Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Viếng nhà thờ Thánh Phêrô

Viếng nhà thờ Thánh Phêrô

Tiền diện nhà thờ Thánh Phêrô ở Rome được xây năm 1612 (riêng nhà thờ được xây năm 1506).

Từ trên mái vòm nhà thờ nhìn xuống công trường Thánh Phêrô.

Cây cột Obelisk được mang đến La Mã vào năm 36 AD từ Ai Cập (Egypt).

 

Nhà thờ Thánh Phêrô (St. Peter's Basilica) ở Rome xây năm 1506 trên nền nhà thờ cũ của vua Constantine cho xây vào năm 324 ngay nơi phần mộ của Thánh Phêrô. Thời gian xây cất nhà thờ kéo dài hơn 150 năm mới hoàn thành, là một công trình kiến trúc chẳng những đồ sộ nguy nga lại vừa là một kỳ công nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Rất nhiều kiến trúc sư đã tham gia trong việc xây dựng nhà thờ như Bramante, Raphael, Antonio Da Sangallo, Giacomo Della Porta và Carlo Maderno nhưng đóng góp công sức nhiều nhất là Michelangelo, ông ta tiếp nhận công trình xây dựng khi đã 72 tuổi với trách nhiệm thiết kế mái vòm nhà thờ và trang trí bên trong. Không dành riêng cho tín đồ Thiên Chúa Giáo mà nhà thờ chào đón tất cả mọi người vào thăm viếng miễn phí chỉ cần điều kiện ăn mặc đứng đắn và kín đáo, nghĩa là không quần hoặc váy ngắn, áo không lộ vai, hở rún.

Buổi sáng đầu tiên ở Rome từ trên lầu 5 của khách sạn Nova Damus tôi thức giấc vì những tiếng ồn ào dưới đường phố: tiếng xe cộ rồ máy, nhấn còi, tiếng người kêu réo, nói cười. Sáu giờ trời đã sáng tỏ, nhìn xuống con đường phía dưới, xe vận tải nhỏ đậu một hàng dài. Người ta khiêng từng thùng hoa tươi đi về phía ngôi nhà lớn, dường như là một ngôi chợ mà là một ngôi chợ bán sỉ đầu mối cung cấp hoa tươi cho thành phố La Mã. Cạnh khách sạn còn có một ngôi nhà thờ với trường trung học trong khuôn viên và trên sân thể thao tráng xi măng các em học sinh trai đang chơi bóng rổ cười nói vui tươi. Học sinh Ý ăn mặc, chơi đùa, la hét cũng không khác gì học sinh bên Mỹ nơi tôi ở. Ngày nay thế giới chỉ là một mái nhà, phong cách của tuổi trẻ ở nhiều nước cũng đều giống nhau, chỉ khác là các em học sinh Ý cao và gầy ốm, không thấy em nào mập như bên Mỹ. Chúng tôi thay đồ xuống phố đi dạo chơi trong lúc chờ nhà hàng ăn sáng trong khách sạn mở cửa. Du lịch là đi tìm hoa thơm cỏ lạ nên chúng tôi vào trong chợ hoa để ngắm hoa tươi hé nụ ban mai xem có loài hoa nào lạ không? Hơi thất vọng vì đi suốt trong chợ toàn là hoa quen thuộc, không có loài hoa nào lạ. Khác là hoa Âu Châu cùng một loài hoa nhưng đẹp hơn hoa Cali, dáng hoa hơi khác, cánh hoa to, sắc màu rực rỡ. Thấy tôi đưa máy lên bấm, các ông Ý lái hoa quăng điếu thuốc lá, cười duyên rất hóm hỉnh “tạo mẫu” cho tôi chụp. Ðây là những bức ảnh tự nhiên mô tả trung thực đất nước và con người Ý Ðại Lợi, họ vô tư vui tươi trong mọi trường hợp. Những người bán lẻ vào trong chợ mua hoa rất nhanh rồi đẩy ra ngoài, chất lên xe và chở đi, không thấy các xe hàng đưa hoa tới như hồi sáng. Chợ hoa tan rất nhanh, độ 9 giờ sáng thì đóng cửa và thấy người ta quét rác và dọn dẹp.

