Thứ Năm, 09 Tháng Tư, 2020

Dịch Hạch (La Peste) - Albert Camus

Dịch Hạch

Tác gỉa : Albert Camus

Người dịch: Nguyễn Trọng Định

 

Lời giới thiệu

Albert Camus (1913 - 1960) là một trong những tên tuổi nổi bật trên văn đàn Pháp trong những thập kỷ giữa và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tác phẩm của Camus - tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, tùy bút và tiểu luận - gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi ở Pháp và nhiều nước trên thế giới.

Camus được giải thưởng Nobel về văn học năm 1957 vì sáng tác văn học của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.

Trong số những tác phẩm của ông, cuốn tiểu thuyết “Dịch Hạch” (La Peste) được đánh giá cao hơn cả. Nội dung tác phẩm là nạn dịch hạch và cuộc chiến đấu thầm lặng, cực kỳ gian khổ để dập tắt nạn dịch, cứu sống thành phố Oran trên bờ biển Algérie. Thành phố đang sống thanh bình thì bỗng những con chuột lăn ra chết ở khắp nơi. Rồi đến một người, hai người, hàng chục, hàng trăm người bị chết. Oran biến thành một địa ngục khủng khiếp, quằn quại trong nguy cơ bị diệt vong như bao thành phố trước kia ở châu Âu, châu Á, châu Phi.

Giữa cái không khí chết chóc bi thảm ấy và bất chấp hiểm họa bị lây nhiễm, bác sĩ Rieux - nhân vật chính diện và trung tâm quán xuyến toàn bộ tác phẩm - cùng đồng nghiệp và bạn bè lao vào cuộc chiến đấu để cứu vớt nhân dân thành phố. Theo ông, chỉ có cách là dấn mình vào cuộc, cầm lấy vũ khí để đấu tranh, ngăn chặn, vì... “nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”. Thái độ ông thật rõ ràng. Ông khẳng định khi có người bệnh thì cấp bách hơn hết là chữa bệnh cho họ. “Sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...”.

Và chính trong lúc vợ ông ốm đau đang đi điều dưỡng ở xa - và sau này chết mà ông không được gặp, - ông tổ chức việc cứu chữa những người bị dịch hạch và tự bản thân mình, tự hai bàn tay mình, làm phẫu thuật cho biết bao người bệnh. Để cứu sống họ, ông không tiếc công sức, hạnh phúc và cả tính mệnh.

Lời nói và việc làm của Rieux thuyết phục và thu phục nhiều người khác. Trong đó đáng lưu ý hơn cả là nhà báo Rambert và linh mục Paneloux. Rambert đến Oran với nhiệm vụ điều tra về đời sống của người Ả Rập cho một tờ báo lớn ở Paris. Thế là anh bị mắc kẹt từ khi có lệnh đóng cửa thành phố vì dịch hạch. Anh làm mọi cuộc vận động để ra khỏi thành phố, trở về với người yêu đang ngày đêm mong ngóng. Nhưng đến khi có người thu xếp để anh ra về thì anh tình nguyện ở lại và trực tiếp tham gia cứu chữa người bệnh. Trở về với người thân là niềm hạnh phúc chính đáng, nhưng anh khước từ, vì như anh nói với Rieux: “Hưởng hạnh phúc lấy một mình thì thật đáng hổ thẹn”.

Đặc biệt hơn nữa là trường hợp Paneloux. Giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành, gieo rắc chết chóc và đau thương, thì Paneloux giảng cho con chiên phải yên lòng đón nhận lấy “sự trừng phạt” và “cơn giận” bất thần của Chúa để chóng được trở về với Chúa. Nhưng tấm gương hy sinh, tận tụy của Rieux, của Rambert và của những người khác đã cảm hóa ông, nhất là sau khi ông chứng kiến cái chết thảm thương của một đứa trẻ bị dịch hạch. Trong một buổi cầu kinh thứ hai, khi nói với các tín đồ, ông dùng đại từ xưng hô “chúng ta” thay thế cho “các con” trước kia và nắm tay lại đấm mạnh vào mặt bàn, thiết tha kêu gọi: “Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại!”. Bản thân ông cũng tự nguyện xung vào đội cứu chữa, cuối cùng lây bệnh và chết.

