Thứ Hai, 02 Tháng Mười, 2023

CHA TULLIO FAVALI, THỪA SAI TỬ ĐẠO TẠI PHI LUẬT TÂN

CHA TULLIO FAVALI, THỪA SAI TỬ ĐẠO TẠI PHI LUẬT TÂN

HỘI PIME

Trong số các dòng và Hội thừa sai của Giáo Hội Công Giáo, tại Ý cũng có Hội Giáo Hoàng truyền giáo hải ngoại Milano, gọi tắt là Pime, được thành lập năm 1850 tại Milano. Trong hơn 170 năm lịch sử, Hội đã có 1 vị Hiển thánh là cha Alberico Crescitelli, tử đạo năm 1900 tại Trung Quốc và được phong thánh năm 2000. Tiếp đến có 5 vị chân phước, trong đó có cha Paolo Manna (1872-1952), thừa sai tại Myanmar, vị sáng lập Hội Giáo Hoàng Liên hiệp Truyền Giáo (Cha Tôma Nguỵễn Đình Anh Nhuệ đang làm Tổng thư ký của Hội này).

Ngoài ra, Hội có 19 vị tử đạo, bị sát hại trong sứ vụ truyền giáo, trong đó có cha Tullio Favali, bị sát hại năm 1985 tại Mindanao, năm Philippines, lúc mới 39 tuổi. Dưới đây là cuộc đời của vị thừa sai này.

CON ĐƯỜNG ƠN GỌI "GẬP GHỀNH”

Cha Favali sinh ngày 10-12-1946 tại Sacchetta di Sustinente, tỉnh Mantova, trong một gia đình công nhân. Thân phụ cậu Tullio tử nạn vì nghề ngiệp khi cậu còn nhỏ. Năm 11 tuổi, cậu gia nhập tiểu chủng viện Mantova, rồi tiếp tục lên đại chủng viện năm thứ 3 thần học, thì xin hồi tục, sống giữa đời, học hành và làm việc trong 8 năm trời.

Bối cảnh khiến thầy Tullio Favali rời bỏ chủng viện là thời hậu Công Đồng chung Vatican 2 và những dư âm các cuộc phản đôi của giới sinh viên học sinh hồi năm 1968. Nhiều người trẻ, vào chủng viện từ nhỏ, cảm thấy cần làm sáng tỏ căn cước linh mục, và thầy Tullio Favali cũng thuộc vào số đó. Thầy cảm thấy cần phải kiểm chứng vân đề tình cảm, tìm kiếm sự độc lập và một cuộc sống tự lập bên ngoài một môi trường được bảo bọc như ở chủng viện, và muốn có một cái gì cụ thể, có đời sống hoạt động, thay vì chỉ làm việc trí thức như trong chủng viện, thực thi sự liên đới cụ thể với những người nghèo khổ nhât, chia sẻ cuộc sống cơ cực với họ; thầy cũng cảm thấy sợ thể hiện hình ảnh linh mục, với ý thức về những giới hạn của mình, cảm thây bất lực đứng trước một thế giới cường quyền đang đảo lộn, mà con lại không có một trái tim hùng mạnh có khả năng ảnh hưởng mạnh tới người khác.

Thầy Favali đã chiến đấu với Chúa như thế trong nhiều năm. Thầy không muốn làm linh mục, không phải vì không cảm thấy ơn gọi, nhưng vì những khó khăn mà thầy cảm thấy; thầy sợ sự cô đơn trong một nhà xứ ở miền quê với những giáo dân dửng dưng, thầy tìm một tiếp xúc với đời sống thường nhật, với những người dân thường, những tiếp tục chân thực và tự phát nhiều hơn, thầy muốn thử làm việc và cũng cảm thấy ước muốn trở thành người cha gia đình.

