Chúa muôn lời cảm tạ.

     Nhưng con người cũ của Phanxicô chưa hẳn đã chết rồi, và con người sám hối đền tội, còn phải cố gắng hơn nữa. Như bữa nọ, đèn chầu trong nhà nguyện lại tắt vì cạn dầu. Phanxicô xách bình vội vã đến một tửu quán ở Assisiô để xin dầu. Vừa ló đầu vào thì kìa, Phêrô, André và nhiều bạn vui vẽ độ nào! Toàn những khuôn mặt quen thuộc! Chàng vội vả lui ra, mặt đỏ bừng vì thẹn. Nhưng vừa bước ra được vai bước đã thấy lòng đang nghiến «Hèn nhát! Đã chọn sống nghèo sao còn hổ thẹn? Chàng vội quay lại, tiến thẳng đến trước bàn tiệc, thú với mọi người phút chiến bại vừa qua và ngữa tay xin tiền mua ít dầu về thắp đèn thánh. Lúc rót dầu vào đèn, Phanxicô mới hiểu tất cả ý nghĩa nhiệm mầu của cuộc đời hành khất tình nguyện.

     Ngày qua ngày, nhà nguyện thánh Đamianô trùng tu xong. Vị linh mục già cảm động. Cầm lấy bàn tay đã chai của người thợ nề trẻ tuổi, không ngớt lời cảm ơn và khen ngợi. Rồi cuộc đời hành khất, xây lại nhà thờ như vậy kéo dài suốt hai năm mà chưa thấy Chúa truyền lệnh mới nên Phanxicô cứ trung thành thi hành lệnh cũ «Xây lại nhà thờ đang nghiêng ngữa!». Trùng tu xong nhà nguyện thánh Đamianô, chàng bắt tay xây dựng lại nhà nguyện thánh Phêrô, rồi đến nhà nguyện Portioncula.

     Nhà nguyện Portioncula chỉ là một gian nhà nhỏ, khuất sau một đồi cây rậm, được xây lên từ đời nào không ai được rỏ, chỉ biết rằng, trước kia được gọi là nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần, vì tục truyền đôi khi đêm vắng, các thiên thần hiện ra hợp lời hát mừng Thiên Chúa và Đức Bà. Đó là từ thuở xa xưa nào, chớ đời bây giờ chỉ là một gian nhà hoang tàn đổ nát, chẳng ai lui tới, trừ các trẻ chăn chiên, những ngày giông tố, đến tìm nơi trú ẩn. Phanxicô không đành nhìn một nơi thờ phượng phải chịu cảnh điêu tàn, nên chàng cố công xây lại. Đối với ngôi nhà nguyện nhỏ, đặt dưới sự phù trợ của Nữ Vương Thiên Thần. Phanxicô lưu luyến lắm. Chàng dựng một liều tranh bên cạnh, rồi ở luôn đấy. Đây là nơi bao ngày tháng Phanxicô đã sống say sưa trong tình yêu Chúa. Đây chính là nơi Chúa đã tỏ cho chàng biết ý định của Ngài về đời chàng và là nơi chàng tìm được nghĩa Phúc Âm.

     Từ ngày, Phanxicô tuyên bố chuyển một hướng đời trước phiên tòa Giám Mục, tính đến nay, cũng được ba năm rồi, người đã theo dõi chàng từng bước, Thái độ bảo trợ của Đức Giám Mục đã nói lên phần nào cái ý Ngài công nhận việc làm của Phanxicô là do lệnh Chúa. Nhưng phần đông vẫn cho nhà ẩn tu trẻ tuổi kia là một thằng điên hay một kẻ qúa khích. Họ nhìn Phanxicô với cặp mắt hoài nghi, và sau một thời gian mĩa mai chế diểu chán, họ cũng lãng quên, xếp Phanxicô vào hạng người sống ngoài lề xã hội chẳng đáng quan tâm.

Cái khổ tâm nhất cho Phanxicô có lẽ là sự nguyền rủa của gia đình. Mẹ chàng thì không kể, bà Pica đã giải phóng con khỏi tay áp bức của người cha độc đoán, chắc hẳn bà Pica thuận tình cho con sống cuộc đời đến tội kham khổ ấy. Nhưng là phận đàn bà, bà chỉ biết thương con, âm thầm cầu nguyện cho chàng đi đến cùng đường đã chọn. Trái lại, thân phụ và em trai Phanxicô là Angelô, là không tiếc lời mắng chưởi mỗi lúc gặp chàng.

     Một buổi sáng mùa đông, trời rét như cắt, Phanxicô đang qùy gối cầu nguyện trong nhà thờ. Cậu em là Angelô bước vào, vừa trông thấy, liền chỉ trỏ cho người bạn hắn ta cùng đi theo và nói to :

- «Phanxicô đấy, anh thử hỏi chàng có thuận bán thì mua ít đồng mồ hôi»

Phanxicô mỉm cười đáp lại :

- «Mồ hôi tôi không bán hai cậu ạ! Tôi đã bán cho Chúa rồi. Chúa mua đắt hơn hai cậu nhiều».

     Còn ông Bernadônê, hể gặp Phanxicô đâu là ông chẳng tiếc lời mạt sát và chúc dữ. Những lời đắn cay của thân phụ làm cho Phanxicô buồn tủi lắm. Thì ra thái độ trước tòa án Giám Mục chỉ là thái độ cương quyết của một người muốn cắt đứt ngay những giây ràng buộc của tình phụ tử. Chàng cố tâm làm như tàn nhẩn để thắng chính lòng mình, chứ người con đâu có phải là vô tình hay bất hiếu. Để thoa dịu nổi khổ tâm cứ bị thân phụ quyền rủa, Phanxicô tìm đến một người bạn hành khất già, tên là Albertô, nói :

- «Xin ông nhận tôi làm nghĩa tử, để chúng ta cùng san sẽ những của được thiên hạ bố thí. Tôi lại xin ông điều nầy nữa là cứ mỗi lần, trên đường đi ăn mày, có gặp cha tôi, mà ông cụ cứ nhắm tôi mà quyền rủa, thì xin ông hảy làm dấu thánh giá trên tôi rồi chúc lành cho tôi để bù lại»Ông Albertô nhận lời. Thế là Phanxicô yên lòng vì để đánh tan lời chúc dữ của người cha ruột thì đã có lời Chúa chúc lành của người cha nuôi nghèo khó.

     Trái với lớp người trên, một số khác khá đông, tự nhiên thấy có thiện cảm với chàng thanh niên kỳ quặc ấy. Họ thầm bảo; điên đâu mà cặm cụi trong mấy năm trời sửa hết nhà nguyện nầy đến nhà nguyện khác? Điên đâu mà có được vẻ mặt dịu dàng khiêm tốn và giọng nói đằm thắm thiết tha vậy? Điên đâu mà nhẩn nhục săn sóc người phung và thương họ với một tình thương vô giới hạn? Vì vậy, mỗi lần gặp Phanxicô lủi thủi trên đường hay đến nhà gỏ cửa xin đá, xin thức ăn thì họ như bị một sức mạnh vô hình lôi cuốn. Họ không hiểu được, nhưng họ cảm thấy ở con người kỳ lạ ấy có một cái gì đặt chàng vào thế giới khác hẳn thế giới lừa lọc đua chen nầy, họ cảm thấy như khung trời mở rộng, và sau những câu trao đổi với chàng, họ còn giữ lại được một dư vị thiêng liêng, làm dịu lòng trần tục, soi sáng trí phàm hèn. Mỗi lần bố thí cho chàng, họ ngạc nhiên vì thấy rỏ chính là họ là kẻ được bố thí một của gì qúy báu, nhiệm mầu không thể diễn tả được.

     Riêng Phanxicô, dẩu thiên hạ chê cười, dửng dưng hay thương mến, chàng vẩn âm thầm tiến bước trên đường làm tôi Chúa. Ngày thì làm bạn với lớp người đói rách, nhất là những người phung hủi, những người xấu số hơn hết, rồi đêm lại, một mình lặng lẻ trở về túp lều tranh, cạnh nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần, thức khuya cầu nguyện

Bà Công Chúa Nghèo.

     Cuộc đời cứ tiến nhịp nhàng như thế cho đến ngày 18-10-1208. Sáng hôm ấy, bên ngoài, lúc mặt trời vừa tỏa ánh sáng trên đồi cây, mấy con chim đang tung tăng trước cửa ngôi nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần đã trùng tu năm trước, thì bên trong thánh lễ Kính Thánh sữ Luca bắt đầu. Phanxicô đã cố công mời một vị linh mục thuộc tu viện Bênêđitô đến dâng Thánh Lể. Đưa sách lể qua phía Phúc Âm, Phanxicô kính cẩn đứng nghe : Đến đoạn «Các con hảy đi truyền tin mừng khắp nơi rằng : Nước Trời đã gần đến. Những gì các con nhận được nhưng không thì hảy cho lại người khác nhưng không. Ra đi, đừng mang theo tiền bạc, giây thắc lưng, đừng mang theo hai áo, giày và gậy, bởi lẽ người làm công phải được trả công» Phanxicô bổng có ấn tượng như Chúa vừa xé toang trước mắt chàng lớp màn đen sau hết. Đây rồi, đây chính là điều chàng đang tìm kiếm bấy lâu nay.

     Lời Phúc Âm vang dội bên tai như lệnh xuất quân của vị chủ tướng mà chàng hiệp sĩ đã tình nguyện phụng sự. Phanxicô không còn nghi ngại gì nữa. Lời Đấng hằng sống đã truyền rỏ cho chàng cái sứ mệnh. Rao giảng tin mừng khắp nơi và sống khó nghèo.

Sau buổi lể, chàng kính cẩn trình bày với vị linh mục :

- « Thưa cha, bài Phúc Âm hôm nay đã vạch cho con con đường phải đi, nhưng ý nghỉa từng chử con chưa được rỏ. Xin cha giải thích cho con»

Vị linh mục niềm nở nói :

- «Chúa Giêsu vạch đường lối truyền giáo cho các môn đệ của Ngài. Chúa sai các vị đi rao giảng lễ đền tội và loan truyền Tin Mừng khắp nơi. Nhưng các vị đi, phải một lòng vì nước trời, đừng lưu luyến vật gì ở thế gian. Vô tư, vô vị lợi, đến cả những nhu cầu cần thiết để sống cũng phải hoàn toàn phó mặc vào tay quan phòng của Thiên Chúa».

Phanxicô hớn hở reo to :

- «Đây rồi! Con đã thấy kho tàng châu báu dày công tìm kiếm bấy lâu nay. Đây là đường, là ánh sáng, là mạch sống của đời con. Con xin trọn đời trung thành với Chúa».

     Nói xong, Phanxicô vội vứt chiếc gậy, tháo đôi giày, cởi bớt chiếc áo choàng, xem các thứ ấy như là chướng ngại ngăn trở bước chân muốn chạy bay theo lời Chúa. Bộ áo ẩn sĩ được chàng thay bằng một manh áo vải thô, nịt da thắt ngang lưng cũng được thay bằng một sợi dây gai.

     Trong bộ áo mới, Phanxicô tươi trẻ như tân lang ngày hôn lễ. Bà Công Chúa mà mấy năm trời chàng hiệp khách theo đuổi nay đã đến để cùng chàng làm lễ giao duyên.

     Từ những ngày được ứng mộng thuở còn theo đuổi công danh, hình ảnh Nàng Công Chúa nở đẹp trong lòng chàng trai phong nhã. Nhưng nàng là ai? tên nàng là gì? Phanxicô vẫn chưa biết rỏ. Qua những lần hứa hẹn nhiệm mầu, chàng thấy phải đợi chờ và qua bao gian nan thử thách, chàng vẩn chung thủy đợi chờ. Muốn sánh duyên cùng người đẹp, chàng phải qua thời kỳ lột xác, đắng cay nhiều hơn dịu ngọt, hay đúng hơn, chỉ lấy đắng cay làm dịu ngọt. Cho tới hôm nay, Vua Trời Cao Cả đã chứng tấm lòng thành, cho chàng cùng nàng giáp mặt trao lời và bắt đầu sống cuộc tình duyên ly kỳ diểm ảo hơn tất cả những cuộc tình duyên đã được các nhà hát dạo ca tụng trong những khúc anh hùng ca hay diểm tình ca.

     Nàng Công Chúa ấy là đức nghèo khó. Nàng hiện rỏ giữa hồn người hiệp sĩ với trăm nghìn vẻ đẹp nhiệm mầu huyền ảo. Giờ đây, Phanxicô mới thấy rỏ qúa trình của một thời cưới hỏi thiêng liêng, và trên mọi nẻo đường có bàn tay Chúa dìu dắt.

     Đoạn tuyệt với ăn chơi và mộng công danh không thực hiện nữa đã đành là chưa đủ. Còn cái bản thân nặng ích kỷ yếu hèn cũng phải lột xác đau đớn xót xa, từng mảnh bản thân phải cắt xén. Lời từ của thân phụ đã cắt đứt liên hệ với gia đình. Cái hôn đặt trên tấm thân tàn rửa hôi tanh của người phung hủi đã chế ngự được cái thói đài các phong lưu, dung dưỡng xác thịt. Đời hành khất nhục nhã đã đánh ngã lòng tự cao tự đại. Cuối cùng lệnh rao giảng Tin Mừng chấm dứt cuộc đời ẩn dật bình an trong tỉnh niệm.

     Hôm nay mới thật là trần trụi. Chỉ còn một thái độ nghèo tuyệt đối, gồm trong một ý dâng hiến hoàn toàn. Con người sám hối đền tội đã lột hết cái xấu xa ích kỷ để nhường chỗ trống cho một vị nhân khác sống động hơn, là Chúa Giêsu.

     Giờ phút nầy, Phanxicô mới thật đã hiểu được nghĩa Phúc Âm và quyết sống đúng theo từng câu, từng chữ, từng cái phẩy, từng cái chấm câu.

 

Chương V : Thâu nhận môn sinh.

Lời Chúa bình an.

     Mấy ngày sau buổi đọc đoạn Phúc Âm ấy, một đà sức mạnh từ Chúa truyền xuống, thúc đẩy Phanxicô vươn lên đỉnh trọn lành và mở ngay một mùa giảng về Sám hối đền tội.

Phanxicô trở về Assisiô.

     Trên đường về, gặp những người đang cần cù làm các công việc thường ngày, Phanxicô dừng bước, chào hỏi niềm nở :

- Chào anh em. Xin Chúa ban bình an cho anh em! Rồi tiếp đó, Phanxicô lần la nói về thống hối ăn năn. Dáng người ăn chơi xưa không ai thấy nữa. Giờ đây, cả tâm hồn đã hướng về trời, Phanxicô như đang bừng lửa sốt mến và rạng ánh sáng vui tươi. Người nghe phấn khởi theo những lời đơn sơ phát ra từ một tâm hồn đã siêu thoát khỏi trần gian. Mỗi câu nói là một tia lửa hồng bắn vào thâm tâm người nghe, như có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Buổi đầu họ còn bở ngở, nhưng về sau ai cũng thán phục.

      Về đến Assisiô, lần giảng chính thức đầu tiên của Phanxicô là ở nhà thờ thánh Géorgiô, nơi mà xưa kia Phanxicô đã học đọc học viết. Thành Assisiô lúc bấy giờ đang sống trong tình trạng hổn loạn, nên trước khi nói lời Chúa, bao giờ Phanxicô cũng mở đầu bằng câu : «Xin Chúa ban bình an cho anh chị em». Bao giờ Phanxicô cũng tin rằng cứ chúc rồi có hiệu qủa. Nhờ ơn Chúa, nhiều khi lời chúc ấy đã kêu gọi được những kẻ lạc xa hòa bình biết thành tâm quay lại, rồi họ lại tự nguyện làm con cái chiến sĩ hòa bình. Lời của Phanxicô nói ra, chứng tỏ sự thánh thiện của mình, Phanxicô không xếp một hạng người nào làm đối phương, không chỉ trích, không thóa mạ, không kết án, không khai trừ người tội lỗi, không lộ vẻ khinh khi những nhược điểm và những yếu đuối của con người. Phanxicô thường nhấn mạnh cho thính giả biết Thiên Chúa ghét tội song Thiên Chúa lại thương kẻ có tội. Phanxicô chỉ giảng như một người được Chúa mặt khải, cho nên hơn bao giờ hết, dân thành Assisiô thấy rỏ mình đắc tội với hòa bình, họ ao ước được gặp con người của Chúa có lời nói đơn sơ và sanh hoạt thánh thiện và bình dân ấy.

      Tất cả những điểm phi thường ấy đã hấp dẫn nhân dân và qua những lời giảng dạy đơn giản, con người mới nầy đã truyền đạt cho thế gian một phương pháp mới để tìm lại hòa bình là đặt tình yêu Thiên Chúa làm mục tiêu cho đời sống của mình như Phúc Âm đã dạy. Từ đấy, tiếng nhạo cười Phanxicô không còn nữa. Người hiệp sĩ nghèo ca hát tình thương của Thiên Chúa càng ngày càng thêm rỏ rệt.

       Phanxicô đến với quần chúng như một vị tiên tri. Người tội lỗi được nghe truyền ơn cứu độ và những tâm hồn đau khổ biết tìm lại nguồn vui. Phanxicô chỉ làm cái việc là nhắc lại Phúc Âm, nhưng lối nhắc của Phanxicô rất khiêm nhường và có sức quyến rũ cho nên Phúc Âm đã trở lại sức tác động và ý vị tươi mát như buổi đầu, nhân đức của người giảng đã thêm uy tín cho sứ mạng của giảng viên.

       Đã ba năm nay, người người đều tai nghe mắt thấy Phanxicô sống như một ẩn sĩ nghèo và tận hiến giúp đỡ anh em phong cùi.

      Riêng những người có thiện cảm thiện tâm chờ đợi thì đang cùng Phanxicô cảm thông và cầu xin ơn soi sáng. Gặp được Phanxicô, họ sẽ gặp được lời khuyến khích và thấy được đoạn đường đời của mình. Nhiều kẻ nhận thấy rằng đây là một hình thức sanh hoạt tôn giáo, một dòng mới đả thành hình.

Những môn sinh đầu lòng.

       Trung độ mùa xuân năm ấy, Portioncula không còn là nơi trú ẩn cho riêng mình Phanxicô nữa. Chỉ trong vòng mấy tháng mà đã có mười hai môn đệ theo Phanxicô.

       Xếp đặt theo thứ vị truyền thống là thầy Bernadô Quintavallô, thầy Phêrô Catanê và thầy Egidiô. Ba tâm hồn thật là cao qúy như truyện kể lại sau đây.

Thầy Bernadô Quintavallô.

       Bernadô Quintavallô được kể là con đầu lòng của Thánh tổ Thầy là người đến trước và theo mức thánh thiện thì thầy cũng xứng đáng trăm phần.

       Cũng như Phanxicô, thầy thuộc giới nhà buôn giàu có, tính tình đắn đo chín chắn. Giá trị sự vật ở đời được thầy cân nhắc kỷ lưởng, nhất là những hành động của Phanxicô. Thầy tự hỏi : Cậu cả Bernadônê đi giảng về hòa bình và sám hối, cậu có một lối xử sự khác thường, cốt cách con người và nội dung câu chuyện của cậu nói đã làm rung động lòng Bernadô nên tuy khôn ngoan và tỉnh táo, thầy Bernadô vẫn bị sức hấp dẫn của Phanxicô lôi cuốn. Sau những lần gặp gở riêng tư và kín đáo, nay đã đến lúc Bernadô mời Phanxicô về nhà, rồi từ đó Phanxicô cũng thường tới lui tạm trú. Một đêm kia, cả Phanxicô và Bernadô cùng ngủ chung phòng. Bernadô cố thức nhưng làm bộ ngũ say, mong bắt gặp Phanxicô một điều gì khác lạ. Qủa nhiên sau giấc ngũ ngắn, Phanxicô nhẹ nhàng bước ra khỏi giường, qùy gối xuống nền nhà cầu nguyện mãi. Suốt đêm dài, Bernadô lắng nghe Phanxicô cầu nguyện, và giữa cơn sốt mến của tâm hồn trầm lặng, chốc chốc lại nổi lên vài lời than thở với Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Từ hôm đó, gương sáng của Phanxicô không làm cho Bernadô hoài nghi hay lý luận nữa. Ngay bửa chiều hôm sau, Bernadô hỏi ngay Phanxicô rằng :

 - Theo anh nghĩ, khi một người muốn từ bỏ hết tài sản mình thì làm như thế nào?

