Chương một : Xuất hành : Một dân tộc diễn tả niềm tin của mình
Chúng ta làm cuộc hành trình thăm Cựu ước, rảo qua những chặng đường chính lịch sử Ít-ra-en, và nhìn xem dọc suốt lộ trình họ diễn đạt niềm tin ra sao. Trước khi đi thăm một xứ lạ, ta cũng nên xem những chặng đường người ta đề nghị mình viếng thăm và hỏi lý do tại sao lại tới đó. Ta cũng cần tìm hiểu trước về những thói quen và cách diễn tả của những người trong xứ ... Trong chương này, chúng ta sẽ cùng nhau đọc lại một chương trong sách Xuất Hành hầu giúp ta khám phá ra nhiều điều.
Trước hết, ta làm quen với cách đọc và học hỏi bản văn. Điều này thoạt nghe thấy khó ! Nhưng đừng hãi sợ vì những chẳng đường kế tiếp sẽ giúp ta hiểu rõ hơn. Chúng ta sẽ làm quen với điều người ta thường gọi là Thể văn hay những cách diễn tả khác nhau. Ví dụ ta không thể viết thơ cho người bạn giống như viết lá thư gửi cho sở thuế vụ. Chúng ta sẽ thấy những văn bản hiện tại như ta thường đọc trong Thánh kinh có một lịch sử dài dẳng. Những bản văn được biên soạn từ những tài liệu xưa cũ. Thế nhưng việc tìm hiểu không chỉ phạm vi tri thức. Chúng ta sẽ khám phá biến cố giải phóng khỏi Ai cập đối với dân Ít-ra-en là biến cố sáng lập, đã tạo Ít-ra-en thành dân tộc. Họ không ngừng trở lại về biến cố này, và suy tư cho ý nghĩa hiện tại cũng như tìm thấy hy vọng cho tương lai.
1. Đọc bản văn Xuất hành chương 12,1 đến chương 13,16
Lần đầu : Đọc suốt, không cần lưu ý đến những tựa đề hay những chú thích trong sách. Nếu như gặp những từ hoặc cụm từ không hiểu cũng không sao. Chúng ta sẽ trở lại khi đọc lại bản văn lần hai. Trong phần này, khi đọc bạn tự hỏi :
tác giả nói về biến cố gì đây ?
ông tường thuật bằng cách nào ? Tác giả thuật chuyện nơi đoạn nào ? Họ rút ra những lề luật ở đoạn nào ? Họ tổ chức nghi thức phụng vụ trong đoạn nào ?
Khi đọc qua bản văn lần đầu, bạn hãy thử đặt tựa đề cho những đoạn văn khác nhau mà bạn tìm thấy. Việc này bắt buộc bạn phải xác định "thể văn" của những đoạn văn trên.
Lần hai : Với những chú thích ghi trong Thánh Kinh, giờ đây có thể lấy lại một vài điểm. Những văn bản này được biên soạn qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đây là văn bản phụng vụ nói đến cách nào họ giữ kỷ niệm về biến cố và cử hành lễ và họ cho nó ý nghĩa nào cho cuộc sống hôm nay.
Dân Ít-ra-en đã lấy lại hai lễ xưa cũ nhưng họ đổi ý nghĩa của nó bằng cách gán vào đó một biến cố lịch sử. Thật vậy, ta biết có hai loại lễ : loại thứ nhất mừng thiên nhiên và được tái diễn lại hàng năm. Họ mừng vào ngày 1 tháng giêng. Loại thứ hai mừng một biến cố đã chỉ xảy ra một lần trong lịch sử. Mỗi độ xuân về, người du mục cử hành lễ Vượt Qua : Họ ăn một con chiên và ghi dấu máu trên những cột lều để tránh khỏi những thần xấu. Dân Ít-ra-en lấy lại lễ này (12,2-11 và 21-23) và làm thành việc tưởng niệm về sự Giải Phóng (12,25-27). Khi xuân về, người nông dân lại mừng lễ bánh không men. Họ vui mừng theo mùa gặt mới loại bỏ những gì nhắc lại chuyện cũ. Dân Ít-ra-en lấy lại lễ này (12,15) nhưng làm một cuộc tưởng niệm sự Giải Phóng (12,17.39; 13,3-10).
