Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một, 2022

(8) Chương hai : Vương quốc Giê-ru-sa-lem

Chương hai : Vương quốc Giê-ru-sa-lem

Khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Đa-vít lên làm vua, đặt kinh đô ở Giê-ru-sa-lem, khởi điểm mới cho dân Ít-ra-en. Diễn tiến xảy ra thế nào ?

I. Một cái nhìn tổng quát về vương quốc Giê-ru-sa-lem

1. Từ Xuất hành đến Đa-vít.

            Khoảng năm 1200, nhóm người bỏ Ai-cập ra đi dưới sự hướng dẫn của ông Mô-sê rồi ông Gio-suê, tới Ca-na-an và định cư tại đó. Nhiều bộ lạc đã đến đây từ lâu, sống quây quần quanh những thành nhỏ kiên cố trên các đỉnh đồi. Họ sống bằng nghề nông, buôn bán và đánh nhau.

            Bằng sức mạnh hay bằng thủ đoạn, đôi khi cũng bằng giao ước, nhóm người Híp-ri do ông Mô-sê cầm đầu len lỏi vào lập nghiệp ngay giữa xứ. Sau này sách Gio-suê sẽ tường thuật việc này như một anh hùng ca kỳ diệu, mục đích trước mắt để lại một giáo huấn : Người Ít-ra-en đã chinh phục được xứ sở, nhưng Thiên Chúa đã giúp họ thành công : "hồng ân của một cuộc lấn chiếm".   Trong một đại hội tại Si-kem, một sợi dây tôn giáo thắt chặt các bộ lạc khác nhau lại, đưa vào giao ước với Thiên Chúa.

            Vào thời các Thũ Lảnh (giữa năm 1200 và 1000), các bộ lạc nhìn nhận Gia-vê như Thiên Chúa được chia ra làm 3 nhóm : Ga-li-lê, những đỉnh đồi ở miền trung, và miền nam với thành Giê-ru-sa-lem. Sợi dây liên lạc rất mong manh, chỉ có tính cách tôn giáo thôi. Tuy nhiên, khi có biến loạn đe dọa bộ lạc này bộ lạc kia, một anh hùng hay một thẩm phán liền đứng lên, tập họp dân dàn trận, sau chiến thắng ai nấy trở về nhà yên vui (Sách Thũ Lảnh).

            Thế nhưng, áp lực của dân Am-mô-nít ở miền trung, nhất là của dân Phi-lít-tin ở miền nam, háu chiến và nghiện ngập  định cư phía nam gần Địa Trung Hải làm cho các bộ lạc khác nhau nhận thức rằng cần phải có một chính quyền trung ương mạnh. Các bộ lạc miền trung đã có thí nghiệm tai hại vương triều với A-bi-mê-lếc. Với thời vua Sao-lê, thuộc chi họ Ben-gia-min mà vương quốc mới được xem như cơ chế bình thường.

            Về phương diện tôn giáo, người Ca-na-an thờ thần gọi là EL, nhất là thần Ba-al, thần sấm sét, bão bùng... và thần As-tar-tê, thần chinh chiến và sinh đẻ. Người Híp-ri tôn thờ Đức Chúa Gia-Vê, nhưng rất thường bị cám dỗ ngã theo các thần dục tính của người Ca-na-an sống trên vùng cao nguyên.

2. Đa-vít

            Lợi dụng tình trạng ba "cường quốc" miền Cận đông (người Hít-tít thực sự đã mất tích, Ai-cập và As-sy-rie) suy yếu, và dựa trên uy tín mình, Đa vít đã thành công đưa các bộ lạc lần lượt chấp nhận tôn mình làm vua, ở miền nam trước, rồi miền bắc. Ông chiếm thị trấn Gia-bu-sê, nằm giữa hai nhóm bộ lạc, đặt làm kinh đô Giê-ru-sa-lem. Điều này tạo cho Ít-ra-en một bối cảnh hoàn toàn mới. Về phương diện chính trị. Ít-ra-en đã có vua như các nước khác, nhưng cũng gây thắc mắc cho một số người : Giavê Thiên Chúa không là vua duy nhất sao ?

            Ngôn sứ Na-than giữ địa vị chủ chốt. Trong nghi lễ phong vương tại Ba-by-lone bên Ai-cập, vị chủ tế đọc trên vua lời sấm của quốc thần : "Con là con Ta, Ta là cha con". Qua trung gian của Na-than, Thiên Chúa tuyên bố thừa nhận nghi lễ ấy : ngày phong vương - con vua Đa-vít - tức là những người kế vị hợp pháp đều trở thành con Thiên Chúa.

            Ta hiểu rằng vua là khâm sai của Thiên Chúa, giữ vai trò chủ yếu. Ông chịu trách nhiệm về tiền đồ dân tộc trước mặt Thiên Chúa, mang biểu tượng thống nhất về chính trị và tôn giáo.

            Về phương diện tôn giáo, vua Đa-vít đã làm một việc có âm vang chính trị, với quyết định rước hòm bia giao ước về thủ đô. Hòm bia từ thời Xuất hành, vốn là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân mình. Khi đặt để hòm bia tại Giê-ru-sa-lem, nhà vua muốn gắn sự hiện diện của Thiên Chúa vào vương triều mình. Không lạ gì, khi nhiều tín đồ phản đối việc làm trên, vì xuất hiện nơi đây hai cách miêu tả Thiên Chúa : hoặc là ta có một Thiên Chúa tĩnh định, được đặt vào một nơi cố định mà vua và dân có thể đặt tay trên; hay là Thiên Chúa vẫn tự do, một Thiên Chúa hướng dẫn dân mình, một Thiên Chúa đi đâu tùy ý, một Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và hành động cách vô hình, không thể đoán trước được (đó là ý nghĩa lộ trình của hòm bia giao ước kể trong sách Sa-mu-en cuốn 1 chương 5-6). Và chính Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Na-than đã từ chối không cho vua Đa-vít xây đền thờ (2 Sa-mu-en 7).

