SOẠN THẢO BỘ TÂN ƯỚC
Hỏi: Nói cách tóm tắt, bộ Tân ước được soạn thảo trong thời gian bao lâu?
Đáp: Nếu bạn nói về bộ sách chúng ta đang có và đặt tất cả các sách Tân ước lại với nhau như chúng ta hiện thấy trong Kinh thánh, thì cuốn sớm nhất là Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêsalônica được viết vào khoảng năm 50-51,-20 năm sau cái chết của Đức Giêsu.
Phúc âm Maccô, quyển sớm nhất trong 4 Phúc âm, được viết có thể là khoảng năm 65, tuy nhiên, tất cả các Phúc âm đều sử dụng tài liệu các nghi thức phụng vụ và các truyền thống khác đã có trong các cộng đoàn Kitô hữu trước thời điểm đó.
Những sách cuối cùng có lẽ là 3 lá thư của Thánh Gioan và Khải huyền. Tất cả được viết trong khoảng năm 100 hoặc chậm hơn.
Vậy phần soạn thảo cơ bản của tất cả các sách kéo dài trong một khoảng thời gian trên dưới 50 năm.
AI VIẾT CÁC SÁCH PHÚC ÂM?
Hỏi: Trong bài giảng trên đài truyền thanh, một mục sư Tin lành đã nói rằng Phúc âm của Gioan không phải do Tông đồ Gioan viết; người công giáo và Tin lành đều đồng ý điểm ấy. Chúng ta không phải tin rằng Tân ước do các Tông đồ viết ra sao? Nếu không phải các Ngài thì ai đã viết các sách Phúc âm?
Đáp: Đã từ lâu các chuyên gia Kinh thánh thuộc tất cả các Giáo hội Kitô giáo đều nhìn nhận rằng nhiều cuốn sách trong bộ Tân ước không thực sự được viết ra do các người mà truyền thống xưa nay nghĩ họ là tác giả. Hai Phúc âm của Matthêu và Gioan khá chắc chắn thuộc ở loại này.
Chẳng có gì phải ngạc nhiên ở đây. Trong thời cổ, một ‘công trinhg’ văn chương thường mang tên của người mà các lời giảng dạy của họ được ghi lại trong sách, ngay cả khi người đó không viết, và có thể ngay cả khi họ không sống thật! Cuốn sách được xem như là (và ngay cả trường hợp có khi lấy tên tác giả đặt cho tên sách) lời giảng dạy của vị ‘tôn sư’ đặc biệt đó hoặc một phần nhân vật nổi tiếng, mặc dầu cuốn sách này được khai triển, xuất bản, phổ biến do những người khác có thể qua một thời gian nhiều năm sau.
CHÚ GIẢI CÁC SÁCH PHÚC ÂM
Hỏi: Tuần thánh vừa qua, trong thánh lễ người ta đọc đoạn mô tả sự việc Phêrô chối Chúa theo Phúc âm của Thánh Maccô. Theo các sách của Matthêu, Luca và Gioan thì Phêrô chối Chúa ba lần trong khi Maccô chỉ viết có hai lần. Vì thế Maccô làm người đọc bối rối. Tại sao lại không nối kết ba cuons vào trong một cuốn để có ý nghĩa xác thực?
Đáp: Tất cả các sách Phúc âm, kể cả của Maccô(14,68-70 và 71), đều nói Phêrô chối ba lần.
Tuy nhiên câu hỏi của bạn gợi lên một quan điểm quan trọng thường được đề cập trong các lá thư gửi đến tôi. Có lẽ đây là một khía cạnh của niềm tin của nhiều người công giáo và những Kitô hữu khác khi họ cho rằng mọi điều trong tôn giáo phải trắng hoặc đen, không mập mờ, kể cả chính Kinh thánh. Bất cứ điều hiển nhiên nào không như thế đều bị coi là không đáng tin, nếu không nói là lộn xộn (như trong trường hợp bạn nêu ra).
Vấn đề bạn gặp phải không phải là không phổ biến. Khi chúng ta đọc Tân ước, nhất là các sách Phúc âm, chúng ta dễ có khuynh hướng nghĩ rằng chúng ta đang đọc cuộc đời Chúa Kitô như đang đọc bất cứ tiểu sử mới nào. Chúng ta thường nghĩ rằng việc đầu tiên mà Matthêu, Luca và Gioan làm là thu thập những sự kiện trực tiếp hoặc như bạn nói, ‘liên kết’ các tài liệu khác nhau đó để tìm ra ‘ý nghĩa thực’.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các Phúc âm không bao giờ có chủ ý như thế. Đối với các tác giả Phúc âm, các chi tiết của sự kiện không mảy may làm họ bận tâm, khác với quan điểm của khoa học lịch sử chúng ta quen thấy ngày nay. Ý hướng của họ trước hết là giải thích ý nghĩa sứ điệp của Đức Giêsu, điều gì Ngài muốn minh chứng và bênh vực, cũng như đâu là điều các người theo Ngài mong đợi.