 Phanxicô trả lời :

 - Tôi tưởng tài sản của người ấy là do Chúa ban. Vậy tốt hơn hết là đem trả lại cho Chúa.

 - Anh nói rất hợp ý tôi nghĩ, sáng mai ta nên đến nhà thờ hỏi lại ý kiến Phúc Âm, xem về điễm nầy Chúa đã dạy môn đệ Ngài như thế nào.

      Ngày hôm ấy, có một sinh viên đã đậu tiến sĩ luật khoa tên là Phêrô Catanê, cũng được Chúa Thánh Thần soi sáng, đến hỏi ý kiến Phanxicô và xin theo Phanxicô như một học sinh theo thầy giáo. Phanxicô rất vui mầng và cảm ơn Chúa vì một người trí thức đã biết vui sống đời nghèo khó theo Phúc Âm.

       Sáng ngày mai, cả ba thầy trò đem nhau đến dự thánh lễ ở nhà thờ thánh Nicolaô tại công trường Assisiô. Thời ấy sách Phúc Âm thường để cạnh bàn thờ, cho mọi người tiện dùng. Lể xong, Phanxicô mở Phúc Âm ba lần.

       Lần đầu gặp mấy lời Phúc Âm theo thánh Mateô : «Nếu con muốn nên trọn lành, hảy về bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo, như thế là con trích trữ châu báu trên trời, rồi trở lại theo thầy» (Mátcô 10/21)

       Mở lần thứ hai, ba thầy trò cùng đọc : «Khi đi đường chúng con đừng mang theo đồ tùy thân, bị gậy, bánh tiền, đừng mang theo, đừng mặc hai áo» (Mátcô 6/8 và 9)

        Lần thứ ba, sách mở đúng câu : «Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ bản thân đi rồi vác Thánh Giá mà theo Thầy» (Mátcô 8/34)

       Vui mừng hiện lên mặt, Phanxicô nói to lên rằng : «Hai anh ơi! Đó là điều hai anh phải làm. Đó cũng là những điều sẽ phải làm tất cả nhửng ai muốn nhập bọn chúng ta».

       Bói xong nghĩa Phúc Âm, ba thầy trò cùng trở về. Nhà luật sư Catanê gia nghiệp chẳng lớn lao gì, nên công việc thu xếp rất dễ. Còn Bernadô thì ít ngày sau đem cả gia tài phát chẩn cho dân nghèo ở Assisiô. Bernadô hốt từng nạm, từng vốc bạc cho mỗi người tha hồ nhận. Bửa phát chẩn ấy, Phanxicô cũng có mặt để phát giúp Bernadô vừa cất tiếng hát để ngợi khen Chúa.

       Cảnh phi thường nầy đã lôi cuốn rất đông quần chúng đến xem. Ai cũng bở ngỡ và hỏi nhau rằng : Sau lại có người coi khinh của cải trần gian đến thế. Và, giữa những người hiếu kỳ ấy, một vị linh mục tên là Sylvestre bổng lách ra, lại gần Phanxicô và nói :

 - «Có món tiền thầy mua đá xây nhà thờ năm ngoái chưa trả cho tôi, tiện đây xin thầy cho lại». Phanxicô vội thưa : «Vâng, nợ của cha con xin trả đàng hoàng»

      Nói xong, Phanxicô trao cho vị linh mục hai ôm quần áo. Sau lại trao hai ôm nữa rồi thưa :

 - «Thưa cha, như thế nầy đã đủ chưa?»

       Vị linh mục im lặng, ôm mấy gói quần áo ra về, chân bước có vẻ ngượng ngùng. Bernadô và Phêrô là những người tai mắt trong thành, ơn Chúa lại gọi họ một cách phi thường, cố nhiên là dư luận rất xôn xao. Buổi phát chẩn rộng tay càng gây thêm ấn tượng. Nhưng ba thầy trò vẩn thản nhiên, đưa nhau về Portioncula. Ai kể được lúc nầy lòng Phanxicô sung sướng vì đã có bạn đường.

       Thầy Egiđiô. Bảy ngày sau, tin Bernadô phát chẩn mới đến tai Egiđiô. Vừa nghe tin ấy, Egiđiô nhất định tìm đến Phanxicô xin nhập đoàn. Egiđiô là con nhà nông ở ngoại ô châu thành Assisiô, của cải trần gian chẳng có gì, nhưng Egiđiô được Chúa phú bẩm cho tính tình cao thượng và lòng mộ mến việc thiêng liêng. Phần lớn thời giờ Egiđiô thường dành riêng để suy gẫm. Egiđiô có óc lý luận sắc bén kèm theo một trí thông minh dồi dào.

        Truyện Egiđiô tìm đến với Phanxicô sau đây tỏ ra Egiđiô là một người rất khôn ngoan nhưng lại rất đơn giản. Đã từ lâu, Egiđiô chỉ nghĩ đến việc linh hồn, nên khi vừa được biết Phanxicô nhận bạn đường, Egiđiô từ giả bà con, đến tìm Phanxicô ở nhà thờ thánh Georgiô, nhưng Phanxicô lại ở Portioncula. Egiđiô dự thánh lễ xong vội sang Portioncula. Đến ngả tư giáp nhà thương phung San Salvador, thì Egiđiô gặp được Phanxicô từ trong một lùm cây rậm bước ra. Vội vàng Egiđiô qùy xuống dưới chân Phanxicô xin được thâu nhận làm môn đệ. Phanxicô vội vàng đỡ Egiđiô dậy rồi dịu dàng nói :

 - «Em ạ! Hôm nay em được một ơn qúy trọng vô cùng, Giả thuyết rằng hoàng đế đến Assisiô nầy để chọn một hiệp sĩ mà hoàng đế chọn em thì chắc em lấy làm hảnh diện lắm. Đàng nầy, chính Thiên Chúa đã mời em vào làm quan trong triều đình Ngài. Chính Thiên Chúa đã gọi và chọn em làm hiệp sĩ trong đoàn quân bé mọn của các anh đây. Thật là một vinh dự lớn lao!».

       Nói xong anh em dắt tay nhau về túp lều tranh ở Portioncula. Vào lều, Phanxicô giới thiệu Egiđiô với Bernadô và Phêrô : «Đây là Egiđiô, một người em rất tốt lành Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta. Nào chúng ta hảy mở tiệc mừng người em mới đi!».

        Chiều hôm ấy, Phanxicô dẫn Egiđiô vào thành, định kiếm vãi may áo dòng cho Egiđiô. Dọc đường có bà lão xin bố thí, Phanxicô bảo Egiđiô cỡi áo đẹp biếu bà lão. Egiđiô vâng lời cởi áo biếu ngay. Về sau kể lại cảm tưởng lúc biếu áo. Egiđiô nói : «Vừa trao chiếc áo cho bà lão, tôi thấy áo bay thẳng lên trời cao. Tôi bổng thấy run lên vì sung sướng. Toàn thân tôi như bay tận mây xanh. Nhưng tôi còn sung sướng hơn nhiều lúc chiều hôm ấy cha thánh mặc cho tôi chiếc áo thô của Nàng Công Chúa Nghèo.

       Sau ngày Egiđiô nhập gia đình Khó Khăn, Phanxicô lại nhận sáu người khác, đều là dân thành Assisiô là : Philipphê tục gọi là Philipphê Dài vì người cao lắm. Philipphê giảng rất lợi khẩu, dang tiếng vang xa. Người ta bảo nhau «Chúa đã dùng than hồng tinh luyện môi của Philipphê». Lời giảng vừa sâu xa vừa đạo đức vừa ngọt ngào như mật ong. Thấu hiểu nghĩa Thánh Kinh. Philipphê dẫn giải rỏ ràng mặc dầu không theo học một trường nào.

        Linh mục Sylvestre, rất tốt bụng nhưng qúa khôn ngoan đến nỗi hay do dự. Tuy cảm phục lòng đạo đức của Phanxicô nhưng ngài cũng còn ngỏ ý chí trung kiên của những người đi giảng mà chưa có chức linh mục, ngài còn ngại rằng không được xứng đáng lúc phải xếp hàng với thanh niên bồng bột xung động như người điên. Nhưng từ bữa nhận mấy ôm quần áo về, đêm nằm không ngũ, hơi thẹn với lương tâm. Một đêm nằm mơ, ngài thấy một con rồng quáy đản, uống lượn trăm khúc, bao chặt lấy Assisiô, đang lăm le nuốt thành. Sylvestre sợ qúa lúc nghĩ đến tai nạn sắp xảy ra. Bổng Phanxicô hiện đến. Từ miệng Phanxicô mọc ra Cây Thánh Giá mạ vàng cao vút đến tận trời xanh, hai cánh giang ra tận cùng giới hạn trái đất. Trước cảnh ấy, con rồng khiếp sợ bay mất. Giấc mơ tái diển ba đêm liền. Sylvestre nhận đấy là một dấu hiệu Chúa ban. Sylvestre tìm gặp Phanxicô, kể lại giấc mơ, rồi ít bữa sau xin nhập gia đình. Từ đấy Sylvestre yêu cảnh tỉnh mịch, chỉ chuyên chú đọc kinh cầu nguyện và suy ngẫm việc trên trời.

       Môricô là nhân viên viện bài phung San Salvador. Trước đây Môricô đã nhập đoàn Anh Em mang Thánh Giá và có lần Phanxicô đã săn sóc khi Môricô bị bệnh nằm điều trị trong một dưỡng đường.

       Angelô Tancredi chánh quán Riêti. Trước khi làm hiệp sĩ của Bà Công Chúa Nghèo, ở thế gian Angelô đã là một hiệp sĩ chính thức, rất dũng cảm và hào hoa phong nhã. Barbarô ít năm sau theo chân Phanxicô sang truyền giáo ở miền Tiểu Á. Gioan còn gọi là Gioan nón vì Gioan cứ khăng khăng giữ mãi cái nón trên đầu, không chịu đội lúp như các anh em khác. Tính Gioan thích cái mới lạ, hể nói đến vâng lời thì Gioan không chịu được. Về sau, Gioan hoàn tục, còn các anh em khác đều xứng đáng với danh hiệu là con đầu lòng của vị Thánh Nghèo thành Assisiô, trung thành sống một đời nghèo khó đúng nghĩa Phúc Âm.

 

Chương VI :  Kinh Nghiệm Sơ Khai.

      Giờ đây, nhà tu hành trẻ tuổi của chúng ta đã đương nhiên đứng đầu một nhóm chiến sĩ Phúc Âm can đảm sẵn sàng theo lệnh Bà Công Chúa Nghèo.

       Từ buổi đoàn vỏn vẹn có bốn người, các chiến sĩ đã lên đường thử sức. Bốn người chia nhau làm hai đoàn đi giảng đạo. Phanxicô đi với Egiđiô đến miền Ancônê là một tỉnh láng giềng với Ombria, còn Bernadô và Phêrô đi về hướng nào sử không ghi rỏ.

       Thoạt tiên, quần chúng chẳng nô nức, Phanxicô đành ca hát để thu hút người. Phanxicô hát những bài hát tán tụng lòng nhân lành của Thiên Chúa bằng thổ ngữ, đôi khi tùy hứng hát những ca khúc vui diễn tả lòng mộ mến đức khó nghèo. Qua các phố phường, qua các làng mạc, có gặp ai là Phanxicô đứng lại gợi chuyện, nói chuyện thôi chứ lần đi nầy chưa phải là đi giảng. Khi dừng lại trước một công trường hay một ngả ba, xen lẫn vào bài hát tùy hứng, Phanxicô chỉ nói vài lời, nhắc nhở mọi người phải kính sợ Thiên Chúa và lo ăn năn đền tội. Còn Egiđiô không quen nói ở chổ đông người, thường chỉ im lặng, đứng vào một góc công trường. Khi Phanxicô dứt lời Egiđiô mới rụt rè nói kiểu chấm câu bổ túc : «Anh chị em ạ! Cứ làm như người anh thiêng liêng của tôi nói đây. Anh tôi nói rất đúng, không ai nói hơn anh tôi được» (Thật tình là cha hát con khen, không ai chen lọt vào).

        Chuyến đi đầu tiên nầy, các vị tân thừa sai không thu được kết qủa nào đáng kể. Lắm nơi, nhân dân không thèm nghe, vì nghe giảng vốn là chuyện phiền hà, mà lối ăn bận lạ lùng kia lại càng tai hại cho uy tín của người giảng. Họ bảo nhau :

- «Bọn người đi chân không, mặc áo thô, khuyên nhủ huyên thuyên nầy muốn gì đây? Chúng nó điên chăng?».

       Một số ít thì hỏi như thế, còn số đông lắc đầu chán nản. Họ cho đó là điềm trời không hay. Đàn bà yếu bóng vía và trẻ con nhát đảm cứ gặp anh em là hú hồn bỏ chạy. Vài kẻ khôn ngoan thì hoài nghi không biết đây là thánh hay là điên nên đành im lặng.

       Riêng Phanxicô, không hề chú trọng đến kết qủa. Đức tin, thúc đẩy đi thì đi. Thành công là việc của Chúa Quan Phòng, đến sớm hay muộc cũng được. Lòng luôn luôn sáng bừng một hy vọng, Phanxicô thấy mình sắp được đứng đầu một đạo binh đông đúc, quân bính toàn là hiệp sĩ anh dũng được Bà Chúa Nghèo tuyển mộ, chọn lọc, cùng nhau đi truyền bá Phúc Âm khắp thế gian để nhân loại lo thống hối, yêu nhau trong hoà bình.

      Trên con đường về Portioncula, Phanxicô tâm sự với Egiđiô :

 - «Em ạ, dòng ta như một người đánh cá, bỏ lưới xuống nước, kéo lên đủ thứ cá hết. Cá nhỏ loại đi chỉ lấy nguyên cá lớn. Chúng ta cũng truyền rồi chọn lấy những phần tử thật tốt thôi»

       Thấy Phanxicô vẫn nhận thêm đồng bạn, người Assisiô lại càng thắc mắc, hỏi nhau :

 - «Anh chàng nầy sẽ đi đến đâu? Chừng nào anh ta mới dừng lại?».

      Óc phản ứng và trí khôn ngoan dè dặt truyền thống của người dân Assisiô trước những sự kiện mới lạ ấy, giờ đây nổi dậy. Trong nhà ngoài ngõ, thiên hạ chán nản bảo nhau :

 - «Bọn Phanxicô quấy rối trật tự. Giữa nề nếp của quê hương ta, chúng nó đã gieo vào những tư tưởng mới lạ. Chúng dám can thiệp vào việc riêng của nhà người ta. Có người đang ăn chơi đình đám bổng nhiên vì chúng nó mà bỏ bạn bè ra đi lang thang như thế. Có người đang chuẩn bị báo thù nhà và lo rửa nhục cho gia tộc, bổng vì chúng nó mà tra gươm vào vỏ, thôi không nói chuyện giết chóc đổ máu nữa. Cứ phải vì chúng nó mà sinh ra rụt rè do dự thế nầy thì còn làm ăn gì được nữa». Họ còn kết tội anh em :

 - «Bọn Phanxicô chỉ được cái ăn bám. Nếu chúng biết giữ lại tý chút của cải thì đâu phải lê những tấm thân khỏe mạnh như thế đi ăn xin từng nhà!». Từ đây, đi hành khất, anh em được bố thí thì ít mà chịu sĩ nhục thì nhiều. Cả một dư luận phản đối. Tình trạng có thể đi đến chỗ đụng chạm, Đức Giám Mục Guidô phải can thiệp vào. Ngài muốn Phanxicô chận đứng lại một thác nước vừa mới khai nguồn. Năm ngoái khích lệ Phanxicô trước toà án, ngài có ngờ đâu rằng người thanh niên muốn ẩn tu ấy sẽ lập hội, lập đoàn rồi lập dòng. Lần nầy ngài bảo Phanxicô :

 -«Cơm ăn ở nhà là vật thiết dụng cho bất cứ một tổ chức nào hay một nhóm người nào. Nay xét tình trạng chúng con không cơm ăn, không nhà ở, nhân tình thế thái lại náo động vì chúng con. Cha thấy rằng lối sống của chúng con qúa cực khổ, liệu rồi có chịu nổi mãi không?». Thoáng hiểu Đức Cha muốn khuyên mình dứt mối tình duyên với Bà Công Chúa Nghèo, Phanxicô đành ôn tồn thưa :

 - «Thân lạy Đức Cha, nếu có tài sản, chúng con lại phải dùng khí giới để bảo vệ. Đức Cha cũng đã thấy bạc tiền thường gây nên cạnh tranh kiện cáo nhau, tổn hại lòng mến Chúa yêu người. Vì thế chúng con chẳng dám có của riêng ở thế gian nầy».

       Tình trạng trong thành Assisiô bất ổn bất hòa vì tranh giành tài sản cũng làm chứng cho lý luận của Phanxicô. Đức Giám Mục chẳng biết nói gì hơn. Để ngài yên tâm, Phanxicô trình bày với ngài rằng anh em không lười biếng và lúc nào cũng cần mẩn kiếm việc làm nuôi thân. Trường hợp tối cần mới phải đi ăn xin từng nhà.

       Những tháng tiếp sau, tình trạng đã ổn, Đức Giám Mục lại giúp thêm điều kiện sống tập thể. Nhưng anh em vẫn cố gắng theo ơn gọi. Ai cũng ép mình vào khuôn khổ mà Bà Công Chúa Nghèo đòi hỏi. Nhà cửa không có, Portioncula, chỉ là nơi tạm trú để gọi là địa điểm để tập hợp mà thôi. Mười hai anh em mà chỉ vỏn vẹn có một túp lều tranh chật hẹp, trước đây vốn chứa đủ cho bốn thầy trò. Thời gian thì giốc cả vào việc giúp đỡ đồng bào. Những ngày không đi giảng để làm chứng Phúc Âm thì mỗi người đi làm một việc. Có người làm công cho các tu viện hay các nhà tư. Có người cày thuê cuốc mướn ngoài đồng. Có người lại chăm sóc các bệnh nhân trong các viện bài phung lân cận. Như thế mà còn phải đến ngữa tay xin ăn từng nhà là cũng vì có những anh em bệnh tật, anh em phung cùi, nhất là vì đi làm công thì Phanxicô nhất định không cho nhận tiền bạc, không cho lo lắng đến ngày mai.

       Đi ăn mày thì anh em vẫn ngại lắm, mà buổi đầu Phanxicô cũng thường cố tránh cái nhục ấy cho anh em, cho nên hàng ngày Phanxicô vẫn ngữa tay đi xin từng nhà mặc dù thân hình yếu nhược và sức khỏe yếu kém.