            Về phương diện hành chánh, vua Đa-vít bắt đầu tổ chức quốc gia. Nhiều cơ quan, nhiều chức vụ được thiết lập như bộ quốc phòng, bộ thông tin, các tư tế, các văn phòng... (2 Sa-mu- en 8,16-18). Ông ra lệnh kiểm tra dân số nữa (2 Sa-mu-en 24).

            Về mặt ngoại giao, hành động của ông mang theo hậu quả tôn giáo. Sau mỗi lần chiến thắng, ông nhập tịch một số bộ lạc vào vương quốc; nhiều vương quốc khác lại triều cống cho ông. Khi thành những chư hầu, họ có thể thụ hưởng giao ước với Thiên Chúa. Các kinh sư biên chép lịch sử sẽ chứng tỏ rằng tính cách đại đồng đó đã được loan báo nơi thân thế tổ phụ A-bra-ham.

3. Vua Sa-lô-môn.

            Vua Sa-lô-môn thừa hưởng gia tài của vương phụ. Thông minh vốn sẳn tính trời (1 Vua 3), ông thực có tài cai trị, lợi dụng thời bình để tổ chức quốc gia. Hành chánh phát triển mạnh (1 Vua 4-5) : cả nước được chia ra làm 12 khu vực, có trách nhiệm cung cấp hàng tháng lương thực, nhân công cho những đại sự... Nhiều hí trường được xây dựng ở Mi-ghê-đô và nhiều nơi khác. Một hạm đội hải quân thống lãnh miền biển. Các hàng hóa từ cuộc doanh thương với Ai-cập, Sy-rie tuôn đổ về Giê-ru-sa-lem. Tại đây nhà vua đang lo xây cất một đền thờ vĩ đại cho Thiên Chúa của mình, và cả một cung điện nguy nga cho ông. Ông thực là bậc minh quân ! Nhưng...

            Cuối đời ông có những đám mây mù. Ông sống như một lãnh Chúa như các vua chúa thời đó chứ không còn là khâm sai của Thiên Chúa. Thánh Kinh chép ông có tới 700 thiếp, 300 nàng hầu... Có lẽ nhiều quá chăng ! Thực ra ông có nhiều vợ, (một trong số đó là con gái vua Pha-ra-ôn) đến từ nhiều quốc gia : mỗi bà đem thần mình theo và hiểm họa ngẫu tượng thật lớn. Nhà vua khai thác dân và nếu ông dẹp được nổi loạn khi còn sống, thì khi ông chết nó đã nổ tung. Con ông chính trị đã ngu độn, lại làm cớ cho việc phân chia vương quốc ra làm hai. Các bộ lạc miền bắc tách lìa. Vương quốc thống nhất chỉ kéo dài được 70 năm.

4. Hai vương quốc.

 Kể từ năm 930, rõ rệt có hai vương quốc :

- Vương quốc miền Nam - Giu-đa - với kinh đô là Giê-ru-sa-lem. Các vua trong vương quốc đều thuộc dòng dõi Đa-vít, được thừa hưởng lời hứa của ngôn sứ Na-than chuyển cho : Thánh nhân hay tội lỗi đều là con cái Thiên Chúa.

- Vương quốc miền Bắc hay Ít-ra-en với thủ đô Tir-ça và kế tiếp là Sa-ma-rie. Các vua không thuộc dòng dõi Đa-vít (8/19 vua bị ám sát). Thế nhưng vương quốc vẫn tiếp tục như đối tượng của Tình yêu Thiên Chúa (xem sách Hô-sê).

5. Khai sinh một nền văn chương.

Thuộc thời bình, vua Sa-lô-môn tổ chức triều đình theo kiểu các vua Ai cập Pha-ra-on, với các kinh sư bắt đầu biên soạn các truyền thống. Thánh Kinh có nhắc tới hai cuốn sách bị thất lạc : "sách người Công chính " và "sách các cuộc chiến của Giavê ". Chắc hẳn họ đã viết về câu chuyện về Hòm bia giao ước (1Sa-mu-en 2-5) và chuyện về các người thừa kế vua Đa-vít (2 Sa-mu-en 9-20). Các ông cũng thu thập các bài thơ : Bài thơ về cái cung và bài điếu văn Ab-ner do vua Đa-vít biên soạn (2 Sa-mu-en 1 và 3), có lẻ thêm một vài Thánh vịnh và tục ngữ được gom góp lại sau này thuộc sách Cách Ngôn.

II. Sách Sáng Thế.

Sách Sáng Thế mở đầu Lề Luật hay Ngũ Kinh thường được chia ra thành ba chu kỳ :

chu kỳ các nguồn gốc  từ chương 1 đến chương 11.

chu kỳ các tổ phụ  từ chương 12 đến chương 36. Trong đoạn này còn có thể chia ra chu kỳ A-bra-ham và I-sa-ac (12-26), và chu kỳ Gia-cóp và Ít-ra-en (27-36).

Truyện ông Giuse từ chương 37 đến chương 50, nhưng ngoại trừ ra chương 38 trình thuật về ông Giu-đa và các người con; và nhất là chương 49 là một bản văn thuộc loại thi ca về "Lời chúc lành của ông Gia-cóp".

1. Chu kỳ các nguồn gốc.

Chu kỳ này mở đầu vời điều nghịch lý vì không một ai là chứng nhân về hành động Thiên Chúa sáng tạo. Ngài là Đấng tạo thành trời đất như khung cảnh sống cho nhân loại (Sáng thế 1). Từ những chương đầu của Thánh Kinh, chúng ta dần dà khám phá qua các bản văn các thể loại văn chương và mệnh đề khác nhau, ngay cả cách nói về Thiên Chúa khác biệt như trong chương 2 và chương 3 các tác giả đã dùng rất nhiều thể loại nhân hình.

Trong chu kỳ này, chúng ta cũng có thể phân biệt những trình thuật xưa cổ cho dù rất khó biết được thời gian biên soạn, và những trình thuật theo truyền thống tư tế.

