Công đồng Nicaea - Không hẳn là công đồng đầu tiên của Giáo hội
© Thuộc phạm vi công cộng - Cesare Nebbia, "Công đồng Nicaea" (1560). Cảnh mô tả Hoàng đế Constantine Đệ Nhất Đại đế khai mạc công đồng.
Năm 2025, các Kitô hữu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea, công đồng đã long trọng tuyên xưng thiên tính Chúa Con. Tầm quan trọng còn đến từ việc đây là công đồng đại kết đầu tiên... điều này không có nghĩa đây là công đồng đầu tiên.
Tại sao lại kỷ niệm long trọng 1.700 năm Công đồng Nicaea vào năm 2025? Bởi vì cuộc họp các giám mục do hoàng đế Constantin triệu tập đã khẳng định thiên tính Chúa Con trước lạc giáo Arius. Các nghị phụ đã tuyên xưng một kinh Tin Kính vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, vì sự kiện này cũng là cuộc họp đại kết đầu tiên, theo nghĩa tập hợp tất cả các thành phần Giáo hội lúc bấy giờ. Điều này không có nghĩa Nicaea I, để phân biệt với Nicaea II - công đồng đại kết thứ hai họp tại Nicaea năm 787 để giải quyết vấn đề phá hoại ảnh tượng, là công đồng đầu tiên.
Tính độc đáo công đồng năm 325 ày đến từ việc được hoàng đế Constantin triệu tập, người lo lắng về sự thống nhất đế quốc bị chia rẽ bởi một vấn đề thần học, từ việc đưa ra một định nghĩa tín lý và tuyên xưng một kinh Tin Kính, nhưng đặc biệt từ sự đa dạng của những người tham dự, từ các đại diện giáo hoàng Roma đến các giám mục phương Đông. Bởi vì, thực ra, đã có nhiều công đồng trước Nicaea. Một công đồng thực chất chỉ là một cuộc họp các giám mục, có thể địa phương, để giải quyết một vấn đề về đức tin hoặc kỷ luật.
Nhiều công đồng địa phương
Và, trong khuôn khổ này, công đồng đầu tiên được biết đến dường như là Công đồng Giêrusalem, được thánh Phaolô thuật lại trong thư gửi tín hữu Galát. Được viết khoảng năm 50 hoặc 51, bức thư nhắc đến hội nghị các tông đồ và các trưởng lão (linh mục) diễn ra một thời gian trước đó dưới sự chủ trì của Giacôbê, giám mục đầu tiên của Thành Thánh. Chủ đề họp đơn giản: có cần phải là người Do Thái (và do đó chịu cắt bì) để trở thành Kitô hữu không? Chúng ta đều biết kết luận của họ.
Nhiều công đồng khu vực khác được tổ chức cho đến năm 325 (và sau đó), tại Carthage năm 251, nơi có những cuộc tranh luận gay gắt về việc trở lại của những người bỏ đạo, tại Roma để lên án thuyết thể cách, tại Antiôkhia (264), tại Elvira ở Tây Ban Nha năm 305 về vấn đề hôn nhân các Kitô hữu và độc thân giáo sĩ, tại Arles, đặc biệt năm 314 về vấn đề lạc giáo Đônatô. Tóm lại, chỉ riêng trong giai đoạn 251-325 đã có mười bốn công đồng được biết đến.
Vì vậy, tính độc đáo Nicaea chính nơi tính chất "đại kết", phổ quát (từ tiếng Hy Lạp có nghĩa "toàn bộ vùng đất có người ở") qua những người tham dự và qua tiếp nhận, vì một tính từ như vậy chỉ được thêm vào khi nhìn thấy tầm ảnh hưởng lâu dài những giáo huấn của công đồng. Các Giáo hội Chính thống ngày nay công nhận bảy công đồng (cho đến năm 787, Nicaea II), các Giáo hội Tin Lành thường công nhận sáu công đồng (cho đến năm 681, Constantinople III) và Giáo hội Công giáo công nhận hai mươi mốt công đồng (cho đến năm 1965, với công đồng Vaticanô II)
Valdemar de Vaux – ngày 13/02/25