       Đến những ngày kiệt sức mà trong anh em không ai dám tình nguyện đi thay, Phanxicô cố bảo :

 - «Anh em yêu dấu, rồi đây anh em cũng phải can đảm đi xin. Vì theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Ngài, chúng ta đã chọn lối sống nghèo. Đừng tưởng đây là việc nhục nhả khó làm. Anh em chỉ nói nguyện lời nầy «Xin anh chị em bố thí cho tôi vì lòng mến Chúa». Các vị ân nhân của chúng ta sẽ được đền ơn lại và sẽ nhận được một ơn lành vô giá là tình yêu Chúa. Như thế là anh em lại đứng vào cái thế kẻ đổi trăm phần lấy một. Thôi đừng thẹn thùng, e lệ mắc cỡ nữa, cứ can đảm mà đi».

       Thuở ấy số anh em chưa đông để đi đôi cho có bạn. Mỗi người đi riêng một lối. Nhiều bữa đi về thỏa mản lắm. Có người còn cao hứng so đo kết qủa hơn thua. Cố nhiên là những người đầy bị hài lòng vì được ban khen. Từ đó anh em hiểu rỏ giá trị lối ăn xin khiêm nhượng nầy. Ai nấy đều cho đó là vinh dự, một ơn riêng, nên giành nhau đi, nhưng để hạn chế bớt lòng nhiệt thành và tránh lạm dụng, ai muốn đi ăn xin phải có phép riêng.

       Chương trình thường nhật của anh em thì ngày đi làm việc, tối về thức khuya cầu nguyện. Mỗi đêm chỉ ngũ vài giờ rồi dậy sớm đọc Kinh ngợi khen Chúa.

       Từ đầu hè đến cuối thu 1209, sống bên cạnh nhà thờ Đức Bà Thiên Thần, Phanxicô chỉ chú trọng đến việc huấn luyện anh em, bần cùng hóa anh em và tạo cho anh em một hoàn cảnh là chỉ còn bám chặt vào Chúa Quan Phòng. Phanxicô thấy phải lo cho môn đệ biết sống đời sống thiêng liêng, hướng dẫn họ trên đường lý tưởng, giáo hóa, yên ủi và dạy họ cách suy gẩm cầu nguyện, tập họ biết khiêm nhượng thống hối và khuyến khích họ bước vững vàng trên đường hoàn thiện. Như một họa sư dạy các họa sĩ non trẻ học hỏi một bức danh học. Phanxicô cũng dạy anh em hiểu biết thân thế Chúa Giêsu. Phanxicô nói : «Khi Chúa ban cho tôi có anh em, không ai bảo tôi phải theo một lối giáo dục nào hết. Chỉ có Chúa cao cả dạy tôi thể thức huấn luyện anh em mà thôi». Như vậy là vị sáng lập dòng mới nầy không nợ nần gì với các nhà lập luật và các vị tu hành xưa, ngài không theo đường lối có sẵn và cũng không bắt chước ai.

       Chung một lòng yêu mến nhân đức nghèo khó, chung một mục đích là thể hiện lý tưởng Phúc Âm, cảnh sống đoàn kết anh em lại thành một khối và tăng sức mạnh cho mỗi người. Sau mỗi chuyến đi giảng về, anh em gặp lại nhau, ai cũng hân hoan sung sướng, bao nhiêu gian khổ đều tan hết.

        Đối với anh em, Phanxicô là một vị thiên thần hộ mệnh. Được săn sóc anh em, Phanxicô cho là một hạnh phúc, còn anh em đối với Phanxicô lại thực tình tin cậy, đem tâm sự kể rỏ cho Phanxicô nghe, từ một cơn cám dỗ cho đến một ý nghĩ thầm kín trong lòng, không ngại ngùng e thẹn. Nhiều lúc không cần phải nói ra, Chúa cũng đã cho Phanxicô thấy rỏ chuyện lòng của anh em như đọc trên một trang sách mỡ ra.

        Lúc đi công tác tông đồ, anh em vẫn giữ nguyên mực sống như ở Portioncula. Ngày thì tận tụy lo việc giảng dạy hay lo giúp đỡ anh em phung cùi và dân nghèo, đêm về thì nằm nhờ ở xó bếp góc lều, hoặc những nơi dành riêng cho tôi tớ nhà sang, cùng lắm thì đã có hè phố và cửa nhà thờ. Khi bị ai tàn nhẫn gạt công thì anh em đi ăn mày từng nhà. Bị ai sỉ nhục thì anh em nhớ đến lời dạy của Phanxicô, tập kiên nhẫn và suy về sự thương khó Chúa Giêsu.

        Nhờ lối tu dưỡng của vị thánh nghèo, đời anh em chỉ còn là đời của một lữ hành theo gót Thầy Chí Thánh là Chúa Giêsu, thể hiện Phúc Âm. Đó là nguồn vui bất diệt của anh em trong cuộc đời khắc khổ nầy.

 

Thử Rời Nước Ý.

      Mùa đông năm 1209, Phanxicô định đi giảng một chuyến xa và lâu. Tập trung anh em lại, Phanxicô nói :

 - «Thánh Ý Chúa muốn rằng kẻ được hưởng ơn cứu chuộc phải làm việc để cứu mình và cứu anh em khác. Riêng đối với con cái của Đức Nghèo, ý Chúa lại rỏ ràng hơn. Vậy ta hảy đi khắp thế gian, đem lời nói và gương lành giảng lẽ thống hối cho mọi người. Ta sẽ gặp gian khổ. Nhưng gian khổ đến đâu ta cũng phải giữ tâm hồn độc lập, quyết không làm nô lệ những cái chóng qua đời này. Ta sẽ luôn luôn hướng linh hồn chiêm ngưỡng lẽ đời đời, rồi sẽ có người niềm nở đón tiếp anh em và nghe lời giảng dạy, nhưng rồi cũng sẽ có rất nhiều người sĩ nhục và tẩy chay anh em. Dầu sao, anh em cũng phải khiêm tốn trả lời những kẻ hỏi han và hết lòng biết ơn những kẻ cay nghiệt». Để trấn an anh em, Phanxicô tiếp «Tôi dốt, anh em dốt, nhưng anh em đừng lấy thế làm buồn, Thiên Chúa sẽ giữ lời Ngài hứa. Ngài sẽ nói qua miệng anh em. Vả chăng đã tới lúc những nhà thông thái đến trợ lực chúng ta rồi. Hiện số anh em ta đang ít ỏi, nhưng anh em cũng đừng lấy thế làm lo. Có điều nầy, nếu đức bác ái không buộc thì tôi chẳng nói đâu, nhưng bây giờ thì tôi phải nói để anh em rỏ là Chúa đã cho tôi biết, rồi đây, Dòng ta sẽ phát triển khắp mặt đất nầy. Trong tai tôi đang nghe vang vảng tiếng chân đi của nhiều người, từ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và các nước khác đang nô nức tới nhập đoàn ta».

      Nghe nói, anh em đều phấn khởi. Phanxicô chia anh em làm bốn đoàn, hai người một : Bernadô và Egiđiô đi Tây Ban Nha, Phanxicô với một anh khác đi về hướng nam đến Riêti, còn bốn anh nữa đi về hướng khác.

       Giờ lên đường, mỗi người lần lượt qùy gối xin Phanxicô chúc lành. Phanxicô âu yếm hôn anh em rồi đỡ dậy, nói với mọi người :

 - «Em yêu dấu, em cứ tin vào Chúa. Chúa sẽ giúp em.»

       Anh em chia tay. Ra đi, ai cũng cương quyết trung thành với lời dạy của Phanxicô. Khi qua một cây Thánh Giá dựng bên đường, anh em liền qùy gối đọc một Kinh Lạy Cha. Khi vào nhà thờ nào thì trước hết anh em nguyện : «Lạy Chúa Giêsu chúng con tôn thờ Chúa ở đây và ở trong mỗi nhà thờ khắp thế giới. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã chịu đóng đinh trên Thánh Giá để cứu chuộc trần gian»

        Gặp bất cứ ai, anh em vẫn giữ lời chào : «Xin Chúa ban bình an cho anh em». Dáng điệu anh em, cũng đủ làm cho ai đó hiểu rằng ơn bình an kia anh em đã được và anh em đang sung sướng muốn sang sẽ với mọi người.

       Tuy vậy, vẫn không may cho anh em là qua nhiều thành thị phố phường, hoặc làng mạc, lối ăn mặc và nói năng của anh em khiến nhiều người bở ngỡ. Họ thường lằm anh em là lớp người man rợ từ phương trời nào mà tới, đó là kẻ ác tâm và khó tính, nghe chào bằng an như vậy thì nói : «Chào cái gì kỳ vậy? Cứ chào như các tu sĩ khác có được không?».

        Trong anh em, có người nản chí, xin bỏ lối chào ấy đi thì Phanxicô thản nhiên bảo :

 - «Anh em cứ yên tâm. Những kẻ ác tâm kia chưa nhận thức được điều Chúa muốn. Chúa đã lập ra đoàn ta, bổn phận ta là phải phân biệt đoàn ta với các đoàn khác, Chúa đã dạy ta lời chào bằng an thì ta cứ làm theo ý Chúa».

       Đến những nơi, gặp kẻ sẳn lòng nghe thì anh em nói vài lời khuyên họ là thống hối ăn năn. Kính sợ Thiên Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa. Phanxicô không ưa dài lời, không dạy những tín lý trừu tượng vì có thể sai lầm.

       Chuyến xuất quân nầy, anh em giảng ít nhưng tập kiên nhẫn lại nhiều. Qua miền nào, nhân dân cũng cho là anh em ăn mặc lố lăng. Có nơi họ bảo anh em là người man rợ. Nơi khác họ lại tưởng anh em là tướng cướp trá hình, nên tay dùi tay gậy họ đuổi anh em đi xa. Nhiều người không biết anh em ở đâu tới nên tự hỏi phải chăng đây là một phái đạo rối nguy hiểm nào chăng? Về phần anh em thì anh em tự giới thiệu là người thuộc nhóm «Anh Em Đền Tội ở thành Assisiô» Vì tên nầy là tên đầu tiên Phanxicô đặt ra cho anh em. Có người còn qúa quắt lấy bùn ném vào anh em, hoặc nắm lấy cái lúp đầu của anh em mà lôi có nơi anh em bị lột áo giữa công chúng. Thể hiện, Phúc Âm, anh em không phản đối người xấu bụng. Anh em chỉ kiên nhẫn chờ người ta thôi đánh đập trêu ghẹo hoặc trả quần áo lại cho anh em.

       Nhiều lần anh em phải chịu đói rét suốt mấy ngày liền. Như có hôm nọ, gặp người ăn mày rét run bắn người, Egiđiô cởi chiếc áo ngoài đem cho. Hai mươi ngày sau, không xin được áo khác, Egiđiô đành thử sức với cái rét cực độ của mùa đông năm ấy.

       Hai anh em Bernadô và Egiđiô qua miền Florencia bị ngược đãi qúa. Một chiều mùa đông, trời rét như cắt, anh em tìm mải mà chẳng ai cho tạm trú. Cuối cùng có bà kia động lòng trắc ẩn, cho tạm ở xó lò bánh bên cửa ra vào. Đêm, ông chồng về, thấy hai anh em, ông càu nhàu

 - Sao bà dám cho bọn vô công rổi nghề quấy rối xã hội nầy trọ ở đây?

 Bà vợ dịu dàng đáp :

 - Thì ông thấy đó. Nghĩ không nghĩ dại, tôi đã không cho họ vào nhà, chỉ cho nằm ngoài cửa. Lò bánh còn vài thanh củi cháy dở dang, họ có lấy đi cũng không phải mất mát gì nhiều.

 - Lỡ rồi thì cho ở, nhưng tôi cấm bà không được cho họ mượn mền đắp, nghe chưa!

      Đêm ấy, anh em chập chờn được vài giấc ngắn. Mền đắp đã có áo Đức Nghèo. Lửa sưởi đã có lòng mến Chúa.

       Sáng hôm sau, bà chủ vào nhà thờ, thấy hai anh em đang qùy gối cầu nguyện. Bà nghĩ thầm : «Nếu là trộm cướp thì sao lại biết cầu nguyện sốt sắn thế?». Bà đang tự hỏi thì gặp lúc ông Guidô đi phát chẩn bần trong nhà thờ. Lúc phát đến anh em, ông cho tiền, hai anh em không nhận. Ông hỏi :

 - Cũng nghèo như người khác, tại sao tôi biếu tiền, hai ông lại không lấy?

 - Thưa ông, vì chúng tôi đã tự nguyện sống nghèo và không dùng tiền.

 - Chắc các ông, trước đây cũng có của chứ?

 - Thưa vâng. Chúa ban cho chúng tôi cũng khá, nhưng chúng tôi đã bố thí hết vì lòng mến Chúa.

      Bà kia vẫn theo dõi câu chuyện, lúc nghe đến đây, bà vội vàng xin lỗi và mời hai anh em về nhà để tiếp đãi, nhưng hai anh em khiêm tốn cảm ơn và từ chối, còn ông Guiđô đã hiểu hai anh em là hạng người nào, nên mời về nhà riêng, chỉ một căn phòng rồi nói :

 - Căn phòng nầy là của Chúa sắm sẳn cho hai thầy, xin hai thầy cứ tùy tiện.

      Bernadô và e sắm sẳn cho hai thầy, xin hai thầy cứ tùy tiện. Bernadô và Egiđiô trọ lại đó mấy ngày. Rồi, khi hai anh em đã sang xứ khác, ông Guiđô còn nhắc nhở mãi gương sáng và lời lành của hai anh em, ông cũng bắt chước và làm phước rộng tay hơn trước.

      Riêng Phanxicô chuyến đi nầy gặp may. ễ Riêti, Phanxicô thu được nhiều kết qủa. Dân miền nầy hư hỏng lắm, thế mà Phanxicô đã cải thiện được một số đông. Trong số đó có nhà hiệp sĩ Tancredi về sau nhập đoàn và trở thành một môn đệ tốt nhứt của vị Thánh Nghèo.

      Truyện kể rằng : Khi gặp Tancredi, Phanxicô khuyên :

 - Anh Tancredi ơi! lâu nay bạn đã mang gươm của thế trần rồi. Từ nay hảy gia nhập đoàn chúng tôi. Tôi sẽ phong bạn làm hiệp sĩ Chúa Kitô.

      Nhà hiệp sĩ xin vâng. Vào dòng, Tancredi đổi tên là Angêlô và được tiếng là một tu sĩ có lời nói và cử chỉ rất nhã nhặn lịch sự. Sau khi Phanxicô từ trần, Angêlô và hai anh em nữa là Lêô và Rufinô kết thành nhóm «Ba người bạn» chép truyện ký thánh Phanxicô.

       Cũng ở Riêti, Phanxicô được một ơn phi thường. Đã lâu rồi, cứ mỗi lần nhớ lại thời gian phôi pha khi chưa ăn năn sám hối, niềm vui của Phanxicô như vương vấn một áng mây mờ. Nhiều lúc quên mình, Phanxicô vui nhìn công việc Chúa làm giữa anh em. Cao hứng, Phanxicô đã hát những khúc nhạc tán tụng Chúa Chí Tôn. Nhưng thời gian cũng trôi qua, ưu phiền kia càng ám ảnh.

       Một hôm, ở Bustônê, Phanxicô vào cầu nguyện trong một hang đá cao chừng ngàn thước trên thung lũng, suy về những năm trai trẻ buông lung, toàn thân Phanxicô run rẩy, nước mắt ràn rụa, miệng cứ lập đi lập lại nhiều lần :

 - Lạy Chúa! Con van Lạy Chúa! Xin Chúa tha thứ cho con là kẻ tội lỗi. Bổng tâm hồn như lắng xuốn, Phanxicô sung sướng ngất ngây. Khi tỉnh lại, bóng ưu phiền đã biến tan đâu mất. Phanxicô thấy lòng đổi mới và tin rằng mọi tội lỗi tiền khiên đã được Chúa thứ tha và ơn Chúa sẽ gìn giữ mình cho đến giờ sau hết. Chúa lại còn cho Phanxicô thấy trước dòng khó nghèo sẽ thành một đạo binh lớn, đi chinh phục nước Chúa khắp trần gian.

      Tuy nhiên Phanxicô vẫn thấy mình tội lỗi hơn mọi người. Cũng giống như nhà nghệ sĩ thường thấy rỏ hơn ai hết sự cách biệt giữa mình với cái đẹp tuyệt đối thì Phanxicô cũng vậy, một phần nào tự lượng biết sự cách biệt vô cùng giữa Thiên Chúa Toàn Diện Toàn Mỹ với con người tội lỗi khốn nạn, cho nên không bao giờ dám khoe khoang tự mản và chỉ xem mình là kẻ sau hết mọi người.

Nhóm họp anh em.

      sau mấy tháng ở Riêti, bổng nhiên hôm nọ Phanxicô náo nức muốn gặp lại tất cả anh em. Phanxicô tha thiết xin Chúa gọi anh em về và Chúa nhậm lời. Vài bữa sau, tất cả anh em, không ai bảo ai, lục đục kéo nhau về Portioncula. Không ai hiểu vì sao mà muốn về như thế. Anh em gặp nhau, vui mừng hớn hở, kẻ cho nhau nghe những ơn Chúa ban riêng rồi thú nhận những sơ xuất khuyết điểm đã qua và chờ lời khuyên răn chỉ giáo. Phanxicô hết lòng tạ ơn Chúa đồng thời cũng hào hứng kể lại những ơn Chúa đã ban nhất là ơn mặc khải về Dòng khó khăn nầy sẽ phát triển rộng lớn.

      Tuy lòng hân hoan, Phanxicô vẫn nhớ mình là thủ lỉnh. Phanxicô cho anh em những nhận định về đoàn thể và sứ mệnh chung. Đoàn thể sẽ thêm người và ảnh hưởng sẽ càng xâu rộng. Anh em không thể tránh khỏi thử thách, việc đoàn kết và lảnh đạo điều khiển sẽ không còn đơn giản nữa. Thưa anh em, đời sống chung những ngày đầu tiên nầy cũng dịu hiền như ta đang ăn qủa ngọt bùi, nhưng rồi đây, xen lẫn với qủa ngọt bùi, anh em sẽ ăn những qủa đắng cay chua chát đến nỗi không ai còn dám ăn nữa. Phanxicô chỉ nhận định thế thôi chứ lời tiên tri chưa thể hiện một sớm một chiều, và thầy trò đang vui hưởng những ngày rất hấp dẫn, rất khích lệ của lý tưởng sống Khó Nghèo. Phanxicô chỉ thấy cần báo trước cho anh em những hăm dọa đương nhiên của ngày mai!

       Dòng chúng ta sẽ mỡ rộng khắp hoàn cầu thì cố nhiên anh em phải được bảo đảm rành mạch : chỉ có một chủ quyền công hiệu và thiết thực khắp hoàn cầu mới bảo đảm được. Anh em sẽ phải thề quyết theo chủ quyền ấy hướng dẫn. Đến đây, Phanxicô nghĩ ngay đến ngôi Giáo Hoàng đại diện Chúa Giêsu giữa trần thế.

      Sau những ngày cầu nguyện, anh em thầy trò quyết định đi Rôma, yết kiến Đức Thánh Cha.

 

Chương VII : Trước Giáo Triều Rôma.

     Lên đường. Năm 1210, mùa xuân mới về. Mười hai thầy trò từ giả Portioncula, lên đường sang Roma. Lúc ra đi, Phanxicô đề nghị : Anh em hãy chọn một người trong chúng ta để làm người dẫn đường. Mọi người phải vâng lời anh ấy như vâng lời Chúa. Anh chỉ ngã nào ta theo ngã ấy, anh bảo trọ tại đâu, ta trọ tại đấy. Thầy Bernađô đắc cử.

