Truyện dịch Dịch Hạch (La Peste) - Albert Camus

Thứ Năm, 09 Tháng Tư, 2020

Chương V Dịch Hạch (La Peste) - Albert Camus

Chương V

Tuy sự rút lui đột ngột của dịch bệnh vượt quá hy vọng, đồng bào chúng tôi vẫn không vội vã vui mừng. Những tháng vừa qua nung nấu thêm nguyện vọng thoát khỏi tai họa, nhưng lại cũng là một bài học chung: ai nấy trở nên thận trọng hơn và không còn nghĩ là dịch bệnh chấm dứt ngày một ngày hai. Tuy vậy sự kiện mới mẻ ấy, không ai không nói tới, và trong đáy lòng mọi người đều rộn lên một niềm hy vọng lớn lao thầm kín. Mọi cái khác đều là thứ yếu. Những nạn nhân mới của dịch hạch chẳng có bao nhiêu trọng lượng bên cạnh cái sự kiện kỳ lạ là các con số thống kê đều tụt xuống. Từ đây, tuy còn làm ra vẻ thờ ơ, đồng bào chúng tôi đã sẵn sàng nói tới việc tổ chức lại cuộc sống sau khi dịch bệnh chấm dứt: rõ ràng mọi người đều ấp ủ hy vọng được sống bình yên, không tật bệnh.

Đâu phải ngay một lúc có thể tìm lại những tiện nghi của cuộc sống ngày trước, và phá bao giờ lại chẳng dễ hơn xây lại, mọi người đều thống nhất nghĩ như vậy. Có chăng thì cũng chỉ cải thiện được chút ít khâu tiếp tế. Và được như thế thì sẽ thoát khỏi mối lo nghĩ cấp thiết hàng đầu. Nhưng thực tế, cùng với những nhận định vô thưởng vô phạt ấy, một niềm hy vọng cuồng dại dâng lên đột ngột và dữ dội tới mức chính đồng bào chúng tôi có khi nhận thức ra sự cuồng dại của mình, và lúc đó, vội vã khẳng định rằng dù thế nào đi nữa thì cũng không phải ngày mai đã thoát nạn.

Và, quả thật, ngày mai, dịch hạch chưa chấm dứt, nhưng bề ngoài, nó yếu đi nhanh hơn so với niềm hy vọng hợp lý của mọi người. Trong những ngày đầu tháng giêng, cái rét dai dẳng một cách khác thường và như thể kết tinh lại trên thành phố. Thế nhưng bầu trời chưa bao giờ lại xanh biếc đến thế. Suốt mấy ngày liền ánh sáng rực rỡ và giá lạnh tràn ngập phố phường. Trong bầu không khí được lọc sạch ấy, suốt ba tuần lễ và một cách liên tục, dịch hạch như thể đã kiệt sức trong những xác chết ngày một ít dần. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, nó mất đi hầu hết toàn bộ sức lực nó đã phải để hàng mấy tháng để tích tụ. Nhìn thấy nó bỏ lại những con mồi đã đến tận miệng, như Grand hay cô gái - bệnh nhân của Rieux, trở nên trầm trọng ở vài khu phố này trong hai ba ngày nhưng lại biến hoàn toàn khỏi những khu phố khác, làm chết nhiều người người ngày thứ hai nhưng đến ngày thứ tư, lại để các nạn nhân hầu như thoát hết; nhìn thấy nó thở đến hết hơi hay vội vã lập cập như vậy, người ta có thể nghĩ nó đã tự tan rã vì bực tức và mệt mỏi, nó đã mất đi - đồng thời với sức chế ngự của bản thân mình - cái hiệu lực nghiêm mật và tuyệt đối vốn là sức mạnh của nó. Đột nhiên huyết thanh của Castel thành công liên tiếp, hoàn toàn khác với trước kia. Mỗi một biện pháp của các thầy thuốc, trước kia không mang lại một kết quả nào, nay bỗng nhiên hiệu nghiệm một cách chắc chắn. Hình như dịch hạch, đến lượt nó, bị săn đuổi, và sự yếu đuối đột ngột của nó tạo nên sức mạnh của những vũ khí cùn nhụt người ta dùng chống lại nó cho tới lúc bấy giờ. Thỉnh thoảng dịch bệnh lại lên gân, mù quáng chồm lên và quắp đi ba bốn người bệnh mà người ta hy vọng chữa khỏi. Họ là những người bất hạnh trong dịch hạch, những người bị nó giết hại giữa lúc tràn trề hy vọng. Đó là trường hợp Othon mà người ta phải đưa ra khỏi trại kiểm dịch, và thật vậy, khi nói về Othon, Tarrou bảo ông ta không gặp may, tuy người ta không hiểu anh nói về cái chết hay về cuộc đời của viên dự thẩm.

Nói chung, dịch bệnh “lui binh” trên toàn tuyến và thông báo của tỉnh tuy lúc đầu chỉ làm nảy sinh một chút hy vọng thầm kín nhưng cuối cùng khẳng định là thắng lợi rõ rệt và dịch bệnh đã từ bỏ các vị trí của nó. Thực ra khó có thể quyết định có phải thắng lợi hay không. Nhưng ai cũng thừa nhận dịch hạch đã ra đi giống như trước kia nó đã tới. Chiến lược chống lại nó không thay đổi, nhưng hôm qua thì vô hiệu mà hôm nay thì rõ ràng có kết quả. Người ta chỉ có cảm tưởng là dịch bệnh tự bản thân nó đã kiệt sức hoặc có lẽ đã rút lui sau khi đạt tất cả các mục tiêu. Có thể nói là vai trò của nó đã kết thúc.

Tuy vậy vẫn có thể nói chẳng có gì thay đổi trong thành phố. Luôn luôn im ắng ban ngày, nhưng tối đến, đường phố lại đông nghịt người, và vẫn những con người ấy, trong đó chỉ nổi bật lên những chiếc áo khoác và khăn quàng. Rạp chiếu bóng và tiệm cà phê vẫn làm ăn như cũ. Nhưng nhìn kỹ hơn thì các bộ mặt đã bớt căng thẳng và thỉnh thoảng có nụ cười. Và lúc ấy mới nhận ra rằng cho tới nay, không hề một ai mỉm cười trên đường phố. Thực tế, trong tấm màn mờ đục bao phủ phố phường mấy tháng ròng rã, một chỗ đã bắt đầu rách và, mỗi sáng thứ hai, qua tin tức đài phát thanh, ai nấy cũng nhận thấy chỗ rách lớn dần lên và cuối cùng bầu không khí trở lại trong lành. Đây chỉ mới là một niềm an ủi âm thầm chưa dám bộc bạch. Nhưng nếu trước kia, khi nghe tin một chuyến xe lửa khởi hành, một con tàu thủy cập bến, hay xe ô-tô sắp được phép chạy lại, người ta không thể không ít nhiều ngờ vực, thì trái lại, vào giữa tháng giêng, giá người ta có báo tin những sự kiện như vậy thì chẳng một ai sửng sốt. Dĩ nhiên như thể chẳng có gì ghê gớm. Nhưng thực tế, một chút sắc thái ấy biểu thị những bước tiến lớn lao của đồng bào chúng tôi trên con đường hy vọng. Và cũng có thể nói rằng từ khi dân chúng có thể khấp khởi chờ mong, dù chỉ chút ít thôi, thì thời ngự trị thực sự của dịch hạch đã chấm dứt.

Nhưng không phải vì vậy mà trong suốt tháng giêng, đồng bào chúng tôi không phản ứng một cách trái ngược nhau. Nói đúng ra, họ lần lượt trải qua những cơn hưng phấn và thất vọng. Chẳng hạn, người ta ghi nhận những mưu toan trốn thoát mới, chính giữa lúc những con số thống kê đáng phấn khởi nhất. Tình hình ấy làm kinh ngạc các nhà chức trách và cả bản thân các trạm gác vì phần lớn những vụ trốn đều thành công. Nhưng thực ra, những người bỏ trốn vào những lúc đó, tuân theo những tình cảm tự nhiên, ở người này, dịch hạch đã cắm sâu một tâm trạng hoài nghi sâu sắc mà họ không thể không dứt bỏ. Họ không còn hy vọng nữa. Ngay sau khi dịch bệnh chấm dứt, họ vẫn tiếp tục sống theo chuẩn mực của nó. Họ lạc hậu với tình hình. Trái lại, ở người khác, phần lớn là những người cho tới lúc bấy giờ sống cách biệt với người thân, thì sau thời gian dài tù hãm và ngã lòng, ngọn gió hy vọng thổi bùng lên một cơn sốt và một trạng thái nóng nảy khiến họ hoàn toàn không còn một chút tự chủ. Một nỗi kinh hoàng xâm chiếm họ khi họ nghĩ rằng đã gần tới đích thế này mà họ có thể chết, có thể không được gặp lại người thân, và những nỗi đau đớn kéo dài không được trả giá. Đằng đẵng bao ngày tháng, họ đã âm thầm bền chí đợi chờ, mặc cho giam hãm và lưu đày. Nhưng nay niềm hy vọng đầu tiên đủ để phá hủy cái mà trước kia sợ hãi và thất vọng không thể đụng tới. Họ vội vàng xông tới như điên như dại để vượt lên trước dịch hạch, vì không thể theo nhịp bước của nó cho tới phút cuối cùng.

Và cũng trong thời kỳ này, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạc quan. Giá cả, chẳng hạn, hạ xuống trông thấy. Theo quan điểm kinh tế học thuần túy, thì không sao giải thích nổi sự biến động này. Những điều kiện khó khăn vẫn không thay đổi, các thủ tục cách ly kiểm dịch vẫn được duy trì ở các cửa ô, và việc tiếp tế chưa hề có dấu hiệu được cải thiện. Như thế là người ta đứng trước một hiện tượng thuần túy tâm lý, như thể sự rút lui của dịch bệnh tác động đến khắp mọi nơi. Đồng thời, hy vọng đến với những người trước kia sống tập thể nhưng vì dịch bệnh đã phải xa cách nhau. Hai tu viện trong thành phố được tái lập và cuộc sống chung lại bắt đầu. Tình hình cũng như vậy đối với binh sĩ được tập hợp trở lại trong các trại lính bỏ không: họ trở về với cuộc sống bình thường trong doanh trại. Những sự kiện nhỏ ấy là những dấu hiệu lớn.

Dân chúng sống trong sự náo động ầm ĩ cho tới ngày 25 tháng Giêng. Tuần lễ ấy, các con số thống kê xuống thấp tới mức sau khi hỏi ý kiến của hội đồng y tế, tỉnh thông báo là dịch bệnh có thể xem như đã bị loại trừ. Thông báo quả có nói thêm là theo một tinh thần cẩn trọng mà chắc hẳn dân chúng tán thành, các cửa ra vào thành phố sẽ còn bị đóng hai tuần nữa và các biện pháp phòng bệnh được duy trì trong một tháng. Trong thời kỳ này, hễ có một chút dấu hiệu tai họa có thể trở lại, thì “nguyên trạng phải được duy trì và các biện pháp áp dụng trở lại như xưa”. Tuy thế, mọi người đều xem những lời nói thêm ấy như là một điều khoản thường tình của mọi văn bản loại này và, tối 25 tháng giêng cả thành phố nhộn nhịp lên trong niềm vui. Để hòa vào niềm hân hoan chung, thị trưởng ra lệnh hồi phục ánh sáng bình thường. Thế là trên những đường phố sáng rực, dưới một bầu trời lạnh buốt và trong vắt, đồng bào chúng tôi đổ ra thành từng nhóm ồn ã và vui cười.

