Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm C
Bài Ðọc I: Trích sách Xuất Hành (Xh 3, 1-8a. 13-15).
Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.
Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.
Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Ðấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”.
Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.
Bài Ðọc II: Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 10, 1-6. 10-12).
Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.
Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9).
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
Vài ý chính Tin Mừng Luca 13,1-9
Hai tin tức ngắn
Thời gian và cụ thể hơn, sự cấp bách việc hoán cải, là chủ đề chính trong bài đọc của Luca. Đoạn văn trước đó (Lc 12, 54-59) đã dành cho việc giải thích "những dấu hiệu của thời đại" và dụ ngôn nhỏ về cây vả không sinh trái (một phần bài đọc) là phần bổ sung. Chúng bao quanh (và do đó định vị ý nghĩa) hai tin tức ngắn được Luca thuật lại.
Cả hai đều hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng việc xác minh lịch sử không có ý nghĩa gì. Câu hỏi, rất phổ biến trong tư duy thời đó và bắt nguồn từ ngôn sứ Êdêkien, xoay quanh mối liên hệ giữa tội lỗi cá nhân và số phận cá nhân. Chúa Giêsu dứt khoát tách biệt mọi mối liên hệ máy móc giữa hai yếu tố này. Một bài học tương tự được tìm thấy trong phúc âm về người mù từ thuở mới sinh (Ga 9). Lời kêu gọi hoán cải, có giá trị cho tất cả mọi người và độc lập với mọi sự kiện (dù lớn hay nhỏ), là điều duy nhất Chúa Giêsu nhấn mạnh. Người nhấn mạnh với giọng điệu tận thế (liên quan đến "những điều cuối cùng"): "nếu không, tất cả các ngươi sẽ diệt vong". Giọng điệu vẫn hiện diện trong ngữ cảnh trực tiếp và ngữ cảnh tổng quát hơn của các chương 11 đến 14. Từ những tin tức nhỏ chúng ta đặt ra những câu hỏi sai (đây không phải điều thường xảy ra sao?), chúng ta được đưa vào một thời gian một chiều kích khác, thời gian lựa chọn triệt để giữa Ơn Cứu Độ và nô lệ tội lỗi.
Cây vả không sinh trái
Dụ ngôn về cây vả không sinh trái trong phiên bản Luca khá khác với các phúc âm khác (Mt 21, 18-22; Mc 11, 12-14 & 20-24). Tuy nhiên, giọng điệu tận thế là điểm chung và có cùng sức mạnh. Các hình ảnh trong đó đều cổ điển và dễ giải mã: vườn nho tượng trưng cho Dân Ítraen, cây vả đại diện cho Thể Chế (Luật pháp, Đền thờ, các linh mục...), chủ vườn nho là chính Thiên Chúa, người làm vườn ở đây là Chúa Kitô. Nếu cây vả không sinh trái, sẽ phải bị đốn đi... Nói cách khác, nếu ngay cả sứ vụ Chúa Giêsu cũng không đủ để hoán cải, thì con người không xứng đáng với số phận tốt hơn. Dụ ngôn có thể được chuyển tải ở nhiều cấp độ khác nhau (phong cách ngụ ngôn chính xác được tạo ra cho điều đó): vườn nho có thể tượng trưng cho toàn thể nhân loại, trong đó Ítraen sẽ là cây vả. Cây vả cũng có thể đại diện cho Giáo hội, hoặc Kitô giáo,... hoặc mỗi người chúng ta! Hãy xem xét ở cấp độ này: mỗi người chúng ta được yêu cầu sinh trái, vì chúng ta luôn là cây vả trong một vườn nho (gia đình, những người xung quanh, môi trường làm việc của chúng ta,...). Chắc chắn Chúa rất kiên nhẫn, nhưng thời gian đã tính!
Claude Selis
Câu hỏi:
Ngày nay, những hình thức nô lệ khác nhau chúng ta được mời gọi giải phóng mình là gì? Làm thế nào có thể đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết này để hoán cải?
Bài giảng: Chúng ta phải luôn tích cực!