Cùng với Rieux, nổi bật trong tác phẩm là hình tượng Tarrou, một trí thức căm ghét xã hội, căm ghét bạo lực tư sản với những bản án tử hình ngàn lần đáng nguyền rủa. Là con trai một phó tổng chưởng lý, - người quyết hướng con đi theo sự nghiệp của mình - Tarrou đã bỏ nhà và từ giã cuộc sống nhung lụa của một gia đình quyền quý ra đi sau khi nghe những lời buộc tội độc ác của cha anh và chứng kiến tòa án kết tội tử hình bị cáo. Anh lưu lạc ở nhiều nước, tham gia nhiều cuộc chiến đấu. Trước nạn dịch hạch hoành hành, anh sốt sắng tự nguyện tổ chức những đội y tế, cùng với Rieux lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn với vi trùng dịch bệnh. Mục đích của anh, tâm niệm của anh là sống vì con người, cho con người. Anh cho xã hội anh đang sống là một xã hội “dựa trên sự kết án tử tình”, và chiến đấu chống lại xã hội ấy, anh “chiến đấu chống lại sự giết người”.

DỊCH HẠCH là một cuốn tiểu thuyết biểu tượng. Thông qua hình tượng nhân vật, hành vi và nhất là tâm tư cùng ngôn ngữ của họ, người đọc dễ dàng cảm nhận chiều sâu tác phẩm và ý định tác giả là phủ định chiến tranh và bạo lực, khẳng định ý chí chiến đấu chống tai họa đe dọa cuộc sống con người. Tác giả xây dựng một loạt nhân vật tích cực tuy đường đi nước bước có khác nhau nhưng cuối cùng đều tự nguyện xông vào trận tuyến chiến đấu chống dịch hạch, đem lại cuộc sống yên lành cho con người, trả lại hòa bình cho xã hội.

Trong lúc một số người cho là làm gì cũng vô ích, chỉ nên quỳ gối cầu xin Thượng đế, thì Rieux, Tarrou và bè bạn đều khẳng định là phải chiến đấu bằng cách này hay cách khác, chứ không quỳ gối: “Toàn bộ vấn đề là ra sức ngăn cản không để người ta chết và vĩnh viễn xa nhau. Muốn vậy, chỉ có một cách duy nhất là chống lại dịch hạch”.

Tinh thần cảnh giác toát ra từ tác phẩm cũng đầy ý nghĩa. Giữa tiếng nói cười hân hoan, rộn ràng của những người thoát dịch bênh, bác sĩ Rieux vẫn nghĩ đám người đang hò reo đó không biết rằng “vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, áo quần, chăn chiếu...; nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng... và một ngày nào đó, để gây tai họa và dạy cho họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh”.

Tác giả mượn lời kể của bác sĩ Rieux để “tỏ rõ thiện chí” của mình “đối với các nạn nhân dịch hạch, để ghi lại ít nhất là một dấu vết của bất công và bạo lực, và nói lên cái bài học rút ra được giữa lúc gặp tai hoạ là trong loài người có nhiều điều đáng khâm phục hơn là cái đáng khinh ghét”.

Rõ ràng nhân vật trung tâm của tác phẩm - bác sĩ Rieux - tượng trưng cho những con người kháng chiến, những con người hành động. Rieux mang hơi hướng của những năm kháng chiến chống phát xít Đức mà chính Albert Camus đã tích cực tham gia. Và tác giả đã thành công trong việc xây dựng nhân vật này để thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: chiến đấu chống tội ác, chống khủng bố, chống chết chóc vì hạnh phúc và cuộc sống hòa bình của con người.

Người dịch

Miêu tả một thứ giam cầm này bằng một thứ giam cầm khác cũng hợp lý như miêu tả một cái gì tồn tại thực sự bằng một cái gì không thể tồn tại.

Danile de Foe

Truyện khác