Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Lịch sử thành phố La Mã

Lịch sử La Mã

La Mã (Rome) là thành phố lớn nhất và là thủ đô của nước Ý Ðại Lợi với dân số 2.7 triệu người, nếu kể luôn vùng ngoại ô là 3,849,000 người. Rome nằm ở vùng Trung Tây của bán đảo Ý Ðại Lợi có con sông Tiber chảy ngang qua theo hướng Nam Bắc. Rome có chiều dài lịch sử hơn 2,700 năm có thời là thành phố lớn nhất thế giới và là trung tâm nền văn minh Tây Âu. Rome từng là thủ đô một nước Thiên Chúa Giáo được cai trị bởi Giáo Hoàng nên được gọi là “Quốc Gia của Giáo Hoàng” (Papal States) và ngày nay là trung tâm của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã với Thánh Ðịa Vatican như một quốc gia riêng nằm trong thành phố Rome. Hiện nay Rome vẫn còn lưu lại nhiều di tích, đền đài xây từ vài ngàn năm trước và là điểm du lịch đứng thứ ba mỗi khi du khách đến thăm các nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

 Chương trình trong buổi sáng đầu tiên ở Rome là viếng đại thánh đường Thánh Phêrô nằm trong Vatican. Tòa Thánh Vatican ở về phía Tây của sông Tiber trong khi đa số những di tích cổ của thành Rome đều nằm về phía Ðông như đấu trường Colosseum và đền cổ Forum. Ðể hiểu rõ những di tích này thiết tưởng chúng ta cần sơ lược qua dòng lịch sử lâu đời của thành phố La Mã cổ xưa này.

Lịch sử thành phố La Mã

Thời kỳ đồ đá 100,000 năm trước Công Nguyên (100,000 BC) đã có người đến sinh sống trong vùng thành phố Rome. Một cuộc thay đổi lớn là vào khoảng 5,000 BC, nhóm sắc dân đến từ Hy Lạp (Greece) bằng thuyền, họ biết sử dụng những dụng cụ bằng đá, cất nhà, trồng trọt, chăn nuôi và làm đồ gốm (pottery), thời kỳ này được gọi là “New Stone Age”. Từ năm 3,000 BC về sau có giống dân đến từ Tây Á, họ biết chế dụng cụ bằng đồng nên gọi thời kỳ này là thời kỳ “nước Ý đồ đồng” (Bronze Age Italy). Ðồng là hợp kim đắt tiền gồm có đồng (copper) và thiếc (tin) nên chỉ có người giàu mới xài đồ đồng, đa số dân chúng Ý chỉ dùng đồ làm bằng đá, gỗ hay xương thú. Từ 700 BC người Ý giao thương bằng thuyền khắp vùng Ðịa Trung Hải và chịu ảnh hưởng của người Hy Lạp là một nền văn minh lớn thời đó và trong giai đoạn này thành phố Rome được thành lập.

Theo các nhà sử học và khảo cổ, thành phố Rome được thành lập vào giữa thế kỷ thứ 8 trước Tây lịch từ một vùng đồng ruộng có dân chúng định cư gần ngọn đồi Palatine mà hiện nay còn lại di tích là những cột đền, tường đá được gọi là Roman Forum nằm về phía Ðông sông Tiber. Lịch sử thành Rome được chia ra các thời kỳ như sau:

1. Thời kỳ người Etruscan (1,000 BC đến 500 BC) là thời kỳ thành Rome phồn thịnh, dân chúng nói tiếng La Tinh (Latin). Người Etruscan từ Hy Lạp đi thuyền qua buôn bán giao thương với nước Ý, họ thành lập hải cảng Naples ở miền Nam. Dân Etruscan từ miền Nam thấy vùng sông Tiber mầu mỡ nên tràn lên chiếm thành Rome. Trong suốt giai đoạn này Rome nằm dưới sự cai trị của các vua người Etruscan mà theo truyền thuyết có 7 đời vua. Các vua này bắt dân Rome xây tường thành bằng đá để bảo vệ thành, cất đền đài bằng đá và đào kinh dẫn nước.

