Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Thơ hôm nay

Diễm Châu

     Ðây là một vài nhận xét về "bốn không" của bạn Nguyễn Ðăng Thường. Bốn không ấy có thể sắp xếp thành một bài thơ ba chữ :

1. Không vũ trụ 
2. Không siêu hình 
3. Không ẩn dụ 
4. Không ngôn ngữ

    Trước hết, nếu hiểu "vũ trụ" là cõi rộng lớn, mông lung, ở ngoài trái đất chúng ta, và cái "chung chung", thì ngược lại hẳn là cái gần gụi, cụ thể, ở nơi ta đang sống, cái thiết thân, cái riêng biệt cho từng người,... ấy là nói về không gian; còn về thời gian, thì hẳn là cái trước mắt, cái hiện tại, cái lúc này,... chứ không phải cái quá khứ đã lui xa, hoặc cái tương lai "lý tưởng", mơ hồ... Ấy là những giới hạn về không gian và thời gian khá "khiêm tốn" và "khả thi". 

    Thứ nữa, nếu hiểu "siêu hình" là cái-không-thể-thấy, cái-không-thể-hiểu-được, cái "sở thích quá đáng đối với chuyện suy tư trừu tượng nó khiến cho tư tưởng tăm tối", thì ngược lại hẳn là cái rõ ràng minh bạch, thiết thực, không quá xa xôi đối với các giác quan, không phải "chuyện quỷ thần", ... 

    Kế đến, nếu hiểu "ẩn dụ" là "lối so sánh bóng bẩy", kể cả lối nói bằng biểu tượng, hoặc "ngôn ngữ Esope", thì ngược lại hẳn là nói ngay, nói thẳng, chỉ đích danh, không úp mở, che đậy, kể cả những gì vẫn bị coi như "húy, kỵ" hoặc "thô tục", hoặc bất cứ một giới nào thường bị "xã hội" khinh khi... 

    Sau chót, nếu hiểu "ngôn ngữ" ở đây như cái gì tế vi, hoặc "vi diệu" chỉ một số nhỏ "am tường" mới sử dụng được, hoặc những "khẩu hiệu báo chí" thường thấy trong một số nước, thứ ngôn ngữ đã "thể chế hóa", thứ "ngôn ngữ-bái vật",... thì ngược lại hẳn là chữ của người thường, chữ của đời sống thường nhật, "không kinh, sách", ... 

    Tóm lại, cả bốn không đều bao hàm những tính cách thiết thực, đại chúng. 
Bốn không biểu hiện một ý hướng dân chủ thật sự và triệt để, khẩn yếu không những cho thơ hôm nay mà còn cho nhiều địa hạt khác nữa. 

    Ý hướng trên, ngay cả trước khi thành văn, đã được nhiều nhà thơ hôm nay chia sẻ. Thí dụ có thể tìm thấy trên tạp chí "Thơ", ... 

© 2003 talawas 


Chú thích : 

Nhà thơ Diễm Châu hiện sống ẩn dật tại Lô Trấn (Strasbourg). Ngoài giải thưởng Quốc tế Lucian Blaga về Dịch thuật năm 2000, mới đây các bản dịch tiếng Việt của Diễm Châu đã xuất hiện trên hai tuyển tập thơ ngoại quốc. Một về nhà thơ Ðức Friedrich Hölderlin (1770-1843), và một về nhà thơ Áo Janko Messner (sinh năm 1921): "Belle Garonne et les jardins" do Jean-Pierre Lefèbvre biên soạn, nxb William Blake & Co (địa chỉ liên lạc: William Blake & Co Editeur, BP4, 33037 Bordeaux Cedex. Distributeur (Phát hành): Les Belles Lettres, Paris); và "Wem gehört denn unsre Erde hier?" (Whose is this our land? / Ðất của chúng ta đây là của ai?) của Janko Messner, với các bản dịch tiếng Anh, Pháp, Ý, Việt, Tiệp, Hungary, Rumani, v.v... (địa chỉ liên lạc: NOREA REPRO DRUCK & Verlag, Linsengasse 59 A-9020 Klagenfurt, Celovec. Austria. Tel: 0463 / 55 265-0. Email: office@norea.at và satz@norea.at. Website: www.norea.at). 

Bài viết khác