Thưởng hạ trên đất Pháp, sức nóng khô cằn vài ngày của thời tiết làm tôi nhớ tha thiết về những tháng hạ lúc còn sống ở Lào. Dầu là một cuộc sống tha hương, nhưng mỗi năm khi hạ về, chúng tôi lại cất tiếng hát bài ca quen thuộc : Nghỉ hè phượng nở đầy hoa, đàn ve ca hát vang trên hiên nhà. Trường em cửa đóng hôm qua, nghỉ hè về với chúng ta đây rồi...
Mùa hè, phượng vĩ và ve sầu đã gắn liền với nhau. Đám ve sầu như thể có duyên nợ, hẹn hò với tháng hạ, nên hàng năm đều tìm về tấu nhạc cho cuộc chia ly cùng đám học trò quen thuộc. Tiếng ve sầu buổi trưa hè thật buồn bã, vẽ nên cảnh yên tịnh lúc trời đứng bóng ; và tiếng nhạc ve dễ làm hồn người say đắm, rồi đưa ta về miền bóng mát nào đó đang hiện dần trong ý tưởng. Ve kêu và phượng rung theo gió. Những cánh phượng tươi hồng như dòng máu chan hòa trong tim nuôi sống cơ thể. Bởi nên hoa học trò không thể thiếu khi mùa hè trở lại. Lúc phượng thi đua sắc mới, lòng chúng tôi rạo rực chờ những tháng ngày thênh thang sắp đến. Bài vở hầu như bị lãng quên vì những buổi học cuối niên vui nhộn. Mấy anh con trai đủ chuyện tầm phào, nhiều kế hoạch vĩ đại đang được sắp sẵn cho tháng hạ. Mấy chị con gái thầm kín hơn, tập lưu bút chuyền tay nhau, lời văn chải chuốt, hiền hòa mơ mộng làm xuôi tai kẻ đọc. Đôi khi ta thấy gắn vào đó tấm hình nho nhỏ làm tăng thêm sự quý giá của kỷ niệm. Một kỷ niệm hồng thời niên thiếu. Kỷ niệm một thời mà các văn thi sĩ còn ca tụng mãi mãi. Duyên Anh chắc đã nhớ lắm về tuổi học trò của ông, nên đã viết và tiếc nhớ về "những con đường học trò hoa mộng, những con đường mà mỗi đời người đều có một lần tiếc nhớ..." (Phượng Vĩ, Duyên Anh 1972).
Đúng thế, vì chúng ta hết thảy có lần rồi sẽ nhớ, rất nhớ về những ngày hồn nhiên nghịch ngợm với bạn bè, và rồi ta "sẽ thương vô cùng cái tuổi trẻ chỉ đến có một lần, một thời cho một đời..."
Hôm nay hạ lại về trên đất khách. Mang thêm lần nữa kiếp tha hương mới, trong tôi lại nở đầy hoa kỷ niệm, dù tôi đã xa bao thói quen vui đẹp năm xưa.
Hôm nay tôi muốn được chia sẻ cùng bạn hình ảnh khó quên về những tháng hạ ấy. Hè về ! Hè về ! Nơi tôi ở hiện tại không phượng nở, không nhạc ve sầu. Những buổi trưa an hòa nay vang đầy tiếng động cơ mù khói. Khi ra đường hoa đầy lối, lúc nhìn ngắm khu vườn thắm sắc đủ loại hoa, nhưng chưa một loài hoa nào chinh phục được tôi, làm thay đổi cánh phượng vĩ đậm sắc in đầy tâm trí tôi. Hôm nay, tôi xin cùng bạn tìm về một khoảng trời hạ. Tâm trí còn mãi miết bên miền đất nuôi dạy tôi khôn lớn.
