Thứ Hai, 20 Tháng Tám, 2012

Vienna mùa Hạ

Vienna mùa Hạ

Âu Châu thường cho mọi người một khái niệm rõ rệt về thời tiết bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông. Cái lạnh cóng băng giá mùa Ðông của các tháng 12, 1, và 2 được thay thế bằng mùa Hè rực nắng vào các tháng 7 và 8. Ðây cũng là mùa nghỉ Hè mà du khách khắp nơi thế giới đổ dồn về đây.

Ðình Gloriette trên Gloriette Hill. (Hình: ATNT Tours & Travel)

London, Paris, Rome lúc nào cũng tràn ngập du khách trên hè phố. Năm nay mùa Hè Âu Châu hình như rất ngắn, chỉ nóng có ít tuần và những cơn gió mát lạnh vào buổi chiều tối của các dòng sông Thames, Danube, Seine đã làm dịu đi cái nóng mùa Hè của London, Paris, Vienna và Budapest. Vienna dịu mát trong tuần lễ tôi đi qua. Ðây là thành phố của âm nhạc, thành phố thơ mộng thi vị bên dòng sông lặng lờ Danube về chiều nhưng lại là một thành phố rất sinh động sầm uất trong những ngày Hè rực rỡ.

Viết về những nơi chốn rong chơi ở thành phố Vienna không phải là khó, nhưng có lẽ vì dễ quá nên quả thực khó viết, không biết nên bắt đầu từ đâu. Là thủ đô của Áo (Austria), Vienna đã từng có những thời kỳ vàng son lẫy lừng vào các thế kỷ trước. Một thời của đế quốc Ottoman, một thời lẫy lừng với triều đại Thần Thánh La Mã Habsburg (Holy Roma Catholic) kéo dài có cả đến hơn 400 năm và một thời của đế quốc Áo-Hung kéo dài đến năm 1918. Nhưng “những thời vàng son đế quốc” đã đi qua, nước Áo sau Thế Chiến II biên giới đã bị thay đổi, toàn thể chỉ còn lại một diện tích khiêm nhường không lớn lắm (khoảng 50,000km2) với khoảng 10 triệu dân trên toàn đất nước. Bù lại, những di tích lịch sử, các kiến trúc lâu đài, và các điểm văn hóa và nếp sinh hoạt của thủ đô Vienna ngày nay đã trở thành những điểm hấp dẫn lôi cuốn du khách khắp mọi nơi thế giới đến đây.

Vườn trong cung điện Schonbrunn. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Về di tích lịch sử thì phải nói đến nhà thờ St. Stephan, một ngôi thánh đường lớn và cổ kính của Vienna được khởi công xây từ thế kỷ 12. Trải qua các thăng trầm bị thiên tai và chiến tranh phá hủy, ngày nay ngôi Thánh đường St. Stephan với ngọn tháp Stephanturm cao vút (137m) và phần điện thờ cổ kính rất đẹp như tượng Ðức Mẹ bồng Chúa Giêsu Dienstboten Madonna thu hút người xem và bàn thờ cổ tuyệt đẹp Wiener Neustadter Altar có 72 tượng thánh. Những tuyệt tác này vô danh, không tìm ra được tác giả. Nhưng tượng Ðức Mẹ rất linh thiêng cho những ai có đức tin. Tín đồ đến cầu nguyện không ngớt. Ðó là chưa kể đến các tượng điêu khắc Master Pilgram và Pulpit có một không hai được trang trí bên trong nhà thờ làm nổi bật nét khác biệt của Thánh đường St. Stephan so với các ngôi thánh đường trên thế giới. Thánh đường St. Stephan được xem như biểu tượng cho Vienna.

