Khám phá sa mạc ở Sinai
Ngày nay người Bedouin (dân du mục gốc Ả Rập) đã bắt đầu giới thiệu với du khách về sa mạc nơi mà thuở xưa cha ông họ vận chuyển hàng hóa quý giá giữa vùng Bắc Phi, Cận Đông và Trung Đông với những đoàn caravan. Với lữ khách đây là một sự kiện đặc biệt, còn với người Bedouin nhiều khi đó là nguồn thu nhập duy nhất.
Sa mạc khô cằn nứt nẻ
Anh bạn trẻ Abdou người Bedouin nhẩn nha buộc yên lên lưng những con lạc đà đang nằm uể oải bên cạnh những chiếc lều được làm bằng chính lông của chúng.
Mới sáng sớm mà nắng đã chói chang rọi xuống khu trại của gia đình người Bedouin ở Sinai này. Trẻ con trố mắt tò mò nhìn du khách từ phương Tây đang xoa kem chống nắng và chúng cười khoái chí khi thấy họ vất vả leo lên lưng những chú lạc đà, trong khi đứng lên con vật to kềnh càng này chúi mình về phía trước ra phía sau rồi lại về phía trước. Thế là lên đường!
Trên lưng lạc đà chúng tôi lắc lư đi qua những mỏm đá nhiều hình thù thú vị. Vỏ ốc và trai trên sa mạc gợi nhớ về biển cả và sự chuyển động của các dòng chảy đã tạo lên những mỏm đá kỳ quặc, nơi mà bây giờ mặt trời trên sa mạc đang rọi thẳng xuống nóng bỏng.
Giữa những mỏm đá là cát và sỏi, thi thoảng có một vài bụi cây khô cằn gai góc. Một trong những chú lạc đà không cưỡng lại được, mở miệng hở ra những chiếc răng vàng và gặm ngon lành. Thật khó tưởng tượng là bụi cây gai góc khô cằn kia lại không làm sứt mẻ miệng chúng, ngược lại nó là nguồn cung cấp năng lượng cho lạc đà trên con đường khô cằn để vượt qua sa mạc.
Lạc đà là phương tiện giao thông tốt nhất trên sa mạc
Từ thời nguyên thủy người Bedouin đã vượt qua sa mạc với những con lạc đà của họ và cha ông họ đã để lại những dấu vết in sâu ở cõi đất khô cằn này: họ đã có chữ viết từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên và trên những vách đá vẫn còn nguyên những bức tranh được khắc lên có niên đại còn lâu hơn thế nữa.
Những chuyến đi như thế này chỉ tiện nghi với du khách bởi những người Bedouin phải tự đi bộ như từ hàng trăm năm nay họ đã dẫn những đoàn lạc đà chất đầy hàng hóa đi qua sa mạc.
Người dẫn lạc đà trẻ nhất tên là Achmed và mới chỉ bảy tuổi. Cậu bé đi chân trần, không mũ và đi hàng tiếng đồng hồ mà không kêu ca gì. Quần áo của em đã cũ rách và khá bẩn. Những thanh niên trẻ thì ăn mặc tươm tất hơn. Họ mặc gallabias, một loại áo dài chấm đất, sáng màu, đầu quấn khăn xanh để tránh nắng.
Caravan qua sa mạc Sinai
Khoảng 50.000 người Bedouin còn sống ở Sinai và rất nhiều người trong số họ rất nghèo. Những chiếc xe caravan mà ngày xưa họ chuyên chở đủ mọi thứ hàng hóa qua sa mạc bây giờ không còn được sử dụng nữa. Vậy mà anh bạn Abdou, 23 tuổi, vẫn không muốn rời bỏ vùng đất nhọc nhằn này.
"Sa mạc là quê hương của tôi. Tôi không thể sống ở thành phố, tôi cần không gian rộng mở quanh tôi. Qua du khách chúng tôi cũng có điều kiện để kiếm sống, có thể ở lại nơi đây và không phải về thành phố kiếm việc".
Nếu có phải kiếm việc ở thành phố cũng rất khó, bởi người Bedouin mà tổ tông của họ đã di cư từ bán đảo Ả Rập tới Sinai từ cách đây hàng trăm năm không được quý mến lắm ở Ai Cập. Nếu có bất cứ sự vụ gì không hay xảy ra ở Sinai thì người Bedouin bị nghi ngay là có dính líu đến.
Ví như năm 2006 sau vụ tấn công của bọn khủng bố vào khách sạn toàn khách du lịch ở Sharm el Sheikh, không cần phải điều tra gì cả các bộ tộc của người Bedouin bị quy kết ngay là thủ phạm và bị kiểm tra ngặt nghèo dù cuối cùng không ai có thể chứng minh được rằng họ có bất cứ dính líu nào tới vụ khủng bố kia.
Người Bedouin chặt gỗ về cho du khách đốt lửa trại
Và thật sự không ai khác là chính người Bedouin ở Sinai phụ thuộc rất nhiều vào du khách đến từ phương Tây bởi lẽ đây là nguồn thu nhập chính của họ. Giới thiệu với du khách về cuộc sống của họ trên sa mạc hay ít nhất là những gì còn lại là công việc duy nhất dành cho những bạn trẻ người Bedouin như Abdou. Công việc đón khách tới thăm người du mục ở đây rất lý tưởng bởi lẽ với họ, sự hiếu khách là "nghĩa vụ thiêng liêng" - không tiếp đón một người lạ mặt ở sa mạc cũng đồng nghĩa với việc đẩy anh ta xuống địa ngục, tới cái chết không thể nào tránh khỏi.
