Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, 2025

Tìm hiểu sách Xuất Hành


Xuất Hành - Niềm đam mê và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa

Sách Xuất Hành, cuốn sách thứ hai của Ngũ Thư, đánh dấu sự ra đời của dân Ítraen.

Dẫn nhập

« Đây là những tên » những từ mở đầu sách Xuất Hành, quyển thứ hai của Ngũ Thư, cũng được dùng làm tên sách trong tiếng Do Thái. "Những tên" gồm tên các con trai Ítraen (Giacóp) đã xuống Ai Cập (Sáng Thế 46), là tổ tiên một gia đình khi câu chuyện bắt đầu, đã sinh sôi nảy nở rất nhiều (1,1-7). Bị bắt làm nô lệ và áp bức, những người này thực sự trở thành một dân tộc khi Elohim (tên tiếng Do Thái có nghĩa "thần thánh") của tổ phụ họ đã dẫn họ ra khỏi vùng đất nô lệ - điều này được nhấn mạnh trong tên tiếng Hy Lạp, Exodos, "sự ra đi" - sau đó dẫn họ đến núi Sinai, nơi họ chấp nhận lòi Ngài đề nghị để trở thành đồng minh.

Người đầu tiên được nhắc tên trong câu chuyện là nhân vật quan trọng nhất. "Bà đặt tên cho nó là Môsê [shemô môshèh], và bà nói « phải, tôi đã kéo nó ra khỏi nước [meshîtihû] » (2,10b). Tên con gái Pharaô đặt cho con nuôi mình là một chơi chữ kép, chứa đựng một chương trình.

Môshèh trong tiếng Do Thái có nghĩa « người kéo ra ». Người đã được kéo ra khỏi nước sẽ kéo các con cái Ítraen ra khỏi nước biển và khỏi quyền lực Ai Cập. Người đã trốn khỏi đất nước này trước khi khám phá Adonai trên núi sẽ dẫn dắt Ítraen trên cùng một con đường để gặp gỡ Elohim, Đấng sẽ trở thành Thiên Chúa của họ qua giao ước (19-24). Tuy nhiên, khi đọc sách, ta khám phá tên được nhấn mạnh là YHWH (đọc Adonai), được mạc khải cho Môsê từ bụi gai cháy (3,14), tên này sẽ được chính Adonai tuyên bố nhiều lần: « Ta là Adonai, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ [...] Ta là Adonai, Thiên Chúa của ngươi, một Thiên Chúa đầy đam mê [...] » (20,2.5b). « Adonai, Adonai, Thiên Chúa của lòng thương xót và nhân từ, chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín, giữ lòng thương xót với muôn người, chịu đựng lỗi lầm, phản nghịch và tội lỗi, nhưng không kể là vô tội, thăm viếng tội của cha ông trên con cháu [...] » (34,6-7).

Cấu trúc và tính thống nhất

Giải phóng khỏi Ai Cập, mạc khải của Adonai, giao ước được cấu trúc bởi Lề Luật và xác nhận sự tuyển chọn Ítraen: đó chính là nền tảng dân Thiên Chúa sách Xuất Hành kể lại. Như mọi câu chuyện, và ngay cả khi câu chuyện tiếp tục trong phần còn lại của Ngũ Thư, kể về một biến đổi. Ban đầu, con cháu Giacóp làm nô lệ, bị áp bức và bị diệt chủng từ từ bằng cách loại bỏ trẻ em nam. Elohim vắng bóng trong tầm nhìn của họ, chính vua Ai Cập chiếm lĩnh sân khấu, với ý muốn bệnh hoạn à vô hiệu hóa mối nguy hiểm những người ngoại quốc này tạo ra trong mắt ông, trong khi vẫn khai thác sức lao động của họ. Cuối cùng, các con cái Ítraen được giải phóng khỏi nô lệ đã trở thành một dân tộc Adonai đến ngự giữa họ (40,34-38). Theo tựa đề tác giả Georges Auzou đặt cho nghiên cứu về Xuất Hành năm 1964, Ítraen chuyển »"từ nô lệ đến phụng sự », từ thân phận nô lệ bị Pharaô áp đặt đến việc tự nguyện phụng sự Đấng đã giải phóng họ và biến họ thành đồng minh.

