Thứ Hai, 04 Tháng Ba, 2024

ARISTIDE PIROVANO, GIÁM MỤC NGƯỜI CÙI TẠI MIỀN AMAZZONIA

ARISTIDE PIROVANO, GIÁM MỤC NGƯỜI CÙI

TẠI MIỀN AMAZZONIA

Cách đây 4 năm, Thượng HĐGM miền Amazzonia do ĐTC Phanxico triệu tập đã tiếng hành từ ngày 6 đếm 27-10-2019 tại Vatican và đặc biệt quan tâm đến 4 chiều kích là mục vụ, văn hóa, xã hội và môi trường vùng rộng lớn này. Trong phiên nhóm đầu tiên ngày 7-10, ĐTC mời gọi các nghị phụ hãy đi vào thực tại miền Amazzonia với đôi mắt của ”người môn đệ và thừa sai”, đừng để mình bị ám ảnh vì ý thức hệ nào, hoặc với quan niệm đượm mầu sắc thực dân ý thức hệ, đừng muốn đề ra những chương trình tiền chế để kỷ luật hóa, thuần hóa dân chúng miền Amazzonia, kỷ luật hóa lịch sử, văn hóa của họ. Trái lại, cần đến với các thực tại Amazzonia tới tinh thần chiêm ngưỡng, tôn trọng, không phải đe phát minh những chương trình phát triển xã hội, bảo tồn văn hóa, như đối với bảo tàng viện. Chúng ta đên để hiểu và phục vụ các dân tộc.

ĐTC cũng nhắc lại ý nghĩa của công nghị là đồng hành với nhau dưới sự soi sáng và dìu dắt của Chúa Thánh Linh. Người là tác nhân chính của Thượng Hội đồng này. Để Thánh Linh hoạt động, trước tiên chúng ta cần phải cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, rồi suy tư, đối thoại, lắng nghe trong tinh thần khiêm tốn, với ý thức mình không biết mọi sự. Rồi nói trong tinh thần can đảm, nói ngay nói thật.

Dư luận thế giới thì chú ý đến khía cạnh bảo vệ môi trường, vì Amazzonia buồng phổi của trái đất đang bị bị đe dọa, còn các thành phần của Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến tình trạng mục vụ và truyền giáo. Ví dụ Đức Cha Wilmar Santin, dòng Camelo, GM giám hạt Itaituba, ở miền bắc Brazil, cho biết giám hạt của ngài rộng 177 ngàn cây số vuông (quá nửa nước Việt Nam), nhưng chỉ có 207 ngàn tín hữu Công Giáo với 8 giáo xứ, 1 LM giáo phận và 16 LM dòng.

Trong lịch sử, bao nhiêu vị thừa sai và các tín hữu Công Giáo nhiệt thành cũng đã quan tâm đến tình trạng Giáo Hội tại miền này, trong đó có Đức Cha Aristide Pirovano, thừa sai người Ý, thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Milano (PIME).

Ngày 3 tháng 2 năm 1997, Đức cha Aristide Pirovano qua đời tại nhà hưu dưỡng của Hội Giáo Hoàng truyền giáo PIME ở thành phố Lecco, bắc Italia. Ngài hưởng thọ 82 tuổi, sau 51 năm tận tụy phục vụ công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, nhất là tại Brazil.

Thân thế

Đức cha Pirovano sinh năm 1915 tại tỉnh Como, bắc Italia, gia nhập Hội thừa sai PIME và được thụ phong linh mục năm lên 26 tuổi, tức là năm 1941. Sau thế chiến thứ hai, vào mùa thu năm 1946, cha Pirovano là một trong 3 thừa sai đầu tiên của Hội PIME được bề trên gửi tới miền Amazzonia, Brazil, để thành lập cứ điểm truyền giáo tại đây. Khi tới miền Macapá, cha Pirovano chỉ thấy tại đây hai thừa sai người Đức già yếu và bệnh tật, bị cô lập trên một lãnh thổ khoảng 200 ngàn cây số vuông, bằng hơn một nửa Việt Nam. Toàn vùng này chỉ có một nhà thờ duy nhất giữa khu đất lầy lội, được người Bồ đào nha dựng lên hồi năm 1745. Cha Pirovano cùng với các thừa sai khác cư ngụ trong một căn nhà nhỏ thiếu thốn mọi sự. Vừa khi tới nơi, các thừa sai phải gỡ các thùng gỗ mang theo để chế tạo một cái bàn và vài cái ghế đẩu. Ban đêm thì ngủ trên võng. Căn chòi đầy dán, nhện, kiến và các thứ côn trùng khác. Cuộc sống của các thừa sai thật là cam go. Thực phẩm hầu như chỉ có bột khoai mì và cá, và nước múc từ sông lên. Thỉnh thoảng các thừa sai săn bắn để kiếm thịt. Phương tiện di chuyển khi thì đi trên những con thuyền độc mộc, lúc thì cưỡi ngựa hoặc đi bộ.