Chúng tôi ăn sáng trên nhà hàng trên lầu, có một khu patio lợp kính trong với những chậu hoa, ngồi ăn sáng ở đây nhâm nhi tách cà phê Expresso rất là thoải mái và thú vị. Món ăn Ý có chút cá, nhiều rau, bánh mì ốm tong nhỏ xíu nhưng tôi thích hơn là thức ăn những nước vừa đi qua, có lẽ gần gũi với thực đơn Việt Nam hơn vì có chút hải sản. Sáng nay từ lúc 7 giờ 30 những người tham dự tour du lịch nhiệm ý (optional) đã lên đường đi thăm các di tích như Sistine Chapel, Caracalla Baths, Catacomb, Appian Way, Pyramids, Cestius và Vatican Museums với giá tiền là 65 Euro. Như những lần trước tôi không tham gia các tour nhiệm ý trả thêm tiền này vì giá đắt mà viếng thăm mỗi nơi rất mau. Chín giờ sáng ông trưởng đoàn Luigi Saba trở lại khách sạn đón 7 người chúng tôi đưa đến công trường Thánh Phêrô (St. Peter's Square) để gặp nhóm tour nhiệm ý do một nhân viên du lịch địa phương hướng dẫn, để rồi cùng nhau vào thăm viếng Thánh Ðường Phêrô (St. Peter's Basilica). Tám người chúng tôi cũng đi bằng xe buýt lớn của tua du lịch mấy ngày qua vẫn đi, xe xuống hướng Nam để đến công trường Thánh Phêrô cách khách sạn độ 1 km.

Công trường Thánh Phêrô

Công trường Thánh Phêrô (St. Peter's Square, tiếng Ý là Piazza San Pietro) là khoảng sân rộng lớn hình bầu dục nằm phía trước tiền diện nhà thờ Thánh Phêrô. Công trường được lát đá tảng từ trên cao nhìn xuống như khoen tròn trên đầu chiếc chìa khóa mang ý nghĩa từ thánh kinh viết bởi thánh Matthew: “Chúa giao cho Thánh Phêrô giữ chìa khóa cửa thiên đàng”. Thánh Phêrô là một trong 12 môn đệ của Chúa Jesus đã tử đạo và được chôn tại đây, ông là người cầm đầu giáo hội được xem là Giáo Hoàng đầu tiên. Công trường nhìn về phương Ðông là hướng nước Do Thái (Israel) nơi Chúa sinh ra và rao giảng đạo. Bao quanh công trường là 2 dãy hành lang Colonnade hình cung, mỗi dãy có 4 hàng cột bằng đá với tổng cộng 284 cây cột. Hai dãy hành lang này như hai lối đi được che mưa che nắng đưa tín đồ vào chiêm bái nhà thờ. Lối đi giữa hành lang rộng đủ để xe ngựa chạy và 2 lối đi 2 bên dành cho người đi bộ. Công trường cũng như kiến trúc hành lang Colonnade thiết kế bởi Lorenzo Bermini và được xây dựng từ năm 1655 đến 1667 dưới triều của Giáo Hoàng Alexander VII. Trên nóc của hành lang là tượng của 140 vị thánh được điêu khắc từ năm 1662 đến 1703.

Tâm của công trường là cây cột đá Obelisk như một tấm bia cổ xưa nhất nơi đây. Cột Obelisk cao 40 mét có từ thế kỷ 13 trước Tây lịch ở Ai Cập (Egypt) được mang đến La Mã vào năm 36 AD bởi hoàng đế Caligula và trước đó được dựng ở vận động trường của vua Nero (Nero's Circus) cách nơi đây 100 m (là địa điểm nhà thờ Thánh Phêrô hiện nay). Cột được dời ra đây từ năm 1586 với công dụng như chiếc đồng hồ mặt trời, vào lúc đứng ngọ (12 giờ trưa) bóng cây cột sẽ chiếu xuống ngay chiếc dĩa bằng đá cẩm thạch trắng. Ðối xứng hai bên cây cột là hai bồn phun (phông tên) nước bằng đá, bồn ở hướng Nam là công trình của Carlo Maderno được tạc vào năm 1613 và bốn hướng Bắc của Carlo Fontana tác tạo vào năm 1677. Khi chúng tôi đến đây hai bồn phun nước đang được trùng tu nên không hoạt động. Ngày nay những phông tên bắn những tia nước lên bằng máy bôm nhưng thời xưa chưa có máy bôm chạy bằng điện hay bằng nhiên liệu, người ta phải dẫn nước từ trên núi xuống. Với nguyên tắc bình thông nhau, nước ở nơi thấp hơn sẽ phun lên cho ngang bằng với mực trên cao. Thành thử thiết kế phông tên ngày xưa là một công việc phải tính toán không đơn giản. Khoảng giữa cây cột Obelisk và mỗi bồn phun nước có một tảng đá hình bầu dục đánh dấu tâm điểm của dãy hành lang hình vòng cung. Nếu đứng trên tảng đá này sẽ thấy hai hàng cột của hành lang Colonnade thẳng hàng nhau. Gần bậc thềm dẫn lên nhà thờ Thánh Phêrô có hai tượng đá rất lớn là tượng hai thánh Phêrô và Phaolô (Peter và Paul) là hai thánh bổn mạng của thành La Mã. Hai tượng này cao khoảng 5 mét được tạc theo lệnh của Giáo Hoàng Pius IX vào Lễ Phục Sinh 1847 để thay thế hai tượng cũ nhỏ hơn.