Dĩ nhiên, trong nhiều nhà, cửa vẫn kín mít và có những gia đình sống lặng im trong buổi tối hôm đó, trong khi những gia đình khác không ngớt hò reo. Tuy nhiên, đối với nhiều người đang chịu cảnh tang tóc này niềm an ủi cũng thật sâu lắng, hoặc vì không còn canh cánh nỗi lo sợ những người thân khác bị cướp đi, hoặc vì không còn phấp phỏng về sự an toàn của chính bản thân mình.

Nhưng không chối cãi gì nữa, còn xa lạ hơn cả với niềm vui chung là những gia đình, và đúng lúc đó, còn một người thân đang phải đối phó với dịch bệnh trong bệnh viện, và những gia đình, ở khu cách ly kiểm dịch hay ở nhà, đang chờ mong tai họa chấm dứt hẳn đối với gia đình mình như nó đã chấm dứt đối với các gia đình khác. Dĩ nhiên nó cũng hy vọng nhưng chỉ mới là một niềm hy vọng ấp ủ: họ đâu dám uống cạn ly khi chưa có quyền thực sự? Và chới với giữa khắc khoải và mừng vui, sự chờ mong ấy, buổi thức đêm âm thầm ấy đối với họ lại càng bội phần đau đớn trong nỗi vui mừng chung.

Nhưng những ngoại lệ này không hề làm giảm niềm vui của những người khác. Dĩ nhiên dịch hạch chưa chấm dứt và phải chờ nó chấm dứt. Nhưng trong mọi đầu óc, người ta đã hình dung, sớm đi những mấy tuần những đoàn xe lửa vừa kéo còi vừa chạy trên những con đường dài vô tận, và những con tàu rạch sóng trên những mặt biển sáng ngời. Rồi đây, đầu óc người ta có thể tỉnh táo hơn và những sự ngờ vực lại có thể nảy sinh. Nhưng lúc này, toàn thành phố chuyển động, rời bỏ những chốn âm u, lạnh lẽo và im lìm đã từng trói chặt chân nó, để cuối cùng cất bước với những người còn sống sót. Tối hôm đó, Tarrou và Rieux, Rambert và những người khác nữa bước đi giữa đám đông và dũng cảm thấy như bước chân mình bị hẫng. Rời khỏi các đại lộ đã một lúc lâu, Tarrou và Rieux vẫn nghe niềm vui ấy đuổi theo họ, kể cả lúc, trên những con đường nhỏ vắng vẻ, họ đi dọc những ô cửa sổ đóng kín mít. Và chính vì mệt mỏi, họ không thể tách được nỗi đau âm ỉ còn kéo dài sau những cánh cửa sổ khỏi niềm vui đang tràn ngập những phố phường lân cận. Nay mai, trong những ngày thành phố thoát khỏi dịch bệnh, chắc hẳn có cả tiếng cười lẫn nước mắt.

Vào lúc tiếng ồn ã vang lên mạnh hơn và vui vẻ hơn, Tarrou đứng dừng lại. Trên lòng đường tối om, một cái bóng chạy lẹ làng. Một chú mèo, chú mèo đầu tiên người ta bắt gặp từ đầu mùa xuân. Nó đứng im một lát giữa lòng đường, ngập ngừng, liếm chân, bỏ vội chân lên tai bên phải, rồi lặng lẽ chạy đi và biến vào đêm tối. Tarrou mỉm cười. Chắc hẳn ông già thích đùa và nhổ nước bọt lên mèo cũng sẽ hài lòng.

Nhưng vào lúc dịch hạch hình như bỏ đi để trở về nơi sào huyệt xa lạ mà từ đó nó đã chui ra một cách lặng lẽ thì trong thành phố, ít nhất cũng có một kẻ hoang mang vì sự ra đi đó. Kẻ ấy, theo sổ tay của Tarrou, chính là Cottard.

Thực ra, những cuốn sổ tay của anh trở nên khá kỳ cục từ những con số thống kê bắt đầu giảm xuống. Phải chăng vì mệt mỏi? Nhưng chữ viết thì trở nên khó đọc và tác giả luôn luôn nhảy từ đề tài này sang đề tài khác. Hơn nữa, và là lần đầu tiên, những cuốn ghi chép này thiếu tính khách quan và nhường chỗ cho những nhận xét cá nhân. Chẳng hạn, giữa những đoạn khá dài liên quan đến trường hợp Cottard, có mấy câu viết về ông già nhổ nước bọt xuống đàn mèo nọ. Theo lời Tarrou, dịch hạch không hề làm cho anh bớt kính trọng nhân vật này, người vẫn làm anh lưu tâm sau dịch hạch cũng như anh hằng lưu tâm trước kia, và chẳng may, anh không còn có thể lưu tâm nữa, mặc dù hảo ý của anh không dính dáng gì tới. Anh đã tìm cách gặp ông lão. Mấy ngày sau cái buổi tối 25 tháng giêng ấy, anh đứng nấp vào góc một phố nhỏ. Đàn mèo vẫn ở đấy, sưởi ấm giữa những vũng nắng, trung thành với buổi hẹn hò của chúng. Nhưng vào cái giờ quen thuộc, cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Những ngày sau, Tarrou không bao giờ thấy mở nữa. Anh kết luận một cách kỳ cục là ông già nổi giận hay đã chết, và nếu ông nổi giận, chắc hẳn vì ông nghĩ mình có lý và dịch hạch có lỗi, nhưng nếu ông chết, thì câu hỏi đặt ra đối với anh cũng như đối với ông lão bị hen suyễn, là ông có phải là một vị thánh không. Tarrou không nghĩ như thế nhưng lại cho rằng ông già có những “dấu hiệu” của một ông thánh. “Phải chăng, anh ghi trong sổ tay, người ta chỉ có thể xấp xỉ trở thành thần thánh mà thôi? Nếu thế thì đành bằng lòng với thế nào xatăng, nhưng là một tinh thần xatăng khiêm nhường và nhân ái”.

Luôn luôn xen lẫn với những lời nhận xét về Cottard, trong sổ ghi chép của Tarrou, là nhiều ý kiến, thường tản mạn, khi thì nói về Grand - giờ đây đã khỏi bệnh và lại bắt tay vào công việc như chẳng hề có gì xảy ra - lúc lại nhắc tới bà cụ Rieux. Một vài buổi chuyện vãn giữa bà cụ và Tarrou trong thời gian anh ở chung nhà với mẹ con bác sĩ, thái độ, nụ cười, những nhận xét của bà cụ về dịch hạch, đều được ghi lại tỉ mỉ. Tarrou đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ kín đáo của cụ Rieux, cái cách cụ diễn tả mọi việc bằng những câu đơn giản, niềm thích thú đặc biệt của cụ đối với một ô cửa sổ ngoảnh ra đường yên tĩnh và tối tối, cụ ngồi sau đó, người hơi ưỡn thẳng, hai bàn tay không động đậy và cặp mắt chăm chú cho tới khi bóng hoàng hôn bao phủ căn buồng, biến cụ thành một bóng đen trong ánh sáng nhờ nhờ mỗi lúc một thêm đậm và cuối cùng nuốt chửng cái bóng bất động ấy. Anh cũng nói kỹ về cử chỉ khẽ khàng của bà cụ khi cụ đi từ phòng này sang phòng khác; về lòng nhân hậu của cụ tuy không lúc nào biểu lộ ra cụ thể trước mặt anh nhưng anh thấy bừng sáng trong mọi lời nói và việc làm của cụ; cuối cùng, theo nhận xét của anh, về việc cụ biết hết thảy mà không bao giờ phải suy nghĩ, và im lặng như một cái bóng, cụ vẫn có thể ở ngang tầm của bất luận chân lý nào, dù là chân lý về dịch hạch chăng nữa. Vả lại, đến đây, chữ viết của Tarrou bắt đầu yếu đi một cách khác thường. Những dòng tiếp theo rất khó đọc, và như thể để chứng minh một lần nữa sự mềm yếu ấy, những từ cuối cùng trong sổ tay là những từ đầu tiên mang tính cách riêng tư: “Mẹ tôi cũng như vậy, tôi quý ở mẹ tôi cùng cách sống kín đáo, và tôi luôn luôn muốn gặp lại bà. Đã tám năm nay, tôi không thể nói mẹ tôi đã mất. Bà chỉ náu mình hơn thường ngày chút đỉnh và, khi tôi quay lại, bà đã không còn đấy nữa”.

Nhưng chúng ta phải quay lại Cottard thôi. Từ khi các con số thống kê giảm xuống, hắn nhiều lần đến gặp Rieux với nhiều cớ khác nhau. Nhưng thực ra, lần nào hắn cũng hỏi ông những chẩn đoán về sự tiến triển của dịch bệnh. “Liệu ông có cho là nó có thể chấm dứt như thế, đột ngột, không báo trước gì cả không?”, về điểm này, hắn bi quan hay ít ra hắn cũng tuyên bố như vậy. Nhưng những câu hỏi hắn đặt đi đặt lại hình như tỏ ra niềm tin của hắn ít vững chắc hơn. Đến nửa tháng giêng, Rieux trả lời một cách khá lạc quan. Và lần nào cũng vậy, đáng lẽ những câu trả lời đó làm Cottard hoan hỉ, thì trái lại, hắn có những thái độ phải, thay đổi tùy theo từng ngày, nhưng đi từ chỗ bực tức đến rầu rĩ. Về sau, bác sĩ Rieux phải nói với hắn là tuy những con số thống kê là những lời tiên báo khả quan, nhưng chưa nên vội reo thắng trận thì hơn.

- Nói khác đi, - Cottard nhận xét - chúng ta không biết gì hết, bất kỳ lúc nào nó cũng có thể chấm dứt nhanh hơn.

Tình trạng chưa thể quyết đoán ấy, mà ai nấy đều lo lắng, làm yên lòng Cottard một cách trông thấy, và trước mặt Tarrou, trong khi chuyện vãn với các nhà buôn trong khu phố, hắn tìm cách lan truyền ý kiến của Rieux, quả là hắn làm việc đó không khó khăn. Vì tiếp theo không khí cuồng nhiệt đối với những thắng lợi đầu tiên, nhiều người trở lại nghi ngờ, mối nghi ngờ dai dẳng sau trạng thái phấn chấn do lời tuyên bố của tỉnh gây nên. Cottard yên tâm trước bầu không khí lo âu này. Nhưng cũng như những lần khác, hắn lại thất vọng: “Đúng, hắn nói với Tarrou, cuối cùng người ta sẽ mở cửa thôi. Và ông sẽ thấy, họ sẽ bỏ rơi tôi cho mà xem!”.