Các chương này không thuộc lịch sử nhưng thuộc thần học được diễn tả bằng hình. Bản văn nêu lên những câu hỏi hớn loài người đặt ra cho mình về sống chết, tình yêu và nguồn gốc. Tác giả trả lời theo đức tin của mình đặt nơi Thiên Chúa Ít-ra-en bằng cách lấy lại những yếu tố thần thoại.

Trình thuật bắt đầu trong lạc quan rồi rất nhanh lịch sử nhân loại xuất hiện như sự bất trung với Thiên Chúa và sự dữ lộng hành. Có tất cả 5 lần nói về lời chúc dữ (3,14-17; 4,11; 5,29; 9,25). Mỗi lần, Thiên Chúa đều tha thứ và hứa ơn cứu độ. Với trình thuật tháp Ba-bel (Sáng thế 11,1-9) ta có cảm tưởng nhân loại sống trong một thế giới không lối thoát, con người không còn hiểu nhau nữa. Lịch sử con người còn tương lai, còn hy vọng không ?

2. Chu kỳ A-bra-ham.

Chu kỳ mở ra trên một lời hứa hy vọng về hậu duệ ông A-bra-ham (Sáng thế 12,1-3). Toàn bộ chu kỳ được biên soạn từ những truyền thống huyền thoại nhằm đưa ra một giáo huấn cho dân tộc Ít-ra-en giờ đây đã định cư tại xứ Ca-na-an. A-bra-ham được coi như người quản thủ lời Thiên Chúa chúc lành cho muôn dân. Ông hành xử ra sao ?

xem Sáng thế 12,10-20 ?

Sáng thế 18, 16-33 ?

Sáng thế 22,15-18 ?

Có thể đọc thêm xem các tác giả Tân ước lấy lại cách nào về khuôn mặt A-bra-ham : xem Tin mừng Gio-an 3,8; thư gửi Do thái 11, 8 tiếp theo... 

3. Đọc trình thuật quan trọng : Sáng thế 12,1-3.

1. ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram : "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc."

Trình thuật trên trả lời lại cách nào cho trình thuật Sáng thế  từ chương 3 đến chương 11 ? Lưu ý những đảo lộn giữa 11,4 và 12,2.

Những từ nào trong bản văn coi như quan trọng và được dùng đi dùng lại tất cả mấy lần ?

Từ "dân tộc" thường chỉ định một dân có tổ chức và định cư trên một giải đất.

Đọc thêm  Sáng thế 12,6-9 và xem Thiên Chúa hứa thêm điều gì mới cho ông Áp-ram (câu 7) ?

Ông Áp-ram đi qua đất ấy, đến nơi gọi là Si-khem, đến cây Sồi Mô-re. Thời bấy giờ, người Ca-na-an đang ở trong đất ấy. 7 ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ram và phán: "Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi." Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA, Đấng đã hiện ra với ông. 8 Từ chỗ ấy, ông sang miền núi, ở phía đông Bết Ên. Ông cắm lều giữa Bết Ên ở phía tây và Ai ở phía đông. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA và ông kêu cầu danh ĐỨC CHÚA. 9 Rồi ông đi từ chặng nọ qua chặng kia đến miền Ne-ghép".

4. A-bra-ham dâng I-sa-ac làm lễ tế (Sáng thế 22,1-19).

Đọc lại trình thuật trong Thánh Kinh và chú ý đến vai trò của câu 1 : "Thiên Chúa thử lòng". Trình thuật này được biên soạn dựa vào môt trình thuật xưa cổ diễn đạt ý Thiên Chúa không muốn lễ tế các con trẻ như đã đôi lần xảy ra được ghi trong lại sách 2Vua 16,3; nhưng điều đó vẫn chưa phải là việc thiết yếu.

Thiên Chúa đòi hỏi A-bra-ham điều gì ? Làm cách nào ông đáp trả lại Thiên Chúa ?

5. Chu kỳ Gia-cóp.

Giống như chu kỳ A-bra-ham, chúng ta đang ở trong loại trình thuật nói về tổ tiên dân tộc Ít-ra-en. Những truyền thống về hai chi tộc  Gia-cóp và Ít-ra-en khác nhau. Tác giả đã trộn lẩn hai tên họ này vào thành một nhân vật trở thành cháu nội của ông A-bra-ham.

Đọc Sáng thế 28,13-16 : Thiên Chúa hứa với Gia-cóp.

Sáng thế 32,23-33 : Trong cuộc vật lộn với Thiên Chúa, Gia-cóp nhận tên gọi là Ít-ra-en. Nên coi các chú thích trong Thánh Kinh về đoạn văn nổi tiếng này.

6. Truyện ông Giuse.

Giuse là con ông Gia-cóp và là tổ phụ hai chi họ Ma-nas-sê và Ê-phra-im. Truyện ông Giuse hầu như xảy ra trên xứ Ai cập là câu chuyện một người bị anh em ruồng bỏ nhưng trở thành như tấm gương về sự thành công về phương diện chính trị. Cuộc đời ngoại lệ thực ra được Thiên Chúa điều khiển ban cho sự khôn ngoan của Ngài dành cho một người bị bách hại. Từ một cái xấu có thể nảy sinh ra một điều tốt như lời ông Giuse nói với anh em của mình : "chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em" (Sáng thế 45,5).

7. Đọc trình thuật Sáng tạo : Sáng thế 2,4 – 3,24.

I. Sáng Thế 2 -3 và giòng văn Gia-Vít.

Truyền thống Gia-vít với ký hiệu quốc tế là chữ "J" (chữ đầu của từ Jahviste) . Các nhà chú giải gọi truyền thống Gia-vít vì ngay từ sách Sáng Thế, nguời ta khám phá tác giả giòng văn này gọi Thiên Chúa bằng "Gia-vê". Giòng văn chương này được hoàn thành vào khoảng triều đại vua Sa-lô-môn, hoặc được soạn ra ít lâu sau đó với các thầy Ký lục trong Vương quốc Giu-đa với ít nhất hai đặc điểm như sau :

- giòng văn của Gia-vít rất cụ thể, gợi hình và thơ mộng. Ví dụ trong Sáng thế 2, khung cảnh và môi truờng mà Thiên Chúa sửa soạn cho con người (2,6).

