Thứ Năm, 16 Tháng Sáu, 2022

Người nữ tu Ê Ðê “đi tu để giúp nhiều hơn cho đồng bào”

Người nữ tu Ê Ðê “đi tu để giúp nhiều hơn cho đồng bào”

Một trong những dấu ấn nơi công cuộc truyền giáo ở đất Tây Nguyên là Tin Mừng đã đến với bà con dân tộc thiểu số và cắm sâu rễ. Những hoa trái đầu tiên trong ơn gọi linh mục, tu sĩ như đánh dấu một mùa gặt…

Riêng ở giáo phận Ban Mê Thuột hiện tại có hai linh mục trẻ là người Xơ Ðăng và M’Nông. Các khóa chủng sinh cũng có một số thầy là người sắc tộc. Dòng Nữ Vương Hòa Bình, dòng truyền giáo tại giáo phận này có hơn 20 nữ tu dân tộc thiểu số đang phục vụ cho bà con buôn làng.

Trong một lần viếng thăm các giáo xứ trên vùng Ban Mê, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nữ tu Têrêsa H’ Mit Kha, 35 tuổi, người Ê Ðê. Chị đang cùng các sơ thuộc cộng đoàn chăm lo cho bà con Ê Đê thuộc hai buôn Hra Ea Hning và Ea Há, xứ đạo Kim Phát. Hành trình khám phá ơn gọi của chị minh chứng cho tình yêu thương, thành quả của những dấn thân không mỏi mệt gieo rắc đức tin từ những vị hữu trách ở miền đất này.

Sỡ dĩ nói như thế là vì, chính chị H’ Mit Kha từng chia sẻ việc khám phá ơn gọi của mình nhờ các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình truyền cảm hứng. Ngay từ những năm cấp 2, chị H’ Mit Kha đã được gia đình gởi vào nhà nội trú cho học sinh sắc tộc. Mô hình nhà nội trú là một sinh hoạt thường xuyên, nổi bật được đấng bản quyền giáo phận qua nhiều đời khuyến khích và các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình dày công, tâm huyết. Trong các ngôi nhà ấy, những đứa con sinh ra từ làng, thiếu thốn điều kiện vật chất, có thể được nâng đỡ để an tâm học hành, vun trồng tương lai. Nói về ý nghĩa của việc duy trì các mái nhà này suốt mấy chục năm, nữ tu bề trên dòng Nữ Vương Hòa Bình Maria Nguyễn Thị Thuận cho biết: “Nơi đây đã góp phần giúp các em thay đổi cuộc sống. Các em, những đứa trẻ con nhà nghèo, kinh tế khó khăn, các bạn nhỏ người sắc tộc, vốn việc học không được quan tâm nhiều khi gởi vào, được rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức, nhân bản, học hành… qua thời gian đã trưởng thành, lớn lên. Các em bước vào cuộc đời tự tin hơn, vững chãi hơn. Và không ít trong số đó chạm tới ước mơ của mình”.

Cũng như các bạn trẻ khác sống trong mái nhà lưu trú sắc tộc, chị H’ Mit Kha được các nữ tu chăm lo, uốn nắn. Những tháng năm được nuôi dưỡng và huấn giáo trong bầu khí cộng đoàn, với sự quan tâm, thương yêu của các nữ tu, chị đã cảm nhận được hình ảnh về sự quan phòng của Thiên Chúa. Một lúc bồi hồi, chị trải lòng: “Khi học cấp 2, tôi được cha mẹ gởi vào nhà của các sơ. Gia đình thuở đó thì nghèo lắm. Bố mẹ đông con, tôi có những 6 anh chị em, làm sao bố mẹ có thể chu toàn được mọi thứ. Ở trong mái nhà lưu trú này, điều tôi thấy ấm áp nhất là sự che chở, đối xử hết lòng của các sơ. Không có sự phân biệt giữa trẻ của sắc tộc này hay sắc tộc khác. Mình có phần thiệt thòi, lại càng được để tâm, được thương nhiều”. Sau những giờ học văn hóa trên trường, chị H’ Mit Kha và bạn bè sắc tộc cùng trang lứa được các sơ kèm thêm tiếng Kinh. Nhờ đó mà việc tiếp thu kiến thức trên lớp được mau lẹ hơn. Rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề to tát. Bây giờ khi có dịp hồi tưởng, chị nói trong tâm tình biết ơn: “Ðối với trẻ dân tộc thiểu số, lý do nhiều bạn nghỉ học sớm, không hẳn chỉ vì gia đình khó khăn, phải bươn chải kiếm sống từ sớm mà có khi còn vì khó học tiếng Kinh. Học không hiểu rồi thành ra chán nản. Học khó hiểu cộng với hoàn cảnh gia đình nghèo thì càng không có động lực. Tôi may mắn được gởi vào nhà lưu trú, có sự đồng hành của các sơ…”. Sau thời gian học hết bậc phổ thông, chị H’ Mit Kha thi vào đại học ngành sư phạm mầm non với ước mong quay về giúp các trẻ ở buôn làng. Rồi đến khi ra trường, chị lại đối diện với chọn lựa có nên lập gia đình, như bao người con gái khác? Tuy nhiên, những nhận thức về cuộc sống và quan trọng, cả quá trình dài tiếp cận, gần kề với các nữ tu, lại được chính các sơ góp phần thay đổi tương lai, chị nhận ra ý nghĩa của đời sống hiến dâng. Và rồi, chị quyết định xin gia nhập dòng Nữ Vương Hòa Bình. “Lúc xong đại học, tôi cũng đối mặt nhiều áp lực. Phải làm gì tiếp? Nếu chọn con đường hôn nhân, nhìn lại những người bạn, mới ngoài hai mươi đã 4 - 5 đứa con, tay ẵm tay bồng, lại khó nhọc biết chừng nào. Học thức của mình cần được vận dụng để giúp đỡ nhiều người hơn. Ði tu như các sơ, tôi sẽ giúp được nhiều bà con đồng bào mình”, sơ kể. Trong gia đình, ông bà cố cũng ủng hộ quyết định này, vì thấy chọn lựa giàu ý nghĩa. Sau thời gian dài đào luyện, ngày 20.6.2021, chị H’ Mit Kha được khấn trọn.

