Thứ Tư, 27 Tháng Chín, 2023

ĐỨC CHA STEFANO FERRANDO THỪA SAI NHIỆT THÀNH TẠI ẤN ĐỘ

ĐỨC CHA STEFANO FERRANDO

THỪA SAI NHIỆT THÀNH TẠI ẤN ĐỘ

… Dưới đây là một tấm gương truyền giáo nhiệt thành đã giúp mở rộng Nước Chúa tại Ấn độ:

ƠN GỌI THỪA SAI

Một ngày trong năm 1915, thày Stefano Ferrando, tu sinh dòng Salésien Don Bosco, đang dạy học tại trường Borgo San Martino của dòng ở miền bắc Ý, thì nhận được thư từ trụ sở Bề trên Tổng quyền của dòng yêu cầu cho biết muốn làm công tác tông đồ nào sau khi chịu chức linh mục. Trong khung bỏ trống của bức thư hỏi ý kiến, thày Ferrando điền vào câu: ”Thừa sai”.

Nhưng thày vừa gửi bức thư trả lời cho Bề trên thì lại nhận được tấm thiệp động viên của quân khu truyền phải trình diện nhập ngũ. Bây giờ, Ý vừa bắt đầu tham gia thế chiến thứ I. Thế là trong 4 năm tiếp đó, thày Stefano Ferrando, trong chức vụ trung sĩ quân y, xông xáo tại tuyến đầu giữa bom đạn, thu lượm các chiến binh bị thương đưa về trạm cứu cấp. Do những thành tích đó, thày được trao tặng huân công bội tinh với ngôi sao bạc.

Khi được giải ngũ và trở về nhà dòng, thày Ferrando đã 25 tuổi và tiếp tục học để được thụ phong linh mục vào năm 1923. Vừa làm lễ mở tay tại quê hương ở tỉnh Genova trở về tu viện ở Borgo San Martino, tân linh mục Ferrando nhận được thông báo của Bề trên dòng vỏn vẹn với hàng chữ: ”Cha đã được chỉ định tới miền truyền giáo của dòng Don Bosco ở Assam, Ấn độ. Cha sẽ hướng dẫn một đoàn tập sinh sắp lên đường. Cha hãy chuẩn bị sẩn sàng”.

Sau này, cha Ferrando tâm sự rằng: ”Nhận được lệnh trên đây, tôi như người từ trên mây rơi xuống đất. Lúc đó tôi chưa được chuẩn bị gì cả, tôi không biết một câu tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức của Ấn độ. Nhưng tôi đã quen vâng lời. Trong đời, tôi chưa hề xin điều gì, nhưng cũng không bao giờ từ chối điều gì. Tôi đã chấp nhận lệnh truyền”.

LÊN ĐƯỜNG

Thế là cha Ferrando hướng dẫn một đoàn 10 tập sinh và đệ tử sinh Don Bosco từ Ý tới thành phố Shillong, thủ phủ bang Assam, vào ngày 23 tháng 12 năm 1923. Đây là một vùng đồi núi, trên đó có những bộ lạc miền sơn cước từ miền Hy Mã Lạp Sơn, từ Ấn Độ, Thái Lan, Phi luật Tân và quần đảo Polynesia di cư tới. Các bộ lạc nói tới 160 thổ ngữ với những phong tục rất khác nhau.

Một tháng sau khi tới nơi, các tập sinh bắt đầu năm tập. Cha Deponti bây giờ vừa làm bề trên và làm giáo tập, còn cha Ferrando trẻ trung được cử làm phụ tá. Nhưng chỉ vài tháng sau, cha Deponti ngã bệnh nặng và buộc lòng phải trở về Ý. Đức cha Mathias, trưởng vùng truyền giáo, gọi cha Ferrando tới và bổ nhiệm làm bề trên kiêm giáo tập. Thay vì nản chí thất vọng, cha Ferrando mỉm cười nói: ”Tôi chưa học được gì cả mà đã phải dạy học. Chúa tiếp tục giỡn với tôi! Nhưng tôi tín thác nơi ngài...!”.