- thường nhân cách hoá Thiên Chúa. (St 2,7.21)

- vấn đề thừa kế giữ một chổ quan trọng, hiện tượng báo trước sự thừa kế của triều đại. Khác với truyền thống "P" ở bối cảnh, vì dân Do thái chưa bị lưu đày, nhưng người dân đang sống dưới thời vua Sa-lô-môn ở Giê-ru-sa-lem.

Đọc lại lịch sử Do thái, chúng ta biết biến cố Xuất hành đưa dân Do thái khỏi vòng nô lệ của người Ai-cập và được Mô-sê giải phóng trở về cư ngụ tại đất Ca-na-an đã được hơn 200 năm. Vào khoảng năm 1000, Ầa-vít đã thành công trong việc đặt vương quyền. ìng chọn lựa Giê-ru-sa-lem làm thủ đô và gom lại tất cả các bộ tộc ở hai miềm Nam Bắc. Giờ đây, con ông là Sa-lô-môn nắm quyền kế vị và dân Do thái sống một thời gian dài an bình. cuộc sống rất sung túc và toàn dân hạnh phúc.

Dân đang sống trong thời bình và hoạt động văn chương cũng được phát triển mau lẹ trong triều Giê-ru-sa-lem. Những ký lục viết lại những biến cố xảy ra trong vương quốc. Họ tổng hợp những lề luật, đi tìm những trình thuật cổ, những kinh nguyện, những văn thơ...Nhóm ký lục mang hoài bão viết lại lịch sử dân Do thái. Vì những vị này là những người có lòng tin như số đông dân chúng, nên họ nghĩ đến một lịch sử thánh. Tất cả tin rằng Thiên Chúa chính là người lèo lái lịch sử của họ, vì vậy họ đi về quá khứ để tìm nguồn gốc của mình. Khi ta hỏi một người Do thái lịch sử dân tộc của họ bắt đầu từ đâu. Họ sẽ không ngần ngại trả lời từ biến cố Xuất hành. Biến cố lịch sử nay trước tiên là trang sử hiển hách của Thiên Chúa. Ngài đã ra tay và giải thoát họ khỏi cuộc đời nô lệ.

Nhưng trước biến cố Xuất hành thì sao ? Các ký lục trả lời câu hỏi này bằng cách đi tìm nguồn sử liệu nơi những câu chuyện cổ, và tổng hợp kết thành câu chuyện về các tổ phụ từ A-bra-ham cho đến miêu duệ của ông. Nếu còn đi ngược lên xa hơn nữa về quá khứ, các ký lục gặp phải khó khăn khi phải trả lời câu hỏi nhân loại đến từ đâu và bắt đầu từ lúc nào ? Thật vậy, cho đến giờ họ chỉ viết lại lịch sử của dân tộc Do thái và tin rằng Thiên Chúa luôn trung thành với họ; vì thế Ngài đã tạo dựng nhân loại như chính Ngài đã lập nên dân Do thái. Tóm lại, các ký lục đã suy tư từ biến cố Xuất hành : Thiên Chúa đã lập nên dân của Ngài trong sa mạc bằng cách giải thoát họ hỏi nô lệ. Ngài cho họ một xứ màu mỡ là Ca-na-an với những lề luật. Nếu như họ nghe theo Ngài thì sẽ được hạnh phúc, bằng không họ có nguy cơ bị sa thải. Các ký lục từ những ý chính này đã nghĩ rằng Thiên Chúa cũng hành động như thế lúc khởi thủy nhân loại : Ngài tạo dựng con người, đặt họ vào trong một khu vườn màu mỡ và cho họ một giới luật. Nếu họ vâng theo thỉ sẽ được hạnh phúc trong đó, bằng không họ sẽ bị đuổi ra.

Vì vậy, Sáng thế 2 thuộc truyền thống "J" được soạn ở thế kỷ IX trước Công nguyên. Và dù là trình thuật nằm sau trình thuật sáng tạo 1, nhưng chúng ta thấy bản văn này cũ xưa hơn Sáng thế 1. Những câu hỏi tác gia đặt ra khi biên soạn đọan văn này là "tại sao có đau khổ và sự chết ?", hoặc "tại sao điều cám dỗ bất trung xảy ra trong lúc hạnh phúc đang ở thời kỳ đẹp nhất ?"

Trình thuật này bao gồm từ sáng thế 2,4b cho đến 3,24. Chúng ta thấy cách phân chia  chương và câu trong Thánh kinh từ thời Trung cổ nhiều khi không chính xác lắm. Thánh Kinh được chia thành chương vào năm 1226 do đề nghị của ông Etienne Langton; và vào năm 1551 nhà in Robert Estienne, trong một chuyến du hành từ Lyon về Paris bằng xe thổ mộ đã đánh số từng câu Thánh Kinh. Sự phân chia thành từng chương và thành từng câu của hai người kể trên nhiều khi không thích hợp với ý nghĩa bản văn. Chúng ta thấy ngay ví dụ nơi sự phân chia giữa trình thuật sáng tạo 1 (1,1-2,4a) và bài sáng tạo 2 (2,4b-3,24). Sự phân chia giữa Sáng Thế 2 và Sáng Thế 3 cũng còn là một vấn đề nữa : chúng ta phải cắt câu cuối của Sáng Thế 2 ở câu 2,24 hay câu 2,25. Thánh kinh TOB (bản dịch Phong Trào Đại Kết) để câu 25 vào với chương 3 (2,25-3,1-24 : Khỏi vườn Ê-đen); ngược lại Thánh kinh bản dịch Trường Thánh kinh Giê-ru-sa-lem (BJ) nối câu 25 vào chương 2.