Sự biến đổi trải qua nhiều giai đoạn. Một đoạn mở đầu trước tiên mô tả tình cảnh con cái Ítraen bi thảm ở Ai Cập, rồi giới thiệu nhân vật Môsê và những bước đầu tiên của ông (1-2). Phần thứ nhất kể về quá trình chậm rãi dẫn đến việc giải phóng các nô lệ, một khi được giải thoát khỏi quyền lực một Pharaô đặc biệt cứng đầu, đã đi sâu vào sa mạc được dẫn đường bởi một cột mây. Nhiều thử thách chờ đợi họ ở đó. Nhưng Adonai ra lệnh cho họ đối mặt, trong khi vẫn chăm lo giáo dục họ về tự do (3-18). Quá trình dẫn đến việc kết ước là chủ đề của phần thứ hai. Tại Sinai, dân chúng trải nghiệm Adonai hiện diện uy nghi và nhận từ Người Lề Luật căn bản mà Môsê sau đó lắng nghe chi tiết để truyền đạt lại cho dân chúng trước khi họ long trọng cam kết (19,1-24,11). Adonai sau đó yêu cầu xây dựng cho Người một lều để có thể ngự giữa dân Người. Đó là nội dung của phần thứ ba. Adonai ban cho Môsê những chỉ thị chi tiết về việc xây dựng nơi cư ngụ, các vật dụng nghi lễ và các tư tế. Những chỉ thị = sẽ được thực hiện sau cuộc khủng hoảng gây ra bởi một dân chúng = bất trung nghiêm trọng =. Cuối cùng, Adonai chiếm hữu thánh điện (24,12-40,38).

Ba phần này tạo thành một câu chuyện liên tục được đảm bảo sâu sắc bởi hành động của nhân vật thần thánh. Ngay khi xuất hiện trong câu chuyện, Người nuôi dưỡng một kế hoạch dài hạn cho những người nô lệ của Pharaô. Người chia sẻ với Môsê trong cảnh bụi gai: nhân danh lời hứa với tổ phụ của họ, Người muốn giải phóng họ khỏi ách bất công, đưa họ đến một vùng đất Người sẽ ban cho họ, sau khi họ dừng chân tại núi của Elohim (3,6-17). Sau đó, xác nhận kế hoạch của mình, Người nói rõ định biến dân này thành đồng minh (6,2-8). Chính vì vậy, Người dự định tận dụng sự kháng cự của vua Ai Cập để tỏ mình cho họ biết, đồng thời buộc Ai Cập phải nhận ra quyền năng của Người (6,6 và 7,5). Rộng hơn nữa, như Người nói với Pharaô, ý định cho ông ta thấy sức mạnh « để danh Ta được loan truyền khắp đất » (9,16).

Các giai đoạn kế hoạch cũng được Adonai công bố: cuộc đối đầu với Pharaô và phán xét Ai Cập (7,3-5), những bước tiến tới sự giải phóng quyết định (14), thay đổi địa vị Ítraen và xác nhận cuối cùng đối với Môsê (19,4-6.9), hiện diện một thiên sứ đồng hành trong hành trình qua sa mạc (24,20-22) và việc xây dựng lều để Adonai có thể ngự giữa dân (25,8). Điều Adonai công bố như vậy được thực hiện, bất chấp những người cố gắng cản trở. Vì vậy, câu chuyện cho thấy một Elohim là chủ tể tối cao của lịch sử. Nhưng Người dự định hành động tiếp trong chính lịch sử đó thông qua một dân tộc Người gắn kết với mình qua giao ước.

Sách Xuất Hành đôi khi được xem là trung tâm của Ngũ Thư. Danh hiệu không phải là không xứng đáng, vì toàn bộ cuốn sách là một "lời giáo huấn" - theo nghĩa nguyên thủy của từ Do Thái tôrâh. Theo nghĩa thứ nhất, giáo huấn độc giả về nhân vật Adonai bằng cách kể lại việc triển khai quyền làm chủ lịch sử của Người, và cách thức đặc biệt trong việc đồng hành và giáo dục Ítraen. Theo nghĩa thứ hai, lời giáo huấn liên quan đến ý muốn thần linh đối với dân và được thể hiện trong các luật lệ về nghi thức, đạo đức và xã hội, để Ítraen trung thành với giao ước và để Adonai có thể ngự trong họ. Đó là một trong những đặc điểm tạo nên tính độc đáo của cuốn sách, nơi Lề Luật được gắn kết sâu sắc trong câu chuyện (ví dụ 12,1-13,16; 15,25-26; 16; 19-20; 34) trong khi các chỉ thị thần linh lại thúc đẩy lịch sử (ví dụ 12,28.50-51; 25-31 và 35-39; 40,1-14 và 16-33). Điều này cho thấy Lề Luật cũng là một phương tiện Thiên Chúa hành động trong không gian và thời gian, như Herbert Marks, giáo sư tại đại học Indiana nhấn mạnh.

Phỏng dịch theo André Wénin

giáo sư Cựu Ước tại đại học Công giáo Louvain

Báo Dân Chúa online khác