Nơi công trường du khách tấp nập mặc dù mới sáng sớm, chúng tôi được ông trưởng đoàn Luigi Saba phát cho mỗi người một máy nghe mang trước ngực có 2 chiếc earphone gắn vào tai để nghe hướng dẫn viên du lịch thuyết trình về những di tích lịch sử. Mở máy lên thì nghe tiếng người nói, một lúc sau mới thấy người nói xuất hiện cùng với nhóm người trong đoàn du lịch tham dự tua nhiệm ý đi từ sáng sớm. Ðó là ông Anthony hướng dẫn viên du lịch địa phương dáng dấp to lớn mập mạp, râu ria xồm xàm giống như... thánh Phêrô. Ông ta kể về lịch sử, đặc tính của công trường Thánh Phêrô đại khái như vừa miêu tả trên. Sau đó ông hướng dẫn đến sắp hàng để lên bậc thềm vào thăm nhà thờ Thánh Phêrô. Nhà thờ Thánh Phêrô tiếng Anh là St. Peter's Basilica (tiếng Ý là San Pietro in Vaticano) mà không gọi là St. Peter's Cathedral thường được dịch là Vương Cung Thánh Ðường. Tôi hỏi ý nghĩa giữa hai chữ Basilica và Cathedral khác nhau như thế nào thì ông Luigi Saba giải thích là:

Cathedral là nhà thờ chánh tòa của một giáo phận (diocese) nơi đó có văn phòng tòa giám mục trong khi Basilica là nhà thờ đặc biệt vì kiến trúc to lớn, có giá trị nghệ thuật hay có tính cách lịch sử. Ðức Giáo Hoàng là chức sắc trong giáo hội có quyền sắc phong và xếp hạng nhà thờ nào là Cathedral hay là Basilica. Vương Cung Thánh Ðường tức nhà thờ chính tòa của giáo phận Vatican tức là giáo phận của Ðức Giáo Hoàng không phải là nhà thờ Thánh Phêrô mà là Vương Cung Thánh Ðường St. John Lateran cũng ở trong Rome.

Kiến trúc tiền diện nhà thờ

Ðứng ở quảng trường Thánh Phêrô nhìn vào nhà thờ phần cao nhất là mái vòm nhà thờ, không phải hình bán cầu mà là hình cong Parabole được vẽ kiểu bởi danh tài Michelangelo người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng vào năm 1546. Cho tới khi ông ta chết (1564) mái vòm vẫn chưa hoàn tất chỉ mới xong phần đáy. Mái vòm được xây từ năm 1585 đến 1590 bởi kiến trúc sư Giacomo Della Porta và phụ tá là Domenico Fontana, ông này vẽ kiểu ngôi nhà “lồng đèn” (lantern) đặt trên mái vón và cao nhất là quả cầu tròn được đặt lên trên đó vào năm 1593.

Tiền diện nhà thờ là một kiến trúc hình chữ nhật rộng 116 mét và cao 53 mét với những cột to được xây trong khoảng từ năm 1608 đến 1614 do Carlo Modeno thiết kế. Bên trên tiền diện có 13 tượng các thánh từ trái sang phải là các ông Thaddeus, Matthew, Philip, Thomas, James the Elder, John the Baptist, Christ the Redeemer (ở giữa), Andrew, John the Evangelist, James the Younger, Bartholomew, Simon và Matthias. Phía dưới có dòng chữ La Tinh “IN HONOREM PRINCIPIS APOST PAVLVS V BVRGHESIVS ROMANVS PONT MAX AN MDCXII PONT VII”. Dòng chữ này dịch sang tiếng Anh là: “In honor of the prince of apostles Paul V Borghese, Pope, in the year 1612 and the seventh year of his pontificate” cho biết tiền diện nhà thờ được xây năm 1612 nhằm vinh danh vị sứ đồ là Giáo Hoàng Paul Ðệ Ngũ Borghese trong năm thứ bảy dưới triều giáo hoàng của ngài.