Như chúng ta đã nói ở trên, trình thuật về vườn địa đàng bao gồm từ 2,4b đến 3,24 cùng một đơn vị văn chương, nhưng bao gồm hai câu chuyện đối chiếu nhau :

- Sáng thế 2,4b-3,24 nói về vườn địa đàng và sự hài hoà trong cuộc sống con người.

- Sáng Thế 2,25-3,24 là phản đề cắt đứt sự hài hoà đó.

Chương Thánh Kinh Sáng Thế 2,25-3,24 đã dùng đến nhiều hình ảnh làm cho người đọc dễ nhớ. Tác giả đã viết theo thể loại văn chương thần thoại để nói lên thân phận con người; vì thế đây là một suy tư thần học về nguồn gốc sự dữ luôn luôn hiện diện trong cuộc sống nhân loại. Khi nói đến thể loại văn chương thần thoại, chúng ta thường cho đó là những chuyện bịa đặt và không có thật. Thần thoại là những suy tư hồn nhiên của loài người về số phận, về tương lai và nội dung thường phản ảnh những khát vọng của họ trong cuộc chiến với thiên nhiên. Những vấn nạn lớn của cuộc sống thường được nêu ra như : Vũ trụ con người bởi đâu mà có ? Tại sao có đau khổ và chết chóc ?  Các tác giả sách Sáng Thế đã lấy lại những thần thoại với ánh sáng niềm tin của họ ở một Thiên Chúa duy nhất, can thiệp vào lịch sử nhân loại và muốn cho họ được tự do. Vì vậy hình ảnh văn chương "thần thoại" là cách diễn tả mà chúng ta cũng thường thấy nơi các dân tộc sống trong vùng Trung Đông cổ như bản "Anh hùng ca A-tra-Ha-sis", "Anh hùng ca Gil-ga-mesh" hay "Anh hùng ca A-da-pa".

II. Con người bị cám dỗ và sa ngã.

            [Sáng thế 3,1] Trong phần này, chúng ta thấy có con rắn xuất hiện. Trong thần thoại, con rắn giữ rất nhiều vai trò. Trong nền văn hoá Hy lạp, con rắn được thần Es-cu-lap là thần thầy thuốc đeo trên cổ, vì vậy nó trở thành dấu hiệu của nền y khoa. Và ngày nay chúng ta vẫn còn thấy hình con rắn để trước các tiệm thuốc Tây. Hình ảnh trên dù sao cũng còn tính cách tích cực. Bước sang Trung Đông, nó mang hình ảnh tiêu cực hơn : Bên Ai cập, con rắn đã chiến đấu suốt đêm chống thần mặt trời và làm cho mặt trời không mọc lại được. Tại Ca-na-an, nó biểu tượng tình dục. Theo "Anh hùng ca Gil-ga-mesh", con rắn đã ăn trộm cây trường sinh. ta thấy hình ảnh con rắn mang cái gì xấu xa, tối tăm. Đó là lý do tại sao tác giả Sáng thế chọn con rắn. Lý do này mang ý nghĩa thần học nhiều hơn. Sự có mặt của con rắn không giải thích tại sao có sự dữ nhưng giúp ta suy nghĩ đến điều đó. Tội ác, sự dữ không phải là sự kiện của Thiên Chúa vì tất cả những việc do Người sáng tạo đều tốt đẹp. Con người cũng không hoàn toàn mang trách nhiệm về sự dữ, những điều này không đến từ bên trong họ, không là thành phần bản tính của họ. Theo tác giả Sáng thế, sự dữ đến từ bên ngoài, vì thế con nguời chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của mình mà thôi. Chúng ta thấy trong trình thuật, con rắn tìm cách đến gần con người và nó lựa người đàn bà trước tiên. Sự lựa chọn này mang ít nhất hai ý nghĩa : thứ nhất vì người đàn bà là nhân vật yếu ớt; thứ hai vì người đàn bà là tạo vật được Thiên Chúa dựng nên sau hết và cũng là hoàn hão nhất, nên cũng từ đó sự phá hoại về công trình sáng tạo được khởi đầu.

Nơi sách Sáng thế chương 2,16 Thiên chúa nói với con người : "hết mọi trái cây trong vườn ngươi được phép ăn..." Nơi chương 3,1 con rắn lại nói ngược :"có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?". Con rắn đặt điều cấm đoán lên trước tiên và cố tình quên ân huệ của Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa trong đoạn này như một người cấm đoán, chứ không phải là người cho phép.

            [Sáng thế 3,2-3] Sự cám dỗ trong đoạn này bắt đầu bằng một sự lừa dối của con rắn và gợi lên bên trong con người mối nghi ngờ. Qua câu hỏi gợi chuyện của con rắn, người đàn bà cố gắng trả lời : "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : Các ngươi không được ăn, không được động tối, kẻo phải chết" (St 3,2). Thiên Chúa chỉ cấm ăn có một cây mà thôi và cây này được chỉ định một cách khác thuờng; không còn là cây "biết điều thiện điều ác" nhưng chỉ là "cây ở giữa vườn". Câu trả lời cho thấy người đàn bà đã bắt đầu bị cám dỗ, nhưng bà chưa dám ăn vì thế bà lại nêu ra điều Thiên Chúa cấm thay vì thú nhận lòng ước muốn của bà.

[Sáng thế 3,4-5] Thấy người đàn bà sắp siêu lòng, con rắn tiếp tục : "chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác". Chủ đề con rắn nêu ra ở đây là một chủ đề quen thuộc trong văn hóa vùng Trung Đông cổ : các thần ghen tị với loài người. Áp dụng vào đây tức là Thiên Chúa muốn giữ riêng cho Người cái đặc quyền về sự trường sinh bất tử.

[Sáng thế 3,6-7] Sự cám dỗ vẫn tiếp tục dấy động trong lòng người đàn bà và bà thấy thật sự trái cây trên đó ngon và đẹp mắt. Bà đã chọn lựa và kéo theo người đàn ông vi phạm. Từ đây mọi chuyện đều chuyển hướng. Sự lựa chọn của con người rất quan trọng vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và có hoàn toàn tự do để dấn thân sâu thẳm theo những gì họ làm. Dù chỉ là một tạo vật, con người đã tự quyết định cho mình cái hạnh phúc và đau khổ. Họ tự cắt đứt lìa bỏ Thiên Chúa và tự cảm thấy mình được tự do.