Cho tới ngày 25 tháng Giêng, mọi người đều nhận thấy tính tình hắn không ổn định. Suốt mấy ngày liền, sau khi tìm mọi cách làm thân với khu phố và bè bạn, hắn trở lại công kích họ thẳng thừng. Ít ra cũng về bề ngoài, hắn rút lui khỏi mọi quan hệ xã hội và, ngày một ngày hai, sẽ sống cô độc. Người ta không còn thấy hắn ở quán ăn, ở rạp hát, và cả ở những tiệm cà phê hắn ưa thích. Thế nhưng hắn không có vẻ tìm thấy lại cuộc sống mực thước và âm thầm của mình trước khi có dịch bệnh. Hắn hoàn toàn sống ẩn dật trong căn buồng và đặt một quán ăn bên cạnh hàng ngày mang bữa ăn lên. Chỉ có buổi tối, hắn đi ra một cách lén lút, mua những thứ cần thiết, bước ra khỏi cửa hiệu và lao vội vào những đường phố hoang vắng. Nếu lúc đó Tarrou có gặp thì hắn cũng chỉ trả lời cụt lủn, qua quýt. Thế rồi, đột ngột, người ta lại thấy hắn thích giao thiệp, nói thao thao về dịch hạch, nài nỉ mỗi người cho ý kiến và mỗi tối lại thoải mái hòa mình và dòng người ngoài đường phố.

Hôm có thông báo của tỉnh, Cottard không hề xuất hiện. Hai ngày sau, Tarrou gặp hắn lang thang ngoài đường. Cottard yêu cầu anh cùng đi với hắn ra ngoài ngoại thành. Mệt lả sau một ngày làm việc, Tarrou lưỡng lự. Nhưng hắn nài nỉ. Hắn tỏ ra rất bồn chồn, giơ tay múa chân loạn xạ, nói nhanh và to. Hắn hỏi Tarrou thông cáo của tỉnh có chấm dứt thực sự dịch bệnh hay không. Dĩ nhiên, Tarrou cho rằng một bản thông cáo hành chính, tự thân nó, không đủ để ngăn chặn một tai họa, nhưng có thể nghĩ một cách có lý rằng dịch bệnh sẽ chấm dứt, trừ trường hợp bất ngờ.

- Đúng, Cottard, trừ bất ngờ. Và bao giờ cũng có bất ngờ.

Tarrou lưu ý hắn là có thể nói tỉnh đã dự kiến cái bất ngờ khi quy định một thời hạn hai tuần trước ngày mở lại cửa thành phố.

- Tỉnh đã làm đúng, - Cottard đáp, vẻ mặt vẫn âu sầu và bồn chồn - bởi vì theo cách tình hình diễn biến, thì có thể thông báo của tỉnh cũng chẳng đi đến đâu.

Tarrou cho là có thể như thế, nhưng dẫu sao vẫn nên hy vọng nay mai thành phố sẽ mở cửa và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

- Cứ cho là như thế, - Cottard bảo anh - cho là như thế đi, nhưng ông gọi “trở lại cuộc sống bình thường” là thế nào?

- Là những bộ phim mới ở rạp. - Tarrou mỉm cười đáp.

Nhưng Cottard không cười. Hắn muốn biết người ta có thể nghĩ là dịch hạch không hề làm thay đổi gì trong thành phố và mọi cái lại bắt đầu như trước, nghĩa là như thể không hề có gì xảy ra hay không? Tarrou cho rằng dịch hạch có thể làm thay đổi và cũng có thể không làm thay đổi thành phố, rằng dĩ nhiên, nguyện vọng tha thiết nhất của đồng bào chúng tôi - trước đây cũng như sau này - là hành động như thể không hề có gì thay đổi và do vậy, một mặt, sẽ không có gì thay đổi hết, nhưng mặt khác, không thể quên hết thảy, dù với nghị lực cần thiết, và dịch hạch có thể để lại dấu vết, chí ít cũng trong lòng người. Cottard tuyên bố không úp mở là hắn không quan tâm đến tấm lòng, và thậm chí tấm lòng là mối lo nghĩ sau cùng của hắn. Cái hắn quan tâm, là tìm xem bản thân tổ chức có thay đổi hay không, là mọi cơ quan có hoạt động như trước hay không chẳng hạn. Và Tarrou phải thừa nhận anh không hề hay biết gì về những cái đó cả. Theo anh, phải giả định là tất cả các cơ quan ấy, bị thiệt hại trong thời kỳ dịch bệnh, chắc sẽ gặp ít nhiều khó khăn để hoạt động trở lại. Cũng có thể nghĩ rằng rất nhiều vấn đề mới sẽ được đặt ra và đòi hỏi phải tổ chức lại, ít ra, cũng là những cơ quan cũ.

- A! Quả có thể là như thế, - Cottard nói - mọi người đều phải bắt đầu lại tất cả.

Hai người đi gần tới nhà Cottard. Hắn hoạt bát lên, cố làm ra vẻ lạc quan. Hắn hình dung thành phố bắt đầu sống trở lại, xóa sạch quá khứ để xuất phát lại từ con số không.

- Được - Tarrou bảo - Cuối cùng, có lẽ mọi việc cũng sẽ ổn thỏa cả với ông nữa. Bằng cách nào đó, một cuộc sống mới sắp bắt đầu.

Họ đi tới trước cửa và chia tay nhau.

- Ông nói có lý - Cottard tiếp lời, vẻ mặt tỏ ra mỗi lúc một thêm bồn chồn - Xuất phát trở lại từ con số không, thế là tốt lắm.

Nhưng từ bóng tối trong hành lang, hai người đàn ông xuất hiện. Tarrou chỉ vừa kịp nghe hẳn hỏi hai “chú chích” kia muốn gì. Thật vậy, hai “chú chích”, với vẻ những viên chức ăn mặc như trong ngày lễ, hỏi Cottard có phải hắn đúng là Cottard không. Hắn vừa thốt lên một tiếng kêu đục vừa quay mình lao vào bóng đêm trong khi hai người kia và cả Tarrou nữa chưa kịp làm một cử chỉ nhỏ. Qua phút sửng sốt, Tarrou hỏi hai người kia có ý định gì. Tỏ vẻ dè dặt và lễ độ, họ đáp là có vấn đề nắm tình hình và điềm tĩnh đi về hướng Cottard bỏ chạy lúc nãy.

Về nhà, Tarrou ghi lại cảnh tượng ấy và ngay lập tức nói về sự mệt mỏi của mình (chữ anh viết chứng minh khá rõ điều đó). Anh viết thêm là anh còn nhiều việc phải làm, nhưng đó không phải là một lý do để không sẵn sàng, và nghĩ bụng không biết quả thật mình đã sẵn sàng chưa. Để kết thúc - và đến đây kết thúc những điều Tarrou ghi chép - anh trả lời là bao giờ, ngày cũng như đêm, cũng có lúc một con người tỏ ra hèn nhát và anh chỉ có sợ cái lúc ấy.

Hai ngày sau, trước khi mở cửa thành phố mấy hôm Rieux trở về nhà vào buổi trưa, băn khoăn không biết có nhận được bức điện mình chờ mong không. Tuy công việc hàng ngày vẫn nặng nhọc tới kiệt sức chẳng khác giữa thời kỳ dịch bệnh trầm trọng nhất, lòng đợi chờ ngày giải thoát vĩnh viễn đã đánh tan mọi nỗi vất vả trong người ông. Giờ đây, ông hy vọng và hoan hỉ. Không phải bao giờ cũng có thể căng ý chí của mình ra và luôn luôn tỏ ra cứng rắn; thật là hạnh phúc khi cuối cùng, trong niềm vui chứa chan, có thể cởi nới bớt sức lực trước đây tập trung cho cuộc chiến đấu. Nếu bức điện ông mong chờ cũng mang đến tin vui thì Rieux lại có thể một lần nữa bắt đầu. Và ông tán thành là mọi người sẽ lại bắt đầu.

Ông đi qua trước nhà người gác cổng. Người gác mới, mặt áp sát vào tấm kính, mỉm cười với ông. Bước lên thang gác, ông bỗng thấy mặt mình xanh nhợt đi vì bao nỗi mệt mỏi và thiếu thốn.

Đúng, ông sẽ bắt đầu trở lại khi kết thúc tình trạng mơ hồ và với một chút may mắn... Nhưng khi mở cửa thì mẹ ông ra bảo là Tarrou không khỏe. Sáng nay, anh ngủ dậy nhưng không sao ra khỏi phòng và vừa phải nằm lại. Bà cụ tỏ vẻ lo âu.

- Có thể không có gì nghiêm trọng. - Rieux nói.

Tarrou nằm sóng sượt, đầu nặng nề đặt lõm xuống gối, bộ ngực lực lưỡng in rõ nét dưới lớp mền. Anh bị sốt và đau đầu. Anh bảo Rieux đây là những triệu chứng chưa rõ ràng nhưng cũng có thể là triệu chứng dịch hạch.

- Không, chưa có gì rõ ràng cả. - Rieux đáp, sau khi xem bệnh.

Nhưng Tarrou khát cháy họng. Trong hành lang, bác sĩ Rieux nói với mẹ có thể là bước đầu của dịch hạch.

- Ồ! - Cụ đáp - Không thể được, bây giờ thì không thể được.

Và ngay sau đó :

- Giữ anh ấy lại, Bernard ạ.

Rieux suy nghĩ :

- Con không có quyền, thưa mẹ. Nhưng cửa thành phố sắp mở. Con nghĩ đó là cái quyền đầu tiên con sẽ hưởng về phần con, nếu mẹ không ở đây.

- Bernard, - Cụ bảo - con hãy giữ cả mẹ lẫn anh ấy. Chỉ biết rõ là mẹ lại vừa mới tiêm chủng.

Rieux đáp là Tarrou cũng đã tiêm chủng nhưng có thể vì quá mệt mỏi, anh bỏ qua mũi cuối cùng và lãng quên một vài sự đề phòng.

Rieux bước vào phòng làm việc. Khi ông trở lại, Tarrou thấy ông cầm mấy ống huyết thanh to tướng.

- A! Thế đấy. - Anh nói.

- Không, nhưng vẫn phải đề phòng.

Không trả lời, Tarrou chìa cánh tay và chịu mũi tiêm kéo dài vô tận mà bản thân anh đã từng tiêm cho những người bệnh khác.

- Để tối nay, chúng ta sẽ xem ra sao. - Rieux bảo, và nhìn thẳng vào mặt Tarrou.

- Thế còn việc cách ly, Rieux?

- Không hề có gì chắc chắn là anh bị dịch hạch cả.

Tarrou mỉm cười một cách khó nhọc :

- Lần đầu tiên, tôi thấy tiêm huyết thanh mà lại không đồng thời ra lệnh cách ly.

Rieux quay mặt :

- Mẹ tôi và tôi, chúng tôi sẽ săn sóc anh. Ở đây, anh sẽ dễ chịu hơn.

Tarrou im lặng và Rieux, trong khi thu xếp các ống thuốc, chờ anh nói để quay đầu lại. Cuối cùng, ông bước đến bên giường. Người bệnh nhìn ông. Nét mặt anh mệt mỏi, nhưng cặp mắt màu xám thì bình tĩnh. Rieux mỉm cười với anh.

- Anh gắng ngủ đi. Lát nữa tôi sẽ quay lại.

Ra đến cửa, ông nghe tiếng Tarrou gọi. Ông trở lại bên giường.

- Rieux, - Cuối cùng anh nói, vẻ ngập ngừng - anh phải nói hết với tôi, tôi cần như thế.

- Tôi xin hứa với anh.

Tarrou cố gắng mỉm một nụ cười trên khuôn mặt đồ sộ nhưng nhăn nhúm.

- Cảm ơn. Tôi không muốn chết và tôi chiến đấu. Nhưng nếu không còn hy vọng gì nữa thì tôi muốn chết một cách tử tế.