      Cuộc hành trình thật là may mắn. Ngày mùa xuân dài, anh em đi được nhiều đường đất. Tối đến, anh em thường gặp những người hảo tâm cho trú. Riêng Phanxicô, chuyến đi nầy, lòng đầy tin tưởng, thế nào Đức Giáo Hoàng cũng châu phê bản luật dòng không chút ngần ngại. ễ trần gian nầy, Đức Nghèo Khó là bạn trăm năm của Chúa Cứu Thế. Đức Giáo Hoàng là đại diện Chúa Cứu Thế, chẳng lẻ ngài không nhận!!!.

      Phanxicô nằm mơ thấy rằng : Trên đường đi, Phanxicô gặp một cây cổ thụ vừa to vừa cao, cành lá vươn dài che kín cả một vùng. Bở ngỡ, Phanxicô đứng nhìn, bổng một sức mạnh vô hình thổi Phanxicô cũng cao lên ngang ngọn cây cổ thụ. Thế rồi, không cần phải cố gắng gì, Phanxicô chỉ đưa tay một cái, toàn thân cây vỉ đại kia đổ xuống nằm dài trên mặt đất, Phanxicô cho đó là điềm may Chúa báo cho. Thầy trò tin rằng với ơn Chúa, Đức Innôcentiô, vị Giáo Hoàng vỉ đại và đanh thép kia chiếu cố đến đoàn người hèn mọn, phê nhận bản luật của dòng sống khó nghèo. Là những tâm hồn nồng nhiệt, đoàn người đơn sơ nầy cứ tưởng ở trên trời cũng như ở dưới đất, tất cả mọi người đều hướng về một việc là hoàn thành sứ mạng của Bà Công Chúa Nghèo mà anh em đang phụng sự. Qua thung lũng Spolêta, băng qua cao nguyên Riêti, hôm nay anh em đang đi giữa Rôma. Toàn đôi mắt sáng ngời nhìn lên cung điện nguy nga đồ sộ của Kinh thành bất diệt. Từng đôi chân bước đi vui vẽ, không chút e lệ ngại ngùng.

 

Đức Giáo Hoàng Innôcentiô.

      Vào thời ấy, nhất là dưới triều Đức Innôcentiô, Rôma đã có tính cách quan trọng đánh mạnh vào trí tưởng tượng của các tầng lớp nhân dân và các dân tộc. Đối với những ai cho thế kỷ XIII là thế kỷ «Hoàng Kim Công Giáo» và thời đại Phanxicô là «một thời đại văn minh điển hình» thì Đức Innôcentiô III cũng hiệu lên một vị «Giáo Hoàng hiển hách» nhất của lịch sử. Kể những vị Giáo Hoàng chủ trương thuyết lưởng quyền, nghĩa là Giáo hội phải có thần quyền lẩn thế quyền, thì vị áp dụng chủ thuyết ấy có hiệu qủa nhất là ngài.

      Ở Ý, ngài phế quyền Hoàng đế và đuổi hết quan chức của Hoàng đế ra ngoài Giáo Hoàng cương thổ. ễ Sicilia, bà quốc mẫu suy tôn ngài làm giám hộ cho thái tử sau nầy kế nghiệp hoàng đế. ở Đức. Ngài phế vua Fédéric Suabê, lập Othon Brunswick sau lại ra vạ tuyệt thông Brunswick rồi lập Fédéric II thế vị. ở Anh, vua Jean Sans Terre mất lãng thổ thành ra chư hầu của Giáo Hoàng. Các vua Hung Gia Lợi, Aragon, Castille cũng thế. Chỉ có nước Pháp và vua Philippe Auguste là đang mưu mô để phản đối Giáo Hoàng.

      Cả thế giới công giáo đều ở dưới con mắt kiểm soát của ngài. Trực tiếp hay giáng tiếp, những vấn đề chung toàn đế quốc hay riêng từng dân tộc, những vấn đề thuộc lảnh vực trí thức tinh thần hay những vấn đề thuần túy công giáo, tất cả ngài đều tàng trải hết. Nhưng giáo triều luôn luôn vẩn là trọng tâm hoạt động của ngài. Hoạt động chính trị chỉ là một hình thức trong tư cách của ngài mà thôi. Ngài lại là một tu sĩ khắc khổ trong đời sống tư và có một đức độ sâu xa và thành thực.

       Nguyện vọng của Ngài là làm cho thế giới trở nên hoàn thiện. Đối với Ngài, việc phát huy uy quyền của Giáo Hoàng trong địa hạt chính trị và văn hóa chẳng qua là một phương tiện để đạt tới sự thánh hóa trần gian. Chủ trương nầy lầm hay đúng, ta không bàn cải. Duy có một điều ta quyết được là vị Giáo Hoàng nầy chỉ muốn thiết lập thế quyền trên các dân tộc công giáo, để nhờ đó, dể thực hành việc thấm nhuần Phúc Âm khắp mọi giai cấp và mọi tầng lớp người ở trần gian.

       Các phái đạo rối. Vương quyền đế nghiệp đả ở dưới quyền điều khiển của Đức Innôcentiô thì các phái rối đạo cũng đã vì ngài mà thất điên bất đảo. Công cuộc cải cách của Ngài đã phải đụng đầu với hàng giáo sĩ lệch lạc, với lớp tiên tri giả, buôn thần bán thánh, với các phái đạo rối và một số đông công giáo bất mản.

       Không kể những vua chúa có đạo, vì tư lợi, đứng lên trực tiếp phản đối chủ thuyết lưỡng quyền, coi thường vụ tuyệt thông, đem vũ lực đối chọi Giáo Hoàng và lôi cuốn dân chúng khinh mạn quyền thiêng liêng của Hội Thánh, ta còn phải đau lòng nhìn nhận thời ấy có một số giáo sĩ đã diễn ra một cảnh tượng rất đáng buồn, sống giữa chế độ địa chủ, các vị nầy qúa trọng về việc đời hơn việc đạo, bỏ phế hẳn nhiệm vụ giáo sĩ, không chú ý đến việc học hành, lơ là giảng dạy, mua bán của Thánh, lười biếng và qúa tự do. Sở dỉ có tình trạng như vậy là vì có một số giáo sĩ thời ấy là dòng dõi qúy tộc, ra tranh giữ địa vị giáo sĩ để hưỡng quyền lợi và bổng lộc, còn điều kiện căn bản là đức độ tu hành thì các vị ấy rất thiếu.

       Tình trạng ấy rất trầm trọng và phổ quát, chính Đức Innôcentiô, trong sắc chỉ ngày 8-6-1218 đã phải nói : «Phải có sắt với lửa mới chữa lành được». Tuy đã phải đau lòng, ngài vẫn phải kiên nhẫn trước thử thách, ngài đã chọn một số HồngY, đồng quan điểm với ngài về những cải cách cấp thiết và qúa tế nhị nầy.

      Các phái rối đạo thì có nhóm của Joachim de Flore (1145-1202) nhóm nầy muốn công giáo hơn Giáo Hoàng, họ muốn dạy đạo cho Giáo Hội nên họ đã rơi hết vào đạo rối.

       Nhóm Vaudois ở Lyon do Phêrô Valdez chủ trương. Họ vượt qúa giới hạn, lệch lạc giải thích Phúc Âm và các tín lý.

      Cảm tình với nhóm Vaudois thì tại Lombardie có một nhóm cũng lập dòng : dòng nhất, dòng nhì, rồi dòng ba, mãi đến 1201 mới ổn định.

       Có nhóm Cathares lập ở Ý, ở Pháp có nhóm Albigeois, ở Đông Âu có nhóm Bogomiles, ở Bắc Âu có nhóm Bulgares.

      Hạng người công giáo chân chính, trong thời gian chờ mong một cuộc phục hưng tôn giáo, đã trực giác được rằng : Một vị tiên tri chân chính sắp xuất thế mang lại cho linh hồn của họ tự do và hoan lạc. Vị tiên trí ấy phải là một con người có tâm hồn đơn giản, thẳn thắn, có thể lột hẳn cái lớp vỏ tập quán để trình bày một chân lý sống động huy hoàng, chân lý phải được giới thiệu và trình bày cho giáo dân. Nhưng vị tiên tri ấy sẽ xuất phát từ đâu và xuất phát như thế nào? Không ai biết được và cũng không ai ngờ rằng trong đêm tối, một bình minh đã bắt đầu ló dạng Đức Innôcentiô III, vị Giáo Hoàng thiên tài và đạo đức, hẵn phải có một trí phán đoán siêu quần và một trực giác vượt hẳn thời gian và không gian. Nhưng lúc đến giờ phải chân nhận con người mà mọi người đang chờ thì ngài không hiểu con người ấy, cho nên, lần đầu tiên gặp Đức Giáo Hoàng, Phanxicô đã thất bại.

       Buổi bệ kiến đầu tiên. Với bản tính chất phát cho nên khi tới điện Latran, Phanxicô tự tiện đi thẳng vào, vô tư như đi vào một nhà quen thuộc. Trong hành lang điện Latran. Đức Innôcentiô đang đi bách bộ, đầu hơi cuối, có lẽ ngài đang suy tính những dự tính lớn lao. Một tâm hồn như Phanxicô thì cứ nghĩ rằng có thể trực tiếp với Đức Giáo Hoàng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Vì thế, Phanxicô bước thẳng đến trước mặt ngài và trình bày ngay nguyện vọng. Nhìn từ bộ áo thô nghèo đến mái tóc vô trật tự, Đức Innôcentiô tưởng Phanxicô là một người chăn heo đâu đó phát điên, ngài gắt :

 - «Luật dòng cái gì? Đi ra mà lo chăn đàn heo của con. Muốn giảng thì giảng cho heo»

      Không để Đức Giáo Hoàng bảo lần thứ hai, Phanxicô lạy chào, rồi đi ra đâu đó kiếm được một chuồng heo, bôi bẩn lên người rồi trở vào qùy tâu :

 - «Tâu Đức Thánh Cha, con đã làm xong việc Đức Thánh Cha truyền. Cuối xin Đức Thánh Cha rộng lượng ban cho điều con xin».

      Đức Innôcentiô tự bảo đây không phải là bộ dạng của một lãnh tụ giáo phái muốn nổi loạn. Ngài nghĩ lại, tự trách là ngài đã xử tệ với Phanxicô, và sau khi bảo Phanxicô đi tắm rửa, ngài hứa ban cho một buổi chầu kiến.

       Giáo Triều Phê Nhận Luật Dòng. Phanxicô đang bơ vơ chưa biết làm thế nào để xin Đức Giáo Hoàng phê nhận luật dòng, thì may mắn làm sao! Trong dịp nầy lại có Đức Giám Mục Assisiô về giáo triều bái mạn. Bất ngờ gặp anh em ở đây. Đức cha Guidô tưởng anh em đã từ giả hẵn Assisiô rồi, ngài lấy làm tiếc. Anh em vội làm yên lòng ngài và trình bày chủ đích sang Rôma chuyến nầy. Để giúp anh em một cách đắc lực, Đức Giám Mục liền giới thiệu Phanxicô với hồng Y Jean de Saint Paul Đức Hồng Y nhận lời và cho anh em trọ trong dinh của ngài.

       Hồng Y Jean de Saint Paul là tai mắt ở Giáo triều, tài đức của ngài lại vượt hẳn thành phần hội đồng Hồng Y. Đức Cha Guidô, giám mục thành Assisiô lấy tình bạn nài xin rồi lấy tình bạn mà cam đoan rằng những người Đền Tội Thành Assisiô nầy qủa có lòng thành kính đối với hàng giáo sĩ thật là người công giáo chân chính. Sau khi tiếp xúc với anh em, Đức Hồng Y cũng xác nhận rằng anh em qủa có lòng đạo đức và khiêm nhượng. Tuy nhiên, cứ theo tinh thần bảo thủ của nhà cầm quyền, ngài không thấy sự cần thiết phải lập một dòng mới với một bộ luật riêng. Ngài cố khuyên Phanxicô đừng chủ trương lập một hội dòng mới lạ, chỉ nên gia nhập một trong những hội dòng hiện hữu.

       Phanxicô không để Hống Y thuyết phục dễ dàng vì nghĩ rằng biện hộ cho bản luật dòng của mình là một bổn phận thiêng liêng và vẫn khiêm nhượng thưa lên :

 - «kính thưa Đức Ông, Chúa không gọi chúng con sống trong một ẩn viện hay sống trong một cảnh rừng hoang vắng, nhưng là sống một đời sống mới, dựa trên nền tảng Phúc Âm.

      Thái độ khiêm hạ của Phanxicô đã chinh phục được Đức Hồng Y theo quan điểm của anh em. Thành tâm và chu đáo như một vị giám hộ, Đức Hồng Y đem việc trình bày lên Đức Giáo Hoàng. Kết qủa là Phanxicô được một buổi chầu đặc biệt, để trình bày mọi dự định trước Giáo Triều Rôma.

      Buổi đầu đến, Phanxicô và anh em qùy dưới chân Đức Giáo Hoàng. Ngài vẫn giữ thái độ nghiêm nghị nhưng sẳn lòng nghe Phanxicô trình bày. Cải cách Giáo Hội là việc ngài chú trọng nhất, nhưng bất cứ trường hợp nào ngài cũng xử sự khôn ngoan.

       Vừa nghe xong chương trình sinh hoạt mới của Phanxicô, Hồng Y đoàn phản đối. Có vị cho rằng đây là một tên thủ lảnh nghèo, hôm nay xin phê chuẩn luật chỉ có cái mã bên ngoài để nay mai lại nổi lên chống, Tòa Thánh. Nhiều vị khác cho rằng : Một đoàn tu sĩ không thể tồn tại được nếu không có tài sản hay bổng lợi, và tất cả đều đồng thanh cho rằng : lối sanh hoạt đúng nghĩa đen của Phúc Âm như thế là ngoài sức của con người.

       Chính vì cũng ngại ngùng nên Đức Giáo Hoàng phán :

- «Nầy các con yêu dấu, lòng nhiệt thành của các con đã làm cho Cha yên tâm rằng các con có thể theo lối sanh hoạt này được rồi. Nhưng còn nay mai, những kẻ theo gót các con, chắc họ sẽ nhận thấy lối sanh hoạt này qủa là qúa khắc khổ không thể theo được».

 Đức Hồng Y Jean de Saint Paul vội vàng thưa lên :

 - «Kính lạy Đức Thánh Cha, kính thưa các đức ông, tôi thiết tưởng nếu chúng ta phế bỏ lời xin của người nghèo nầy vì những lý lẻ viện ra lúc nảy thì chẳng phải là chúng ta đã quyết hẳn rằng Phúc Âm không thể thực hành được. Quyết như thế là thóa mạ Chúa Kitô, tác giả Phúc Âm.»

      Lý luận đanh thép nầy đã gây một ấn tượng sâu xa trên cử tọa. Đức innôcentiô trầm ngâm giây lát rồi quay lại bảo Phanxicô :

 - Con hảy đi cầu nguyện xin Chúa cho giáo triều biết rỏ thánh ý Ngài. Khi biết rỏ thánh ý Chúa rồi, Cha mới có thể trả lời dứt khoát với con được».

      Giáo triều ngại ngùng về bản luật. Thái độ ấy có lý do, vì bản luật không khỏi có điểm tương quan tương đồng với chương trình hoạt động của các nhà cải cách thời ấy đã đi qúa đà. Dẩu sao, những ngại ngùng của giáo triều cũng đã tan biến trước tấm lòng đơn giản và chân thành của Phanxicô.

      Người ta kể lại rằng : khi Phanxicô đang cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho Giáo Triều thì Chúa đến báo mộng cho Đức Giáo Hoàng. Chúa lại cho Phanxicô khiển hứng một chuyện ngụ ngôn. Trong buổi chầu thứ ba, Phanxicô đem chuyện ngụ ngôn ra kể:

 - «Tâu Đức Thánh Cha, ngày xưa, ở một khu rừng hoang vắng, có một người đàn bà rất nghèo nhưng rất đẹp. Có ông vua kia gặp nàng và đem lòng yêu nàng. Người đàn bà ấy sinh được mấy đứa con. Đàn con lớn lên, bà gọi lại bảo : «Các con đừng vì nghèo mà thẹn. Các con là con vua. Nàng lại bảo mấy đứa con lớn rằng các con cứ về triều đình mà tìm cha của các con. Thế nào cha các con cũng nhận được mặt và niềm nở đón các con».

     Biết điều bí mật, biết rỏ dòng dỏi hoàng tộc, đàn con tin tưởng hăng hái đi thẳng về triều. Vua nhìn thấy đàn trẻ đẹp qúa và thấy khuôn mặt của chúng giống khuôn mặt của mình. Vua hỏi : «Mẹ các con là ai?»

 - Tâu Đức Vua, là người đàn bà nghèo ở trong khu rừng hoang vắng.

 Nghe trả lời đúng sự thật, vua vui mừng ôm sát đàn con vào lòng rồi bảo :

 - Các con đừng sợ nửa. Ta đây thật là cha của các con. Các con là những kẻ thừa tự của cha. Thường ngày cha tiếp bao nhiêu là người lạ ngồi ăn đồng bàn với cha thì nay, nhất thiết cha phải nuôi dưỡng các con. Bao nhiêu bạc vàng châu báu cha thu tích là có ý để dành cho các con. Nói rồi, vua truyền đi xin bà mẹ cho tất cả các con khác về triều để mà nuôi dưỡng trong hoàng cung.

 Nhín đôi mắt đăm chiêu của Đức Giáo Hoàng, Phanxicô thản nhiên nói tiếp :

 - Tâu Đức Thánh Cha, khu rừng hoang vắng là thế gian, ít nhân đức tươi tốt. Người đàn bà nghèo được vua sủng ái và sinh nhiều con là chính tôi tớ hèn mọn đang chầu trước Đức Thánh Cha đây. Chúa Kitô đã ban cho tôi tớ hèn mọn nầy nhiều con cái, nhằm mục đích thể hiện lại những nét chính của khuôn mặt của cha mình bằng cách tập theo Đức Nghèo Khó của Cha mình. Những đứa con được ngồi ăn đồng bàn với vua là anh em của tôi tớ hèn mọn nầy, không bao giờ Chúa để cho phải túng thiếu. Chúa là Đấng quảng đại rộng rải nuôi dưởng hết các tạo vật kể cả những người tội lỗi.

      Cả giáo triều vừa bở ngỡ vừa cảm phục. Mọi người vừa nghe anh hát rong bận đồ rách rưới mà lòng say sưa ca tụng hạnh phúc sống cuộc nghèo khó. Mọi ngờ vực vừa bị tan biến trước ánh sáng của sự thật. Phanxicô qủa không phải là một nhà cải cách Canh Tân nguy hiểm hoặc là người rối đạo. Phanxicô cũng không phải là một người kiêu ngạo muốn bắt mọi người sống toàn thiện toàn mỹ. Dưới mắt nhận xác của Giáo Triều, Phanxicô chỉ là một đứa con khiêm hạ của Thiên Chúa, không hề lên án giáo sĩ, không nói xấu giáo sĩ, không kết án giáo dân, người con ấy chỉ nuôi một hy vọng là thông niềm vui của tâm hồn mình với bất cứ ai mong muốn.

      Vị Giáo Hoàng lão luyện chính trị đã hiểu rỏ : điều mà thế giới đang cần để cải thiện, chính là có được cái não trạng của nhà thi sĩ kiêm nhạc sĩ rong nầy. Ngài sực nhớ đến giấc mộng ngài đã thấy cách đây mấy hôm. Ngài thấy Đại Thánh Đường Latran đầu và mẹ các thánh đường, đang nghiêng về một bên và sắp đỗ. Giữa lúc nguy nan ấy, bổng từ đâu chạy đến một tu sĩ nghèo. Tu sĩ ấy nhẹ đưa vai đỡ. Toàn bộ Đại Thánh Đường đứng thẳng lên, giữ lại thế quân bình.