Trước hết, tôi kể bạn nghe con đường lá me mang tên "Thiên đàng Hỏa ngục". Mời bạn dùng trái me chua chấm cùng muối ớt, xong tôi sẽ cho biết những đặc điểm của con đường này. Bạn đã thấy, đã biết, đã đi trên vạn con đường lá me, nhưng "Thiên đàng Hỏa ngục" là con đường lá me độc nhất của chúng tôi. Chính chúng tôi đã đặt tên cho đoạn đường dấu ái này ; không sai gì lắm khi tôi viết hai chữ dấu ái, vì trong tâm hồn mỗi người chúng tôi lỡ đậm ghi hình ảnh con đường quê hương :
Có những con đường tôi nhớ nhung
Hàng cây rợp bóng phủ khắp vùng
Lá bay tình chiều thêm nở vội
Hẹn hò yêu tỏ tận thâm cùng.
Có những con đường tôi chỉ qua
Dù một lần thôi đủ đậm đà
Lối mòn hẻo lánh không ai tới
Cỏ lót bước tơ ướt mượt mà ...
(Những con đường quê hương, thơ Lê Phú Hải).
Tôi xin dẫn giải cái tên khác thường ! Thiên đàng vì đoạn đường quen thuộc đưa mọi người đến ngôi giáo đường quen thuộc của chúng tôi. Hỏa ngục vì lúc trời xẩm tối, con đường không một ánh điện. Đây cũng là nơi hẹn hò lý tưởng của những cô cậu thích tâm tình riêng tư. Bóng họ ẩn hiện như kẻ ăn trộm hay ma trơi, thích né tránh hoặc xuất hiện thình lình. Bóng đèn treo lên đều được chiếu cố tận tình nên bị vỡ hết. Dầu vậy, bóng tối không làm chúng tôi sợ hãi :
Có những con đường tôi quá quen
Đêm về không một bóng điện đèn
Chẳng vấp hay quên từng ngõ ngắn
Chân nhanh bóng sáo dù tối đen ...
(Những con đường...)
Đặc điểm con đường lá me "Thiên đàng Hỏa ngục" không chỉ có thế ! Trên đường rảo bước, mời bạn dừng chân đôi chút nơi ngôi trường cũ của tôi. Hy vọng, ngôi trường tư danh tiếng. Chính nơi đây đã đào tạo bao nhiêu người từ cái học đến cái hành. Hàng ngày vang đều "tiếng ê-a, nay in hình bóng bao em nô đùa... nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh. Hy vọng với đời tươi như bao lá xanh"(Trường làng tôi). Rất nhiều anh tài đã dẫm nát bùn đất Hy Vọng. Hôm nay nhớ đến, còn ai nhớ về Hy Vọng nữa không ? Có ai đã viết về Hy Vọng, nơi họ lê mòn chân ghế, quen thuộc với bảng đen phấn trắng ? Chưa đến nỗi bạc bẽo đến thế đâu bạn. Tôi có một người bạn nghệ sĩ, cách đây không lâu đã viết tặng chúng tôi những hàng sau đây : "Bây giờ chúng ta đã lớn cả, có bạn đã lập gia đình nhưng hẳn các bạn không thể nào quên trò Thạch và chị Hương trong vần tập đọc những niên học 60 nơi Hy Vọng : Trường của Thạch xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, cửa sổ và cửa ra vào đều sơn xanh, tường quét vôi vàng trông rất sáng sủa. Tháng ngày Thạch đến trường hai buổi. Thạch học rất chăm chỉ nên chẳng bị đòn, cô giáo rất thương Thạch. Tối nào cha Thạch cũng dạy Thạch tập đọc quyển "Lịch Sử Nước Ta". Trong đó Thạch thích nhất bài "Con Rồng Cháu Tiên". Tiếng của Thạch mỗi tối lại vang đều : Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh được trăm trứng. Trăm trứng ấy nở ra trăm người con trai. Sau này năm mươi người con theo cha lên núi, năm mươi người con theo mẹ xuống biển..." (Vũ Tam Tuấn, Ohio).