2. Cộng Hòa La Mã (Roman Republic) (500 BC đến 31BC): Khoảng 500 năm trước Công Nguyên làn sóng dân chủ bắt đầu ở Athens (Hy Lạp) và tràn sang Rome. Giai cấp giàu có (Roman aristocrats) bất mãn với các vua người Etruscan vì các vua này độc tài nắm hết quyền hành, nên xúi dân nghèo nổi lên dẹp triều đại vua chúa người Etruscan với lời hứa hẹn là đời sống sẽ khá hơn. La Mã trở thành nước dân chủ theo thể chế Cộng Hòa đầu tiên và guồng máy nhà nước được điều hành bởi một hội đồng gọi là Nghị Viện (Senate). Người nghèo được hứa hẹn sẽ được tham gia việc cai trị nước nhưng sau khi lật đổ vua chúa, giới nhà giàu không muốn trao quyền cho người nghèo nên thực chất hội đồng Nghị Viện quy tụ toàn là giới nhà giàu. Bất mãn các lãnh tụ dẫn dân nghèo ra khỏi thành phố, đình công không chịu làm việc cho tới khi họ phải có tiếng nói và quyền hành. Giới nhà giàu đồng ý cho dân nghèo được bầu cử chọn người đại diện nói lên tiếng nói của dân nghèo gọi là dân biểu (tribune). Các dân biểu có quyền tham dự các buổi nhóm họp của Nghị Viện và có quyền phủ quyết (Veto, tiếng La Tinh) những luật đi ngược lại quyền lợi của người nghèo. Những luật lệ Nghị Viện viết ra được đem công bố, dán lên ở quảng trường cho mọi người có thể đọc gọi là “Mười Hai Chương” (Twelve Tables). Quân đội La Mã thời ấy hùng mạnh, hễ chiếm thành phố nào là sáp nhập thành phố đó vào La Mã, bắt người dân ở đó phải nộp thuế và đi lính cho La Mã. La Mã đưa quân xuống chiếm miền Nam Ý cũng như các nước quanh vùng Ðịa Trung Hải.

Cuối thời Cộng Hòa bắt đầu từ năm 146 BC, La Mã gặp nhiều nội chiến vì các lãnh tụ tranh giành quyền lực, cuối cùng quyền hành lọt vào tay ba người là Pompey, Crassus (rất giàu có) và Julius Caesar, bộ ba tam đầu chế này lãnh đạo La Mã trong 10 năm. Crassus thiệt mạng khi đi đánh quân Parthians ở Tây Á. Pompey và Caesar thù nghịch và đánh nhau, binh sĩ hai bên nhiều người chết. Caesar thắng ở trận Pharsalus khiến Pompey phải chạy sang Ai Cập (Egypt), Caesar rượt theo và Pompey bị người Ai Cập giết để lấy lòng Caesar. Ở Ai Cập Caesar gặp Nữ Hoàng Cleopatra, hai người dẫn nhau về La Mã và họ có với nhau một đứa con. Trước Nghị Viện Caesar tuyên bố nắm hết quyền hành cho đến chết khiến Nghị Viện bất bình và đâm chết ông ta vào năm 44 BC. Sau khi Ceasar chết, quyền bính lọt vào tay bộ ba mới là Mark Anthony (tướng của Ceasar), Lepidus (cũng rất giàu) và Octavian (cháu cũng là con nuôi của Caesar). Cleopatra trở thành tình nhân của tướng trẻ Mark Anthony và họ có 3 đứa con. Sau đó Lepidus bị gạt ra ngoài, còn lại Anthony (cùng với Cleopatra) gây chiến với Octavian. Năm 31 BC Octavian đánh bại Anthony ở mặt trận Actium, thất bại Anthony cùng Cleopatra tự tử chết.