Những lời kêu gọi
Tai nạn luôn vô lý. Cũng như các thảm họa. Động đất, đắm tàu, lũ lụt, chiến tranh, hỏa hoạn và tai nạn chỉ gây ra sự hủy diệt và cái chết. Tuy nhiên, những tin tức ngắn thu hút sự chú ý, và đồng thời làm chúng ta lo lắng, vì có thể bị cuốn vào những tình huống này. Việc được thông báo về chúng làm chúng ta nhẹ nhõm, bằng cách chứng minh chúng ta đã được tha! Tuy nhiên, tất cả những bất hạnh phi lý ám ảnh ký ức các xã hội loài người, ngay cả khi chúng không phục vụ gì, ngoại trừ việc làm đầy túi những kẻ ăn xác thối. Nhưng người ta tuyệt đối muốn tìm ý nghĩa cho chúng, như cuộc thảm sát do Philatô ra lệnh và sự sụp đổ của tháp Siloê, những bất hạnh vào thời đó người ta đã giải thích như những hình phạt. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi coi chúng đơn giản như những tín hiệu, không hơn. Những lời kêu gọi, hoặc những lời nhắc nhở. Bởi vì đối với những người hình dung Thiên Chúa như một người cha đánh đòn, hoặc như một ông già thờ ơ và kiêu ngạo, Thiên Chúa Abraham đã bày tỏ khuôn mặt thật của mình, Người đã nói rõ ràng với ông Môsê: "Ta đã thấy, vâng, ta đã thấy nỗi khổ cực của dân ta đang ở Ai Cập, và ta đã nghe tiếng kêu của họ. Vâng, ta biết những đau khổ của họ" (bài đọc 1).
Nhận biết những điều kỳ diệu
Thay vì tiếp tục bị ám ảnh bởi những bất hạnh của trái đất, ngược lại, theo truyền thống Kinh Thánh, hãy thu thập câu chuyện về những điều kỳ diệu, những điều hoàn toàn đối lập với những thảm họa tàn phá. Thánh Phaolô cho chúng ta chú ý: biển đã tha cho dân Do Thái khi họ rời khỏi Ai Cập, một đám mây đã làm hướng dẫn viên, một nguồn nước đã phun ra từ một tảng đá, v.v. Ông Môsê và các tiên tri, sau đó là Chúa Giêsu và các tông đồ đã giải thích những điều kỳ diệu này như những dấu hiệu, qua đó dân trung thành có thể nhận ra Thiên Chúa ở rất gần, đầy quan tâm và trung thành với cam kết của Người. Và chính chúng ta cũng là nhân chứng tình đoàn kết con người được biểu hiện một cách hào phóng khi thông báo về các thảm họa, truyền hình và báo chí thông báo và kêu gọi chúng ta.
Tiếp tục hành trình
Trên những con đường nhân loại, thảm họa và thành công thay đổi, nhưng rất không đồng đều, đến mức khiến chúng ta phải kêu lên về sự bất công. Vậy, khi mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng ta có nên nổi dậy không? Chúa Giêsu trả lời, bằng hành động. Chính Người đã tích hợp bất hạnh tuyệt đối vào hành trình của mình, một cái chết khủng khiếp, nhưng Người đã biến thành con đường Phục Sinh. Ngày nay, Người đặt chúng ta trên cùng một con đường. Chúng ta thấy mình giữa lời tuyên bố về sự biến hình (Chúa nhật trước) và lời tuyên bố về lòng thương xót vô hạn của Chúa Cha (Chúa nhật tới). Và này, những bất hạnh phi lý của chúng ta có thể hữu ích, như những hướng dẫn (bài đọc 2), bằng cách thúc đẩy chúng ta khám phá Thiên Chúa không hề thờ ơ: Thần Khí Người đang hoạt động, như sức mạnh của sự phục sinh và biến hình. Cây vả khô héo có thể trở nên xanh tươi. Những bất hạnh đến với chúng ta thậm chí có thể làm phân bón cho những cây vả để chúng sinh trái, qua Lễ Phục Sinh của Chúa.
Marcel Metzger