Chủ Nhật, 24 Tháng Sáu, 2012

Tấm huy chương

Ông Tấn khệ nệ vác, bưng một đống cờ vàng xọc đỏ vô nhà rồi trịnh trọng lên tiếng:
- Ðến sáng thứ 7 này, ba muốn cả nhà ta phải đi biểu tình kỷ niệm ngày 30.4. 
Thấy chồng tuổi gìa sức yếu nhưng mỗi năm hễ đến dịp 30.4 là ông lại thức đêm, họp hành tùm lum, đi nói chuyện hết nơi này, chốn nọ. Rồi còn đem đủ thứ việc về nhà bắt vợ con làm. Bà bực tức trả lời:
- Tại sao năm nào ông cũng làm như vậy. Ðể được điều gì cơ chứ! 
- Ðược điều gì à! Bà chỉ có nước vào hùa với chúng nó là giỏi! Bà không thấy cái nhục mất nước à!
- Thế ông đi biểu tình như vậy liệu có đòi lại nước được không? Có rửa được cái nhục mất nước như ông nói không, hay chỉ lại mặc niệm suy tôn, ủng hộ đả đảo, bích chương biểu ngữ, cản đường cản lối rồi sau đó lại tan hàng rã ngũ!
Ðang đọc sách trên lầu, thấy cha mẹ to tiếng, và từ lâu bất bình về việc biểu tình, biểu ngữ, bích chương, Minh, con trai lớn của ông bà Tấn chen vào:
- Thưa ba, con thấy mẹ nói đúng đó! Tại sao mình lại không biết làm gì khác ngoài cái chuyện đả đảo, hoan hô như vậy. Bây giờ ngoài mấy ông cựu quân nhân như ba ra thì đâu còn ai thích xuống đường như vậy nữa! Mà xuống đường biểu tình để làm gì cơ chứ!
- Anh đừng nói liều, các cộng đồng quốc gia người ta đang rầm rộ xuống đường. Hết hội đoàn này tới hội đoàn nọ đang ráo riết chuẩn bị. Sao anh lại nói chỉ có vài người cựu quân nhân như bố anh mà thôi.
- Mà không làm cựu quân nhân như cái thằng bố anh đây thì lấy ai giữ nước giữ làng cho các anh thảnh thơi đi ăn đi học. Các anh chỉ là lũ vong ơn. 
- Ðâu phải là chúng con vong ơn. Chúng con luôn kính trọng và mang ơn những chiến sĩ đấu tranh oai hùng đã bảo vệ quê hương đất nước nhưng chúng con không thể nào chấp nhận và ủng hộ những tổ chức này, tổ chức nọ thừa cơ là nhảy ra khua chuông gióng mõ.
- Anh bảo ai là người khua chuông gióng mõ. Anh ám chỉ cái thằng bố anh ấy à!
- Tại ba mới sang chưa biết đó chứ! Ở bên này đã có biết bao nhiêu là hội đoàn, đoàn thể cứ thành lập ra được vài ngày rồi lại tan. Nhiều người ăn không ngồi rồi không biết làm gì, họ thành lập hết hội đoàn này, đoàn thể nọ để bám lấy hư danh. Lợi dụng những ngày lễ này lễ nọ, tổ chức biểu tình để có dịp phất cờ ra oai rồi hiệu triệu, diễn văn. Ðủ trò múa rối.
- Anh đừng nói càn! Ngày 30.4 là một ngày nhục nhã, ngày mang hận mất nước, mọi người có bổn phận biểu lộ đồng tình lột mặt nạ cộng sản đã vi phạm hiệp định hòa bình Paris tấn chiếm miền Nam và đòi buộc lương tâm người Mỹ phải can thiệp.
- Can thiệp gì bây giờ thưa bố! Người Mỹ nói chung trọng óc thực tế, đối với họ bây giờ là kinh tế và việc làm. Bố đem chuyện Việt Nam ra mà nói với người Mỹ lúc này khác nào như bố đứng giữa sa mạc mà gào thét một mình vậy đó!
- Anh đừng hỗn láo. Tôi khổ công cho anh ăn học thành tài để bây giờ anh chống đối lại tôi như vậy đó hả!
- Không phải là con chống đối lại bố nhưng nhiều lúc bố độc đoán qúa sức! Việc đi biều tình thì nếu bố thích thì bố cứ việc đi một mình. Ðó là quyền tựï do của bố. Tại sao bố lại không tôn trọng quyền tự do của người khác mà bắt mọi người trong gia đình phải cầm cờ theo bố hoan hô, đả đảo.
- Là người có lương tâm thì phải biết cái nhục mất nước chứ! Ai cũng như anh, ai cũng chỉ muốn có nhà cao cửa rộng, có job thơm nhiều tiền. Sống chết mặc ai thì lấy ai mà cứu nước.
