Marie Leclaire: “Tôi sống trong một nhà thờ”
lavie.fr, Emmanuelle Ollivry , 2023-03-03
Cô sinh viên luật 23 tuổi làm nhân viên phòng thánh, dọn dẹp nhà thờ tại nhà thờ Thánh Lêô ở Paris. Đổi lại, cô được sống miễn phí ở đó. Một công thức lạ lùng mang lại niềm vui và đức tin cho cô.
Hình / Corinne Simon – La Vie
Bây giờ là nửa đêm. Đứng trước đền tạm, tôi mệt mỏi se mình trong bộ đồ ngủ và đôi dép lê. Một cảm giác kỳ lạ khi cả nhà thờ chỉ riêng cho tôi! Tôi thì thầm. Có điều gì đó đáng sợ khi ở quá gần với một hiện diện thực sự. Trong không khí phảng phất mùi hương quen thuộc mà tôi vô cùng yêu thích. Tôi không nhìn những lan can bằng đồng đang chờ miếng giẻ lau, cũng như những giá cắm nến cần thêm nến. Tôi cầu nguyện.
Lòng tôi tràn ngập tâm tình biết ơn, dưới chân Chúa Giêsu, Đấng tôi mắc nợ tất cả. Vì ngày hôm nay, dù là sinh viên cao học luật, tôi là nhân viên phòng thánh với hai người bạn cùng phòng, 21 và 24 tuổi. Mỗi tối chúa nhật, chúng tôi phân chia công việc với nhau. Tôi có thể xác định, cuộc sống này làm cho tôi hạnh phúc.
Từ ba năm nay, tôi đã chia sẻ với các cô bạn căn hộ đẹp song lập rộng 70 mét vuông ở nhà thờ quận 15 Paris. Để đi vào bạn phải băng qua hai chốt được giáo dân dùng để đi qua nhà thờ, kế đó là cửa sau để vào nhà chúng tôi có chiếc chuông trắng để báo cho chủ nhà biết có khách!
Tôi làm một thứ bảy trên ba, vài ngày chúa nhật và hai buổi tối một tuần để chuẩn bị các việc cho thánh lễ, dọn dẹp nhà thờ, tôi được ở căn nhà không thể tin được này, gần với người bạn cùng phòng của tôi ở nhà tạm! Một cuộc sống chung về mặt thiêng liêng và vật chất quá tốt, cho tôi một tầm nhìn ra bàn thờ không có gì làm cản trở. Tôi chỉ đi lên tầng hai, ngay sau căn hộ của tôi là đến hành lang nhìn ra ca đoàn. Chỗ tốt nhất để nhìn cô dâu khi nhà thờ đông nghẹt! Tôi đã thử và đã chứng thực.
Hình / Corinne Simon – La Vie
Một căn hộ gần như miễn phí ở trung tâm Paris
Tuy nhiên tất cả phải bắt đầu bằng câu chuyện về tiền bạc và một số hạn chế. Khi tôi lên năm thứ ba trường luật, mẹ tôi tìm cho tôi căn phòng để ở, bà nói: “Một căn phòng gần như miễn phí ngay trung tâm Paris? Con phải suy nghĩ về chuyện này.” Phải công nhận đây là lợi ích tài chính và tôi cảm thấy mắc nợ cha mẹ trong suốt thời gian đi học, nhưng tôi đang nghĩ đến công việc phải tốn nhiều thì giờ để dọn dẹp. Khi nhận lời, tôi không hình dung công việc này sẽ biến đổi tâm hồn tôi đến như thế nào. Đây không phải là một nghề giống như bất kỳ nghề nào khác.
Sự dè dặt của tôi hóa ra cũng khá hợp lý… Ngay cả bây giờ, ý tưởng dành ba giờ để hút bụi giữa mỗi hàng của gian giữa để có một kết quả không phải lúc nào cũng nhìn thấy được, làm cho tôi bớt hứng thú… Đúng, vì làm phòng thánh là dọn dẹp, lau chùi, tay nắm cửa phải chùi sạch, những vũng nước phải dọn, phải dìu người vô gia cư nghiện rượu ra cửa, phải kiểm soát các ngọn nến, chùi nắm cửa, lúc 10 giờ tối phải ứng trực nếu có cầu cứu.