Bạn tôi viết về trường cũ những hàng ngắn ngủi thắm thiết : trò Thạch là hình ảnh những đứa trẻ Việt Nam chúng tôi, dù tha hương từ lúc lọt lòng mẹ, vẫn tìm về cội nguồn, yêu thương hình ảnh Rồng Tiên Lạc Hồng. Vật tổ dân tộc vẫn là niềm kiêu hãnh của chúng tôi như ông Nhật Quang đã nhận xét : "Dân tộc Việt như Rồng thiêng ẩn hiện trong đám mây, mây càng dầy, phong ba bão tố càng lớn, Rồng càng bay cao, và khi mây tan bão lặng, Rồng Việt Nam, con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ sẽ xuất hiện thật hùng, thật đẹp" (Dân Quyền số 62/83).
Tạm dừng nơi đây câu chuyện Hy Vọng, gởi bạn nghe bài "Trường Cũ" gọi là chút quà kỷ niệm : "Bao tháng ngày xa vắng trôi, còn đâu nếp trường xưa. Xa vắng càng thiết tha mong. Bên mấy khung song thưa, say ngắm từng gian lớp xinh. Lòng xao xuyến tình thơ. Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi. Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười. Cây bàng xưa kia lá tốt xanh tươi. Trạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi..." (Trường Cũ, Duyên Anh 68).
Sau khi cùng tôi đứng lại tâm sự ít hàng về Hy Vọng, chúng ta cùng tiến bước trên con đường bây giờ bắt đầu quen thuộc với bạn. Ta cùng ghé vào viếng giáo đường Thánh Tâm. Ngôi thánh đường lớn nhất, cổ nhất nơi thủ đô Vạn Tượng, được xây cất bởi những vị thừa sai Pháp. Lối kiến trúc ảnh hưởng theo truyền thống Tây phương. Nhìn sơ qua, bạn thấy tương tự như những ngôi thánh đường trên cõi nước Pháp. Cộng đoàn Việt Nam tha hương ngày càng đông đảo nên Thánh Tâm được chuyển giao cho giáo hữu Việt Nam. Dù không đẹp như Vương Cung Thánh đường Paris, không được chạm trổ sặc sỡ, nguy nga như điện Sixtine Vatican, không huy hoàng như bao thánh đường khác trên thế giới, nhưng Thánh Tâm của chúng tôi có những thánh lễ thật uy nghiêm, được trang hoàng thật lộng lẫy dâng lên Chúa cả cho những mùa lễ lớn. Mỗi Chúa Nhật, từ sớm tinh sương bạn thấy lũ lượt đoàn chiên tứ phía đổ về dự lễ. Chúng tôi đã múc lấy ân sủng cho đời sống tâm linh ! Chúng tôi đã nhận được những niềm vui sống, lòng tin trong tinh thần chia sẻ ! Tất cả đều chảy ra từ suối nguồn Thánh Tâm. Hôm nay, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy đoàn chiên Thánh Tâm vẫn khắng khít, đoàn kết một lòng dù phải xa cách suối nguồn. Được vậy, cũng chỉ vì tình người đã thực sự gầy cấy nơi Thánh Tâm. Nhưng nay xa rời Thánh Tâm yêu dấu ! Thánh Tâm đã khắc ghi trong lòng muôn tín hữu mối thương tiếc ngậm ngùi. Hè về ! Thánh Tâm còn tưng bừng mừng lễ Mẹ Lên Trời hay Thánh Tâm kín cửa buồn hiu cô quạnh ? Tôi vẫn mang hình ảnh những thánh lễ chiều đơn sơ nhưng đầy tình :
Người tới đây mỗi khi chiều buông ngã
Lòng nguyện cầu suy gẩm bởi tin yêu
Nơi giáo đường thật vắng vẻ đàn chiên
Thật đầm ấm tiệc nhiệm mầu Thánh Thể
Dự tiệc Thánh hồn người vui khôn tả
Thoát thế trần quên hết mọi khổ đau
Biết đâu nào cũng có hôm người khóc
Cớ vì sao chỉ mình người tự hiểu
Tôi vẫn nghĩ vẫn chưa suốt tâm tình
Hay Thập Giá dạy hồn người cảm xúc
Đúng chăng người nguồn suối lệ tình yêu
Dâng hiến trọn thanh thoát cõi ngỏ hồn
Lễ chiều tan đánh dấu ngày sẽ hết
Còn mai này hỏi xem người sẽ đến
Cửa giáo đường khép kín chào hẹn lại
Tháp chuông cao ngân khẻ điệu nhạc thần
Ôi buổi chiều ôi đàn chiên quen thuộc
Nay xa vời xa luôn chiều ơn Thánh
Ta chẳng đến giáo đường thêm vắng vẻ
Thánh giá buồn giờ cô lẻ quạnh hiu.