Lo lắng cho khu vực truyền giáo

Khi những con đường đầu tiên được mở tới vùng Macapà, cha Pirovano vận động các ân nhân ở Italia cung câ"p cho tất cả các thừa sai những phương tiện hoạt động cần thiết, như xe môtô, máy chạy thuyền, tủ lạnh, xe hơi. Năm 1955, sau khi truyền chức GM cho Đức cha Pirovano, ĐGH Phaolô 6 còn tặng cho ngài và các thừa sai một chiếc máy bay Cessna nhỏ với 6 chỗ để cho thể di chuyển trong khu vực truyền giáo rộng mênh mông. Xây cất và cơ giới hóa là hai hoạt động quan trọng trong công tác mở mang cho dân chúng bản xứ do Đức cha Pirovano thực hiện nhờ sự trợ giúp quảng đại của các tín hữu ân nhân ở Italia. Đức cha Pirovano đã thành lập tại Macapà tuần báo đầu tiên với tên là ”Tiếng nói Amapà” (A Voz do Amapà), thiết lập xưởng máy và nhà in đầu tiên, đài phát thanh đầu tiên tại tỉnh Amapà.

Cứ điểm Macapà

Năm 1948, khi 3 thừa sai đầu tiên tới Macapà, vùng này chỉ là một làng với 3 ngàn người, nhưng sau đó có tới nửa triệu dân cư và là thành phố lớn thứ 3 của vùng Amazzonia sau Belém và Manaus. Giáo Hội tại đây có 20 giáo xứ, 10 linh mục địa phương và 35 LM thuộc Hội thừa sai PIME, và rất nhiều cỡ sở xã hội, trong đó có bệnh viện tối tân và đồ sộ do các cha dòng bệnh viện thánh Camillo coi sóc. Bệnh viện này do dược sĩ Marcello Candia (1916-1983) kiến thiết. Ông Candia nguyên là chủ hai hãng hóa học ở bắc Italia, đã bán hết mọi sự, tới hoạt động tại vùng Amazzonia theo lời mời của Đức cha Pirovano và hiện nay đang được bộ phong thánh cứu xét hồ sơ phong chân phước.

Đức cha Pirovano ở lại vùng Macapà cho đến năm 1965 thì được bầu làm Bề trên tổng quyền Hội thừa sai PIME. Đây quả là một ơn lớn Chúa ban cho Tu đoàn tồng đồ này, vì sở dĩ Hội PIME tránh được phần lớn những hậu quả của thời khủng khoảng năm 1968 tại Âu châu cũng là nhờ sự khéo léo của Đức cha Pirovano: Ngài đã cai quản Hội thừa sai với tinh thần hiền phụ, với lòng tin, sự khôn ngoan và tình người.

Trở lại Brazil

Mãn hai nhiệm kỳ tổng cộng là 12 năm ở Roma, Đức cha Pirovano trở lại vùng Amazzonia vào năm 1977 và hoạt động như một linh mục thừa sai tại trại phong cùi Marituba do ông Candia giúp tân trang từ 5 năm trước đó (1972). Đức cha nói: ”Ngày nay ở Âu Mỹ người ta nói nhiều đến việc phục vụ người nghèo và phục vụ thế giới thứ ba, nhưng ít có người thực sự hiến thân cho người nghèo. Rất ít người trẻ theo gương bao nhiêu vị thừa sai đã từ bỏ tất cả để đi tới những miền xa xăm và sống với những người bị xã hội bỏ rơi”.