Giữa tiền diện và các cửa vào nhà thờ là gian đại sảnh gọi là Portico nơi đây có tượng 2 hoàng đế là Charlemagne ở phía Nam và Constantine ở hướng Bắc là những người có công với giáo hội. Cửa nhà thờ ở hướng cực Bắc (tức cửa tay phải nếu đứng phía trước nhà thờ nhìn vào) gọi là Thánh Môn (Holy Door) cánh cửa bằng đồng được thiết kế bởi Vico Consorti vào năm 1950. Cửa này chỉ được mở khi mừng những việc trọng đại như năm Thánh (Jubilee years), gần đây nhất Ðức Giáo Hoàng John Paul II mở cửa thánh này trong những năm 1983-84 và 2000-01. Cánh cửa chính giữa tác giả là Antonio Averulino (1455) được lưu lại từ nhà thờ cũ. Cánh cửa quá nhỏ so với nhà thờ mới nên phải gắn thêm những phù điêu chạm trổ hình các thánh như hình Chúa đội mũ triều thiên cho Ðức Mẹ Maria. Thánh Phaolồ với thanh kiếm (ông này là quan triều từng sát hại người theo đạo sau trở lại với đạo), thánh Phêrô trao chìa khóa cho Giáo Hoàng Eugene IV v.v... Cửa sau cùng ở phía trái là Tử Môn (Door of Death) theo truyền thống chỉ mở để đưa đám tang ra khỏi nhà thờ như tang lễ các Giáo Hoàng và các phù điêu trên cánh cửa cũng diễn tả cảnh lâm chung của Chúa Jesus, Ðức Bà Maria và nhiều thánh khác nữa.

Chúng tôi tập trung tại đây để nghe ông Anthony thuyết trình ý nghĩa về các cánh cửa và chuẩn bị để vào viếng bên trong nhà thờ. Thường vào thăm viếng nhà thờ Thánh Phêrô du khách phải sắp hàng chờ trung bình chừng nửa tiếng đồng hồ, trong lúc chờ đợi nghe các hướng dẫn viên du lịch thuyết trình, nếu đi tự túc có thể mở các tập sách hướng dẫn đọc trước những chi tiết về lịch sử, các giai đoạn xây cất nhà thờ có một không hai này. Nhà thờ vừa cổ xưa với tuổi đời trên 500 năm, vừa to lớn đồ sộ lại vừa là một kỳ công nghệ thuật rất lộng lẫy và mỹ lệ. Những công trình đồ sộ vào xem thường phải mua vé gọi là phụ phí đóng góp vào việc tu bổ di tích nhưng riêng đại giáo đường Thánh Phêrô thi hoàn toàn miễn phí và chào đón tất cả mọi người không phân biệt bất cứ ai và tự do chụp ảnh, quay phim.

Bên trong thánh đường Thánh Phêrô ở Rome.


Mái hiên Baldacchino ở trung tâm nhà thờ.

Tác phẩm Pietà (Ðức Mẹ Sầu Bi) của Michelangelo.

Mái vòm Cupola ở bên trên mộ Thánh Phêrô.


Tượng Thánh Phêrô bằng đồng tạc khoảng năm 1200.


Thánh đường Thánh Phêrô tọa lạc trong tòa thánh Vatican ở Rome thủ đô nước Ý Ðại Lợi, đây là thánh đường to lớn đồ sộ vào bậc nhất thế giới và được xếp hạng “Basilica” vì tính chất cổ xưa, to lớn và linh thiêng. Ðúng ra chữ Basilica nên dịch là Vương Cung Thánh Ðường nhưng trong ngôn ngữ Việt Nam người ta đã dùng chữ Vương Cung Thánh Ðường để dịch chữ Cathedral (thí dụ nhà thờ chính tòa Sài Gòn, Hà Nội đều bị dịch là Vương Cung Thánh Ðường) mặc dù nghĩa đúng của Cathedral có nghĩa là nhà thờ chính tòa, là nhà thờ có đặt Tòa Giám Mục của giáo phận chứ không cần phải là đại giáo đường có tính cách lịch sử.