       Bây giờ Ngài chắc chắn rằng người tu sĩ nghèo, đang đứng trước mặt ngài đây, có thể đưa vai nâng đỡ giáo hội. Tuy không ban chiếu chỉ, song ngài cũng đã dùng lời nói long trọng chấp nhận bản luật của Phanxicô trước hội đồng Hồng Y. Và sau một vài huấn từ cần thiết và chân tình, ngài truyền cho Phanxicô chịu trách nhiệm hướng dẫn anh em. Anh em liền tuyên hứa vâng lời Phanxicô. Còn Phanxicô tuyên hứa phục tùng Đức Giáo Hoàng.

      Bữa ấy, Phanxicô lảnh chức phó tế. những anh em chưa có chức phẩm đều lãnh phép cắt tóc, và tất cả mười hai anh em đều được phép giảng lễ thống hối.

       Thế là Hội Dòng Phanxicô được trực thuộc Giáo Hội Rôma. Trong lúc đợi chờ sắc lệnh phê chuẩn vĩnh viển. Giáo Hội nhận cho anh em bắt đầu sanh hoạt theo luật dòng. Tan buổi chầu, lúc cho anh em ra về, Đức Innôcentiô còn thân ái dặn dò :

 - «Các con về, Cha chúc bình an cho các con. Xin Chúa ở cùng các con. Nếu Chúa cho dòng của các con phát triển mạnh thì các con trở lại trình bày cho Cha hay. Cha cũng xét rằng nếu cần Cha sẽ ban cho các con nhiều đặc ân và ký thác cho các con nhiều nhiệm vụ quan trọng».

       Vốn không vụ hình thức, Phanxicô được lời nói của Đức Giáo Hoàng đã cho là đủ. Lòng mãn nguyện, Phanxicô cảm tạ Chúa, đưa anh em đến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ, rồi rởi khỏi Giáo đô.

 

Ortô, nơi tạm trú.

      Rời Giáo đô, anh em theo con đường đất, dưới ánh nắng mặt trời, theo sông Tibre, định qua Ortô để về Spôlêta. Gần tới Ortô, đoàn người dừng lại giữa đám rừng hoang vắng. Suốt hai tuần lễ ở đây, anh em sung sướng hưởng cảnh nghèo thật sự. Say sưa với nghèo khó, anh em cương quyết không bao giờ rời bỏ nhân đức dịu dàng nầy. Tình trạng nghèo thiếu ở đây thật là cùng độ. Giữa cảnh hoang vu, không còn ai đến quấy rầy thời gian cầu nguyện lâu dài của anh em. Chia phiên nhau, anh em lên thành xin bố thí ít nhiều của ăn đang khi các anh em khác ở nhà cầu nguyện. Đến bữa, anh em cùng nhau chia mẫu bánh, chút đồ ăn và chén nước lã.

       Anh em cũng mến cảnh hoang vu nầy. Có anh đâm ra sợ vì qúa tha thiết với chốn nầy mà xao lãng nhiệm vụ Chúa ủy thác cho chăng. Đằng khác có anh em nghiêng hẳn về lối sống ẩn dật, không thiết quay về sống giữa người với người nữa. Phanxicô phải nhắc lại cho anh em biết nên noi gương Chúa Giêsu đi chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa, vậy là đoàn người lên đường về Assisiô.

 

Chương VIII : Rivô Tortô.

     Chuyến nầy, trở lại thành nhà, anh em không về Portioncula nữa, một đàng vì mười hai người không thể ở chung trong gian lều Phanxicô đã cất, đằng khác rút kinh nghiệm cảnh rừng Ortô, Phanxicô không dám ở hẳn một chổ nào nhất định. Anh em đành hạ trại ở Rivô Tortô, nghĩa là «Dòng suối quanh co» cách Portioncula hai dặm, từ cuối hè đến mùa đông.

      Trời đã sang thu. Cảnh trí Ombria đã đẹp lại càng đẹp thêm. Gió hiền hòa, nắng dịu ấm, bầu trời trong suốt như thủy tinh. Những lúc mặt trời đã khuất sau dãy núi, ngước trông lên, như một tấm thảm muôn màu, và đêm đến, ngàn sao lắp lánh, sáng ngời, cảnh trời qủa là huyền dịu.

     Trước vẽ đẹp phong phú của thiên nhiên, lòng Phanxicô như lắng xuống. Mỡ rộng tâm tư, Phanxicô chuyển đạt ý tứ mình cho anh em như sau : Vũ trụ là một pho sách khổng lồ trong đó tên của Thiên Chúa đã âm thầm ghi lên từng trang từng chữ. Tâm hồn nào muốn tìm Chúa, chỉ cần lưu ý một chút là thấy Chúa dễ dàng và có thể phụng thờ Chúa, yêu mến Chúa qua bao nhiêu kỳ công tuyệt diệu của Ngài.

      Nhưng Rivô Tortô chưa phải là thắng cảnh chỉ gợi toàn tư tưởng tốt đẹp. Rivô Tortô còn là một mùa nhân đức nở hoa như : Khôn ngoan đi đôi với đơn giản, khó nghèo đi đôi với lòng khiêm hạ, bác ái kết bạn với vâng lời. Nhưng kể ra, nghèo khó vẫn là nhơn đức căn bản độc đáo cho cả Hội Dòng.

 

Đức Nghèo Khó.

      Phanxicô và anh em muốn sống nghèo khó vì tình yêu Chúa Kitô. Thấy Chúa xưa nghèo khó, Phanxicô muốn được như Ngài. Phanxicô xem đức nghèo khó như bạn tâm giao nên không bao giờ rời Chúa từ hang đá Bethlême đến đỉnh núi Sọ. Nhưng từ ngày Chúa Giêsu ngự về trời. Đã mười hai thế kỷ, Bà Công Chúa Nghèo ở lại thế gian, bị mọi người ruồng rẩy, coi khinh, bơ vơ không nơi nương tựa.

      Đức nghèo khó có những đòi hỏi khắt khe, nên đời sống của anh em ở Rivô Tortô qủa thật là khắc khổ. Túp lều anh em tạm trú cũng chẳng dung nạp được mười hai người. Túp lều ấy vốn bỏ hoang làm nơi trú ẩn cho khách lỡ đường tránh mưa tránh gió. Bé và thấp, nên Phanxicô vẫn nhắc nhở : «Đường lên trời bắt đầu từ lều tranh thì được ngắn hơn là bắt đầu từ cung điện» Phanxicô lấy phấn trắng ghi lên xà nhà tên mỗi anh em, để khi tới giờ cầu nguyện hay nằm ngũ, ai nấy đều có chỗ riêng, khỏi mất trật tự, khỏi làm ồn ào.

      Khổ về chỗ ở đã đành, anh em lại còn thiếu thốn cả cái ăn. Các nhà dưỡng phung hay các thôn xóm anh em tới làm công, có lẽ cũng nghèo nên ít việc làm, thường thường anh em phải nuôi thân với những của ăn đi xin từng nhà. Bữa ăn sơ sài kham khổ quen bụng rồi mà lắm khi vẫn không có, anh em đành lượm củ cải, củ khoai rơi rớt ngoài đồng hay trên các ngã đường, đem về luộc ăn.

     Sự thiếu thốn làm khổ tâm anh em hơn hết là không có được ngôi nhà nguyện nhỏ, cho dầu bằng tranh. Nhà nguyện của anh em chỉ là một cây thánh giá to, bằng gỗ cắm giữa trời, dưới bóng cây cổ thụ. Sách đọc là đó. Sách Kinh là đó. Bàn thờ cũng là đó nữa. Có khi lẽ tẽ từng người, có khi tất cả mười hai anh em, qùy gối chung quanh, lặng lẽ suy về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, suy cho đến độ lòng thổn thức và nước mắt chảy ròng ròng mới thôi.

 

Hảm mình phạt xác.

      Mức sống ở Rivô Tortô đã khắc khổ thiếu thốn như thế song nếu Phanxicô không ngăn cấm, thì anh em còn tự nguyện sát phạt thân thể bằng nhiều cách. Thường khi Phanxicô phải điều chỉnh, hạn chế lại lòng nhiệt thành của anh em, xem ra qúa độ.

      Khuyên anh em đừng giữ chay nhiệm nhặt qúa, Phanxicô nói : Anh em phải xử sự theo tính thiên phú. Có người khoẻ mạnh ăn ít vẫn sống được. Ai ăn nhiều thì đừng bắt chước người ấy. Mỗi người phải liệu cho thân thể có đủ sự cần thiết để nó có thể phục vụ linh hồn. Nhưng cũng phải cẩn thận, đừng nhịn ăn qúa độ. Điều Chúa đồi hỏi ta, không phải là những việc hảm mình mà chính là thái độ hảm mình thành thật. Về điểm nầy, anh em không nên theo kiểu hảm mình của tôi, vả lại cái bao tử của tôi chỉ cần vài ba miếng đồ ăn đơn sơ là đủ sống rồi. Vài miếng đồ ăn ấy, nhiều lần Phanxicô còn rắc tro hay pha thêm nước lã vào.

      Nhiều lần Phanxicô đã phải nhắc lại vấn đề hảm mình và nêu lên nguyên tắc sau nầy : Anh em chỉ cần sát phạt thân thể mình một khi đã cung cấp cho nó đầy đủ nhu cầu, mà nó còn cố tình lười biếng. Trường hợp lười biếng, thì đối với thân thể cũng như tải đồ, khi đó mới lấy rôi mà nói chuyện với nó.

       Phanxicô chủ trương rằng sự sống là một ơn lành Chúa ban. Khi đau cũng như khi lành, người tu sĩ phải khiêm tốn nói ra điều mình cần. Nếu không được như ý thì phải kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật của mình vì lòng mến Chúa. Đó là đường lối người tu sĩ đi tìm triều thiên tử đạo.

Những lối hảm mình không hại cho thân thể mà có lợi cho tinh thần, cũng được Phanxicô nhắc nhở tới. Ví dụ Phanxicô khuyên anh em không nên tìm nghe những tin tức về chính trị cũng như về khoa học, chúng chỉ làm xao lảng tinh thần và làm mất thời giờ.

 

Lòng khiêm nhượng.

      Một hôm, nghe đọc bản luật dòng đến câu : «Anh em phải tự coi mình là kẻ nhỏ mọn hèn hạ, sau hết mọi người» Phanxicô bổng có sáng kiến lấy hai chữ «hèn mọn» để đặt tên cho anh em. Ra dấu bảo nghỉ đọc, Phanxicô tuyên bố : «đó chính là đường lối của anh em, từ nay về sau phải gọi là : Anh em hèn mọn»

      Cái tên đã đặt đây nói rỏ được địa vị của anh em trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Địa vị sau cùng. Đối với Phanxicô, đức khiêm nhường cũng phải như đức nghèo khó. Đã san sẽ cảnh nghèo khó của Chúa Giêsu xưa thì cũng phải san sẽ những nổi nhục nhã của Ngài.

      Hoàn cảnh của anh em sống ở Rivô Tortô rất phù hợp với danh từ «hèn mọn». Anh em sống như người bạch đinh, người thường dân, những thành phần thấp nhất trong xã hội, mai danh ẩn tích, không muốn phô trương và thường lại tìm cơ hội để rước lấy nhục nhã.

 

Lao động và giảng dạy.

      Đi đôi với việc huấn luyện anh em, Phanxicô cũng chú trọng đến việc làm bằng tay chân và việc giảng dạy giáo dân. Sống đời nghèo khó chứ không phải là sống đời lười biếng. Anh em mỗi người một việc và thường là lao động như đi làm mướn cho đồng bào, trong nhà, ngoài đồng. Thường anh em cũng rao giảng lời Chúa cho khách qua đường hay dân nghèo, những khi anh em làm công cho họ.

      Ngoài những giờ lao động, riêng Phanxicô còn đi giảng ở các công trường hay trong các thánh đường. Đức Cha Guidô, Giám Mục thành Assisiô, quên thế nào được đứa con yêu dấu mà ngài đã bao lần ủng hộ. Nói đến chuyện vừa giảng bằng lời nói vừa giảng bằng việc làm, thì còn ai qua mặt được Phanxicô. Ngày nay khách du lịch đến viếng nhà thờ chánh tòa thành Assisiô, còn được thấy một căn phòng nhỏ bên cạnh, nơi đây Phanxicô thường đến trú đêm, dọn bài giảng để sáng ngày mai, giảng lễ sớm.

      Nói đến giảng và nghe giảng thì công chúng thông cảm ngay. Cười dễ mà khóc cũng dễ, hoan nghênh đó mà phản đối cũng đó. Thuyết phục quần chúng ấy phải dùng lòng mà nói với họ. Họ thích điệu nói của Kịch sĩ, kèm theo cử chỉ và động tác mạnh. Phanxicô, từ tư cách đến điệu bộ lại thích hợp với thính giả. Trên tòa giảng, Phanxicô đã nói bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, tuy không phải cố gắng lắm song tự nhiên lời nói rung động theo nhịp lòng, tay chân và thân thể cử động hòa nhịp với lời nói.

       Cái tài làm chuyển động lòng người nghe thì Phanxicô qủa có thừa : tiếng nói dồi dào, êm dịu, trong trẻo, rỏ ràng, dễ dàng uốn theo ý nghĩa từng câu từng phần. Chỉ có một điều đáng tiếc là Phanxicô dáng người thấp bé, thân thể gầy guộc, không lôi cuốn ai, bao nhiêu đường nếp tự nhiên, thanh lịch lại bị lấp đi dưới bộ áo thô nghèo. Thế, nhưng khi Phanxicô nói thì thính giả lại quên ngay dáng người xấu xí ấy, chỉ còn biết cảm thông ngọn lửa nồng nhiệt đang bốc cháy trong tâm hồn người tông đồ ấy. Những lúc ấy, đối với thính giả, Phanxicô là con người của thế giới khác. Tâm hồn hướng về trời, đôi mắt cũng đăm chiêu về phía ấy, con người đem hết sức thiêng liêng lôi cuốn mọi người cùng lên cao với mình.

      Thống hối, Hòa bình, Bái ái, đó là ba đề tài chuyên giảng của Phanxicô và các anh em. Phanxicô mạnh tay lột trần những căm thù, ghen ghét đang sôi nỗi giữa các đảng phái trong châu thành. Phanxicô nhắm thẳng vào kiêu vọng của lớp qúy tộc và thị dân vì họ qúa tham lam quyền hành nên thù oán với lớp dân đen. Giữa những cuộc giao tranh huynh đệ tương tàn dưới mọi hình thức, Phanxicô đã lớn tiếng kêu gọi hòa bình, át cả lời hô hào báo oán, tiếng gọi hòa bình đã lọt vào tai mọi người. Những mối thù truyền kiếp : truyền nghiệp, truyền họ, truyền nhà, những mối thù giai cấp dần dần long rể, đứt chân và nếu không ngã hẳn thì cũng ít có điều kiện nẩy nỡ lan tràn thêm.

      Nhờ lời giảng dạy nhiệt tình và liên tục, Assisiô bước vào thời kỷ nguyên hòa bình thật sự.

 

Yêu anh em như mẹ yêu con.

      Với những bài học Nghèo Khó, Khiêm nhượng, Kiên nhẫn và đơn sơ, anh em ở Rivô Tortô còn nhận được ở Phanxicô một tình thương rạt rào êm dịu.

      Một bữa kia, thầy Sylvestre lộ vẻ thiểu nảo, nhưng chẳng ai để ý vì cả nhà ai ai cũng sống trong kỷ luật khắc khổ. Riêng Phanxicô nhận thấy ngay và tự bảo : Chắc chắn vì buổi sáng lòng không dạ đói, giá mà có vài chùm nho cho Sylvestre ăn là hết ngay. Sáng hôm sau, trời chưa sáng, Phanxicô đánh thức Sylvestre rồi cả hai dắt nhau đến một vườn nho gần đấy, hái mấy chùm nho điểm tâm, mặt mày Sylvestre tươi hẳn lên.

       Một bửa khác, Phanxicô đi đường với Lêô. Dọc đường Lêô mệt qúa, gần đấy có vườn nho chín muồi, Phanxicô hái ít chùm, Lêô ăn vào và khỏe ngay. Chủ vườn nho băng rào chạy ra, chẳng nói chẳng rằng, giơ cao gậy đáng vào lưng người hái trộm. Phanxicô chịu đòn, miệng hát lời ngợi khen Chúa.

       Ở Rivô Tortô, Phanxicô săn sóc anh em như mẹ săn sóc con. Phanxicô thật là linh hồn của anh em. Như một bà mẹ đảm đang. Phanxicô lo trước đủ thứ chuyện. Kinh nghiệm đã cho Phanxicô thấy những trở ngại buổi đầu của những kẻ nghe tiếng Chúa gọi và đang trung thành dấn thân vào con đường hẹp. Phanxicô biết rỏ những nổi vui buồn, những hy vọng và thất vọng, biết rỏ nhịp lòng đang cấu kết ở giai đoạn đầu của một người muốn sống đời sống thiêng liêng, khi cảm thấy mình có hạnh phúc cũng như bị đau khổ.

      Để đền đáp lại, anh em đối với Phanxicô cũng hết tình con thảo. Ở Rivô Tortô, hội dòng chỉ là nơi nhen nhóm mà thôi chớ chưa có gì là ổn định. Đối với anh em, Phanxicô là người giải quyết tất cả mọi vấn đề, kỷ luật, tư tưởng, hy vọng, là dây thắt chặt anh em với nhau và toàn thể anh em với Thiên Chúa. Trên đoạn đường gay go anh em vừa đặt chân lên, Phanxicô là nghị lực, là sức cố gắng của những bàn chân mềm yếu đang dò dẫm bước đi. Câu chuyện sau đây sẽ nói hết :

       Như thường lệ, mỗi đêm thứ bảy, Phanxicô lên nhà thờ chánh toà dọn bài giảng cho ngày mai. Đêm ấy, ở Rivô Tortô anh em chia nhau kẻ ngũ người thức cầu nguyện cầm canh. Bổng tất cả sửng sốt nhìn lên, thì, kìa một cổ xe, trên xe lửa đỏ cháy rực hiện ra và chạy khắp các xó lều. Trên đỉnh cổ xe, có một qủa cầu lửa sáng chói. Người của anh em được ánh lửa chiếu sáng. Mỗi người đều thấy rỏ tâm trạng của các anh em khác. Sau khi cổ xe biến rồi, anh em mới tìm hiểu hiện trạng phi thường ấy và mọi người đồng ý kết luận rằng đó là linh hồn của Phanxicô đã biểu diễn sự hiện diện giữa anh em. Sáng hôm sau thấy Phanxicô tự nhiên biết chuyện đã xảy ra đêm qua, anh em đều cho rằng mình đoán rất đúng.

 

Bị đuổi.

       Rivô Tortô vẫn chưa phải là tổ ấm đầu tiên, êm đẹp, dịu hiền và trường cửu của tân hội dòng. Số là ngày nọ, đúng giờ Kinh chung của gia đình, có một bác nhà quê dẫn con lừa đến trước cửa lều. Bác bảo con lừa : Vô đây! vô đây! Có cái chuồng lừa nào sạch sẽ hơn cái chuồng lừa nầy nữa không? Vô mau! Rồi vừa thúc con lừa vào bừa trong lều, bác vừa thét vừa mắng con lừa thậm tệ như : Chiếm đoạt chổ trọ chung của mọi người, nào là quân ăn không ngồi rồi, đi ăn bám vào người ta, đồ quân vô tích sự. Trong thâm ý là bác ta định chưởi anh em nhưng lại dùng cái lối nhắm bụi tre nhè bụi hớp, giả đó mà chém. Phanxicô cực lòng vì anh em bị sĩ nhục vô duyên cớ cũng tội nghiệp cho anh em, rồi sợ bị tình nghi mâu thuẩn với Đức Nghèo Khó, phần còn sợ không đủ yên tỉnh để cầu nguyện, Phanxicô không phản đối bác nhà quê mà chỉ nói :

- «Anh em ạ! Sự thực Chúa không kêu gọi ta làm nghề mở quán cho lừa trọ. Chúa gọi ta cầu nguyện và dẫn đường cho người đời được rồi». Nói rồi, Phanxicô dẫn anh em ra khỏi lều và từ giả luôn «Con suối quanh co».