Vì thế, mặc dù những lời khuyên của các bề trên, năm 1970, thầy Tullio Favali giã từ chủng viện trở về nhà. Nhưng chàng thanh niên ấy không đoạn giao với đức tin, trái lại, anh nhận đảm trách một nhóm phụng vụ trong giáo xứ nguyên quán, dậy thánh ca và giáo lý cho trẻ em, tham gia Công giáo tiến hành và gia nhập một hội đoàn trẻ.

Nhưng chẳng bao lâu, Favali được gọi đi thi hành nghĩa vụ quân sự, trước tiên ở thành phố Palermo ở mạn cực nam Italia, trên đảo Sicilia, rồi tại Torino ở mạn bắc nước này. Lẽ ra anh có thể thi hành nghĩa vụ này như một hạ sĩ quan, và nhờ đó có thể kiếm được tiền lương khá hơn để giúp đỡ gia đình của anh đang túng thiếu, nhưng anh lại xin làm lính trơn và không xin một đặc ân nào. Đó cũng là một thái độ liên lĩ trong cuộc đời của anh.

ĐỔI NGHỀ NHƯ THAY ÁO

Sau khi giải ngũ, Tullio Favali tìm được việc làm như một công nhân trong một hãng dệt áo, nhưng việc làm này chẳng kéo dài bao lâu. Anh đau khổ vì những bất công và thái độ hống hách của người chủ, và vì không biết phải phản ứng thế nào, nên anh xin đổi việc: anh lần lượt làm công trong một hãng sữa, rồi làm thợ hàn. Nhưng trong các công việc ấy. Favali cũng thất vọng vì thấy các bạn đồng nghiệp, bị lèo lái về chính trị, và dân thân trong cuộc cuộc tranh đấu cam go trong công đoàn, nhưng thường là không chính đáng. Cũng có một một mùa hè, Favali làm bồi bàn trong một tiệm ăn bên bờ hồ Como, giáp giới Thụy Sĩ.

Trong khi đó, ở làng quê, dân chúng kháo láo với nhau rằng Tullio Favali là người tính tình bất định và không thể tín nhiệm được. Mẹ của anh, vốn góa chồng từ lâu, muốn cho con trai tìm được một việc làm nhất định, và lập gia đình.

Xét cho cùng, Tullio Favali cũng là một thanh niên như bao nhiêu người khác, có lẽ hơi lý tưởng, khao khát Thiên Chúa nhiều hơn, không ngừng tìm kiếm Ngài. Điều chắc chắn, anh cũng là người yêu mến người già và trẻ em, anh thường dừng lại nói chuyện với mọi người, cả những người trẻ ở quán nước, những người không đi nhà thờ, nhưng anh đón nhận họ không chút thành kiến.

Trong thời gian sau đó, Favali quyết định rời bỏ công việc ở hãng, chịu thất nghiệp một thời gian, rồi trúng tuyển để làm công chức ở thị trấn Sustinente, quê hương của anh. Anh cũng thi đậu bằng trắc địa dư với điểm cao, sau một thời gian vất vả theo học ban tối. Bà mẹ hài lòng, nhưng rồi con trai của bà không bao giờ muốn ngồi ở văn phòng trong một tòa thị chính như thế.

Suốt trong thời kỳ đó, Tullio Favali có phần chểnh mảng đời sống thiêng liêng, và muốn từ bỏ thói quen của một chủng sinh xưa kia. Nhưng làm như thế, dần dần tâm hồn anh trở nên trống rỗng, đánh mất căn cước của mình.. Nhưng dầu sao anh vẫn không loại bỏ được những gì là cốt tủy đời sống của anh.

TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG ƠN GỌI

Năm 1978, Tullio Favali đã viết một thư dài cho cha Bề trên hội thừa sai Pime, bày tỏ ước muốn trở thành linh mục thừa sai, một ước muốn có nền tảng vững chắc. Anh đã biết hội thừa sai này khi còn ở chủng viện, qua tạp chí "Mondo e Missione” của hội này. Anh cũng tới Busto Arsizio (VA), nơi hội này có một nhà huấn luyện và kiểm chứng ơn gọi. Quyết định này làm cho mọi người ngỡ ngàng, nhưng Favali cảm thấy rất thanh thản, không chút do dự về quyết định của mình. Anh không còn nghi ngờ gì nữa. Các bạn của anh đã nhận thấy điều đó và nói rằng: ”Anh đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi có trước mặt một người thực sự”.