Rieux cúi xuống, nắm vai anh :

- Không. Muốn trở thành một vị thánh thì phải sống. Anh phải chiến đấu.

Ngày hôm ấy, cơn rét căn cắt có giảm đi chút đỉnh, nhưng để đến chiều, nhường chỗ cho những trận mưa rào và mưa đá dữ dội. Chạng vạng tối, bầu trời quang đãng đi một ít và cơn rét càng buốt da buốt thịt. Buổi tối, Rieux trở về nhà. Không kịp cởi áo choàng, ông bước vào phòng bạn. Mẹ ông ngồi đan. Tarrou như vẫn nằm yên một chỗ, nhưng đôi môi trắng bợt đi vì cơn sốt chứng tỏ anh đang ra sức chống chọi.

- Thế nào? - Rieux hỏi.

Tarrou hơi nhích đôi vai lực lưỡng ra khỏi mép giường.

- Thế là, - Anh đáp - tôi đã thua cuộc.

Rieux cúi xuống gần anh. Hạch nổi lên dưới làn da cháy bỏng, lồng ngực anh vang dội lên những tiếng phì phò như thổi bễ. Thật kỳ lạ, Tarrou có triệu chứng của cả hai dạng dịch hạch. Rieux ngẩng dậy và nói huyết thanh chưa có đủ thì giờ phát huy hết tác dụng. Tarrou định nói nhưng cơn sốt làm anh nghẹt thở.

Sau bữa ăn tối, Rieux và bà cụ đến ngồi cạnh giường bệnh. Cuộc chiến đấu của Tarrou bắt đầu và Rieux biết chiến trận ác liệt này với thần dịch hạch sẽ kéo dài đến tận sáng hôm sau. Vũ khí tốt nhất của Tarrou không phải là đôi vai rắn chắc và bộ ngực lực lưỡng của anh, mà chính là dòng máu Rieux vừa cho rỉ ra dưới mũi kim tiêm, và trong dòng máu ấy, là một cái gì còn thầm kín hơn cả tâm hồn con người và không một khoa học nào có thể nắm được. Và ông chỉ còn ngồi nhìn bạn mình chiến đấu. Nhưng điều ông sắp làm, những apxe cần kết tụ, những liều thuốc bổ cần tiêm, tất cả những cái đó, nhiều tháng thất bại liên tiếp đã dạy cho ông biết đánh giá hiệu quả của chúng. Thực ra nhiệm vụ duy nhất của ông là tạo cơ hội cho cái ngẫu nhiên vốn thường chỉ xuất hiện khi được kích thích. Và cái ngẫu nhiên phải xuất hiện. Rieux đứng trước một bộ mặt dịch hạch khiến ông bối rối. Một lần nữa, nó ra sức đánh lạc hướng những chiến lược chống lại nó, nó xuất hiện ở những nơi người ta không chờ đợi nhưng lại biến khỏi những nơi tưởng chừng nó đã yên vị. Một lần nữa, nó chăm chú làm người ta kinh ngạc.

Tarrou chiến đấu trong im lặng. Suốt đêm anh không hề giãy giụa khi cơn bệnh tấn công nhưng anh chống trả với tất cả sức lực và sự im lặng của mình. Anh cũng không hề hé môi: đó là cái cách anh thú nhận giờ đây mình không được một phút lơ là. Rieux chỉ theo dõi các giai đoạn cuộc chiến đấu qua cặp mắt của bạn, lần lượt mở ra hay khép lại, mí mắt sát vào hay cách xa nhãn cấu, ánh mắt đăm đăm nhìn một đồ vật hay quay về phía hai mẹ con ông. Mỗi lần Rieux gặp ánh mắt ấy, là Tarrou lai hết sức gắng gượng mỉm cười.

Có lúc, nghe tiếng chân bước vội ngoài đường. Hình như là những bước chân chạy trốn trước một tiếng gầm rít từ xa nhưng mỗi lần một tiến lại gần và cuối cùng đổ nước xuống tràn ngập đường phố: mưa lại xối xả, và ngay sau đó có lần cả mưa đá rơi lốp bốp trên vỉa hè. Mấy bức mành lớn rung rinh trước cửa sổ. Trong bóng tối của căn phòng, Rieux có một lát lơ đãng vì tiếng mưa, nay lại ngắm nhìn Tarrou dưới ánh sáng cây đèn đầu giường. Bà cụ ngồi đan, chốc chốc lại ngẩng đầu chăm chú theo dõi người bệnh, Rieux đã làm mọi việc cần phải làm. Sau cơn mưa, trong phòng lại càng im ắng, chỉ có tiếng xáo động âm thầm của một cuộc chiến tranh vô hình. Da mặt nhăn nheo lại vì thức đêm, ông tưởng như nghe thấy, ở giới hạn tận cùng của im lặng, tiếng rít khẽ khàng và đều đặn đã từng theo bước chân ông trong thời kỳ dịch bệnh. Ông ra hiệu cho mẹ, mời cụ đi nghỉ. Cụ lắc đầu từ chối, mắt sáng lên, rồi xem xét kỹ lưỡng, ở đầu mũi kim, một cái mắt đan mà cụ không thật an tâm. Rieux đứng dậy cho người bệnh uống nước rồi lại ngồi xuống ghế. Tranh thời trời tạnh, khách đi đường bước vội trên hè phố. Bước chân họ nghe nhỏ và xa dần. Lần đầu tiên, Rieux thừa nhận đêm nay tấp nập người đi chơi muộn, và vắng tiếng còi xe cứu thương, giống như những đêm xưa kia. Một đêm giải thoát khỏi dịch hạch. Và hình như bị gió lạnh, ánh sáng và đám đông xua đuổi, dịch bệnh thoát khỏi những nơi tối tăm, sâu kín của thành phố để đến ẩn náu trong căn phòng ấm áp này và tấn công đợt cuối cùng cái cơ thể bất động của Tarrou. Cây néo đập lúa không còn nghiền bầu trời thành phố nữa. Nhưng nó khẽ rít lên trong bầu không khí nặng nề của căn phòng này. Chính tiếng rít đó, Rieux đã nghe suốt mấy tiếng liền. Phải chờ cho ở đây, tiếng rít cũng ngừng lại, ở đây, dịch hạch cũng phải tuyên bố thất trận.

Trước lúc hừng đông một ít, Rieux cúi về phía bà cụ :

- Mẹ phải đi nghỉ để thay con lúc tám giờ. Mẹ nhớ nhỏ thuốc trước khi ngủ.

Cụ Rieux đứng dậy, xếp đồ đan lại và bước đến bên giường bệnh. Mắt Tarrou đã khép lại được một lúc. Mồ hôi làm tóc anh xoắn lại trên vầng trán rắn rỏi. Cụ thở dài và người bệnh khẽ mở mắt. Anh thấy khuôn mặt hiền từ cúi về phía mình, và mặc dù nhịp đập thất thường của cơn sốt, anh vẫn gắng gượng mỉm cười. Nhưng đôi mắt lại khép lại ngay. Còn lại một mình, Rieux đến ngồi xuống chiếc ghế bành mẹ ông vừa rời khỏi. Đường phố im ắng và bây giờ tất cả hoàn toàn yên lặng. Trong phòng bắt đầu cảm thấy hơi lạnh buổi sáng.

Bác sĩ Rieux thiếp đi, nhưng chiếc xe ngựa đầu tiên lúc hừng đông đánh thức ông dậy. Ông rùng mình và, nhìn Tarrou, ông hiểu là vừa có một phút dịch bệnh ngừng tấn công và người bệnh cũng thiếp đi. Tiếng bánh xe ngựa bằng gỗ và bằng sắt xa dần. Ngoài cửa sổ, vẫn tối trời. Khi bác sĩ bước lại cạnh giường, Tarrou nhìn ông với cặp mắt còn đờ đẫn, như thể chưa ra khỏi giấc ngủ.

- Anh có ngủ được phải không? - Rieux hỏi.

- Phải.

- Anh thở có dễ hơn không?

- Chút ít. Như thế có nghĩa gì không?

Rieux im lặng, nhưng một lát sau nói :

- Không, Tarrou ạ, cái đó không nói lên được gì hết. Anh cũng biết như tôi hiện tượng giảm bệnh buổi sáng.

Tarrou tán thành.

- Cảm ơn - Anh nói - Anh cứ cho tôi biết đúng sự thật.

Rieux ngồi xuống phía cuối giường. Ông cảm thấy sát cạnh mình đôi chân người bệnh, dài và cứng đờ như tay chân một pháp tượng. Tarrou thở mạnh hơn.

- Lại sốt trở lại phải không, Rieux? - Anh hỏi, giọng ngạt thở.

- Đúng, nhưng đến trưa thì chúng ta sẽ tỏ.

Tarrou nhắm mắt, như muốn tập trung sức lực. Nét mặt lộ rõ mệt mỏi. Anh chờ cơn sốt: đâu đó, trong tận ruột gan anh, hình như nó đã cựa quậy. Ánh mắt anh giờ đây mờ đi. Nó chỉ sáng lên khi thấy Rieux cúi xuống bên cạnh.

- Anh uống đi. - Rieux bảo anh.

Tarrou uống xong, ngã đầu xuống gối.

- Nó kéo dài nhỉ. - Anh nói.

Rieux nắm cánh tay anh, nhưng Tarrou, ngoảnh mặt đi và không còn phản ứng nữa. Và bỗng nhiên, cơn sốt dồn lên trán anh dữ dội như nước lụt. Khi Tarrou ngoảnh lại nhìn, bác sĩ Rieux, nét mặt căng thẳng, động viên anh. Tarrou lại cố gắng mỉm cười nhưng nụ cười không sao vượt qua hai xương hàm sít chặt và đôi môi mà một dòng bọt trắng trắng hàn trám lại. Tuy vậy trên khuôn mặt đờ đẫn, đôi mắt vẫn bừng lên ánh sáng của lòng dũng cảm.

Đến bảy giờ, bà cụ Rieux bước vào phòng. Rieux vào buồng làm việc và gọi điện đến bệnh viện nhờ cử người thay thế mình. Ông cũng quyết định hoãn các buổi khám bệnh, ngã lưng một lát lên chiếc đi văng trong buồng làm việc, nhưng hầu như ngay lập tức lại đứng dậy và trở vào phòng người bệnh. Tarrou nằm đầu quay về phía bà cụ. Anh nhìn cái bóng người nhỏ nhắn ngồi thu mình lại bên cạnh mình, trên ghế tựa, hai tay chắp lại trên đùi. Và anh nhìn cụ đau đáu khiến cụ phải đặt một ngón tay lên môi và đứng dậy tắt ngọn đèn đầu giường. Nhưng ánh sáng ban ngày đã nhanh chóng xuyên qua các bức riđô, và một lát sau, khi mặt người bệnh thoát ra khỏi bóng tối, cụ Rieux thấy anh vẫn nhìn cụ. Cụ cúi xuống, sửa lại gối, và khi ngẩng dậy, khẽ đặt tay lên mái tóc Tarrou ướt đẫm và xoắn lại. Cụ nghe một giọng nói trầm đục như từ xa vọng tới cảm ơn cụ và bảo rằng bây giờ thì mọi cái đã ổn. Cụ ngồi xuống ghế, Tarrou khép mắt lại và trên khuôn mặt mệt mỏi hình như vẫn phảng phất một nụ cười, tuy miệng không sao mở được.

