Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm C
Bài Ðọc I: Trích sách Sáng Thế (St 15, 5-12. 17-18).
Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.
Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.
Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát”.
Bài Ðọc II: Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê (Pl 3, 17 – 4, 1).
Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.
Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9, 28b-36).
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Vài ý chính Tin Mừng Luca 9, 28b-36
Thiên Chúa yêu cầu các môn đệ lắng nghe Chúa Giêsu
Khung cảnh có một mô hình quen thuộc trong Cựu Ước, đó là sự hiển linh của Thiên Chúa: leo lên, xuất hiện, mặc khải của Thiên Chúa, đi xuống. Ở đây, chính Chúa Giêsu là người chủ động, dẫn các môn đệ lên núi. Nếu Người được biến hình và được nhìn thấy, đó là vì mọi thứ đều tập trung vào Người; các môn đệ nhìn thấy Người (sự biến đổi của Người, Mô-sê và Ê-li nói chuyện với Người), nghe thấy (tiếng nói từ trời xác nhận sứ mệnh của Người như "Con" và yêu cầu họ lắng nghe Người). Mệnh lệnh: "hãy nghe lời Người" (9, 35) xác nhận những lời đã qua và sắp tới của Chúa Giêsu, và là chìa khóa của sự kiện. Các môn đệ phải lắng nghe Chúa Giêsu, đặc biệt khi Người báo trước về cuộc Khổ nạn và nói rằng Người sẽ phải chịu đau khổ.
Cầu nguyện và vinh quang
Văn bản được chia sẻ bởi cả ba Phúc âm Nhất lãm, nhưng được thuật lại khác nhau theo thần học mỗi tác giả Phúc âm. Các chủ đề chính, ở Lu-ca, liên quan đến Chúa Giêsu, là về cầu nguyện, về vinh quang gắn liền với cuộc xuất hành. Chủ đề về cầu nguyện được phát triển bởi người kể chuyện Lu-ca nhấn mạnh tầm quan trọng của cảnh tượng (9, 28.29).
Những lều vĩnh cửu
Ở câu 33, Phê-rô diễn giải theo cách tận thế cảnh tượng mà ông nhìn thấy. Ông muốn kéo dài cảnh vinh quang trong khi đó là sự chia ly. Ê-li và Mô-sê ra đi. Phê-rô nghe thấy tiếng nói, ông nhìn thấy đám mây và ông nghĩ đến sự hiện diện cuối cùng của Thiên Chúa giữa họ và ngày tận thế. Phê-rô từ chối sự chia ly. Ông muốn kéo dài cảnh vinh quang mà ông diễn giải theo cách tận thế. Đối với ông, ngày tận thế đã đến, đó là những lều vĩnh cửu. Ông nhầm lẫn về ý nghĩa sự Biến hình mà ông và các môn đệ sẽ hiểu sau cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Phê-rô đã muốn đi trước, ông đã hiểu bản sắc thiêng liêng, khía cạnh tận thế, vinh quang, nhưng ông không hiểu Chúa Giêsu sẽ chết, và vần cần phải trải qua cái chết.
Cuộc xuất hành
Ở câu 30-31 "Mô-sê và Ê-li; xuất hiện trong vinh quang, họ nói về cuộc xuất hành của Người mà Người sẽ hoàn thành ở Giê-ru-sa-lem". Đó là chủ đề về sự ra đi được khởi động. Cái chết của Chúa Giêsu được xem như cuộc xuất hành là đặc trưng của Lu-ca. Cuộc xuất hành của thời kỳ cuối cùng. Chủ đề chuẩn bị cho phần thứ 2 của Phúc âm: khổ nạn/phục sinh.
Sự Biến hình là sự tiên báo cuối cùng về những gì sẽ xảy ra với Chúa Giêsu và cũng là sự xác nhận về những gì đã xảy ra trước đó, ở chương 4, 16 và tiếp theo, nơi Chúa Giêsu đọc sách I-sai-a. Tất cả chủ đề của Lu-ca được tóm tắt ở đây. Chương 24 được báo trước: đau khổ, cái chết và sự phục sinh. Cuộc xuất hành cuối cùng là sự giải phóng: đi qua cái chết và sự phục sinh. Mục đích cuối cùng là sự giải phóng được báo trước ở chương 4.
Sylvie de Vulpillières
Câu hỏi
1 - Trong Phi-líp 3, 17, tại sao Phaolô nói "hãy bắt chước tôi"?
2 - Tại sự Biến hình, các môn đệ của Chúa Giêsu phải ghi nhớ điều gì? Chúa Cha nói gì với họ?
