Hoover Dam, đập nước lịch sử của Hoa Kỳ
Ða số, nếu không muốn nói là toàn bộ, du khách đến tiểu bang Nevada, thường hướng đến Las Vegas, sòng bài lớn nhất thế giới, nhưng nhiều người không biết, cách thành phố này không xa, về hướng Ðông Nam chừng 30 dặm, có một đập nước nổi tiếng Hoa Kỳ. Ðó là Hoover Dam, gần thành phố Boulder, Nevada, tiếp giáp với ranh giới Arizona.
Ðập nước này được đặt tên “Hoover” là tên của ông Hubert Hoover, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng công trình này, ban đầu với vai trò là bộ trưởng thương mại và sau đó là tổng thống Hoa Kỳ.
Hoover Dam được bắt đầu xây dựng năm 1931 và hoàn tất năm 1935, sớm hơn dự định hai năm. Công dụng của Hoover Dam là chặn dòng nước của sông Colorado River để phân phối nước cho các tiểu bang trong vùng đồng thời sản xuất thủy điện.
Phía trên Hoover Dam là hồ Lake Mead, đặt tên của ông Elwood Mead, người chỉ huy xây dựng công trình.
Kế hoạch xây Hoover Dam được đưa ra năm 1922 sau một buổi họp giữa thống đốc sáu tiểu bang Arizona, California, Colorado, Nevada, New Mexico, Utah và Wyoming với đại diện chính quyền liên bang, Bộ Trưởng Thương Mại Hubert Hoover của chính quyền Tổng Thống Warren Harding, để tìm ra một thỏa thuận chung sử dụng nguồn nước sông Colorado River.
Ngày 24 Tháng Mười Một, 1922, Hiệp Ước Colorado River Compact được các bên ký chia con sông Colorado River ra làm hai phần, thượng nguồn và hạ nguồn, và các tiểu bang thuộc nguồn nào thì quyết định phương cách sử dụng nguồn nước của vùng đó.
Hiệp ước này, được gọi là “Hoover Compromise,” tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án Boulder Dam Project, chặn nước lại để đủ cung cấp cho cư dân sống trong các tiểu bang miền Tây, đồng thời tạo một số lượng điện phục vụ công chúng.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án, phải có sự chuẩn thuận của Quốc Hội Hoa Kỳ. Sau nhiều lần bị bác, cuối cùng, Quốc Hội thông qua dự án và được Tổng Thống Calvin Coolidge ký ngày 21 Tháng Mười Hai, 1928. Phải tới hai năm sau, năm 1930, ngân sách xây dựng dự án mới được Quốc Hội đưa ra vào thời điểm ông Hubert Hoover làm tổng thống.
Hợp đồng xây dựng dự án sau đó được giao cho công ty Six Companies, Inc., bao gồm nhiều công ty thuộc nhiều tiểu bang, thực hiện.
Ðể bắt đầu thực hiện dự án, các công ty thi công phải làm hai cái giếng kín, rút hết nước, để làm móng đập. Giếng phía thượng lưu được làm năm 1932, mặc dù lúc đó chưa làm cạn hết nước của dòng sông. Sau đó, một con đê hình cong như móng ngựa, nằm bên phía Nevada được xây dựng. Sau khi những đường hầm phía bên Arizona được hoàn tất và lòng sông được rút cạn, công việc xây đập được dễ dàng hơn.
Kế đến là việc đào móng xây đập. Ðể cho đập vững chắc, các công ty xây dựng cho đào móng tới tận lớp đá cứng dưới lòng đất, sau khi lấy đi khoảng 1,150,000 mét khối đất trong thời gian một năm.
Mẻ bê tông đầu tiên xây dựng Hoover Dam được đổ vào ngày 6 Tháng Sáu, 1933. Trong lúc đổ bê tông, các kỹ sư phải sử dụng hệ thống làm mát thổi vào vì sợ rằng sức nóng của bê tông có thể làm cho đập bị nứt sau này. Ngoài ra, nhiều đường ống được xây bên trong phần bê tông của đập để nước mát được bơm vào các kẽ hở, làm cho đập không bị nóng.
Ðể tận dụng lượng nước do Hoover Dam chận lại, các nhà thiết kế cho xây một hệ thống thủy điện, được thực hiện cùng lúc với xây dựng đập, có 17 tua bin sản xuất tối đa là 2,074 megawatts mỗi năm.
Trong suốt thời gian thực hiện dự án, có tổng cộng 112 người thiệt mạng, trong đó có 96 bị chết trong lúc xây dựng đập.
Nhà máy thủy điện phía dưới đập hiện do Cơ Quan Khẩn Hoang thuộc Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ quản trị.
Năm 1981, Hoover Dam được liệt vào danh sách National Register of Historic Places và năm 1985 được đưa vào danh sách National Historic Landmark.
Ngày nay, mặt trên của Hoover Dam là một phần của Xa Lộ 93, mỗi chiều có một làn xe chạy, và du khách có thể lái xe đi qua dễ dàng.
Sau sự kiện 11 Tháng Chín, Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ thiết lập hai trạm kiểm soát ở hai đầu đường vào đập và khám xét những phương tiện vận chuyển khả nghi nhằm đề phòng một sự phá hoại nào đó đối với công trình lịch sử này.
Cũng sau sự kiện nêu trên, cơ quan quản trị Hoover Dam phải đóng cửa khu vực tham quan nhà máy điện phía dưới đập một thời gian.
Tổng chi phí xây dựng Hoover Dam là $49 triệu vào thời điểm hoàn thành, có chiều cao 221.4 mét (cao thứ nhì tại Hoa Kỳ) và có chiều dài 379.2 mét.
Bề dày của Hoover Dam, chỗ dày nhất, là 200 mét. Số lượng bê tông sử dụng xây đập là 3.33 triệu mét khối (đủ làm một xa lộ hai làn xe chạy từ San Francisco đến New York).
Theo thống kê của Cơ Quan An Toàn Xa Lộ Hoa Kỳ, mỗi ngày có chừng 13,000 đến 16,000 xe qua lại trên mặt Hoover Dam.
Mỗi năm có từ 8-10 triệu du khách đến thăm khu vực Hoover Dam và Lake Mead, làm cho khu vực này trở thành điểm thu hút du khách đứng hàng thứ năm tại Hoa Kỳ, theo báo cáo của Sở Công Viên Hoa Kỳ. (M.T.)
Minh Tường (tổng hợp)