Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Hội Hoa Anh Ðào ở thủ đô Washington

Hội Hoa Anh Ðào ở thủ đô Washington

Năm nay 2010 Lễ Hội Hoa Anh Ðào tại Washington, D.C. sẽ diễn ra từ ngày Thứ Bảy 27 tháng 3 cho đến Chủ Nhật 11 tháng 4, 2010 và cuộc diễn hành sẽ được tổ chức trọng thể vào ngày Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010, trên đại lộ Constitution Avenue đoạn giữa đường số 9th và số 15th Street khu NW. Diễn hành cho công chúng miễn phí tuy nhiên nếu muốn có chỗ ngồi xem thoải mái trên khán đài danh dự (Grandstand) có thể mua vé được bán qua hệ thống www.ticketmaster.com hay gọi số điện thoại 1-800-745-3000 với giá 17 USD mỗi vé và được gởi đến tận nhà.

“Mùa Xuân sang có hoa anh đào

Màu hoa tôi trót yêu từ lâu

Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào

Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào

Mình nói chuyện ngày sau...”

(Nhạc phẩm “Mùa Hoa Anh Ðào” của Thanh Sơn)

Mùa Xuân là mùa hoa anh đào, hoa anh đào có nhiều màu từ trắng, hồng cho đến đỏ thắm, màu hoa tươi sắc rực rỡ nở trên những cành cây chưa ra lá. Một cây anh đào không đẹp lắm nhưng cả một rừng nở hoa cùng một lúc thì rực rỡ vô cùng. Xem hoa nở lòng người phấn khởi, dâng lên một niềm tin, một sức sống mới tràn đầy. Ðặc điểm của hoa anh đào là cho tới lúc hoa rơi, hoa vẫn giữ nét sung mãn không héo úa tàn phai như những loài hoa khác. Hoa nở đã đẹp nhưng lúc hoa tàn, bay bay trong gió Xuân nhiều người cho rằng càng đẹp hơn, giống như những cánh tuyết. Hoa anh đào chỉ nở độ hai tuần nên nhiều người cho rằng hoa tượng trưng cho đời người phù du ngắn ngủi. Khi hoa tàn không héo úa phai màu nên người Nhật cho hoa anh đào tượng trưng tiết tháo của người quân tử, cho đến lúc chết vẫn hiên ngang, bất khuất.

Hoa anh đào có hàng trăm loại, nở vào đầu Xuân trên những quốc gia có thời tiết lạnh từ Trung Hoa, Nhật Bản cho đến Âu Châu và ngay cả miền Bắc Việt Nam hay Ðà Lạt đều có hoa anh đào. Có lẽ hoa anh đào nổi tiếng đẹp nhất là hoa anh đào Nhật Bản từng là đề tài gây cảm hứng cho các thi văn họa sĩ sáng tác những tác phẩm để đời.

Mùa hoa anh đào ở Washington, D.C.

Hoa anh đào Nhật cũng đã du nhập sang Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20 và được trồng nhiều ở Washington, D.C. thủ đô của Hoa Kỳ để ngày nay hàng năm vào mỗi độ Xuân về hoa anh đào nở rất đẹp quanh bờ hồ Tidal Basin cạnh dòng sông Potomac và đài kỷ niệm Washington tức ngọn tháp “bút chì” bằng đá cẩm thạch trắng. Mỗi năm vào đầu Xuân từ cuối tháng 3 cho đến đầu tháng 4, rừng cây anh đào ở Washington DC nở bung những cánh hồng giữa bầu trời xanh biếc, mang đến cho thủ đô Hoa Kỳ một nét đẹp rực rỡ rất riêng tư đặc biệt. Người dân cũng như chính quyền Washington, D.C. chào đón và thưởng thức sắc hoa bằng những lễ hội kéo dài hơn hai tuần gọi là Lễ Hội Hoa Anh Ðào (National Cherry Blossom Festival). Lễ hội quy tụ du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về cũng như người Mỹ từ các tiểu bang khác hội tụ về thủ đô vui Xuân du lịch nhân dịp Lễ Phục Sinh (Easter). Trong suốt hai tuần lễ hội, vùng thủ đô Washington DC tấp nập du khách gây cảnh kẹt xe và từ nhà ga xe điện ngầm Metro Center cho đến viện bảo tàng Smithsonian đông nghẹt những người. Lễ Hội Hoa Anh Ðào với chương trình quy tụ nhiều tiết mục văn hóa vui tươi phong phú như hàng chục quầy thức ăn truyền thống Nhật Bản, các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công, nghệ thuật Nhật Bản, các màn trình diễn vũ điệu, nhạc cụ cổ truyền Nhật Bản như múa trống, múa dù và bầu người đẹp quốc phục Kimono, hoa hậu Queen of Cherry Festival. Ðặc biệt buổi lễ khai mạc với những màn biểu diễn vui tươi, ngoạn mục với nhiều nghệ sĩ nhảy múa rất chuyên nghiệp không thua gì Micheal Jackson. Du khách đến Washington, D.C. tham dự Lễ Hội Hoa Anh Ðào nhớ lấy bản chương trình có ghi chú giờ giấc cũng như địa điểm cho mỗi tiết mục để có thể tham dự thưởng thức trọn vẹn hết các sinh hoạt của lễ hội.