[Sáng thế 3,8-11] Khôn ngoan mà con người tưởng chừng lấy được, giờ đây chỉ để lại cho họ sự trần truồng. Hai người thấy rõ họ chỉ là con người với cái giới hạn đánh dấu bởi sự khác biệt ngay giữa họ với nhau. Con người lại có họ với con rắn vì hai từ "trần truồng" (arumim) (St 3,10-11) và "xảo quyệt"(arum) (St 3,1) trong tiếng Híp ri mang cùng một gốc. Sự trần truồng diễn tả cái túng quẫn tột cùng. Cả người nam và người nữ tự khép mình trong cái yếu hèn và mong manh. Mối tương quan giữa họ với nhau, và giữa họ với Thiên Chúa bị rối loạn. Họ mất đi sự tự nhiên và đơn sơ thuở ban đầu như lời sách Sáng thế 2,25 ghi : "con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau."

[Sáng thế 3,12-13] Theo tác giả Thánh kinh, tội lỗi bẻ gãy tình liên đới giữa người với người, giữa nguời với thiên nhiên. Họ tưởng làm chủ vũ trụ nhưng họ chỉ phá hủy thêm mà thôi. Đời con người từ đây đánh dấu bởi nhiều sự dứt đoạn và lương tâm họ bị phân chia. Họ đã làm cho thế giới hỗn loạn, thiếu nhân bản, tuyệt vọng và chết chóc.

III. Hậu quả của việc sa ngã.

[Sáng thế 3,14-15] Con rắn biểu tượng cho điều dữ và bị án "phải bò bằng bụng và ăn bụi đất". Đó là thái độ thấp kém. Qua sự kết án, tác giả Gia-vít cũng một lúc cho rằng tội lỗi con người có liên hệ với sự tôn thờ ngẫu tượng. Quan trọng hơn nữa là sự kết án con rắn phải chết qua sự kiện dòng dõi người nữ đạp dẹp đầu.

Con người cũng bị kết án nhưng không phải là án tử. Mối thù giữa nguời đàn bà và con rắn đã được mọi thế hệ thuộc Kitô giáo coi như là lời tiên báo về Đấng Mê-si-a. Chúa Kitô sinh ra từ một người Nữ đã chiến thắng sự dữ. Vì thế đọan này cũng thường được gọi là "Tiền Tin Mừng hay Tin Mừng khởi thủy". Khi viết đoạn này, tác giả Thánh Kinh chắc chắn không biết dưới hình thức nào niềm hy vọng Thiên sai sẽ được thực hiện. Đoạn văn không bị đóng nhưng được mở rộng, cho nên sau này mới được chú thích theo chiều kích Kitô giáo.

[Sáng thế 3,16-19] Tất cả đoạn này được coi như là bản án dành cho con người. Đây là suy tư về những điều tác giả đã cảm nghiệm trong cuộc sống : sự sinh đẻ, công việc cực nhọc để kiếm sinh nhai, mối tương quan giữa người nam và người nữ, mối tương quan giữa con người với vũ trụ và nhất là với cái chết. Tất cả điều này đều được đánh dấu bằng sự khổ đau. Vì vậy tác giả không thể tránh đặt câu hỏi đau khổ từ đâu mà ra.

            Ông đã biết rất nhiều thần thoại trong các tôn giáo và cố gắng trả lời câu hỏi trên. Trong các truyện thần thoại, bình thường các thần ghen tị với con người. Các thần giữ cho họ đặc quyền về sự bất tử, ví dụ như "Anh hùng ca Gil-ga-mesh". Gil-ga-mesh là anh hùng thành Ou-rouk. Một hôm anh muốn đi tìm dấu vết của "cây sự sống". Cây này trước đây được các thần trao cho tổ phụ của anh là Ut-na-pish-tim. Gil-ga-mesh đã vượt qua các tầng lớp nước và lừa các vị thần để đánh cắp "cây sự sống". Khi lấy được nó, Gil-ga-mesh lại để bị cướp mất. Trong khi Gil-ga-mesh ngủ, con rắn đến và ăn mất đi "cây sự sống". Chúng ta thấy ngay trong câu truyện thần thoại trên có những điểm tương đồng với bản văn Sáng thế 3. Tác giả Thánh Kinh không kết án Thiên Chúa như các vị thần trong thần thoại. Đối với ông, thân phận đau khổ của con người do hậu quả tội lỗi chính họ gây ra chứ không phải vì Thiên Chúa ghen tương với con người. Công trình sáng tạo do Thiên Chúa làm rất là tốt đẹp, nhưng khi đụng phải cái giới hạn làm người, chúng ta khám phá ra cái giới hạn của tất cả những gì không phải là Thiên Chúa.

[Sáng thế 3,20-24] Đoạn cuối bản văn mang dấu niềm hy vọng không bị tội lỗi đánh mất. Thứ nhất, người đàn bà được đặt tên là "E-và" có nghĩa là "sống động". Linh mục Nguyễn Thế Thuấn chú giải là "bà sống, mẹ các sinh linh". Cuộc sống vẫn tiếp tục dù con người đã sa ngã và biết được cái giới hạn của mình.

Câu 22-23 "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi". Câu này mang dấu vết lấy từ những truyện thần thoại của dân ngoại. Ý nghĩa câu văn chỉ muốn nói con người là tạo vật sẽ chết. Thiên Chúa không ngăn nỗi con người giữ khoảng cách với cây biết thiện ác. Người đánh dấu từ đây cái khác biệt giữa Thiên Chúa với loài người bằng cách cấm hẳn họ không còn đạt tới được cây trường sinh.