Trong thư cho cha Bề trên, có đoạn anh Favali viết: ”Con là một người trẻ nguỵên quán ở Mantova, gần 32 tuổi. Con muốn gia nhập hội thừa sai Pime để phục vụ Giáo Hội một cách vô vị lợi trong tư cách là linh mục. Con đã từng có một kinh nghiệm về chủng viện giáo phận, nơi con đã trải qua nhiều năm trong thời thanh xuân, cho đến thời gian 1 năm rưỡi trước khi thụ phong linh mục. Năm 1970, con đã ngưng hành trình ở chủng viện để bắt đầu một cuộc sống khác... Các bề trên đã khuyên con đừng làm như vậy, nhưng con đã muốn theo ý con, và thế là con đã tìm cách hội nhập vào đời, giữa bao nhiêu khó khăn”.

CHUẨN BỊ THÀNH THỪA SAI

Thế là ngày 1-10-1978, Tullio Favali gia nhập chủng viện của Hội thừa sai Pime ở thành phố Monza, và anh xin học lại thần học từ đầu, vì đã bỏ ngành này quá lâu. Đó thực là một bằng chứng mạnh mẽ về sự khiêm tốn và sẵn sàng của Favali: 32 tuổi đời mới trở lại ghế nhà trường, để học lại những môn mà hầu như thầy đã hoàn tất cách đó 8 năm.

3 năm sau đó, ngày 6-6-1981, thầy Favali thụ phong linh mục tại giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Monza. Như để phục hồi thời gian đã đánh mất, cha xin Bề trên gửi ngay đi truyền giáo. Bề trên nhận lời và gửi tân linh mục đến miền truyền giáo vừa mới được hội thừa sai Pime mới ở Papua tân Guinea. Cha Favali rất hăng hái về nhiệm sở này, và hài lòng vì được thuộc vào số những thừa sai đầu tiên Hội tại miền truyền giáo này.

Tháng  10 cùng năm 1981, cha Favali sang Chicago, Hoa Kỳ, để học tiếng Anh trong vòng 8 tháng. Nhưng khi trở lại Italia, cha được biết là vì tình hình chính trị khó khăn, nên không thể xin được thị thực nhập cảnh vào Papua, vì thế, trong khi chờ đợi, cha lưu ngụ tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, trong tiểu chủng viện của Hội thừa sai Pime. Cha ở lại đây 1 năm trời, và các anh em cùng hội còn nhớ cha như một người đơn sơ, khiêm tốn, sẩn sàng đối với mọi người, kín đáo, luôn mong muốn có những cuộc gặp gỡ chân thực với tha nhân. Cha cũng thường lên núi Canto gần đó, viếng thăm một ẩn sĩ già, sống một mình tại đó từ lâu. Cha mang phó mát, bánh và một chai rượu cho vị ấy. Sau cùng, mệt mỏi vì phải chờ đời quá lâu mà không được đi Papua, cha Favali xin Bề trên cho thay đổi nhiệm sở. Cha tuyên bố sẵn sàng đi bất kỳ nhiệm sở nào ngoại trừ Hoa Kỳ. Cha mong ước một nhiệm sở ở miền quê, miền rừng, tiếp xúc với thiên nhiên và nông dân.

Bề trên quyết định gửi cha Favali tới Philippines, nơi mà các thừa sai Pime đang hoạt động tại những miền hẻo lánh và nghèo nàn ở đảo Mindanao. Đó cũng là nơi ít được truyền giảng Tin Mừng, với đa số dân theo Hồi giáo và các dân bộ lạc theo đạo thờ vật linh.