 

Chương IX :  Thời Đại Hoàng Kim.

Portioncula, địa điểm xuất quân.

Bỏ Rivô Tortô, anh em buồn rầu hỏi nhau : Chúng ta đi đâu bây giờ?

  Vội vàng trấn an anh em, Phanxicô nói : "Thưa anh em yêu dấu, hình như Chúa muốn cho số anh em ta thêm lên. Vậy, ta hãy đi và kiếm một ngôi nhà nguyện nhỏ làm chổ đọc Kinh nhật tụng và táng xác anh em ta chung quanh, với lại cũng phải có một túp lều làm nơi anh em hội họp».

       Mọi người đồng ý. Phanxicô tìm đến vị Giám Mục thành Assisiô như đứa con tận tình phó thác trong tay cha. Chẳng may, Đức Giám Mục không đủ điều kiện để ủng hộ anh em. Đến gỏ cửa các vị giáo sĩ ở nhà thờ thánh Rufinô, kết qủa chẳng may mắn hơn. Cuối cùng vị tu viện trưởng dòng Bênêditô ở núi Soubasio đã làm cho anh em được thỏa nguyện là ngài giao cho anh em nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần và khu đất nhỏ bên cạnh gọi là Portioncula. Ngài chỉ đặt điều kiện là hội dòng Phanxicô có mở rộng đến đâu đi nữa thì nhà nguyện Portioncula vẫn là nơi được kể là nơi xuất quân muôn đời ghi nhớ. Phanxicô đồng ý ngay vì cho như thế là đặt hội dòng làm chư hầu mãn kiếp của Đức Mẹ Chúa Trời. Tuy vậy, Phanxicô không đồng ý nhận nhà nguyện và khu đất làm của riêng. Để tránh mọi ngộ nhận của anh em về sau và để đánh dấu rằng đây chỉ là đất và nhà cho mượn tạm trên hàng năm, gọi là tiền thuê, hội dòng Phanxicô phải nộp cho tu viện Bênêđitô một rổ cá. Cá ấy anh em bắt ở sông. Lệ nộp cá lưu hành mãi cho đến lúc tu viện không còn nữa. Mỗi khi anh em lên nộp cá thì vị tu viện trưởng vẫn gởi lại một chai dầu làm biên lai nhận cá.

       Ai kể được nổi vui mừng của Phanxicô lúc đưa anh em trở về Portioncula. Phanxicô quyến luyến nơi nầy, một đàng vì đây là nơi Chúa Giêsu và Đức Mẹ riêng ưa, đàng khác đây là nơi Phanxicô đã chứng kiến sự thể hiện mộng Phúc Âm. Giữa bốn bức tường nhà nguyện nầy về sau các Thiên Thần đã vì Phanxicô mà ca hát và trên trời đã mặc khải cho Phanxicô nhiều bí nhiệm riêng.

       Giữa khu rừng ấy, có nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần, một nếp nhà tranh khá rộng làm chổ hội họp chung và một số lều cá nhân cho mỗi anh em. Bao quanh tất cả những túp lều kia là hàng rào cây sống.

 

Sinh Hoạt.

       Trong khu vực nầy, liên tục ngày đêm, anh em thay phiên nhau cầu nguyện. Nếp sanh hoạt bên trong được luôn luôn khuôn theo đúng tinh thần, đoàn thể. Giúp đỡ lẫn nhau, thi hành bác ái với nhau, đó là căn bản của luật sơ thảo. Ở đây tình bằng hữu đã nở hoa và anh em đã thể hiện luật yêu mến nhau như mẹ yêu con. Một người mẹ yêu con về phần xác thế nào thì anh em tinh thần cũng phải yêu mến nhau như vậy.

       Ở đây anh em chỉ biết quên mình, bỏ ý riêng để phục vụ hết mọi người và mọi người cũng chỉ có một lý tưởng chung sống theo một tinh thần chung.

       Đối với Phanxicô, thi hành uy quyền chỉ có nghĩa là làm sao cho anh em đi thẳng vào con đường hẹp của ơn Chúa gọi, làm sao mình có thể phục vụ anh em như người hầu hạ. Trong mực sống thường ngày, thứ uy quyền Tòa Thánh đã ban cho, họa hoằn lắm Phanxicô mới sử dụng.

       Mội người trong nhà đều được phân công. Ai cũng có một quảng thời gian dành riêng cho việc linh hồn, ngoài ra anh em đều lao động, ai cũng có một nghề cầm tay. Chính Phanxicô làm nghề mộc, đục bát diã gổ để dùng trong nhà, về sau, còn đúc bánh lễ. Thầy Egiđiô có tài đan giỏ. Thầy Giuniphêrô có cả một gian hàng sửa chửa giày dép hư.

       Để kiếm ăn, anh em vẫn đi làm thuê làm mướn. Như lúc còn tạm trú ở Rivô Tortô. Theo luật dòng anh em chỉ nhận những việc có tính cách hèn hạ, cũng có ngày không kiếm ra việc, có bữa gặp ông chủ cay nghiệt bất nhân, quỵt tiền công, không có gì ăn, phải ăn mày từng cửa.

       Mức sống hằng ngày như thế, Portioncula qủa là một nơi xứng với Bà Công Chúa Nghèo. Các thỉnh sinh đều phải theo những bài học của đời sống nghèo. Điều kiện duy nhất kẻ xin vào tu phải là đem phân phát của cải của mình cho người nghèo, trừ gia đình qúa túng ngặt thì thôi.

      Trong những việc từ thiện anh làm, Phanxicô đặt lên hàng đầu là việc săn sóc người phung cùi. Vì bác ái, Phanxicô gọi những người xấu số ấy là «Các anh Kitô». Tình trạng bị bỏ rơi và đói khổ của nạn nhân càng kích thích lòng nghĩa hiệp của anh em, có khi anh em vì bác ái mà đi qúa đà. Chẳng hạn như thầy Giacôbê cho một nạn nhân ở vào giai đoạn cuối cùng, thối tha ghê ghớm qúa mà Giacôbê đưa về nhà chơi với anh em ở Portioncula. Phanxicô đi giảng về, thấy bệnh nhân trong nhà. Vì nghĩ đến sức khỏe chung của anh em nên Phanxicô, bất đắc dĩ nói :

 - «Anh Giacôbê! Anh dẫn các anh phung của chúng ta ra ngoài như thế, tôi tưởng vừa không tiện cho chúng ta và cũng không tiện cho anh ấy».

      Nói dứt lời, Phanxicô bổng độn lòng thương và tự trách mình vì anh phung cũng đã nghe lời nói ấy. Phanxicô liền sấp mình trước mặt thầy Phêrô (đang giữ chức mẹ gia đình) thú tội thất lễ với anh phung rồi xin việc đền tội. Thầy Phêrô trả lời : «Thầy muốn đền tội thế nào thì thầy cứ làm đi».

       Phanxicô nói ngay : «Đây là việc tôi sẽ làm để đền tội, tôi sẽ ăn cùng một dĩa với anh Kitô của tôi».

      Tới bữa ăn, Phanxicô ngồi bên cạnh anh phung, hai người cùng ăn chung một dĩa. Chung quanh vấn đề đối với các «anh Kitô» nầy, tài liệu có ghi hai mẫu chuyện như sau :

       Chuyện thứ nhất là thầy Bertivôgliô. Thầy nầy thương các anh phung đến không muốn rời nữa bước. Đang thời kỳ Bertivôgliô phải săn sóc một bệnh nhân thì có việc phải đi đến một địa điểm khác. Vậy là Bertivôgiô cõng anh phung ấy đi mười lăm dặm đường suốt cả đêm.

       Chuyện thứ hai là chuyện một anh phung khó tính và ngạo mạng qúa chừng. Anh em đến săn sóc đều bị anh ta đánh đập chưởi mắng. Tệ hơn nữa là anh ta báng bổ và nói phạm thượng đến Chúa và Đức Mẹ. Không ai có thể và giúp anh ta nữa. Cố gắng nhịn nhục, chịu anh ta mắng chưởi để thêm công phúc thì được song nghe mãi những lời tục tỉu mắng chửi Chúa và Đức Mẹ thì ai cũng ngán và định bỏ anh ta. Nghe kể câu chuyện như thế, Phanxicô thân hành đến thăm. Phanxicô chào hỏi lễ phép và thân mật rằng :

 - Anh thân mến của tôi ơi! Xin Chúa ban bình an cho anh!

 Anh phung cau có mắng liền :

 - Bằng an hả? Bằng an cái gì? Chúa cướp hết hạnh phúc của tôi rồi, Chúa cướp luôn bình an của tôi rồi, để thân tôi tan rả thối tha thế nầy thì còn bằng an gì nữa mà bằng an.

 - Anh thân mến của tôi ơi! Anh nên nhẫn nại chút xíu. Bệnh tật Chúa ban cho ta ở đời tạm nầy là có mục đích cho ta được rổi đời sau. Nếu ta vui lòng chịu ta sẽ được nhiều công nghiệp đời đời.

 - Bảo tôi nhẫn nại cái gì nữa? Suốt ngày thân tôi đau như xé. Mấy thầy cha sai đến giúp tôi lại càng làm cho tôi cực thêm mà thôi.

      Biết người phung nầy bị qủy ám, Phanxicô vội cầu nguyện rồi trở lại thăm lần nữa. Phanxicô nói :

 - Anh thân mến của tôi ơi! mấy thầy kia không làm vừa lòng anh. Thôi thì để tự tôi giúp anh

 - Cha thì làm gì hơn mấy thầy kia?

 - Anh muốn gì, tôi làm vừa lòng anh ngay.

 - Tôi muốn lắm chứ! Người tôi thối qúa, chịu không nổi.

      Phanxicô ra vườn, hái ít nắm lá thơm về nấu một nồi nước ấm rồi tự tay tắm rửa kỳ cọ cho anh phung một cách nhẹ nhàng thận trọng. Với ơn Chúa, Phanxicô rửa đến đâu thì phung tan biến đến đấy, da thịt lành hẳn. Anh phung cảm động, hối hận tội lỗi và khóc lóc nức nở xin tha thứ. Mười lăm ngày sau, anh ta từ trần bằng an. Khi linh hồn anh ta bay về Thiên Đàng có ghé qua cảm ơn Phanxicô.

 

Làm thân ăn mày.

      Đối với những anh em mới tập tu, việc khó nhất không phải là giúp người phung hủi, mà là đi ăn mày. Phanxicô xem việc chịu nhục nhã đi xin ăn là một dấu hiệu có ơn Chúa gọi.

      Có một tu sĩ trẻ tuổi, đọc Kinh thì làm chiếu lệ, công việc làm thì lơ là, bảo đi xin thì nhất thiết không chịu mà đến bữa thì lại ăn khỏe nhất nhà. Phanxicô gọi anh ta lại và bảo :

 - «Về đi thôi anh ruồi ạ! Không chịu động tay động chân giúp vào việc Chúa còn ngồi hưởng công mồ hôi nước mắt của kẻ khác, thế mà không biết thẹn». Nói rồi cho anh ta về ngay.

      Nhờ kinh nghiệm buổi đầu, Phanxicô hiểu rỏ tất cả sự ngượng ngùng của kẻ tập tu, cho nên đả thẳng thắn giải quyết một cách dứt khoát.

      Suy về đức nghèo khó của Chúa Giêusu, Phanxicô tin rằng : đi ăn xin từng nhà là một đặc ân, là được dự vào bàn ăn của Chúa. Nhận của người ta tự động cho là khiêm hạ, nhưng đi ăn xin từng nhà lại là một việc suy tôn đức nghèo khó bởi vì người đi xin phải tự hạ mình hơn, Để khích lệ anh em, Phanxicô thường nói về đức nghèo khó của Chúa như sau :

 - «Chúa sang trọng hơn bất cứ anh em nào ở đây. Thế mà ra đời, Chúa đã vì ta mà hạ mình làm kẻ nghèo. Ta đã chọn con đường nghèo vì yêu mến Chúa thế thì sao lại bảo ăn xin là xấu hổ? Rồi đây sẽ có một số người sang trọng, thông thái sẽ đến hộp đoàn với ta. Họ sẽ cho việc đi ăn xin là một vinh dự. Anh em là người dẩn đầu, anh em cứ vui vẻ làm cái việc mà rồi đây anh em sẽ truyền lại cho kẻ đến sau.

      Riêng các anh em tập tu cũng cho việc đi ăn xin là một thử thách chứng tỏ ơn Chúa gọi. Có một anh tập tu vào hạng rụt rè nhát thẹn và hay mắc cở nhất, một buổi sáng nọ ra đi xin, đã phải cố gắng lấy hết can đảm mới bước đi được. Đến chiều về, được nặng bị, anh ta hát vang ngoài đường. Nghe tiếng hát, Phanxicô chạy ra đón, đỡ lấy bị, ôm anh ấy vào lòng, hôn lên chỗ mang bị rồi nói :

 - «Phước cho anh nào ra đi nhanh chân, khiêm hạ ngữa tay xin, rồi trở về vui vẻ».

      Chính Phanxicô vẫn đi ăn xin làm gương cho anh em. Gương lành và lời nói thay đổi được tình trạng và dần dần anh em cũng quen việc đi ăn mày.

 

Tiền bạc.

       Đi xin ăn nhưng không bao giờ anh em được nhận tiền bạc, mặc dầu khi người ta tự ý cho. Điểm nầy anh em phải tuyệt đối tuân giữ. Hản hữu lắm, nhà có anh em đau ốm, không liệu thế nào hơn được, bất đắc dĩ. Phanxicô mới cho nhận ít đồng bạc để mua thuốc.

      Phanxicô cấm nhận tiền bạc, bởi vì tiền bạc tượng trưng cho một thế giới mua bán trục lợi, thường gây ra tham vọng lừa dối lẫn nhau. Tiền bạc lại là một dấu tư bản, tư hữu. Quyền tư hữu, Phanxicô nhận cho người khác, không nhận cho anh em. Vả chăng đức tin, đức cậy và tác phong tông đồ được Phanxicô kể là ba lý do buộc anh em hãy xa lánh tiền bạc. Thái độ sinh sống tùy thuộc lòng hảo tâm của người cho còn là một lối nhắc nhở người giàu làm nhiệm vụ đối với người nghèo.

      Vả chăng, theo hiện tình kinh tế thời ấy, tiền bạc như một thứ xa xẽ thặng dư, là phương tiện để mua lấy đời sống phù phiếm xa hoa làm băng hoại xả hội. Phanxicô xem tiền bạc là một cạm bẩy của ma qủy. Đối với anh em lỗi về tiền bạc, thái độ của Phanxicô thật là nghiêm khắc.

      Bữa kia, thầy giữ nhà thờ thấy một đồng vàng người hảo tâm nào đó để trên bàn thờ. Thầy đem đồng tiền vàng gác lên ngưỡng cửa sổ. Không chủ tâm phản lệnh cấm, thầy nghĩ cứ cất vào đó sau có cần mua gì thì đem ra mua. Biết hành động nầy, Phanxicô bất mãn lắm. Thầy giữ nhà thờ đến qùy trước mặt Phanxicô xin nhận lỗi. Phanxicô bắt thầy cắn đồng tiền vàng nơi miệng, tha ra ngoài hàng rào tu viện rồi nhả nó vào đống phân.

       Ở Portioncula, anh em xin gia nhập dòng càng ngày càng đông. Phêrô Catanô lo lắng không biết liệu cách nào để sắm cái ăn cái mặc, đi xin vẫn không đũ nên đề nghị với Phanxicô giữ lại một ít tiền bạc của kẻ mới vào, Phanxicô vội đáp :

 - «Thôi! Thôi! Xin anh đi! Nếu không thể sắm đủ các thứ cần dùng thì anh cứ lột hết màn trướng ở bàn thờ Đức Mẹ mà dùng. Đức Mẹ sẽ vui lòng lúc thấy Phúc Âm con Mẹ giữ đúng hơn là bàn thờ của Mẹ được trang hoàng rực rỡ. Cứ lột bàn thờ của Mẹ những gì Mẹ đã cho anh em mượn.

      Thầy Calênô kể lại : Một hôm hai cha con đi đường. Lúc đến gần Bari, gặp thấy một túi bạc cộm nằm lăng giữa đường. Thầy đi theo Phanxicô đề nghị lấy về phân phát cho người nghèo. Phanxicô từ chối, nói rằng : Đó là cạm bẩy của ma qủy, vả chăng ta đâu có quyền lấy tiền không phải là của ta mà làm ơn huệ cho người khác. Làm như vậy là có tội đấy.

      Nói rồi Phanxicô giục đi. Thầy kia không phục lý, cứ đồi trở lại lấy túi bạc. Phanxicô đành chiều ý. Nhưng đến lúc bảo thầy ấy lượm túi bạc lên, thì một con rắn dài trong miệng túi bò ra. Phanxicô nói : Anh thấy chưa! Đối với tôi tớ Chúa thì tiền bạc là ma qủy, là rắn độc, không hơn không kém.

       Những bài học Phanxicô dạy về tiền bạc, anh em rất thấm nhuần. Cêlanô còn kể thêm rằng : Một ngày kia, có hai thầy đến viện dưởng phung giúp bệnh nhân, dọc đường gặp một đồng bạc. Người anh đi trước bảo không nên lấy. người em đi sau chế ngạo người anh, bảo lấy về cho người phung. Người anh can gián, cho như thế là lỗi luật. Người em cứng đầu, cứ cuối xuống nhặt đồng bạc. Nhưng vừa nhặt đồng bạc lên, người em phát hốt hoảng, nghiến răng, cấm khẩu. Cố gắng mãi mới vứt được đồng bạc đi. Người em bấy giờ vội qùy xuống xin lỗi với người anh. Lòng mê hoặc tiền của bạc vàng bây giờ mới hết, lương tâm trở lại bình an.

 

Không giả hình.

      Các nhà chép sử đều cho lòng đơn giản của anh em là điểm thường nhất ở Portioncula. Anh em cố gắng để tự biết mình và không tìm cách tỏ ra bên ngoài cái thực trong bên trong. Giả tạo cử chỉ đạo đức để xây dựng người khác, tuyệt nhiên là không có.

       Trái lại, các nhược điểm và tội lỗi riêng, anh em thường tự tố ra để mọi người đều biết, nhất là khi mọi người đều cho mình là thánh thiện, gương sáng vẫn từ Phanxicô chiếu ra.

       Một lần nọ, Phanxicô ốm. Anh em năn nỉ mãi, Phanxicô mới chịu ăn vài miếng thịt gà người ta đem đến làm phúc. Ăn rồi, Phanxicô tự cho mình đã qúa chiều thân xác. Phanxicô rất áy náy vì biết rỏ dân thành Assisiô kể mình là bậc rất khổ hạnh. Phanxicô vội vào Assisiô với một thầy khác. Tới cửa thành, Phanxicô tự buộc giây thừng vào cổ mình, bảo thầy kia lôi mình qua các nẻo phố, vừa lôi vừa reo lớn tiếng rằng :

 - «ớ đồng bào! ra mà xem thằng mê ăn nầy! Đồng bào cứ nghĩ là nó ăn chay hảm mình ư? Sự thật là nó đã tẩm bổ bằng thịt gà đấy!».