Người Kitô giáo lấy lại hai lễ đó và kéo dài ý nghĩa : chúng ta mừng sự giải phóng chung cuộc do Chúa Kitô mang đến. Dân Ít-ra-en cũng làm như thế với phong tục xưa cũ dâng hiến cho thần linh những gì tốt đẹp nhất : trưởng tử hay hoa quả đầu mùa... Phong tục này trở nên cho họ tưởng niệm cuộc giải phóng (13,2.14-15).
2. Nghiên cứu bản văn Xuất hành chương 13,17 - đến chương 14,31.
Đọc kỹ trình thuật vượt qua biển đỏ sẽ giúp ta khám phá sự hợp thành bộ Ngũ kinh.
Lần đầu : Cứ đọc suốt, ban đầu ta thấy câu chuyện liên tục, rồi sau khi đọc kỹ ta sẽ thấy nó kỳ lạ. Phép lạ ở chỗ nào ? Lúc thì gió thổi làm khô biển và người Ai cập sa lầy giữa đống cát bay ? Lúc thì Thiên Chúa xẻ đôi lòng biển cho người Do thái đi qua không ướt chân ? Lúc thì chính Thiên Chúa giao tranh, lúc thì Thiên Chúa ra lệnh cho ông Mô-sê hành động. Đôi khi trình thuật kể rất cụ thể. Thiên Chúa được trình bày như người thiện chiến, một mình chiến thắng quân Ai cập. Ta gọi điều này là thuyết nhân hình tức là Thiên Chúa sinh sống theo kiểu loài người. Đôi khi trình thuật lại mang những diễn từ mạc khải Thiên Chúa hành động bằng lời nói. Những điểm quan sát này giúp suy nghĩ rằng bản văn trộn lẫn hai trình thuật, vì vậy ta có thể phân chia bản văn ra làm hai.
Lần hai : Sở dĩ có những cái kỳ lạ, vì theo các nhà chuyên môn có tới ít nhất hai sử liệu Truyền Thống dệt nên nền bản văn này. Đó là Truyền thống Gia-vít (ký hiệu viết tắt là J) và Truyền thống Tư Tế (ký hiệu viết tắt là P). Trong đoạn này, truyền thống Gia-Vít gồm : Xuất hành 13,17-19; 14,5-7.10-14.19-20.21b.c.24-25.27b.c.30-31. Truyền thống Tư tế gồm : 13,20; 14,1-4.8-9.15-18.21a.d.22-23.26-27.28-29. Lý do nào các nhà chuyên môn có thể khẳng định như trên.
3. Bản văn Gia Vít.
Khi đọc bản văn Gia-Vít, chúng ta đặt những câu hỏi sau đây : Ai là những diễn viên ? Người Ai cập muốn gì ? Họ dùng những phương tiện nào để đạt tới điều họ muốn ? Người Do Thái muốn gì ? Thái độ của ông Mô-sê ra sao ? Biến cố đó bao gồm cái gì ?
Với những câu hỏi trên, trong bản văn, ta cũng nên gạch những từ lập đi lập lại. Ví dụ như động từ "thấy" có mang cùng một nghĩa : nhìn với con mắt hay nhìn với đức tin ? Từ "sợ hãi" nơi câu 10 và 13 có mang cùng nghĩa ở câu 31 (và từ nào được đặt song song ở đây). Bản văn dường như mang mục đích cho rằng dân Do thái đi từ nỗi sợ đến điều kính sợ Thiên Chúa. Cách nào đi tới điều thay đổi này ? Bản văn này có nghĩa gì với chúng ta ?