Đến trưa, cơn sốt lên đến tột đỉnh. Một cơn ho như từ trong nội tạng đến lay động cơ thể và người bệnh bắt đầu nôn ra máu. Hạch thôi không sưng nhưng vẫn cứng đờ như những chiếc đai ốc vặn chặt vào chỗ hõm giữa các khớp. Rieux biết không sao chích được. Trong những khoảng khắc giữa cơn sốt và cơn ho, Tarrou thỉnh thoảng vẫn nhìn Rieux và bà cụ. Nhưng chẳng bao lâu, mắt anh mở ít dần đi và luồng ánh sáng đến rọi vào khuôn mặt tàn tạ của anh cũng yếu dần. Cơn giông - dịch bệnh làm cơ thể anh run bần bật và co quắp lại, những tia chớp ngày một ít và Tarrou dần dần trôi dạt vào chỗ tận cùng của cơn bão táp. Trước mặt Rieux, chỉ còn cái hình hài từ nay bất động, không còn dấu vết nụ cười. Cái hình hài, vốn gần gũi ông biết bao nhiêu, giờ đây bị những ngọn giáo đâm nát, bị một nỗi đau siêu phàm đốt cháy, bị những ngọn gió căm hờn trong bầu trời vặn cho co quắp, cái hình hài đó bị nhấn chìm trong dòng nước dịch hạch trước mắt ông mà ông không làm được gì hết để chống lại sự chìm đắm này. Một lần nữa, ông phải đứng trên bờ, hai tay không và trái tim thắt lại, không vũ khí và cũng không cứu viện để chống lại thảm họa. Và cuối cùng mắt mờ đi vì những giọt lệ bất lực, Rieux không nhìn thấy Tarrou đột ngột quay vào tường, và tắt thở trong một tiếng rên rỉ yếu ớt như thể đâu đó, trong người anh, một sợi dây cốt tử bỗng đứt tung.

Đêm tiếp theo không phải là một đêm chiến đấu mà là một đêm vắng lặng. Trong căn buồng âm thầm, tách biệt, phía trên xác người chết đã thay quần áo mới, Rieux cảm thấy phảng phất bầu không khí yên tĩnh đến kỳ lạ vốn nhiều đêm trước kia đã từng phảng phất ở những mảnh sân thượng phía trên giường người bệnh, sau khi các cánh cửa bị tấn công. Vào thời kỳ ấy, ông đã nghĩ tới cái im ắng dâng lên từ những chiếc giường ông để bệnh nhân chết trên đó. Đâu đâu cũng là phút tạm nghỉ ấy, cái khoảnh khắc trang trọng ấy, cái không khí lắng dịu ấy theo sau cuộc chiến đấu: đây là cái im ắng của cảnh thất trận. Nhưng bầu không khí im lặng giờ đây bao phủ xung quanh bạn ông thì nó đông đặc, nó quyện chặt vào cái im lặng của các ngả đường và của thành phố được giải thoát khỏi dịch hạch, tới mức Rieux cảm thấy rõ rệt lần này là sự thất trận vĩnh viễn, sự thất trận kết thúc chiến tranh và làm cho cả bản thân hòa bình trở thành một nỗi đau không sao cứu chữa nổi. Bác sĩ Rieux không biết cuối cùng Tarrou có tìm thấy hòa bình hay không, nhưng ít ra cũng lúc này, ông nghĩ là sẽ không bao giờ còn hòa bình nữa cho bản thân mình, cũng như không còn đình chiến đối với người mẹ mất con hay đối với người phải chôn cất bạn mình.

Bên ngoài, cũng vẫn là một đêm rét buốt, những vì sao giá lạnh trong một bầu trời trong sáng và giá lạnh. Trong căn buồng tranh tối tranh sáng, người ta cảm thấy cái lạnh đè nặng lên các tấm kính cửa sổ, cảm thấy hơi thở phập phồng, nhợt nhạt của một đêm Bắc cực. Bà cụ Rieux ngồi cạnh giường, trong tư thế quen thuộc, cây đèn đầu giường soi sáng nửa mặt bên phải. Giữa căn buồng, cách xa ngọn đèn, Rieux ngồi chờ trong phôtơi. Ông chợt nghĩ đến vợ, nhưng mỗi lần như vậy, ông lại gạt ý nghĩ đó đi.

Bắt đầu đêm tối, bước chân những người đi qua vang lên mồn một trong đêm tối lạnh lẽo.

- Con lo đủ mọi thứ rồi chứ? - Bà cụ Rieux hỏi.

- Vâng, con gọi điện rồi.

Hai mẹ con lại thức qua một đêm vắng lặng.

Chốc chốc bà cụ Rieux nhìn con. Khi bắt gặp ánh mắt mẹ, Rieux mỉm cười. Những tiếng động ban đêm quen thuộc nối tiếp nhau trên đường phố. Tuy chưa được phép, không ít xe cộ đã hoạt động trở lại. Chúng nhanh chóng hút hết nước trên lòng đường, biến đi rồi trở lại. Tiếng người, tiếng gọi nhau, lại im ắng, rồi bước chân một con ngựa, tiếng hai toa xe điện rít lên trên một quãng đường vòng, những tiếng rì rầm mơ hồ, rồi lại hơi thở của đêm khuya.

- Berna?

- Dạ!

- Con không mệt à?

- Không mẹ ạ.

Rieux biết lúc này mẹ ông nghĩ gì và ông thương mẹ. Nhưng ông cũng biết rằng yêu thương một con người không phải là một việc to tát, hay ít ra cũng biết rằng một tình thương không bao giờ có đủ sức mạnh để tìm ra cách biểu hiện riêng của nó. Chẳng hạn, mẹ ông và ông sẽ mãi mãi yêu thương nhau trong im lặng. Và đến lượt mẹ ông - hay ông - sẽ chết, nhưng trong suốt cuộc đời, họ không thể đi xa hơn trong việc bộc lộ tình cảm. Cũng như vậy, ông sống bên cạnh Tarrou và tối nay, anh đã mất, nhưng tình bạn của họ chưa có đủ thì giờ để được chia sẻ thực sự. Tarrou đã “thua cuộc”, như anh nói. Còn ông, Rieux, ông đã được cái gì? Cái ông được, chỉ là biết và giữ lại kỷ niệm về dịch hạch, biết và giữ lại kỷ niệm về tình yêu ấy. Tất cả những gì con người có thể “được” trong ván bài dịch hạch và cuộc đời, là tri thức và ký ức. Phải chăng Tarrou gọi chính cái đó là thắng cuộc. Một lần nữa, một chiếc ô-tô chạy qua và bà cụ Rieux khẽ cựa mình trên ghế. Rieux mỉm cười với mẹ. Cụ bảo cụ không mệt, và ngay sau đó, lại nói :

- Rồi con phải lên nghỉ trên núi, chỗ nhà an dưỡng ấy.

- Dĩ nhiên, mẹ ạ.

Đúng, ông sẽ lên nghỉ trên ấy. Sao lại không? Đó cũng còn là một cơ hội để nhớ lại. Nhưng nếu như thế là “được cuộc” thì phũ phàng biết bao khi chỉ sống với những cái mình biết và những cái mình nhớ lại, mà thiếu đi cái mình ước mong. Chắc hẳn Tarrou đã sống như vậy và đã nhận ra cái vô vị của một cuộc sống không có ảo mộng. Không thể có hòa bình nếu không có ước vọng, và Tarrou, người không cho phép con người lên án bất kỳ ai, tuy biết rằng không ai có thể tự ngăn cấm mình lên án cả và thậm chí nạn nhân đôi khi có thể trở thành đao phủ, chính Tarrou đã sống trong sự giằng xé và mâu thuẫn, anh chưa bao giờ biết ước vọng. Phải chăng vì vậy mà anh muốn có thánh đức và tìm kiếm hòa bình trong việc phục vụ con người? Thực ra, Rieux không hay biết gì hết và cái đó không mấy quan trọng. Những hình ảnh duy nhất của Tarrou mà ông giữ lại là hình ảnh con người nắm chặt tay lái ô-tô hay hình ảnh một cơ thể mập mạp giờ đây sóng soài, bất động. Một sức ấm của cuộc sống và một hình ảnh của cái chết, tri thức là thế đó.

Chắc hẳn vì vậy mà sáng hôm sau, bác sĩ Rieux tỏ ra bình tĩnh khi nhận được tin vợ ông qua đời. Lúc đó, ông đang ngồi trong phòng làm việc. Mẹ ông bước vào như chạy đưa cho ông một bức điện, rồi quay ra để cho người mang điện tới tiền puốcboa. Khi cụ trở lại, thì Rieux tay cầm bức điện đã mở ra. Cụ nhìn con, nhưng Rieux, qua ô cửa sổ, vẫn đăm đăm nhìn cảnh ban mai rực rỡ trên bến cảng.

- Bernard! - Cụ Rieux cất tiếng.

Rieux nhìn mẹ, với vẻ lơ đãng.

- Bức điện gì thế con? - Cụ hỏi.

- Chuyện ấy đây mẹ ạ! - Rieux thừa nhận - Cách đây đã tám hôm.

Bà cụ Rieux quay mặt ra cửa sổ. Rieux im lặng. Rồi ông bảo mẹ đừng khóc. Ông nói là ông đã dự kiến từ trước, nhưng dù sao cũng khó khăn. Ông biết nỗi đau của mình không phải là một nỗi đau đột ngột. Đã từ mấy tháng và từ hai ngày nay, vẫn một nỗi đau ấy cứ đeo đuổi.

Cuối cùng, cửa thành phố được mở, vào một buổi bình minh tháng Hai đẹp trời, trong niềm hoan hỉ của dân chúng, báo chí, đài phát thanh và cả trong lời văn bản thông cáo của tỉnh. Vì vậy người kể chuyện chỉ còn công việc đưa tin về những giờ phút hân hoan sau khi cửa mở, tuy bản thân anh ta không thuộc số người tự do tham dự hoàn toàn đầy đủ những giờ phút ấy.

Nhiều cuộc vui chơi lớn được tổ chức cả ngày lẫn đêm. Xe lửa cũng bắt đầu nhả khói ngoài sân ga trong lúc, từ những vùng biển xa xăm tới, tàu bè đã hướng mũi về phía cảng chúng tôi, ghi nhận, theo cách của chúng, rằng ngày hôm nay là ngày hội tụ trọng đại đối với tất cả những ai than vãn vì cảnh chia ly.

Cái ý thức về sự biệt ly đã từng ấp ủ biết bao trong lòng đồng bào chúng tôi, giờ đây, bạn đọc dễ dàng hình dung nó chuyển biến ra sao. Các toa xe lửa, khi vào thành phố ban ngày cũng đông nghịt người, chẳng kém khi đi ra. Ai cũng dành chỗ cho mình ngày hôm đó, trong suốt hai tuần lễ “án treo”, vì phấp phỏng đến phút cuối cùng, quyết định của tỉnh có thể bị hủy bỏ. Và một số hành khách khi đến gần thành phố vẫn không hết lo sợ hoàn toàn, vì nếu nói chung họ biết số phận của người thân thì, trái lại, họ không hay biết gì hết về những người khác và về bản thân thành phố mà họ hình dung một bộ mặt đáng sợ. Nhưng điều này chỉ đúng đối với những ai không nung nấu tình cảm trong suốt khoảng thời gian ấy.

