Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Đường Đến La Mã

Đường Đến La Mã

Vua Ceasar của đế quốc La Mã ngày xưa đã từng nói “Con đường nào cũng dẫn đến La Mã” với ngụ ý rằng La Mã thời ấy là trung tâm của thế giới, là nơi phát sinh một trong những nền văn minh của nhân loại. La Mã trong tiếng Anh và Pháp viết là Rome nhưng tiếng Ý viết là Roma và ông Luigi Saba trưởng đoàn du lịch chúng tôi cũng là người Ý đọc là “R... R... rô... ma”, ông ta đánh lưỡi chữ R nhiều lần trước khi đọc “Roma” và có vẻ tự hào về thành phố này.

Buổi sáng ngày 8 Tháng Năm 2008 rời thành phố kinh đào Venice ở miền Ðông Bắc nước Ý, xe chúng tôi lên xa lộ số 13 đi về hướng Nam qua thành phố Pádova rồi đến Ferrara. Khi ngang qua đây ông Luigi Saba cho biết thành phố Ferrara là tỉnh lỵ của tỉnh Ferrara, thành phố có 132 ngàn dân (thống kê 2005) còn lưu lại tường thành bao bọc dài hơn 9 km được xây từ thế kỷ 15, 16. Ông Luigi cho rằng tỉnh Ferrara là nơi phát xuất hiệu xe hơi đua nổi tiếng của Ý là xe Ferrari được xuất cảng sang Hoa Kỳ rất được giới chơi xe thể thao ưa chuộng. Thật ra hiệu xe Ferrari được một người Ý tên là Enzo Ferrari chế tạo từ năm 1929 ở Módena là thành phố nằm về phía Tây của Ferrara. Sau đó hãng này khánh tận và bán cho hãng chế tạo xe Fiat của Ý. Nửa giờ sau chúng tôi đến thành phố Bologna, tên của thành phố này được người Mỹ dùng để gọi tên một loại thịt nguội xắt thành từng lát mỏng. Ở Âu Châu nhiều tên thành phố được lấy để đặt tên cho các món ăn như Hamburg, Frankfurt, Vienna vì những món này xuất xứ từ đây. Riêng món Hamburger không xuất phát từ Hamburg mà từ New York nhưng người có sáng kiến chế ra món ăn nhanh đó là di dân từ Hamburg.

Rời Bologna tiếp tục xuống hướng Nam khi gần đến Florence gặp cảnh kẹt xe vì tai nạn trên xa lộ. Xa lộ nơi đây không còn số 13 nữa nên không thể đổ thừa cho số 13 là con số xui mà xa lộ đổi thành số 35 là con số hên, con số gắn liền với con dê cường tráng. Xe nhít tới từng chút một, anh chàng tài xế vốn thường xuyên đưa du khách trên con đường này nên rất rành địa thế, bèn ra khỏi xa lộ mà theo đường làng nho nhỏ quanh co qua các xóm nhà. Vùng Florence cho tới cuối thế kỷ 18 là một nước riêng có tên Tuscany là vùng trù phú, cây cối hoa lá xanh tươi nổi tiếng với nghề làm rượu vang đỏ như Chianti và Montalcino. Chương trình du lịch sau khi viếng Rome 2 ngày chúng tôi sẽ trở lại Florence để xem những danh thắng ở đây. Ông Luigi cho biết du khách đi ngang qua vùng Tuscany trước cảnh làng thôn êm đềm mộc mạc, không khí trong lành thường dừng xe lại, ghé vào các quán ven đường để ăn sáng. Ông ta nói vậy nhưng không dừng lại nơi đây cho chúng tôi ăn trưa mà cũng như thường lệ mấy ngày nay trên nước Ý là vẫn ghé vào quán ăn cạnh trạm xăng có tên là Auto Grill. Ông ta nói Auto Grill là tiệm Fast Food lớn phục vụ nhanh chóng cho số người đông như đoàn chúng tôi. Chứ vào quán vắng làng quê, cà kê dê ngỗng tới chiều chưa xong bữa ăn trưa còn đâu thời giờ theo đúng chương trình du lịch do hãng Trafalgar đặt ra!

Thành phố Rome

Từ Venice đi Rome đường dài khoảng 200 miles (320 km) đến 8 giờ tối xe chúng tôi vào đến thành Rome. Nói là 8 giờ tối nhưng Tháng Năm trời còn nắng, mặt trời xuống rất chậm và dân chúng đi lại mua bán sinh hoạt như ban ngày. Xe chúng tôi từ hướng Bắc đi vào thành phố, trên đường đến khách sạn ở gần tòa thánh Vatican đã đi qua khu Olympic có các vận động trường lớn. Ngang qua sông Tiber chảy qua thành phố theo hướng Bắc Nam sau đó đổ ra biển ở hướng Tây cách Rome khoảng 30 km. Sông Tiber (tiếng Ý viết là Tevere) không đẹp bằng sông Seine của Paris hay sông Thames ở London vì con sông hẹp và nước không đầy, mực nước nằm sâu phía dưới, có đi ngang qua cầu mới nhìn thấy mặt nước. Không thấy du thuyền chở du khách như những con sông kia. Trong thành phố Rome nhà cửa tường thường sơn vàng hay xây bằng gạch đỏ, lợp ngói đỏ nên đứng trên cao thấy toàn màu đỏ cam. Trong thành phố ít cây cối xanh tươi có lẽ vì mưa ít, khí hậu khô khan như miền Nam California. Có một loại cây mọc khắp nơi là cây thông cao lớn có tàng lá phía bên trên xòe ra mà người ta gọi là cây thông chiếc dù (umbrella pine). Ngoài ra còn có cây tùng Cypress, thân cây thẳng lên trời không có nhánh lớn đâm ngang thường thấy trồng ở miền Nam Cali.