Công việc này đồng nghĩa với việc học nhiều từ mới của phòng thánh: khăn lau tay, khăn đậy chén thánh, khăn phủ nhà tạ, bình xông hương, v.v. Đó là chấp nhận bị gián đoạn công việc vì những vị khách đột nhiên hỏi, “Tại sao lại là cây thánh giá? hoặc Chúa Giêsu là ai?” Lại còn bị tiếng đàn organ đánh thức lúc 9 giờ sáng chúa nhật dù ngày đó tôi không trực. Đó là mắc cở khi vấp té làm tung tóe chồng sách hát xuống đất. Tôi phải nén tự hào khi thấy, giữa thánh lễ, chìa khóa không ở trên nhà tạm và phải cúi đầu đi giữa những ánh nhìn không bằng lòng.
Hình / Corinne Simon – La Vie
Bốn linh mục, tất cả đều khác nhau
Có một lần tôi còn quên bánh thánh lớn và tệ hơn là quên để đồng hồ báo thức sáng chúa nhật! Tôi xuất hiện mười phút trước thánh lễ, khi mọi người đã có mặt, kể cả các linh mục. Tuy nhiên, trong ba năm này, tôi chưa bao giờ nghe hoặc bị các linh mục chỉ trích gay gắt. Các lưu ý, có, nhưng đúng mực và có giải thích. Đúng ra đôi khi họ tự cho phép họ đùa một chút theo sở thích của họ.
Có bốn linh mục ở nhà thờ Thánh Lêô, tất cả đều rất khác nhau, với những tính cách và thói quen mạnh mẽ riêng của họ. Người thích chén thánh này, người thích chiếc bàn để sách lễ kia. Họ có thể mệt mỏi hay lo lắng trước thánh lễ, họ cũng giống như mọi người. Nhưng sau đó, tôi chứng kiến sự biến đổi từ cuộc sống bận rộn hàng ngày qua khoảnh khắc trang trọng khi họ mặc áo lễ và chuẩn bị cử hành thánh lễ. Những giây phút lơ lửng này ẩn chứa điều gì đó bí ẩn và rất dịu dàng.
Công việc của tôi giúp tôi hiểu rõ linh mục là như thế nào: trên hết họ là những người định hình trái tim của họ cho đức bác ái và đại diện cho Chúa Kitô. Vì tất cả những điều đó, ồ, cũng không nguy hiểm khi tôi xem họ là Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội! Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được học cách tôn trọng các linh mục, tránh làm cho họ trở nên linh thiêng. Họ đánh dấu thời thơ ấu của tôi, giống như anh của bà tôi, cha đỡ đầu của em gái tôi, hoặc còn điên rồ hơn nữa…
Năm 15 tuổi, cùng gia đình, tôi đi theo người cha đỡ đầu của em gái tôi đến Rôma. Chúng tôi vừa tham dự một buổi tiếp kiến rất long trọng với giáo hoàng và tôi kiên nhẫn chờ đến lượt hâm đĩa mì ống ở lò vi sóng tại Nhà Thánh Marta. Ai đang đứng trước tôi để chờ hâm thức ăn như tôi? Chính Đức Phanxicô! Chúng tôi trao đổi vài lời. Ngài nói: “Con cầu nguyện cho cha!” Ngài, người có đường dây kết nối trực tiếp với Chúa lại xin tôi cầu nguyện cho ngài? Sau đó tôi nhận ra, cũng như các linh mục, giáo hoàng cũng không phải là siêu nhân.