Trại phong cùi cũ ngày xưa hiện nay đã nhường chỗ cho một thành phố với hàng chục ngàn dân cư. Người ta bị thu hút vì sự hiện diện của các thừa sai nam nữ. Sự phát triển trại phong Marituba được khởi sự với sự hiện diện của Đức cha Pirovano. Ngài tiếp đón những người di cư từ thành phố Belém tới đây, mở các trường học, nhà thờ, các trung tâm xã hội. Làng Pedreirinha cạnh thành phố này gồm 5 ngàn người, trong đó có khoảng 1 ngàn người trước kia đã từng mắc bệnh phong. Đức cha Pirovano nói rằng: ”Nhiều khi tôi suy nghĩ và tự hỏi không biết những người phong và cựu phong cùi ở đây có một sứ điệp nào cho thế giới hay không. Và tôi thây rằng họ có một sứ điệp, đó là sứ điệp Phúc Âm, nghĩa là: điều quan trọng không hẳn là tiền bạc và sức khỏe, cũng không phải là học thức hay địa vị, nhưng là thái độ biết từ bỏ lòng ích kỷ của mình để yêu thương anh em đồng loại, đặc biệt là những người bé nhỏ và nghèo hèn”.

Công trình cuối cùng của Đức Cha Pirovano là một nhà thương đồ sộ gồm 6 khu vực liên kết với nhau và được khánh thành ngày 15 tháng 2 năm 1996.

Về hưu

Đức cha về hưu tại Lecco ở miền bắc Italia. Trong một bài đăng trên báo ”Người Quan sát Roma” của Tòa Thánh, số ra ngày 6-2 năm 1997, Cha Piero Gheddo, cùng Hội thừa sai Pime với Đức cha Pirovano, kể lại rằng: ”Ngày 21 tháng 12 năm 1996, tôi đến viếng thăm Đức cha Aristide Pirovano tại nhà thương Como. Lúc đó ngài gần được 82 tuổi và chỉ còn nặng 47 kílô vì bệnh ung thư. Nhưng Đức cha nói với tôi rằng: ”Tôi hy vọng các bác sĩ sẽ mau lẹ cho tôi xuất viện vì tháng hai năm 1997 này, tôi đã hứa sẽ trở lại Marituba. Trong năm này tôi phải tìm được 1 tỷ Lire- tức khoảng hơn 600 ngàn mỹ kim- để hoàn thành việc trang bị cho bệnh viện tại đây và các cơ sở từ thiện khác”.

Cha Angelo Bubani, thừa sai tại vùng Amazzonia, người đã hoạt động cạnh Đức cha Pirovano nói rằng: ”Đức cha quý mến, khích lệ và giúp đỡ mọi người, và không bao giờ coi rẻ một ai. Nếu cần phải sửa sai, ngài luôn thực hiện trong tinh thần huynh đệ mà không làm cho người ấy cảm thấy bị thương tổn” (Piero Gheddo, Osservatore Romano, 6-2-97)

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ 2 THĂM TRẠI CÙI MARITỦBA

Một biến cố đặc biệt khiến cho nhiều người trên thế giới, đặc biệt là ở Italia, biết đến Đức Cha Pirovano, vị GM của trại cùi Marituba, là cuộc viếng thăm của ĐTC Gioan Phaolô 2 tại trại cùi này. Thực vậy, Ngài chính là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đã đến viếng thăm một trại cùi. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brazil, ngày 8-7-1980, ĐTC đã đến trại Marituba và từ đây, ngài kêu gọi toàn thế giới gia tăng dấn thân trợ giúp và chữa trị người cùi. Hồi đó người ta ước lượng có 20 triệu bệnh nhân cùi trên thế giới, nhưng chỉ có gần 10 triệu được chữa trị, nhiều người khác chỉ được săn sóc bất thường.

Trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp trở về Italia hồi tháng 5 năm 1981, Đức Cha Pirovano cho biết: ”Người cùi tại Marituba rất xúc động vì sự nhạy cảm và đơn sơ của ĐTC đối với họ. Họ thường nhắc nhớ điều đó và mỗi ngày cầu nguyện cho ngài là vị đã nhớ đến họ và thỉnh thoảng ĐTC vẫn gửi lời thăm hỏi cũng như hỏi han tin tức về trại cùi. ĐTC cũng cho biết trong 12 ngày viếng thăm Brazil, cuộc gặp gỡ với người cùi tại Marituba gây ấn tượng mãnh nhất cho ngài.