- Cái chuyện bố đi biểu tình không dính dáng gì với việc cứu nước cả. Cứu nước thế nào được khi mà chỉ một nhóm người diễn hành la hét. Thụ động khóc than nỗi hờn vong quốc mà không có được một đề cương sáng kiến cứu nước thì việc làm đó có khác chi những con đà điểu to cao nhưng chỉ biết rúc mình trong cát mỗi khi có biến.
- Như vậy là anh hỗn láo lắm rồi. Tôi báo cho anh biết nếu không có những thằng chiến sĩ hăng say chiến đấu hy sinh xương máu như thằng bố anh đây thì liệu anh có được cái ngày hôm nay không?
Thấy chồng và con trai lớn mỗi lúc một to tiếng. Bà Tấn hòa giải:
- Thôi thì con nó không muốn đi thì thôi. Ông bắt ép nó làm gì, hơn nữa nó sang đây từ ngày chưa mất nước thì nó đâu biết thế nào là cái nhục mất nước thì ép uổng nó làm gì.
- Ðúng là đồ vong bản, ăn hại đái nát. Không khéo mấy thằng này, mấy thằng được đãi ngộ cho đi ăn học đến nới đến chốn lại là những thằng tiếp tay với cộng sản mạnh nhất. Ðúng là đồ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.
Minh thấy bố nóng giận và có những lời nói có vẻ hằn học, dễ gây tranh cãi mất lòng nên anh kiếm cớ, có chuyện cần phải ra đi. Bỏ mặc lại ông bà Tấn tiếp tục tranh cãi với nhau.

Ðã 2 năm nay, kể từ ngày ông Tấn qua đây theo diện H.O. thì năm nào cứ đến ngày 30.4 là gia đình ông chia ra làm 2 phe tranh cãi và nhiều khi cuộc tranh cãi đã biến thành một cuộc chiến tranh kéo dài và gây ra sự căng thẳng, giận dỗi lâu ngày.
Năm đầu tiên khi ông mới sang, lục lại chồng báo cũ thấy tin một trung tá nọ được tổng thống Mỹ mời vào tòa bạch ốc để trao lại tấm huy chương anh dũng bội tinh ngôi sao đồng. Ông cũng bảo Minh, con trai lớn của ông viết thư cho bộ quốc phòng Hoa Kỳ, xin lại tấm huy chương mà trước đây khi ông là tiểu đoàn trưởng đã được cố vấn Mỹ trao gắn.
Thay vì tìm địa chỉ để viết thư cho bố thì Minh lại hỏi:
- Bố xin huy chương để làm gì?
- Ðể làm gì à! Anh có biết đây là một huy chương cao cấp nhất mà Mỹ dành cho ngưới ngoại quốc không? Anh có biết bố anh chiến đấu anh dũng như thế nào mới được trao gắn không?
- Nhưng theo con thì nó chỉ là một kỷ niệm tinh thần mà thôi thì cần gì phải xin lại một cách gấp gáp như vậy! Bốù để từ từ, con sẽ hỏi tìm địa chỉ bộ quốc phòng rồi sẽ viết thư sau.
- Các anh thì chỉ được cái nhùng nhằng. Nhờ đến việc gì cũng tìm cách chối quanh. Khi đẻ các anh ra, khi chạy tiền lo cho các anh đi học thì chúng tôi đâu có nhùng nhằng như vậy. Tấm huy chương nó cả là một chứng tích của chiến thắng qủa cảm và oai hùng, chẳng thế mà người có huy chương Hoa Kỳ được liệt kê vào ưu tiên thứ nhì để có thể lên đường định cư ở Mỹ.
- Nhưng bây giờ bố đã định cư ỡ Mỹ rồi thì cần gì nữa.

Ðại loại những câu chuyện chính trị liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, đến những cuộc biểu tình nhân ngày 30.4 đã gây bất đồng, rạn nứt nặng nề trong gia đình ông Tấn.
Sang Mỹ không bao lâu là ông tìm liên lạc những dồng đội cũ, những bạn tù, những hội đoàn, đoàn thể chính trị rồi ông tham gia hết hội đoàn này đến hội đoàn nọ. Ông bỏ tiền đổ xăng chạy ngược chạy xuôi, nhiều khi mua cả vé máy bay đi Seatle, Washington....để tham dự cuộc họp này, phiên họp nọ khiến vợ con ông rất bất bình. Ðã vậy, ông còn ép buộc vợ con ông phải tích cực tham gia, nhiều hôm đi họp về, ông chở một xe vải vàng đỏ để chật phòng khách rồi bắt vợ con phải may cờ quạt, khẩu hiệu. Cô con gái út mới sang với ông sau này thì còn hiểu và thông cảm cho ông còn 2 ngưới con lớn sang đây trước thì chống ông ra mặt. Bà Tấn thì bất mãn lắm nhưng không dám nói.