BỀ TRÊN KIÊM GIÁO TẬP

Cha Ferrando đảm nhận công tác đó suốt trong 10 năm trời, huấn luyện các tập sinh về linh đạo và đời sống của dòng. Cha kể lại: ”Các tập sinh và đệ tử sinh từ Ý tới, họ cố gắng học thổ ngữ Khasi cùng với văn phạm của tiếng này, nhưng chẳng bao lâu chúng tôi đã tìm được một phương pháp tốt hơn, đó là đến gặp giới trẻ và dân chúng địa phương và bắt đầu nói chuyện với họ. Mỗi chúa nhật, chúng tôi vui vẻ tới các làng mạc, tổ chức các cuộc chơi và hội họp với giới trẻ, như thánh Bosco đã làm xưa kia. Tôi giải tội và cử hành thánh lễ cho các gia đình công giáo, rồi tiếp đến mọi người ăn uống, chơi đùa vui vẻ. Tại tu viện Salésien chúng tôi, bầu không khí giống như một gia đình thanh thản. Sau bữa tối, Đức cha Mathias, Bề trên giáo miền, gọi tất cả chúng tôi lại quây quần chung quanh ngài, dưới bầu trời đầy sao, chúng tôi chúng tôi ca hát và bàn luận về những gì xảy ra trong ngày. Khi buồn ngủ, chúng tôi đọc kinh rồi chúc nhau ngủ ngon”.

Trong hồi ký, cha Ferrando ghi lại với nụ cười như sau: ”Từ trung sĩ tôi được thăng đại úy vào năm 1934, là năm tôi được thụ phong giám mục, trước sự ngạc nhiên lớn của tôi. Tôi được sai đi cai quản giáo phận Krishnagar, ở miền tây Bengal, cách thành phố Calcutta 100 cây số về mạn bắc. Tôi giã từ thành phố Shillong với niềm tiếc nuối lớn, vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được nhìn lại nơi đó nữa. Nhưng trái lại, Chúa tiếp tục đùa với tôi và chỉ một năm sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Giám Mục Shillong, sau khi Đức cha Mathias được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Madras ở miền nam Ấn Độ, và tôi được gọi thay thê" ngài. Tôi nhớ rõ ngày tôi trở lại Shillong. Các linh mục giáo phận, các tu sinh Salésiens Don Bosco yêu quý của tôi và hàng trăm giáo hữu đến đón tôi. Tôi quỳ xuông và hôn đất từ nay trở thành giáo phận của tôi, rồi cưỡi con bạch mã tiến qua quãng đường 3 cây số, các tín hữu đứng hai bên đường thành hàng rào chào mừng. Màn đêm buông xuống, và cuộc rước được tiếp tục với những bó đuốc được đốt lển để soi đường 

NHIỆM VỤ GIÁM MỤC

Đức Cha Ferrando bắt đầu cuộc sống mới, với những thừa sai coi sóc các cộng đoàn rải rác trên các sườn đồi và thung lũng. Với các LM, Đức tân Giám Mục nhắn nhủ rằng: ”Anh em không thể hoán cải các linh hồn bằng cách di chuyển trên xe hơi; để gần gũi họ và giải quyết các vấn đề của họ, Anh em cần phải đi bộ”. Và Đức cha làm gương bằng cách liên tục đi thăm các cộng đoàn trong giáo phận, duy trì liên lạc với dân chúng. Ngài đi bộ không biết bao nhiêu cây số qua rừng và đầm lầy.

