Thứ Tư, 13 Tháng Mười Hai, 2023

‘Tà Áo Đêm Noel,’ ca khúc Giáng Sinh thời chinh chiến của Tuấn Lê

SANTA ANA, California (NV) – “Tà Áo Đêm Noel” của nhạc sĩ Tuấn Lê là bài ca Giáng Sinh với bối cảnh khói lửa chiến chinh tại miền Nam Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ trước. Chàng trai trong bài hát đã quen và yêu một cô gái có đạo trong dịp lễ Giáng Sinh năm nào nơi quê nhà, mặc dù chàng trai là người ngoại đạo “nhưng tin có Chúa ngự trên cao.”

‘Tà Áo Đêm Noel,’ ca khúc Giáng Sinh thời chinh chiến của Tuấn Lê - 1
Nhạc phẩm “Tà Áo Đêm Noel” của Tuấn Lê. (Hình: Tài liệu)


Trong nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam, Tam Giáo, tức là Đạo Phật, Đạo Lão và Đạo Nho, chiếm ưu thế trong tư duy và tình cảm của người dân Việt Nam, khiến cho nền văn học, nghệ thuật và âm nhạc của Việt Nam cùng đi theo hướng đó.

 

Tuy nhiên, kể từ hạ bán thế kỷ 19 trở đi, với ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa Cơ Đốc Giáo do các giáo sĩ và người Pháp đem lại, nền văn hóa Việt Nam còn chịu thêm ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, vốn dựa trên nền triết học hữu thần của Cơ Đốc Giáo. Theo đó, từ đạo lý, triết lý, quan niệm sống cho tới sinh hoạt tâm linh, trong đó Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh chiếm một vị trí rất cao trong đời sống của người dân tại các nước ở Âu Châu, Mỹ và Úc.

Có thể nói, trong nền văn hóa, văn học và âm nhạc Việt Nam ngày nay, Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh có một vị thế vừa đáng trân quý vừa đáng yêu, bởi vì tính cách long trọng của ngày lễ cũng có mà bởi vì tính phóng khoáng và đại chúng của ngày lễ cũng có.

Yếu tố phóng khoáng và đại chúng của Lễ Giáng Sinh, hay mùa Noel, dựa trên căn bản là tình yêu Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ lan tỏa thành tình phụ mẫu đối với con cái, rồi dần dà chú trọng tới tình mẫu tử, như tình yêu của Đức Mẹ Maria đối với Chúa Hài Đồng và các con chiên của Thiên Chúa Giáo. Đến đây thì cái tình yêu siêu nhiên và thoát tục này lại trở thành tình yêu gia đình, quyến thuộc cùng nhau đoàn tụ trong mùa lễ Giáng Sinh hằng năm. Và rồi cái tình yêu đó lại nhè nhẹ biến thành tình yêu trai gái hồi nào không ai hay, để rồi Mùa Giáng Sinh bây giờ cũng còn là mùa của những cặp trai gái yêu nhau, “cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang, xin cho đôi mình suốt đời có nhau”… (“Bài Thánh Ca Buồn” của Nguyễn Vũ)

Với “Tà Áo Đêm Noel,” nhạc sĩ Tuấn Lê miêu tả chàng trai lên đường đi chinh chiến miền xa theo tiếng gọi của non sông lúc sơn hà nguy biến. Dù xa nhau nhưng chàng vẫn nhớ hoài những kỷ niệm xưa, nhất là màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào của nàng con gái trong đêm Noel năm nào. Chàng trai thổ lộ rằng mình đã đi vào cuộc chiến lúc con đang mặc chiếc áo học sinh mà tâm tư vẫn nhớ hoài cái đêm thánh vô cùng đó.

Hai kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn còn in sâu trong tâm hồn chàng cho đến tận bây giờ là tà áo em xanh màu mắt ngây thơ và lúc hai đứa cùng hát chung một ca khúc “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” trong ngôi thánh đường nơi quê cũ…

“Tiền đồn biên giới heo hút trong màn tối/ Vài đóm hỏa châu le lói soi cuối trời/ Trầm trầm chuông ngân đây nghe buồn tênh/ Ánh sao hiền lấp lánh báo tin lành Chúa sinh.”

Nơi tiền đồn xa xăm vào một đêm đen bập bùng ánh hỏa châu anh bỗng nghe thấy tiếng chuông ngân vọng về từ nơi giáo đường xa xa, nhắc gợi cho anh mùa sao sáng hang Bê-lem Chúa sinh ra đời, với biết bao kỷ niệm xa xưa vừa đẹp vừa buồn với người em yêu chốn quê nhà.

‘Tà Áo Đêm Noel,’ ca khúc Giáng Sinh thời chinh chiến của Tuấn Lê - 2
Bìa nhạc phẩm “Tà Áo Đêm Noel” của Tuấn Lê. (Hình: Tài liệu)


“Kỷ niệm năm ấy trong phút giây chợt đến/ Tà áo màu xanh tha thướt đi lễ đêm/ Nàng quỳ bên mẹ đôi mắt nhung huyền xinh/ Chắp tay nguyện Kinh thánh, thầm mơ tôi ước sẽ mộng lành.”