      Có một độ, Phanxicô đau dạ dày. Anh em buộc Phanxicô phải mang một miếng vải có lông ấm sát vào ngực và bụng. Phanxicô bảo phải may một miếng nữa ra ngoài áo cho mọi người đều thấy.

       Anh em rất mến chuộng đơn giản. Ai tỏ vẻ tôn trọng anh em thì anh em lo sợ và tự thẹn không thể chịu được. Khi lỡ nghĩ xấu cho một người nào, anh em liền xưng tội với cả nhà và xin lổi với người đã bị mình nghĩ xấu. Anh em cũng thường tụ đông xưng tội công cộng với nhau, nhất là những buổi hội cáo lỗi.

       Lúc giảng cho dân chúng, anh em cũng nói tội mình ra hoặc vì sợ rằng người nghe lằm tưởng người giảng là thánh thiện đã làm đúng như lời mình giảng dạy, hoặc để xin dân chúng cầu nguyện cho phần rỗi của mình.

       Nếu ai bảo anh em rằng người nọ người kia xấu bụng, tội lỗi, anh em chẳng bao giờ dám tin. Một số anh em thường xưng tội với một vị linh mục kia. Vị linh mục nầy bị dư luận nói xấu. Có người đến mách với anh em, nhưng anh em vẫn tiếp tục xưng tội với vị linh mục ấy như thường bởi không ai làm cho anh em tin được rằng vị linh mục ấy nội tâm lại khác với hình thức. Hơn nữa, đối với các vị linh mục, anh em chỉ một niềm tôn trọng. Chức linh mục thay quyền Chúa Giêsu, cho nên mỗi lần gặp các ngài, anh em bái qùy, hôn tay đã chạm đến mình thánh Chúa. Lời các linh mục nói ra, anh em kể như là luật Chúa dạy. Có thầy kia nghe một vị linh mục khuyên : «Con hảy coi chừng tội giả hình». Thầy đâm ra lo lắng sợ sệt. Thầy tưởng rằng vị linh mục ấy đã khám phá thầy có xu hướng về tật xấu ấy. Các anh em khác tìm cách an ủi. Thầy chỉ một mực trả lời : «Một vị linh mục không thể nói dối được»

      Với đức nghèo khó và tính đơn giản ấy, Portioncula đối với người đương thời qủa là một xứ sở mới của bình an. Ánh sáng êm dịu hiền hòa từ Portioncula tỏa ra khắp bầu thành Assisiô.

 

Chương X : Anh Hùng Xung Phong.

     Trong nhịp phát triển của hội dòng mới, nếu giai đoạn ở Portioncula là thời đại Kim Hoàng, thì anh em buổi sơ khai ấy phải kể là những anh hùng xung phong mở đường cho truyền thống sống đời khó nghèo và hèn mọn.

       Giữa bầu không khí êm ấm của một gia đình, anh em đã thể hiện lý tưởng theo đường lối của Phanxicô dạy, không dò dẩm, không hoài nghi. Ước vọng siêu nhiên hóa bản thân đã tiếp sức cho tâm hồn cất cánh, bay bổng tuyệt vời, xa hẳn trần gian tuy sống giữa trần gian, anh em không còn dè dặt theo kiểu khôn ngoan người đời hay theo thói quen người đời. Không lên án đời, anh em chỉ biết vui sống trong bầu không khí yên tĩnh êm đềm, chuyện đời không thể xen vào được.

       Gọi lớp anh em đầu tiên nầy là điển hình thì sợ không đúng. Portioncula cũng như hội dòng Phanxicô xưa nay chỉ là một xã hội trong đó mọi phần tử vẫn giữ nguyên vẹn thiên bẩm và nhân vị của mình. Tuy khác tư chất, khác tính nết, anh em vẫn hưởng chung một truyền thống lại vẫn được phát triển đúng với tính trời, đúng tự nhiên và hợp với khả năng của mình. ễ đây, tất cả các vẻ đặc biệt của tư cách mổi anh em đều được hoan nghênh, đều được đem góp vào kho tàng chung, làm tài sản chung hầu giữ nguyên vẹn bí quyết của đời sống thanh thản vui tươi.

 

Thầy Giuniphêrô.

       Tiêu biểu cho lòng chất phát thì có thầy Giuniphêrô. Nói đến chất phác thì ở Portioncula, anh em ai cũng tập mình đến một độ cao. Nhưng ở thầy Giuniphêrô, chất phát là một bẩm tính, có lúc ngây thơ như trẻ con. ễ thầy lý trí lạnh nhạt nhường chỗ cho tình cảm nồng nhiệt. Nghĩ phải là Giuniphêrô làm, chẳng cần đắn đo sau trước.

       Chị Clara rất hiểu Giuniphêrô nên mến Giuniphêrô lắm. Chị gọi Giuniphêrô là «Anh hề của Chúa», còn Phanxicô kể Giuniphêrô là «Đóa hoa của gia đình». Những anh em khó tính trách Giuniphêrô thì Phanxicô bênh rằng : «Tôi ước gì nhà nầy có cả một rừng hoa Giuniphêrô».

       Nhân đức của Giuniphêrô đến ma qủy cũng khiếp. Những người bị qủy ám, hễ thấy bóng Giuniphêrô là trốn chạy biệt tâm. Mỗi khi gặp một tên qủy cám dỗ lì lợm, Phanxicô thường dọa : «Nếu mầy không đi, ta gọi Giuniphêrô cho mà xem». Thế là cơn cám dỗ tiêu tan.

       Giuniphêrô giữ đúng luật không phản đối người ác. Vì thế, một hôm, ở Viterbiô, Giuniphêrô bị nhận là tên dọ thám, bị án tử hình, Giuniphêrô không phản đối, không thanh minh. Người ta cột Giuniphêrô vào đuôi ngựa, kéo đến pháp trường. Khi sắp bị phanh thây, may nhờ cha Thủ Viện hay tin, tới cứu được.

        Giuniphêrô mà giữ miệng làm thinh thì sáu tháng sau chẳng nói một lời. Mỗi ngày nín lặng kính một ngôi Thiên Chúa, Kính Đức Mẹ hoặc kính một vị thánh. Nhưng khi cần nói, Giuniphêrô cũng biết nói những lời thâm thúy chẳng hạn : «Cứ bảo một người qúy tộc gánh một gánh phân rồi cho một khối vàng to bằng cái nhà, xem người ấy có vì địa vị cao sang mà từ chối không? Nếu không, tại sao ta làm bộ khó tính, không muốn làm việc nhỏ việc hèn để được hạnh phúc đời đời». Một hôm, anh em thảo luận phương pháp chống những tư tưởng lổi đức trong sạch, Giuniphêrô cũng đề nghị phương pháp riêng của mình nên nói : «Đối với tôi, khi thấy qủy đến gần, tôi vội đóng cửa lòng lại, nghĩ toàn điều lành điều tốt. Qủy có đến gỏ cửa, tôi quát to : Đi nơi khác, quán trọ nầy chật chổ rồi, không tiếp ai nữa hết. Thế là qủy cục hứng đi ngay».

       Tính Giuniphêrô không thích được người ta khen lao tôn trọng. Bao nhiêu vinh dự vẻ vang, Giuniphêrô qui tất cả về Thiên Chúa. Một bửa kia, có việc phải đến Rôma. Các bà đạo đức hâm mộ tiếng của Giuniphêrô nên kéo ra đón rước. Để tránh vinh dự cá nhân, Giuniphêrô nhập bọn với đàn trẻ con bên đường, đánh đu chơi và chơi rất hăng, không tính đến chuyện đi nữa. Các bà đợi mãi không được nên tiu nghĩu trở về. Giuniphêrô cũng thôi chơi, lững thững vào thành một mình.

       Người ta dám so sánh Giuniphêrô với Phanxicô về điểm thương người. Bản luật dòng có dạy : «Bất cứ ai xin, anh em cũng cứ cho. Nếu ai lột áo, anh em cũng đừng phản đối». Căn cứ vào điều khoản ấy, Giuniphêrô có gì là cho hết, áo dài áo vắn, Giuniphêrô cho hết. Một hôm, gặp người hành khất rét rung cầm cập, Giuniphêrô nói : «Cũng tại số anh xui. Cha Thủ Viện vừa cấm tôi không được cởi áo cho ai, nhưng nếu anh muốn lấy thì cởi mà lấy, tôi không giữ lại đâu». Thế là chiều hôm ấy Giuniphêrô về nhà, mình chỉ còn chiếc quần đùi, anh em ai cũng chế nhạo. Làm như thế, Giuniphêrô cũng chỉ theo gương Phanxicô, vì một hôm, có một bà lão nghèo đến Portioncula xin bố thí, nhà không còn gì để cho. Phanxicô đã làm qùa cho bà lão vật qúy nhất còn lại là cuốn sách Phúc Âm.

       Sau khi Phanxicô từ trần, lòng thương người của Giuniphêrô lại đổi hình thức. Trong nhà có sách vở hay vật gì Giuniphêrô xem là không thiết dụng, Giuniphêrô lấy trộm đem phân phát cho người nghèo. Cả nhà phải cất đặt đồ lễ cẩn thận.

       Thế mà không hiểu vì lẽ gì, một ngày kia, có lễ trọng, người ta lại giao cho thầy Giuniphêrô nhiệm vụ giữ bàn thờ ở nhà thờ chánh tòa Assisiô. Thầy liền nhơn cơ hội, gỡ bao nhiêu chuông khánh trang hoàng trên tấm tường qúi nhất, đem cho một bà lão nghèo.

       Cha Tổng vụ (Le ministre Général) phát cáu la thầy khàn cả cổ. Đêm ấy về khuya, nghe gõ cửa, ngài ra mở, thì trước mặt ngài, thầy Giuniphêrô đứng nghiêm trang, tay phải cầm đèn, tay trái bưng bát cháo, thưa rằng :

 - «Thưa cha, chiều nay cha hét to tiếng. Con biết cha khàn cổ nên con nấu món cháo nầy, xin cha dùng. Cháo nầy bổ cổ và bổ phổi».

       Cha Tổng vụ lạnh lùng từ chối, rồi nghiêm khắc bảo thầy thôi cái trò hề ấy đi. Thầy vui vẻ thưa :

 - «Thưa cha vâng ạ! Cha chê cháo con nấu! nhưng bây giờ đem đổ thì tiếc. Thôi, xin cha cầm hộ con cái đèn, con ăn bát cháo kẻo uổng».

       Cảm tấm lòng đơn giản và hiếu thảo, cha Tổng vụ liền hết giận, cùng ngồi ăn bát cháo với thầy. Những mẫu chuyện như thế không lạ lùng gì ở Portioncula. Người ngoài cũng chẳng lạ gì, họ có thể nhắc đi nhắc lại nhiều lần cái tinh thần đơn sơ thành thực đã gây nên bao nhiêu chuyện na ná như vậy; chẳng hạn như chuyện «Cái giò heo»

      Một anh em đau liệt giường. Thấy tội nghiệp, Giuniphêrô hỏi :

 - Anh có thèm gì không?

 Bệnh nhân trả lời :

 - Giá được cái giò heo, nấu cháo ăn có lẽ bớt được.

 - Giuniphêrô nói : «Tưởng là gì chỉ cái đó thì dễ ợt»

       Nói rồi, Giuniphêrô vào bếp lấy con dao phay, chạy vội lên đồi bên cạnh, xong vào đàn heo đang ăn, chọn con mập nhất đàn. Chặt một giò đem về nấu cháo, thầy bệnh ăn ngon lành, rồi khỏe hẳn. Nhưng liền đó, nghe chưởi bới om sòm ngoài cửa. Thì ra ông chủ đàn heo đến hỏi tội. Phanxicô không biết làm cách nào cho ông ấy bớt chửi, liền cho gọi con người mà cả nhà tình nghi là can phạm. Phanxicô hỏi : «Có phải vô tình Giuniphêrô đã chặt giò heo ngoài đồi không?»

 - Thưa cha, hữu ý chứ không phải vô tình. Chúa dựng nên con heo là để người ta ăn thịt. Anh con nhờ cái giò heo mà đã khỏe nhiều. Nếu cần chặt một trăm cái nữa, con cũng chặt. Con bảo đảm với cha rằng Chúa rất bằng lòng.

      Chủ heo nghe chính thủ phạm nói thế càng tức, bỏ đi và dọa : «Rồi chúng mầy sẽ biết tay ông». Phanxicô giải thích cho Giuniphêrô hiểu lẽ phải chăng : «Lần nầy thầy qúa quắt lắm, thầy phải đền tội, nhưng trước tiên thầy phải đi làm cho ông chủ heo nguôi giận». Thầy vâng lời, vội chạy theo ông chủ heo, nhảy vào ôm choàng cổ ông, ôm sát vào lòng rồi qùy xuống kể lễ, khóc lóc xin tha lỗi cho mình. Ông chủ heo cảm động cũng khóc theo rồi về nhà làm thịt con heo đem đến dâng cho nhà dòng và xin lỗi đả chửi cả nhà.

      Chuyện Giuniphêrô đầu bếp cũng thường được kể lại, hào hứng không kém. Độ ấy, đến phiên Giuniphêrô làm hỏa đầu quân. Vừa thái rau vừa nghĩ :

 - Làm tu sĩ mà lo nấu ăn nấu uống một ngày hai buổi, bỏ cả giờ kinh giờ sách chung với anh em! Thôi, để ta nấu một lần ăn luôn cả mười lăm ngày, đỡ công nấu.

       Nói là làm, hồn nhiên không tính toán, chẳng so đo. Có bao nhiêu rau khoai, củ cải, bí bầu, trứng gà, trứng vịt, thầy cho tất cả vào một nồi bự, nhà vừa có con gà cũng cho luôn vào chẳng vặt lông, không mổ ruột. Nấu nướng qua loa. Đến giờ cơm, anh em tề tựu đông đủ. Thầy lăng xăng, vừa múc đồ ăn cho mọi người vừa nói :

 - Ăn đi, anh em ăn mau đi mà lo đọc Kinh cầu nguyện. Hôm nay em nấu một nồi, ăn mười lăm ngày mới hết, đỡ bao nhiêu là công và cũng để có nhiều giờ đọc Kinh đọc sách chung với anh em.

       Cố nhiên, bửa cơm hổ lốn ấy, anh em không nuốt lấy được một miếng. Tình bạn của Giuniphêrô cũng tỏ rỏ lòng thầy và lòng anh em thương mến nhau. Có một thầy tên là Amaziathênê, có tài khôi hài, chọc cười cũng dễ như chọc khóc, tính lại nhịn nhục kiên nhẫn. Tính tình giống nhau nên Giuniphêrô thương lắm. Khi Amaziathênê chết, Giuniphêrô đau xót kêu lên : «Thế là hết! Thế là hết! Đời tôi không còn gì vui nữa. Thế gian không còn gì qúi nữa vì anh Amaziathênê yêu qúi của tôi đã mất rồi». Cho rằng mọi vật ở thế gian từ đây là vô dụng, đi đâu Giuniphêrô cũng cầm gậy trong tay, gặp gì là đập nấy, lại thường bảo : «Anh em mà không giữ tôi lại, thì tôi sẽ mổ lấy sọ dừa anh Giuniphêrô, một nữa làm dĩa ăn, nữa kia làm bát uống để tôn Kính và không thương anh tôi».

 

Thầy Massêô.

        Tiêu biểu cho hướng thực hành, và đức khiêm tốn thì có thầy Massêô. Người đẹp trai, ăn nói có duyên, đi xin được nhiều, đi giảng được khen, cho nên tự thấy mình phải khiêm hạ.

        Một hôm, anh em đàm đạo với nhau và nhận định rằng Đức khiêm hạ là đức qúi nhất. Massêô đứng lên giữa anh em, ngước mắt lên trời, qủa quyết rằng : bao lâu còn sống ở trần gian, nếu không xin Chúa được nhân đức qúi trọng ấy, Massêô sẽ không lấy gì làm vui nữa.

      Ao ước như thế đã lâu, cho đến một ngày kia, lúc đang đi loanh quanh trong rừng, vừa đi vừa khóc vừa kêu xin, Massêô bổng thấy tâm hồn rạo rực lên, rồi nghe tiếng trên trời gọi :

 - Massêô! Massêô!

 Biết là tiếng Chúa, Massêô vội qùy xuống thưa :

 - Lạy Chúa! Con đây.

 Chúa hỏi :

 - Cha con có đức khiêm hạ, thì con lấy gì đổi lại cho Cha?

 - Lạy Chúa con xin đổi hai con mắt.

      Chúa nhận lời nhưng vẫn để Massêô giữ nguyên đôi mắt. Vì Massêô được nhiều ơn đặc biệt Chúa ban, nên Phanxicô thấy cần phải hạ thầy xuống. Một bữa kia, trước mặt đầy đủ anh em, Phanxicô bảo Massêô :

 - «Anh Massêô, các anh em ta đây ai cũng được ơn suy gẫm lẻ trên trời, riêng phần anh Chúa ban cho ơn lợi khẩu, giảng lời Chúa, ai cũng thích nghe. Vậy tôi nghĩ rằng nên để anh em chuyên tâm suy gẫm, còn anh, từ đây lo giữ cửa tiếp khách, lo đi xin và nấu bếp. Đến bữa ăn, anh ngồi ăn cơm ngoài cửa, để khi có khách qua, anh nói chuyện về Chúa cho khách vui lòng, khỏi phiền anh em khác ra tiếp».

       Massêô cuối đầu nhận lệnh. Một thời gian khá lâu, anh em nghĩ lại, thấy Massêô vất vã, không ai nỡ lòng, vội đưa nhau đến xin Phanxicô phân công lại. Phanxicô đồng ý, đem chuyện nói lại với Massêô. Massêô thưa :

 - «Thưa cha, mọi việc cha dạy con làm, việc lớn cũng như việc nhỏ, con đều kể là lệnh từ Chúa ban ra»

       Suy nghĩ về thái độ Phanxicô đối với anh em, đối với công việc, nhất là những lệnh do Phanxicô ban bố ra, Massêô thường đặt nhiều câu hỏi theo lý luận của giới trí thức và theo cái hướng thực hành đúng lương năng tự nhiên Chúa ban. Càng suy nghĩ, Massêô càng không sao hiểu nỗi những việc Phanxicô làm, nhất là không sao làm được những việc ấy theo đúng quy tắc trí khôn loài người. Trong thâm tâm, Massêô vẫn đơn giản và khiêm tốn và vâng phục Phanxicô như một em bé, vì Massêô biết rằng Phanxicô gần Chúa hơn mình. Ai cũng tin tưởng rằng Chúa tỏ thánh ý Ngài qua những nẻo đường mới lạ và nhiệm mầu để Phanxicô hướng dẫn anh em.

      Ngày kia, Phanxicô và Massêô, kẻ trước người sau, đi đến một ngã ba. Massêô đi trước, lưỡng lự hỏi :

 - Thưa cha, đi đường nào?

 - Đường nào Chúa muốn anh ạ.

 - Thưa cha, biết đường nào là đường Chúa muốn?

 - Cũng dể. Anh cứ đứng giữa ngã ba, xoay chong chóng như trẻ con. Lúc nào tôi bảo thôi thì đứng lại.

      Massêô vâng lời, chụm chân xoay, còn Phanxicô thì cầu nguyện xin ý Chúa. Massêô xoay mãi, chóng mặt, ngã chúi mấy lần. Bổng Phanxicô gọi dật.

 - Thôi! Đứng lại! Mặt anh hướng về ngã nào?