Nhà thờ giáo họ cộng đoàn Ê Đê, giáo xứ Kim Phát nơi nữ tu Têrêsa H’ Mit Kha đang phục vụ. Ảnh: Hùng Luân

Bài sai đầu tiên sau khi khấn trọn là về với cộng đoàn Ê Ðê xứ Kim Phát, giúp 4.200 tín hữu nơi đây. Ngày tháng này, chị dấn thân hăng hái, để thực hiện mong ước của chị là giúp bà con dân tộc thiểu số có thể thay đổi dần, trên nhiều phương diện. Trong mục vụ đức tin, chị H’ Mit Kha và các nữ tu dạy giáo lý, dạy đàn cho thiếu nhi, tập luyện các bạn trẻ sinh hoạt. Trong đời sống thường nhật, các chị thường xuyên thăm viếng, đến từng nhà trong buôn làng để tìm hiểu khó khăn, tìm cách giúp đỡ. Các chị cũng dạy kèm văn hóa, tiếng Kinh cho những đứa trẻ phải nghỉ học sớm bởi các lý do này, lý do khác. Vốn cùng ngữ hệ với tín hữu trong giáo buôn, chị phát huy tốt vai trò làm phiên dịch trong nhiều tình huống. Ở cộng đoàn, chị còn giữ vai trò nối kết giữa các sơ, các anh chị em giáo dân người Kinh với người đồng bào. Trong những cuộc chuyện trò, chị thường truyền tải chia sẻ, tình cảm của hai bên với nhau, làm mọi người xích lại gần nhau. Chị cảm nghiệm: “Khi đến với anh em đồng bào mình, tôi chỉ có khao khát làm thế nào giúp được nhiều nhất có thể. Giúp về đức tin, về đời sống. Bà con còn nghèo quá, cuộc sống bấp bênh. Nhiều gia đình đông con, thiếu trước hụt sau, rồi cha mẹ hoặc cả con cái tệ nạn, cờ bạc… Họ sống những chuỗi ngày tăm tối. Vì thế, mục vụ nơi đây là gắn bó, đồng hành để khuyên bảo, tháo gỡ những khó khăn và giúp đỡ cho cả nhu cầu vật chất. Chỉ mong anh chị em, mai này sẽ khác…”.

Một ngày của chị và các nữ tu cộng đoàn này thường khởi đầu bằng giờ kinh sáng, sau đó ra chợ xin lương thực, thực phẩm phân phát cho bà con nghèo, rồi đi vào buôn thăm viếng, dạy giáo lý, văn hóa,… Tùy vào thực tế mà có cách đồng hành. Với chị H’ Mit Kha, từ một người trẻ được đón nhận, chăm sóc, yêu thương dưới vòng tay các nữ tu, giờ đây lại trở thành nữ tu để thi hành sứ vụ yêu thương, chăm sóc và dung nạp những hoàn cảnh đáng thương vào lòng, hẳn đời tu của chị đong đầy hạnh phúc. Ông Ma Ðinh, 56 tuổi, Trưởng Ban Hành giáo của giáo buôn, người nhiệt tình trong các việc Nhà Chúa và thường xuyên gặp gỡ, làm việc với các sơ, nói về người nữ tu cùng sắc tộc: “Sơ gần gũi, nhiệt tình giúp cộng đoàn. Có thể cảm thấy bà con ở đây quý mến sơ và cả các sơ giúp cho bà con nữa. Riêng sơ H’ Mit Kha, còn là người con ưu tú của người Ê Ðê đấy…!”.  

 

HÙNG LUÂN

http://www.cgvdt.vn/

 

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art