Đức Cha Pirovano kể thêm rằng: ”Hồi đó tại Marituba, dân chúng đông đảo đổ xô đi đón ĐGH. Trước đó tôi đã cho đăng một thông cáo trên các báo địa phương và yêu cầu rằng ai chưa hề đến thăm trại cùi, kể cả chính quyền, thì không nên tới đây, vì ĐGH đến thăm người cùi ở Marituba chứ không phải để thăm những người khác. Thông cáo của tôi đã gây ra một số tranh luận. Thực tế là chúng tôi chỉ cho một số ít người ngoài được vào trại cùi, mục đích là để ĐTC có thể đến gần một số người cùi.

Có một sự kiện thật đáng để ý là: Khi vào trại cùi, ĐTC thấy chính quyền, các ký giả, các nhiếp ảnh viên, còn người cùi thì ở đằng sau, ngồi trên những chiếc xe lăn. ĐGH tiếp tục hỏi tôi: ”vậy những người cùi đâu rồi?” Ngài sợ là người ta không cho người cùi đến gần... Bất chợt giữa những đôi chân của những người ở hàng đầu, có một bàn tay, đúng hơn là một cánh tay giơ ra, vì đó là những cánh tay bị cụt, của một phụ nữ cùi, mình đầy vết thương. ĐGH như kinh hoàng, như rùng mình một chút, và ngài cúi xuống, cầm lấy cánh tay ấy, ngài nắm chặt và đến gần người phụ nữ cùi đang rơi lệ trên xe lăn của bà ta..

Đức Cha Pirovano kể tiếp: ”Buổi chiều hôm ấy, tôi thực sự lo sợ cho sức khỏe của ĐTC. Trời rất nóng, khoảng 42, 43 độ trong bóng rợp. Ngài đổ mồ hôi liên tục, và mặt ngài đỏ bừng vì nóng. Chúng tôi đã quen với khí hậu ấy, nhưng đối với ĐGH, nóng nực như thế thật là một cực hình. Tôi không hiểu làm sao ngài có thể chịu nổi như thế sao nhiều ngày viếng thăm với chương trình dầy đặc ở Brazil: tôi sợ rằng ngài sẽ bị cảm nắng! Dầu vậy, ĐGH tiếp tục nói, và ca hát, hô to những khẩu hiệu với người cùi. Ví dụ họ hô: ”Uba, Uba, Uga, viva o Papa de Marituba!”. Uba chẳng có nghĩa gì cả, đó chỉ là một nhịp vần với danh từ Marituba mà thôi.

Bầu không khí nồng nhiệt, không những vì mặt trời nóng cháy, nhưng còn vì sự quí mến, sự thân mật trong quan hệ giữa ĐGH và người cùi. Một lát sau, ĐGH cầm lấy máy vi âm và bắt đầu nói lớn ”01,01,01. Marituba muito sol!”, nghĩa là ở Marituba có nhiều mặt trời! Chúng tôi đã chuẩn bị một lễ đài nhỏ, lợp tôn để che năng, nhưng dưới mái tôn ấy, chúng tôi như ở trong một cái lò nóng, vì thế ĐGH sáng chế ra khẩu hiệu của ngài, khẩu hiệu mà ngày nay những ngươi cùi tiếp tục hô lên trong các buổi hội họp của họ ”01, 01,01 Marituba muito sol!”. ĐGH không kế chi đến cái nóng nực và mệt mỏi, ngài tiếp tục hô và ca hát với người cùi. Tóm lại. đôi vơi những người cùi, hôm đo thực là một ngày không thế quên được. Ngày nay, khi nhắc lại cuộc viếng thăm ấy, ngươi cùi kể lại những chi tiết hàng tiếng đồng hồ và khóc vì cảm động.