(Thánh Lễ Chiều, thơ Lê Phú Hải).
Theo con đường lá me cùng bạn đi về kỷ niệm, nhưng thật sự tôi trải dài khúc tương tư. Đôi lúc tôi thiết tưởng "hết rồi những ngày mơ mộng cũ... những con đường ngọc biếc lá me xưa" (thơ Hoàng Minh Hương). Xin chào con đường lá me ! Hãy cho tôi xin tìm về nhớ thêm những buổi hè cùng chiếc xe đạp dạo phố nhỏ thủ đô :
Thành phố thân yêu thuở ấy thanh bình
Thành phố ngày xưa mang nhiều kỷ niệm ...
Nhớ xóm làng xưa một thuở êm đềm
Đường đê hẹn hò Vọng Hương soi bóng
Bờ sông hẹn hò phượng khoe sắc pháo ...
và còn :
Biết bao giờ trở lại phố xưa
Đi giữa phố phường, giữa cảnh quen xưa"
(Xa rồi Vientiane, thơ Toàn thày bói).
Tôi lại nhớ thêm những buổi chiều thả diều trên đê sông cao nước. Gió hè chiều thổi mạnh đưa con diều xanh, đỏ, tím, vàng... lên tận trời cao trong ngát. Hồn chú thả diều lâng lâng một nguồn vui khôn tả. Tôi hỏi bạn, đàn em và con cháu chúng ta bên trời văn minh Âu Mỹ, có còn biết chẻ nứa làm thân diều, cắt giấy bọc cánh diều, chúng có biết, có được bắt con bọ dừa những đêm hạ oi bức, làm cây quạt gió thiên nhiên thoát ra bởi sự đập đôi cánh của con vật ? Phải chăng ngày nay các em chỉ biết hưởng thụ những đồ đã sẳn có, những máy móc tinh vi đẩy dần con người xa cách hoa đồng nội cỏ thiên nhiên ?