3. Ðế Quốc La Mã (Roman Empire) (31 BC đến 476 AD): Sau khi loại trừ được Anthony và Cleopatra, trả thù được cho cha nuôi mình là Ceasar, Octavian nắm trọn quyền lực buộc mọi người gọi mình là Augustus (có nghĩa là “Minh Chủ”) và trở nên độc tài thao túng Nghị Viện. Ông ta sống rất lâu đến năm 14 AD. Con rể lên nối ngôi tự xưng hoàng đế lấy hiệu là Tiberius, làm vua đến năm 37 AD thì chết và người cháu tên Caligula lên ngôi nhưng ông này điên làm nhiều điều thất nhân tâm nên bị chính người hộ vệ giết chết. Caligula là người đem cây cột Obelisk từ Ai Cập về dựng ở công trường Thánh Phêrô ngày nay. Chú của Caligula là Claudius lên nắm quyền, ông này thông minh, mở mang bờ cõi bằng cách chiếm nước Anh nhưng sau đó bị vợ đầu độc chết bằng nấm độc. Con nuôi là Nero mới 16 tuổi được đưa lên làm vua nhưng mọi việc triều chính đều do bà mẹ nắm quyền. Năm 25 tuổi Nero giết chết mẹ mình để được thực sự nắm quyền. Nero là bạo chúa nổi tiếng vụ đốt thành Rome để tàn sát người Thiên Chúa Giáo bằng cách gom những người này vào trong thành trước khi phóng hỏa. Hai thánh Phêrô (Peter) và Phaolô (Paul) đều bị giết chết trong thời Nero. Năm 68 AD vua Tây Ban Nha (Spain) là Galba đem quân bao vây khống chế thành Rome và Nero tự tử kết thúc triều đại của gia đình Julius Caesar và Augustus.

Năm 70 AD Tướng Vespasian từ Tây Á đi thuyền đến Rome, ông ta là tướng giỏi bình định được quốc gia lại nhân hậu nên thu phục nhân tâm và không ăn xài hoang phí nên ngân khố rất nhiều tiền. Ông làm vua được 9 năm và chết trên giường bệnh năm 79 AD. Những triều đại kế tiếp là những minh vương như 5 hoàng đế kế vị được gọi là “Five Good Emperors” (96 AD đến 161 AD), Hoàng Ðế Constantine I và con cháu (312 AD - 363 AD) là triều đại đầu tiên bỏ luật cấm đạo, cho phép Giáo Hội Thiên Chúa Giáo hoạt động đồng thời cũng như công nhận tài sản, đất đai của giáo hội. Constantine I cho xây cất nhà thờ Thánh Phêrô lần đầu năm 326 (không phải Thánh Ðường Phêrô hiện nay) cũng như sang tận phương Ðông thành lập và mở mang thành phố Constantinople (tức Istanbul ngày nay) nên thời ấy Constantinople còn được gọi là La Mã Phương Ðông.

Trong giai đoạn sau đó La Mã rất hùng mạnh, may mắn được cai trị bởi những hoàng đế anh minh. La Mã trở nên giàu mạnh nhờ quân đội tinh nhuệ, giao thương với các nước, buôn bán phát đạt và đồng hóa được 2 sắc dân lân bang rất văn minh là người Etruscan và người Hy Lạp (Greeks). Biên cương Ðế Quốc La Mã bao trùm khắp cả Âu Châu và phía Nam tới biển Ðịa Trung Hải. La Mã rất giàu có là trung tâm quyền lực chính trị Âu Châu và là thành phố lớn nhất Tây phương và cả thế giới. Thời kỳ này Thiên Chúa Giáo sau gần 300 năm bị cấm đạo bắt đầu phát triển ở Rome. Thời cường thịnh đó kéo dài được 500 năm cho tới khi Ðế Quốc La Mã bắt đầu suy tàn vì chia rẽ. Năm 410 AD đội quân Visigoth chỉ huy bởi Alaric I tấn công vào thành La Mã (sử liệu gọi là biến cố Sack of Rome). La Mã thất thủ, hoàng đế lúc đó là Honorius còn quá trẻ cho dời thủ đô Ý về Ravenna. Ðó là lần đầu sau 800 năm Ðế Quốc La Mã thất trận trước địch quân mặc dù trước đây vào năm 387 BC quân Gauls đã từng tấn công chiếm thành La Mã nhưng sau đó Ðế Quốc La Mã đã chiếm lại được. Constantinople là La Mã Phương Ðông cũng bị nước Byzantine theo Hồi Giáo chiếm đoạt. Lần thất trận sau cùng này nhiều nhà sử học cho đó là nguyên nhân chính khiến Ðế Quốc La Mã suy tàn và kinh đô La Mã huy hoàng ngày nào nay rơi vào tay giặc Byzantine.