Về mặt địa dư Rome nằm ở vùng Trung Tây của bán đảo Ý Ðại Lợi có hình chiếc giày cao cổ (boot), là thành phố lớn nhất và là thủ đô của nước Ý. Dân số Rome là 2.7 triệu, nếu kể luôn vùng ngoại ô là 3,849,000 người. Ði vào chi tiết: 93% là người Ý, ngoại kiều đông nhất là người Ðông Âu đa số đến từ Lỗ Mã Ni (Romania) và Ba Lan (Poland) chiếm 3%, người Á châu nhiều nhất là Phi Luật Tân chiếm 1.3%, người Nam Mỹ đông nhất là Peru chiếm 1.1%. Ngoài ra có khoảng vài chục ngàn kiều dân bất hợp pháp sinh sống ở đây. Rome là thành phố cổ xưa có chiều dài lịch sử hơn 2,700 năm và từng có thời là thành phố lớn nhất thế giới và là trung tâm nền văn minh Tây Âu, một trong những nền văn minh lớn của nhân loại. Nước Ý ngày xưa phân chia ra nhiều tiểu quốc, Rome từng là thủ đô nước Thiên Chúa Giáo được cai trị bởi Giáo Hoàng, về chính trị, quân sự Ðức Giáo Hoàng vừa hành xử như nhà vua nên được gọi là “Quốc Gia của Giáo Hoàng” (Papal States). Về mặt tín ngưỡng, Ðức Giáo Hoàng cai quản giáo hội Thiên Chúa Giáo là tôn giáo mà đa số các nước Âu Châu đặt thành quốc giáo. Thời đó vua các nước Âu Châu phải xin Ðức Giáo Hoàng phong vương, đội vương miện mới có đủ uy tín để cai trị và các lân quốc mới công nhận. Trước phong trào các tiểu quốc thống nhất thành lập nước Ý, năm 1870 quân Ý tiến chiếm Rome và ngày nay nước của Ðức Giáo Hoàng thu hẹp lại thành nước Vatican nằm trong thành phố Rome cũng là trung tâm của giáo hội Công Giáo La Mã. Ðức Giáo Hoàng chỉ lo về tôn giáo, điều khiển giáo quyền, chính trị, quân sự có nước Ý bảo vệ. Vì thành phố vẫn còn lưu lại nhiều di tích, đền đài xây từ vài ngàn năm trước cũng như Tòa Thánh Vatican là điểm hành hương nên Rome hiện nay là thành phố du lịch đứng thứ ba mỗi khi du khách đến thăm các nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Về giao thông đường sá trong thành phố cũng rất tốt, ngoài xe hơi còn có nhiều xe gắn máy đa số xe phân khối lớn lưu thông có vẻ xô bồ nhưng cũng ít nạn kẹt xe. Nhìn trên bản đồ nhiều con đường tạo thành hình nan quạt đều đồng quy về Rome, đây là những con đường có từ thời La Mã cổ. Phía ngoài nối các nan quạt ấy với nhau là xa lộ vòng đai hình tròn. Taxi có nhiều và có thể đón bằng cách ngoắc tay ở ngoài đường, tuy nhiên phải ngã giá rõ ràng trước khi lên xe (chính ông Luigi trưởng đoàn người Ý cũng phải làm như vậy). Xe điện ngầm mỗi nhà ga phía bên trên dùng bảng đỏ có chữ M trắng. Hệ thống xe điện ngầm ở Rome hiện nay chỉ có hai tuyến đường nối nhau theo hình chữ X có tên gọi là Line A và Line B, hiện đang đào đất để xây tuyến mới Line C. Công tác đào rất thận trọng luôn luôn có nhân viên khảo cổ theo sát để giám định vì mỗi thước sâu trong lòng đất có thể chứa cả kho tàng lịch sử. Tại nhiều ga xe điện ngầm có nơi được nối với tuyến đường xe điện trên mặt đất gọi là xe Tram. Muốn dùng 2 phương tiện giao thông công cộng này phải có bản đồ các tuyến đường Metro và Tram này. Về hàng không, Rome có phi trường quốc tế Leonardo Da Vinci International Airport nhưng người ta thường gọi là phi trường “Fiumicino Airport” vì nằm ở quận Fiumicino về phía Tây Nam Rome gần bờ biển và Ý có hãng hàng không quốc doanh Alitalia (đang thua lỗ định bán cho hãng máy bay Lufthansa của Ðức).