Cuối cùng con người bị trục xuất khỏi vườn "Ê-đen" và có thiên thần Kê-ru-bim với lưỡi gươm sáng loé đứng canh giữ (St 3,24). Tác giả Thánh Kinh lại mượn hình ảnh này thuộc truyền thống Lưỡng Hà địa. Theo huyền thoại đông phương, Kê-ru-bim là những tạo vật kinh khủng. Mang thân mình con bò với đôi cánh và một đầu người, những tạo vật này có phận sự canh giữ đền thờ. Truyền thống Do Thái cho rằng Kê-ru-bim là những thiên thần, chầu chực bên ngai Thiên Chúa. Lưỡi gươm là lưỡi sét còn được gọi lửa của Thiên Chúa biểu hiện thần linh đe dọa tất cả những ai vượt qua quyền hạn của họ.

Tóm lại, theo Tác giả Gia-vít, chương Sáng thế 3,1-24 muốn nói đến điều dữ xâm nhập vào thế gian. Tác giả nhìn ngay vào con người thời của ông, biết có đau khổ và chết. ìng tìm ý nghĩa về những điều đó. Con người mang trách nhiệm về hành động của mình, nhất là họ cũng có phần trách nhiệm quan trọng về điều dữ, về đau khổ của nhân loại trong thế giới. Văn bản Thánh Kinh Sáng thế 3 diễn đạt rõ ràng như chứng từ đầu tiên về lương tâm nhân loại. Nó khẳng định tính cách luân lý chủ yếu cho mọi họat động của loài nguời; cũng như cái tự do tương đối khi họ làm trong mọi quyết định. Đồng thời cũng nói lên thân phận con người được thấy như bất thường nhưng chính họ tự mang lấy trách nhiệm. Dù ở đây họ bị sức mạnh điều dữ ảnh hưởng biểu hiện qua con rắn, nhưng thế nào đi nữa thì con người cũng còn đủ trách nhiệm đối với những hành vi và những lựa chọn riêng. Dầu sao chúng ta cũng thấy, Sáng thế 3 không nói rõ gì về nguồn gốc sự dữ nhưng tác giả văn bản chỉ ghi nhận tội ác xấu xa như một sự kiện trong thế giới loài người. Ông cũng khẳng định ít nhất hai điều quan trọng : con người có quyền lựa chọn nghe hay không nghe lời Thiên Chúa mời gọi; và sự dữ hiện diện trong thế giới ngay trong cuộc sống của con người. Dựa vào hai điều đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vấn đề "Tội tổ tông".

IV. Tội Tổ Tông.

            Trình thuật Sáng Thế 3 thường được coi như văn bản nói về "tội tổ tông". Đúng hơn ở đây chúng ta nên nói là "tội A-đam" nghĩa là "biến cố nguyên gốc" khơi mào lịch sử nhân loại tội lỗi. Vì thế, trình thuật Sáng thế nói đến "tội nguyên tổ" đúng hơn là "tội tổ tông". Chúng ta có thể nói gì hơn về "tội của A-đam" Trình thuật Sáng thế 3 trình bày tội như việc loài người bất tuân lệnh Thiên Chúa, họ lợi dụng đặc quyền Thiên Chúa trao ban là sự tự do. Nhiều tác gỉa muốn tìm hiểu rõ hơn về bản tính tội trên. Nếu đọc trình thuật theo nghĩa từng chữ thì hai nguyên tổ đã ăn một trái cây; việc này đưa đến kết luận họ mang tội tham ăn. Truyền thống cho rằng họ đã ăn trái táo và cây biết thiện biết ác trở thành cây táo. Việc này không do ngẫu nhiên mà ra, nhưng thực sự có lầm lẫn đến từ tiếng La tinh. Theo La tinh, "sự dữ, điều xấu = malum" và "trái táo cũng là malum", và sự lầm lẫm này cũng có thể đến từ cách chơi chữ trong câu thơ lục văn : "Mala mali malo mala contulit omnia mundo" có nghĩa là "qua hàm trái táo xấu xa, mang mọi xấu xa đến trong thế giới". Những ai chấp nhận tính cách biểu tượng của trình thuật thì cố gắng giải thích xem những biểu tượng trong đó mang ý nghĩa gì. Nhất là bản văn có nói đến 3 lần về sự trần truồng (3,7.10.11) và trong trình thuật "Thử thách", tác giả còn nói rõ "vì thế mà đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác" (2,24). Vì thế, một số Giáo phụ, các Rabbi Do thái giáo và ngay cả một số nhà Phân tâm học hiện đại giải thích "tội A-đam" là tội mang bản tính sinh dục. Trong phần phân tích, những từ đó có nghĩa rộng hơn là thuộc phạm vi tính dục. Trần truồng biểu tượng những giới hạn. Ngoài ra cũng có tác giả giải thích những biểu tượng trên như sự ám chỉ về việc tôn thờ ngẫu tượng màu mỡ và con rắn giữ vai trò đặc biệt (xem Ngôn sứ Giê-rê-mi-a 44,15-19).

            Với nhiều hình ảnh phong phú, dầu sao ý nghĩa trình thuật Sáng thế 3 cũng rất rõ ràng. Người nam và người nữ tìm kiếm điều mà họ nghĩ cây giữa vườn có thể mang đến cho họ tức là "biết thiện biết ác". Họ muốn được hiểu biết, có quyền trên mọi sự và hy vọng trở nên giống Thiên Chúa. Họ không chấp nhận cái giới hạn thân phận làm nguời. Chúng ta thấy trình thuật này không nói gì đến "tội tổ tông" nhưng chỉ cho biết thân phận loải người phổ quát, và cách nào loài người đã hành động từ xưa, ở ngày hôm nay và cả trong tương lai. Bản văn chỉ muốn nêu cách xữ sự của chúng đến mọi người.