Cao điểm là ngày Thứ Bảy cuối cùng của lễ hội là một cuộc diễn hành xe hoa trên đại lộ Constitution từ đường số 9 đến đường 15 rất ngoạn mục và thích thú. Tham dự diễn hành gồm có nhiều hội đoàn văn hóa, nghệ thuật của nhiều sắc dân trên thế giới ngoài người Mỹ còn có các dân tộc Á Châu như Nhật Bản, Ðại Hàn, Trung Hoa, các nước Nam Mỹ, Trung Ðông, Phi Châu v.v... vì thủ đô Washington, D.C. là nơi định cư của nhiều chủng tộc khác nhau. Hình thức trong cuộc diễn hành là những ban nhạc, những điệu vũ trong quốc phục nhiều màu sắc như múa trống, múa dù, những trò chọc cười làm xiếc như đi cà kheo, cỡi xe đạp một bánh v.v...

Lịch sử hoa anh đào Washington, D.C.

Lễ Hội Hoa Anh Ðào truyền thống hàng năm nhằm kỷ niệm tặng vật vào năm 1912 của thị trưởng Tokyo là Yukio Ozaki trao tặng thành phố Washington DC là 3,000 cây anh đào Nhật Bản. Món quà này nhằm bồi đấp tình thân hữu giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản và tiếp tục kết chặt mối dây liên kết giữa hai dân tộc. Một buổi lễ đơn giản diễn ra vào ngày 27 tháng 3, 1912, có sự hiện diện của Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ là bà Helen Herron Taft và bà Viscountess Chinda phu nhân của Ðại Sứ Nhật, hai người đã trồng hai cây anh đào đầu tiên tại bờ phía Bắc hồ Tidal Basin trong công viên West Potomac Park. Năm 1915 Hoa Kỳ đáp lễ trao tặng nhân dân Nhật những cây hoa Dogwood. Năm 1935 Lễ Hội Hoa Anh Ðào đầu tiên được tổ chức do sự tài trợ của những hội đoàn dân sự tại vùng thủ đô.

Vào năm 1965, Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ là Lady Bird Johnson tiếp nhận thêm 3,800 cây hoa anh đào nữa. Một chuyện khá lý thú là vào năm 1981 một nhóm nhà cây cảnh Nhật lại đến hồ Tidal Basin chiết nhánh những cây anh đào ở đây mang về Nhật để trồng lại thay thế cho những cây anh đào Yoshino bị lũ lụt tàn phá. “Bánh ít đi bánh quy lại,” năm 1999 vườn hoa anh đào bên hồ Tidal Basin được trùng tu để thay thế những cây già cỗi bằng những cây mới được chiết từ rừng anh đào nổi tiếng hơn 1,500 năm tại tỉnh Gifu bên Nhật. Những sự kiện này một lần nữa cho thấy cây anh đào giữ vai trò sứ giả trong bang giao giữa hai nước Mỹ Nhật.