4. Bản văn Tư tế.
Trong bản văn Tư Tế chúng ta chỉ còn lại một diễn viên chính : ông là ai ? ông muốn gì ? ông hành động ra sao ? Hãy ghi những cụm từ lập đi lập lại. Có vài cụm từ hẳn đặt vắn đề với chúng ta chẳng hạn cụm từ Thiên Chúa làm cứng lòng.
5. Các Truyền thống trong Ngũ Thư.
Ngũ Thư gồm năm cái túi hoặc năm cuộn. Ngũ Thư kết thành 1 bộ sách gồm 5 cuốn được người Do thái gọi là Torah mà trong Tân ước gọi là Luật ông Mô-sê (xem Lu-ca 24,44). Các nhà chuyên môn đã khám phá từ lâu từng cuốn sách trong bộ Torah là công trình biên soạn phức tạp đến từ các truyền thống Do thái. Họ đặt nên giả thuyết có tất cả bốn tài liệu chính được viết từ nhiều thời đại khác nhau. Giả thuyết này gọi là "Giả thuyết sử liệu" với những đặc điểm sau đây:
5.1. Truyền thống Gia-Vít (ký hiệu J). Gọi là Gia-Vít vì từ ngay sách Sáng thế, Thiên Chúa được gọi là Gia-vê. Tác phẩm được biên soạn dưới thời vua Sa-lô-môn, hoặc một ít lâu sau đó bởi những thầy ký lục thuộc vương quốc Giu-đa. Vấn đề thừa tự giữ một chỗ quan trọng, báo trước sự tiếp nối triều đại.
5.2. Truyền thống E-lô-hít (ký hiệu E). Gọi là E-lô-hít, vì truyền thống này gọi Thiên Chúa là E-lô-him. Truyền thống nay phát xuất khoảng năm 750 trong vương quốc miền Bắc, trước khi vương quốc bị tan rã, và mang sắc thái đặc biệt về sự rao giảng của ngôn sứ Hô-sê. Cả hai truyền thống văn chương J và E này được trộn lẫn tại Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 700 và được gọi là Giê-hô-vít (viết tắt là JE). Giê-hô-vít thật sự là tác phẩm trong đó sử liệu đến từ Giu-đa chiếm ưu thế.
5.3. Truyền thống Đệ Nhị Luật (ký hiệu P) hợp thành trung tâm của Đệ Nhị Luật là sách Luật thứ hai, nhưng cũng tác động vào việc biên soạn những cuốn sách khác. Việc biên soạn này được bắt đầu dưới triều đại vua E-zé-chi-as.
5.4. Truyền thống Tư Tế (ký hiệu P) nảy sinh ra trong thời kỳ lưu đày bên Ba-by-lone (587-538), nhưng việc biên soạn được tiếp tục sau đó.
Bộ Ngũ Kinh hoàn thành vào khoảng năm 400. Quan niệm về việc hợp thành bộ ngũ kinh là một giả thuyết, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19 và được rất nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh chấp nhận giữa những thập niên 50 và 70. Hôm nay, những điểm chính về giả thuyết này vẫn còn được chấp nhận, nhưng vấn đề trải dài những sử liệu cũ về truyền thống Gia-vít và E-lô-hít đã bị chỉ trích nhiều.
6. Xuất hành : biến cố sáng lập
Dân Ít-ra-en có từ thời tổ phụ A-bra-ham, nhưng mới có trong lời hứa thôi, và chỉ thực sự thành một dân tộc vào thời Xuất hành. "Mỗi người phải tự coi mình, từ đời nọ qua đời kia, như là đã xuất hành khỏi Ai Cập, vì có lời chép : Ngày đó (ngày kỷ niệm ra khỏi Ai cập), hãy nói cho con cái biết : chính nhờ Đức Chúa can thiệp, ta mới ra khỏi Ai Cập..." Lời trích sách lễ Nghi Vượt Qua của Do Thái chứng tỏ tầm quan trọng biến cố Xuất hành với dân Ít-ra-en. Đọc suốt lịch sử mình, dân Do Thái và sau đó người Kitô giáo sẽ không ngớt suy niệm và tìm hiểu thêm ý nghĩa.