Thành phố Rome có 7 ngọn đồi vây xung quanh, khu trung tâm thành phố cũng là khu phố thời cổ đại nằm ở phía Ðông sông Tiber. Các di lịch lịch sử lừng danh của Rome như Roman Forum, Colosseum, Trevi Fountains đều nằm ở phía Ðông. Phía Tây sông Tiber là khu phát triển sau thời Trung Cổ, ít kiến trúc cổ chỉ có tòa thánh Vatican với thánh đường thánh Phêrô đồ sộ là địa điểm tập trung đông đảo người hành hương và khách du lịch. Tuy là thành phố lớn nhưng Rome không có nhiều những buyn-đinh cao chọc trời mà toàn là những kiến trúc xưa. Nhiều du khách cho rằng nếu không thấy xe hơi kiểu mới và người đi với quần áo tân thời thì người ta tưởng rằng đang sống vào thời kỳ trước Tây lịch. Tuy đông dân nhưng đường sá ở Rome êm đềm vắng vẻ, nhịp sống không hối hả ngược xuôi mà có vẻ trầm lắng, phảng phất một tinh thần hoài cổ. Ở những di tích lịch sử dường như người ta còn nghe thấy tiếng nói cười, bóng dáng người xưa đi lại, hội họp, mua bán trong những thành quách, cung điện, đấu trường.

Xe đưa chúng tôi về khách sạn Nova Domus Hotel nằm ở phía Bắc và chỉ cách tòa thánh Vatican hơn 1 km (trang nhà của khách sạn là www.hotelnovadomusrome.com). Khách sạn nằm trong con đường nhỏ, từ phòng ăn sáng trên lầu nhìn thấy tường thành của tòa thánh Vatican. Khách sạn quảng cáo là 4 sao có 103 phòng và 15 phòng lớn gọi là Suites, giá phòng nhỏ từ 120 Euros trở lên. Lấy phòng xong là 8 giờ 30 tối nhưng trời còn nắng, chúng tôi hỏi khách sạn lấy bản đồ và ra phố ngay. Ðịa điểm đầu tiên bao lâu năm nghe nói mà tôi muốn đến ngay là Tòa Thánh Vatican hay nói đúng hơn là công trường Thánh Phêrô (St. Peter's Square). Ba người chúng tôi (tôi, vợ và con gái trưởng thành) băng băng đi xuống hướng Nam, vượt qua 2 đại lộ bán buôn sầm uất cuối cùng là đụng tường thành Vatican nằm trên khu đất cao. Khổ một nỗi là bức tường cao kín mít không có cửa vào, chúng tôi phải đi vòng con đường bên ngoài bức tường gần một cây số nữa mới đụng cổng chính của công trường Thánh Phêrô nhìn ra hướng Ðông. Công trường Thánh Phêrô hình bầu dục được bao bọc bằng kiến trúc như dãy hành lang rất nhiều cột tròn. Phía Tây là vương cung thánh đường Thánh Phêrô và phía Ðông là cửa công trường nhìn ra đại lộ và cuối đại lộ là sông Tiber với nhiều cây cầu cổ bắc ngang. “Ðường nào cũng đến La Mã”, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thánh địa Vatican, tôi tuy đạo dòng nhưng không ngoan đạo lắm, tự nhận mình là con chiên ghẻ, chỉ ăn năn sám hối tội lỗi khi sắp phải lên bàn mổ, chỉ cầu xin Chúa mỗi khi gặp hoạn nạn như mới đây trận hỏa hoạn lớn ở Nam Cali xém chút thiêu rụi căn nhà (Thứ Bảy 15-8-08) nhưng tôi vẫn mong ước một ngày nào đặt chân đến Vatican. Chiều tối hôm nay đứng giữa công trường Thánh Phêrô, trung tâm của giáo hội cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui sướng hạnh phúc. Ngoài niềm tin tôn giáo sẵn có, sự rộng lớn hoành tráng của công trường, nét kiến trúc uy nghiêm cổ kính của ngôi thánh đường cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của khách du đến viếng. Ở công trường, nhiều linh mục trong áo dòng, các nữ tu trẻ người Âu rất xinh hạnh phúc sung sướng đã đành, cho đến nhóm du khách Nhật, Trung Quốc chắc không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo, ai ai cũng đều cười nói vui tươi mãn nguyện mặc dù trời đã hoàng hôn, lối vào nhà thờ thánh Phêrô đã đóng kín, du khách chỉ đứng ở công trường chụp hình hay ngồi ở bậc thềm nhìn thành phố La Mã bắt đầu lên đèn. Sáng mai chúng tôi sẽ trở lại đây để thăm viếng một cách tường tận hơn vì Vatican là một trong những địa điểm cốt lõi trong chuyến Tây du này.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art