Một phần bàn thờ Wiener Neustodter Altar trong Thánh đường St. Stephan. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Một kiến trúc khác mà hầu như du khách nào đến Vienna đều không thể bỏ qua sự thưởng ngoạn là cung điện Schonbrunn. Ðây là cung điện mùa Hè của triều đại Habsburg kéo dài suốt từ thế kỷ 14 đến Nữ Hoàng Maria Theresia và sau này trở thành cung điện của hoàng đế nước Áo. Cung điện tương đối khá lớn, có hơn 1,400 phòng. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ phải nói đến đình Gloriette trên ngọn đồi Gloriette Hill. Ðây là một trong những cảnh quan đẹp nhất của Vienna khi người thưởng ngoạn đứng trên ngọn đồi này nhìn xuống phần sân cung điện. Cảnh vườn của Schonbrunn thì cũng rất rộng, tuy không bằng được vườn của cung điện Versailles bên Pháp, nhưng không vì thế mà không hấp dẫn, thu hút người xem. Những hàng cây thẳng tắp được trồng tỉa rất công phu và màu sắc của khu vườn hoa là những nét đẹp riêng biệt của Schonbrunn. Nhưng có một điểm lịch sử đặc biệt của Schonbrunn vì đây cũng chính là nơi sinh ra của người con trai duy nhất của Napoleon I với Marie Louis (con gái của Nữ Hoàng Maria Theresia), ông được phong là Duke of Reichstadt và ông cũng mất tại cung điện này khi mới vừa 21 tuổi. Ngoài ra, vị hoàng hậu trẻ đẹp Sissi nổi tiếng của triều đại đế quốc Áo-Hung cũng là người được nói đến nhiều với cung điện Schonbrunn.

Khu phố thị Garben. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nhưng Vienna không phải chỉ có lịch sử và kiến trúc mà còn phải nói đến âm nhạc. Nói đến thế giới âm nhạc là nói đến Vienna. Thế giới có ai mà không nghe qua bản nhạc Blue Danube (Dòng Sông Xanh) nổi tiếng của vua nhạc Waltz là Johann Strauss II vào cuối thế kỷ 19. Phương Tây và phương Ðông có bao nhiêu người không biết đến Mozart, Beethoven, Schubert. Ðây là những thiên tài âm nhạc đã từng thành danh nhờ “kinh đô âm nhạc” Vienna. Tượng kỷ niệm của họ cũng đã được lưu lại đâu đó trong thành phố. Du khách phương Ðông hình như ít người biết thưởng thức âm nhạc giao hưởng, có lẽ một phần chưa quen và sự văn hóa khác biệt giữa Ðông và Tây. Nhưng chỉ cần âm điệu của “Dòng Sông Xanh” vang lên trên sông Danube là đủ rồi! Ðủ làm ấm lòng của những cặp tình nhân “không còn trẻ” trên sóng nước Danube với buổi ăn tối trên du thuyền. Nói như thế có nghĩa là bạn đừng quên mời người bạn đời một buổi ăn tối du thuyền trên Danube để cùng nghe “Dòng Sông Xanh.”

Tượng điêu khắc Pulpil trong Thánh đường St. Stephan. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cuối cùng thì cũng phải nói thêm về phố Graben của Vienna, trung tâm mua sắm của thành phố, nằm giữa Koltmarkt và Karntner-Strasse. Ðây là khu sầm uất và nhộn nhịp nhất của thành phố. Những quán cà phê khắp mọi nơi ngõ ngách của khu phố. Bạn thế nào cũng nên thử một tách cà phê Vienna nổi tiếng thế giới. Các quán kem Áo cũng không thua gì kem Ý (tôi cho là thế!) và khu phố Graben cũng tràn lan quà lưu niệm cho đến các cửa hàng hiệu, cái gì cũng có nhưng chỉ không rẻ thôi. Ðiều này làm chùn tay du khách không ít, nhưng dù sao Vienna cũng còn rẻ so với Bắc Âu. Nếu chân bạn chưa mỏi thì hãy ghé qua khu Opera-House, đi bộ thêm ít phút vào thăm khu phố chợ Nasch-Markt có những cửa hàng Việt Nam. Một tô phở tại Vienna cũng chỉ khoảng 8 Euros (bằng giá tô phở ở Paris) thì chưa đắt lắm.

 Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art