Lịch sử nhà thờ Thánh Phêrô

Nhà thờ Thánh Phêrô hiện nay được xây dựng trên nền nhà thờ Thánh Phêrô cổ được vua Constantine cho xây vào năm 324 AD ngay trên phần mộ của Thánh Phêrô sau khi ông bị hành hình và tử đạo. Thánh Phêrô là một trong 12 vị tông đồ của Chúa Jesus, từ miền Do Thái ông đã sang Rome để giảng đạo và bị hành hình khoảng năm 64 đến 67 AD dưới thời bạo chúa Nero. Tương truyền rằng ông bị đóng đinh trên thập giá như Chúa Jesus và treo ngược theo lời yêu cầu của ông. Xác ông được an táng trong khu nghĩa địa của người Thiên Chúa Giáo, khu này trước kia là vận động trường (Circus) của vua Nero (từ ngữ “Circus” tạm dịch là “vận động trường” là bãi đất trống ngày xưa dùng để tranh tài thể thao, giải trí, hội chợ v.v...) Sau 300 năm bị cấm đạo, những người theo đạo Thiên Chúa bị các vua La Mã giết, đến đời vua Constantine ông này bãi bỏ việc cấm đạo và truyền xây nhà thờ Thánh Phêrô ngay trên khu mộ của Thánh Phêrô và gần nơi ông bị hành hình. Tương truyền cho rằng vua Constantine theo đạo Thiên Chúa là vì trong thời gian ông bị quân giặc vây hãm, nằm mơ ông thấy thiên thần bảo ông cho vẽ hình thập tự giá lên các tấm khiên mộc của binh sĩ. Sáng ra ông cho làm như vậy và quân lính của ông đã thắng trận chiến, giải vây được thành La Mã. Nhà thờ cũ cũng rất đồ sộ được trang hoàng bằng đá hoa cương cẩm thạch (marble) và những bức tranh cẩn đá (mosaics), bị đánh phá nhiều lần bởi giặc xăm lăng phương Bắc nhưng cũng là trung tâm của Thiên Chúa Giáo thời ấy.

Hơn 1,100 năm sau, đến giữa thế kỷ 15 nhà thờ Thánh Phêrô đã xuống cấp hư hại vì bỏ hoang trong một thời gian dài chiến tranh, thấy cần phải xây lại nên có những dự án tái thiết từ những năm 1450. Công việc xây cất nhà thờ thực sự khởi công năm 1506 dưới triều đại Giáo Hoàng Julius II, giao cho ông Donato Bramante là kiến trúc sư trưởng đầu tiên với nhiệm vụ phá đi nhà thờ cũ và xây nhà thờ mới có dạng hình cây thánh giá kiểu Hy Lạp với mái vòm cao. Sau khi ông Bramante chết năm 1514 công việc đình trệ suốt 30 năm, mọi người chỉ tranh cãi về bản vẽ mà không xây dựng thêm cái gì. Ðến năm 1547 Michelangelo lúc này đã 72 tuổi được giao làm kiến trúc sư trưởng, ông ta thay đổi bản vẽ, xây nhà thờ lớn hơn và thiết kế lại phần mái vòm cũng như trang trí phần bên trong như ngày nay chúng ta thấy. Sau khi Michelangelo qua đời, ông Carlo Maderno tiếp tục công trình và hoàn thành năm 1615 dưới thời Giáo Hoàng Paul V. Nhà thờ Thánh Phêrô là kiến trúc vĩ đại có chiều dài 218 mét (715 ft), mái vòm cao 137 mét ( 450 ft) với diện tích 23,000 mét vuông có thể chứa đến 60,000 người ở bên trong. Nhà thờ có tất cả 778 cây cột, 395 bức tượng và 44 bàn thờ. Thánh đường Thánh Phêrô cũng là kiến trúc mỹ thuật nhất của giáo hội Thiên Chúa Giáo là nơi tổ chức những nghi thức tôn giáo trọng đại và mỗi ngày đều có thánh lễ cử hành bên trong.