Từ năm 1994, Lễ Hội Hoa Anh Ðào bắt đầu kéo dài ra đến hai tuần để có đủ thời gian cho những tiết mục ngày càng phong phú trong mùa hoa anh đào còn nở. National Cherry Blossom Festival, Inc. là tổ chức quy tụ các nhà văn hóa, thương mại và chính quyền đứng ra tổ chức và bảo trợ cho lễ hội văn hóa này. Hàng năm ước lượng có hơn một triệu người về thưởng lãm hoa đào và tham dự lễ hội trong những ngày đầu Xuân tại thủ đô Washington, D.C. thanh lịch này.

Du khách từ xa đổ về thủ đô Hoa Kỳ tham dự ngày Hội Hoa Anh Ðào truyền thống hàng năm vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp rừng hoa vừa khám phá những di tích lịch sử có từ thời thành lập thủ đô (1790) như Ðiện Capitol, tòa nhà Quốc Hội, nơi 4 năm một lần diễn ra Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức Tổng Thống, tòa nhà trắng White House nơi cư ngụ và làm việc của tổng thống, nhà in giấy bạc (Bureau of Engraving & Printing), Thư Viện Quốc Gia và Viện Bảo Tàng Smithsonian nổi tiếng thế giới về tàng trữ sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, khoa học, nhân văn v.v... Ngoài ra thủ đô Washington DC còn có rất nhiều công viên, hồ nước, các đài kỷ niệm vinh danh các tổng thống, các chiến sĩ trận vong trong các cuộc chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất, Thứ Nhì, Chiến Tranh Cao Ly và Chiến Tranh Việt Nam. Ở thủ đô Washington DC có 173 tòa đại sứ có thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cũng là nơi có nhiều sắc dân sinh sống với khu Chợ Tàu đông đúc và khu thương mại Việt Nam (Eden Business Center) có hàng trăm cửa hàng là nơi hội tụ người Việt vào dịp cuối tuần hay các ngày Lễ Tết.

Anh đào trong Cổ thi

Sắc màu tươi thắm của hoa đào, người xưa thường so sánh với khuôn mặt của thiếu nữ đẹp. Thôi Hộ người tỉnh Trực Lệ bên Tàu sống trong khoảng triều vua Ðường Ðức Tông. Một hôm trong tiết Thanh Minh, buồn vì thi rớt (ở bên Tàu người thi rớt thường làm thơ rất hay như trường hợp của Trương Kế với bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc”), ông dạo chơi phía Nam thành Lạc Dương trong một vùng trồng hoa đào. Ði một lúc khát nước, ông gõ cửa một ngôi nhà ven đường xin nước uống. Một thiếu nữ diễm kiều xuất hiện mang nước ra cho ông. Hai bên trao đổi câu chuyện và hỏi tên nhau, ra chiều tương đắc. Năm sau cũng tiết Thanh Minh, ông trở lại ngôi nhà cũ, thấy cửa đóng then gài, gọi mãi không thấy ai ra. Ông viết bài thơ dán trên cổng. Vài hôm sau Thôi Hộ trở lại nghe trong nhà văng vẳng tiếng khóc, một ông lão bước ra hỏi ông có phải là Thôi Hộ không? Ông lão cho biết con gái ông sau khi đọc bài thơ của Thôi Hộ dán trên cổng đã tương tư, vật vờ bỏ cả ăn uống và nằm thiêm thiếp như xác không hồn! Thôi Hộ nghe vậy vội tìm vào bên trong, thấy người con gái nằm mê man trên giường nhưng mặt mày còn ấm. Chàng quỳ xuống úp mặt vào nàng mà than van kể lể. Người con gái hồi sinh, tỉnh lại và chàng xin cưới nàng làm vợ. Năm 796 niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ đậu tiến sĩ và làm quan Tiết Ðộ Sứ ở Lĩnh Nam. Bài thơ chàng dán trên cổng khiến cô gái tương tư, được viết như sau:

Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.

(Thôi Hộ)

Bản dịch của Tản Ðà thi sĩ Việt Nam ta theo thể thơ Ðường Luật:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,

Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.

Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,

Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.

Có người bàng quan ở xứ Bổn Xà dịch qua thể Lục Bát như sau:

Năm xưa ngày đó bên song

Hoa đào giống tựa má hồng mỹ nhân.

Năm nay người ấy về đâu?

Hoa đào năm cũ vẫn cười gió Ðông.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art