Ông Tấn tin tưởng mãnh liệt vào cuộc giải phóng của một tổ chức nọ mà ông đã từng nghe bàn tới từ khi còn ở Việt Nam. Sang đây, ông tìm cách móc nối cho bằng được. Thỉnh thoảng người ta thấy ông đi lại, giao du với một vài người khác trạc tuổi ông. Thấy họ luôn có vẻ khẩn cấp và quan trọng.
Ðã nhiều lần ông Tấn bóng gió từ gĩa vợ con. Thậm chí có nhiều lần ông nói thẳng với một vài người bạn khác của ông rằng: "Anh em mình sau này gặp nhau không khó". Ý ông muốn đề cao mình sau này sẽ trở thành một nhà lãnh đạo chăng?
Rồi một hôm đi họp về với vẻ mặt trịnh trọng, ông họp vợ con lại và tuyên bố:
- Bố sẽ lên đường sang Thái Lan thăm chiến khu. Quân đội đồng minh và hoàng gia Thái đã yểm trợ cho ta một căn cứ quy mô để có thể huấn luyện quân lính từ trong nước qua và một số nằm vùng ở Cao Miên. Họ hứa là mình có bao nhiêu quân thì họ sẽ trang bị cho bấy nhiêu quân dụng vũ khí.
- Ai nói với bố như vậy! Bộ bố ngủ mơ à! Minh lên tiếng.
- Chuyện của cách mạng thì làm sao có thể tiết lộ được. Bố chỉ thông báo như thế để ngộ nhỡ vắng bố thì mẹ và các con hiểu và các con lo chăm sóc mẹ các con.
- Bố đừng nghe những thằng ba xạo. Chúng thấy bố mới qua rồi ve vãn để thêm vây thêm cánh. Chúng con ở bên này lâu rồi và chứng kiến nhiều trò lừa đảo. Ðầu thập niên 80 phong trào Hoàng Cơ Minh đã gây một tiếng vang lớn và được sự yểm trợ nhiệt tình của đa số bà con nhưng rồi chúng kinh tài riêng tư, hàng loạt những tiệm phở, những gian hàng kinh tài kiếm tiền riêng cho chúng. Chuyện đổ bể, ăn chia không đều rồi phong trào xẹp lép, giống như chiếc bong bóng xì. Gây bực tức, căm phẫn trong quần chúng: Sau đó lại biết bao nhiêu phong trào, mặt trận được thành hình rồi có ông là lính bỗng tự phong tướng, ông xưng thủ tướng, tổng thống, toàn phường bát nháo lừa lọc cả.
- Anh không thể cá mè một lứa như vậy. Ðụng chạm đến những người yêu nước chân chính vì nước hy sinh, chiến đấu là bất lễ, bất kính!
- Chiến đấu cái gì bây giờ. Trong khi cả thế giới người ta hô hào hòa bình, hiệp thông hòa giải thì bố lại hô hào chuẩn bị gậy gộc vào bưng chiến đấu. Chiến đấu cái gì khi quân đội hồi xưa của bố có cả hằng triệu quân tinh nhuệ, bên cạnh nửa triệu quân Mỹ và đồng minh trang bị cực kỳ tối tân còn thua chạy thì nay bố và các bạn của bố đã gìa rồi; Ông nào, vị nào cũng xấp xỉ "thất thập cổ lai hy" rồi thì đánh đấm với ai. Chưa bắn địch thì súng giật đã ngã chúi rồi thì đánh đấm với ai.
- Anh hỗn láo và ngạo mạn qúa sức! Anh xỉ nhục bố anh như vậy mà coi được à! Thử hỏi không có những thằng lính gìa như bố anh đây thì các anh có được sung sướng như ngày hôm nay không? Ðừng đua đòi theo bọn "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản" mà bán linh hồn, làm lợi cho cộng sản!.
- Chúng con hoàn toàn không chấp nhận cộng sản, nhưng chúng con cũng không chấp nhận bạo loạn. Tại sao bố và những bạn chiến đấu của bố lại không nghĩ ra một phương thức khác, không đoàn kết với nhau để trở thành một lực lượng duy nhất trong đó có mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi khuynh hướng chính trị và thành phần xã hội. Chúng ta có một tiếng nói duy nhất và một sức mạnh tổng thể dựa trên tình đoàn kết quốc dân thì lúc ây chúng ta mới nói chuyện đại sự được. Chúng ta chỉ trích và lên án cộng sản vì độc tài, độc đoán nhưng chúng ta có mở lòng, mở trí ra mà chấp nhận người khác không? Quốc gia như bố và các bạn đồng đội của bố thì cộng sản chưa đánh, mình đã bôi mặt đánh nhau chết trước rồi. Hỏi bố là ở Cali này có bao nhiêu hội đoàn, có hội đoàn nào có đề cương chống cộng rõ rệt hay họ chỉ vá víu, cốt được thành lập ra để chống đối bêu xấu lẫn nhau. Con thú thật với bố là những người trẻ chúng con thật là xấu hổ mỗi khi thấy bố và đồng đội của bố mang mặc đồ lính, đeo súng ống gỉa, run run đi đứng không vững, lại nhịp bước quân hành diễn hành trong những ngày kỷ niệm 30.4. Nhìn thấy chương chướng làm sao ấy!