ĐI PHILIPPINES

Cha Favali khởi hành từ Milano ngày 3-10-1983, dừng lại tại Ấn độ, và Hong Kong để viếng thăm các cứ điểm truyền giáo của các anh em cùng hội thừa sai. Đến Phi ngày 11-11 sau đó, cha dành 6 tháng để học tiếng địa phương và thổ ngữ, rồi ngày 12-6-1983, cha Tullio Favali âm thầm đến giáo xứ Tulunan, bao gồm 40 làng. Thị trấn này được được mô tả là ”thủ đô kinh hoàng”, vì ngoài cuộc chiến tranh dành đất đai và chiến tranh du kích, còn có những vụ tra tấn và ăn thịt người nữa.

Cha Favali được gửi tới đó để hoạt động chung với cha Peter Geremia cùnc thuộc hội thừa sai Pime. Cha kể lại: ”Vùng chúng tôi hoạt động là một đồng bằng, trồng lúa, trải dài khoảng 10 cây số, cho đến chân những ngọn đồi bao quanh. Trên đồi người ta trồng bắp ngô và mía. Các khu đất đó thuộc các tiểu nông dân, nhờ đó họ có thể sinh sống mà không cần lợi tức cao. Phần lớn dân chúng trong vùng làm nghề nông. Phương pháp canh tác của họ vẫn còn thô sơ, không có máy móc hoặc xe kéo. Trên đồi, không có hệ thống dẫn thủy nhập điền, nên mùa gặt cũng tùy thuộc thời thiết. Đường xá có thể di chuyển được bằng xe môtô. Nhà xứ bằng gỗ, tuy có điện, nhưng chỉ có ban ngày. Vì thế, ban tối, nếu cần thị chúng tôi phải dùng đèn dầu”.

Sự hội nhập khó khăn, nhất là vì tình hình Philippines, đặc biệt là tại đảo Mindanao, vốn bị khủng hoảng kinh tế, và căng thẳng mạnh mẽ về chính trị giữa phe đối lập và giới cầm quyền, sự bất mãn chung đối với chế độ độc tài, dân chúng thường sợ hãi vì các cuộc khám xét của quân đội tại nhà dân, để bắt giam những người bị tình nghi theo phiến quân hoặc liên kết với họ; cầm tù, lưu đày và thường xảy ra những vụ bị thủ tiêu sau khi bị bắt và không xét xử; những quân nhân hành quyết người như thế không hề bị trừng phạt, họ lộng hành và được chính quyền bảo bọc, bất chấp luật pháp và những quyền sơ đẳng nhất của con người. Giáo Hội liên kết với dân chúng và lên tiếng phản đối, bênh vực những người bị áp bức. Thường thì những người bị áp bức và vô phương tự vệ chỉ tìm được sự nâng đỡ trong Giáo Hội. Giáo Hội hoạt động với nhiều khó khăn và ít có kết quả vì phải đương đầu với nhà cầm quyền quá mạnh và thối nát. Vì thế, chúng tôi là một dấu chỉ hy vọng và là những người thăng tiến công lý... Cần phải cải tổ toàn diện, và cần phải có nhiều thời gian, qua sự giáo dục về các gia trị con người, các nhân quyền cơ bản, và công lý. Chắc chắn đó là một trong những điều chúng tôi phải quan tâm, trong tư cách là linh mục”.

THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH

Ngoài khó khăn do hoàn cảnh chính trị xã hội, cha Tullio Favali còn gặp phải những khó khăn về ngôn ngữ và não trạng của người dân địa phương ở đảo Mindanao. Trong thư đề ngày 17-12-1984, cha kể lại: ”Tôi đang làm quen hơn với nhịp sống tại Phi luật tân, nhịp sống này thường gây thử thách lớn cho sự kiên nhẫn của tôi. Các thời khóa biểu thường không được tôn trọng, các hoạt động không bao giờ bắt đầu đúng giờ. Người ta không hề lo lắng tý nào về thời giờ trôi qua. Có thể sự chậm rãi của thời gian ở Philippines là do sự nóng bức hoặc vì thiếu lương thực, thiếu sự kích thích hoặc vì sự hẻo lánh cô lập ở nơi chúng tôi sống. Tôi nói về môi trường ở đây, chủ yếu là miền quê, nghèo và chậm tiến. Vốn là người mau lẹ thi hành công việc, tôi luôn phải kiểm chứng lại sự sẵn sàng của tôi. Khi tôi nói chuyện với dân, họ thường nói vòng vo lâu dài trước khi đi vào trọng tâm của vấn đề. Hiểu điều mà họ nghĩ về một số vấn đề, thực là điều phức tạp. Một số lãnh vực trong đời sống của họ vẫn còn là điều giấu ẩn đối với chúng tôi… ít khi họ bày tỏ ý kiến của họ. Tôi đang ở trong giai đoạn ngỡ ngàng về mọi sự, do ảnh hưởng đối với một thực tại phũ phàng và với một thế giới mà tôi chưa hiểu được, nhưng tôi vừa mới tiến vào.

• Nạn trẻ em chết yểu

Điều làm cha Favali bận tâm nhất là tình trạng thiếu dinh dưỡng của các trẻ em: các em chạy đến gặp cha mỗi khi cha đến các làng mạc. Chúng liên tục gợi lại cho cha bao nhiêu trẻ em chết mà cha chưa hề thấy. Cha kể: ”Lần đầu tiên tôi làm lễ an táng cho một em bé mới có vài tháng. Tôi rất xúc động và khó khăn lắm tôi mới kết thúc được thánh lễ vì cảm động”. Với thời gian, sự suy tư về cái chết càng trở nên sâu xa hơn. ”Tôi không nói là đã trở nên chai đá, nhưng sự chấp nhận cái chết như một sự quen thuộc đối với người Philippines, nên sự chết bớt bi thảm hơn so với chúng ta: đó là một biến cố bình thường, là thành phần của cuộc sống con người, và cần phải ý thức hơn, chuẩn bị hơn để đón nhận cái chết. Sự sống và sự chết giao nhau, như kinh nghiệm hằng ngày và chúng mang lại cho chúng ta một quan niệm thực tê hơn, chân thực hơn, cho chúng ta thấy mình là phàm nhân phải chết. Thực tại ấy giúp chúng ta điều chỉnh lại những tự phụ và háo danh, giúp chúng ta ý thức về giới hạn và sự nhưng không. Sự sông chúng ta là một hồng ân, được ban cho chúng ta để quản lý, chứ không phải để sở hữu”.

• Cha sở

Ngày 23-2-1985, tức là chỉ 1 năm rưỡi sau khi đến đây, cha Favali trở thành cha sở giáo xứ Tuluman, thay thế cha Peter Geremia.

Trong một lá thư cuối cùng, gửi đến người bạn là LM Gilberto Orioli, ngày 27-3-1985, Cha Tullio Favali viết: ”.. Tôi hội nhập vào thế giới ở đây và đồng hành với dân chúng, trong sự hiệp thông huynh đệ và chia sẻ. Công việc thật là điều và công tác được ủy cho chúng tôi thật là lớn, nhưng chúng tôi không lẻ loi, Có Đấng nâng đỡ chúng tôi và đáp ứng yếu đuối của chúng ta. Vì thế, hãy can đảm lên. Chúng ta hãy khuyến khích nhau như vậy”.