Thế rồi, biết bao kỷ niệm xa xưa lại hiện về với hình bóng em trong tà áo xanh tha thướt cùng mẹ đi xem lễ nhà thờ đêm Noel năm nào chúng mình có nhau. Anh vẫn còn nhớ rõ như in hình ảnh em quỳ bên mẹ mà đôi mắt cứ long lanh như ánh sao trời lung linh, khiến lòng anh thêm nao nao, thầm mong sao cho chúng mình có ngày đẹp đôi, cùng chung giấc mộng lành.

“Tôi đã được yêu, e mình còn xa cách lối/ Đạo đời ngăn đôi lứa đôi nơi/ nhưng mà tôi tin có Chúa Trời/ Tôi đi, đi vì chiến cuộc quê hương/ áo học sinh nhuốm bụi đường/ nhớ hoài người tôi đã thương.”

Đúng là Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau, cho nên chàng trai đã có được tình yêu với nàng con gái trong cái đêm huyền diệu ấy mặc dù chàng là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao. Rồi chàng lại lên đường để đi giữ quê hương khỏi họa xâm lược dù chàng còn mang màu áo trắng học trò, lúc nào cũng canh cánh bên lòng với bao niềm thương, nỗi nhớ về người em chốn cũ trong tà áo đêm Noel.

“Từ miền khu chiến trông ánh sao mà nhớ/ Tà áo màu xanh năm ấy em vẫn chờ/ Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui/ hát chung một ca khúc/ ‘Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.’”

Nhớ em hoài trong những đêm sao trời lấp lánh nơi chiến tuyến xa xăm, y như các mục tử nhìn sao trời mà biết đêm nay là đêm Chúa sinh ra đời. Cũng vào đêm Giáng Sinh năm nào nơi giáo đường nhịp nhàng thề nguyền, ngước lên miền thiên không sáng chói, anh đã cùng em hát khúc thánh ca “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa”…

***

Nhạc sĩ Tuấn Lê, con trai cả của nhạc sĩ Hoài Linh, sinh năm 1952 tại Hải Phòng và có tên thật là Lê Văn Tuấn. Năm 1968, thanh niên Lê Văn Tuấn gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm sau đó, nhờ một cuộc thi tuyển, ông được đi học ngành cơ khí phi cơ tại Colorado, Mỹ. Tốt nghiệp rồi trở về nước, ông phục vụ tại các phi trường quân sự ở Nha Trang, Cần Thơ, và cuối cùng là Đà Nẵng cho đến Tháng Tư, 1975.

Thời gian sau đó, cùng với cha mẹ và các em, ông ở lại Việt Nam. Cha của ông, nhạc sĩ Hoài Linh, không bị đi tù như nhiều đồng nghiệp khác mà lại được cho phụ trách một ban văn nghệ của Phường 25, Quận 3, Sài Gòn. Sau đó, nhạc sĩ Hoài Linh giao lại cho Tuấn Lê công tác tập nhạc cho ban văn nghệ. Cũng nhờ đó, người nhạc sĩ quen biết với một nữ thành viên của ban văn nghệ tên là Dung, cũng là người ở cùng lối xóm, và hai người kết hôn vào năm 1978.

‘Tà Áo Đêm Noel,’ ca khúc Giáng Sinh thời chinh chiến của Tuấn Lê - 3
Phần giới thiệu nhạc sĩ Tuấn Lê trên bìa sau của một nhạc phẩm. (Hình: Tài liệu)


Thời gian sau đó, nhạc sĩ Tuấn Lê làm việc cho một hợp tác xã ở Thanh Đa cho đến khi đột ngột qua đời vào ngày 15 Tháng Tư, 1988.

Vì cuộc đời khá ngắn ngủi, nhạc sĩ Tuấn Lê sáng tác không nhiều bằng thân phụ là nhạc sĩ Hoài Linh. Những ca khúc nổi tiếng và được ưa chuộng của Tuấn Lê gồm có: “Tà Áo Đêm Noel” (sáng tác đầu tay, Noel 1968), “Em Đừng Có Nghe,” “Lá Thư Đô Thị,” “Ngay Ấy Mình Yêu Nhau,” “Hờn Anh Giận Em,” “Cưới Em” (với Hùng Linh), “Nỗi Buồn Sa Mạc” (với Tú Nhi), “Chuyện Mình Chuyện Ta”… (Vann Phan)

 


Nhạc phẩm “Tà Áo Đêm Noel” của Tuấn Lê

Tiền đồn biên giới heo hút trong màn tối
Vài đóm hỏa châu le lói soi cuối trời
Trầm trầm chuông ngân đây nghe buồn tênh
Ánh sao hiền lấp lánh báo tin lành Chúa sinh.

Kỷ niệm năm ấy trong phút giây chợt đến
Tà áo màu xanh tha thướt đi lễ đêm
Nàng quỳ bên mẹ đôi mắt nhung huyền xinh
Chắp tay nguyện Kinh thánh, thầm mơ tôi ước sẽ mộng lành.

Đ.K.:
Tôi đã được yêu, e mình còn xa cách lối
đạo đời ngăn đôi lứa đôi nơi,
nhưng mà tôi tin có Chúa Trời.
Tôi đi, đi vì chiến cuộc quê hương
áo học sinh nhuốm bụi đường,
nhớ hoài người tôi đã thương.

Từ miền khu chiến trông ánh sao mà nhớ
Tà áo màu xanh năm ấy em vẫn chờ
Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui,
hát chung một ca khúc:
“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”…


Vann Phan/Người Việt

 

Bài viết khác