 - Thưa ngã Sienna.

 - Đó là đường Chúa muốn.

      Trái với nhiều anh em, Massêô không thấy thích đi đường hay đi hành hương viếng các nơi thánh vì Massêô thường nói :

 - «Tôi nghĩ mình đi lại với thánh sống thì có ích hơn đi viếng các thánh chết. Thánh chết câm, thánh sống biết nói.»

 

Thầy Rufinô.

      Rufinô là con nhà sang trọng ở Assisiô. Tính tình rụt rè. Không muốn cho ai biết đến mình, suốt ngày chẳng nói chẳng rằng. Vẻ rụt rè của Rufinô che đậy một tâm hồn dịu hiền, cởi mở và thành thực. Rufinô rất sợ phải nói trước công chúng, thường hay trầm tư. Khi phải đi xin thì thường bập bẹ những lời không nghĩa lý gì cả. Phanxicô thường và kính nể Rufinô lắm. Những khi Rufinô vắng nhà, Phanxicô thường gọi là ị thánh Rufinô». Tuy vậy, Phanxicô cũng tập cho Rufinô bớt rụt rè, biết có phản ứng.

       Một hôm, Phanxicô sai Rufinô đi giảng ngay tại Assisiô. Rufinô năn nỉ : «Con xin cha tha cho con việc ấy vì như cha và cả anh em biết con vừa dốt nát vừa không lợi khẩu, con biết ăn làm sao nói làm sao?».

       Phanxicô cương quyết : «Bởi anh không vâng lời ngay thì đây là lệnh : nhân danh đức vâng lời, anh phải đi giảng mà không được mặc áo ngoài».

      Rufinô cởi áo đi ngay và đã đi được một đoạn xa rồi, Phanxicô mới hối hận và tự trách mình

 - «Phanxicô con của cụ Bernadiô ơi! Mầy là con nhà hạ tiện, không có một chút địa vị danh giá nào thì mầy lấy quyền gì mà truyền lệnh cho Rufinô, một công dân qúi tộc thành Assisiô làm chuyện quái đản để thiên hạ cười chê Rufinô. Mầy đã bắt người khác chịu nhục thì, nhân danh Thiên Chúa, mầy cũng phải nếm thử điều nhục nhã ấy».

       Nói xong, Phanxicô tự lột áo, gọi thầy Lêô cùng đi vào Assisiô. Nhân dân đang chế nhạo Rufinô, lại la ó lên khi thấy Phanxicô. Có người lắc đầu nói : «Kham khổ lắm nên hóa điên cả rồi».

      Rufinô thân trần, đang rung rẩy bập bẹ trên tòa giảng, không ai nghe được gì vì ai cũng cười rộ lên. Giữa lúc ấy, Phanxicô vào, cũng thân trần, leo lên tòa, giảng tiếp lời của Rufinô. Người nghe vẫn cười. Nhưng sau vài phút không ai cười nữa vì Phanxicô nói về tình trạng trần trụi và bao nỗi thống khổ của Chúa tử nạn. Lời giảng đi đôi với thái độ, Phanxicô cảm động đến nỗi người nghe, đàn ông đàn bà, đều mũi lòng khóc nức nở, và không những trong thánh đường mà khắp cả Assisiô, hôm ấy, ai cũng thương khóc Chúa tử nạn, chưa từng thấy như thế bao giờ.

        Tính rụt rè của Rufinô làm cho Rufinô gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần ma qủy xúi giục Rufinô đừng tín nhiệm Phanxicô nữa. Đã không ưa đi giảng và đi xin, Rufinô liền nghĩ đến chuyện sống đời tu sĩ ẩn dật. Buổi đầu Rufinô thấy khoái nhưng qủy càng làm già, quấy rối hơn nữa, đến nổi nó mượn hình Chúa Kitô, hiện ra bảo : Rufinô mầy còn đọc Kinh, còn hành hạ thân thể mầy làm gì nữa? Tiền định là mầy sẽ không được vào thiên đàng. Đối với Phanxicô, mầy cũng đừng tin nó nữa, vì nó chẳng biết gì hết, trừ ta là Con Đức Chúa Trời. Mầy đã có tên trong sổ những người bị án hỏa ngục rồi, hai cha con lão Bernađônê và bất cứ ai theo y đều bị lừa dối hết.

      Nghe qủy nói thế, trí khôn Rufinô bị tối tăm mờ ám, bao nhiêu tin tưởng và mến phục Phanxicô từ trước thì đến nay tiêu tan hết, và còn nghĩ rằng chả nên trình bày với Phanxicô làm chi nữa.

       Chúa soi sáng cho Phanxicô biết hết nên cử Massêô tới thăm Rufinô. Thấy Massêô, Rufinô càu nhàu : «Sai người đến đây làm gì nữa? Càng lôi thôi, tôi đâu còn cần Phanxicô».

      Massêô là người khôn ngoan, khuyên dỗ mãi, Rufinô mới chịu về. Đang lủi thủi đàng xa, Phanxicô trông thấy, gọi lớn tiếng :

 - Ơ kìa! Rufinô! Tội nghiệp! Sao anh dễ tin thế? Bây giờ anh thử cho tôi biết anh tin ai? Đoạn, Phanxicô cho Rufinô rỏ là đã bị cơn cám dỗ và chính ma qủy hiện về chớ không phải là Chúa, rồi còn giải thích «Ma qủy đã làm cho anh thắc mắc, không muốn tiếp tục làm điều lành, đó chính là mục đích của nó. Còn Chúa chúng ta thì Ngài muốn cho con cái của Ngài luôn luôn trung thành mộ mến điều lành. Nếu qủy còn hiện ra quấy nhiểu nữa thì mắng cho nó là nó tháo lui ngay». Rufinô cảm động, khóc nức nở, qùi xuống nhận lỗi một cách khiêm nhượng, rồi trở về túp lều trong rừng.

      Mấy hôm sau, lúc Rufinô đang đọc Kinh, qủy lại hiện hình bảo :

 - Rufinô ơi! Ta đã bảo mầy đừng gặp con của lão Bernađônê. Sau mầy không nghe? Đừng có khóc lóc, đừng có đọc Kinh nữa, đừng có sát phạt thân thể mầy nữa. Chết rồi bị hỏa ngục thì lúc sống làm những việc ấy nữa là vô ích tất cả.

       Nghe nói thế, Rufinô mắng ngay một câu. Ma qủy xấu hổ, bỏ đi, giận dổi ghê lắm. Ngay lúc ấy, núi Soubasiô gần đó bổng nổi lên một cơn bảo. Đá từ trên đỉnh núi rơi xuống ầm ầm, đụng vào nhau té lửa. Phanxicô và anh em chạy ra xem. Thấy thế, Rufinô mới rỏ là ma qủy hiện hình lừa gạt mình, liền về xin lỗi với Phanxicô một lần nữa. Từ đó về sau, Rufinô lương tâm được bình tỉnh nhẹ nhàng. Khi Rufinô sắp qua đời, Phanxicô còn hiện về hôn Rufinô.

      Tinh thần Portioncula qủa thật là hiển nhiên thể hiện như tình mẹ, dịu hiền và kiên nhẫn, đối với những người khó tính như thầy Rufinô nầy.

 

Thầy Egiđiô.

       Egiđiô là gương mẫu của người tu sĩ dòng Phanxicô thuở ban đầu. Phanxicô hảnh diện có được Egiđiô nên nói : «Egiđiô mới thật là người «kỵ mã bàn tròn» (Chevalier de la table ronde) của Phanxicô.

       Buổi đầu, Phanxicô để tự do xê dịch những anh em nào chưa thấy hẳn ơn gọi ở hẳn trong nhà. Egiđiô thích xê dịch, đi viếng các nơi thánh, hành hương ở Thánh Địa (Terre Sainte) ở Rôma, ở Compostella. Nhưng dù ở nhà hay xê dịch đi đâu, Egiđiô vẫn cương quyết giữ đúng luật dòng, luôn luôn đi làm công để nuôi thân, gác chuyện đời ngoài tai và chìm sâu vào Chúa. ễ đâu, Egiđiô cũng dể kiếm được việc làm. ễ Brindisi, trong thời gian đợi chuyến tàu đi Thánh Địa, Egiđiô làm nghề gánh nước bán rong trong thành phố. Vòng từ Thánh Địa trở về, tàu đổ bộ ở Ancônê thì Egiđiô đan giỏ cói để bán hoặc làm phu. Khiêng quan tài trong các đám ma, nhiều lần Egiđiô làm công tác cho nông trại hoặc trong các tu viện.

       Hành hương Rôma, cứ sáng ngày, lễ xong, Egiđiô vào rừng đốn củi về bán. Có bà lão biết Egiđiô là tu sĩ, trả tiền nhiều hơn giá chợ, Egiđiô từ chối : «Tôi không muốn cho tính hà tiện tham của nhập vào lòng tôi». Nói rồi bỏ đi, không nhận tiền gánh củi.

       Lòng tận tâm của Egiđiô cũng độc đáo lắm. Cũng ở Rôma, có ông chủ vườn mướng không ra người hái hạt dẻ. Egiđiô nhận lời liền. Nhưng nhìn vào hàng dẻ cao chót vót, Egiđiô phát rùng mình. Tuy thế, Egiđiô làm dấu thánh giá, rồi trèo thẳng lên hái. Đến chiều, ông chủ trả công hậu, Egiđiô phải cởi áo mà đựng hạt dẻ rồi mang đi phát cho người nghèo. Lần khác, cuối một ngày gặt hái lúa ngoài đồng, Egiđiô chỉ lấy phần công đủ ăn một ngày còn dư bao nhiêu Egiđiô phát hết cho người nghèo. Egiđiô thường nói : «Tôi như con chim, không có kho có lẩm để trử lúa».

       Các vị Giám Mục và Hồng Y cũng thường mời anh em vào dinh đàm đạo với các ngài, nhưng bao giờ Egiđiô cũng ra ngoài kiếm việc để đổi cơm ăn. Lần kia, Egiđiô ở trong dinh Đức Hồng Y Tusculum, hôm ấy trời mưa tầm tả như trút suốt ngày. Đức Hồng Y tươi cười nói : «Hôm nay thầy có chịu ăn cơm với tôi không nào?». Nhưng không ngờ Egiđiô xuống bếp mượn chổi quét khắp nhà để đổi hai miếng bánh.

        Không có khả năng đi giảng nên Egiđiô thích im lặng, thường ẩn trong núi, trong hang để cầu nguyện. Egiđiô nói : «Người tu sĩ chân chính phải học theo anh chó sói. Nếu không cần thiết lắm thì anh chó sói chẳng ra nơi công cộng».

        Không ưa đi giảng. Egiđiô cho rằng làm vẫn hơn nói. Egiđiô hỏi : «Đi viếng đền thánh ở Compostellô có công hơn hay là chỉ đường cho người khác đi viếng có công hơn» Egiđiô lại nói «Phúc cho người có cái cổ dài như cổ ngỗng. Người ấy sẽ không nói nhiều vì lời nói khó ra ngoài». Danh ngôn của Egiđiô, lối phát biểu ngắn gọn, sắc bén, độc đáo, lạc quan, tươi nhanh, hài hước, thấm nhuần thiên nhiên được quan sát tinh vi.

        Đời Egiđiô đã chịu nhiều đau khổ nội tâm gay cấn lắm nên được Chúa ban cho nhiều đặc ân. Những người đến hỏi ý kiến Egiđiô, thường bị trả lời qúa thẳng, nhiều người phật ý. Đúng là thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng. Một bà mẹ vừa mất người con làm linh mục, đến than thở với Egiđiô. Egiđiô hỏi : «Bà tiếc cái gì, linh hồn hay thể xác của con bà?». Bà ấy trả lời : «Tôi chỉ tiếc thân xác của con tôi. Trước đây con tôi cũng đã xin tôi cho vào dòng anh em hèn mọn, nhưng tôi sợ kham khổ qúa, tôi không cho». Egiđiô ngay thẳng đáp : «Thế thì bà hảy ra nghĩa địa mà tìm, sẽ thấy thân xác của con bà ra thế nào!».

       Egiđiô cũng có tài ứng biến. Bữa kia, Egiđiô đang nói về những nguy hại của tính bê tha, thì một người đã có vợ ngắt lời và tự phụ nói :

 - «Những nguy hại thầy nói đó, tôi không sợ. Tôi đã có vợ rồi, ngoài ra, tôi không đi lại với ai nữa». Egiđiô trả lời : «Thế không có ai uống rượu nhà mà không say cả ư?»

       Egiđiô rất cảm mến và tôn trọng Phanxicô, cũng bắt chước Phanxicô làm thơ, cũng hát, cũng đánh đàn và thường phàn nàn : «Phanxicô chỉ có một khuyết điểm đáng tiếc là yếu qúa. Giá mà cũng khỏe mạnh như tôi thì thật là không ai theo kịp».

        Đôi khi Egiđiô cũng phàn nàn một số anh em không tha thiết với Đức Nghèo Khó. Khi thầy Lêô đến Pérousia, đưa tin Tổng Vụ Elia đã xây một tu viện đồ sộ trên đồi, nơi táng hài cốt Phanxicô. Egiđiô chảy nước mắt nói : «Elia muốn thì Elia xây cho thật to, thật dài, dài bao nhiêu cũng được. Tôi thì nhất thiết không bước chân vào cái nhà ấy, cứ ở hẳn trong xó nầy mà hơn. Bữa nọ, Egiđiô về kính viếng hài cốt của Phanxicô, anh em ở tu viện do Elia vừa xây, hỏi ý kiến thầy về ngôi nhà đồ sộ ấy, thì, với giọng mỉa mai, Egiđiô nói : «Bây giờ các anh chỉ còn thiếu mỗi người một bà vợ nữa thôi».

 - Sao anh lại bảo thế?

 -Tôi bảo là : đã bỏ lời khấn «sống nghèo» rồi thì chỉ còn một việc nữa là bỏ lời khấn «khiết tịnh» nữa đi thôi.

       Sau năm năm ở Portioncula, thầy Egiđiô về Pérousia ở trong các tu viện ẩn khuất. Ngày nay những tu viện ấy còn mang tên của thầy Egiđiô.

 

Thầy Lêô.

       Trên đây, chúng ta đã điểm qua chân tướng của những anh em buổi đầu xây dựng hội dòng ở Portioncula, còn nhiều anh em đáng kể nữa, ít nhiều anh em ta đã gặp trước, chẳng hạn như thầy Bernađô, thầy Phêrô, hoặc ta sẽ gặp lại sau nầy theo nhịp tiến của dòng và ở các phần sau của truyện.

       Kể các bạn đường thân thiết của vị thánh nghèo thì Lêô được Phanxicô thương mến hơn hết. Lêô có chức linh mục nên Phanxicô chọn làm cha giải tội và nhờ Lêô làm thư ký. Tính tình hiền lành dịu dàng, ngây thơ, trong trắng, Lêô theo Phanxicô như bóng với hình, cả hai rất tâm đầu ý hiệp, chỉ khi nào Chúa trực tiếp can thiệp bất thường, Lêô mới làm trái ý Phanxicô

       Một lần kia, ở một ẩn viện nghèo, nhà không có sách Kinh. Đến giờ «Kinh nữa đêm» Phanxicô đề nghị :

 - «Anh em ta làm thế nầy, tôi xướng một câu, anh họa một câu. Tôi xướng thế nào anh họa thế nấy».

 - Hay qúa. Nào ta bắt đầu. Nhân Danh Thiên Chúa, anh xướng đi.

      Phanxicô xướng : «Phanxicô ơi! khi còn ở đời, anh đã phạm hằng ha sa số tội lỗi, cho nên anh đáng sa hỏa ngục!».

      Lêô họa ngay : «Phanxicô ơi! Nhưng bây giờ anh đã làm được hằng hà sa số việc lành cho nên nhất định anh sẽ được lên thiên đàng»

 - Không phải họa như thế. Tôi xướng thế nào anh cứ thế mà họa. Đừng đổi lời.

 - Vâng ạ! Thế thì hay qúa! Nào bắt đầu lại, nhân danh Thiên Chúa.

      Tay đánh ngực, giọng cất cao hơn trước, Phanxicô vừa khóc vừa xướng : «Phanxicô ơi! Tội anh phạm đến Chúa Trời đất, nặng nề lắm, anh chỉ đáng chúc dữ muôn đời».

       Lêô họa : «Phanxicô ơi! Nhưng nhờ ơn Chúa, anh đã tiến xa trên đường nhơn đức nên anh sẽ được chúc lành muôn đời».

 - Tại sao anh không họa đúng lời của tôi? Thôi, nhân danh đức vâng lời, lần nầy anh phải họa thật đúng nhé! «Phanxicô, đồ khốn kiếp, anh đã phạm đến Chúa nhân từ nhiều lắm. Tội anh nặng nề ghê gớm. Hãy run sợ vì không mong hưởng được ơn Chúa nữa» Anh phải họa lại đúng như thế.

 - Thưa anh, như thế thì hay lắm! Vậy để em họa lại thế nầy nhé «Thiên Chúa lòng lành vô cùng, lượng từ bi của Chúa mênh mông hơn trời biển, mênh mông hơn tội lỗi, thế nào Ngài cũng khoan hồng với anh».

      Tuy vẫn kiên nhẫn, nhưng Phanxicô cũng khó chịu, hỏi :

 - «Tại sao không vâng lời đến độ này? Tại sao cứ nói ngược lại những điều tôi quyết là đúng? tại sao? tại sao?.

 - Thưa anh, có Chúa làm chứng cho em, em cố lập nguyên văn lời của anh, nhưng mở miệng ra, Chúa để em nói ngược lại.

       Phanxicô cũng lấy làm lạ. Một lần nữa, Phanxicô xin Lêô tố cáo tội của mình và dọa án phạt. Lần nầy Lêô định làm vừa lòng Phanxicô. Nhưng mở miệng ra, Lêô phải nói : «Phanxicô ơi! Không những Chúa tha tội, Chúa còn ban cho anh tràn đầy hồng ân và cho anh vỉnh viển đời đời. Lêô không thể nói ngược lại được. Chúa là chân lý và Chúa buộc Lêô phải nói như thế».

       Cùng với thầy Cêlanô, Lêô được vinh dự chép về hạnh tích thánh Phanxicô. Lêô là người con tâm phúc của Phanxicô. Những anh em trung thành với truyền thống từ thuở sơ khai đều công nhận Lêô là tiêu biểu hoàn toàn siêu thoát, đôi khi cũng biết tức giận nếu cần bảo vệ gia nghiệp thiêng liêng. Ví dụ điển hình là khi biết Elia đặt chiếc hòm cẩm thạch trong Đại Thánh Đường Assisiô để quyên tiền công đức, Lêô đi tìm Egiđiô để cùng nhau đến phá tan hòm cẩm thạch ấy, Egiđiô bảo :

 - «Nếu Lêô muốn sống thì đừng đi. Để mặc Elia muốn làm gì thì làm»

       Không sợ Elia, Lêô vác búa đến bửa tan hòm cẩm thạch, kết qủa thầy Lêô bị đòn, bị giam. Nhưng đối với Lêô, roi đòn tù ngục lại trở nên êm ái dịu dàng vì đã học được bài «vui hoàn toàn» Phanxicô đã dạy.

        Ra khỏi phòng giam, Lêô dành thời giờ còn sống đễ chép lại những việc lạ lùng mầu nhiệm, mắt thấy tai nghe, trong đời thánh Phanxicô. Thầy sống đến năm 1270. Thi hài thầy Lêô hiện đang an nghĩ trong Đại Thánh Đường Assisiô, gần các bạn Bernadô, Rufinô, Angelô và Massêô.

(xem tiếp phần 2)

Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art