Bài giảng: Ngọn hải đăng chỉ đường phải đi
Hy vọng
Trong từ "biến hình", có từ "hình dáng", và thậm chí "có diện mạo tốt". Đó là điều đã xảy ra trên núi. Các tông đồ chưa bao giờ nhìn thấy một dung mạo đẹp đẽ và rực rỡ ánh sáng đến vậy. Đó là lời báo trước về Lễ Phục sinh của Chúa Giêsu, ánh sáng bừng lên từ ngôi mộ. Tuy nhiên, "có diện mạo tốt" là một trong những mối quan tâm phổ biến nhất. Các cửa hàng mỹ phẩm và chuyên gia trang điểm cố gắng bằng mọi cách để thỏa mãn và thậm chí vượt trước mọi kỳ vọng trong lĩnh vực này. Nhưng chúng ta chỉ có quyền lực hạn chế đối với vẻ bề ngoài của khuôn mặt mình. Chúng ta đang, hoặc sẽ, trải nghiệm nỗi cay đắng của sự suy tàn thể chất. Điều này là không thể tránh khỏi, vì cơ thể chúng ta già đi và sẽ ngã gục trước nhiều căn bệnh, theo thời gian, hoặc đột ngột. Tông đồ Phaolô lấy đó làm lý lẽ. Chính ông tự giới thiệu mình "trong sự yếu đuối, sợ hãi và run rẩy" (1 Cr 2, 3). Các tín hữu Kitô của các cộng đoàn đầu tiên, những người mà ông nói chuyện, hẳn không có diện mạo đẹp hơn ông (1 Cr 1, 26-31). Nhưng việc có diện mạo tồi tàn trở thành lý do để hy vọng, chính là ở sự biến hình, theo lời của tông đồ trong bài đọc thứ 2 của Chúa nhật này: "Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta đợi chờ Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Người sẽ biến đổi thân xác hèn mọn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người".
Leo lên Giêrusalem
Sự biến hình là một trong những mốc Chúa Giêsu đặt trên con đường Phục sinh. Chính về con đường này mà Chúa Giêsu đã nói chuyện với Mô-sê và Ê-li trên núi: "cuộc ra đi của Người sẽ được hoàn thành tại Giêrusalem". Từ mà tác giả Phúc âm sử dụng là "xuất hành". Chúa Giêsu đã bắt đầu "cuộc xuất hành" này từ khi Người được dâng hiến trong Đền thờ; sau đó Người đã hoàn thành cuộc hành hương lúc 12 tuổi. Giờ đây, Người đang leo lên Giêrusalem lần cuối, nơi cuộc vượt qua vĩ đại sẽ diễn ra, qua cái chết đến sự sống, từ bóng tối đồi Golgotha đến ánh sáng Phục sinh, đó sẽ là sự biến hình Phục sinh. Ở mỗi giai đoạn của cuộc leo lên Giêrusalem, trong hành động và lời nói, Chúa Giêsu liên tục đề cập đến trải nghiệm nguyên thủy cuộc Xuất hành, khi Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu phụ tử đến nỗi Người đã dẫn dắt Dân Người ra khỏi đất nô lệ và dẫn họ đến Đất Hứa, chăm sóc họ, dạy dỗ họ, nuôi dưỡng họ, chữa lành họ, tóm lại, biến đổi họ.
Sự soi sáng
Chúa Giêsu, Mô-sê mới, đi lại con đường này, và đó là để dẫn dắt chúng ta đến Giêrusalem mới, nơi diễn ra cuộc Xuất hành quyết định. Người đặt chúng ta vào tình huống biến hình mỗi Chúa nhật, để biến đổi chúng ta và để biến đổi thế giới đáng thương của chúng ta, bị biến dạng bởi bạo lực dưới mọi hình thức, bạo lực chống lại con người, các dân tộc và chính thiên nhiên. Các hoạt động Mùa Chay của chúng ta tham gia vào phong trào biến hình rộng lớn này, cho dù đó là những hình thức ăn chay mới, để làm chủ sự cân bằng cá nhân của chúng ta (điều độ trong ăn uống và mọi thứ khác), hay tất cả các sáng kiến chia sẻ và đoàn kết. Bất kể diện mạo thể chất của chúng ta như thế nào, cùng một lời khuyên có giá trị cho tất cả mọi người, lời khuyên được đưa ra bởi tiếng nói của Chúa Cha về Chúa Giêsu: "Đây là Con Ta, Người mà Ta đã chọn, hãy nghe lời Người". Đó là điều kiện cần thiết cho sự biến hình của chúng ta.
Marcel Metzger