Nữ Tiếp Viên Hàng Không xinh đẹp trở thành Nữ Tu
Vào một ngày cuối năm 1965.
Trên một chuyến máy bay đưa các Giám mục người Mỹ trở về từ Ý sau khi đã dự Công Đồng Vatican II, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ hành khách.
Thế nhưng, trong suốt hành trình, cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp này rất bực bội vì có một người đàn ông, xem ra thiếu đứng đắn, cứ liên tục đảo đôi mắt chăm chú nhìn mình. Càng đáng bất bình hơn, đó là một người đàn ông đã lớn tuổi.
Cô lại càng khó chịu hơn, vì ngay sau đó cô được biết, người đàn ông ấy chính là Giám mục Fulton Sheen của New York, một con người nổi tiếng về khoa ăn nói, giảng dạy và đạo đức. Ngài là một Giám mục tông đồ lừng danh nước Mỹ. Thật là quái gở không thể tưởng tượng! Một kẻ xem ra thiếu tư cách ấy, lại là con người của thành công, của sự nổi tiếng sao? Cô không hiểu nổi và thầm chê trách coi khinh vị Giám mục già kia.
Đến lúc chiếc phi cơ hạ cánh, kỳ quái thật, vị Giám mục già bị coi là “thiếu đứng đắn” lại không xuống cùng lúc với các hành khách. Không hiểu ngài có toan tính gì mà lại đợi mọi người trên máy bay xuống hết, chỉ còn mỗi mình ngài là vị khách xuống sau cùng.
Đã vậy, khi đến cầu thang máy bay, Đức Giám mục Fulton Sheen còn ghé sát mặt mình vào tai cô tiếp viên hàng không, nói thầm thì những lời gì đó, ngoài cô gái chẳng ai có thể nghe thấy...
Câu chuyện đến đó, tưởng chừng kết thúc.
* * *
Mọi sự không trôi đi, không mất. Bởi vào một buổi trưa, Giám mục Futon Sheen nghe tiếng gõ cửa, và sau đó là sự bất ngờ khi ra mở cửa: trước mặt ngài là cô gái tiếp viên hàng không trẻ tuổi có sắc đẹp mặn mà trên chuyến bay hôm nào.
Cô gái lên tiếng chào, và hỏi:
- Thưa, Đức Cha có nhớ con không?
Giám mục Fulton Sheen từ tốn trả lời:
- Con chính là cô gái tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đưa chúng tôi trở về từ Công Đồng Vatican II.
Cô gái nói tiếp:
- Vậy Đức Cha có nhớ Đức Cha đã nói nhỏ vào tai con điều gì không?
Giám mục trả lời:
- Cha nhớ, Cha đã khen con đẹp lắm. Và cha hỏi con rằng, có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?
Cô gái nói tiếp:
- Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức Cha. Vậy, theo ý Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?
Giám mục Fulton Sheen lặng người suy nghĩ một chút. Sau đó giám mục dẫn cô gái tới trước tấm bản đồ thế giới treo trên tường, vẫn giọng nói ôn tồn. Giám mục F.Sheen hỏi:
- Có bao giờ con nghe nói tới một trại phong cùi nào ở Việt Nam mang tên là trại phong Di Linh chưa?
Cô gái ngước đôi mắt xanh như dò hỏi:
- Kính thưa Đức Cha, có lần con đã đọc được trên báo. Con cũng đã được nghe ai đó kể một vài chuyện về trại cùi Di Linh...
Đức Cha dõi mắt nhìn vào khoảng xa xăm trước mặt:
- Này con, cách đây chưa lâu, cha nghe nói Đức Giám mục giáo phận Sài Gòn tên là Jean Casseigne đã từ chức Giám mục Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em trại phong Di Linh. Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, gặp Đức Giám Mục Sài Gòn và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?
Những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bản tin trên các phương tiện truyền thông của Sài Gòn: Một nữ tiếp viên hàng không rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ việc, để đến trại phong Di Linh của Việt Nam, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong cùi.
Tâm hồn quả cảm của một cô gái lãng du thích phiêu bồng khi chọn cho mình nghề tiếp viên nay đây mai đó, đã có thể chấp nhận trút bỏ tất cả tương lai đẹp như chính cái vẻ đẹp của cô để sống, không phải sáu tháng, nhưng là suốt đời cho lý tưởng: TẠ ƠN THIÊN CHÚA.
Sau một thời gian phục vụ anh chị em phong, cô đã nguyện được trở thành nữ tu trong Hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn Việt Nam.
Người nữ tu đã từng làm tiếp viên hàng không ấy, đẹp quá. Chị đẹp, không chỉ nơi nhan sắc, mà là một vẻ đẹp lộng lẫy của tâm hồn. Người Nữ Tu ấy, không ai khác hơn, đó chính là Chị Louise Bannet.
Chị Louise Bannet đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời. Nhưng biến cố của năm 1975 gây ra nhiều biến động, khiến Chị không thể tiếp tục ý nguyện của mình. Sau mười năm phục vụ người phong, chị đã phải lên đường về nước.
Một thời gian sau, chị lại xin Nhà Dòng cho đi phục vụ bệnh nhân phong ở Tahiti. Năm 1982, chị Louise Bannet đã qua đời giữa sự tiếc thương vô cùng của cộng đoàn anh chị em phong cùi tại Tihati.
Anthony Trung Thành