Ngài viết: ”Cuộc đời giám mục thừa sai của tôi thật là dài: 34 năm trời. Chúa Giêsu đã thiết lập các miền truyền giáo khi ngài nói: ”Các con hãy đi và làm cho muôn dân được trở nên môn đệ của Thày”. Chúa cũng nói rằng: ”Này đây, người gieo giống ra đi gieo hạt”, Các thừa sai miền Assam chắc chắn là không ngồi trên thảm đợi cho những sắc dân Khasi, Naga, và Bhoi, đến với mình. Họ ra đi gieo giống và là những người bước đi không biết mệt mỏi. Họ trở thành những sứ giả của Tin Mừng! Cuộc hành trình vất vả dường nào! Hồi đó chỉ có vài con đường và nhiều khi mất hút trong các rừng già, chỉ có dã thú sinh sống và nhiều lần các thừa sai phải leo lên các cành cây chờ đợi trời sáng. Một hôm tại Golaghat, tôi giải tội hai giờ đồng hồ liên tục, ngồi trên chiếc bục gỗ nhỏ. Tôi đứng lên khỏi đó một lát để duỗi chân tay, khi trở lại, tôi thấy dưới bục có một con rắn rất độc đang nằm yên tại đó. Rất may là tôi đã không làm cho nó động đậy. Còn muỗi thì sao? Có hàng triệu con tấn công khách bộ hành. Những binh sĩ Mỹ trong thời thế chiến thứ 2 chiến đấu chống quân đội Nhật đã nói rằng: ”Kẻ thù số hai là quân Nhật. Kẻ thù số một là muỗi”, về lương thực, các bộ lạc ở miền Assam ăn đủ thứ, kể cả sâu róm đen đủi và đầy lông. Tôi đành phải nhịn, vì bao tử tôi không chịu nổi. Ngủ thì ngủ bờ ngủ bụi, kể cả trong những túp lều mưa dột và đầy chuột. Một đêm tôi ngủ trong cùng một căn lều với hai bệnh nhân cùi. Một lần khác, khi tỉnh dậy ban sáng, tôi ngạc nhiên thấy bao nhiêu đứa trẻ đứng vây quanh giường, khoanh tay, im lặng, nhìn giám mục của họ đang ngủ”.

TRONG THỜI THẾ CHIẾN THỨ 2

Năm 1939-40, Âu châu bắt đầu thế chiến thứ hai: Đức và Ý liên minh chống Anh quốc và Pháp. Ấn độ là thuộc địa của Anh. Đức Cha Ferrando kể lại rằng: ”Ý tham chiến từ ngày 10-6 năm 1940, sáng hôm sau đó, khi tỉnh dậy, chúng tôi thấy các binh sĩ cầm súng gắn lưỡi lê đến. Việc bắt các thừa sai được giao cho một công chức công giáo. Ông này phản đối và cho biết sẽ không bao giờ đụng đến các cha.

Về sau, người ta thông cáo rằng chúng tôi bị quản thúc tại gia. Chúng tôi tiếp tục làm việc bao nhiêu có thể. Các học sinh thường qua mặt của lính canh ở cửa, chúng đến trường và đấu bóng tròn ở sân. Các công việc lưu động được ủy thác cho một số linh mục thừa sai xuất thân từ các nước đồng minh của Anh và các linh mục Ấn độ bản xứ đầu tiên. Từ lâu chúng tôi đã cố gắng tiến bước theo chiều hướng này. Chúng tôi xác tín rằng chỉ có các linh mục và tu sĩ Ấn độ mới có thể truyền giáo hoàn toàn cho đất nước của họ”.

Quân đội Nhật tham chiến ngay từ năm 1941. Họ chiếm Miến Điện và xâm nhập vào vùng Assam. Chính phủ quyết định di tản ngay các thừa sai nước ngoài. ”Ngày 10 tháng 8 năm 1942, quân lính bắt 52 thừa sai và lưu đày họ đi xa 1.500 cây số. Dân chúng tụ họp quanh các thừa sai lúc khởi hành, nhiều người khóc. Chỉ còn lại tôi và vài tu sĩ Don Bosco Ấn độ đảm trách công việc bao la!”

Trong năm 1942 ấy, có một cậu bé 10 tuổi, đen như cột nhà cháy, tên là Robert Kerketta, tiếp tục đến cứ điểm truyền giáo mỗi khi có thể. Cậu bé đã được rửa tội năm lên 4 tuổi cùng với cha mẹ và một người Anh. Chính cậu ta kể lại rằng: ”Một hôm, Đức cha Ferrando vào lớp chúng tôi và hỏi xem chúng tôi muốn làm gì sau này. Tôi nhớ người thứ nhất trả lời: ”Con muốn làm Giáo Hoàng”. Người thứ hai nói: ”Con muốn làm thày giáo”. Tôi là người thứ ba hãnh diện nói: ”Con muốn làm giám mục”. Đức Cha Ferrando không cười nhưng ngài đặt một tay trên đầu tôi và nói: ”Tốt lắm, con sẽ trở thành giám mục”. Cậu bé ấy sau này là Đức cha Robert Kerketta, dòng Don Bosco, Giám Mục giáo phận Tezpur ở vùng Assam.