• Tinh thế nguy kịch

Trong khi đó, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngay từ khi mới đến đảo Mindanao, cha Favali đã nhận thấy sự căng thẳng của dân chúng và tự hỏi không biết họ có thể cam chịu cho đến bao giờ: ”Sự kiên nhẫn có giới hạn và người ta không thể lường trước phản ứng sẽ ra sao, khi dân chúng ý thức các quyền của họ. Tinh trạng nguy kịch, cần phải có một sự thay đổi. Nhưng theo chiều hướng nào và bằng cách nào? Có những người mong muốn một sự thay đổi toàn diện, bằng cuộc cách mạng võ trang, với sự đổ máu không thể tránh được, với giá cao về sinh mạng con người. Cũng có những người khác muốn một sự thay đổi từ từ, qua những con đường hợp hiến và ngoại giao, không bạo lực và ôn hòa hơn. Tương lai thật là bất định. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả sẽ diễn ra trong niềm tôn trọng nhịp độ tăng trưởng của dân chúng. Xin Chúa giúp chúng ta và chúc lành cho chúng ta”.

Bầu không khí bấy giờ thật là nặng nề, đầy oán thù, bạo lực, và dễ trở thành thảm trạng. Tại Tuluman, băng đảng anh em Manero, nguyên thuộc nhóm llaga, làm vua làm chúa, và đe dọa các LM trong vùng mà họ gọi là những LM cộng sản. Họ cũng nói về những LM người Ý cần phải giết.

• Tiếp tục nhiệm vụ

Những vụ giết người và thủ tiêu mất tích càng gia tăng. Dầu vậy, cha Tullio vẫn chăm chỉ và tươi cười sẩn sàng đi xe Honda tới các làng mạc để làm việc mục vụ. Tuần thánh năm 1985, cha đã cử hành các lễ nghi sốt sắng và các cuộc gặp gỡ với sự tham gia đông đảo của các tín hữu. Hôm 11-4-1985, một toán 50 dân vệ tụ tập trên con đường chính ở Speranza, một khu vực ở Tulunan. Họ được võ trang hùng hậu và do chính anh em Manero chỉ huy. Cả hôm đó, như thói quen, họ la ó om xòm. Họ cũng uống bia rượu như mọi khi. Rồi họ treo một bảng với một danh sách: đó là những người bị họ tố cáo là ủng hộ phiến quân cộng sản. Trong đó cũng có tên của cha Geremia, bạn đồng hội thừa sai của cha Tullio Favali, và một người nữa tên là Rufino Robles, tình cờ đi qua đường đúng lúc đó. Họ bắn vào ông Robles, và ông tìm ẩn vào một căn nhà gần đó. Đám người võ trang bao vây quanh nhà và bắn chỉ thiên. Có người chạy tới giáo xứ với mảnh giấy ghi: ”Cha ơi, xin cứu nguy ở La speranza”.

Lúc ấy, cha Tullio vừa về nhà sau một lễ rửa tội. Cha ở nhà xứ một mình vì lúc đó, cha Geremia đã đi viếng thăm các khu xóm khác. Không chút nghĩ ngợi, cha Favali nhảy lên xe môtô chạy tới La Speranza. Cha vào được trong nhà và xem xét người bị thương một chốt lát. Rồi bất thình lình, cha nghe thấy có loạt đạn nổ bên ngoài. Nhìn ra cửa sổ cha thấy một người trong nhóm của Manero đang nổi lửa đốt xe môtô của cha. Khi ấy cha ra khỏi nhà, mặc dù những người khác tìm cách giữ cha lại. Cha nói, ”chắc họ sẽ không làm gì tôi đâu”.

• Bị sát hại

Tên Edilberto Manero đón cha giữa đường, cười và hô lớn: ”Ông muốn đấu tranh với tôi hả?”. Cha Favali giơ cao hai tay với tay, như một dấu chỉ đầu hàng và hòa bình. Cha tìm cách đối thoại, vô phương thế tự vệ, như vẫn luôn làm trong cuộc đời. Cha tiến về người với khẩu súng đang giơ lên. Edilberto nhìn chằm chặp và bắn vào ngực cha. Cha Favali ngã qụy, và tên sát nhân còn bắn tiếp. Vị thừa sai đã chết, nhưng những tên khác còn bắn bồi thêm vào người cha, vừa cười và huýt sáo, chúng đạp chân trên cha, vừa ca hát vừa nhảy múa.