6.1. Biến cố Sáng Lập.
"Cuộc ra khỏi Ai Cập luôn luôn được dân Ít-ra-en ghi nhận như là giai đoạn riêng biệt trong lịch sử của họ, như là biến cố trên bình diện khác với các biến cố". Dân Do thái chắc hẳn đã có với A-bra-ham, nhưng chỉ trong lời hứa. Xuất hành mới là lúc dân được thiết lập thực sự. Khi muốn hiểu ý nghĩa các biến cố khác (như vượt qua sông Gio-đan, đơn vị 12 chi tộc...) hay ý nghĩa các thể chế và các nghi lễ, khi muốn cắt nghĩa sự hiện hữu của dân tộc, người ta sẽ dẫn chứng về cuộc Xuất hành.
6.2. Gặp gỡ Thiên Chúa.
Nhờ biến cố Xuất hành, dân Ít-ra-en mới khám phá ra Thiên Chúa là ai, danh hiệu Ngài là gì. Ít-ra-en khám phá ra Thiên Chúa là Đấng giải phóng, là Vị Cứu tinh trước khi nhận ra Thiên Chúa là Đấng sáng tạo. Thiên Chúa đã kéo chúng ta ra khỏi nhà nô lệ, đó là danh hiệu chính, hầu như một danh hiệu riêng của Ngài, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Thánh Kinh. Trong thị kiến bụi gai cháy, Thiên Chúa tỏ cho ông Mô-sê biết Ngài là : Yahvê (Đấng Tự Hữu) hoặc Đấng Sẽ Là, Đấng ngươi sẽ khám phá ra trong cái Ta sẽ ở và sẽ làm với các ngươi trong lịch sử (Xuất hành 3,14). Như thế Thiên Chúa và dân Ngài được thắt lại bằng một sợi dây máu, bằng một Giao ước (Xuất hành 24,3-8). "Từ nô lệ đến phục vụ", đó là nhan đề một sách chú giải về Xuất hành diễn tả rất khéo chuyển biến cốt lõi. Dân ý thức Thiên Chúa đã cứu mình khỏi ách nô lệ Ai cập, từ đây mình được tự do, dấn thân phục vụ Ngài bằng một đời sống trung thành với Giao ước của Thiên Chúa, cụ thể trong việc phụng thờ.
6.3. Một quá khứ luôn hiện tại.
Sách lễ Nghi Do Thái nói Xuất hành không chỉ là một biến cố của quá khứ, nhưng một biến cố đi theo Ít-ra-en trong suốt cuộc đời của mình. Khi ta cử hành nghi lễ, thì nó hiện diện và ta hiệp thông với nó. Liên tưởng đến cái quá khứ đó đưa ta hiểu được cái hiện tại. Tất cả đời sống hiện ra như một cuộc xuất hành, một lộ trình về Nước Thiên Chúa.Nghĩ đến cuộc Xuất hành, giúp củng cố niềm tin trong những cơn tai biến hoạn nạn hay lưu đày : Nếu Thiên Chúa đã giải thoát ngày xưa, Ngài vẫn có thể cứu chữa ta hôm nay. Và như thế sẽ tăng cường hy vọng hướng về tương lai.
Các tín hữu tiên khởi sẽ tiếp tục suy niệm như thế. Họ sẽ cắt nghĩa cuộc đời Đức Kitô như một cuộc xuất hành, và những bản văn như thư thứ nhất của Thánh Phêrô, thư gửi Do Thái hay sách Khải Huyền, sẽ minh chứng rằng tất cả đời sống Kitô giáo là một ra đi, theo Đức Kitô về thiên quốc.