4. Thời kỳ Trung Cổ (476 AD - 756 AD): La Mã bị cai trị bởi đế quốc Byzantine có thủ đô chính ở Constantinople. Năm 568 người Lombards (Ðức) ở vùng sông Danube xăm lăng Rome, đánh bật Byzantine ra khỏi thành phố và thành lập Vương quốc Ý thuộc Ðức cho đến năm 774 chủ quyền về tay người Franks (Pháp).

5. Thời kỳ La Mã thành nước Thiên Chúa Giáo (Papal States) (756 AD - 1870 AD): Vua Franks tức nước Pháp ngày nay là Pepin III vốn mộ đạo Thiên Chúa nên giao thành La Mã và vùng lân cận cho Giáo Hoàng cai trị nên vùng đất này được gọi là “Nước của Ðức Giáo Hoàng”. Nước Thiên Chúa Giáo có quân đội riêng để bảo vệ cho nước mình và Ðức Giáo Hoàng cai trị Giáo Hội Thiên Chúa Giáo nên được vua các nước theo Thiên Chúa Giáo kính trọng và La Mã trở thành thánh địa để người Thiên Chúa Giáo hành hương trong suốt thời Trung Cổ ngay cả lúc Giáo Hoàng di chuyển về Avignon (1309-1377) vì thành phố La Mã bị hỏa hoạn lớn.

6. Rome sáp nhập vào Vương Quốc Ý (1870 cho đến ngày nay): Cách Mạng Pháp 1798 thành công phế bỏ chế độ vương quyền vua chúa, các nước phong kiến Anh, Nga, Áo liên minh chống lại quân đội Cách Mạng Pháp vì lo sợ làn sóng dân chủ lan sang nước họ. Năm 1796 liên quân Anh Nga Áo tập trung tấn công nước Pháp, Nã Phá Luân (Napoléon) được bổ nhiệm làm tư lệnh đạo quân thứ 4 sang đánh nước Ý để ngăn chận quân Áo. Năm 1800 Nã Phá Luân đánh quân Áo tan tác tại trận Marengo và chiếm luôn nước Ý, ông làm vua nước Pháp và luôn cả nước Ý, thống nhất một số vùng như Venice, Tuscany sáp nhập vào nước Ý. Năm 1816 Nã Phá Luân bại trận và bị đày ra ngoài đảo St. Helena. Nước Ý thống nhất và độc lập, thủ đô đặt tạm ở Florence nhưng Rome vẫn là vùng đất riêng của nước Thiên Chúa Giáo. Năm 1861 Rome tuyên bố là thủ đô Ý và dưới sự bảo vệ của Pháp. Phong trào thống nhất nước Ý ngày càng được dân chúng cổ võ, năm 1870 nhân cơ hội quân Pháp bận đánh với Prussian (thuộc nước Ðức) quân Ý tiến chiếm Rome và sáp nhập Rome vào nước Ý kể từ ngày đó. Sau 68 năm Vatican là vùng đất thuộc Vương Quốc Ý, năm 1929 với hiệp ước ký với Mussolini, Vatican được độc lập với lãnh thổ riêng như ngày nay.

Trong trận Ðệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) nước Ý liên kết với nước Áo Hung, Ðức và Ottaman đánh với Nga, Anh, Pháp và Ý thắng trận. Từ đó nước Ý tự mãn với phong trào cực đoan Phát Xít (Italian Fascism) mặc áo đen lãnh đạo bởi Benito Mussolini diễn hành vào Rome năm 1922 và liên kết với phong trào Nazi của Ðức để sau đó phát động Ðệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) là cuộc chiến tiếp nối của Ðệ Nhất Thế Chiến, hai nước Ðức Ý mang giấc mộng bá chủ Âu Châu như ngày xưa La Mã từng thực hiện. Trong trận chiến thứ hai này quân Ðức Ý (ở Châu Á thì có Nhật) thua và Mussolini bị xử tử và nước Ý trở thành nước dân chủ theo chế độ tổng thống chế, tổng thống lãnh đạo quốc gia và thủ tướng điều hành nội các.

Lịch sử có những lúc thăng trầm, La Mã ngày xưa một thời oanh liệt văn minh nhất thế giới nay là thủ đô của Ý Ðại Lợi, một nước có nền kinh tế đứng hạng thứ 7 trên thế giới sau Mỹ, Nhật, Ðức, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art