Bên trong nhà thờ

Sau khi băng qua Công Trường Thánh Phêrô vào buổi sáng đông nghẹt du khách và tín đồ hành hương, ông Anthony hướng dẫn viên địa phương đưa chúng tôi đến sắp hàng ở cửa bên tay mặt để vào viếng nhà thờ. Nơi đây phải qua bàn khám xét các túi xách tay và cũng ở đây du khách có thể hỏi mướn máy thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng để mang vào nhà thờ, vừa đi vừa nghe những lời giải thích về các di tích. Sau khi qua gian sảnh đường tiền diện chúng tôi vào bên trong nhà thờ. Cảnh tượng vô cùng huy hoàng, tráng lệ và to lớn, đồ sộ hiện ra gây ấn tượng thích thú khó quên. Bên trong không khí mát lạnh, du khách cũng như người hành hương rất đông quay phim, chụp hình, nói cười, trao đổi nhận xét nhưng tiếng động không ồn ào mà vang vọng bàng bạc không quấy rầy người xem. Sàn giáo đường lát bằng đá cẩm thạch (marble) hoa vân nhiều màu sắp xếp hài hòa, bóng loáng rất đẹp. Vào những năm 1500, thời xây nhà thờ chưa có máy móc tân tiến để cưa, cắt đá cẩm thạch nhưng không hiểu người ta làm thế nào mà sàn đá nhà thờ trơn tru, bằng phẳng không gợn sóng, những đường nối nhau thẳng tắp và rất khít khao độ hở chỉ chừng vài milimét. Ðặc biệt là hàng trăm cột đá tròn bằng cẩm thạch bóng lộn vươn lên cao vút tận nóc nhà thờ. Phía trên là những mái vòm cong được trang trí bằng những hoa văn, phù điêu cũng bằng đá hoa cương được chạm trổ vô cùng công phu và tinh xảo. Khắp đó đây, trên tường, dưới những trụ cột vô số những bức tượng đường nét nghệ thuật tuyệt vời. Ðây là tượng những vị thánh tử đạo, những hoàng đế hay những bức điêu khắc trên đá diễn tả một cảnh nào đó trong thánh kinh. Thường điêu khắc cổ Âu Châu hay có những bức tượng khỏa thân nhưng nơi đây không thấy có bức tượng nào dạng thức nghệ thuật như vậy. Trên tường nơi cao nhất giáp với mái vòm cong là những đường vân chạy chỉ (mold) trang trí có những dòng chữ La Tinh mạ vàng lấp lánh trông cổ kính, uy nghiêm. Tuy là những mẫu tự La Mã thường thấy nhưng nếu không học tiếng La Tinh sẽ khó đoán ý nghĩa như thế nào?

Hướng dẫn viên Anthony rất chuyên nghiệp thuyết minh dẫn giải từng chi tiết của những bức tượng hay các thánh tích nổi tiếng. Tiếng ông ta nói không lớn nhưng nhờ có máy truyền âm không dây gắn vào tai nên mọi người đều nghe rõ. Nhà thờ có kiến trúc bên trong như hình thập giá, tâm của thập giá nơi ngã tư giao nhau là bàn thờ chính của nhà thờ, phía dưới là hầm mộ của Thánh Phêrô và bên trên là mái vòm nhà thờ. Bắt đầu bên tay mặt của nhà thờ, nhóm chúng tôi tiến về phía cung thánh. Nhà thờ rất nhiều cây cột to lớn, dưới những cây cột đều có những bàn thờ bên trong là tượng một vị thánh. Có tất cả 39 vị thánh khai sáng giáo hội được thờ trong suốt nhà thờ.

Tác phẩm Pietà của Michelangelo

Ðầu tiên cũng ở về phía tay mặt gần cửa vào là tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng rất nổi tiếng của Michelangelo lúc ông còn trẻ là bức tượng Pietà mà người Việt thường gọi là tượng Ðức Mẹ Sầu Bi (tượng sao chép khổ nhỏ từng được đặt ở khuôn viên tòa Khâm Sứ ở Hà Nội). Tượng diễn tả cảnh Ðức Mẹ ôm xác Chúa Jesus trong lòng sau khi đem xác xuống từ thập giá. Tác phẩm rất sống động tuy bằng đá nhưng thân xác Chúa có vẻ mềm nhũn như xác thật. Bằng đá mà khắc như vậy thật là một kỳ công của một thiên tài. Tượng Pietà là tác phẩm vô giá nhưng để cho mọi người tự do chiêm ngưỡng chụp hình, một lần vào năm 1972 có một kẻ dùng búa chém vào bức tượng nhưng rất may dường như không hư hại gì! Hiện nay tượng được chắn bằng một tấm kính trong nên chụp ảnh bằng đèn có thể bị phản chiếu. Michaelangelo tạc bức tượng vào năm mới có 24 tuổi và có khắc tên mình trên áo của Ðức Mẹ.