THỜI KỲ ĐỘC LẬP

Nửa đêm ngày 15-8 năm 1947, Ấn độ được độc lập. Giáo Hội hiệp với niềm vui chung của toàn dân, đánh chuông các nhà thờ. Một năm sau, chính phủ trung ương Ấn Độ quyết định không cho thêm các thừa sai mới vào Ấn nữa. Đức cha Ferrando viết: ”Sự khôn ngoan dạy cho chúng tôi dần dần loại bỏ tất cả những gì có vẻ ngoại quốc. Cả các Giám Mục cũng được chọn trong số những người Ấn độ bản xứ, vì không được phép gửi thêm thừa sai tới đây, nên cần phải cấp thiết đào tạo các ơn gọi bản xứ”.

Tháng 10 năm 1962, các toán quân Trung Cộng vượt qua các thung lũng Hy Mã Lạp Sơn và tràn xuống đồng bằng vùng Assam. Sau khi làm cho toàn Ấn độ kinh hoàng, họ rút lui. Nhưng cũng từ lúc đó, Assam trở thành một vùng trọng yếu của Ấn độ. Trong số các biện pháp mà nhà cầm quyền Ấn đề ra là trục xuất tất cả các thừa sai nước ngoài ra khỏi vùng Assam. ”Các tín hữu Kitô tự nguyện đứng lên bênh vực các thừa sai, tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ”.

Đức Cha FeraẤndo viết: ”Một phái đoàn của sắc dân Khasi Công Giáo gửi đến chính quyền một giác thư trong đó họ viết: trước kia, không có ai ở đây biết đọc biết viết, không có ai biết chữ cả. Nhưng các thừa sai đã mẤag lại cho dân chúng tại vùng đồi núi Khasi một trình độ thuộc hàng cao nhất tại Ấn độ. Vì thế, các thừa sai phải ở lại đây để hoàn thành công việc của họ”. Trong vài năm trời sau đó, chính quyền trung ương không dám đòi thi hành lệnh trục xuất.

TỪ NHIỆM

Ngày 20 tháng 6 năm 1969, Đức cha Ferrando được 74 tuổi và ngài đệ đơn từ chức. ĐGH nhận lời và trước khi về Ý, ngài truyền chức Giám Mục cho Đức cha Robert Kerketta, cậu bé ngày xưa đã tỏ ý muốn làm Giám mục. Khi mới đến đây, cha Ferrando chỉ thấy có 4 ngàn tín hữu Công Giáo ở vùng Assam, và khi ngài rời nơi này, có tới 500 ngàn tín hữu Công Giáo.

Tại Ý, Đức cha Ferrando về ưu tại nhà hưu dưỡng ở Quarto, tỉnh Genova. Năm 1970, ngài viết trên tạp chí Salesien: ”Tại Ý này tôi vẫn thường tự hỏi: Sao mà tôi đã rời bỏ Assam sau 47 năm hoạt động truyền giáo tại đó? Tôi trả lời: tại vì sau cùng đã đến này từ 47 năm nay tôi vẫn mong ước, đó là ngày mà Giáo Hội tại Ấn độ có thể tự lập!”

Đức cha an nghỉ trong Chúa ngày 20 tháng 6 năm 1978. 9 năm sau đó, những người con yêu quý của ngài là các Nữ tu Thừa sai Đức Maria Phù Hộ các giáo hữu do Đức Cha sáng lập, muốn đưa di hài Đức Cha về Ấn độ. Di cốt của Đức cha được đặt tại Nhà nguyện của tu viện Thánh Nữ Magarita ở thành phố Shillong, quê hương thứ hai của Đức Cha. (Teresio Bosco, II Bolletino Salesiano, Luglio Agosto, 1997, p.38-40).

Trang Đức (báo Mục Vụ - Thụy  sĩ)

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art