Thật vậy, những người say mê chỉ có khăng khăng một ý nghĩ nhất định. Đối với họ, chỉ có một cái thay đổi: trong những ngày tháng xa cách đằng đẵng, họ mong ngóng thời gian trôi thật nhanh và cho đến khi đã nhìn thấy thành phố, vẫn thiết tha muốn thời gian hối hả; thế nhưng tàu vừa bắt đầu hãm bánh trước khi đỗ, thì họ lại mong thời gian trôi chậm và ngưng đọng lại. Cái cảm giác vừa mơ hồ vừa sắc nhọn trong lòng họ về những tháng ngày mất mát đối với tình yêu, khiến họ mơ màng mong muốn một sự bù đắp sao cho thời khắc vui mừng trôi qua chậm hơn hai lần thời khắc chờ đợi. Và những người chờ đón họ trong một căn phòng hay trên sân ga cũng trong một tâm trạng bàng hoàng và thấp thỏm như vậy. Chẳng hạn như Rambert mà người yêu, được báo trước hai tuần, đã làm mọi việc cần thiết để đến với anh. Anh phấp phỏng chờ mong đem đối chứng tình yêu - đã trở thành một cái gì trừu tượng trong những tháng dịch bệnh - với con người bằng xương bằng thịt, nó là cái giá đỡ của mối tình ấy.

Anh những muốn, như lúc dịch bệnh mới bắt đầu, thoát ngay khỏi thành phố và chạy ào đến gặp người yêu. Nhưng anh biết nay thì không được rồi. Anh đã thay đổi; dịch hạch đã đưa vào trong anh một thứ lơ đãng mà anh ra sức tìm cách phủ nhận nhưng không sao thoát ra khỏi: nó dai dẳng trong lòng anh một cách âm thầm đáng sợ. Ở một mặt nào đó, anh có cảm giác dịch bệnh chấm dứt quá đột ngột khiến anh luống cuống. Hạnh phúc vùn vụt ập tới và tình hình xảy đến nhanh hơn lòng chờ mong. Rambert hiểu rằng tất cả sẽ được trả lại cho mình ngay cùng một lúc và niềm vui đến cháy bỏng thật khó tận hưởng.

Vả lại, ít nhiều tự giác, mọi người cũng đều một tâm trạng như Rambert, và người kể chuyện phải nói về tất cả mọi người. Trên sân ga, nơi họ bắt đầu trở lại cuộc sống riêng, họ vẫn cảm thấy mình ở trong cộng đồng trong khi cùng nhau trao đổi những ánh mắt và những nụ cười. Nhưng vừa nhìn thấy làn khói xe lửa là cái cảm giác lưu đày bỗng nhiên tan biến, và niềm vui trào dâng, hỗn độn, choáng váng. Tàu dừng bánh. Chỉ trong giây phút, trên sân ga, non phần lớn đã diễn ra những cuộc chia tay ngày trước, cảnh ly biệt đột ngột chấm dứt. Người ta ôm choàng lấy những cơ thể mà người ta không còn nhớ rõ nét rõ hình nữa, cử chỉ vừa vồ vập, hối hả nhưng cũng vừa thận trọng, dè xẻn. Rambert chưa kịp nhìn cái bóng người chạy về phía mình thì nàng đã ngã vào lòng anh. Và dang rộng hai tay ôm choàng lấy nàng, siết chặt vào ngực mình cái đầu mà anh chỉ nhìn thấy mái tóc quen thuộc, anh không ngăn nổi những giọt nước mắt mà anh không rõ là vì niềm hạnh phúc hiện tại hay vì một nỗi đau kìm nén quá lâu, nhưng ít ra cũng biết chắc những giọt lệ ấy ngăn không cho anh kiểm tra xem cái khuôn mặt đang ngã trên vai mình có phải là khuôn mặt anh hằng biết bao ao ước, hay trái lại là của một người đàn bà xa lạ. Sau này, anh sẽ biết nỗi lòng ngờ vực của mình có xác thực hay không. Còn lúc này, anh muốn làm như tất cả những người xung quanh: họ có vẻ tin rằng dịch hạch có thể đến và có thể ra đi, nhưng lòng con người thì không vì vậy mà thay đổi.

Sát bên nhau, mọi người trở về nhà, không nhìn thấy gì khác trên đời. Với vẻ mặt chiến thắng dịch bệnh, họ quên hết mọi nỗi đau, quên cả những người đồng hành bất hạnh vì không thấy ai ra đón nên đành trở về, nơm nớp lo sợ mối ngờ vực trong lòng sau bao ngày xa vắng sẽ trở thành sự thật. Đối với những người nỗi đau còn roi rói này cũng như đối với những người đang xót xa nhớ lại hình bóng người thân đã mất thì tình hình khác hẳn và nỗi đau ly biệt lên tới cực điểm. Đối với họ, những người mẹ, những người chồng, người vợ, người yêu, những người không còn bao giờ chia sẻ niềm vui với người thân giờ đây đang lạc loài trong một cái hố vô danh hay tan biến trong một đống tro tàn, thì dịch hạch vẫn tồn tại.

Nhưng ai nghĩ tới những cảnh cô đơn ấy? Trưa đến, mặt trời chiến thắng những luồng gió lạnh thổi ào ạt từ sáng sớm, liên tiếp đổ xuống thành phố những luồng ánh sáng bất động. Thời gian như chững lại. Trên các đỉnh đồi, đại bác các chiến lũy gầm vang không ngớt trong một bầu trời im ắng. Cả thành phố đổ ra đường ăn mừng cái giờ phút bị dồn nén này, khi thời điểm đau thương kết thúc nhưng thời điểm lãng quên chưa bắt đầu.

Khắp nơi, người ta nhảy múa. Ngày một ngày hai, lưu lượng giao thông tăng lên dữ dội và ô-tô, ngày một nhiều hơn, đi lại khó khăn trên những đường phố chật ních. Chuông thành phố gióng giả đổ hồi suốt buổi chiều, vang rền cả một bầu trời màu xanh với ánh sáng vàng rực. Trong nhà thờ, người ta cầu kinh tạ ơn Chúa. Nhưng đồng thời, những nơi vui chơi đông nghịt người thì không còn chen chân nổi và các quán cà phê, không nghĩ tới tương lai, đem dốc hết những chai rượu cuối cùng. Trước quầy rượu, chen chúc những người cùng trong một trạng thái kích động như nhau, và những cặp trai gái siết chặt lấy nhau, không e dè những lời dị nghị. Ai nấy đều la hét, cười vang. Nguồn sinh lực dành dụm trong những ngày tháng mà tâm hồn mỗi người chỉ le lói như ngọn đèn đêm, hôm ấy, người ta đem ra xả láng như trong ngày sống sót của họ. Ngày mai, bản thân cuộc sống bắt đầu, với mọi sự cẩn trọng. Còn lúc này, những con người nguồn gốc rất khác nhau cùng nhau chen vai thích cánh, và coi nhau như anh em. Cái bình đẳng mà sự hiện diện của tử thần, thực tế, không thực hiện được, thì nay được thiết lập bởi niềm vui giải thoát, chí ít cũng trong mấy tiếng đồng hồ.

Những niềm vui ào ạt dung tục ấy không nói được hết tất cả và, vào cuối buổi chiều hôm đó, bên cạnh Rambert, những người đổ ra đường thường che giấu, dưới vẻ điềm tĩnh bề ngoài, những niềm hạnh phúc cao nhã hơn. Nhiều cặp trai gái và nhiều gia đình, nhìn bề ngoài thì chỉ là những người dạo chơi thanh bình. Thực ra, số đông làm những cuộc hành hương thành kính ở những nơi họ đã từng chịu đau thương. Họ muốn chỉ cho người mới về những dấu hiệu lộ liễu hay âm thầm của dịch hạch, những di tích lịch sử của nó. Có trường hợp người ta chỉ đóng vai trò người đưa đường, người đã từng thấy nhiều điều, đã từng sống những ngày dịch bệnh; người ta nói tới hiểm họa chứ không nhắc đến khiếp hãi. Đó là những thú vui vô hại. Nhưng cũng có trường hợp những cuộc hành trình sôi động hơn: thả mình trong nỗi kinh hoàng êm đềm của quá khứ, một người yêu có khi nói với người yêu: “Ở chốn này, vào những ngày ấy, anh thèm khát em, nhưng em không có mặt”. Những người say mê dục vọng này, lúc đó, có thể bình tâm lại; với những tiếng thầm thì, những lời tán tỉnh, họ tách mình ra khỏi cảnh náo động xung quanh. Còn hơn cả những dàn nhạc ở ngã tư đường phố, chính họ là người báo hiệu sự giải thoát thực sự. Giữa cảnh ồn ã, những cặp trai gái, sát cánh bên nhau và hà tiện lời nói, khẳng định dịch hạch và kinh hoàng đã chấm dứt, với tất cả chiến thắng và nỗi bất công của hạnh phúc. Điềm tĩnh, họ phủ nhận một sự thật hiển nhiên: họ cho rằng chúng tôi chưa bao giờ biết tới cái thế giới điên loạn trong đó giết chết một con người cũng là chuyện thường tình như giết chết những con ruồi; cũng chưa bao giờ biết tới cảnh man rợ hiển nhiên ấy, cơn mê sảng được tính toán ấy, cảnh giam hãm vốn mang theo nó một thứ tự do kinh khủng đối với tất cả những gì không phải là hiện tại. Theo họ thì chúng tôi chưa hề biết tới cái mùi xác chết vốn làm sững sờ tất cả những ai nó không giết hại. Cuối cùng họ cho rằng chúng tôi không phải là những con người bàng hoàng mà hàng ngày một bộ phận bị chất đống trong miệng lò thiêu, tan ra thành những luồng khói béo nhẫy, còn một bộ phận thì xủng xoảng những sợi dây xích bất lực và khiếp hãi chờ đến lượt mình.

Dẫu sao, đó cũng là tình hình đập vào mắt bác sĩ Rieux khi lững thững một mình, ông đi ra ngoại ô, vào cuối một buổi chiều, giữa tiếng chuông, tiếng đại bác, tiếng nhạc và những tiếng kêu inh tai. Ông vẫn tiếp tục hành nghề vì người bệnh thì không có ngày nghỉ. Trong luồng ánh sáng đẹp đẽ, mịn như tơ, bốc lên mùi vị thịt nướng và rượu hồi quen thuộc. Xung quanh ông, những khuôn mặt hớn hở ngẩng lên nhìn bầu trời. Đàn ông và đàn bà níu lấy nhau, mặt bừng bừng, với tất cả sự kích động và tiếng gào thét của dục vọng. Đúng, dịch hạch và kinh hoàng đã chấm dứt, và quả những cánh tay quấn quýt lấy nhau nói rằng dịch bệnh đã gây nên cảnh lưu đày và ly biệt, theo nghĩa sâu xa của những từ này.