Từ đó chúng ta mới hiểu những gì các tác giả Phúc âm muốn trình bày. Chúng ta sẽ phải thất bại nếu muốn tìm một điều gì khác. Sự hiển nhiên của sự thật mà tôi vừa nói đó có rất nhiều trong Tân ước.
Chẳng hạn chúng ta biết Bữa tiệc Thánh Thể hoạc nghi thức bẻ bánh chiếm một chỗ rất cao trong tâm trí các Kitô hữu tiên khởi. Có người cho rằng ít nhất ở đây, họ có những ‘dữ kiện trực tiếp’.
Nhưng các lời của Đức Giêsu nói trong dịp thiết lập bí tích Thánh Thể ở bữa Tiệc ly lại được trích dẫn cách khác nhau trong ba cuốn Phúc âm nhất lãm (Mt 26; Mc 14; Lc 22; Gioan không nói đến bí tích Thánh Thể trong bối cảnh bữa Tiệc ly).
Những trình thuật khác nhau đó có thể phản ánh sự thay đổi trong phụng vụ từ chỗ này sang chỗ khác trong những thập niên đầu của Giáo Hội. Dầu lý do nào đi nữa, các tác giả sách Phúc âm không đặt thành vấn đề khi thêm hoặc bớt những ý mà họ nghĩ cần thiết để diễn tả được những gì họ muốn nói về Đức Giêsu.
Điều tôi đang nói đây không phải là ý kiến của một số nhỏ các học giả Thánh kinh. Đây là lập trường của Giáo hội công giáo về vấn đề hình thành và đặc tính của các Phúc âm.
Năm 1964, Ủy ban Kinh thánh của Tòa Thánh đã ra một huấn thị về chân lý lịch sử của các Phúc âm. Huấn thị nói rõ: Từ những tài liệu có được trong tay, các tác giả các sách Phúc âm đã chọn lọc một số điều, tóm gọn một số khác để làm thành một tổng hợp và còn giải thích một số khcs tùy theo sự phân định của các ngài về những hoàn cảnh khác nhau của mỗi cộng đoàn Giáo hội.
Các ngài chọn lọc những điều thích hợp với hoàn cảnh khác nhau của các Kitô hữu, thích hợp với mục đích mà các ngài đã chọn, và do đó, cách các ngài tường thuật chúng cũng thích hợp với các hoàn cảnh và mục đích đó. Chân lý của câu chuyện không hề bị ảnh hưởng bởi sự kiện. các tác giả sách Phúc âm thuật lại những lời nói và việc làm của Chúa theo một thứ tự khác và diễn tả lời của Ngài không phải theo đúng từng chữ, những theo cách khác mà vẫn bảo toàn ý nghĩa của chúng”.
Như thế, theo sự chỉ dẫn của huấn thị, nguyên tắc đầu tiên của Giáo hội trong việc giải thích Kinh thánh là: tìm ra ý nghĩa mà các tác giả Phúc âm nhắm tới khi ông tường thuật lại một lời nói hoặc việc làm của Chúa theo một cách thức nào đó hoặc đặt vào một bối cảnh nào đó. Tác giả muốn nói điều gì? Đây là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra.
Khi tác giả sách Phúc âm hoặc bất cứ tác giả nào trong Kinh thánh có ý để lại cho chúng ta một tập thơ, một chuyện dụ ngôn hoặc một chuyện ngắn sáng tác, chúng ta sẽ đánh mất ý nghĩa toàn vẹn nếu chúng ta cố gắng đọc và hiểu bài thơ, dụ ngôn hoặc câu chuyện như một tài liệu lịch sử. Mặc dù các tác giả sách Phúc âm biết các bản văn khác của nhau, như Luca và Mathêu chắc chắn biết cuốn Phúc âm sớm nhất của Maccô, các ngài rõ ràng đã có những mối bận tâm riêng, hơn là chỉ đơn giản chụp bắt các sự kiện. Sứ điệp mà họ muốn gửi tới các người đọc thì lớn hơn, khác hơn và sâu hơn điều kia nhiều.