Hình / Corinne Simon – La Vie
Cầu nguyện mang lại câu trả lời
Tình tiết này cũng lặp lại trong cuộc hành hương đến Pontmain ở Mayenne một năm trước đó, khi tôi cảm thấy rất lo lắng trước lời của Đức Trinh Nữ: “Hãy cầu nguyện, hỡi các con yêu dấu. Chúa sẽ trả lời các con ngay lập tức. Con trai Ta sẽ chạm vào.” Tôi hiểu lời cầu nguyện mang lại câu trả lời. Hai khoảnh khắc mạnh mẽ này trong tuổi niên thiếu đã giúp tôi chuyển từ một đức tin được tiếp nhận – trẻ con, người lãnh nhận bí tích – sang một đức tin trưởng thành.
Đặc biệt là lúc tôi là học sinh nội trú ở trường trung học quân sự La Flèche, khi tôi phải quyết định có ngủ nướng thêm sáng chúa nhật hay đi lễ? Và tôi quyết định đi lễ. Khi còn nhỏ, tôi là đứa bé chạy lon ton sau cha mẹ ở những hàng ghế dài trong nhà thờ vào các ngày chúa nhật, tôi không nhận ra đi lễ có một ý nghĩa nào. Tôi chỉ nhìn thấy trong ánh mắt cha mẹ, việc đi lễ là chuyện dứt khoát, không thể mặc cả. Đó là điều cần thiết với họ, dù khi tôi ở nội trú trong những năm đại học của tôi. Nó tạo ấn tượng cho tôi.
Chắc chắn là nhờ ơn thừa hưởng này mà cá nhân tôi đã chọn đi theo Chúa Giêsu. Tôi luôn thấy cha tôi cho rước lễ, mẹ tôi giúp dạy giáo lý. Đức tin của họ là phục vụ. Nó khá phù hợp với những gì tôi sống hàng ngày. Là phụ nữ phụ trách phòng thánh, ngoài việc dọn dẹp, tôi chạm vào mầu nhiệm không dò tìm được và Chúa Giêsu đến cách nhưng không trong bánh thánh, cũng như cách chúng ta đón nhận Ngài.
Công việc này là một món quà
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thích mời bạn bè, trải khăn bàn đẹp, bày biện bàn ăn đẹp. Vì vậy, khi chính Chúa là khách, động lực của tôi được tăng lên. Nếu trong tuần, chỉ cần khoảng hai mươi phút là tôi có đủ thì giờ để sắp xếp áo lễ, đèn, hệ thống âm thanh, v.v., thì cuối tuần phải cần hơn một giờ, đó là không kể những ngày lễ lớn.
Ngày lễ Phục sinh làm phòng thánh đầu tiên của tôi, việc chuẩn bị dụng cụ đã khuấy động cả nhà thờ cũng như trong lòng tôi. Khi lấy bình thánh này, chén thánh kia, tôi như thực sự chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu trong sâu thẳm con người tôi. Trong danh sách việc phải làm trong ngày, giữa các chi tiết phải nhớ, bây giờ có thêm chi tiết ‘để chính mình được Thiên Chúa biến đổi’. Khi khám phá tiến trình của thánh lễ hay các lễ phụng vụ chính, tôi kinh ngạc và đức tin của tôi được củng cố.
Nếu những lo lắng cho công việc có vẻ như vô lý (tôi đã đặt micrô đúng chưa? Ồ, sắp hết dầu trong nến rồi), nhưng tôi cảm nhận công việc này là một món quà lớn biết bao. Nó làm cho tôi có một gắn kết sâu sắc giữa hành động, lời nói và đức tin.
Khi bạn bè biết tôi sống trong nhà thờ, tôi buộc phải trung thực với những gì tôi tin. Ở đây tôi được thúc đẩy để làm chứng cho Chúa Kitô hơn bao giờ hết. Thậm chí tôi còn giúp cho cô bạn cũng học cao học như tôi chuẩn bị thêm sức. Nếu bây giờ tôi vẫn còn lười khi cầm cây lau nhà, nhưng lựa chọn cuộc sống này vẫn còn đeo bám tôi. Bằng chứng qua một chi tiết thú vị: tôi mua lọ nước hoa Guerlain năm ngoái có tên “Hương thơm Huyền nhiệm!”