Gợi lại tất cả những cái đó, chúng ta đã vượt qua các bản văn trong sách Xuất hành, nhưng chúng ta sẽ thấy : Tất cả những gì việc suy niệm biến cố này gợi lên theo dòng thời gian, đều là thành phần của biến cố và giúp hiểu biến cố hơn. Nhưng xuyên qua ý nghĩa phong phú như vậy, câu hỏi đặt ra là ta có thể đi lên tới chính biến cố đó, và ta có thể trả lời cho câu hỏi : "Cái gì đã xảy ra !"
6.4. Xuất hành : một biến cố lịch sử
Trước khi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở biến cố Xuất hành, thiết tưởng cần xác định thế nào là một biến cố lịch sử. Khi đặt câu hỏi này, câu trả lời tưởng chừng như hẳn nhiên : đó là những dữ kiện có thể thấy hoặc thấy được. Thế nhưng ta cần phải coi lại một cách tinh vi hơn. Không có những sự kiện "thô", những sự kiện chúng ta có thể thuật lại một cách khách quan vì chỉ có những sự kiện được bình giải lại thôi. Khi hai người cùng kể lại biến cố, họ thuật lại với hai cách khác nhau, tức là họ không mang lại dữ kiện nguyên bản nhưng dữ kiện họ thấy. Cùng một cử chỉ đối với người này sẽ được coi như điều chế giễu, đối với kẻ khác lại như lời khuyến khích...
Vì ta chú giải những dữ kiện và cho nó một ý nghĩa nên nó là lịch sử. Có những sự kiện xảy ra nhưng ta quên đi một cách nhanh chóng vì nó không có ý nghĩa : nó ở trong lịch sử nhưng không là lịch sử như khi ta mở cửa, lấy một cây viết... những sự kiện này có thật nhưng không có ý nghĩa đặc biệt. Một biến cố lịch sử để lại dấu vết trong ký ước một người hay một nhóm. Một sự kiện bền lâu trong lịch sử vì ta tìm thấy trong đó một ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa này ta chỉ nhận thấy ra sau đó và đôi khi rất lâu sau đó. Khi thấy một kỷ nguyên mới mở ra cho Giáo Hội Công Giáo, ta khám phá quyết định quan trọng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cho khai mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II. Những lời tuyên bố đòi "Nhân quyền" dấy lên trong thế giới làm cho ta hiểu cuộc Cách mạng Pháp. Bởi nên lúc xuôi vào lịch sử, khi ta thấy tất cả những gì sự kiện đó làm nảy sinh ra trong dòng thời gian thì lúc ấy ta bắt đầu nắm lấy nó.
Đôi khi phải đi ngược lên lịch sử : có những biến cố tưởng chừng như rất nhỏ bé lại có sức mạnh trở thành dấu chỉ cho toàn tổng thể. Ví dụ : trong thời Cách mạng Pháp, khi đám người nổi dậy vào ngục Bas-ti-lle giải thoát hai ba tù nhân được canh gác bởi vài ba binh sĩ nhu nhược. Đây chỉ là một sự kiện nhỏ nhoi không đáng kể đối với những biến cố khác thảm thương hay vinh quang hơn. Thế nhưng việc vào ngục Bas-ti-lle trở thành biến cố lịch sử lúc nào ? Có phải từ ngày 14/7/1789 ? hay khi Cách mạng đã thành công và nó trở thành biểu tượng ? Cả hai điều trên hợp lại làm cho việc vào ngục Bas-ti-lle trở thành biến cố lịch sử, vì ngày hôm đó xảy ra một sự kiện người ta đưa lên làm biểu tượng, và khi sự kiện đó trở nên biểu tượng thì nó trở thành biến cố lịch sử.
Vì thế, tóm lại Xuất hành là biến cố của dân Do thái, nhưng vì giá trị biểu tượng và ý nghĩa phong phú đối với cuộc sống con người nên đã thành biến cố lịch sử.
(còn tiếp)