            Cụm từ "tội tổ tông" chỉ được được biết đến hồi thế kỷ thứ IV do Thánh Au-gus-ti-nô dùng đầu tiên. Theo ông, tội tổ tông di truyền đến nhân loại qua ngã truyền sinh. Vì vậy khi sinh ra mọi người đều mắc tội, và cũng vì thế mà các trẻ sơ sinh phải được đem đến lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Cụm từ này chỉ định thân phận tội lỗi không do kết quả bởi tội cá nhân ta gây ra, nhưng chạm đến mọi người từ lúc khởi đầu cuộc sống của chúng ta. Tội lỗi ở đây chỉ định một trạng thái tiêu cực thân phận bẩm sinh loài người.

            Nhưng người ta tìm thấy những dấu vết trước đó liên quan đến vấn đề này trong một số thư của Thánh Phaolô. Đoạn nói rõ hơn hết có lẽ là đoạn thư thánh nhân gửi giáo đoàn Rô-ma. Thánh Phaolô cho rằng Tin Mừng là một sứ mạnh cứu rỗi phổ quát, và tất cả mọi người đều được hưởng. Tội lỗi cũng là một thực tại phổ quát và tất cả mọi nguời đều tội lỗi. Thánh Phaolô đặt song song ở đây ân sủng và tội lỗi. Và để tôn trọng công trình của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc duy nhất, Thánh Phaolô khẳng định : "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nê sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. (...) Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một nguời duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người."(Rô-ma 5,12.15). Qua đoạn trích dẩn, chúng ta thấy Thánh Phaolô lý luận bằng cách đi ngược về quá khứ và đối chọi giữa A-đam và Đức Kitô. Ngài rao truyền ở đây ơn cứu độ bắt đầu với Chúa Kitô chứ không phải đặt hệ thống cho vấn đề Tội tổ tông. Nhưng qua việc truyền rao thần học cứu rỗi nơi con nguời Chúa Kitô, chúng ta cũng được Thánh Phaolô cho thấy vấn đề tội lỗi.

            Việc so sánh giữa Chúa Kitô và A-đam cũng được Thánh Phaolô nói đến trong thư gửi thứ nhất giáo đoàn Cô-rin-tô : "Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì moi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống" (15,22); và nơi một đoạn khác : "con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống" (15,45). Qua những đoạn trích dẫn cho thấy Thánh Phaolô rất trung thành với tư tuởng đến từ Sáng thế 3. Hai nguyên tổ truyền hai sức sống khác nhau cho loài người. Nhân loại được trình bày như đến từ A-đam nhưng họ thừa hưởng một cuộc sống đau khổ, ngược Chúa Kitô là A-đam cuối cùng cho một cuộc sống thật. ển cứu độ cho con người thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Bước sang thế kỷ thứ XVI, Công đồng Tren-tô (1545-1563) khóa V ngày 17/6/1546 đã ban bố sắc luật về "tội tổ tông" và khẳng định tội lỗi của A-đam đã truyền cho nhân loại nhưng không di truyền qua ngã truyền sinh như Thánh Au-gus-ti-nô dạy, và tội tổ tông cũng chỉ được xóa bỏ với bí tích thanh tẩy. Con người không mất ý chí tự do. Với Công đồng Tren-tô, tư tưởng đã khác với những gì đến từ Thánh Phaolô vì chúng ta không còn thấy mối liên hệ giữa A-đam và Chúa Kitô, nhưng giờ đây mọi người sinh ra đều mang tội tổ tông.

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo xuất bản năm 1993, nơi mục bảy nói về sự sa ngã và trong tiết 3 đặc biệt về tội nguyên khai triển với những chủ đề : tự do giữa thử thách; lần đầu con nguời phạm tội; hậu quả tội A-đam trên nhân loại; cuộc chiến gian khổ. Chúng ta có thể tóm tắt tiết mục này như sau : "Giáo lý của Giáo Hội về tội tổ tông truyền được xác quyết vào thế kỷ thứ V, đặc biệt được thôi thúc do suy nghĩ của Thánh Au-gus-ti-nô chống lại trào lưu Pe-la-gi-o; và vào thế kỷ thứ XVI trong giáo lý chống lại giáo phái cải cách. Pe-la-gi-o quyết đoán : do khả năng tự nhiên của ý chí tự do, không cần ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, con người có thể sống đạo đức tốt đẹp. Như thế ông giản lược ảnh hưởng lỗi lầm của A-đam thành ảnh hưởng của gương xấu. Ngược lại, những người cải cách đầu tiên dạy : con người triệt để đã bị hư hoại và nguyên tội đã xoá hết tự do con người. Họ đồng hoá tội tổ tông truyền nơi mỗi người với khuynh hướng dục vọng không thể tránh thoát. Đối lại, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt bày tỏ ý kiến về ý nghĩa của dữ kiện mặc khải liên hệ đến nguyên tội tại Công đồng O-ran-ge 2, năm 529 và Công đồng Tren-tô năm 1546"...

"Do tội mình, vì là người đầu tiên A-đam đã đánh mất ơn thánh thiện và công chính nguyên thủy do Thiên Chúa ban, không riêng cho ông nhưng cho cả nhân loại. A-đam và E-va đã truyền nhân tính bị thương tích do tội phạm lần đầu cho con cháu. Vì thế các ngài đã để mất ơn thánh thiện và công chính nguyên thủy. Cuộc mất này được mệnh danh là "tội nguyên". Do hậu quả nguyên tội, bản tính con người thành yếu đuối, lụy phục sự dốt nát, nỗi đau và quyền lực của thần chết, hướng chiều về tội lỗi (khuynh hướng này gọi là dục vọng). Cùng với Công đồng Tren-tô, chúng tôi xác quyết : tội nguyên được truyền lại cùng với bản tính người, không do mô phỏng nhưng do sinh sản. Như thế tội nguyên cũng là tội mỗi người."

Tóm lại, bình thường khi nói đến "tội" chúng ta nghĩ đến như một hành động cắt đứt lià xa Thiên Chúa mà mình thực hiện với đầy đủ ý thức tự do; trong trường hợp "tội tổ tông" như ta thấy được giải thích ở phần trên thì nó thuộc "bản tính" con người tức là tình trạng khiếm khuyết tự nhiên do một tội riêng gây ra và truyền lại.

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art