Hình / Corinne Simon – La Vie
Chúa vào buổi tối
“Bạn sống ở đâu?”, “Trong nhà thờ.” Câu này bắt buộc tôi phải phù với cách cư xử của tôi. Khi tôi gặp các đồng nghiệp mới trong công việc hè 18 tháng trước, tôi làm cho họ tò mò, sau đó trong những lần nói chuyện rất thú vị, tôi chiếm được tình cảm của họ. Họ tôn trọng tôi. Họ mời tôi đến dự tiệc miễn phí của họ, có âm nhạc techno và một lối sống khác ở các khu rừng vùng Paris hoặc ở những bãi đỗ xe bỏ hoang. Tôi nói kinh nghiệm kitô hữu của tôi, của mọi tín hữu kitô: làm chứng cho người khác. Chúng ta không bị nhốt trong nhà thờ mà phải làm chứng. Kể từ đó, với một quy tắc ứng xử kiên định, tôi theo họ trong khoảng mười buổi tối. Tôi không đến đó để truyền giáo, nhưng để yêu thương. Chúa làm phần còn lại.
Hình / Corinne Simon – La Vie
Suy niệm: ở bữa tiệc thiên đàng
Những gì chúng ta thấy khi chúng ta quy tụ để cử hành bí tích Thánh Thể, thánh lễ cho chúng ta hình dung những gì chúng ta sẽ sống. Ở trung tâm của không gian dành cho thánh lễ là bàn thờ, chiếc bàn được phủ một tấm vải, và nhắc chúng ta nhớ đến một bữa tiệc. Trên bàn có cây thánh giá giúp chúng ta nhớ, chúng ta đang dâng hy tế của Chúa Kitô: Người là lương thực thiêng liêng để chúng ta lãnh nhận ở đó, dưới hình thức bánh và rượu. Bên cạnh là bục giảng, nơi công bố lời Chúa: nhắc chúng ta nhớ, chúng ta quy tụ ở đây để nghe Lời Chúa, Đấng nói qua Kinh thánh, và thức ăn chúng ta nhận cũng là Lời Ngài. (…) Cử chỉ Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly là hành động tạ ơn cuối cùng Ngài dâng lên Chúa Cha vì tình yêu của Người, vì lòng thương xót của Người.
Trong tiếng Hy Lạp “tạ ơn” có nghĩa là thánh thể. (…) Vì thế cử hành Thánh Thể không chỉ là một bữa tiệc đơn giản: nhưng chính là việc tưởng niệm Chúa Giêsu Phục sinh, mầu nhiệm của ơn cứu rỗi. “Tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là đơn thuần tưởng nhớ, nhưng có nghĩa, mỗi lần cử hành bí tích này, chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm Thương Khó, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Bí tích Thánh Thể là tuyệt đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta, tuôn đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Ngài, để đổi mới tâm hồn chúng ta, sự hiện hữu của chúng ta và cách chúng ta đến với Ngài và với người anh em. Đó là lý do vì sao khi chúng ta đến với bí tích này, chúng ta thường nói “rước lễ”: có nghĩa là trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể làm chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu một cách duy nhất và sâu xa để từ nay Chúa Kitô làm cho chúng ta nếm trải sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, đặc điểm của bữa tiệc thiên quốc, nơi cùng với tất cả các thánh, chúng ta sẽ có niềm vui được chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện.
Các giai đoạn của cuộc đời cô Marie Leclaire
1999 Sinh ra ở Redon (Ille-et-Vilaine).
2014-2017 Học trường nội trú ở La Flèche (Sarthe).
2014 Gặp giáo hoàng tại Rôma.
2015 Hành Hương Pontmain (Mayenne).
2020 Năm đầu tiên làm phòng thánh ở Paris.
2021 Họp mặt trong các bữa tiệc tự do.
Marta An Nguyễn dịch
By phanxicovn