Lần đầu tiên, Rieux có thể đặt một cái tên cho cái vẻ giống nhau mà ông nhìn thấy, trong nhiều tháng liền, trên tất cả các khuôn mặt của những người đi đường. Giờ đây, ông chỉ cần nhìn ra xung quanh. Đến cuối thời kỳ dịch hạch, cùng với đau khổ và thiếu thốn, cuối cùng, mọi người đã mặc lại y phục của vai trò mà họ từng đóng từ lâu, vai trò của những kẻ di cư mà trước kia qua bộ mặt và giờ đây qua áo quần, ai cũng hiểu họ sống xa người thân và tổ quốc. Từ khi vì dịch hạch phải đóng cửa thành phố, họ chỉ còn sống trong cách biệt, tách ra khỏi cái hơi ấm con người vốn làm người ta quên hết thảy. Trong mọi ngóc ngách của thành phố, ở những mức độ khác nhau, đàn ông và đàn bà đều khao khát một cuộc đoàn tụ khác nhau về tính chất đối với mỗi người nhưng giống nhau đối với mọi người ở chỗ nó không sao thực hiện được. Số đông thiết tha hướng về người vắng mặt, về sức ấm một cơ thể, về sự vỗ về hay về thói quen. Một số ít thì đau khổ - tuy nhiều khi không biết mình đau khổ - vì không còn tình thân của những người khác, thậm chí không còn có thể thư từ hoặc đi lại thăm viếng họ. Những người khác nữa - số này ít hơn cả - có lẽ như Tarrou, thì muốn gặp gỡ một cái gì đó không sao xác định được, nhưng đối với họ, cái đó là niềm hạnh phúc duy nhất có thể cầu mong. Và vì không có một tên gọi khác, đôi khi, họ gọi nó là sự thư thái.

Rieux vẫn cất bước. Ông càng đi thì phố xá càng tấp nập, tiếng ồn ã càng dữ dội và ông có cảm giác vùng ngoại ô ông muốn đi tới cũng càng lùi xa hơn. Dần dà, ông hòa vào cái dòng người náo động ấy và mỗi lúc một thêm hiểu rõ tiếng kêu của họ, tiếng kêu không nhiều thì ít cũng là tiếng kêu của riêng ông. Đúng, mọi người đều đã cùng nhau đau khổ, trong thịt da cũng như trong tâm hồn, một nỗi đau của một sự trống khuyết gian khổ, một nỗi lưu đày không phương cứu chữa, một niềm khao khát không bao giờ được thỏa mãn. Giữa đám xác chết chồng chất, giữa tiếng còi xe cứu thương, giữa những lời cảnh cáo của cái mà chúng ta phải gọi đích danh là số phận, giữa sự giày xéo dai dẳng của nỗi kinh hãi và sự vùng dậy khủng khiếp của con tim họ, giữa tất cả cái đó, một tiếng rì rầm mênh mông không ngớt lan rộng và báo động cho những con người kinh hoàng kia, bảo họ phải tìm cho thấy tổ quốc thực sự của mình. Đối với tất thảy những người ấy, tổ quốc thực sự nằm ở bên kia những bức tường của cái thành phố bị bóp nghẹt này. Nó nằm trong những lùm cây hương ngát trên đồi núi, nó nằm ngoài biển cả, ở những đất nước tự do và trong sức nặng của tình yêu. Và họ muốn trở về với tổ quốc, với hạnh phúc, chán ngấy mọi cái khác.

Còn cảnh lưu đày và khát vọng đoàn tụ có ý nghĩa gì, Rieux không hề hay biết, vẫn cất bước trong cảnh chen vai thích cánh và nghe gọi đến tên mình, dần dà, ông đi tới những con đường thưa thớt hơn và nghĩ bụng những cái đó có ý nghĩa hay không là không quan trọng, mà quan trọng là ước vọng của con người được đáp ứng ra sao.

Từ nay, ông biết nó được đáp ứng như thế nào và ông càng biết rõ hơn khi đặt chân lên những con đường hoang vắng ở ngoại thành. Những người bằng lòng với số phận nhỏ nhoi của mình chỉ muốn trở về ngôi nhà đã từng ấp ủ tình yêu của họ và có khi họ được đền đáp. Dĩ nhiên, một vài người trong số đó vẫn tiếp tục lang thang, cô đơn ngoài phố vì người thân mà họ chờ mong không còn nữa. Vẫn còn may mắn là những ai không phải nếm cảnh hai lần ly biệt như một số ít người trước kia thất vọng trong tình trường và sau đó, suốt bao năm tháng, mù quáng theo đuổi một mối tình gian truân để cuối cùng chỉ đi tới một sự gắn bó giữa những cặp trai gái yêu nhau nhưng lại thù ghét nhau. Cũng như bản thân Rieux, những người nói trên nhẹ dạ trông chờ vào thời gian: họ đã bị chia ly vĩnh viễn. Nhưng những người khác, như Rambert mà Rieux vừa mới chia tay sáng nay trong lúc nói với anh: “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”, thì đã gặp lại không một chút ngập ngừng người xa vắng mà họ những tưởng không còn nữa. Họ sẽ hưởng hạnh phúc, ít ra cũng trong một thời gian. Giờ đây, họ hiểu ra rằng nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì điều đó chính là tình thương của con người.

Trái lại, đối với tất cả những ai muốn vượt lên trên con người để thổ lộ với một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, thì không hề có câu giải đáp. Tarrou hình như đã tìm thấy sự thư thái gian khổ mà anh đã nói tới, nhưng anh chỉ tìm thấy trong cái chết, vào lúc nó chẳng giúp ích được gì cho anh nữa. Trái lại, nếu những người khác - mà Rieux nhìn thấy ngồi trước cửa nhà họ, trong ánh chiều tà, ra sức ghì chặt lấy nhau và nhìn nhau mê mẩn đã đạt được điều họ mong ước, là vì họ chỉ yêu cầu điều duy nhất phụ thuộc vào chính họ. Và khi quay về đường phố Grand và Rambert ở, Rieux nghĩ bụng nếu ít ra cũng thỉnh thoảng, niềm vui đến bù đắp cho những ai mãn nguyện với con người và với tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người, thì đó là điều công bằng.

Tập ký này sắp kết thúc. Đã đến lúc bác sĩ Rieux thú nhận ông là tác giả. Nhưng trước khi thuật lại những sự kiện cuối cùng, tác giả muốn ít nhất cũng biện minh cho sự can thiệp của mình và lý giải việc mình thiết tha giữ thái độ của một nhân chứng khách quan. Trong suốt thời kỳ dịch hạch, nghề nghiệp cho phép ông gặp phần lớn đồng bào chúng tôi và thu nhập ý nghĩ, tình cảm của họ. Vì vậy, ông có đủ tư cách để thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe. Nhưng ông muốn làm điều đó với tất cả sự dè dặt cần thiết. Nói chung, với thái độ thận trọng, ông chỉ tường thuật những điều mắt thấy tai nghe, không gán cho bạn bè trong thời dịch bệnh những ý nghĩa mà thực ra họ không nhất thiết phải có; ông chỉ sử dụng những văn bản tình cờ hay chẳng may rơi vào tay mình.

Phải ra làm chứng trong một vụ tội phạm, ông có thái độ ít nhiều dè dặt, xứng đáng với một nhân chứng có thiện chí. Nhưng đồng thời theo quy luật của một con tim nhân hậu, ông dứt khoát đứng về phía nạn nhân và muốn đến với con người, với đồng bào mình, nhưng chỉ trong những nỗi niềm chung là tình yêu, khổ đau và ly biệt. Chính vì vậy không có một nỗi đau nào của đồng bào mà ông không chia sẻ, không có một cảnh huống nào mà ông không xem như là cảnh huống của chính bản thân mình.

Để làm một nhân chứng trung thực, ông phải thuật lại chủ yếu những hành vi, tư liệu và dư luận. Còn những gì mà cá nhân ông phải nói, nỗi chờ mong và những cơn thử thách của mình thì ông lại không nói. Thảng hoặc ông có nói đến, là cũng chỉ để hiểu đồng bào ông hoặc làm cho họ hiểu và để mang lại một hình dạng càng cụ thể càng tốt cho cái mà thông thường họ chỉ cảm thấy một cách mơ hồ. Thực ra, sự cố gắng đó về lý trí, ông chẳng phải trả giá gì hết. Khi muốn đưa thẳng nỗi niềm tâm tư của mình vào trong hàng nghìn tiếng nói của những người bị dịch hạch, thì một ý nghĩ ngăn ông lại, ý nghĩ đó không có một nỗi đau của ông mà lại đồng thời không phải là nỗi đau nào của những người khác, và trong một thế giới mà nỗi đau thường hết sức cô đơn, thì như thế là một cái lợi. Dứt khoát, ông phải nói vì tất cả mọi người.

Nhưng ít ra cũng có một đồng bào chúng tôi mà bác sĩ Rieux không thể nói thay cho người đó. Đó là kẻ mà một hôm Tarrou đã nói về hắn với Rieux như sau: “Tội ác thực sự duy nhất của hắn, là hắn tán thành trong thâm tâm những gì làm chết trẻ em và người lớn. Còn nữa, tôi biết cả, những cái đó tôi buộc phải tha thứ cho hắn”. Tập ký này kết thúc để nói về hắn là đúng, hắn, một kẻ có một trái tim ngu ngốc, nghĩa là cô độc.

Ra khỏi những con đường lớn ồn ã trong ngày hội, đúng vào lúc quành vào đường phố Grand và Cottard ở, bác sĩ Rieux bị cả một hàng rào cảnh sát ngăn lại. Ông không ngờ tới. Những tiếng rì rầm xa xăm của ngày hội càng làm cho khu phố này vắng lặng; ông thấy nó vắng người cũng như vắng tiếng. Ông xuất trình giấy tờ.

- Không được, thưa Rieux - Một cảnh binh lên tiếng - Một thằng điên bắn súng vào đám đông. Nhưng mời ông dừng chân, ông có thể có ích đây.

Vào lúc đó, ông thấy Grand đi tới. Grand cũng không hay biết gì hết. Người ta không cho anh đi qua và bảo anh là có phát súng bắn ra từ ngôi nhà anh. Thật vậy, từ xa, người ta nhìn thấy trước mặt ngôi nhà, một màu vàng hoe dưới những tia nắng cuối cùng của mặt trời chiều tà không còn sức nóng. Trước mặt nhà là một khoảng trống lớn chạy dài tới vỉa hè đối diện. Chính giữa lòng đường, người ta nhìn thấy rõ một cái mũ và một mảnh vải bẩn. Rieux và Grand nhìn thấy tận đàng xa, phía bên kia đường, một hàng rào cảnh binh khác song song với hàng rào cảnh binh đã ngăn giữ họ lại, và ở phía sau, mấy người dân trong khu phố đi qua đi lại một cách vội vã. Nhìn kỹ, họ lại thấy cảnh sát tay lăm lăm súng sáu, nấp sau cửa những ngôi nhà đối diện với nhà Grand và Cottard ở. Tất cả cửa sổ ngôi nhà đều đóng kín. Nhưng ở tầng ba, một cánh cửa sổ hé mở. Đường phố im lìm. Chỉ nghe một vài tiếng nhạc vọng lại từ trung tâm thành phố.

Bỗng, từ một ngôi nhà đối diện, hai phát súng sáu nổ vang và những mảnh gỗ tung lên từ cánh cửa sổ hé mở bị bắn trúng. Rồi lại im lặng. Từ xa, và sau không khí náo nhiệt trong ngày, Rieux cảm thấy như có một cái gì huyền ảo.

Cánh cửa sổ nhà Cottard đây, bỗng Grand cất tiếng, vẻ rất bồn chồn. Nhưng Cottard đã biến mất rồi kia mà.

- Sao lại bắn thế? - Rieux hỏi một cảnh binh.