Chiều tối cùng ngày 11-4-1985, cha Gerernia trở về nhà. Một số tín hữu xin cha thay đổi đường đi nhưng không giải thích lý do lại sao. Họ biết rõ bọn dân vệ tìm kiếm cha để thi hành án tử đã ra cho cha. Tại nhà xứ, cha Geremia tìm thấy miếng giấy cầu cứu, nhưng không thấy cha Tullio Favalii đâu cả. Cha chạy tới bót cảnh sát để kéo 2 cảnh sát viên đi theo cha, họ cũng kinh hãi. Nửa giờ sau, họ tìm được thi thể của cha Favali trên con đường vắng. Cha quì xuống, vừa khóc vừa cầu nguyện.

Mặc dù bọn Manero đã giết cha Favali để dằn mặt các linh mục và để hăm dọa các tín hữu Kitô trong toàn giáo phận Kidapavvan, nhưng cũng đã có 3 ngàn tin hữu đến tham dự lễ an táng cha Favali. Một lần nữa họ làm chứng rằng trong Chúa Kitô, sự chết sinh ra sự sống và oán thù không giết chết được tình thương.

Do cái chết đau thương của cha Favali, lương tâm của Giáo Hội và toàn dân Philippines được thức tỉnh; và nhân danh cha, được trương lên trong các cuộc biểu tình công cộng cùng với tên của ông Benigno Aquino, lãnh tụ phe đối lập dân chủ, cũng bị sát hại, Philippines đã dành lại được tự do và trục xuất được nhà độc tài Marcos.

Cha Tullio Favali, qua hành trình rất thăng trầm trong cuộc sống, đã được Chúa kêu gọi hy sinh tột cùng, để giải thoát nhân dân Philippines và để dạy cho chúng ta một cái gì đó, ngày nay, như đóng góp khiêm hạ của cha.

Tháng 4 năm 2005, giáo phận Mantova, trung tâm thừa sai giáo phận, giáo xứ Sacchette, giáo xứ Sailetto và nhóm bạn hữu cha Tullio Favali cũng như một số nhóm khác đã tổ chức một hội nghị lưu động để tưởng niệm cuộc hy sinh của cha.

Hội nghị kéo dài 4 ngày, từ 8-4 năm 2005 tại thính đường Đại chủng viện Mantova, nơi cha Favali đã được thụ huấn cho đến trước khi chịu chức phụ phó tế. Đề tài buổi tối hôm ấy là: Việc truyền giáo: ký ức và tương lai.

Đặc biệt vào cuối những ngày hội nghị liên tiếp tại nhiều địa điểm ấy, cha Giuseppe Bergamaschi, cha sở giáo xứ Montanara, bạn đồng chủng viện và là bạn thân của cha Favali đã hướng dẫn cuộc hành hương ngày 6-5-2005 để đến cầu nguyện trên mộ của cha ở Philippines.

• Máu các vị tử đạo đứa tới sự hoán cải tâm hồn.

Edilberto Manero, kẻ đã sát hại cha Favali, về sau đã hoán cải và trở thành một tín hữu Công Giáo nhiệt thành.

Hồi cuối tháng 3 năm 2001, Cha Roberto Olaguer, tuyên úy nhà tù cẩn mật Muntinlupa, nơi Manero bị kết án tù chung thân, cho biết tù nhân này, năm đó 54 tuổi, là cha của 3 đứa con, nay đã trở thành một người khác hẳn. ”Ông ta là thành viên tích cực của Giáo xứ Đức Mẹ Từ Bi do cha Olaguercoi sóc, và làm chứng đức tin cho các bạn đồng tù. Bị biệt giam, phải lao động khổ sai, và nhờ hoạt động tông đồ, đã làm cho ông ta hoán cải tâm hồn.

Trang Đức

Báo Mục Vụ (Thụy sĩ)

Bài viết khác