Nghe đến đây, ông Tấn cảm thấy bị xúc phạm tới tột cùng. Máu nóng hừng hục bốc khắp người. Cơn tức giận trào dâng, khiến ông uất nghẹn. Ông không ngờ thằng con lớn của ông nay lại chống đối ông ra mặt. Ông đã bị nhiều người trai trẻ vặn hỏi ông những điều tương tự. Nhưng nay những lời lẽ này nó lại phát xuất từ miệng lưỡi của thằng con trai lớn của ông. Ông uất muốn chết. Lòng ngực ông nhói đau, mắt ông hoa cả lên và đầu óc ông cực kỳ rối loạn. Ông cảm thấy không thể tiếp tục sống chung với anh con trai được nữa.
- Như vậy là qúa lắm rồi! Anh là thằng con bất hiếu. Anh hãy để cho tôi yên và ngay ngày mai, xin anh mướn nhà khác cho tôi ở. Tôi phải ra khỏi chốn này và mai này, tôi chết bờ, chết bụi ở đâu thì anh cứ mặc xác tôi.
Nói tới đây, ông Tấn mệt mỏi và như thiếp đi trong bất động, bên tai ông vẳng nghe tiếng quân hành, ông mơ màng thấy tổng thống Mỹ đang gắn anh dũng huy chương đồng lên ngực ông và xa xa những hàng quân đang diễn hành, cờ vàng xọc đỏ tung bay chen lẫn cờ Hoa cũa đồng minh Mỹ quốc. Ông ú ớ, thiêm thiếp trong cơn chập chờn. Mắt ông nhắm tít và tay ông lần sờ lên tấm huy chương vừa mới gắn. Trên bầu trời những tiếng phản lục hét trời tung bay thao diễn. Ông giật mình choàng tỉnh và nhận ra đây là nhà ông. Ông nhớ lại cuộc cãi vã vừa xảy ra trong căn nhà này. Ông tủi thân và nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Bà Tấn biết ý chồng. Bà biết rằng ông Tấn đã quyết định điều gì thì không thể thay đổi. Bà sợ rằng ngày mai đây bà phải dọn nhà đi nơi khác theo ông. Bà sợ, sợ rồi đây, ông sẽ lên đường đi Thái Lan vào bưng chiến đấu. Bà khóc, tiếng nấc nghẹn lời. Bà nhớ lại những ngày khổ sở, lặn lội thăm nuôi chồng. Bà nhớ lại những ngày vui mừng đi lãnh những kiện hàng của thằng con gửi về. Rồi ngày ông được trả tự do. Ngày sung sướng hạnh phúc cùng chồng lên đường đoàn tụ với các con.
Bà nghĩ lại những giờ phút sung sướng đi nhận hàng. Những kiện hàng to lớn, lớn ngang với niềm hãnh diện của bà. Rồi có hàng có qùa, bà bán đi thăm nuôi ông. Ông tự hào có thằng con hiếu lễ. Mỗi lần thăm nuôi ông, mặc dù chỉ được một vài câu trao đổi ngắn gọn trước mặt người quản giáo, nhưng bà hiểu, bà hiểu ông nói gì:
- Ðời mình khổ nhưng con mình nó sung sướng hạnh phúc là được rồi bà ạ! Tôi sung sướng và tự mãn có thằng con hiếu thảo….
Bà biết ông bóng gío nói thế. Bà biết rằng ông vô cùng tự hào sung sướng có thằng con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Nó đã cật lực làm ăn, dành dụm gửi tiền về nuôi cha mẹ và nhờ đó bà mới có phương tiện để ra trọ ở Hà Nội và thường xuyên thăm nuôi ông. Bây giờ hai cha con qua đây lại kình địch lẫn nhau. Bà biết rằng chồng bà đã cố chấp và dồn con vào thế chống đối. Nghĩ đến đây, nước mắt bà trào dâng.
Bà bâng khuâng nhìn ông nằm bất động, mặt mũi ông thâm tím vì tức giận rồi bà nhìn qua cửa sổ, những con nhạn lạc bày nhịp cánh mệt mỏi trong bầu trời mây mù vân vũ. Bà thấy lòng quặn đau và lo sợ điều gì.

Hoàng Ngọc Lễ

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art