Cuộc viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô 2 cũng có công hiệu tích cực đối với hoạt động của chính quyền bang Parà dành cho trại cùi này, chính quyền càng tỏ ra quan tâm hơn tới số phận của người cùi. Họ cũng đưa thêm dân cư đến ở quanh khu vực trại Marituba. Rừng rậm dần dần nhường chỗ cho dân ấy. Dân số từ 11 ngàn lên khoảng 16 ngàn người. Vấn đề là ở khu định cư mới, không có điện nước và cống rãnh, cũng chẳng có trường học. Nghĩa là chẳng có gì được chuẩn bị dể đón tiếp thêm 4, 5 ngàn ngươi từ các khu rừng và các khu vực ven sông ngòi đến lập cư. Chính phủ và chính quyền thành phố không biết đưa họ đi đâu, nên dẫn họ tới Marituba.

Về hưu

Đức Cha Pirovano trở về Italia năm 1981 vì các bác sĩ gửi ngài về để tĩnh dưỡng trong một khí hậu thích hợp hơn và được trợ giúp đầy đủ hơn tại Marituba. Ngài cũng cần được giải phẫu.

Khi có dịp trở về Italia, ngài thương đi viếng thăm các bạn hữu để xin giúp đỡ cho những ngươi cùi ở Marituba và cả những người dân mới đến định cư. Những người này mới đến, họ cần được trợ giúp cả về mặt tôn giáo lẩn xã hội, cần xây thêm một thánh đường khác, ngoài thánh đường trong trại cùi và ở làng Pedreirinha. Ngài cũng muốn thiết lập một vườn trẻ và một trường tiểu học, cho các em nhỏ đến 12, 13 tuổi, để chúng khỏi bị lây bệnh. Trong số 6 ngàn người mới đến định cư có khoảng 405 trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, 480 em từ 7 đến 12 tuổi.

Đức Cha giúp thành lập một tổ chức gọi là ”Ngân hàng gia cư”, do một ủỵ ban các gia trưởng điều khiển: ngài đặt một số vốn khởi đầu, và ủy ban cứu xét những đơn xin mượn tiền, và cho các gia đình vay tiền để mua gỗ làm nhà mà không phải trả tiền lãi. Mỗi gia đình được vay khoảng 40 ngàn đồng Cruzeiros, vì tiền gỗ acapu rất mắc, gỗ này giống như gỗ lim bên Việt Nam. Chính phủ cho mỗi gia đình một lô đất dài 30 mét, rộng 10 mét, với điều kiện họ xây nhà để ở tại đó.

Với sáng kiến ‘Ngân hàng gia cư”, Đức Cha giúp xây cất được 200 căn nhà. Rồi các gia đình ấy trả tiền lại mỗi tháng khoảng 500 đồng cruzeiros cho đến khi nào hết nợ. Ủy ban cũng có nhiệm vụ đòi lại số tiền đó để có thể cho các gia đình khác vay mượn, và đàng khác cũng để giúp dục những người lai và thổ dân, vốn xuất thân từ các khu rừng, tập thói quen dành dụm và tiết kiệm. Xét cho cùng, ”Ngân hàng gia cư” cho mượn không lời như thế, với mục đích giúp đỡ, vì tỷ lệ lạm phát ở Brazil bây giờ lên tới 40, hoặc 50% mỗi năm. Các ngân hàng bên ngoài cho vay mượn với lãi xuất 20% mỗi tháng, nghĩa là ngoài tầm tay của dân nghèo. Mỗi năm Đức cha phải đi kiếm tài trợ để bù đắp số vốn cho Ngân hàng gia cư ấy.

Cũng với mục đích giúp đỡ những người mới đến định cư, Đức cha cổ võ việc tổ chức và huấn luyện họ biết cách canh tác, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm này được bán ra sau đó tại thành phố: ngài cũng vận động mở các lớp dạy may vá dành cho phụ nữ, dạy nghề mộc và đánh cá cho nam giới, với những dụng cụ hiện đại, không kể các công tác truyền giáo trực tiếp. Có rất nhiều người tuy đã được rửa tội, nhưng trước đây họ sống rải rác trong rừng, hoặc dọc theo các con sông, mỗi năm cùng lắm chỉ được thấy LM một hoặc hai lần.

Quả thực Đức cha Pirovano, không những tận tụy trợ giúp những người cùi, nhưng còn can đảm ngửa tay đi xin tiền để trợ giúp những người mới đến định cư, nghèo túng, để giúp họ ra khỏi tình trạng bị cô lập, và được sống như những người khác.

Trang Đức (báo Mục Vụ - Thụy sĩ)

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art