Thứ Hai, 27 Tháng Giêng, 2025

Cá, một thức ăn mang tính biểu tượng cao trong Kinh Thánh

Cá, một thức ăn mang tính biểu tượng cao trong Kinh Thánh

Bức khảm thế kỷ IV trong vương cung thánh đường Aquileia

Cá xuất hiện dồi dào trong các trích dẫn Kinh Thánh, cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, nơi nhanh chóng mang một chiều kích biểu tượng ngày càng tăng...

Trong sách Sáng Thế, lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến cá như một thức ăn. Sự đề cập ban đầu này về các tạo vật của Thiên Chúa ngay lập tức được hiểu trong mối quan hệ phục tùng rõ ràng của chúng đối với con người: "Thiên Chúa phán: 'Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.'" (St 1,26). Thời Kinh Thánh không phân biệt nhiều các loài cá khác nhau và chủ yếu đến từ biển hồ Tibêria gần đó hoặc, dưới dạng khô hoặc muối, từ Ai Cập. Những câu chuyện nổi tiếng về mẻ cá lạ lùng, phép lạ hóa bánh và cá trong Tin Mừng cũng minh họa ý tưởng về món quà vô tận này, báo trước sự hy sinh của Chúa Kitô. Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu thậm chí còn ăn cá nướng với các môn đệ để củng cố đức tin của họ vào chân thực Kinh Thánh.

Tuy nhiên, cá không phải lúc nào cũng là tạo vật mang lại niềm vui trong câu chuyện Kinh Thánh... Chẳng hạn, sách Xuất Hành thuật lại, để trừng phạt người Ai Cập vì giữ dân Ítraen trong cảnh nô lệ, Môsê được Chúa ban quyền năng làm phép lạ, đặc biệt là biến tất cả nước ở Ai Cập thành máu: "Cá trong sông chết và sông trở nên hôi thối; người Ai Cập không thể uống nước sông; có máu trong khắp đất Ai Cập" (Xh 7,21). Dù vậy, vị trí của cá trong câu chuyện Kinh Thánh vẫn giữ tầm quan trọng.

Thuốc chữa bệnh và sự ra đời một biểu tượng mạnh mẽ

Chính vì tầm quan trọng này cá sẽ ngày càng trở thành những biểu tượng mạnh mẽ trong Kinh Thánh. Nhưng trước đó, cá cũng được Kinh Thánh trình bày như một phương thuốc. Điều được thấy trong sách Tôbia, khi chàng thanh niên Tôbia suýt bị một con cá tấn công bên bờ sông Tigris. Thiên thần bảo anh kéo nó lên bờ: "Hãy mổ con cá, lấy mật, tim và gan, giữ riêng để mang theo, và vứt bỏ ruột. Vì mật, tim và gan là những phương thuốc hiệu nghiệm" (Tb 6,4). Khi chàng thanh niên hỏi về những phương thuốc, thiên thần trả lời: "Nếu con đốt tim và gan cá trước mặt một người đàn ông hay đàn bà bị quỷ hoặc thần ác tấn công, kẻ tấn công sẽ chạy trốn xa, và nạn nhân sẽ được giải thoát mãi mãi. Còn về mật cá, nếu con bôi lên mắt người bị màng trắng và thổi vào, mắt sẽ được chữa lành". Qua câu chuyện này, Kinh Thánh nhấn mạnh cách cá có thể trở thành phương thuốc chống lại ma quỷ và nguồn chữa lành, báo trước biểu tượng Kitô giáo về cá...

Ông Tôbia và thiên thần

ICHTUS Kitô giáo

Biểu tượng về nước sẽ thâm nhập vào Kitô giáo sơ khai, trước khi Thánh Giá trở thành biểu tượng chính của đức tin. Để hiểu sự hiện diện của cá trong Kitô giáo, cần quay về tiếng Hy Lạp cổ. Từ "ikhthús" (ἰχθύς), nghĩa là cá trong tiếng Hy Lạp, chứa trong mỗi chữ cái một lời tung hô Chúa Kitô: Iesous Christos Theou Uios Soter, hay "Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế". Biểu tượng trở nên trung tâm. Trong thực tế, thường được biểu thị bằng hai đường cong gặp nhau tạo thành hình cá, một dấu hiệu nhận biết kín đáo có thể được vẽ như hình vẽ graffiti trong thời kỳ bách hại. Hướng của đầu cá thậm chí đôi khi chỉ đường đến một nơi thờ phượng bí mật. Các Kitô hữu đầu tiên do đó thường được gọi "con cái của ICHTUS trên trời".

Biểu tượng Chúa Kitô và phép Rửa

Biểu tượng đầu tiên lan rộng ở Roma, sau đó trong toàn thể Kitô giáo, nơi được tôn kính, đặc biệt dưới tên gọi "Cá-Kitô". Biểu tượng cá sau đó trở thành đối tượng lòng sùng kính được các giáo hoàng như Clêmentê Alexandria khuyến khích, ngài đề nghị trình bày  trên các con dấu, đồ trang sức hoặc các vật dụng cá nhân khác. Như vậy bắt đầu một bộ sưu tập bùa hộ mệnh, đá quý và đá quý được khắc năm chữ cái của từ ICHTUS, thường đi kèm với hình ảnh con cá. Các văn bản Kitô giáo đầu tiên chứng kiến nhiệt tình này, và các tác giả như Tertullian, Origen hay thánh Augustinô ca ngợi tính biểu tượng mạnh mẽ, nói đến "nguồn bất tử của nước thiêng", sự trong sạch và lương thực. Tertullian thiết lập một tương đồng giữa cá và nước rửa tội: "Chúng ta, những con cá nhỏ, theo Cá của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sinh ra trong nước và chỉ có thể được cứu rỗi bằng cách ở lại trong nước". Thánh Augustinô cũng liên hệ cá với bánh Thánh Thể, và xuất hiện trên một số trình bày về Thánh Thể như bức tranh trưng bày tại Bảo tàng Vatican.

Mặc dù Thánh Giá dần dần thay thế cá để tượng trưng cho đức tin Kitô giáo, cá vẫn sẽ hiện diện rõ nét trong các nhà thờ, trên các bức họa, tranh vẽ, khảm và các phương tiện khác, như một chứng tá về biểu tượng Kitô giáo phong phú này.

Philippe-Emmanuel Krautter – Aleiteia 18/01/25

Bài viết khác