Đoàn caravan của chúng tôi đã đến được cửa vào một khe núi khoét sâu vào vách đá nơi mà xưa kia chắc phải có một dòng sông chảy xiết băng qua. Vách núi dựng đứng, ở giữa chỉ có khoảng trống cho đúng một người có thể đi qua và trắng đến mức người ta phải đeo kính râm để khỏi chói mắt.
Abdou thu xếp đồ đạc của anh và nhảy một bước dễ dàng lên phía trên tảng đá cao cả mét. Còn du khách thì loay hoay toát cả mồ hôi mãi mới trèo lên được hết. Abdou quan sát họ và cười tủm tỉm. Phần thưởng cho sự cố gắng đó là việc khám phá một cái hang mát lạnh thông với bên trên tạo thành từ một thác nước đổ xuống từ trên độ cao 20m thuở xưa.
Lấy nước phục vụ du khách
Sau chuyến leo núi, chúng tôi ăn bữa trưa dưới bóng râm của những vách đá. Abdou trải chăn lông lạc đà ra và bày bánh mì tròn dẹt với món đậu đun nhừ và salad. Như từ trong hư vô bỗng xuất hiện hai người phụ nữ đã luống tuổi từ giữa những tảng đá đi ra. Khuôn mặt chi chít nếp nhăn của họ được bịt gần như kín mít bởi một tấm khăn mỏng màu đen - chỉ có mắt và trán là còn hở. Quấn quanh phía trên lông mày là những taatoo màu xanh đậm của bộ tộc mình.
Họ mang đến đây bán những món hàng mà chính họ cũng dùng như khăn đính cườm và lá cây mia - một loại "gia vị“ cho vào trà uống chống cảm lạnh.
Những người phụ nữ đến đây không chỉ để kiếm mấy đồng tiền ít ỏi mà còn bởi vì họ khá tò mò. Với đàn ông lạ mặt tất nhiên họ không được bắt chuyện hay nhìn kỹ - đây là điều không thể tưởng tượng được. Nhưng với phụ nữ thì họ có thể nói chuyện được.
Khá khó khăn để nói chuyện với nhau bởi họ hầu như không biết tiếng Anh trong khi du khách nữ thì tiếng Ả Rập cũng không hơn gì. Nhưng postcard và ảnh thì họ khá thích thú. Đây là em gái của cô à? Nhà của các cô trông thế này ư? Người phụ nữ đã luống tuổi dùng cả chân lẫn tay để hỏi chuyện. Sau đó chị đã dùng một hòn than đen vẽ lên mặt người khách lữ hành và chị trang điểm như thể đang trang điểm cho con gái chị vậy - một vinh dự cho người khách đến từ phương Tây.
Đâu là nơi thánh Moses đã đến?
Trong ánh nắng buổi chiều dịu êm đoàn du khách lại ngật ngưỡng trên lưng lạc đà về với trại. Achmed lập tức chạy vào một góc riêng và chơi với chiếc ôtô tự em uốn được từ những sợi dây thép và bánh xe được tạo bởi những hộp cá ngừ rỗng ruột.
Nhưng em cũng không được chơi bao lâu bởi mẹ em gọi đi lùa đàn cừu về. Người phụ nữ, lúc này đang vừa phì phèo thuốc lá vừa cho đứa con nhỏ nhất bú, khá khắt khe với lũ con chín đứa của mình: chị sai một đứa con gái vắt sữa dê, tách một đứa khác ra khỏi con dê con mà nó đang chơi cùng. Chồng chị lúc này đang vắt chân chữ ngũ vừa uống trà vừa để mắt kiểm tra công việc của vợ con. Món trà cực ngọt đã lấy mất đi của anh vài cái răng cửa. Anh bao nhiêu tuổi khó lòng có thể đoán được - nắng gió và bụi bặm đã làm cho da của anh se sạm lại.
Dẫn du khách qua sa mạc là việc làm kiếm ăn duy nhất của người Bedouin
Hoàng hôn xuống tạo cho những đỉnh núi rực lên một màu đỏ ối trước khi ông mặt trời đi ngủ. Mỗi lúc lại thêm một ánh sao rồi cả ngàn vì sao như có tay ai vừa bật lên cho đến khi cả dải ngân hà như một tấm voan sáng trùm lên bầu trời đêm. Càng về đêm cái lạnh càng rõ rệt, nhưng bên ánh lửa hồng nổ tí tách không khí thật thấy ấm áp và gần gũi.
Ở phía góc xa của trại những người phụ nữ quấn khăn đen đang chuẩn bị bữa tối trong khi Abdou bập bùng mấy bản nhạc Ả Rập bằng nhạc cụ dây do chính anh tự chế từ chiếc can thiếc và mấy cành củi khô.
Bất chợt một tiếng động quen thuộc phá vỡ bầu không khí yên ả của trại: tiếng chuông một chiếc điện thoại di động. Abdou thò tay vào túi và tiếng bản nhạc hành khúc của Radetzky tắt ngấm. Đó là văn phòng du lịch gọi báo cho Abdou biết ngày mai lại có đoàn khách mới muốn đến đây khám phá cuộc sống trên sa mạc của một thời đã qua.
NGUYỄN MINH (Theo báo Đức)