- Chúng tôi đang đánh lừa hắn. Chúng tôi chờ xe ca với dụng cụ cần thiết, vì hắn bắn vào những người tìm cách vào bằng cửa lớn. Có một nhân viên chúng tôi trúng đạn.

- Vì sao hắn bắn?

- Chúng tôi không rõ. Bà con đang vui chơi ngoài đường phố. Nghe tiếng súng sáu đầu tiên, họ không hiểu. Đến tiếng thứ hai, thì có người kêu la, một người bị thương và mọi người bỏ trốn. Một thằng điên, chứ sao?

Trong cảnh im ắng trở lại, thời giờ như kéo dài lê thê. Bỗng từ bên kia đường, họ thấy xổ ra một con chó, con chó đầu tiên Rieux trông thấy từ bao lâu nay, một giống chó Tây Ban Nha mà chắc hẳn chủ nhà phải giấu đi cho tới nay. Con chó chạy dọc tường. Đến gần cửa, nó ngập ngừng, ngồi bệt xuống và nằm ngửa ra để bắt bọ chét. Cảnh sát huýt mấy tiếng còi liền, gọi nó. Nó ngửng đầu, rồi quyết định chậm rãi đi qua lòng đường đến hít hít chiếc mũ. Cùng lúc đó, một phát súng sáu nổ từ gác hai và con chó lật ngửa lên như một chiếc bánh kẹo, giãy giụa bốn chân dữ dội và cuối cùng ngã nghiêng ra co giật từng cơn dài. Đáp lại, năm sáu phát súng từ những cánh cửa đối diện bắn nát ô cửa sổ. Lại im lặng. Mặt trời ngã dần và bóng bắt đầu dịch tới cửa sổ Cottard. Tiếng phanh khẽ rít trên đường phố, phía sau Rieux.

- Họ đã đến đây. - Một cảnh binh lên tiếng.

Cảnh sát đến sau lưng hai người, mang theo dây thừng, thang và hai cái gói hình thon bọc vải quét sơn. Họ đi vào con đường quành qua khóm nhà đối diện với nhà Grand. Một lát sau, người ta đoán, đúng hơn là nhìn thấy một sự náo động ở những cánh cửa các ngôi nhà này. Mọi người chờ đợi. Con chó không giãy giụa nữa, đầm mình trong một cái vũng thâm xì.

Đột nhiên, từ cửa sổ những ngôi nhà cảnh sát chiếm giữ, vang lên một tràng tiểu liên. Dọc theo đường đạn, cánh cửa sổ mà họ vẫn nhằm bắn, lần này tan tành hoàn toàn và để lộ ra một khoảng đen từ chỗ đứng của mình. Rieux và Grand không phân biệt được gì hết. Hết băng đạn thứ nhất, một khẩu tiểu liên thứ hai nổ vang từ một góc khác, ở một ngôi nhà xa hơn. Đạn chắc hẳn chui vào trong ô cửa sổ vì một viên làm tung lên một mảnh gạch. Đúng giữa lúc ấy, ba nhân viên cảnh sát chạy qua lòng đường và mất hút vào cửa ra vào. Hầu như ngay lập tức, ba nhân viên khác cũng xông vào và thôi không còn tiếng súng tiểu liên. Người ta vẫn chờ đợi. Hai tiếng nổ xa xa vang lên trong ngôi nhà. Tiếng ồn ã mỗi lúc một thêm rõ và người ta thấy từ trong nhà được bê ra, đúng hơn là lôi ra, một người đàn ông bé nhỏ, tay áo sơ-mi xắn lên: hắn không ngớt kêu la. Như có phép lạ, mọi cánh cửa sổ dọc hai bên đường đang đóng kín mít bỗng mở toang, và bao nhiêu người bước ra khỏi nhà, chen chúc phía sau hai hàng rào cảnh binh. Cuối cùng, người ta thấy gã đàn ông bé nhỏ đứng giữa lòng đường, hai cánh tay bị bẻ quặt ra sau. Hắn kêu lên. Một cảnh binh bước lại gần, nắm tay dùng hết sức bình sinh nện cho hắn hai quả, một cách chắc nịch, như để hết tâm lực vào cú đấm của mình.

- A! Cottard - Grand nói nhỏ - Hắn phát điên.

Cottard ngã quỵ. Người cảnh binh lại dùng chân đá mạnh vào cái đống sóng soài trên mặt đất. Rồi một đám đông lộn xộn chuyển động và đi về phía Rieux và Grand.

- Mời bà con đi đi! - Người lính cảnh sát ra lệnh.

Rieux quay mặt đi khi đám người đi qua trước ông.

Ông cùng với Grand bước đi trong ánh hoàng hôn dần tắt. Những con đường xa vắng lại ồn ã tiếng đám đông trong cơn hoan hỉ như thể sự kiện trên đây đánh thức cái khu phố im lìm này tỉnh dậy. Đến dưới tường nhà, Grand chia tay bác sĩ Rieux. Anh sắp đi làm việc. Nhưng lúc bước lên thang gác, anh nói với ông ta là anh đã viết cho Jeanne và bây giờ anh hài lòng. Rồi anh bảo là anh đã viết lại câu văn dạo trước: “Tôi đã bỏ, anh nói, tất cả các tính từ”.

Và với một nụ cười tinh nghịch, anh cất mũ với một kiểu chào trịnh trọng. Nhưng Rieux nghĩ tới Cottard, và cái tiếng inh ích của những nắm tay nện vào mặt hắn theo đuổi ông trên đường đi tới nhà ông lão bị hen suyễn. Phải chăng nghĩ tới một kẻ phạm tội, thì trong lòng còn nặng nề hơn là nghĩ tới một người chết?

Khi Rieux tới nhà người bệnh thì bóng đêm đã bao phủ bầu trời. Từ buồng ông lão, có thể nghe tiếng rì rầm xa xa của cuộc sống tự do, và lão vẫn tiếp tục chuyển đậu từ nơi này qua nơi khác, nét mặt không hề thay đổi.

- Họ vui chơi là có lý, - Lão nói - phải cần đến tất cả để tạo nên một thế giới. Thưa bác sĩ, ông bạn đồng nghiệp của ông thế nào rồi?

Những tiếng nổ vang đến tận tai họ, nhưng là những tiếng nổ hòa bình: tiếng trẻ em đốt pháo.

Ông ta mất rồi, bác sĩ vừa đáp vừa áp tai nghe lồng ngực phì phò của người bệnh.

- A! - Ông lão thốt lên có phần sững sờ.

- Mất vì dịch hạch. - Rieux nói thêm.

- Vâng, - Lão đáp sau một lát im lặng - những người tốt nhất đều bỏ đi. Cuộc sống là thế. Nhưng đó là một người biết những điều mình muốn.

- Sao ông lại nói vậy? - Bác sĩ hỏi trong khi cất ống nghe.

- Không vì sao cả. Ông ấy không bao giờ nói để không nói gì cả. Cuối cùng, tôi thích ông ấy. Nhưng như thế đấy. Những người khác thì nói: “Dịch hạch đấy, người ta bị dịch hạch”. Chỉ một chút là họ đã xin được thưởng bội tinh: Nhưng dịch hạch, cái đó có nghĩa là thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi.

- Ông nhớ xông hơi một cách đều đặn đấy.

- Ô! Xin bác sĩ đừng lo. Tôi còn sống lâu và tôi sẽ xem họ chết hết. Tôi, tôi biết sống.

Đằng xa, những tiếng reo hò vui mừng đáp lại lời ông lão. Rieux đứng lại giữa phòng.

- Tôi muốn lên sân thượng có phiền ông không?

- Ồ không! Ông muốn nhìn thấy họ từ trên cao ấy phải không? Xin mời ông tự nhiên. Nhưng bao giờ họ cũng vẫn là họ thôi.

Rieux đi về phía cầu thang.

- Bác sĩ này, có phải họ sắp dựng đài kỷ niệm những người bị chết vì dịch hạch phải không?

- Báo chí có nói. Một tấm bia hay một tấm biển.

- Tôi chắc như vậy. Và sẽ có diễn từ.

Ông lão cười, tiếng cười sằng sặc.

- Từ đây tôi sẽ nghe họ nói: “Những người chết của chúng ta...”, và họ sẽ đi đánh chén.

Rieux bước lên cầu thang. Bầu trời mênh mông, lạnh giá lấp lánh trên các ngôi nhà, và gần mấy ngọn đồi, các vì sao rắn lại như đá cuội. Đêm nay không khác mấy cái đêm trước đây Tarrou và ông đến ngồi chỗ sân thượng này để quên đi bệnh dịch hạch. Đêm nay, dưới chân các vách đá, biển ồn ã hơn. Không khí im lìm và nhẹ tênh tách ra khỏi những luồng hơi mặn mà gió thu ấm áp thổi tới. Tiếng rì rầm của thành phố vẫn vang đến tận chân sân thượng, như tiếng sóng vỗ. Nhưng đêm nay là một đêm giải thoát, chứ không phải một đêm nổi dậy. Xa xa, một vùng ửng đỏ cho biết vị trí các đại lộ và các quảng trường thắp sáng. Trong đêm tối giờ đây được giải phóng, dục vọng không còn bị ngăn trở và chính tiếng gầm vang của nó vọng tới tận Rieux.

Từ bến cảng tối om, bắn lên những tràng pháo hoa đầu liên hoan công cộng. Thành phố đón chào chúng bằng những tiếng reo hò âm vang kéo dài. Cottard, Tarrou, những người - đàn ông và đàn bà - mà Rieux đã từng yêu thương, nay không còn nữa. Tất cả, người chết cũng như người phạm tội, đều bị lãng quên. Ông lão bị hen suyễn nói có lý, con người bao giờ cũng vẫn thế. Nhưng đây là sức mạnh về cái vô tội của họ, và chính ở điểm này, vượt lên mọi đau thương, Rieux cảm thấy mình giống họ. Giữa những tiếng reo hò ngày càng thêm mạnh và kéo dài, vang vọng đến tận dưới chân sân thượng, cùng với những chùm pháo hoa sặc sỡ mỗi lúc một tung thêm nhiều lên bầu trời, bác sĩ Rieux quyết định viết câu chuyện này. Ông không muốn là kẻ thờ ơ, im lặng. Ông muốn tỏ rõ thiện cảm của mình đối với những người bị dịch hạch, muốn ít nhất cũng ghi lại dấu vết của bất công và bạo lực họ đã phải chịu đựng; và nói lên cái bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là đáng khinh ghét.

Nhưng ông cũng biết tập ký này không thể là tiếng nói của chiến thắng cuối cùng. Nó chỉ có thể xác nhận những việc đã phải làm và dĩ nhiên mọi người vẫn phải tiếp tục làm - mặc dù những nỗi đau riêng tư - để chống lại khủng bố và vũ khí không biết mệt mỏi của nó: không thể làm những bậc thánh và không cam chịu tai ương, người ta gắng sức làm thầy thuốc.

Thật vậy, nghe những tiếng reo mừng vang lên từ thành phố, Rieux sực nhớ là niềm hoan hỉ ấy luôn luôn bị uy hiếp. Vì điều mà đám người đang hò reo trên đường phố không biết, thì ông biết và người ta có thể đọc trong sách báo: vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mù xoa và các đống giấy má... và một ngày nào đó, để gây tai họa cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh.

Truyện khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art