Blessed Sacrament Chapel

Tiến bước về phía trước là tượng đài Christina of Sweden, nữ hoàng Thụy Ðiển thoái vị năm 1654 để theo đạo, phía sau là nhà nguyện Blessed Sacrament có bàn thờ và những dãy bàn quỳ. Nơi nhà nguyện này thánh lễ hàng ngày được cử hành tại đây vào lúc 8 giờ 30 sáng sau đó Mình Thánh Chúa sẽ được trưng bày cho đến 4 giờ 45 chiều để cho tín đồ cầu nguyện. Nhà nguyện được Bernini trang trí bằng đá hoa cương là nơi nhiều tín đồ hành hương cầu nguyện và được mô tả là “linh thiêng nhất trong thánh đường Phêrô”. Trong sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh kể câu chuyện sau đây: Một buổi sáng Ðức Giáo Hoàng John Paul Ðệ Nhị vào viếng nhà nguyện, các tu sĩ tháp tùng hỏi ngài lý do nào ngài viếng nơi đây? Ðức Giáo Hoàng cho biết: thánh đường Thánh Phêrô có tính cách một viện bảo tàng hơn là nhà thờ, thành ra không có nơi nào dành riêng để cầu nguyện hơn nhà nguyện này. Sau đó ngài cử hành thánh lễ trên bàn thờ và dành nơi đây đặc biệt để cầu nguyện.

Xác Ðức Giáo Hoàng Gioan 23

Cũng về phía tay phải tôi thấy trong hòm kính có một người nằm với y phục trắng đỏ, khi tiến đến gần nhận ra là Ðức Giáo Hoàng John (Gioan) 23 đã băng hà năm 1963. Tôi tưởng là tượng bằng sáp hóa ra là thi hài thật của ngài. Số là sau khi được phong Á Thánh vào năm 2000, năm sau người ta mở nắp quan tài nơi mộ của ông dưới hầm nhà thờ định cải táng vào trong nhà thờ Thánh Phêrô. Thật lạ là xác ông vẫn còn nguyên vẹn, khuôn mặt tươi hồng, bình thản như đang ngủ nên người ta đặt xác ông vào lồng kính để mọi người chiêm bái. Giáo Hoàng John 23 là người Ý sinh năm 1881 và được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 1958 kế vị Giáo Hoàng Pius (Piô) 12 vừa băng hà. Ông có công tiến hành Cộng Ðồng Vatican Kỳ 2 nhằm canh tân giáo hội. Vốn sùng kính Thánh Jerome nên người ta đặt ông nằm dưới bàn thờ của vị thánh này. Cũng ở bên tay phải nhà thờ còn có mộ của 2 Giáo Hoàng Piô 11 và Piô 12 (Giáo Hoàng từ 1939 đến khi qua đời năm 1958). Hai ngôi mộ này nằm trong nhà nguyện thờ kính Thánh Sebastian.

Papal Altar và Confessio phía dưới

Bàn thờ chính ở giữa nhà thờ Thánh Phêrô được gọi là bàn thờ Giáo Hoàng (Papal Altar) vì chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới cử hành thánh lễ tại đây trong những dịp trọng đại. Phía trước bàn thờ có nhiều hàng ghế để tín hữu cầu nguyện. Bên trên bàn thờ là mái hiên bằng đồng đen được đỡ bằng bốn cây cột nhiều mắt nối như thân cây mía. Mái hiên có tên là Baldacchino cao 30 mét vươn lên ngay phía dưới mái vòm nhà thờ có tính cách che bên trên cung thánh. Baldacchino đã được kiến trúc sư Bernini bỏ nhiều tâm huyết thiết kế với kiểu dáng lấy từ những cây cột của nhà thờ cũ trước đây. Ngay phía dưới là Confessio nằm chìm dưới đất, là một gian thờ được xây vào thế kỷ 17 nhằm nhắc lại bí tích xưng tội (confession) của Thánh Phêrô trước khi chịu nạn tại đây. Gian thờ Confessio làm bằng vàng rất lộng lẫy nhìn thấy rõ hơn nếu chúng ta xuống dưới hầm mộ nhà thờ gọi là Crypt (hay Grottoes) nơi đó nhìn vào qua một tường bằng kính. Mộ của Thánh Phêrô tuy nằm phía dưới bàn thờ Giáo Hoàng nhưng cũng không thấy được tại đây hay ngay cả dưới hầm mộ Crypt vì mộ của ngài ở về phía bên kia của Niche of the Pallium là bàn thờ ở phía sau của Confessio. Mộ của Thánh Phêrô chỉ nhìn thấy khi tham dự Tour có hướng dẫn Scavi. Muốn dự Tour Scavi phải ghi danh giữ chỗ tại Vatican Excavations Office, địa chỉ Fabbrica di San Pietro 00120 Vatican City, Email: scavi@fsp.va. Muốn vào nơi đây có thể đến Holy Office Gate (ở dãy Colonnade cánh trái), những vệ binh tòa thánh người Thụy Sĩ (Swiss Guard) sẽ hướng dẫn vào Vatican Excavations Office. Tour Scavi có thâu lệ phí, chỉ người lớn mới tham dự và không được chụp ảnh và quay phim.