Tôi không quên dẫn bạn đến thăm xóm nhỏ. Thôn xóm với ngôi chợ nằm cạnh dòng sông Cửu Long. Xóm Simuong mang cái tên lạ hoắc với bạn. Những buổi tối hạ, khắp ngõ rộn ràng tiếng nô đùa của con nít. Từng đám trẻ chạy cùng con xóm reo hò hồn nhiên. Rồi những lúc mưa về bất chợt, xóm nhỏ chỉ còn vang tiếng róc rách, đứt từng quãng thật tình tự như tiếng nhạc quê hương, ru hồ người viễn xứ nhớ về quê cha đất tổ. Người dân xóm tôi nổi tiếng cương trực, yêu tự do nên phải mang kiếp tha hương từ những ngày đầu đất Việt biết đau buồn. Tôi muốn mượn những lời ca của bài "Tha La Xóm Đạo" để viết phần nào đó về "Xóm đạo Simuong" của chúng tôi. Những người giữ vững lòng tin yêu nơi Chúa Giêsu ; những người một lòng một dạ không trở cờ, nên xóm đạo Simuong ngày nay trở thành khu xóm không hồn, tiêu điều với vài ba ánh đèn hiu hắt theo cơn hấp hối tự do từ buổi tháng tư bảy lăm. Hy vọng và lòng tin vẫn được chiếu sáng khắp chốn, nơi có bước chân của người dân xóm tôi đến tạm trú. Bởi vậy, tôi được an ủi nhiều hơn ông Hoàng Ngọc Ẩn ; sau khi tả khu xóm của ông, nhà thi sĩ chỉ viết được ước mơ :
... Nếu mang được xóm nghèo qua lục địa
Trăng xóm nghèo ba đứa sẽ soi chung
Ta nhóm lửa cho xóm nghèo ấm lại
Hồn ươm nơ bên ánh lửa bập bùng
(Xóm nghèo, thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Nếu hôm nay tôi viết cho bạn về bầu trời cũ lúc trời vào hạ, vì chốn ấy còn đậm nét trong tôi. Thi Vũ có thể chi một lần ghé thăm Lào quốc và nhà văn thi sĩ phải thốt lên rằng : "...Ôi Á châu miên trường ! ôi Á châu vạn đời hùng vĩ và huyền sinh !..." Khi viết thơ cho người tình, ông nhận xét thêm : "...những ngày Vạn Tượng nước sông Mékong dềnh hồn Tây Tạng dưới mưa buồn không khác Huế... Có những bửa 5 giờ sáng anh thức dậy ra ngồi bên sông Mékong, lấy tay sờ vào dòng nước, nước ơi, hãy đưa chút hơi hám này về tới Cửu Long tôi... Anh ngồi như vậy cho tới khi khắp các nẻo đường, những thầy tu sĩ nam tông rực vàng y bát đi khất thực, những người đàn bà quỳ giữa đường, quỳ bên lối đi, tay cung kính đỡ chiếc gùi đựng xôi và thức ăn cúng dưỡng tăng sĩ. Ai Lao là xứ hồn nhiên. Một cơn gió thoáng nơi cuộc đời sống động. Ai Lao mênh mang và dằng dặc hơn Kampuchia... Ai Lao cũng có người Việt Nam nhưng trầm hơn, kín hơn, loãng tan vào không khí hơn. Ở Ai Lao ta không thấy biên giới giữa người với mưa bùn và cây lá, và chùa và nhà cửa, ta không biết thần thoại là cuộc đời hay cuộc đời là thần thoại. Con người ở Ai Lao viết huyền sử bằng cuộc sống họ. Cái gì tân thời nhất tới đây cũng đều im lặng đứng nhìn, mất hết khả năng xâm lược..." (Thư tình cho Giáng Châu, Thi Vũ, Quê Mẹ số 5/76).
Hôm nay, đứng bên dòng sông xứ người ở Âu tây nghe trời trở gió hạ. Qua đi bao kỷ niệm, tôi cũng thích về ngồi lại bên dòng sông Cửu Long lớn nước tháng bảy, nước đến từ miền thác cao, chảy miên man qua bao ghềnh đá, núi rừng hoang dã, và chảy rộn ràng ngang miền đất tôi ở. Nước cứ đến mỗi mùa hạ để tôi quen với màu đục phù sa. Về bên dòng sông cũ, tôi nhớ thêm cơn mưa thác đổ theo trận gió mùa : "Tháng bảy rạt rào rơi. Những ngày mưa phố cũ" (Du Tử Lê). Hình như chiều nay mưa sắp tạnh, dòng sông đang khoác dần vương miện (Phạm Nhuận), và tôi thật lòng muốn về quê cũ để hong nỗi buồn viễn xứ mỗi khi trời vào hạ.
Viết tặng các bạn Hùng Dũng
bên giòng sông Rhin.
Lê Phú Hải