Gần bàn thờ Giáo Hoàng người ta sẽ thấy tượng Thánh Phêrô bằng đồng đen đội vương miện, tay cầm xâu chìa khóa ngồi trên ghế. Tượng không lớn có kích thước bằng người thật, là tác phẩm của Amolfo Di Cambio tạc khoảng cuối 1200 nhưng có thời gian cho rằng tượng có từ thế kỷ thứ 5. Bàn chân phải của tượng Thánh Phêrô bị mòn nhẵn vì người ta sờ nắn qua hàng bao thế kỷ. Khi chúng tôi đến đây thấy một hàng dài tín hữu chờ chạm tay hoặc hôn chân ngài.

Cuối nhà thờ là tác phẩm Cathedra of St. Peter bằng đồng của Bernini sáng tác vào năm 1666 là một tượng hoa văn trang trí nhìn như một chiếc vương miện bên trong có chứa chiếc vương miện bằng gỗ cây Oak mà vua Charles the Bald được Giáo Hoàng trao tặng trong lễ tấn phong ông ta vào năm 875 trong nhà thờ cũ.

Bàn thờ Thánh Joseph

Bàn thờ Thánh Joseph (Giuse) tọa lạc ở giữa cánh trái nhà thờ, nơi đây mỗi ngày có 5 thánh lễ được cử hành từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nên rất thuận tiện cho những ai muốn dự thánh lễ ngay trong nhà thờ lịch sử này. Nơi đây là khu rộng nhất, có hàng ghế ngồi nên dù không dự thánh lễ cũng là nơi du khách có thể ngồi nghỉ chân, thư giãn trong chốc lát. Nơi đây còn thờ kính hai thánh Simon và thánh Jude với thánh tích “xá lợi” (một phần thân thể - relics) của hai ngài đặt dưới bàn thờ chính. Về phía trái bàn thờ thánh Joseph là bàn thờ Thánh Phêrô Chịu Nạn với bức tranh cẩn đá sao chép lại bức họa nổi tiếng của Guido Reni. Ðịa điểm nơi đây là chỗ gần nhất ngày xưa cây cột đá Obelisk được đặt trong vận động trường Nero sau khi mang từ Ai Cập về Rome (bây giờ được dời ra đặt giữa quảng trường trước nhà thờ). Vị trí này cũng là nơi gần nhất pháp trường mà Thánh Phêrô chịu nạn trên cây thập giá.

Cuối cánh trái nhà thờ là bàn thờ có bức tranh cổ của Ðức Mẹ Maria được vẽ trên cột đá cẩm thạch trong nhà thờ cũ của vua Constantine. Phần bức tranh được giữ lại đem về thờ tại đây năm 1607 trên bàn thờ do Giacomo Della Porta thiết kế. Dưới bàn thờ là quan tài bằng đá chứa hài cốt của 3 Giáo Hoàng Leo Ðệ Nhị (682-83), Leo Ðệ Tam (795-816) và Leo Ðệ Tứ (847-55) là những Giáo Hoàng đầu tiên được an táng trong nhà thờ này. Từ cánh trái ra đến cửa nhà thờ còn rất nhiều tượng đài thờ kính các Ðức Giáo Hoàng như Pius 8 (1829-30), Gregory the Great (590-604), mộ Pius 10 (1904-1914) và Benedict 15 (1914-22).

Trong đời người, dù có đạo Thiên Chúa hay không cũng nên đến viếng đại thánh đường Thánh Phêrô một lần cho biết kỳ công của người La Mã cách đây 5 thế kỷ. Thánh đường Phêrô mở cửa mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, mùa Ðông (tháng 10 đến tháng 3) đóng cửa lúc 6 giờ. Vào viếng miễn phí. Nơi cánh trái nhà thờ ăn thông với Treasury Museum (lệ phí 5 Euro). Lên mái vòm Cupola (lệ phí 5 Euro cho thang máy và 4 Euro nếu đi bộ). Hầm mộ các Giáo Hoàng dưới nhà thờ (Crypt - miễn phí).

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art